Ông Trần Xuân Giá: 'Nỗi đau bào mòn sức khỏe ghê gớm'
Bên trong phòng bệnh, ông Trần Xuân Giá chia sẻ: “Hôm nay mình đã đỡ hơn nhiều. Hai ngày trước mình còn không ngồi dậy được”.
Tôi không có cơ hội được tiếp xúc với ông khi ông còn tại vị ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư lẫn khi ông nắm cương vị Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng ACB. Chỉ đến khi Bầu Kiên bị bắt, tôi mới có dịp tiếp xúc với ông cũng như nghe ông chia sẻ về sự liên quan của ông tới vụ án được coi là “đại án tham nhũng”.
Và cuộc gặp hiếm hoi đó cũng đã cách đây hơn 6 tháng, một khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng chẳng đủ dài để khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tin “ông Trần Xuân Giá vắng mặt tại phiên tòa do bị bệnh”.
Chúng tôi đến thăm vị nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT vào một buổi chiều tối ngay sau ngày phiên xét xử Bầu Kiên bị hoãn với lý do ông bị ốm. Thấy chúng tôi ngoài cửa, ông nhận ra luôn và cười chào. Vừa chỉ vào chỗ ghế bên cạnh mình mời chúng tôi ngồi cạnh, ông vừa chia sẻ: “Hôm nay mình đã đỡ hơn nhiều. Hai ngày trước mình còn không ngồi dậy được”. Bên cạnh ông, một chiếc máy tính bảng và trên bàn là cuốn sách mới được xuất bản về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Người bất tử”.
Ông Trần Xuân Giá cùng tác giả bài báo trong buổi trao đổi.
|
Rồi ông quay sang người bạn đời của mình nói: “Em pha cho anh ấm nước để mời các nhà báo”. “Anh – em”, ông vẫn giữ thói quen như vậy khi xưng hô với vợ dù hai ông bà đã qua cái tuổi xưa nay hiếm. Khi một anh bạn tôi tôi hỏi: “Nếu không bị ốm, ông có sẵn sàng tham dự phiên tòa hay không?”, ông Trần Xuân Giá quay sang và ngạc nhiên nói: “Sao cậu lại hỏi như vậy? Mình đã chuẩn bị rất kỹ trước khi dự phiên tòa. Ngày chủ nhật, 13/4, mình đã ngồi 7 giờ đồng hồ với luật sư để chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra tại tòa, những câu hỏi có thể từ HĐXX đặt ra và thậm chí chuẩn bị cả lời phát biểu sau cùng trước tòa. Và chính bản thân mình cũng đã có đơn đề nghị hoãn phiên tòa bởi không thể xử mà vắng mặt mình”.
Sau khi nhấp môi ngụm nước lọc, ông Trần Xuân Giá chia sẻ: “Cách đây 3 năm, mình có mổ ung thư đại tràng và đó là khoảng thời gian chưa đủ dài để mình có yên tâm. Hôm trước mình đau quá, phải nhập viện nên không đến dự phiên tòa được và mình đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Buổi trưa hôm qua, có mấy cán bộ điều tra đến viện để liên hệ với bệnh viện xem mình có phải là bệnh thật không. Bây giờ, các bác sỹ đang làm các xét nghiệm để có thể mổ tiếp”.
Ông Trần Xuân Giá nói tiếp: "Có bệnh thì phải chữa. Có bệnh chữa được, có bệnh không chữa được. Không chữa được mà phải về với tổ tiên thì mình cũng chẳng có gì phải phàn nàn, ân hận vì với tư cách là một con người, một công dân mình đã làm tròn thậm chí nói quá lên một chút mình đã làm tròn trên mức trung bình của xã hội nghĩa vụ của một người dân yêu nước. Còn nỗi đau tinh thần đã kéo dài 20 tháng hiện đang ở giai đoạn cuối. Nỗi đau này "bào mòn sức khoẻ ghê gớm". Trụ được cho đến ngày này là nhờ người thân, nhất là người bạn đời trên cả tuyệt vời, là những đứa con trai, con gái dâu rể thông minh, sống có bản lĩnh, sống tự lập, là những đứa cháu luôn coi ông như bạn bè, là những anh chị em, bà con trong nhà... chống đỡ. Và rồi là bạn bè, đồng nghiệp, đồng sự, học trò cũ,... đặc biệt là rất rất đông các nhà báo luôn bên cạnh...".
Qua câu chuyện với ông, chúng tôi biết ông luôn coi việc bị cơ quan điều tra khởi tố và truy tố ra trước pháp luật là một nỗi đau về tinh thần và ông khẳng định: “Xin hoãn phiên tòa không phải là mình muốn đẩy lùi phiên xét xử đâu, có ai lại muốn nỗi đau kéo dài?”
Ông luôn cho rằng mình vô tội và không làm điều gì sai trái để bản thân, người thân, bạn bè phải hổ thẹn... Ông cũng cho hay: “Đã có 5 lần mình viết đơn chính thức cộng lại cũng trên cả trăm trang giấy A4 để bác bỏ toàn bộ các cáo buộc nêu trong các bản Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra cũng như được nêu trong các bản Cáo trang của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”.
Một người trong nhóm đến thăm ông, buột miệng hỏi môt cấu rất không đúng lúc về dự Luật Đầu tư công đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thế là ông nói một hơi rất dài, không ai nỡ ngăn và có thể ngăn lại được. Sợ ông mệt và nhìn nét mặt ông đang mệt thật, vợ ông nhắc khẽ: "Nói ngắn thôi anh, anh mệt lắm rồi". Ông gạt đi ngay: "Để anh nói hết ý". Thế là ông tiếp tục câu chuyện về quản lý kinh tế, về Luât Đầu tư công...
Ông tâm sự: "Mình cũng có lỗi lớn khi còn làm Bộ trưởng Bộ KH & ĐT bởi Luật Đầu tư công đã được đặt ra, nhưng làm không cương quyết đến nay còn nằm trong dự thảo là quá chậm. Chậm không phải vì vướng về kỷ thuật soạn thảo luật mà vướng về quan điểm phát triển...".
"Mình luôn giữ quan điểm Nhà nước không kinh doanh, kể cả những ngành nghề có vẻ mang lại lợi nhuận cao như rượu, bia, nhà hàng, khách sạn... Nhà nước chỉ đầu tư vào những nơi rất cần cho phát triển đất nước, rất cần cho bảo vệ đất nước mà tư nhân trong và ngoài nước không muốn hoặc không thể làm được... Mình cũng rất băn khoăn khi vẫn còn một luồng ý kiến cho rằng không nên tính khoản tiền vay cho đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước không tính vào đầu tư công, coi đây là khoản doanh nghiệp nhà nước "tự vay, tự trả", nhà nước không cần phải giám sát nghiêm ngặt. Đây thực sự là một quan niệm sai lầm.
Trên thế giới không ai quan niệm như vậy. Mình nhớ mãi một sự kiện, đầu những năm 90, một công ty tàu biển quốc doanh ở Hải Phòng nợ nước ngoài quá hạn mà không trả đươc, trong khi đó một chiếc tàu của công ty quốc doanh khác của TP. Hồ Chí Minh cập cảng nước nói trên, liền bị nước sở tại bắt giữ con tàu để xiết nợ. Chứng minh mãi rằng đây là hai công ty tàu biển hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì đến nhau, nhưng họ đâu có nghe, họ cho rằng đây là tài sản của nhà nước Việt Nam!”, " ông Trần Xuân Giá nói.
Câu chuyện cứ thế kéo dài và dường như không có điểm dừng.... Khi nói về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước hình như ông quên hết mình đang trải qua hai nỗi đau về thể xác và tinh thần. Lúc này tôi chợt nhớ tới câu trả lời rất thật lòng của ông khi chúng tôi đặt câu hỏi trong lần gặp trước: “Tại sao bác không nghỉ làm việc luôn, “vui thú điền viên” cùng con cháu khi đã về hưu như những vị quan chức khác mà lại nhận lời làm việc cho một Ngân hàng?”. Câu trả lời của ông khi đó là: “Đi làm, đương nhiên với mình không phải vì thu nhập bởi nếu vì thu nhập thì mình làm nơi khác (nơi khác ngân hàng ACB – PV) thì thu nhập cao hơn nhiều. Tôi đi làm vì muốn sống dài hơn. Nếu không đi làm thì người sẽ ì ra, có hoạt động trí não một cách liên tục thì sẽ kéo dài được tuổi thọ. Tôi đi làm ở một khu vực “nhạy cảm” như ngân hàng để có thêm những kinh nghiệm, từ đó có thể đóng góp thêm phần nào đó trong việc hoàn thiện Luật Doanh nghiệp”.
Câu chuyện đời, chuyện nghề của ông với chúng tôi chỉ kết thúc khi anh bạn tôi đi cùng nhận chuông điện thoại báo có thư đến rồi thông báo với ông tin Thủ tướng có quyết định dừng đăng cai Asiad 18. Ông nhoẻn miệng cười và nói: “Thủ tướng quyết định rất đúng. Bản thân mình thấy, đất nước còn rất nhiều lĩnh vực phải đầu tư. Mà con số 150 triệu đô la thì làm sao mà đủ được, thực tế có khi gấp 10 lần như thế”.
Trước khi chia tay chúng tôi ra về, ông hỏi thăm về vợ con của từng người rồi thay lời chào, ông chúc sức khỏe mọi người và tiễn chúng tôi ra cửa phòng bệnh. Ngoái nhìn lại, qua ô kính ở cửa phòng, tôi thấy dáng ông ấy đang chậm bước tiến về chiếc giường bệnh với tấm khăn ga trắng muốt.
(Theo Tri thức trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét