Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Hãy cài đặt lại quan hệ Việt-Trung

Nguyễn Ngọc Trường
Vừa rồi, Chu Thân Minh (Zhu Zhenming), một cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á (Trung Quốc), viết bình luận trên Thời báo Hoàn cầu, nhan đề “Cần đưa quan hệ Trung-Việt trở lại quỹ đạo”. Tác giả này cho rằng “Việt Nam và Trung Quốc, cả hai nước đều là xã hội chủ nghĩa, kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mang màu sắc của mỗi nước. Cả hai cùng chia sẽ lý tưởng giống nhau và tương lai của hai nước gắn kết với nhau”. 
Viết trên một tờ báo tiếng Anh, phải chăng tác giả muốn gửi lời nhắn nhủ ấy tới người Việt Nam? Vậy thì đã lỗi thời rồi kể từ sự kiện ngày 1/5/2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngày 21/6, Trung Quốc lại hạ đặt giàn khoan Nam Hải số 9 và đưa tàu khảo sát vật lý địa cầu hoạt động tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa phân định.
Những điều mà “đồng chí xã hội chủ nghĩa chia sẻ lý tưởng giống nhau” mà tác giả nghĩ rằng người Trung Quốc có điểm chung với người Việt Nam thực chất là cái gì?
Để phục vụ cho các mục tiêu đối nội và đối ngoại của ban lãnh đạo Bắc Kinh, các “đồng chí Trung Quốc cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa” đã không ngần ngại chọn Việt Nam - một nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm nơi thực hiện bước đột phá mới trong chiến lược Biển Đông bằng các hành vi khiêu khích và gây hấn nghiêm trọng. Chỉ có thể gọi nó là kiểu “đồng chí cưỡng bức”.
Theo chuyên gia người Pháp Valérie Niquet - phụ trách Ban châu Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược (FRS), viết trên nhật báo Công giáo La Croix (Pháp), chế độ Bắc Kinh đang xây dựng tính chính đáng dựa trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc, điều được gọi là thực hiện giấc mơ về một nước Trung Quốc được phục hưng. Những tham vọng về một nước lớn đó được dùng để bảo vệ tính chính đáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giải thích tại sao Trung Quốc rất hung hăng với các nước láng giềng. Chuyên gia người Pháp này nhấn mạnh, các vấn đề về tài nguyên, lãnh thổ, năng lượng và thủy sản chỉ là cái cớ.
Bắc Kinh đã ra khỏi thời kỳ “dấu mình chờ thời”. Cái cây “trỗi dậy hòa bình” và “thế giới hài hòa” che phủ cho sự trỗi dậy ngày càng mang khuynh hướng bá quyền và cường quyền đã rụng hết lá. Cụm từ “trỗi dậy hòa bình” từ năm 2004 được phát triển thành chủ thuyết “phát triển hòa bình”. Nó được đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (2012), nêu rõ: “Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền dưới bất cứ hình thức nào, không bao giờ xưng bá, không bao giờ bành trướng”.  Lời khẳng định này nhắc lại một tuyên bố tương tự tại Báo cáo chính trị của Đảng này tại Đại hội 17 (2007).
Các chủ thuyết đối ngoại có tên gọi “hòa bình” đã kết thúc cùng với thời đại Hồ Cẩm Đào. Ban lãnh đạo thế hệ thứ 5 dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình nôn nóng giải những nhiệm vụ chiến lược mới bằng cách khai thác các thời cơ bên ngoài để xoa dịu những thách thức trong nước. Mới đây, ngày 28/6, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc nói trong một hội nghị toàn quốc, kêu gọi Trung Quốc tăng cường phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ gay gắt với các nước láng giềng.

Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa

Tại Biển Đông, mục tiêu giai đoạn mới của Trung Quốc là chiếm hữu trên thực tế, khai thác trên thực địa. Đưa giàn khoan vào tất nhiên là để thăm dò và khai thác dầu khí. Nhưng cùng với dầu khí là ý đồ chiếm hữu vùng biển tranh chấp, hiện thực hóa đường lưỡi bò. Vừa rồi, đường 9 đoạn còn được vẽ lên thành 10 đoạn. Nó cho thấy sự ngang ngược xem Biển Đông như vùng biển riêng của “sân sau” Trung Quốc.
Nó còn là một phần của chiến lược rộng lớn hơn, cùng với việc xây dựng đảo nhân tạo ở vùng Gạc Ma, Chữ Thập nhằm tiến tới thiết lập vùng nhận dạng bay (ADIZ) ở Biển Đông, thiết lập “trật tự Trung Hoa” tại vùng biển quan trọng này.
Cùng với quá trình đó, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam. Từ xoa dịu và lôi kéo sang cưỡng bức và khuất phục. Việc Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và vùng đặc quyền kinh tế của mình trong vùng biển phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 bị Bắc Kinh xem là một chướng ngại cho việc độc chiếm Biển Đông.
Trong khi bảo vệ các quyền lợi biển chính đáng, Việt Nam không nên mắc mưu Trung Quốc làm rối loạn bàn cờ chiến lược phát triển của mình. Cần cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở mới lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm nền tảng. Từ nền tảng đó mà xác định kiểu quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với Trung Quốc.
Đối sách của Việt Nam có thể nêu thành phương châm 20 chữ: Tranh chấp cứ tranh chấp, đấu tranh cứ đấu tranh, đàm phán cứ đàm phán, hợp tác cứ hợp tác.
Đồng thời, cần củng cố và mở rộng các lựa chọn chiến lược đối ngoại có  trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với vị trí địa-chiến lược của nước ta. Cần sắp xếp lại ngôi nhà kinh tế của mình./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét