TS Lưu Trần Luân, NXB Chính trị Quốc gia, kể lại: Bộ Chính trị đã quyết định giao Di chúc Bác Hồ cho một đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị lưu giữ. "Trước khi đồng chí qua đời, các cơ quan chức năng đã thu lại tài liệu "Tuyệt đối bí mật" này trong két sắt tại nhà riêng của đồng chí và tiếp tục giao cho một Ủy viên Bộ Chính trị khác quản lý. Đến cuối năm 1989, Di chúc của Bác mới được giao lại cho cơ quan chức năng...".
|
Lần đầu tiên, toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh vào tháng 5/2009 đã thu hút sự quan tâm của mọi người. |
40 năm sau ngày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố, chúng ta vẫn thấy tầm nhìn thời đại trong mỗi lời thiêng liêng Người để lại. Dường như những gì Người vạch ra, tiên lượng từ hơn 4 thập kỷ trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Vì thế, nhắc lại những ký ức về Người một lần nữa, "không phải để than khóc trước việc Người từ trần, mà để ca ngợi cuộc sống của Người, như một thiên anh hùng ca của một trong những vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ này.
Cùng với toàn thể loài người tiến bộ, lịch sử sẽ mãi mãi tưởng nhớ đến Bác Hồ là một người hiền hậu và đáng yêu nhất" (Báo Người quan sát của I-rắc). Bởi vì, cùng với những giá trị thời đại, chúc thư của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng mang nhiều nét độc đáo.
Lần đầu Di chúc được phổ biến rộng rãi
Hồ Chí Minh bắt đầu viết chúc thư, mà Người gọi là tài liệu "Tuyệt đối bí mật", vào 9h sáng ngày 10/5/1965, dịp Người tròn 75 tuổi. "Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp sinh nhật mình; chọn đúng vào lúc 9h, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây… để viết về ngày ra đi của mình…" (Bác Hồ viết di chúc như thế nào - Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ).
Rồi từ đó, mỗi năm, từ mồng 10 đến 20 tháng năm, mỗi hôm, Người dành trọn 1 tiếng, từ 9h đến 10h, để chỉnh sửa Di chúc.
Từng từ, từng câu, một cách cẩn trọng. Những bút tích của Người còn lại trong các bản Di chúc đã cho thấy, đây là văn bản được Người tập trung thời gian, suy nghĩ, chỉnh sửa nhiều nhất so với các văn bản bút tích của Người để lại. Điều đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Người trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhưng đó còn là tấm lòng của vị lãnh tụ với tương lai đất nước.
Bản Di chúc còn mang nét độc đáo rất riêng nữa là, dù bút tích Người ghi rõ "Tuyệt đối bí mật", nhưng đây lại là tài liệu được công bố rộng rãi nhất, được nhiều thế hệ học tập, noi theo. Di chúc của Hồ Chủ tịch đã được Bộ Chính trị cho xuất bản và công bố cùng ngày tổ chức lễ quốc tang 9/9/1969. Không chỉ Trung ương trực tiếp xuất bản Di chúc với số lượng lớn, mà nhiều NXB và hàng loạt tờ báo Trung ương và địa phương cũng đăng tải, công bố bút tích của Người trên trang nhất vào thời điểm đó.
Năm 1970, bản Di chúc của Người lại được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức in tại cơ sở bí mật ở Sài Gòn và phát hành rộng rãi tại các vùng giải phóng. 20 năm sau ngày Hồ Chủ tịch qua đời, một lần nữa Di chúc của Người được xuất bản, nhưng lần này là toàn văn, do NXB Sự thật ấn hành với số lượng tới hơn 100.000 bản. Từ đó cho đến nay, Di chúc của Bác đã nhiều lần được tái bản với số lượng lớn.
Trong Di chúc của Người chỉ tập trung vào các vấn đề lớn, mang tính vận mệnh dân tộc, vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Gọi là Di chúc, nhưng những gì dành cho riêng Người thật ít ỏi, ở phần được gọi là "việc riêng" Người chỉ gói gọn trong 79 chữ, đúng bằng số mùa xuân mà Người đã trải qua. Sự trùng hợp này cũng thật đặc biệt. Hơn nữa, tuy được Người gọi là việc riêng, nhưng dường như, bất cứ ai soi vào cũng thấy việc Bác nói liên quan đến cả mình, là việc chung của cộng đồng xã hội.
Có thể nói rằng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một Di chúc đặc biệt, khi tài liệu này như một văn kiện chính trị để lại cho toàn Đảng, toàn dân và đến hôm nay, nhiều vấn đề vẫn còn mang tính thời sự.
Bài viết trên tờ Tin tức của Cộng hòa Ả rập thống nhất đã có những nhận xét chính xác về Bác Hồ: "Nếu ta nói rằng, lịch sử loài người trước đây chưa từng được biết đến một kiểu mẫu nào như thế, thì chỉ riêng cuộc đời của Cụ cũng đã xác nhận chân lý ấy…".
Độc đáo hành trình lưu giữ
Ngoài những nội dung trong Di chúc mang tính độc đáo, Di chúc của Hồ Chủ tịch còn có một quá trình lưu giữ, bảo quản cũng độc đáo không kém.
Vì những lý do khách quan, vào năm 1989, toàn văn Di chúc của Hồ Chủ tịch cũng như ngày mất của Người mới được công bố, bằng Thông báo của Bộ Chính trị khóa VI.
Sau ngày đó, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ đã công bố một số bài viết dưới dạng hồi ký với nhiều nội dung, trong đó, có những điểm nhấn: Các học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch đã vô cùng xúc động khi trái tim của vị lãnh tụ thiên tài ngừng đập. Nhưng rồi, cố trấn tĩnh trước đau thương quá lớn này, lần lượt Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, hỏi đồng chí Vũ Kỳ về việc Hồ Chủ tịch có để lại gì không.
Khi nghe đồng chí Vũ Kỳ trả lời "có", Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị không được nói với ai và sẽ tổ chức cho đồng chí Vũ Kỳ trình tài liệu "Tuyệt đối bí mật" trước Trung ương.
Chiều 3/9/1969, BCH Trung ương Đảng đã họp hội nghị bất thường. Với trách nhiệm thiêng liêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đảng và với nhân dân, đồng chí Vũ Kỳ đã nghiêm cẩn mang tài liệu "Tuyệt đối bí mật" đi cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị, bước vào hội trường trao lại cho BCH Trung ương. Từ thời khắc đó, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không còn nằm ở Văn phòng Chủ tịch nước nữa.
TS Lưu Trần Luân, NXB Chính trị Quốc gia, một trong rất ít người may mắn được giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình xuất bản toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1989, sau khi Ban Bí thư ra Thông báo "Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh", đã kể lại trong một nghiên cứu của mình: "Sau này, chúng ta được biết khi đồng chí Vũ Kỳ trao lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định chọn một người được tuyệt đối tin tưởng là một đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị lưu giữ.
Trước khi đồng chí qua đời, các cơ quan chức năng đã thu lại tài liệu "Tuyệt đối bí mật" này trong két sắt tại nhà riêng của đồng chí và Bộ Chính trị tiếp tục giao cho một Ủy viên Bộ Chính trị khác quản lý.
Đến cuối năm 1989, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được giao lại cho cơ quan chức năng là Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản. Từ đó đến nay, Di chúc của Người đã được lưu giữ tuyệt đối cẩn trọng"./-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét