Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
05/10/2013 03:30Từ Tuần lễ văn hóa Toulouse trở về nhà khoảng 20 giờ 30 tối qua, tôi được tin sét đánh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần lúc 18 giờ 09 ngày 4.10.2013 tại Bệnh viện Quân đội 108.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị nữ thông tin và quân y (tháng 5.1973) - Ảnh: TTXVN |
Đại tướng nằm viện từ hơn hai năm nay và tuổi cao, sức khỏe giảm sút dần, nhưng vẫn tỉnh táo khi có người vào thăm. Ai cũng biết quy luật của tạo hóa là “nhân sinh tự cổ thùy vô tử” nhưng ai cũng cầu mong kéo dài cuộc sống của Đại tướng với niềm hy vọng thiêng liêng. Chính vì vậy tin Đại tướng ra đi dù như được báo trước vẫn là một tin sét đánh, tin đau thương choáng váng.
Tất cả chúng ta và cả thế giới đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng tổng tư lệnh đã chỉ huy hai cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc Việt Nam, là một trong những vị tướng soái, một nhà chiến lược quân sự lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại. Trong hai cuộc kháng chiến này, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tin cậy giao trọng trách nắm toàn bộ quyền chỉ huy quân sự với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội và Bí thư Tổng quân ủy. Ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đó, xứng đáng với niềm tin yêu của quân đội và nhân dân. Ông được quân đội tôn vinh là “Người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” và nhân dân coi ông là vị tướng của nhân dân. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và binh nghiệp rạng rỡ của ông được xuất bản trong nước và trên thế giới. Tên tuổi, sự nghiệp, cống hiến của ông đã đi vào nhiều từ điển bách khoa và bách khoa thư của các nước. Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp đã từng vang lên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước như biểu tượng của Việt Nam, ngọn cờ tiền phong của phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Ông trở thành một vị tướng huyền thoại của chiến tranh nhân dân, tiêu biểu cho sức mạnh của một nước thuộc địa bị coi là “nhược tiểu” dám đương đầu và chiến thắng những đế chế hùng mạnh bậc nhất của thời đại.
Vị tướng độc đáo
Đối với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa, nhà sử học lớn. Con người, sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử, đã được ghi tạc vào lòng dân muôn thuở không mờ phai.
So với nhiều thống soái trong lịch sử Việt Nam và thế giới, ông có những nét độc đáo.
Trong số các vị tướng lừng danh trên thế giới, ông là người duy nhất đã sống trên trăm tuổi, xuyên suốt gần cả thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21.
Ông là người cùng toàn quân, toàn dân viết lên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm và là người chép lại chính những trang sử đó. Những hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ: điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng là những bộ sử sống động của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam. Với tầm bao quát của vị thống soái, những trang hồi ký của ông vừa mang tính cụ thể của nhiều tình tiết sinh động, vừa phản ánh toàn cục của cuộc chiến tranh.
Ông là nhà quân sự vào loại rất hiếm hoi không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần kháng chiến bảo vệ đất nước và khởi nghĩa giành lại đất nước, để lại một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, sáng tạo. Nhưng từ kinh nghiệm đó, tổng kết nêu lên thành một hệ thống quan điểm phản ánh tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam thì không mấy nhà quân sự làm được. Trước đây, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là người đầu tiên đã soạn được hai bộ binh thư: Binh gia yếu lược (hay Binh thư yếu lược) vàVạn Kiếp tông bí truyền thư, nhưng cả hai đều thất truyền. Hiện chỉ còn Hịch tướng sĩ và Lời di chúc của Trần Hưng Đạo là một phần tổng kết mang tính binh thư.
Thế kỷ 18, nhà quân sự lỗi lạc Đào Duy Từ viết bộ binh thư thứ ba là Hổ trướng khu cơ còn truyền đến nay. Đào Duy Từ không trực tiếp cầm quân nhưng giữ vai trò như cố vấn của chúa Nguyễn trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn.
Mãi đến ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh đã để lại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại.
Nhà sử học, nhà văn hóa
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà quân sự vừa là nhà sử học. Trước khi trở thành nhà quân sự, ông đã là nhà báo, nhà sử học, thầy giáo dạy sử. Đã mấy lần trong trao đổi thân tình, ông nói với chúng tôi, hiểu biết và tư duy sử học giúp ông rất nhiều trong chỉ huy kháng chiến. Theo ông, có sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, là phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó. Về phương diện này, chiến tranh là thử thách ác liệt nhất rèn luyện tư duy và nhận thức khách quan của con người mà chỉ một nhầm lẫn nhỏ có khi phải đổi bằng tổn thương lớn, thậm chí thất bại nặng nề. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại tướng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử chống ngoại xâm, viết nhiều luận văn về lịch sử quân sự, về một số chiến công và danh nhân như chiến thắng Chi Lăng, chiến thắng Đống Đa, nhân vật Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... cùng một số tướng lĩnh thời hiện đại.
Trong nghiên cứu lịch sử và trao đổi với các sử gia trong và ngoài quân đội, Đại tướng đặc biệt lưu ý chúng tôi cần kiểm tra và tìm hiểu sâu sắc những khái niệm mà tổ tiên đã tổng kết như “ngụ binh ư nông” thời Lý; “dân binh”, “dĩ đoạn chế trường” thời Trần; “lập cước chi địa”, “dĩ nhược chế cường, dĩ quả địch chúng” thời khởi nghĩa Lam Sơn để thấy đúng tầm khái quát qua các thời kỳ lịch sử, sự tiến triển của tư tưởng quân sự Việt Nam. Ông có những phân tích và nhận xét sâu sắc về tính sáng tạo đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ. Ông cho rằng các cuộc kháng chiến hay khởi nghĩa thắng lợi đều là chiến tranh yêu nước mang tính nhân dân cao. Ông nhấn mạnh nền tảng quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến, quyết định sức sống bền bỉ của dân tộc là nền văn hóa dân tộc. Vì vậy ông rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Đại tướng gợi ý: hình như qua lịch sử chống ngoại xâm đã hình thành một số tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật quân sự mang tính độc đáo và sáng tạo của Việt Nam, tồn tại như một trường phái quân sự Việt Nam hay một học thuyết quân sự Việt Nam. Đại tướng không chỉ để lại một số công trình nghiên cứu lịch sử mà còn đề ra một số hướng nghiên cứu phản ánh một tư duy sử học rất sắc sảo.
Như chim đại bàng bay về nơi vô tận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng tên tuổi, nhân cách, sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với non sông đất nước và nhân dân Việt Nam.
“Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là Tướng Nhân dân”
Ngày 23.6.1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có cuộc gặp gỡ với ông Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Đây là hoạt động trong Hội thảo Việt Mỹ được coi là lần đầu tiên giữa các cựu quan chức và học giả hai nước trao đổi về quan hệ hai nước trong quá khứ với mục đích rút ra bài học tương lai.
Sau câu hỏi của ông Robert McNamara bằng cách nào Việt Nam đối phó được với những vũ khí hiện đại của Mỹ, một câu hỏi được mọi người chú ý đặt ra: vị tướng nào trong chiến tranh được tướng Giáp đánh giá cao nhất?
Đại tướng trả lời: “Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng đã có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng. Cho nên tôi rất tôn trọng người lính”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (ghi)
|
Năm tháng và cuộc đời
Năm 1925-1926: Tham gia vào phong trào học sinh ở Trường Quốc học Huế.
Năm 1929: Vào Đảng Tân Việt cách mạng, cùng một số đồng chí cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (lúc đầu là Việt Nam Cộng sản Liên đoàn). Tham gia viết Báo Tiếng Dân.
Năm 1930: Bị bắt trong vụ cứu tế Nghệ An đỏ ở nhà in Báo Tiếng Dân, bị kết án 2 năm tù. Ra tù mất liên lạc với tổ chức; một thời gian sau ra Hà Nội dạy học ở Trường Thăng Long, tuyên truyền và gây cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, tiếp tục học thêm cho đến đại học.
Từ năm 1936: Tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ, ở trong Ban lãnh đạo nửa hợp pháp của Đảng, lãnh đạo phong trào thanh niên, học sinh ở Hà Nội.
Thành lập Báo Hồn trẻ, cùng một số đồng chí sáng lập và biên tập các báo Le Travail (Lao động), báo Notre voix (Tiếng nói chúng ta), báo En avant (Tiến lên), báo Rassemblement (Tập hợp), viết báo Đời nay, Tin tức, Thời báo, Cờ giải phóng.
Tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
Năm 1940: Được Đảng cử ra nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 6.1940: Làm thủ tục kết nạp vào Đảng. Được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đi Diên An, giữa đường được chỉ thị trở về Quế Lâm hoạt động ở biên giới Trung - Việt. Về nước, cùng ở với Bác Hồ tại Pác Bó. Sau Hội nghị T.Ư lần thứ 8, được giao nhiệm vụ vận động đồng bào ở Hòa An và Nguyên Bình, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, lập ra những xã hoàn toàn, châu hoàn toàn (hoàn toàn tham gia Việt Minh).
Năm 1941: Tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và xây dựng căn cứ địa ở Cao-Bắc-Lạng.
Năm 1942: Phụ trách Ban Xung phong Nam Tiến, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.
Tháng 12.1944: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Tháng 4.1945: Tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, được cử vào Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ.
Tháng 5.1945: Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
Tháng 6.1945: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng.
Tháng 8.1945: Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư. Sau đó được cử vào Ban Thường vụ Ban Chấp hành T.Ư và Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.
Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Đảng - Đoàn Chính phủ.
Tháng 1.1946: Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (liên tiếp là đại biểu các khóa II, III, IV, V, VI, VII).
Tháng 3.1946: Chủ tịch quân sự ủy viên Hội trong Chính phủ liên hiệp.
Khi thành lập Quân ủy T.Ư là Bí thư Quân ủy T.Ư.
Tháng 11.1946: Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ mới. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam.
Năm 1948: Được phong quân hàm Đại tướng.
Tháng 2.1951: Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, được T.Ư cử vào Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy T.Ư.
Tháng 9.1955: Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 9.1960: Tại Đại hội lần thứ III của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư, được cử vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Quân ủy T.Ư.
Tháng 4.1976: Là Đại biểu Quốc hội khóa VI nước CHXHCN Việt Nam. Được cử làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 12.1976: Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư và được T.Ư cử vào Bộ Chính trị. Tiếp tục làm Bí thư Quân ủy T.Ư cho đến năm 1978.
Tháng 1.1977: Được phân công làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách quốc phòng và khoa học kỹ thuật.
Tháng 1.1980: Được phân công làm Phó thủ tướng, tiếp tục phụ trách khoa học và kỹ thuật, tháng 12 năm ấy phụ trách thêm công tác khoa giáo (phụ trách khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội).
Tháng 4.1981: Đại biểu Quốc hội khóa VII, được cử lại làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 3.1982: Đại hội lần thứ V của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng.
Là Phó thủ tướng phụ trách công tác khoa học và công tác giáo dục đào tạo và chỉ đạo công tác nghiên cứu dự báo chiến lược khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội.
Từ 1992 đến nay: Chủ tịch Danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Chủ nhiệm đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp nhà nước và “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Chủ tịch Danh dự Hội Khuyến học Việt Nam.
Chủ tịch Danh dự Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).
Chủ tịch Danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam.
(Theo Tài liệu của Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
|
Báo chí thế giới đưa tin Đại tướng từ trần
Ngay trong tối qua, hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới đã đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.
Trên tờ Le Monde (Pháp) phiên bản điện tử, ký giả kỳ cựu Jean-Claude Pomonti có bài viết nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng và đánh giá: “Ông sẽ lưu lại trong lịch sử như là một trong những thủ lĩnh quân sự lớn nhất thế kỷ 20, người duy nhất đã lần lượt đánh bại nước Pháp và đương đầu với Mỹ.
Đánh sụp cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 5.1954 và giải phóng Sài Gòn tháng 4.1975 mãi mãi là những chiến công của một nhà lãnh đạo có tầm vóc phi thường về mọi mặt: uy vũ cá nhân, tài năng thiên bẩm về hậu cần, nhà chiến thuật vô song. Không thể phủ nhận những chiến thắng đó đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào hàng những nhà chiến lược vĩ đại của Việt Nam, những người qua hàng thế kỷ đã chặn đứng thành công con đường đi về phương Nam của người Trung Hoa, sau khi đã đánh đuổi họ ra khỏi mảnh đất này. Về phần mình, Võ Nguyên Giáp đã đóng góp to lớn vào việc làm thất bại sự trở lại của người Pháp, và ngay sau đó, đập tan ý đồ thế chân của người Mỹ, ngay giữa cuộc Chiến tranh lạnh”.
V.Lý (dịch)
|
GS Phan Huy Lê
==================================================
“Anh Văn luôn bình thản trước những khó khăn”
Đăng Bởi Một Thế Giới - 5-10-2013
Tự nhận mối quan hệ thân tình với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “tài sản lớn trong cuộc đời”, ông Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ những tâm tư của mình khi nghe tin “anh Văn đã ra đi”.
Thưa ông, ông nhớ những kỷ niệm nào với Đại tướng?
Khi tôi làm việc ở văn phòng Chính phủ, sau đó về CIEM, làm việc ở văn phòng TƯ Đảng, phục vụ đồng chí Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh, tôi có nhiều dịp ngồi dự thính họp bộ Chính trị, được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có khi Đại tướng là phó Thủ tướng phụ trách Khoa học công nghệ, có khi Đại tướng quan tâm tới các vấn đề phát triển kinh tế. Đại tướng có gọi tôi đến để báo cáo và trao đổi.
Tất cả chúng tôi đều gọi Đại tướng là anh Văn, cái tên mà các đồng chí lãnh đạo vẫn gọi. Ông là người hết sức am hiểu và đối xử với cán bộ rất chan hòa, khiêm tốn và không bao giờ có thái độ đề cao cá nhân của mình. Điều đặc biệt của Đại tướng là rất chủ động, nhiều khi đến nơi tôi trình bày sẽ nói vấn đề này, vấn đề kia, thì Đại tướng đặt vấn đề “Không, Doanh nói theo trình tự như thế này. Thực tế, hiện trạng, nguyên nhân, kiến nghị và kinh nghiệm quốc tế thế này”. Đại tướng thường xuyên đề ra các bố cục, những yêu cầu rất chủ động, nếu người báo cáo không phải người nắm chắc vấn đề thì sẽ gặp khá nhiều khó khăn, nhưng Đại tướng bao giờ thái độ cũng rất ôn hòa, có nhiều lần Đại tướng bảo tôi vừa báo cáo vừa đi bộ trong vườn nhà, vừa đi vừa trao đổi rất thẳng thắn rất chân tình.
Sau này khi về nghỉ rồi, ngày Tết chúng tôi vẫn thăm và chúc sức khỏe Đại tướng, có những dịp anh em trong ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải đến chúc thọ Đại tướng. Có nhiều lần sinh nhật Đại tướng trốn đi, không ở Hà Nội mà đi về nơi khác để tránh những lễ lạt, hình thức nhiều quá, mất thì giờ. Cá nhân tôi cũng có mối quan hệ thân tình với gia đình Đại tướng. Đó là tài sản lớn trong cuộc đời tôi.
Ông còn nhớ nhất điều gì?
Tôi cũng biết Đại tướng trải qua những thời điểm khó khăn, điều làm tôi rất ngạc nhiên là Đại tướng vô cùng bình tĩnh, không có dấu hiệu gì tỏ ra lo lắng cả. Ông hoàn toàn có thể chấp nhận những cái thay đổi rất bình thản, không nghĩ tại sao người này người kia lại làm điều ấy. Trong những giờ phút khó khăn tôi thấy Đại tướng ngồi chơi đàn piano. Đó là những giờ phút tôi thấy rất quý báu với cuộc đời mình. Đấy là những bài học lớn về nhân cách con người, về cách ứng xử, nhất là bản lĩnh của con người trải qua nhiều thăng trầm và luôn luôn tự tin giữ phẩm giá của mình và bảo vệ sự thật. Tôi nghĩ đó là những điều rất quý báu mà Đại tướng đã có để lại.
Nhiều người dân Việt Nam thương tiếc Đại tướng với tình cảm sâu sắc, vì chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại trong lúc đất nước vẫn còn nhiều khó khăn?
Tôi nghĩ trong giờ phút này, khi Đại tướng đã vĩnh biệt chúng ta, tôi nghĩ chúng ta hãy tâm niệm và làm theo những điều mà Đại tướng đã đấu tranh và mong mỏi cho đất nước chúng ta , bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, đó là những điều tôi rất tâm niệm và mong muốn chúng ta sẽ làm được.
Trước đây Đại tướng cũng thường xuyên nhắc đến bác Hồ, điều mà Đại tướng vẫn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi là kỷ niệm bác Hồ nói với Đại tướng trong hang Pác Bó, “làm cách mạng phải chí công vi thượng”, tức là lấy tinh thần vì công, vì đất nước làm cái cao nhất.
Xin cảm ơn ông!
Ca Thy (Thực hiện
21 ngày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp06/05/2009 23:39
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm quê - Ảnh: T.L |
Một ngày cuối tháng 3 năm 1992, tôi theo đoàn cán bộ tỉnh lên đỉnh đèo Ngang đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia quyến về thăm quê. Đó là cơ duyên và là niềm vinh dự của cuộc đời tôi khi được cùng đi với ông suốt 21 ngày trên đất quê hương...
Bấy giờ tỉnh Quảng Bình tái lập gần hai năm. Đây không phải là lần đầu tiên tôi có cơ hội gặp vị Đại tướng lừng danh, lại là người đồng hương Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Ba mươi ba năm trước đó, năm 1959, tôi đã có dịp... gặp ông, chạy theo ông trên đôi chân trẻ thơ.
Hồi ấy, mới 5 năm sau ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ, khắp nơi đang còn âm vang bài ca hòa bình và âm hưởng hùng tráng của chiến thắng Điện Biên, Đại tướng về thăm quê. Hôm ấy, một ngày hè chói chang của năm 1959, cả huyện ào về hữu ngạn Kiến Giang đón Đại tướng. Bọn trẻ chúng tôi cũng liều mạng vượt sông theo người lớn. Một lũ trẻ con trần như nhộng bị cuốn vào cơn lốc của dòng người chạy theo xe. Trong cơn hỗn loạn, tôi kịp thấy ông đứng thẳng trên xe mui trần, mặc binh phục, mũ kê-pi, cánh tay gấp, bàn tay duỗi phẳng đưa ngang vành mũ chào quê hương, đồng bào. Hình ảnh ấy gây trong tâm hồn trẻ thơ tôi một ấn tượng rất mạnh, đến nỗi mười năm sau tôi nhập ngũ, mỗi lần chào theo quân lệnh đều gắng gập cánh tay đúng góc độ, duỗi thẳng các ngón tay trên vành mũ, dồn tâm tưởng vào... làm sao cho giống cánh tay ông nhất.
Thập nhị đại lộc
Lại nói, một ngày cuối tháng 3 trên đỉnh đèo Ngang, 16 giờ 30, nắng rải vàng như mật. Ông bước xuống, giáo sư Đặng Bích Hà (phu nhân), giáo sư Võ Hồng Anh (ái nữ) và các sĩ quan cùng đi như đại tá Tâm, đại tá - bác sĩ Huyên... bước xuống. Ba phút sau cả hai đoàn chủ và khách đã hòa lại làm một cùng lặng ngắm về dải đất nam đèo Ngang mềm mại thân thương và gần như chưa được đánh thức.
Với ông, từ ngày rời quê nhà Lệ Thủy vào Huế học Quốc học, ra Thăng Long mở trường tư thục, làm thầy, làm tướng có biết bao lần vượt Hoành Sơn. Nhưng đây là lần về thăm quê dài ngày của tuổi thượng thọ và như dân gian nói là chuyến đi dối già, gương mặt vị Đại tướng không giấu nổi vẻ xúc động.
Trong vị trí một người làm báo hình, tôi may mắn được theo sát ông suốt 21 ngày, thăm qua 5 huyện thị. Đến đâu ông cũng được quân dân nhiệt liệt đón chào và ngưỡng mộ. Có ngày ông du ngoạn trên sông Nhật Lệ, ghé thăm bậc danh sĩ Nguyễn Tú ở Bảo Ninh, đi lại rất lâu trên doi cát nơi cửa sông, thăm động Phong Nha, tiếp đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đang khảo sát động, làm việc với cán bộ chủ chốt ở các địa phương.
Về thăm lại khu vườn, căn nhà xưa mới được phục hồi tôn tạo, ông tha thẩn sờ lại từng cành khế, gốc mít, ngồi trầm ngâm trên bến sông Kiến Giang ngóng vọng qua Lòi Đá còn rì rầm những gốc cây nguyên sinh, những khối đá thiên tạo, nghe âm âm vọng về ký ức một thời ấu thơ xa lắc. Ông đặc biệt dành tình cảm và thời gian cho trường học và các cháu học sinh.
An Xá làng ông nằm bên hữu ngạn Kiến Giang kéo dài tới ven phá Hạc Hải, có lịch sử trên dưới 700 năm nghĩa là vào nửa cuối triều Trần, giai đoạn Thượng tướng Hoàng Hối Khanh vào trấn thủ lập nên huyện Nha Nghi (Lệ Thủy ngày nay). Có 12 cụ vào đây khai canh lập ấp nên còn gọi là thập nhị đại lộc. Làng có hai vị đại khoa là tiến sĩ Hán học Lê Đa Năng và Phạm Đại Kháng. Cùng mạch đất, xóm trên có tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An, tác giả Ô Châu Cận Lục, Đại tướng Nguyễn Danh Cả chiến đấu dưới cờ Lê Lợi, Thượng tướng quận công Hoàng Hối Khanh, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Sau này có các ông Đào Viết Doãn, Bùi Xuân Các, Đặng Phạm Mai, Võ Tử Thức, Võ Thuân Nho, Trần Bội, Trần Sự là những bậc thức giả, những sĩ quan tài năng...
Làng An Xá và làng Tuy Lộc liền kề có nghề làm chiếu cói và làm giấy dó, giấy bản được tiến sĩ Dương Văn An mang từ Thăng Long về thời thế kỷ 16. Các bậc cao niên cho biết gần đây dân làng không gọi Đại tướng là anh Văn hay bác Giáp nữa mà đột ngột kêu vị đồng hương là Ngài.
Nói vào ngọn gió
Đại tướng và phu nhân thăm Đài truyền hình tỉnh. Tôi trở thành chủ nhà. Ngày ấy, đầu tháng 4.1992, đài còn đóng trên đồi Hải Thành. Vị trí này chính là dấu tích một đoạn trong chiến lũy Nhật Lệ của Đào Duy Từ thời Trịnh - Nguyễn. Giai đoạn này đài phát sóng bằng máy công suất... một trăm oát, chỉ đủ cho dân nội thị. Đang có kế hoạch mua máy mới. Vấn đề là mua máy công suất bao nhiêu: một ký (1.000W) hay nửa ký (500W). Đã có một cuộc hội thảo bất thành vì một số cán bộ sợ tốn kém cứ đòi mua rẻ máy công suất nhỏ. Đêm trước, tôi báo cáo toàn bộ tình hình với “bác đồng hương” rồi thở vào tai ông:“Ở các tỉnh khác, đài cấp huyện mà cũng đã được trang bị máy một ký”, với dụng ý nhờ uy tín của ông gây sức ép để tỉnh Quảng Bình mua máy công suất lớn ngõ hầu cho dân các huyện cũng bắt được sóng truyền hình. Y như rằng, mới nghe người trưởng đài báo cáo tình hình hoạt động và dự định thay máy 100W bằng máy 500W, Đại tướng đã đùng đùng nổi giận. Ở ngay trên đỉnh đồi có một cái lô cốt cũ với rất nhiều bậc bê tông lên vọng gác. Mọi người bất ngờ thấy vị Đại tướng bát tuần cứ bước ào ào lên xuống sáu bảy bậc cấp. Thú thực, ban đầu tôi khoái chí thấy ông bênh vực cho đài, nhưng tới lúc ấy lại thót tim sợ ông ngã. Ông nói trong cơn giận dữ:
- Ở tỉnh ai lo việc này?
- Dạ thưa... - Ông phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã lên tiếng.
Chiều hôm ấy, một buổi chiều chớm hè trên đỉnh đồi lộng gió. Những cơn gió đầu mùa cường lực từ cửa biển Nhật Lệ thổi ào ạt. Chúng tôi lại thấy Đại tướng rẽ đám đông bước ra triền đồi đứng đối diện với gió. Không một ai dám theo. Riêng tôi, trong tư thế cầm máy (camera) buộc phải tiếp cận ông. Và, trên màn hình phi-dơ hiện lên cận cảnh một vị tướng kỳ lạ: đầu tóc bạc phơ, cúc áo ngực phanh ra, gương mặt đầy những nét căng thẳng. Ông nói rất lớn vào ngọn gió những điều đang khiến ông giận dữ, những điều mà ngoài những bụi sim đang nở hoa tím trên chiến lũy Đào Duy Từ chỉ có tôi và ngọn gió thẩm thính được.
“Yêu đương gì đâu mà hẹn hò”
Chia tay. Ngày thứ 21, cũng vào một buổi chiều có mưa rào nhẹ, se lạnh. Trước đó, khi ông đang nói chuyện với cán bộ nhân dân huyện Quảng Trạch, tôi ngồi la đà với nhóm sĩ quan trong đoàn.
Đỉnh đèo Ngang. Mũi xe hướng ra bắc. Đại tá Tâm mở dù che cho ông. Mọi người nhường chỗ cho dântruyền hình làm việc.
- Thưa bác, đây đã là thước đất cuối cùng của quê hương, xin bác nói đôi lời với cán bộ nhân dân.
Rất may mắn là tôi mở đầu được một câu khá chuẩn. Đại tướng trả lời, căn dặn nhiều điều, thân ái chào bà con và...
- Thưa bác, xin bác một lời hò hẹn ngày tái ngộ!
Câu này tôi bất ngờ bật ra như cái máy. Trong đám đông có tiếng cười khẽ. Tâm trạng mọi người cheo leo như đứng bên bờ vực. Đại tướng trả lời ngay:
- Tôi có phải trai gái yêu đương gì đâu mà hẹn hò(đám đông phá ra cười vang trời Hoành Sơn). Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà...
Đám đông lập tức yên lặng, lắng nghe từng lời gọn, ngắn, bình dị mà sâu sắc, đầy đặn chất giọng Lệ Thủy của ông. Rồi cũng bị thúc đẩy, tôi bật ra câu thứ ba:
- Thưa Đại tướng! Bác có thể cho cháu... ôm...!
Chưa dứt lời, tôi đã thả micro lao tới. Không một ai kịp phản ứng. Tôi cảm nhận được từ cơ thể cụ già đã tám mươi mốt tuổi này còn một nội lực phi phàm. Và tôi thầm mong với niềm yêu thương tha thiết rằng: Xin linh khí trời đất phù hộ cho ông sống dư 100 tuổi...
Những ngày gần đây, ở Lệ Thủy vừa khánh thành khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh - người có công khai phá phương Nam, định vị hình hài đất nước và khởi công con đường về làng quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi về quê lấy tư liệu cho bài viết này, đọc trong trang lưu bút mới hay không phải chỉ mình tôi ước mong như vậy. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Trúc quê ở Hoài Nhơn - Bình Định viết: “Từ miền Nam ra thăm (quê) bác Giáp kính yêu. Chúc bác mạnh, sống lâu hơn nữa, đem lại hạnh phúc cho nước nhà và xã hội phồn vinh”.
Nguyễn Thế Tường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét