Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Trung Quốc lại dại dột tạo cớ cho Mỹ vào Biển Đông

Trung Quốc lại dại dột tạo cớ cho Mỹ vào Biển Đông
(Tin tức 24h) - Mỹ tuyên bố giám sát Biển Đông, điều động cụm tàu sân bay thứ 2... hàng loạt động thái đó đều bắt nguồn từ những hành động 'dại dột' của Trung Quốc.
Trung Quốc đang coi Mỹ là kẻ ngáng đường khó chịu của mình trên con đường nước này thực hiện tham vọng bá quyền của mình ở Biển Đông, đặc biệt từ sau khi chính phủ cầm quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn lại thì Trung Quốc chính là nước tạo cớ kích hoạt cho Mỹ đường đường chính chính bước vào Biển Đông.
Tàu sân bay USS Carl Vinson
Tàu sân bay USS Carl Vinson
Trong diễn biến mới nhất, Washington Free Beacon ngày 23/8 đưa tin, hải quân Mỹ đã quyết định điều động cụm tàu sân bay thứ 2 đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson đã rời San Diego hôm 22/8 và nhằm tới Thái Bình Dương.
Cụm tàu sân bay này sẽ tuần tra cả 2 khu vực do hạm đội 5 va hạm đội 7 phụ trách. Hạm đội 7 hoạt động trên địa bàn Thái Bình Dương trong khi hạm đội 5 chủ yếu hoạt động ở Trung Đông.
Hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson có tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường: USS Gridley, USS Sterett và USS Dewey. Cụm tàu sân bay này sẽ tham gia hoạt động chung với cụm tàu sân bay USS George Washington đang ở Nhật Bản.
Động thái trên xuất phát từ cuộc chạm trán nguy hiểm giữa máy bay do thám Mỹ với chiến đấu cơ Trung Quốc ngoài Biển Đông, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 200km về phía Đông hôm 19/8.
Theo Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby, máy bay tiêm kích của Trung Quốc đã bay gần máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon của Mỹ với khoảng cách 10 m và bay lộn một vòng qua đầu máy bay này.
Phía Mỹ coi đây là "hành động khiêu khích gây quan ngại sâu sắc". Điều này cũng từng xảy ra trong một cuộc chạm trán tháng 4/2001 giữa 1 chiếc EP-3 của Mỹ với chiến đấu cơ J-8 Trung Quốc.
Trung Quốc đương nhiên là chối bay chối biến việc này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Dương Vũ Quân cho rằng cáo buộc của Lầu Năm Góc là "vô căn cứ", khẳng định phi công nước này đã giữ khoảng cách "an toàn" khi áp sát máy bay Mỹ.
Chính sự khiêu khích và ngoan cố của Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ có hành động nói trên để đề phòng những đe dọa quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh cũng như việc nước này áp đặt quyền kiểm soát trong vùng biển tranh chấp.
Còn nhớ tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tổ chức hồi đầu tháng 8 vừa qua tại Myanmar, Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Mỹ về việc đóng băng các hành vi khiêu khích ở Biển Đông. Ngược lại Bắc Kinh yêu cầu sẽ đẩy mạnh các hoạt động gây rối, thách thức Việt Nam và Philippines.
Ngay sau đó, Mỹ tuyên bố sẽ giám sát các hoạt động tại Biển Đông để xem các nước có thực hiện những bước giảm căng thẳng hay không.
Trung Quốc không bao giờ mong muốn sự có mặt của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông bởi nó đe dọa mưu đồ độc bá Biển Đông, biến vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc.
Nhưng chính sự liều lĩnh, hung hăng của Trung Quốc lại thúc đẩy Mỹ can thiệp sâu hơn vào khu vực này, nói cách khác, Trung Quốc đã tạo cho Mỹ lý do chính đáng để quay lại châu Á-Thái Bình Dương. Bởi Mỹ đảm nhận vai trò đảm bảo an ninh tại khu vực, đồng thời có những mối quan hệ đồng minh chặt chẽ tại đây. Vậy nên, Trung Quốc đang rước họa vào thân bởi chính sự ngang ngược của nước này.
An Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét