Theo những nhà quan sát thế giới, it ra trong một thập niên các quốc gia Đông Nam Á thường né tránh loan tin về mưu đồ và những lộng hành của Hoa Lục tại Biển Đông kể cả những nạn nhân trực tiếp như Việt Nam và Phi Luật Tân và người đối đầu là Hoa Kỳ. Thậm chí mới đây khi hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật chỉ cách bờ biển Mã Lai 80 cây số mà chính quyền Mã Lai cũng “giả bộ” nói rằng không hay biết gì hết. Sở dĩ có chuyện nghịch thường như vậy là vì sức mạnh quân sự của Hoa Lục quá lớn, nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam và kể cả Hoa Kỳ đều sống dựa vào ngọai thương với Hoa Lục.
Đụng tới tới Hoa Lục là đụng tới mạng sống của chính mình. Thế giới ngày nay nhu cầu tiêu thụ của con người gia tăng khủng khiếp. Khi kinh tế suy thóai, thị trường chứng khóan mất điểm, thất nghiệp lan tràn… thì chính quyền nào cũng xụp đổ cho nên mọi ưu tiên phải dành cho kinh tế.
Chính vì nắm được “vũ khí mềm” ấy mà Hoa Lục tự tung tự tác khiến ngay siêu cường như Hoa Kỳ muốn động thủ cũng phải giải thích lòng vòng là không có ý “kiềm chế” Hoa Lục.
Đây là cuộc đối đầu phức tạp và nhiêu khê chưa từng thấy trong lịch sử nhân lọai- phó sản của trào lưu tòan cầu hóa.
Tòan cầu hóa mới đầu tưởng là lý tưởng cho nhân lọai. Nhưng sau một thời gian thử thách, tòan cầu hóa không có nghĩa là “hòa bình hóa tòan cầu” mà cạnh tranh để sống còn (như Tây Âu, Nhật Bản), phát triển (như các nước nhỏ) vươn lên (như Hoa Lục) và giữ địa vị siêu cường (như Hoa Kỳ) càng khốc liệt hơn nữa.
Trước đây khi Phi Luật Tân đưa vấn đề Đường Lưỡi Bò ra Tóa Án Quốc Tế về luật biển và ký thỏa hiệp quân sự với Hoa Kỳ vào ngày 27/4/2014 thì Phi Luật Tân trở thành “tiền đồn” chống Trung Quốc tại Á Châu.
Ngày nay do biến cố giàn khoan Haiyang 981 Việt Nam trở thành đối đầu trực tiếp với Hoa Lục và vô tình trở thành đồng minh với Phi Luật Tân và làm giảm nhẹ áp lực hoặc chia xẻ áp lực với Phi Luật Tân và cũng giảm nhẹ áp lực cho Nhật Bản ở Senkaku.
Phi Luật Tân và Nhật Bản mừng quá! Khi cựu thủ tướng Anh Tony Blair thăm Việt Nam vào cuối năm 2013 trong vai trò dường như cố vấn đầu tư, ông có nói rằng Việt Nam cần phát huy vai trò chủ động ở Đông Nam Á.
Nay do lịch sử xô đẩy vào bước đường cùng, Việt Nam từ giã con đường nhẫn nhục, tự chế để mưu cầu hòa bình và cũng để mua thời gian hầu phát triển sức mạnh quân sự… VN đã chấp nhận đối đầu.
Hành động này khiến Nam Dương ấm lòng. Lời tuyên bố khá mạnh mẽ của ngọai trưởng Indonesia về vụ giàn khoan Haiyang 981 mới đây cho thấy Nam Dương đã lợi dụng cơ hội nói lên mối lo sợ về một nguy cơ bị uy hiếp bởi hải quân Trung Quốc ám ảnh Indonesia từ lâu.
Trong khi đó Mã Lai, Thái Lan và Kampuchia hòan toàn giữ im lặng chỉ vì các quốc gia này sống dựa vào viện trợ hoặc ngọai thương với Hoa Lục.
Điều này cho thấy ASEAN có thể đòan kết trong một vấn đề nào đó, nhưng khó đòan kết trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Cường độ va chạm tại giàn khoan Haiyang981 từ ngày 1/5/2014 tới này không hề suy giảm. Phóng viên quốc tế được tàu Việt Nam đưa tới đây để làm phóng sự. Lực lượng bảo vệ của Trung Quốc từ 80 tàu nay tăng lên 130 và sẽ còn tăng nữa nếu Việt Nam tăng cường sự hiện diện tại vùng này.
Đây là cuộc đối đầu sinh tử của Việt Nam. Bởi vì cho dù Hoa Lục có rút giàn khoan ra khỏi vùng thì cũng chỉ là “bước lùi chiến thuật” và Hoa Lục cứ vẫn là siêu cường và không rụng một cọng lông chân. Nhưng nếu Việt Nam rút lui thì chủ quyền trên biển của Việt Nam lâm nguy...từ từ mất hết.
Trận này cũng giống như trận chiến trên Sông Tô Nguyệt của Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo và Đống Đa của Vua Quang Trung …nếu thua thì mất nước.
Dĩ nhiên ai cũng thấy Việt Nam ở trong thế “châu chấu đá xe” so về sức mạnh dân số, kinh tế và quân sự cũng giống như thời Hai Bà Trưng và các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn mà thôi.
Thế nhưng Hoa Lục có những nhược điểm chí tử:
Thứ nhất: Dư luận thế giới hòan tòan đứng về phía Việt Nam cả về mặt chính nghĩa lẫn pháp lý chủ quyền. Trung Quốc càng ngày càng bộc lộ bộ mặt hiếu chiến và xâm lược. Bảng hiệu “trỗi dậy trong hòa bình” đã bị hoen ố và biến thành “trỗi dậy để bành trướng”.
Lời tuyên bố của Phó Tổng Thống Joe Biden trong cuộc gặp gỡ tướng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa ngày 16/5/2014,
“Thái độ của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp biển đảo là nguy hiểm và khiêu khích và cấn phải chấm dứt.”
là tuyên bố rất mạnh mẽ. Hoa Lục không nên coi thường lời tuyên bố của một phó tổng thống Hoa Kỳ.
Thứ hai: Thời gian hòan tòan bất lợi cho Hoa Lục. Thông qua lịch sử, không biết người Trung Hoa còn nhớ Việt Nam không phải là một đối thủ “dễ nuốt” không? Nếu Việt Nam “chấp nhận thương đau” và kiên trì bám biển thì Hoa Lục cứ mãi lún sâu vào cuộc xung đột khu vực từ từ biến thành xung đột tòan cầu mà theo các nhà phân tích thế giới, sẽ vô cùng bất lợi cho Hoa Lục về cả hai mặt ngọai giao và ngọai thương.
Cứ thử tưởng tượng số lượng tàu chiến và trực thăng mỗi ngày mỗi gia tăng từ hai phía trên hải lộ quốc tế thì theo như lời của Ô. Nguyễn Tấn Dũng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN 2014 vừa qua: “tình hình an ninh hàng hải quốc tế lẫn hòa binh Á Châu bị đe dọa”.
Cũng xin nhớ cho Hoa Kỳ làm nhiều nói ít. Chắc chắn tàu chiến, tàu ngầm của Mỹ đã hiện diện tại vùng này. Ấy là chưa kể máy bay không người lái cất cánh từ Phi Luật Tân thường xuyên giám sát Biển Đông và chia xẻ tin tức với Việt Nam. Bề ngòai thì Việt Nam có vẻ như đơn độc nhưng bên trong Việt Nam có những đồng minh ngấm ngầm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và Nga.
Không ai muốn Hoa Lục thắng trong trận chiến liên quan đến vận mệnh Á Châu này. lý do dễ hiểu vì không ai muốn Hoa Lục làm chủ Biển Đông.
Thứ ba: Nếu không có biến cố giàn khoan Haiyang 981, nếu chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Trường Sa là bãi chiến trường.
Nhưng nếu chiến tranh nổ ra vào lúc này thì giàn khoan Haiyang 198 là bãi chiến trường khiến Hoa Lục ở vào thế phòng ngự.
Không lý do gi Trung Quốc để giàn khoan bị đánh sập cho nên phải bảo vệ bằng mọi giá trong khi giàn khoan không tự bảo vệ lấy mình.
Đó là thế bất lợi của hải quân Trung Quốc. Cũng có thể Trung Quốc sẽ rút giàn khoan trước khi gây chiến để không gây lúng túng cho hải quân.
Dầu sao nếu không có sự hiện diện của HKMH Liêu Ninh thì Trung Quốc không dám gây sự với Việt Nam vì hải quân và không quân Việt Nam xuất phát từ Cam Ranh, Khánh Hòa và Đà Nẵng và hệ thống hỏa tiễn phòng thủ bờ biển sẽ gây cho Hoa Lục những tổn thất nặng nề. Nhưng nếu Hoa Lục đưa HKMH vào Biển Đông thì đó là dấu hiệu mạnh mẽ nhất của chiến tranh. Lúc đó có thể Hoa Kỳ sẽ phải đưa HKMH Washington tới để “cân bằng lực lượng”. Sự thể lúc đó diễn biến không ai lường trước được.
Kết Luận:
Hiện nay theo sự phỏng đóan của các bình luận gia thế giới thì Việt Nam và Trung Quốc đang ở vào giai đọan chiến tranh cân não và tranh thủ dư luận thế giới.
Chắc chắn không có chiến tranh nổ ra trên Biển Đông. Những lời tuyên bố cứng rắn của Ngọai Trưởng Vương Nghị cũng như của Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Phòng Phong Huy bề ngòai thì như vậy, nhưng bên trong không thể không có những suy tính lợi-hại cho tham vọng lớn lao và lâu dài của Trung Quốc. Quả bóng đang ở trong chân Trung Quốc.
Theo tôi, vấn đề là làm thế nào để Hoa Lục rút giàn khoan ra mà không mất mặt. Đó là bài tóan khó bởi vì các nhà chiến lược hoặc lãnh đạo Hoa Lục luôn luôn tư đặt mình vào vị thế khó khăn, nhiều khi không lối thóat. Sự kiên trì bám biển của Việt Nam là điều kiện ắt có, nhưng sức mạnh và quyết tâm của Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề cực kỳ quan trọng cho tương lai của Á Châu.
Trong trận này Hoa Kỳ lùi cũng không được đúng như nhận định của tờ Washington Post mới đây. Nó là giới hạn cuối cùng để thế giới thấy:
Nếu Việt Nam thua chỉ vì thế giới không can thiệp thì bằng sức mạnh mềm Trung Quốc chỉ cần đưa gìàn khoan tới để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trên biển- tức làm chủ Biển Đôngmà không cần phải tốn một viên đạn.
Đó là cơn ác mộng không phải cho các nước Đông Nam Á mà cho cả Hoa Kỳ. Xin nhớ cho nhiều thất bại quân sự và chính trị trên thế giới xảy ra
không phải vì mình yếu mà chỉ vì mình do dự, không quyết đóan.
Riêng mối bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ hòa hoãn như trước nữa. Việt Nam chỉ còn con đường duy nhất là tăng cường sức mạnh quân sự trên không, trên biển và hiện đại hóa lực lượng cánh sát biển như lời khuyên của Chuẩn Đô Đốc Pascal Ausseur.
Do yếu tố địa lý chiến lược, Việt Nam chủ trương sống chung hòa bình, không khiêu khích hay gây chiến với Hoa Lục nhưng quân sự phải đủ mạnh dể giáng trả bất cứ cuộc xâm lấn nào của “ông bạn láng giềng gian ác” lúc nào cũng muốn nuốt chửng Việt Nam hoặc lấn dần đất (biển) để làm bàn đạp tiến xuống phía Nam.
Trong trận chiến này Việt Nam thắng là huề vì Đường Lưỡi Bò vẫn còn đó. Còn Hoa Lục có rút giàn khoan đi thì chỉ là bước lùi chiến thuật và chẳng mất mát gì. Nếu các chiến lược gia Trung Quốc đủ khôn ngoan thì phải thấy Việt Nam không phải là mối lo về an ninh cho Trung Quốc.
Các căn cứ quân sự của Mỹ tại Phi Luật Tân mới là mối an nguy trước mắt và lâu dài của Trung Quốc. Chẳng lẽ trái núi trước mặt không thấy mà lại nhìn thấy sợi tơ bay lơ lửng trên trời? Vì mục tiêu và tham vọng lâu dài, có lẽ Hoa Lục sẽ phải tinh chuyện “lui bình” mà thôi.
Đào Văn Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét