Ít ai biết rằng, hầu hết các địa điểm này đều gắn liền với những câu chuyện thương tâm, oan khuất ngút trời. Vì thế, ít người dám lui tới và lâu dần bức màn tang tóc với những câu chuyện bí ẩn càng làm cho những nơi này thêm hoang phế…


Hầu hết các địa điểm này đều gắn liền với những câu chuyện thương tâm, oan khuất ngút trời…

1. Chuyện dùng trinh nữ trấn yểm 4 góc chung cư 727 – Trần Hưng Đạo

Địa điểm đầu tiên và có thể nói là nơi đáng sợ nhất Sài Gòn đó chính là khách sạn Building President – mà nay đã trở thành chung cư 727 nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5. Sở dĩ vậy, vì theo các cao niên cư trú lâu năm tại Sài Gòn – Chợ Lớn thì Building President gắn liền với một loại thuật phong thủy cổ quái, được áp dụng để trấn yểm tòa nhà.

Khách sạn Building President được ông Nguyễn Tấn Đời – một đại gia giàu có nhất phương Nam lúc bấy giờ, đầu tư khởi công vào năm 1960. Theo bản thiết kế, khách sạn gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa và ngăn ra thành 530 phòng.

Giai thoại truyền miệng rằng, khi nhận được bản thiết kế, cộng sự của ông Nguyễn Tấn Đời là một người Pháp đã tỏ ra rất lo ngại với con số 13 tầng, vốn được cho là xui rủi theo quan niệm phương Tây. Nhưng ông Đời không mấy quan tâm và vẫn cho xây đúng 13 tầng theo bản vẽ.


Khung cảnh sập sệ nhếch nhác của chung cư 727 – Trần Hưng Đạo

Ngay khi tầng 13 đang đặt những viên gạch cuối cùng thì hàng loạt tai nạn chết người xảy ra. Khi thì nhân công bị rớt giàn giáo, lúc lại bị điện giật trụy tim… án mạng liên tiếp khiến cho tầng 13 mãi mà chẳng thể xây xong.

Đứng trước nguy cơ Building President không thể hoàn thành kịp tiến độ và giới chức chế độ cũ lúc bấy giờ cũng đang rục rịch vào cuộc điều tra, ông Đời liền cho tạm ngưng thi công tầng 13. Sau đó, mời về một thầy pháp sư, cho công nhân nghỉ phép liên tục 3 ngày để làm phép và trấn yểm tòa nhà.

Cụ Lưu Phục Chấn, 72 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Thi, phường 13, quận 5 kể lại: “Dạo xây khách sạn lớn, gia đình tôi có ông cậu ở gần đó. Cậu hay kể lại rằng, thầy pháp đã cho người đến bệnh viện mua lại xác của 4 trinh nữ, đem về chôn ở 4 góc của khách sạn để trấn tại 4 hướng”.

Cũng theo lời cụ Chấn, thì đây không phải là “tin đồn lẻ tẻ” mà nó lan rộng khắp khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Điều này khiến Building President trở nên nổi như cồn bởi những câu chuyện thêu dệt về thuật phong thủy cổ quái, hồn ma trinh nữ và cả oan hồn của nhân công bỏ mạng tại đây.

Qua bao phen lận đận, cuối cùng khách sạn Building President cũng được khánh thành. Bấy giờ, quân đội Mỹ liền thuê lại toàn bộ khu nhà bề thế này để dành làm nơi nghỉ ngơi cho lính của họ. Nhưng không hiểu sao, tầng 13 vẫn không được đưa vào sử dụng.

Tầng 12, Mỹ cải tạo thành quán bar, nhà hàng, nơi vui chơi cho lính. Đến ngày giải phóng, khu khách sạn đồ sộ được sung vào công quỹ. Hơn 400 phòng khách sạn được cải tạo thành nhà ở và cấp cho cán bộ, công nhân viên nhà nước. Tầng 12 khó có thể sử dụng được nên bị khóa lại, còn tầng 13 thì bỏ hoang vĩnh viễn.

Nhưng những tin đồn ma ám còn bởi chung cư 727 quá cũ đến mức có thể sập bất cứ lúc nào. Quả thật, chung cư 727 mang trong mình cái vẻ thâm u, cũ kỹ đến đáng sợ. Có những nơi bỏ hoang lâu ngày, mùi rác, mùi ẩm mốc, xác động vật chết bốc lên nồng nặc.
Chưa kể đến chuyện ma cỏ, chỉ cần mới bước vào khu chung cư, người ta đã dễ dàng bị choáng bởi mùi hôi tanh cùng thứ không khí lạnh lẽo do ít ánh sáng và thiếu hơi người.

2. Thai phụ bên cửa sổ ngôi nhà số 24 – Lý Thái Tổ

Ngôi nhà số 24 – Lý Thái Tổ bỏ hoang đã lâu cũng lọt vào danh sách những địa điểm đáng sợ nhất Sài Gòn. Nhưng ít ai biết, nơi đây gắn liền với một án mạng gia đình hết sức thương tâm.

Chỉ vì người con tâm thần giận cả nhà “bắt uống thuốc” mà 7 mạng người trong căn nhà số 24, mặt tiền đường Lý Thái Tổ đã ra đi tức tưởi trong cơn hỏa hoạn kinh hoàng. Hơn 13 năm về trước, đây là một cửa hàng bán xe máy khá sung túc.

Nhưng rạng sáng cận ngày lễ Giáng sinh năm ấy, ngọn lửa bùng cháy, thiêu chết 7 mạng người trong đó có một phụ nữ mang thai và đứa trẻ mới tròn 3 tuổi. Cả gia đình bị thiêu sống, chỉ có người em trai bị mắc bệnh tâm thần của gia chủ và người mẹ già thoát khỏi ngọn lửa kinh hoàng.

Nhưng càng đau đớn hơn, khi thủ phạm của vụ hỏa hoạn lại chính là người em trai tâm thần kia. Khi được hỏi, tại sao lại phóng hỏa đốt nhà, anh ta hướng đôi mắt lơ ngơ về phía người hỏi và trả lời: “Tại không cho đi theo chơi, tại bắt uống thuốc hoài à”.

Và kể từ đó, ngôi nhà luôn cửa đóng then cài, còn hai mẹ con người đàn ông tâm thần kia thì đi đâu biệt tích.

Chính vì thế, những lời đồn đại kỳ dị về ngôi nhà số 24, đường Lý Thái Tổ cứ thế lan ra.

Ông Trần Quốc Hưng, ngụ phường 2, quận 3, gần ngôi nhà này tỏ vẻ e dè kể lại: “Chuyện xảy ra quá lâu rồi, mà ánh mắt của cô con gái trong nhà này vẫn làm tôi ám ảnh. Lúc xảy ra hỏa hoạn, chúng tôi nhìn thấy cô gái mặc váy ngủ, bụng mang dạ chửa, tay bồng đứa con trai 3 tuổi đứng ngay cửa sổ. Chúng tôi la hét bảo cô nhảy xuống, hay ném đứa con xuống, vì ngôi nhà này chỉ có 2 tầng thôi, té xuống thì trường hợp xấu nhất là sẽ sảy thai, chứ không đến nỗi chết.


Vệt khói tang thương còn ám đen ngôi nhà số 24 – Lý Thái Tổ

Nhưng cô gái lại chạy vào trong ngọn lửa, vẻ mặt hoảng loạn vô cùng. Sau đó cô lại ôm con trở ra cửa sổ, ánh mắt bình thản nhìn xuống phía dưới, mặc cho mọi người la hét, cô vẫn đứng yên nhìn.

Lúc này một số người cho rằng, cô gái và cả đứa con đã chết rồi, bên cửa sổ chỉ là linh hồn của cô thôi. Náo loạn một lúc nữa thì không thấy cả 3 mẹ con đâu hết”.

Theo ông Hưng, chính hành động lạ lùng đó của cô gái nạn nhân vụ hỏa hoạn mà ngôi nhà bị đồn thổi là có ma. Người dân sống gần ngôi nhà số 24 cho biết, họ thường xuyên nghe thấy tiếng động lạ phát ra từ phía bên trong ngôi nhà.

Một số người còn khẳng định, vẫn thường thấy một thai phụ lảng vảng trên bao lơn của ngôi nhà còn ám đen những vệt khói của trận hỏa hoạn hơn mười mấy năm về trước.

Dẫu những lời đồn đại chỉ là hoang đường nhưng 7 mạng người chết trong ngôi nhà số 24 đường Lý Thái Tổ vẫn khiến nó trở nên thâm u, hoang lạnh đến lạ thường.

Và cho dù nằm ở vị trí đắc địa nhất của khu vực quận 3, ngôi nhà này vẫn cứ cửa đóng then cài, tường rêu ám khói, mặc cho những căn xung quanh tấp nập người mua kẻ bán, đèn điện tưng bừng.

3. Hố chôn tập thể tại công viên Lê Thị Riêng

Với hàng cây xanh mướt mắt, hồ câu cá, khu trò chơi thiếu nhi… công viên Lê Thị Riêng vốn là trung tâm vui chơi, giải trí quen thuộc của người dân TP.HCM. Nhưng ít ai biết, công viên này xưa kia chính là nghĩa trang Đô Thành, sau đổi tên thành nghĩa trang Chí Hòa – nơi an giấc ngàn thu của những người có chức vụ cao trong quân đội chế độ cũ. Nghĩa trang Đô Thành rộng 25 ha, cổng chính hướng ra đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng tháng 8) thuộc khu Chí Hòa – Hòa Hưng của Sài Gòn – Gia Định.

Theo các cao niên cư trú tại đây nhiều năm thì xưa kia, nghĩa trang Đô Thành vốn là vùng đất linh thiêng. Đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, hàng loạt nấm mồ không tên mọc lên tại đây, mà đa phần là của lính chết trận không người thân nhận xác.


Nghĩa trang Đô Thành xưa giờ đã trở thành công viên Lê Thị Riêng

Ông Phan Thành Tài, 62 tuổi, ngụ Cư xá Bắc Hải gần công viên Lê Thị Riêng kể lại: “Nghĩa địa mà bị đồn là có ma là chuyện thường, không có ma mới là chuyện lạ. Huống hồ chi trước giải phóng, nghĩa trang Đô Thành còn có cái hố chôn tập thể vô cùng lớn”.

Theo ông Thành Tài, thì sau trận chiến Tết Mậu Thân lịch sử, xác lính chết trận la liệt mà hầu như không có ai đến nhận về. Chính quyền chế độ cũ không biết xử lý làm sao với hàng ngàn xác người đang đến hồi hoại tử, liền cho đào một hố to trong nghĩa địa Đô Thành đổ xác người xuống rồi chôn tập thể.

Dù hố đào rất sâu, nhưng do vận chuyển một số lượng xác khá lớn, nên mùi hôi thối vẫn bốc lên cả mấy ngày liền. Người dân xứ Bắc Hải thuở ấy phải khóa kín cửa nhà, hoặc lánh đi đâu đó chờ mùi tử khí tan bớt đi mới dám trở về.

Chính vì thế, nên dân vùng này vẫn hay truyền miệng những câu chuyện huyền bí về những âm hồn lính chết trận, bị chôn tập thể nên chẳng siêu sinh, thường xuyên hiện về lởn vởn khóc than.

Các cao niên còn kể lại, nổi tiếng nhất vẫn là chuyện ban đêm, oan hồn hiện hình thành những người bưng thúng bánh chưng, bánh giò đứng trên đường Lê Văn Duyệt. Người âm cứ đứng đó chờ có người mua rồi “dẫn” họ vào trong mộ ngủ qua đêm.

(còn tiếp)