Flappy Bird: Điều gì là "kẻ thù" của tài năng?
Thói thường, thành công của người khác hay được chêm vào hai chữ may mắn nhằm làm giảm bớt đi giá trị của tài năng
Vậy là cha đẻ của Flappy Bird đã không đùa, anh đã gỡ bỏ đứa con của mình khỏi các kho ứng dụng trực tuyến chỉ sau chín tháng tồn tại ngắn ngủi. Đi kèm theo đó là lời giải thích, bởi game đình đám của anh đã vô tình "trở thành một sản phẩm gây nghiện", "một rắc rối" và để giải quyết rắc rối này, cách tốt nhất chính là hạ xuống.
... Thời gian chỉ chín tháng nhưng đã kịp cho Flappy Bird vỗ cánh bay lên tạo ra một cơn sốt, kịp cho cái tên Việt Nam xuất hiện trên các diễn đàn lớn về công nghệ và (có thể) đã giúp Nguyễn Hà Đông thu về một tài sản kếch xù.
Rất nhiều đồn đoán đã được đưa ra và phân tích...
Nhưng có lẽ, với những gì đã diễn ra và những gì tác giả tâm sự trên trang cá nhân cũng phần nào hé lộ nguyên nhân cho quyết định của chàng trai nhiều khả năng về công nghệ nhưng lại ít kinh nghiệm với truyền thông này.
Cộng đồng đã chơi game của Nguyễn Hà Đông miễn phí một cách rất vô tư và hào hứng cho đến khi anh trót dại tiết lộ mức thu nhập khủng thì người ta bắt đầu quay lại "gato" với anh về số tiền thật ra chẳng phải của mình!
Nguyễn Hà Đông và chú chim đang nổi sóng dư luận |
Tất cả mọi chuyện liên quan đến Flappy Bird ngay lập tức được đưa lên bàn mổ xẻ, và cái tên Nguyễn Hà Đông được choàng cho một loạt các rắc rối pháp lý như ăp cắp bản quyền, đạo game, có nộp thuế không, bao nhiêu...
Rồi tóm lại là sự thành công, sự nổi tiếng quá nhanh, quá bất ngờ đó tất cả là do may mắn...
Tiền hô hậu ủng, Tổng cục thuế cũng "phải bắt tay ngay vào rà soát để đảm bảo không thất thu thuế cũng như sự công bằng với những người đang nộp thuế khác".
Thật là một phản ứng rất phù hợp, rất trách nhiệm. Giá như việc thu thuế của các nghệ sỹ hay của các doanh nghiệp FDI đang có dấu hiệu chuyển giá cũng được như vậy thì tốt biết bao!
Khi những người được coi là "bị vi phạm" chưa có thông báo chính thức nào về việc sẽ tham gia vào một cuộc chiến pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình thì dường như truyền thông và độc giả, kể cả cơ quan công quyền trong nước đã tập trung đánh hội đồng tác giả và khiến Nguyễn Hà Đông phải ngả mũ hạ... game, như chính lời cảm thán của anh "Tôi không thể chịu nổi điều này nữa!"
Thói thường, thành công của người khác hay được chêm vào hai chữ may mắn nhằm làm giảm bớt đi giá trị của tài năng. Có thể, nhưng chẳng có ai may mắn nếu như hoàn toàn không làm gì cả.
Và trong nhiều trường hợp, mọi ranh giới đều bị xóa mờ, khi sự thành công và nổi tiếng được đo bằng lượng người dùng. Đó là khả năng thu hút đặc biệt của sản phẩm đối với số đông mà không phải sản phẩm cùng loại nào cũng có được. Bạn có quyền không "like", nhưng bạn cũng đừng nên bài xích, bởi đơn giản bạn không thuộc về số đông đó mà thôi.
Một sản phẩm có thể là của một cá nhân, một tổ chức, nhưng khi vượt ra khỏi biên giới, đó sẽ là sản phẩm của một quốc gia.
Thay vì "ném đá", tại sao chúng ta không tôn vinh, bảo vệ, nếu cứ như vậy thì còn ai muốn vượt ra khỏi biên giới để chúng ta có cái mà tự hào nữa không? Và để đến mức Nguyễn Hà Đông phải gỡ bỏ game xuống thì chẳng phải là chưa đánh đã hàng hay sao?
"Đông ơi, đừng sợ!"
Nhưng nếu đúng là chỉ vì những rắc rối pháp lý đang được thổi phồng thái quá thì có lẽ Nguyễn Hải Đông nên cân nhắc lại quyết định của mình.
Bản quyền ư, cơ sở pháp lý đầu tiên để những người được coi là "bị vi phạm" có thể khởi kiện là đã đăng ký kiểu dáng ống khói cho game Super Mario và còn thời hạn bảo hộ. Thông thường thời hạn bảo hộ từ 15 đến 20 năm, tùy nước. Được biết game Super Mario được viết năm 1985, nếu có đăng ký bản quyền thì cũng "biết em có còn?"
Sau khi có trong tay bằng độc quyền còn thời hạn bảo hộ, nguyên đơn sẽ phải chứng minh thiệt hại của việc vi phạm làm cơ sở để xác định mức bồi thường. Điều này không hề đơn giản, khi mà game Super Mario dường như đã rơi vào thế hệ "một thời đã xa" với giới trẻ bây giờ, chẳng biết còn khả năng sinh lời nữa hay không, đó là chưa kể đến việc game này không có ứng dụng cho điện thoại. Căn cứ nào để xác định thiệt hại?
Một vấn đề nữa có liên quan đến pháp lý là việc nộp thuế thu nhập cá nhân cho khoản thu nhập khủng (nếu có) trên tại Việt Nam. Đây chỉ là một thủ tục hành chính, Nguyễn Hà Đông có thể tự mình đăng ký kê khai và nộp thuế hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Chúng ta đều biết rằng sự thành công, sự nổi tiếng rất khó tránh khỏi những thị phi và "đáo tụng đình" đã trở thành một phần của thế giới nhiều đan xen này.
Cho nên, "Đông ơi, đừng sợ!". Và có lẽ điều cần thiết đối với dân công nghệ thường khá kín tiếng bây giờ là tìm cho mình một đại diện và/hoặc một luật sư, bạn sẽ thấy mọi việc thật ra cũng bình thường, bình thường như cái cách mà bạn đã tạo ra Flappy Bird vậy!
Mong rằng Nguyễn Hà Đông sẽ có những quyết định mang tính "tương tác" nhiều hơn là "khép phòng văn hì hục viết, nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày".
Chủ đề: Flappy Bird: Điều gì là "kẻ thù" của tài năng?http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/160976/flappy-bird--dieu-gi-la--ke-thu--cua-tai-nang-.html
Người Việt có câu nói cửa miệng: CHỮ TÀI ĐI VỚI CHỮ TAI( tai họa ) MỘT VẦN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét