Huyền thoại đánh roi đi quyền của lão võ sư Bình Định
Quần nhau với heo rừng một buổi, cuối cùng võ sư Phan Thọ dùng đòn gánh đập chết con thú. Gặp sĩ quan Hàn Quốc, ông trổ ngón tấn mã tam chiến hạ nốc ao đối thủ.
Lão võ sư Phan Thọ, người được mệnh danh là huyền thoại làng võ Bình Định, vừa qua đời ở tuổi 89 tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.
Võ sư Phan Thọ được xem là nguồn tư liệu sống về võ cổ truyền Bình Định. Sinh thời, ông là người thừa kế di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh, giữ lửa cho làng quyền An Vinh trên 200 năm tuổi.
Có rất nhiều giai thoại, câu chuyện kể về cuộc đời và những thăng trầm trong nghề võ của lão sư Phan Thọ. Khi nói về ông, người ta nghĩ đến một võ sư tinh thông thập bát ban binh khí (18 môn binh khí). Vốn liếng võ nghệ của ông là kết tinh đỉnh cao của ba làng võ An Vinh, An Thái, Thuận Truyền nức tiếng của Bình Định xưa kia.
Lão võ sư Phan Thọ sinh năm 1926, người xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định). Ông chính thức theo nghiệp võ từ tuổi 17, môn võ đầu tiên mà ông học là quyền An Vinh. Dù thông thuộc 18 ban binh khí, nhưng quyền An Vinh là môn võ sở trường của võ sư, gắn với nó là những giai thoại tỷ thí để đời của ông.
Võ sư Phan Thọ và chiêu “độc xà thám nguyệt”, nghĩa là con rắn thăm dò khuôn trăng. Chiêu thức cúi hụp người xuống để né đòn của đối phương, sau đó húc vào hạ bộ quật ngã đối phương tuyệt đối. Đây là một trong những tuyệt chiêu của lão võ sư, 3 lần hạ các võ sĩ Hàn Quốc. Ảnh tư liệu.
|
18 năm học võ, bao phen bán bò, bán ruộng... theo nghiệp, ông được nhiều thầy võ nổi tiếng chỉ dạy. Các môn quyền, roi, kiếm, đao, thương, ông học thầy Nguyễn An (Bảy Lụt) và Diệp Trường Phát (Tàu Sáu). Các môn kích, giản, phủ, chùy, bồ cào, lăn khiên, ông học thầy Lê Hải (Sáu Hà) và Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ). Các môn côn, thước, dây xích, xà mâu, chấn thiên cung, độc bút, chỉa ba, ông học thầy Hồ Nhu (Hồ Ngạnh)...
Có hai giai thoại về tỷ võ gắn liền với tên tuổi và cuộc đời của ông Thọ sau này. Thứ nhất là giai thoại về việc ông một mình dùng quyền đánh thú dữ. Nhiều người cùng thời kể, khi võ sư Phan Thọ còn là chàng trai trẻ, ông đã giúp bà con trong làng đánh heo rừng bảo vệ mùa gặt. Khi đó, người làng báo tin có heo rừng phá hoại mùa màng, quấy nhiễu dân. Lão sư Phan Thọ nghe tin không kịp mặc áo, vớ lấy cây đòn gánh chạy ra đồng.
Đòn gánh của lão sư không phải đơn thuần như bao đòn gánh khác, nó được làm từ nguyên một gốc tre. Cuộc tử chiến ác liệt giữa người và mãnh thú diễn ra. Con heo hung hăng húc vào ông, còn ông lanh lẹ né tránh đồng thời vung những đòn búa bổ vào đầu, vào lưng nó. Dân làng kéo ra xem đông như trẩy hội, nhưng ông ra hiệu đừng có vào giúp, vì sợ vướng víu. Cứ thế, người và heo quần nhau cho đến tận chiều tà. Trước khi mặt trời lặn, ông cẩn thận nện vào đầu nó một phát nữa, rồi ra hiệu cho dân làng kéo heo về. Kỷ niệm cuộc chiến sinh tử để đời đó của ông là bộ răng nanh dài quá khổ của dã thú, mà đến nay ông vẫn còn lưu giữ.
Năm 1972, lão sư Phan Thọ hạ một võ sĩ taekwondo đệ ngũ huyền đẳng của Nam Hàn (nay là Hàn Quốc). Theo lời võ sư lúc còn sống, thời đó nghe danh ông là võ sĩ nổi tiếng ở Bình Định, một võ sĩ taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai mặc áo sĩ quan Nam Hàn tìm đến tận nhà thách đấu. Ông nhận lời, mời khách ra đòn trước. Không khách khí, viên sĩ quan nọ tung tiền một cước, ông lách mình, cú đá trúng vào cây cột cái làm rung chuyển cả ngôi nhà. Giữ thế thủ đến chiêu thứ ba cũng là lúc cú đá của viên sĩ quan nọ quét ngang mặt, ông liền giở ngón tấn mã tam chiến, một chân quét ngựa, một tay đỡ đòn, tay kia xòe hổ trảo hạ địa tầm châu, hạ địch thủ nốc ao trong nháy mắt.
Võ sư Phan Thọ dạy học trò các thế võ, khi ông còn sống. Ảnh tư liệu.
|
Năm 1988, khi lão võ sư ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, một đoàn võ sư Nhật Bản đến thách đấu cùng ông. Tuổi già, lão sư từ chối tỷ thí nhưng đối phương nhất định không bỏ qua. Sau khi bị ông hạ gục bằng đường quyền An Vinh nức tiếng, đối phương mới chấp tay bái lạy: “Võ Tây Sơn, Bình Định danh bất hư truyền, xin chỉ giáo”.
Không chỉ nổi tiếng với giai thoại để đời, võ sư Phan Thọ còn là người thầy giỏi vừa truyền nghệ vừa truyền lòng nhân, tinh thần nghĩa hiệp cho học trò. Ông lập võ đường Phan Thọ truyền dạy quyền An Vinh và 18 môn binh khí của võ cổ truyền xuất phát từ thời phong trào nông dân Tây Sơn (thập bát ban binh khí), gồm quyền, roi, siêu, kiếm, đao, độc tiên (tức khăn xéo), thương, kích, giảng, thủ, chùy, mỏ gẩy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chĩa và trống thiên cung.
Thầy Phan Thọ nổi tiếng nghiêm khắc. Sinh thời ông vẫn nói: “Cái mà tui luôn dạy cho lớp con cháu là phải hiểu cội rễ sâu xa của võ thuật, đó chính là lòng nhân từ và tinh thần nghĩa hiệp”. Chính vì thế, lớp học trò hậu thế của ông thành danh rất nhiều, tiếp nối ông giữ lửa cho quyền An Vinh và giữ gìn thập bát ban binh khí. Các con của lão võ sư vẫn theo nghiệp cha nhưng đến nay vẫn chưa có ai là truyền nhân thực thụ của ông.
Minh Thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét