Dư âm từ diễn văn BT Quốc phòng VN
Lê Quỳnh thực hiện
Cộng đồng người Việt trong ngoài nước đã có nhận định khác nhau về bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, ở một hội nghị an ninh tại Singapore hôm 31/5.
Bài phát biểu với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược” được Đại tướng Phùng Quang Thanh đọc tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La).
BBC phỏng vấn thêm một số chuyên gia quốc phòng, an ninh nước ngoài bình luận về ý nghĩa của bài phát biểu, trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung đang căng thẳng vì vụ giàn khoan Hải dương 981.
Carl Thayer, Giáo sư Danh dự, Học viện Quốc phòng Úc, Canberra
Tôi đã tham dự Đối thoại Shangri-La và có mặt khi Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu.
Bài phát biểu nhắm đến khán giả có mặt và cho Trung Quốc. Nó muốn xoa dịu và không gây mất lòng. Nếu anh không biết đang có đối đầu vì giàn khoan Trung Quốc, thì khi nghe diễn văn, có khi anh nghĩ chỉ có chút căng thẳng xảy ra, không có gì đặc biệt.
Tướng Thanh có thể đã chinh phục được những ai trong khu vực cổ vũ đối thoại và thương lượng với Trung Quốc trong căng thẳng ở Biển Đông. Ông mô tả Việt Nam là nạn nhân không khiêu khích. Ông gọi Trung Quốc là bạn của Việt Nam. Điều này có thể được lòng Bắc Kinh, nhưng những người Việt trẻ hơn có mặt ở Singapore bị sốc.
Nhưng Tướng Thanh lẽ ra có thể nhắc rằng hành động của Trung Quốc gây hại cho nỗ lực xây dựng niềm tin chiến lược mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cổ vũ một năm trước. Ông lẽ ra có thể nói về số lượng, đội hình, chiến thuật mà Trung Quốc đang dùng. Ông lẽ ra có thể kêu gọi khu vực ủng hộ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật quốc tế và giải quyết tranh chấp trong hòa bình.
Tướng Thanh đã trả lời một câu hỏi về việc Việt Nam cân nhắc dùng hành động pháp lý. Ông nói đó là giải pháp cuối cùng. Điều này làm đoàn Philippines có mặt thất vọng. Trước bình luận của ông, họ rất trông chờ Việt Nam sẽ cùng với họ ra tòa án trọng tài.
Dẫu sao Tướng Thanh cũng đã trình bày một cách ấn tượng và chuyên nghiệp.Ông trả lời trực tiếp các câu hỏi, không lập lờ và thể hiện sự minh bạch.
David Brown, nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, nay là cây bút bình luận về chính trị Việt Nam
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã không, hoặc không muốn, nối tiếp lập trường năng nổ hơn mà các lãnh đạo như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh…đã thể hiện.
Ông ấy thể hiện tư thế quá nhún nhường, “chúng tôi đề nghị Trung Quốc…” Cái nhìn của vị bộ trưởng về Trung Quốc, nếu quả thực đây là những gì ông ấy nghĩ, thật ngây thơ và không tưởng.
Tướng Thanh tạo cảm giác là ông không phải đang tranh luận với Trung Quốc, mà lại lùi về sau để thuyết phục họ rằng Việt Nam không có ý xấu với Trung Quốc đâu.
Collin Koh Swee Lean, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore
Tôi không cho rằng bài phát biểu của Tướng Thanh quá mềm mỏng với Trung Quốc.
Ngược lại, tôi thấy bài nói vừa cương quyết vừa điều độ. Nó nhấn mạnh nhu cầu kiềm chế mà cũng nói rõ là Việt Nam đã chỉ phản ứng trước những hành động của Trung Quốc chứ không để bị hiểu nhầm là khiêu khích.
Ông ấy cũng không cần phải quá cứng rắn, vì Đối thoại Shangri-La là diễn đàn để các nước đối thoại nhằm tăng cường xây dựng niềm tin. Nó không nên biến thành nơi các chính phủ công khai nhiếc móc nhau.
Tôi cảm thấy bài phát biểu là phương thức chừng mực của Việt Nam. Không quá cứng để có thể gây hại cho Đối thoại Shangri-La, mà cũng không quá mềm để tránh nói về tranh chấp đang diễn ra.
Lập trường của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La, như qua diễn văn của Tướng Thanh, nên được xem là sự trưởng thành hơn trong khả năng đóng vai trò lớn hơn ở khu vực của Việt Nam. Nó chứng tỏ Việt Nam có quyết tâm chính trị duy trì hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, và kêu gọi, cổ vũ sự kiềm chế trong giải quyết tranh chấp. Về lâu dài, nó có thể giúp Việt Nam ở tư thế chính nghĩa, chinh phục cảm tình của các chính phủ trong vùng.
Có thể một số người trong chính phủ Mỹ hay Nhật muốn có lập trường cứng rắn, mạnh hơn từ Việt Nam. Nhưng nhìn chung, tôi tin Tokyo và Washington ngầm hiểu rằng chẳng nên ngạc nhiên vì thái độ của Việt Nam. Thậm chí ở cấp độ chính thức hay bán chính thức, Hà Nội và hai đại cường có khi đã ngầm hiểu với nhau là Việt Nam sẽ có lập trường trung hòa vì nguyên do địa chính trị.
Mặc dù bài phát biểu của Tướng Thanh có thể bị xem là “mềm”, nhưng Việt Nam vẫn được tự do thắt chặt quan hệ với Nhật và Mỹ. Cả hai nước đều muốn giúp Việt Nam ở lĩnh vực an ninh biển. Không phải vì bài của Tướng Thanh mà Tokyo và Washington sẽ lại giảm đi hợp tác với Việt Nam.
Việt Nam không chỉ cần ngoại giao hòa bình để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc mà đồng thời đã nhận thức họ cần xây dựng khả năng quân sự và chấp pháp trên biển, theo một cách chừng mực và không khiêu khích, trước sự cứng rắn hơn của Trung Quốc. Còn Tokyo và Washington, trong chiến lược tăng cường hợp tác với Đông Nam Á, sẽ tiếp tục giúp đỡ và thắt chặt quan hệ với Việt Nam. Đối thoại Shangri-La và bài nói của Tướng Thanh sẽ không thay đổi điều đó.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét