Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy nghi ngờ số liệu nợ xấu

Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy nghi ngờ số liệu nợ xấu
 
15-10-2013 10:47:30
Theo ông Lê Đức Thúy, số liệu nợ xấu không phải như những con số chính thức được công bố, mà cao hơn nhiều.
 
    Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một lần nữa là chủ đề "nóng" của các chuyên gia tại Hội thảo về cải cách thị trường tài chính do Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức ngày 14/10. Không phải là diễn giả trình bày chính nhưng những phát biểu của ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - lại được cả diễn đàn chú ý nhất dù trình bày ở phần cuối chương trình. Vị "tướng về hưu" của ngành ngân hàng đánh giá  trong "bộ ba" tái cơ cấu nền kinh tế (ngân hàng - doanh nghiệp Nhà nước - đầu tư công), ngân hàng là ngành có những nỗ lực lớn nhất.
    Nhưng theo ông, với việc đảm bảo thanh khoản, hệ thống xem như mới đi qua giai đoạn "cấp cứu", trong khi đó một cuộc đại phẫu lớn hơn nhiều vẫn đang chờ đón ở phía trước. Do đó, sau "cấp cứu" sẽ đến việc đánh giá thực trạng sức khỏe của hệ thống xem có đủ sức trải qua "cuộc đại phẫu" quan trọng hay không. Tuy nhiên, vị chuyên gia này thẳng thắn cho rằng khâu chẩn đoán "bệnh" hiện nay chưa tốt, đặc biệt như trong vấn đề nợ xấu.
     
    Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy cho rằng hệ thống ngân hàng đã qua giai đoạn "cấp cứu"
     
    "Là người làm ngân hàng nhiều năm, nay về hưu, nói thật đến tôi cũng băn khoăn nợ xấu thực chất là bao nhiêu. Có vẻ không phải như những con số chính thức được công bố. Chừng nào chưa nhìn thấy con bệnh bệnh tình ra sao thì chưa thể chữa được", ông Lê Đức Thúy phát biểu.
    Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 7, nợ xấu các nhà băng "tự báo cáo" là gần 139.000 tỷ đồng (tương đương 4,58% tổng dư nợ). Còn tỷ lệ nợ xấu theo Cơ quan Thanh tra Giám sát có thể nhỉnh hơn vài điểm phần trăm. Dù vậy, ông Lê Đức Thúy cũng như nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng con số thực chất của nợ xấu còn cao hơn rất nhiều. Thậm chí, trong báo cáo về hệ thống ngân hàng Việt  Nam mới công bố cuối tháng 9, Fitch cho rằng tỷ lệ nợ xấu thực vào khoảng 15%. Ngoài ra, Fitch cũng nhận xét kém minh bạch về nợ xấu cũng là một trong những rủi ro với các ngân hàng lớn của Việt Nam.
    Bất kể con số nợ xấu là bao nhiêu, việc Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời và đi vào hoạt động vẫn được xem là một tín hiệu lớn cho thị trường. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thúy và không ít học giả bày tỏ lo ngại với khả năng đánh tan "cục máu đông" của VAMC.
    Phân tích cụ thể hơn, ông Thúy cho rằng, với lập luận VAMC không dùng tiền ngân sách mà chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, vào nguồn lực từ Ngân hàng Nhà nước thì không thể giải quyết nổi.
    Ông dẫn ví dụ tại các cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, châu Âu, Chính phủ các nền kinh tế này đều bơm ra lượng tiền lớn cho các ngân hàng trung ương cũng như từng ngân hàng thương mại để tái cấp vốn, bảo đảm thanh khoản.
    "Đấy đều là những chính sách bất thường, không có tiền lệ mà họ phải làm để giải quyết khủng hoảng. Còn ta đơn thuần muốn giải quyết chỉ bằng ý chí thì không được. Trong từng bối cảnh cụ thể đều phải có cái giá phải trả để giải quyết vấn đề", nguyên Thống đốc nói.
    Về chặng đường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vừa qua, tại hội thảo này, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Tú (Phó chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thẳng thắn nói đến hạn chế về nguồn lực tài chính của VN.
    Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực dùng các biện pháp hành chính, khuyến khích các ngân hàng tự nguyện sáp nhập hay phát hành trái phiếu đặc biệt cho VAMC để mua nợ xấu. "Song không thể phủ nhận chính việc thiếu nguồn lực tài chính đã khiến việc tái cơ cấu ở VN không thể thực hiện những giải pháp mà theo thông lệ quốc tế đã rất thành công", các tác giả cho biết.
    Đến nay VAMC đã mua những khoản nợ đầu tiên nhưng không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp xử lý nợ xấu mang tính ngắn hạn. Theo bà Trần Thị Thanh Tú, VAMC mua lại nợ bằng tiền thực hay tiền ảo đều chỉ giải quyết về mặt kỹ thuật là nhấc chúng ra khỏi bảng cân đối kế toán trong khi bản chất, nợ xấu đó vẫn chưa thu hồi được, chưa giúp ngân hàng lẫn doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính.
    Về mặt lý thuyết, VAMC sẽ có cách hỗ trợ các doanh nghiệp nếu có phương án kinh doanh và dòng tiền để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, khi tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc này khó thực hiện.
    "Không thể trông chờ vào chiếc gậy thần VAMC để xử lý nợ xấu mà cần nhiều biện pháp khác mới giải quyết tận gốc mối quan hệ vay nợ của doanh nghiệp, ngân hàng", bà Tú nhận định.
Theo VnExpress
-- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét