Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

giải pháp hậu giàn khoan


http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/%E2%80%9Cp-down%E2%80%9D-giai-phap-hau-gian-khoan :

BÀI NÀY LẠ, XIN GỬI THAM KHẢO

“P&DOWN” - giải pháp hậu giàn khoan

“P&DOWN”[1]được tác giả đề xuất như một giải pháp tổng thể cho tranh chấp trên Biển Đông. Bối cảnh “hậu giàn khoan” là lúc xét lại các nan đề trong từng thành tố của giải pháp, ngoài ý nghĩa thực tiễn còn mang hơi thở từ các sự kiện nóng. Giải pháp này gồm: (P) tái thẩm định chất lượng chiến lược trong hệ thống đối tác của Việt Nam; (D) thúc đẩy quá trình dân chủ hóa bên trong Việt Nam; (O) vượt qua rào cản để đi tới bộ Quy tắc COC. Ba mũi giáp công P—D—O càng phát huy tính vượt trội, nếu đặt trên căn bản cuộc “thoát Trung” như sự rũ bỏ “vòng kim cô” ý thức hệ (W). Tư duy minh triết – Wisdom – sẽ hội đủ nội lực để kiến tạo Việt Nam thành “khớp nối mềm” (N), một thực thể địa-chính trị mới sánh vai với các
 nước trong khu vực.

Sau khi rút giàn khoan về, hiện nay, Trung Quốc đang xua hàng vạn tàu cá có tổ chức chặt chẽ tràn xuống Biển Đông. Đã có khá nhiều kiến nghị được đưa ra nhằm ứng phó với họa xâm lăng cận kề[2]do sự hung hăng trên hành động và sự bá quyền trong chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Trên tinh thần chủ nghĩa hiện thực trong nghiên cứu quốc tế, từ lợi ích quốc gia-dân tộc, “P&DOWN” tìm hướng ra trong từng biện pháp nhằm hướng tới một giải pháp chung. Đây là cách tích hợp sức mạnh “thông minh” để đối phó với hiểm họa khôn lường. Nếu mô hình này được áp dụng, hy vọng sẽ góp phần đòi lại hòa bình và công lý cho Biển Đông[3]. “Sóng gió” trên Biển Đông đã từng/và sẽ còn gắn với bang giao Việt-Trung và gắn với quan hệ giữa Trung
 Quốc với phần còn lại của thế giới. Vì vậy, bất cứ giải pháp nào muốn hóa giải rắc rối Việt-Trung, nhất thiết phải là một bộ phận trong giải pháp của khu vực/thế giới đối với Trung Quốc.
Đối với nhiều chiến lược gia khu vực này, bên cạnh hồ sơ tranh chấp/xung đột, chắc hẳn phải cầm trong tay cuốn “Vạc dầu châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của Thái Bình Dương yên tĩnh”[4].Cuốn sách là một “hiện tượng” không chỉ vì tên tuổi Robert Kaplan, mà con do nó được xuất bản đúng vào thời điểm có sự cố giàn khoan. Phần Biển Đông của “vạc dầu” sẽ tiếp tục sôi, vì trên thực tế, Trung Quốc đã hoàn thành xong việc xây dựng “căn cứ nổi Gạc Ma” trong thời gian hạ đặt giàn khoan HD-981 nhằm tạo thế chân vạc cho các căn cứ của họ và cũng là để “dựng” bộ xương cho “đường lưỡi bò/đường chữ U”. Điều này ta nhận ra hơi muộn, vì Trung Quốc chơi trò “đánh lận con đen” rằng, đấy là vùng tranh chấp với Việt Nam.
 “P&DOWN”, vì vậy, bắt đầu bằng việc thẩm định lại hệ thống đối tác chiến lược và tiến trình dân chủ ở Việt Nam trong bối cảnh thực địa trên biển đảo đã bị Trung Quốc thay đổi rất nhanh, đặt mọi chuyện thành sự đã rồi (fait accompli).
1. Đối tác chiến lược và ưu tiên chiến lược
Đầu 2014, Việt Nam ghi nhận đã xác lập được hàng chục quan hệ “đối tác chiến lược” và “đối tác toàn diện” với các quốc gia khác nhau[5], trong đó có 5 Ủy viên Thường trực HĐBA/LHQ (P5). Nhưng qua vụ HD-981 có thể thấy khuôn khổ bang giao với P5 được coi là thành tựu của đường hướng đa dạng/đa phương hóa, đang có vấn đề. Kẻ trực tiếp vi phạm độc lập, chủ quyền của Việt Nam không ai khác, chính là “ĐTCL toàn diện” Trung Quốc. Nga là ĐTCL vốn được Việt Nam kỳ vọng, lại giữ lập trường trung lập “lạnh tanh” và không chống trong trường hợp ấy nghĩa là “thuận” cho Bắc Kinh. Hai ĐTCL còn lại, Pháp và Anh có ủng hộ đấy, nhưng “núp bóng” EU. Chỉ Nhật Bản xứng với danh hiệu và sự đón đợi từ Việt Nam. Nghịch lý là: đối tác
 “chưa” chiến lược – Washington – lập trường thế nào thì mọi người đã rõ, dẫu có nhiều cách lý giải khác nhau về các động cơ.
Tiến trình hướng tới ĐTCL Việt-Mỹ đang trải qua những diễn biến đáng chú ý. Ngày 17/2/2010 vấn đề được nêu trên tờ “Tuần Việt Nam”[6]đã gây sóng gió trong dư luận. Nhưng đến ngày 21/7 cùng năm, nhân chuyến thăm Hà Nội của của Ngoại trưởng Hillary, từ học giả đến thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam đều nhấn mạnh nhu cầu “nâng cấp” mối quan hệ này[7]. Tuy nhiên, trong tuyên bố về chuyến thăm của bà Hillary một năm sau đó, ngày 31/8/2011, ĐTCL lại bị bỏ qua[8]và bị “treo” cho tới tháng 5/2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu ngày 31/5/2013 tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore đã trở lại chủ đề này khi tuyên bố Việt Nam muốn có ĐTCL với tất cả các thành viên thường trực HĐBA/LHQ (tức là cả với
 Mỹ)[9]. Trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang (7/2013), giới quan sát có dự đoán khả năng “nâng cấp”. Nhưng kết quả là hai bên chỉ thỏa thuận xác lập quy chế “đối tác toàn diện”. Tuy nhiên, ngày 25/5/2014, Tư lệnh Bộ Chỉ huy TBD của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear lại xác nhận Mỹ muốn nâng cấp quan hệ ĐTCL với Việt Nam[10].
Quá trình “nâng cấp” từ nay không chỉ là thước đo quan trọng của quan hệ Việt-Mỹ. Vấn đề này giờ đây trở thành một bộ phận của chiến lược đa phương (Việt, Mỹ với thế giới). Căn cứ lộ trình tới đây mà Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – một “think-tank” có ảnh hưởng lớn đến chính quyền Obama – vừa đề xuất[11], mười sáu khuyến nghị được coi là then chốt đối với quan hệ Mỹ-Việt sẽ là những cú hích ngoạn mục. Vấn đề bây giờ là những sáng kiến ấy cần được cộng hưởng bởi các chủ động từ phía Việt Nam. Một bàn tay không làm nên tràng vỗ tay. ĐTCL là con đường hai chiều. Hiện nay, bài toán đối ngoại thật ra có những mặt khó giải quyết hơn cả bài toán kinh tế. Không chỉ vì Việt Nam ở cạnh một
 “ĐTCL toàn diện” phức tạp, mà chủ yếu là vì chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình nhận dạng chính sách[12]. Chủ động thúc đẩy quan hệ với Mỹ để sẵn sàng chung sống hòa bình với Trung Quốc chỉ là một vế của phương trình. Vế khác quan trọng không kém là sự thừa nhận các giá trị phổ quát của nhân loại. Chưa đạt tới nhận thức này, chưa thể có chiến lược đối ngoại ổn định, dù là với Mỹ, phương Tây hay Trung Quốc.
Bí ẩn hiện nay là ý đồ của Trung Quốc đằng sau việc họ “leo thang” hay  “xuống thang” đều mập mờ và nguy hiểm[13]. Trung Quốc quyết tâm thôn tính Biển Đông và tiếp tục khóa chặt Việt Nam trong vòng lệ thuộc. Trung Quốc cũng đã quyết định chọn Việt Nam như một khâu yếu nhất để đột phá trên con đường “Nam tiến”, và “trổ lối” ra TBD của họ. ĐCS Việt Nam, vì vậy, sẽ phải đưa ra một quyết sách lịch sử: trở lại “đường ray cũ” có từ Thành Đô hay chấp nhận dân chủ hóa đất nước để huy động “sức mạnh thời đại” bảo vệ độc lập, chủ quyền. Sự lựa chọn khá ngặt nghèo nhưng không phải là bất khả thi[14]. Xem xét lai các chất lượng chiến lược trong hệ thống đối tác và vấn đề dân chủ hóa có thể tạo nên hiệu ứng
 “hợp trội” mà tác động của chúng đối với đất nước sẽ thuận hơn. Với tư cách là quốc gia dân chủ, Việt Nam sẽ có vị thế và tiếng nói khác, với tư cách là thành viên của các cấu trúc khu vực, Việt Nam sẽ tạo được một “bệ đỡ” vững chắc hơn hiện nay.
2. Dân chủ hóa: giới hạn và tiềm năng
Một nhà ngoại giao ở Hà Nội từng nói với người viết bài này: “Mỹ không hẳn muốn ép Việt Nam dân chủ hóa. Quan hệ với các nhà toàn trị dễ chịu hơn nhiều”. Tác giả đã đáp lại, dân chủ hóa không thể tiến hành dưới sức ép, dân chủ hóa là nhu cầu nội tại của Việt Nam. Đây là câu chuyện “về lẽ sống, lẽ phải, về chuyện trị nước, yên dân, chuyện hòa hợp hòa giải, chuyện tôn trọng sự khác biệt”[15]. “Dân chủ hóa” và “nâng cấp” quan hệ với Mỹ, tuy nhiên, cũng là là câu chuyện “con gà và quả trứng”. Hai thành tố này nhất định sẽ sản sinh chất lượng mới cho hệ thống. Có điều, cần hiểu một cách thấu đáo hơn nhân tố dân chủ trong mối tương quan giữa nội trị và ngoại giao của Việt Nam. Từ BTA, sau đó là WTO và giờ
 đây TPP đang đến gần, tiến trình dân chủ hóa đang lừng lững đi tới. Tuy nhiên, nhìn tiến trình này diễn ra trên thế giới, từ sự sụp đổ ở Liên Xô-Đông Âu đến các cuộc cách mạng đủ sắc màu trên khắp các lục địa, phải thừa nhận một sự thật, dân chủ “không phải là bữa trưa miễn phí”.
Tiến trình dân chủ hóa ở một số trường hợp cụ thể, dễ trở thành cạm bẫy trong quá trình chuyển đổi. Vì vậy, ngay cả những người đang đấu tranh cho dân chủ vẫn hi vọng vào sự đột phá bên trong từ bộ phận tiên tiến nhất của đảng cầm quyền, biết tách ra, vượt lên, nhưng vẫn chế ngự được quyền lực; vừa khởi xướng, vừa tiết chế được quá trình thay đổi. Chính các đảng viên khi họ biết đặt quyền lợi dân tộc-quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân, từ bỏ tư duy lạc hậu và sáo mòn, tức khắc hình hài của dân chủ đích thực sẽ ló dạng. Nhiều ý kiến cho rằng khả năng này trong bối cảnh hiện nay là không lớn, nhưng xác suất “bé” của tiến trình tự thay đổi vẫn đáng được thúc đẩy để ngăn chặn một sự đổ vỡ
 “lớn”. Sự ra đời của diễn đàn các tổ chức xã hội dân sự có thể là một dấu hiệu hứa hẹn. Diễn đàn tự nguyện hoạt động trong khuôn khổ pháp lý. Nó phối hợp với đảng/nhà nước để kiểm soát và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thúc đẩy kinh tế thị trường để bảo đảm sự ổn định, cân bằng mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội công dân[16].
Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn một lần, đã thể hiện khả năng tự thay đổi. Đó là quãng thời gian từ Cương lĩnh Trần Phú đến Mặt trận Bình dân, đó là giai đoạn từ Nghị quyết IX chống xét lại đến đường lối đoàn kết Trung-Xô sau này và gần đây nhất là cuộc “tự cởi trói” để đi vào Đổi mới và Hội nhập. Hẳn nhiên, cuộc dịch chuyển thời toàn cầu hóa sẽ khác và thách đố hơn nhiều. Song chưa bao giờ vấn đề đặt ra lại cấp bách như lần này: chấp nhận thay đổi, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sẽ mất tất cả! Hẳn nhiên, mỗi dân tộc, mỗi một quốc gia, mỗi một đảng chính trị có các cách thức quan niệm và có những khả năng để thực thi quá trình dân chủ hóa một cách hoàn
 toàn khác nhau. Nhưng dân chủ hóa là quá trình không thể cưỡng lại được. Nếu không ý thức được điều này thì không thể có bất cứ một tiên đề nào để cải thiện chất lượng chiến lược trong quan hệ với các đối tác lớn[17].
Trong khi đó, một Việt Nam dân chủ không chỉ là lợi khí, mà còn là điều Trung Quốc luôn e ngại. Phải kết nối sức mạnh cứng với sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh mới có cơ chặn được tham vọng của Trung Quốc. Mọi so sánh đều tương đối, nhưng tấm gương Myanmar thực sự cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Trung Quốc không bao giờ muốn có các quốc gia phên dậu là một Myanmar cải cách, một Việt Nam chuyển đổi, hay một bán đảo Triều Tiên thống nhất. Bởi đó chính là những quả mìn hẹn giờ đối với xã hội Trung Quốc sau 30 năm phát triển nóng, nay đang hạ cánh một cách khá kềnh càng. Trung Quốc không chỉ tìm cách giữ “vòng kim cô” trên đầu Việt Nam, muốn Việt Nam không “nâng cấp” quan hệ với Mỹ, mà còn “ban phát” lời khuyên: Việt
 Nam không được “nhảy múa giữa khả năng liên minh với Mỹ và (cái gọi là) tình huynh đệ với Trung Quốc”[18].
3. COC trong tương quan Việt-Trung-ASEAN
Cho đến nay, vẫn còn một số trở ngại khiến cho ASEAN và Trung Quốc chưa đi tới bộ quy tắc mang tính ràng buộc (COC)[19]. Ngay cả thỏa thuận về một phiên bản cuối cùng của COC cũng còn khó khăn. ASEAN phải đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử cũng như cách diễn giải bộ quy tắc đó. Tuy nhiên, với những tuyên bố và lập trường trái ngược nhau giữa các thành viên, thỏa thuận về những vấn đề cụ thể là điều chưa đạt tới, bởi đa số thành viên hiệp hội có thể sẽ muốn có những điều khoản với “khoảng trống linh hoạt”. Trong trường hợp ASEAN đoàn kết về những gì họ muốn Trung Quốc phải nhất trí, thì Bắc Kinh cũng sẽ diễn giải phương pháp tiếp cận COC theo cách thức rất khác với ASEAN. Mặc dầu các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông
 nói rằng họ muốn thương lượng về một bộ COC, Trung Quốc và ASEAN vẫn chưa tìm được ngôn ngữ chung.
Quá trình hiệp thương giữa Trung Quốc và ASEAN về COC đã dẫn đến việc hiệp hội chia ra làm hai nhóm, có và không có tranh chấp. Điều này khiến cho ASEAN khó đạt được một lập trường thống nhất trong khi Trung Quốc có thể lợi dụng khác biệt giữa các nước trong khối và kéo dài các cuộc hiệp thương trước khi chịu đàm phán. Nhờ đó Trung Quốc có thêm thời gian để củng cố sự hiện diện và kiểm soát đối với các vùng biển và thực thể ở Biển Đông. Việc Trung Quốc đối đầu với Philippines tại bãi cạn Second Thomas và việc họ kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn tình trạng trên thực địa sẽ thay đổi đến mức các nước không thể
 làm gì được nữa trước khi đạt được thỏa thuận COC. ASEAN cần tiến đến đạt sự đồng thuận về một dự thảo COC của chính mình để có một lập trường thống nhất trong các cuộc tham vấn với Trung Quốc.
An ninh trên biển ở khu vực Đông Nam Á là quan trọng như nhau đối với tất cả các thành viên ASEAN, dù là nước có biển hay không có biển. Một COC như thế sẽ giúp cho tất cả các nước trong hiệp hội đều có vai trò như nhau. Điều này tránh tình trạng phân chia ASEAN thành hai nhóm có và không có tranh chấp trên Biển Đông. Mặt khác, luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, áp dụng như nhau đối với tất cả các vùng biển chứ không riêng gì Biển Đông. Việc thông qua một bản Quy tắc ứng xử cho những vấn đề chung trên Biển Đông sẽ giúp củng cố tư cách pháp lý của ASEAN và tăng cường khả năng của họ đối phó với các cường quốc bên ngoài. Một văn bản mang tính ràng buộc về pháp lý này sẽ
 là quy tắc ứng xử cho những vấn đề chung trên biển của Đông Nam Á chứ không đơn thuần chỉ là COC cho Biển Đông[20].
Đối với một nước là thành viên của P5 như TQ mà không tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam càng phải nêu cao ngọn cờ pháp lý để đấu tranh. COC sẽ là công cụ quan trọng nếu nó được xây dựng trên căn cứ của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và đảm bảo bởi quyết tâm của ASEAN. “Việc đấu tranh này phải bắt đầu ngay hôm nay chứ không thể đợi tới ngày mai”[21]. Có ba việc mà Việt Nam nên thực hiện song song: cuộc chiến pháp lý theo Luật biển quốc tế, cuộc chiến chính trị/ngoại giao (VN cần tận dụng mọi sự ủng hộ của quốc tế) và cuộc chiến vì một ASEAN đoàn kết, không để bị chia rẽ, bởi lẽ tất cả các nước đều có quyền lợi ở đây. Đương nhiên, sự chênh lệch trong tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với các nước cùng
 có cạnh tranh về chủ quyền là một thực tế. Vì vậy, mỗi nước ngoài việc cần tăng cường sức mạnh “cứng” để tự bảo vệ mình thì phải luôn cảnh giác, đừng rơi vào “bẫy” song phương với Trung Quốc.
4. Thỏa thuận Thành Đô và bài học “thoát Trung”
Việc triển khai ba biện pháp P—D—O  từng vấp phải các rào cản. Trong số đó, ý thức hệ là rào cản lớn nhất để Việt Nam, tuy có lợi ích chiến lược song trùng nhưng cho đến nay vẫn chưa xây dựng được ĐTCL với Mỹ (P). Hệ thống đối tác với các nước tuy đã có nhưng vẫn chưa “hòa đồng” vào mạng lưới lớn trong khu vực. Tiến trình dân chủ hóa đến nay (D) vẫn đặt cược vào sự đột phá bên trong của bộ máy quyền lực. Con đường đi tới COC nhằm dùng “luật ứng xử” để giải quyết tranh chấp bị TQ cản phá (O). Tuy nhiên, các rào cản này đều có thể vượt qua, nếu chúng ta quyết tâm công khai mọi “được/mất” của quá trình từ Thành Đô như một hành động minh triết (W), rút tỉa những bài học cần thiết. Một việc cần làm ngay là
 quyết không để cho Trung Quốc dùng “tình hữu nghị viển vông” trùm chăn đánh mà không dám “kêu làng”. Tức là phải đặt tiến trình P—D—O trên một quyết tâm “thoát Trung” mạnh mẽ/quyết liệt. Thành công của P—D—O tùy thuộc trước nhất vào nội lực bên trong. Cả nhà cầm quyền lẫn người dân hãy nắm lấy cơ hội hiếm hoi để bứt phá và thay đổi.
“Thoát Trung” cần được hiểu là thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc về kinh tế, chính trị, tư tưởng và chung quy lại là thoát về văn hóa, về những ảnh hưởng tiêu cực khác từ Trung Quốc. Về mặt chất lượng quan hệ kinh tế giữa hai nước, vấn đề đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam và thâm hụt mậu dịch là cả câu chuyện lớn, liên quan đến hàng loạt các vấn đề của nền kinh tế, trong đó có câu chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam. Nếu thỏa thuận Thành Đô được bạch hóa, chúng ta có thể kiểm chứng được hai tiến trình ít được đề cập công khai: i) Trung Quốc đã khống chế Việt Nam như thế nào thông qua cái gọi là sự “cộng thông” ý thức hệ; ii) Trung Quốc đã chuẩn bị các bước và triển khai kế hoạch độc chiếm Biển Đông
 ra sao. Khủng hoảng giàn khoan vừa qua buộc Việt Nam/khu vực/thế giới phải đối diện với một hiểm họa có tên là “tham vọng bá vương”. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Trừ khi nào họ nói họ từ bỏ đường chín đoạn hoặc chúng ta từ bỏ chủ quyền – mà điều này chắc chắn không người dân Việt Nam nào chấp nhận”[22].
Theo ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, trong lịch sử gần 3000 năm, Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam tất cả 20 lần (nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, CHND Trung Hoa 4 lần/trong vòng 40 năm), tức với tần suất trung bình 150 năm một lần thời phong kiến, còn thời “đồng chí” với nhau thì 10 năm một lần xâm lược[23]. Trên thế giới, chưa từng có một quốc gia nào đem quân đi xâm lược láng giềng của mình với tần suất dày đặc như vậy. Vỗ về là “lý tưởng tương đồng” mà tần suất xâm lược thời “16 chữ vàng” còn cao hơn bất cứ triều đại nào trong lịch sử phong kiến. Giữa Việt Nam và Trung Quốc không có truyền thống hữu nghị, cũng
 không có tương đồng về ý thức hệ. Những nhận xét của cựu Đại sứ VN tại TQ Nguyễn Trọng Vĩnh và Thiếu tướng Công an Lê Văn Cương[24]có lẽ là một trong những kết luận sâu sát về quan hệ Việt-Trung.
Trung Quốc đã nghiên cứu các căn cứ pháp lý quốc tế về chủ quyền và thừa hiểu rằng họ thất lý và rất ít cơ hội nếu bị Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế. Việc họ rút giàn khoan có thể nhằm củng cố lập trường “chủ hòa” ở một số người, tạo ưu thế cho lập trường này, để có chỗ dựa tiến lên “chơi ép sân” ở những bước tiếp theo. Dù với bất cứ lý do nào, việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ là tạm thời, bởi một khi họ đã đặt bành trướng lên thành quốc sách thì không có chuyện gì họ không dám làm như thực tế hàng chục năm qua đã chứng minh. Nên nhớ là ngoài mục tiêu bành trướng biển đảo, việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 và các giàn khoan khác trong tương lai còn nhắm tới mục tiêu xa hơn là đẩy lùi các cường quốc khác ra
 khỏi khu vực, để một mình xưng bá xưng hùng[25].
5. Việt Nam như một khớp nối mềm
Quyền lợi địa-chiến lược của các bên liên quan ở Đông Á đang va chạm quyết liệt. Nửa thế kỷ nay, lần đầu tiên Nhật, Phi được Mỹ bảo vệ trong khuôn khổ các hiệp ước an ninh chung ký từ lâu. Nhật sẽ sửa hiến pháp để có quyền “tự vệ tập thể” và hành động ngoài biên giới. Vòng xoáy các tranh chấp này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với các nước vừa và nhỏ, tùy theo cách lựa chọn. Biến cố giàn khoan không chỉ làm suy giảm độ tin cậy trong quan hệ Việt-Trung, mà còn khiến thế “hợp tung” (ASEAN+3) phần nào đó bị yếu đi. Biến cố ấy còn góp phần chuyển hóa môi trường chiến lược, tăng thêm một cú hích cho trục “liên hoành” (Việt Nam + các quốc gia TPP). Giờ là lúc Việt Nam cần chủ động chuyển sang một vị thế cân
 bằng mới trong các chính sách của mình. Cuộc tranh giành ảnh hưởng trên thế giới đặt trên cả ba chân kiềng kinh tế – an ninh – quân sự, việc lựa chọn giữa hợp tung và liên hoành, vì vậy, phức tạp hơn thời chiến quốc rất nhiều.
Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Một dân tộc né tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã, cuối cùng sẽ nhận được cả nhục nhã lẫn chiến tranh”. Nhưng chiến tranh là việc vô cùng hệ trọng. Chúng ta chỉ lấy quyết định ấy như một khả năng xấu nhất, khi buộc phải tự vệ. Tuy nhiên, có một cách khác có thể phòng ngừa chiến tranh là trở thành khớp nồi mềm trong khu vực. Hệ thống đối tác của Việt Nam nên là một bộ phận của cấu trúc an ninh mới trong toàn vùng. An ninh của Việt Nam phải là một bộ phận cấu thành của an ninh khu vực[26]. Nếu chúng ta có một hệ thống ĐTCL mạnh, hệ thống ấy lại “hòa đồng bộ” với mạng lưới đang hình thành như là TPP hay EAS (Cấp cao Đông Á) hoặc một trật tự châu Á-TBD trong tương lai thì hệ
 thống ĐTCL ấy mới thực sự có sức răn đe.
Từ xa xưa, ngay cả khi tương quan giữa Việt Nam với Trung Quốc như trứng chọi đá, tiền nhân của chúng ta từng rất công phu trong việc xây dựng quan hệ liên minh với các láng giềng phía Nam và phía Tây để đối phó với hiểm họa từ hướng Bắc. Ngày nay, một khi giải được bài toán “hợp tung liên hoành”, Việt Nam hoàn toàn có khả năng mở rộng hợp tác an ninh và phát triển theo trục Đông – Tây, thuận theo xu hướng “xoay trục” của nhiều nước trên thế giới, kể cả của Trung Quốc. Còn một khi Trung quốc đã sử dụng đến phương tiện bạo lực đồng thời dùng lời lẽ trịch thượng trong ngoại giao (gọi đích danh Việt Nam là đứa con “hoang đàng”) thì chính quan hệ liên minh mới ấy sẽ giúp giải tỏa được thế lưỡng nan trong việc vừa duy trì quyền
 lực tập trung mà vẫn tạo ra được đồng thuận xã hội từng phát huy rất hiệu quả trong quá khứ.
Từ nay, “Giấc mơ Việt Nam”[27], dự án đang tìm cách giải mã các ẩn số an ninh và phát triển cho Việt Nam, bằng cách xây dựng đất nước này trở thành một khớp nối mềm, nói theo ngôn ngữ tin học, một “khớp nối đường trục số” (DTI)[28]. Việt Nam là đất nước có chiều dài lịch sử đủ để xiển dương các giá trị của hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà những hành động bạo lực của Trung Quốc trên Biển Đông hai tháng qua đều vấp phải sự phê phán của nhiều nước trong/ngoài khu vưc. Các tai nạn thảm khốc về hàng không thời gian qua đưa ra lời cảnh báo, một khi Trung Quốc ngoạm xong đường “lưỡi bò 10 đoạn”, chiếm xong toàn bộ Hoàng Sa-Trường Sa, tuyên bố “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông,
 Biển Hoa Đông thì rõ ràng các ranh giới giàu – nghèo, phát triển – chậm phát triển, bình yên – bất ổn, sẽ không còn mấy ý nghĩa khi hàng không các nước buộc phải bay qua các khu vực ADIZ do Trung Quốc quản lý.
Kết luận:
Tác giả muốn nhấn mạnh lại một nhận xét trước đây[29]: tính hợp trội (emergence) của hệ thống toàn cầu chính là sự nổi lên của các cấu trúc và sự cố kết trong quá trình hình thành các giải pháp tầm quốc gia/khu vực như một hệ thống. “P&DOWN” là một nỗ lực như vậy. Các lợi thế do mô hình này mang lại có thể là: i) Hệ thống các đối tác chiến lược sẽ thành sức mạnh chế ngự mọi tham vọng quá khích, hiếu chiến, sẽ là quyền lực bao quát cái toàn thể, không hội đủ trong từng biện pháp hợp thành); ii) Dân chủ hóa sẽ đoàn kết bên trong và tạo ra sự cố kết giữa bên trong với bên ngoài, bảo đảm độ bền vững của  tiến trình; iii) Luật quốc tế là cơ sở của COC, sau này có thể hội nhập sâu hơn với các cấu trúc khác đang định hình
 như EAS, TPP, RCEP; iv) Tư duy và hành động  minh triết sẽ hội tụ và mở rộng mạng lưới như một quá trình tiến hóa, chứ không đột biến cách mạng (gây sốc/đổ vỡ) và v) Khớp nối mềm sẽ liên kết trong nước với bên ngoài, mang lại tính đại diện cao nên dễ được cộng đồng quốc tế chấp thuận Việt Nam như một thực thể địa-chính trị mới.
Năm biện pháp từng phần để đi tới mô hình hợp nhất rất cần sự đồng thuận giữa lãnh đạo và người dân. Giàn khoan HD-981 là một phép thử về tính khả thi đối với mô hình tổng quát này. Một năm trước, “P&DOWN—1”đã được phân tích. Câu chuyện “hậu giàn khoan” giờ đây là “P&DOWN—2”. Từ nay, mỗi khi có biến cố lớn, đều có thể dùng “P&DOWN—3… n” như một hệ quy chiếu để lượng định tình hình và gia cố các biện pháp. Muốn “P&DOWN” thành công, điều tiên quyết là phải vượt qua trở lực do các “ma-sát xấu” của tư duy ý thức hệ rơi rớt lại. Nếu mô hình này được thực thi, hy vọng sẽ thêm nhiều phiến đá góp phần xây dựng con đường cũng như cách thức bảo vệ phần thuộc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần
 đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
  ĐINH HOÀNG THẮNG

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/131888/giai-phap--cho-bien-dong-trong-hoan-canh-moi-.html
Giải pháp cho Biển Đông trong hoàn cảnh mới?
Tin về biển Đông ở Cấp cao Trung-Mỹ cũng không nhất quán. Bối cảnh này khiến việc tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp biển đảo trong khu vực tiếp tục là vấn đề cấp bách. Quyền lợi của ngư dân Việt tại Hoàng Sa, Trường Sa không thể không được đảm bảo.
Xin được kiến nghị một dạng thức “mô hình giải pháp” (solution model, paradigm), bao gồm năm biện pháp (measures), gọi là P-DOWN. Đây là một tập hợp năm chữ cái tiếng Anh, mỗi chữ cái tiêu biểu cho một biện pháp:
P là Partnership (Đối tác),
D là Democracy (Dân chủ),
O là CoC for Ocean (bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông),
W là Wisdom (Minh triết) và
N là Network (Kết nối).
Mô hình năm biện pháp này là cách tiếp cận theo tư duy hệ thống đối với các tranh chấp phức tạp ở biển Đông trong bối cảnh Đông Nam Á hậu Chiến tranh Lạnh.


Tình hình hiện nay, theo nhận định của TS. Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Các bên liên quan vẫn giữ lập trường cũ, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn nhất quyết đeo bám yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và và đòi hơn 80% diện tích biển Đông. Tại hội đàm cấp cao Việt-Trung mới đây nhất, mặc dù hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện nhưng cũng chỉ có Chủ tịch Trương Tấn Sang nêu đề nghị cần tăng cường phối hợp, xử lý thỏa đáng, bảo đảm lợi ích và quyền lợi của ngư dân Việt Nam.  Trong tiếp xúc cấp cao Trung-Mỹ, ông Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định nhất quyết bảo vệ cái gọi là “chủ quyền quốc gia của Trung Quốc” trên Hoa Đông và
 biển Đông.
Môi trường tiếp tục phức tạp
Có lẽ ít ai hoài nghi về tầm quan trọng của bang giao Trung-Mỹ đối với các mối quan hệ quốc tế thế kỷ XXI. Tuy nhiên, cục diện thế giới đa cực ngày nay khác xa với môi trường quốc tế của những năm 1970, thời điểm “tam quốc” Mỹ-Xô-Trung tranh hùng. Cho dù ông Tập Cận Bình, ngay trong ngày đầu của cuộc gặp đã cố ý so sánh cấp cao Cali với chuyến thăm của ông Nixon sang Bắc Kinh năm nào, song ít ai tin rằng những ngày qua, ông Tập và ông Obama đã có các thỏa thuận có thể khuynh đảo thế giới như kỷ nguyên “hai phe bốn mâu thuẫn” ấy! Hẳn nhiên thời nào thì bang giao Trung-Mỹ, Việt-Trung cũng đều có không gian cho thỏa hiệp và căng thẳng, hợp tác và cạnh tranh. Các mối bang giao này vốn đã phức tạp, sau cấp cao Cali, cấp cao Bắc Kinh không ai nghĩ là
 chúng sẽ đơn giản hơn. Dư luận trong/ngoài khu vực quan tâm đến môi trường mới ở biển Đông là vì thế.
Theo TS. Bonnie Glaser, nữ cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ, quan trọng nhất ở đây là bản chất của mối quan hệ: “Cả Tổng thống Obama lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình đều nhận thức rằng, Mỹ và Trung Quốc cũng như toàn thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu hai nước sa vào vết xe đổ của lịch sử, khi một cường quốc mới nổi thách thức một cường quốc đang đứng đầu thế giới và kết thúc bằng xung đột quân sự. Tại cuộc gặp gỡ Cali, hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo về mô thức quan hệ mà hai bên mong muốn, như ông Tập Cận Bình tuyên bố với báo giới là một mối quan hệ dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi và mở rộng sự hợp tác”.
Về khả năng thỏa thuận ngầm, Phó Giám đốc Viện Viễn Đông Sergei Louzyanin phân tích, ông Obama sẵn sàng có nhượng bộ mang tính chiến thuật, bởi tới nay Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, là thị trường quan trọng đối với các tập đoàn Hoa Kỳ. Từ khi mở ra giao thương, lúc nào cán cân mậu dịch của Mỹ cũng bị thâm hụt và số thâm hụt ngày càng tăng. Năm 2011, hàng “Made in China” vào Mỹ trên 399 tỷ USD, trong khi Mỹ chỉ bán cho Trung Quốc được 104 tỷ, thâm thủng 295 tỷ. Năm 2012 Mỹ nhập của Trung Quốc trên 425 tỷ và bán cho Trung Quốc chỉ có 110 tỷ, thâm thủng 315 tỷ. Tuy nhiên, sức mạnh thật sự lại không nằm trong tay nước có dự trữ ngoại hối lớn mà lại ở trong tay nước có thể dễ dàng đi vay bằng đồng nội tệ của chính họ. Chưa
 nói, ràng buộc đồng Nhân dân tệ vào đồng USD đang đặt Trung Quốc trước không ít rủi ro!
Mỹ-Trung còn dè chừng nhau bởi nhiều chuyện khác, trong đó đáng quan tâm nhất là chiến lược “Á tâm” và quá trình “tái cân bằng” các lực lượng vũ trang của Mỹ sang Thái Bình Dương. Ngoài ra, gián điệp mạng, khả năng chạy đua vũ trang trên không gian của Trung Quốc… đều là những vấn đề “nóng” trong nghị trình. Theo ông Thẩm Định Lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cách xử lý của Tổng thống Obama đối với Bắc Kinh mang tính đối đầu nhiều hơn so với người tiền nhiệm George W Bush: hai lần Obama quyết định bán vũ khí cho Đài Loan và hai lần gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma (Bush chỉ có một lần). Một số phân tích vẫn cho rằng, sau cấp cao Cali để “bắt mạch và nắn gân nhau” dường như hai bên vẫn
 chưa định hình được khuôn khổ của cái gọi là “mô thức mới” trong quan hệ. Hai bên vẫn như những đối thủ trong thế giằng co nhau trên sới vật.
Kết thúc cấp cao, món quà ông Obama tặng ông Tập là một chiếc ghế băng. Mặt trước ghế được khắc ngày tháng hai vị đàm đạo kèm theo dòng chữ Hán, viết rằng chiếc ghế băng được làm từ gỗ đỏ California. Trong lúc đi dạo ngoài trời tại khu nghỉ mát đầy nắng gió ở California, ông Tập đã cùng ông Obama ngồi lại một lúc trên chính chiếc ghế ấy. Lãnh đạo hai cường quốc thế giới đã dành tám tiếng đồng hồ trong hai ngày để “kết giao” và thảo luận về một số lĩnh vực mang tính biểu trưng cao, bao gồm vấn đề an ninh mạng (quan hệ song phương), phi hạt nhận hóa bán đảo Triều Tiên (vấn đề an ninh khu vực) và biến đổi khí hậu (mối quan tâm toàn cầu). Cho đến nay, các nguồn tin về vấn đề biển Đông tại Cấp cao Cali không nhất quán.
Dù sao, cuộc gặp Cali vẫn đặt các nước châu Á trước một một môi trường lành ít dữ nhiều do sự hung hăng của Trung Quốc và “sự ỡm ờ chiến lược” (strategic ambiguity) của Hoa Kỳ. Cả hai người đàn ông quyền lực nhất hành tinh muốn qua “so găng” để khẳng định dấu ấn cá nhân trong hoạch định chính sách, xây dựng quan hệ siêu cường kiểu mới, thực hiện “giấc mơ Mỹ” lẫn “giấc mộng Trung Hoa”. Còn nhiều dịp có thể hiểu thêm về tầm vóc lẫn vị thế của hai nhân vật “kỳ phùng địch thủ” này trong lịch sử đương đại, vì họ còn gặp nhau trong tương lai gần. Điều chắc chắn, biển Đông tiếp tục là võ đài để cả hai thi thố sức mạnh lẫn kế sách, đồng thời là địa danh nguy hiểm vì khả năng đụng độ cao. Hai nỗ lực then
 chốt nhằm đi tới giải quyết tranh chấp mà Việt Nam và thế giới luôn nhấn mạnh trong những năm gần đây và đón đợi nhiều từ cấp cao Bắc Kinh là các cam kết đối với CoC và Công ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bị gạt khỏi các văn kiện chính thức.
Tiếp cận theo tư duy hệ thống
Trong môi trường đầy thách thức về địa-chính trị như vậy, lãnh đạo Việt Nam sớm tiên liệu được các xu hướng đe dọa đến an ninh và phát triển của đất nước. Ngoài việc ưu tiên cao và liên tục bồi đắp “sức mạnh cứng”, từ nhiều năm trước, lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định quyết tâm xây dựng “sức mạnh mềm”. Một trong những biểu hiện của quyết tâm này là sớm thiết kế hệ thống “đối tác chiến lược” với các nước thường trực HĐBA (P5) như một sự đột phá, một sự “trở về nguồn” của tư duy đối ngoại. Trong lịch sử, khi tham gia phe đồng minh chống phát xít, Đảng CSĐD cũng từng xác định: “Ta có mạnh thì họ mới chịu ‘đếm xỉa đến’. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn
 đồng minh của ta vậy”**. Vấn đề đối tác (P) không chỉ là khởi nguồn của quá trình “làm cho ta mạnh”, mà còn gắn liền với việc xây dựng hệ thống của Việt Nam về cân bằng và đối trọng. Không ngừng làm sâu sắc thêm bang giao với Nhật Bản và Nga, Ấn Độ và Úc, Hàn Quốc và Eu phản ánh chính những nỗ lực này. Con đường triển khai chủ trương không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng một khi đã nhất tâm trở lại với các giá trị “dân tộc và dân chủ”** thì không gì có thể cản trở được lộ trình đi tới các đối tác chiến lược ấy.
Liên quan đến vấn đề dân chủ (D) và độc lập dân tộc, ông Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu ở Hội nghị TW 6 (ngày 15/10/2012): Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Vậy là, chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc cần phải chiếm ưu tiên trong chiến lược lãnh đạo. Các giá trị thiêng liêng ấy gắn bó máu thịt với con dân đất Việt từ khắp mọi góc bể chân trời. Vì thế, “lòng tin chiến lược” từng tuyên bố tại diễn đàn Shangri-La cần tiếp tục được xây dựng với chính người dân trong và ngoài giải đất hình chữ S thì mới thực thi được bài học dân chủ trong hoàn cảnh mới. Dân chủ sẽ chọn được nhân tài cho đất nước, tạo ra đồng thuận xã hội. Dân chủ sẽ
 phát huy thế trận lòng dân được tôi luyện qua lịch sử dựng nước và giữ nước. Được như vậy, Việt Nam mới có thể thành một quốc gia mạnh, vượt lên được chính mình để viết tiếp câu chuyện cổ tích hiện đại tại vùng đất Davos này của châu Á.
Dân chủ, đồng thuận xã hội là điểm tựa bên trong. Hệ thống đối tác chiến lược là điểm tựa bên ngoài. Đây là hai nền tảng vững chắc cho công cuộc vận động ngoại giao, trong đó có việc phấn đấu cùng ASEAN đẩy nhanh tiến trình CoC, bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (O). Muốn chủ động đối phó với tình trạng không rõ ràng trong quan hệ Trung-Mỹ nói chung và trên biển Đông nói riêng, phải mạnh trong các kết nối quốc nội và quốc tế. Phải coi trọng vai trò ASEAN như một nhân tố trung tâm của các tiến trình. Hẳn nhiên, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không vì biển Ðông mà gây chiến. Nhưng biển Đông cũng không nhờ thế mà được yên ổn. Kế sách của Trung Quốc là không trực tiếp đối đầu với Mỹ, nhưng sẽ tìm mọi cách để Mỹ không thể can thiệp
 vào quyền lợi ích kỷ của Bắc Kinh trên biển Đông. CoC tuy không thay đổi được chính sách của Trung Quốc, nhưng sẽ góp phần thay đổi “luật chơi” trên biển. Chủ nghĩa đa phương, so sánh lực lượng và lợi ích địa-chính trị của các bên đang và sẽ tiếp tục là những nhân tố quyết định cuộc chơi.
Song song với tiến trình P – D – O, chúng ta có thể mạnh mẽ thúc đẩy các dự án W “Minh triết làm chủ biển Đông”! Chương trình này vốn xuất phát từ một dự báo thiên tài của tiền nhân cách đây 500 năm: “Vạn dặm biển Đông dang tay giữ / Muôn năm cõi Việt vững thanh bình” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Minh triết làm chủ biển Đông là một quan niệm mới/một tư duy mới về làm chủ dựa trên tâm thức văn minh của thời đại, biết bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác trên cơ sở hòa bình, hợp tác thân thiện, biết chia sẻ trách nhiệm và lợi ích (Việt Nam nên sớm kết thúc đàm phán với ASEAN về các vấn đề liên quan đến chủ quyền). Từ nay cần nhân rộng các dự án “Minh triết làm chủ biển Đông” ra khắp cả nước.
 Đây là sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết. Trung tâm đang “nối vòng tay lớn” liên kết các đơn vị nghiên cứu về bảo vệ chủ quyền biển đảo, về các vấn đề kinh tế, văn hóa và khoa học biển đảo thành một mạng lưới rộng lớn nhằm tìm kiếm giải pháp từng phần và chung cuộc cho vấn đề biển Đông hiện nay.
Kết nối (N) sự chủ động của Việt Nam với các sáng kiến lớn trong khu vực vốn là một ý tưởng vượt trội xuất hiện cách đây khá lâu từ thời ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. Phấn đấu sao cho an ninh và phát triển của Việt Nam trở thành một bộ phận cơ hữu của an ninh và phát triển khu vực. Chủ trương hội nhập toàn diện từ Đại hội XI cho phép chúng ta cùng lúc có thể tham gia vào nhiều cấu trúc mở về chính trị, kinh tế và chiến lược như EAS, TTP, hay RCEP***. Việt Nam có thể cập nhật lời kêu gọi của Indonesia về một hiệp ước kiềm chế xung đột ở châu Á, “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở rộng”. Cùng với các thành viên khác trong cộng đồng, Việt Nam nên chủ động hơn nữa để thích nghi với “Trật
 tự Á-Thái” (Pax Asia-Pacifica). Hãy nêu cao bài học của Singapore hay Israel để thấy vai trò của các nước vừa và nhỏ trong hệ thống quốc tế hiện đại. Sự chuyển tiếp của các xã hội khép kín như Myanmar và gần đây nhất là Iran cho ta những trải nghiệm quý báu về tính đàn hồi và năng động của các quốc gia có thân phận phần nào giống Việt Nam.
Hẳn nhiên là các thành tố trong “mô hình P-DOWN” có những tương tác đặc biệt, như là một sự “tùy duyên” hay “tương hỗ”. Không đổi mới về chính trị, không thành tựu về dân chủ hóa trong sinh hoạt nội bộ thì khó có thể xây dựng và thúc đẩy các quan hệ đối tác chiến lược một cách thực chất. Chính hệ thống đối tác chiến lược ấy sẽ nâng chất lượng đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam lên một tầm cao mới so với thời kỳ đầu mở cửa. Chất lượng mới này, đến lượt nó sẽ thay đổi đời sống kinh tế-xã hội trong nước theo hướng ngày càng tích cực. Trong toàn bộ mô hình, thành tố này là tiền đề cho thành tố kia và ngược lại. Dân chủ hóa đất nước là một lợi khí và lợi thế mà đối thủ của Việt Nam hết sức lo
 ngại, thậm chí đã nhiều lần rắp tâm phá hoại. Ngược lại, đó là điều người dân trong nước cũng như bao bạn bè lẫn đối tác của Việt Nam vẫn hằng đón đợi. Chính sách đối ngoại, vì vậy, không còn là sự kéo dài của chính sách đối nội, mà cả hai đều nằm trong một chiến lược tích hợp vì an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Dù môi trường biển Đông có phức tạp đến mấy, nếu chủ động ngay từ bây giờ, P-DOWN sẽ là một trong những chìa khóa an toàn!
*
Tính hợp trội (Emergence) của hệ thống toàn cầu chính là sự nổi lên của các cấu trúc và sự cố kết trong quá trình tự tổ chức của hệ thống. P-DOWN là mô thức tổng quát, nếu được định hình và ứng dụng có thể sẽ phù hợp với chủ nghĩa khu vực mở ở châu Á-TBD. Các lợi thế do tính hợp trội này mang lại có thể là: i) Hệ thống các đối tác chiến lược sẽ trở thành sức mạnh chế ngự mọi tham vọng quá khích, hiếu chiến; sẽ là quyền lực bao quát cái toàn thể, không hội đủ trong từng đơn vị quốc gia hợp thành), ii) Dân chủ hóa sẽ đoàn kết bên trong và tạo ra sự cố kết giữa bên trong với bên ngoài, bảo đảm độ bền vững của tiến trình, iii) Luật quốc tế là cơ sở tạo thành bộ Quy tắc ứng xử CoC, sau này có thể hội nhập với các
 cấu trúc khác đang định hình trong khu vực, như EAS, TPP, RCEP, iv) Tư duy minh triết sẽ hội tụ, liên kết và mở rộng mạng lưới như một quá trình tiến hóa, chứ không đột biến cách mạng (gây sốc/đổ vỡ) và v) Kết nối trong nước và trên toàn cầu mang lại tính đại diện cao nên dễ được cộng đồng quốc tế và khu vực chấp thuận.
Năm biện pháp từng phần để đi tới mô hình hợp nhất này là một tiến trình đi tới giải pháp tổng thể. Hẳn nhiên, tiến trình này sẽ còn gặp nhiều trở lực, thậm chí chống đối và cả sự phá hoại ngầm và công khai từ nhiều phía. Để P-DOWN thành công, phải vô hiệu hóa được các thế lực chống phá ấy, phải vượt qua trở lực do các “ma-sát xấu” của nền ngoại giao ý thức hệ rơi rớt lại. Rất có thể, đây sẽ là đề tài tiếp theo của bài viết mới, một khi các điều kiện cho phép hội đủ, chúng tôi sẽ phục vụ bạn đọc gần xa. Thiện tâm của người viết không hướng đến mô hình mang tính học thuật. Đây là yêu cầu cấp bách của tình thế. Nếu mô hình này được thực thi bài bản, hy vọng sẽ thêm một viên đá góp phần bảo vệ và xây
 dựng Hoàng Sa, Trường Sa. Bạn có thể quên nhiều điều trong bài viết này. Mọi lý thuyết đều màu xám! Song bạn đừng quên một loại quả lành trên đất Việt, đó là quả “bí đao”, phát âm hao hao với P-DOWN. Cái “bí”, cái “khó” chắc chắn sẽ làm “ló” cái khôn sáng, cái minh triết để bảo vệ và gìn giữ biển Đông cho đời này và muôn đời sau!
Đinh Hoàng Thắng – Hoàng Việt
** Trích từ Văn kiện đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II (tháng 2/1951), trong đó còn ghi rõ: “Chính sách ngoại giao của ta là chính sách ngoại giao có tính dân tộc và dân chủ. Nguyên tắc cơ bản của chính sách đó là: bảo vệ toàn vẹn độc lập, dân chủ, chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia”.
*** EAS: Hội nghị Cấp cao Đông Á, gồm 18 thành viên, trong đó 16 quốc gia Đông Á + Hoa Kỳ và Nga tham gia sau này, lấy ASEAN làm trung tâm. TPP: Hiệp định Đối tác Kinh tế-Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định xuyên TBD) là thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại với nhau; Các vòng đàm phán do Hoa Kỳ chủ trì, hiện có 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. RCEP: Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực: gồm 16 thành viên (ASEAN+6 đối tác: 10 nước ASEAN + Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chính thức khởi động đàm phán ngày 20/11/2012, Việt Nam là một trong 16 thành viên của Hiệp hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét