Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Bài thơ “Còn gặp nhau” của Tôn Nữ Hỷ Khương

Bài thơ “Còn gặp nhau” của Tôn Nữ Hỷ Khương, một triết lý sống gần gũi, an lạc và thắm đượm đạo vị…

Viết bởi Mang Viên Long

Bài thơ “Còn Gặp Nhau” (trong tập thơ “Hãy Cho Nhau” Nhà XB Trẻ-XB lần đầu/ năm 2004) được nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương viết vào năm 1993 - khi nữ sĩ bước vào tuổi 56. Hơn 17 năm qua, bài thơ đã được rất nhiều người biết đến như một bài thơ hay nhất của chị - vì đã chuyển tải đến cho người đọc một triết lý sống rất gần gũi, an lạc và thắm đượm Đạo vị!

Ngay tựa đề bài thơ - “Còn Gặp Nhau”, đã gợi lên một hiện thực đời sống rất đơn giản, mà cũng rất đau xót: Chúng ta còn sống được đến hôm nay-bây giờ, đã là một diễm phúc, vô cùng quý báu, so với bao người đã vắng mặt- đã ra đi… Nhà thơ Kahlil Gribran (Liban) cũng có niềm đồng cảm như vậy khi tha thiết thốt lên “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho tôi thêm ngày nữa để Yêu Thương”.

“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời…”

Mở đầu bài thơ nữ sĩ đã khẳng quyết một điều tưởng bình thường- nhưng thật vô cùng quan yếu cho nhận thức về cuộc sống: “Chuyện đời như nước chảy hoa trôi” và “Chỉ có tình thương để lại đời” - đây là một nhận thức dựa trên kinh nghiệm trực tiếp từ đời sống chứ không phải là một điều gì mơ hồ. Chính tính xác thực của sự cảm nhận căn bản này, đã khởi đầu cho “Còn Gặp Nhau” như một dòng chảy tự nhiên, hồn nhiên - miên man trong lòng người đọc. Chân lý mà đức Phật đã khuyến dạy từ hơn 2500 năm trong “Tứ pháp ấn” (Khổ/ Không/ Vô Thường/ Vô Ngã)-đã là nguồn cảm xúc thẳm sâu như máu thịt trong tâm hồn người thơ và chợt thốt lên lời nhắn gởi rất êm nhẹ, rất đơn giản: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui…”. Bởi vì “Lợi danh như bóng mây chìm nổi” - có gì mà phải khổ tâm nhọc sức mà cố bám víu vào cái “bóng mây chìm nổi” có/ không ấy?

Để cho cuộc sống được an vui/ hạnh phúc đích thực thì chúng ta nên làm gì ?

“Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương, vạn nẻo đường…”

Cuộc sống vốn dĩ chất chứa nhiều phiền não, khổ đau-phần lớn chính vì sự thù ghét, sân giận luôn có mặt trong đời. Cuộc đời ngắn ngủi, tạm bợ là thế - “thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (Thiền sư Vạn Hạnh) là thế - “Còn gặp nhau thì hãy cứ thương” - là một liều thuốc nhiệm mầu, là một triết lý sống thực tiễn đem lại niềm an lạc cho chính mình (và cho người) - bởi vì “Tình người muôn thuở vẫn còn vương” - Tình người không bao giờ mất, còn mãi bên đời (trong lúc mọi thứ - vạn hữu luôn quay theo cái vòng vô thường: Sinh/ Trưởng/ Hoại/ Diệt). Đây là một cảm nhận “rất người”, rất chân thật - như một lời tâm sự tha thiết:

“Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương, vạn nẻo đường”


Không cần nhiều - chỉ “một chút” thôi/ mà phải chắt chiu, phải gom góp, phải cẩn trọng, phải chân thành - thì cũng có thể “Gửi khắp muôn phuơng, vạn nẻo đường” - để sẻ chia - xoa dịu, an ủi cho cuộc đời lắm hệ lụy đau buồn này. Một chút thôi - một giọt nước nhiểu lâu ngày cũng đầy bình - “Một chút tình thương ấy” là cả một tấm lòng thành của người đến với người. “Một chút” ấy thôi - mà đã có mấy ai còn nhớ?

“Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời”

Cuộc sum vầy trong niềm vui, tiếng cười - trong tình thương yêu gần gũi chân thành - đúng là một cuộc hội ngộ hạnh phúc của đời người. “Hãy cứ chơi” - là một thái độ thong dong, tự tại - biết tận hưởng cái phút giây hiện tại mầu nhiệm của đời sống. Vội vàng, bon chen - giành giựt thì chỉ đắm chìm trong âu lo, đau khổ mà thôi! Bởi vì “Bao nhiêu thú vị ở trên đời/ Vui chơi trong ý tình cao nhã” đang mở ra, chờ đón những tâm hồn biết sống/ biết đặt tình thương yêu lên trên mọi thứ ở đời. Ai đã làm được điều ấy - thì hiển nhiên “Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời” - hay là cõi an lạc vĩnh hằng (nhà Phật gọi là Niết Bàn/ Cực Lạc) đang có mặt ở cõi trần gian này vậy.

“Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người”

Nụ cười là một biểu lộ tình cảm giữa người với người - là sợi dây thân ái nối kết những tấm lòng - nhưng trong thực tế đời sống, lắm khi rất hiếm bắt gặp nụ cười! Vì đâu? Vì tâm đang mải đảo điên rong ruỗi theo dục vọng, tham sân - vì lòng chưa mở và tình chưa chớm! Vì vậy - ở đây - Nhà thơ đã thúc giục, đã thống thiết kêu gọi: “Còn gặp nhau thì hãy cứ cười”. Hãy cười lên đi! Cười thoải mái. Vì chúng ta có diễm phúc đang còn sống, còn có mặt bên nhau, bên cuộc đời này - “còn gặp nhau”! Bởi vì nụ cười sẽ làm “Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi/ Cho hương thêm ngát, đời thêm vị/ Cho đẹp lòng tất cả mọi người”! Nụ cười cần thiết cho ta/ cho người và cho đời là vậy - thì sao ta dại gì không “cười”? - lại ưu sầu, đắn đo?

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao
Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau…”

Người xưa đã có nói “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ” - nhưng mâm cỗ thì tốn tiền, còn tiếng chào đâu có mất mát gì? Vậy mà, lắm khi - chúng ta gặp nhau - lại tỏ ra rất “hà tiện” tiếng chào? Vì e ngại điều gì? Hay vì phân biệt, sân giận, tỵ hiềm? Nhà thơ đã gạt bỏ ra tất cả những hệ lụy oan khiên của đời sống - với tâm rộng mở, trải lòng với đời - nhà thơ đã cổ vũ mọi người: “Còn gặp nhau thì hãy cứ chào”. Hãy cứ chào nhau thân tình, chào nhau thương yêu - thì tất cả mọi sự sẽ êm đẹp thôi! Giữa đất trời lồng lộng kia cũng sẽ đồng cảm, chia sẻ với người “Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước/ Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau”. Cùng chào nhau/ cùng tặng nhau “chân tình” (tình người chân thật) son sắc, thủy chung - thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao!

“Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc-say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.”

Lập lại đến 6 lần “say” trong một khổ thơ - nữ sĩ mong muốn mọi người - trong giây phút hiện tại đây/ còn gặp nhau - đã là một niềm vui lớn - thì “hãy cứ say”/ cứ vui - cứ thương - cứ chơi - cứ cười và cứ say/ đừng bận tâm đến sự ràng buột của toan tính, so đo, thù hận (…) nữa!

“Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc-say bè bạn.”

Trong đời người, đã có lúc nào chúng ta được một lần thôi “say tình, say nghĩa” chưa? Thật là diễm phúc (và đáng trân trọng thay) cho những ai đã có được cái “say” cao quý ấy! Đây là một cái “say” nồng nàn nhất, ấm cúng nhất - và cũng khó quên nhất của đời người. “Say thơ, say nhạc” thì có lẽ cũng thường có, nhưng “say bè bạn” thì thật cũng rất hiếm! Bè bạn mà làm ta phải say ư? Có đó. Say nghĩa là “quên” mọi thứ quanh đời để trải lòng với tri âm sau bao năm tháng cách xa-nay “còn gặp nhau” - bên đời nhau như ngày nào, thì hỏi không “say” sao được? Ôi! Những cái “say” đầy ắp tình người trong sáng thiêng liêng như vậy thì sao ta lại bỏ quên? Không gian và tháng ngày đâu còn ý nghĩa gì cho cuộc sống ta trong giây phút tuyệt vời hạnh phúc ấy? “Quên cả không gian lẫn tháng ngày” buồn bã, khổ đau để cùng nhau tận hường cái thời khắc “còn gặp nhau” của sát na hiện tại nhiệm mầu này!

“Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý, lẽ huyền vi
An nhiên tự tại lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kì!”

“Còn Gặp Nhau” - là vẫn còn hiện diện trên cõi tạm này - thời gian tồn tại của đời người không dài (Đức Phật nói là chỉ dài trong một hơi thở/ thở ra mà không thở vào - là coi như trở lại “không”) - nên nhà thơ đã bày tỏ thêm niềm ước mong cuối cùng của mình với người là “Còn gặp nhau thì hãy cứ đi!”/ hãy cứ tinh tấn, dũng mãnh bước lên phía trước để “Đi tìm chân lý lẽ huyền vi”. Chân lý lẽ huyền vi ở đây - chính là triết lý sống cao cả, mầu nhiệm để giải thoát khỏi cuộc trầm luân, khổ đau, phiền não của kiếp nhân sinh - hướng đến chân trời mới an lạc vĩnh hằng. Chân lý ấy sẽ đem lại cho tất cả được “An nhiên tự tại lòng thanh thản” - điều mà trong thâm tâm của chúng ta đều hoài vọng, ước mơ! Và khi đã đạt được niềm an vui tự tại, cảm nhận được niềm hỷ lạc nhiệm mầu của “chân lý lẽ huyền vi” - có thể “thõng tay vào chợ” thì ngay lúc ấy - chúng ta mới hiểu được rằng “Đời sống tâm linh thật diệu kì” - thật vi diệu, bất khả tư nghì - mà từ bấy lâu chúng ta đã lãng quên, bỏ bê, xem thường “đời sống tâm linh” - để điên đảo chạy theo những cám dỗ vật chất tạm thời luôn luôn dính chặt với nỗi khổ đau và phiền não… Đây cũng là lời “cảnh báo” thống thiết trước một thực tại thực dụng của đời sống văn minh vật chất đã dần làm khô cằn, xói mòn - tiêu mất cái phần đời rất quan yếu ấy trong tâm mỗi con người… Đây cũng là một thảm họa chung của nhân loại đang đứng trước bờ vực thẳm vì sư vắng mặt của một “đời sống tâm linh diệu kì”!

Tôi đã đọc bài thơ “Còn Gặp Nhau” của Tôn Nữ Hỷ Khương nhiều lần ngay từ khi chị mới công bố (khoảng giữa năm 1993) đến thuộc lòng (khi ấy bài thơ chỉ có 6 khổ đầu). Được nghe nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thành ca khúc. Sau này, tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi có dịp dự nhiều cuộc gặp gỡ vui chơi của bạn bè - nhiều thế hệ, nhiều thành phần xã hội - lại được nghe nhiều người đọc thuộc nó. Tôi nghĩ, chính vì tình cảm quá chân thành, quá gần gũi thực tế của bài thơ nên nó đã được mọi giới yêu thích - từ cô bé học sinh, cậu sinh viên, đến người có học vị, quan chức - hay người đi xe thồ, sửa xe gắn máy, cô thợ may - cũng đều cảm thấy là tiếng lòng và niềm ao ước của chính mình? Tính phổ quát của bài thơ vì thế là rất lớn. Sức chuyển tải của bài thơ cũng thật mạnh. Theo tôi, một bài thơ đạt được hai yêu cầu ấy là một bài thơ “để đời”. “Còn Gặp Nhau” là một bài thơ rất hay của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vậy!

Điệp khúc “Còn gặp nhau/ còn gặp nhau…” - được lập lại đến 7 lần trong bài thơ như âm vang bất tận - lời thì thầm khôn nguôi, lời nhắn gửi ân cần, và là ước mơ của những tâm hồn rộng mở dào dạt yêu thương…■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét