Vì sao giáo dục Thái Lan và Việt Nam xếp cuối bảng trong khu vực?
Kami
2013-11-26
2013-11-26
Đầu tháng 9.2013, đúng vào dịp khai giảng năm học mới niên khóa 2013-2014 có một tin không vui đến với nền giáo dục Việt nam. Đó là theo Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố vào đầu tháng 9, trong phần báo cáo "Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục" cho biết Việt Nam chỉ xếp thứ 7 và Thái lan xếp cuối trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng. Theo đó Singapore xếp thứ 1, Malaysia thứ 2, Brunei Darussalam thứ 3, Philippin thứ 4, Indonexia thứ 5, trong khi Campuchia đứng thứ 6.
Tin này đã khiến cho không ít người hoài nghi tính trung thực của báo cáo nói trên, vì điều trớ trêu là xếp hạng của giáo dục Việt nam đứng trên Thái lan một quốc gia được người Việt khá kiêng nể nhưng lại xếp dưới cả Campuchia, một quốc gia mà hầu như tất cả người Việt Nam có ý xem thường. Vậy thấy cũng cần phải nói rõ hơn về WEF và Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu để mọi người được biết rõ hơn về nó.
The World Economic Forum - Diễn đàn Kinh tế Thế giới có tên viết tắt WEF là một tổ chức quốc tế độc lập và trung lập, hoạt động phi lợi nhuận, và không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá nhân đơn lẻ. WEF có trụ sở chính tại Davos - Thụy Sỹ, đây là một tổ chức quốc tế độc lập cam kết cải thiện tình trạng của thế giới bằng cách tham gia kinh doanh, chính trị, khoa học và các nhà lãnh đạo của xã hội để định hình chương trình nghị sự toàn cầu, khu vực và ngành công nghiệp. Hàng năm ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác mà khách tham dự là các chuyên gia kinh tế, tài chính, nhà đầu tư, kinh doanh có thứ hạng của thế giới tham gia. Diễn đàn Kinh tế thế giới có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết những người đứng đầu các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Và Báo cáo cạnh tranh toàn cầu là một bản thông báo hàng năm có mức độ tin tưởng cao được Diễn đàn kinh tế thế giới phát hành.
Báo cáo này “nhằm đánh giá khả năng cung cấp mức độ thịnh vượng cao hay thấp đối với dân chúng ở mỗi quốc gia, trong đó có công bố “chỉ số cạnh tranh quốc gia” nhằm đo lường khuynh hướng của các thế chế, chính sách, những nhân tố tạo thành trạng thái hiện thời & những mức giới hạn về trạng thái thịnh vượng kinh tế”. Lần này theo Báo cáo năng lực cạnh tranh tòan cầu 2013 – 2014, theo đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp hạng 70/148 (toàn cầu) và thứ 7/10 trong số các quốc gia trong khu vực Asean. Các quốc gia trong khu vực Asean được xếp thứ hạng (toàn cầu) lần lượt, cụ thể Singapore thứ 2, Malayxia thứ 24, Brunei Darussalam thứ 26, Thái lan thứ 37, Indonexia thứ 38, Philipin thứ 59, Lào thứ 81, Campuchia thứ 88 và Myanmar thứ 139.
Như trên đã nói, trong phần báo cáo "Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục" cho biết Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được tiến hành khảo sát xếp hạng, kết quả của báo cáo cho thấy thứ hạng của Việt nam đứng trên Thái lan và xếp dưới Campuchia. Một điểm đáng lưu ý là báo cáo của WEF khẳng định rằng tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm nền giáo dục tốt và lương giáo viên cao không hẳn tạo ra khả năng giảng dạy thích hợp thì sự hoài nghi đó phần nào được lý giải. Điều này là hoàn toàn đúng đối với nền giáo dục của Thái lan trong giai đoạn hiện nay. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến cho chất lượng giáo dục của Thái lan thấp kém hơn so với các nước trong khu vực là do thu nhập của đội ngũ thầy cô giáo thấp do mức lương bình quân của ngành giáo dục thấp hơn các ngành khác. Và chính quyền Thái lan trong vòng 10 năm đã điều chỉnh ngân sách ưu tiên cho giáo dục từ 100.000 triệu baht năm 2004 lên hơn 300.000 triệu baht chủ yếu là dành cho việc tăng lương của giáo viên.
Trong vòng 10 năm nhà nước đã có 6 lần điều chỉnh tăng mức lương cho giáo viên trong ngành giáo dục với tổng số 26%,việc này đã làm cho hiện nay lương trung bình của giáo viên có thâm niên khoảng 15 năm cao hơn so với các ngành nghề khác. Nhưng đến lúc này người ta mới nhận thấy thu nhập của giáo viên không phải là vấn đề quyết định. Mà gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái lan khi trả lời phỏng vấn của kênh TV3 cho biết trong đề thi của các kỳ thi vào đại học hoàn toàn đã không đề cập tới nội dung đã dạy cho học trò. Mà là các nội dung đặc biệt mà học sinh lớp 12 ở nông thôn - không có điều kiện học thêm hoàn toàn không biết.
Học sinh tiểu học Thái Lan chụp hôm 27/8/2013. AFP photo
Nền giáo dục có hiệu quả không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách đầu tư cho giáo dục cuả các quốc gia nhiều hay ít. Mà có lẽ nó phụ thuộc vào phương châm và chiến lược phát triển giáo dục của từng quốc gia, đây là vấn đề quan trọng và mang tính quyết định. Vấn đề này một phần chịu ảnh hưởng của tư duy của các nhà lãnh đạo ngành giáo dục, đó là sự lựa chọn giữa một hệ thống giáo dục mang tính hình thức và một hệ thống giáo dục mang tính thực chất. Một hệ thống giáo dục mang tính hình thức và đối phó, đây có lẽ là điểm tương đồng giữa ngành giáo dục Việt nam và Thái lan. Ngân sách hàng năm dành cho giáo dục ở hai quốc gia này không hề nhỏ, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi ngân sách nhà nước. Song cũng vì quá chú trọng về mặt hình thức, như cơ sở vật chất trường sở trang bị đồng phục của học sinh, hay thiết bị phục vụ công tác giáo dục quá mức cần thiết...
Ví dụ ở Thái lan để thu hút phiếu bầu đảng cầm quyền đã đưa ra chính sách và nhà nước đã tiến hành trang bị cho học sinh lớp 1 mỗi học sinh một máy máy tính bảng (tablet), xin hỏi việc trang bị một thiết bị như vậy cho một đứa trẻ 6-7 tuổi có phù hợp, đạt hiệu quả và cần thiết hay không? Cũng như giáo dục ở Việt nam tính hình thức của giáo dục đã chịu ảnh hưởng của nền chính trị độc đảng, đảng lãnh đạo thì cái gì cũng tốt kể cả giáo dục. Như việc lấy chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học làm cơ sở đánh giá chất lượng của ngành giáo dục nói chung và chất lượng dạy và học của các trường nói riêng là điều hoàn toàn sai lầm. Vấn đề căn bản và quan trọng nhất là ở chỗ cần phải có một tầm nhìn chiến lược cũng như triết lý và chính sách giáo dục đúng đắn và phù hợp. Điều này thì ở Việt nam các nhà quản lý giáo dục đã ít nhiều nhìn thấy, nhưng chưa họ làm được vì nhiều năm nay họ còn quá lúng túng với công việc tiến hành cải cách giáo dục và không biết khởi đầu tầm nhìn chiến lược cũng như triết lý và chính sách giáo dục của Việt nam bắt đầu từ đâu và khi nào?
Khác với Thái lan là các nhà quản lý giáo dục đã không tư duy được vấn đề này, mà bằng chứng gần đây nhất trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ 4 năm của nội các của bà thủ tướng Yingluck Shinawatra, họ đã thay tới 4 đời Bộ trưởng Giáo dục. Thực trạng đó đã khiến tình trạng học sinh lớp 3 lớp 4 của Thái lan đọc không thông, viết không thạo chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Một điều thấy rằng cũng phải cần nói, đó là tính thực dụng của người Thái lan vấn đề này cũng có hai mặt của nó, trong giáo dục cũng vậy. Người Thái lan khác người Việt ở điểm này. Người Thái sẵn sàng sao chép lại các mọi thứ thành tựu của con người đã đưa vào sử dụng trong cuộc sống mà họ cho là tốt để áp dụng ở quốc gia của họ, kể cả chính trị. Trong giáo dục cũng vậy, hệ thống giáo dục của Thái lan là sự pha trộn của giáo dục phương tây và phương đông nhưng tất cả đều dừng lại ở mức nửa vời không đến nơi đến chốn. Họ cũng theo đuổi phương châm “dạy ít, học nhiều” của phương tây, nhưng chỉ áp dụng một nửa là dạy ít. Còn việc làm thế nào để trò học nhiều thì hoàn toàn còn bị bỏ ngỏ và phó mặc cho học sinh. Cũng như, trong giáo dục ở bậc tiểu học và phổ thông trung học cũng vậy, do các hoạt động khác ngoài các môn học cũng được tính điểm và dùng để tính điểm trung bình, nên một số giáo viên đã giúp học sinh lấy điểm số thông qua các hoạt động này để bù cho phần điểm thi không đạt. Đây cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích khá phổ biến, học sinh đủ điểm trung bình nhưng kiến thức thì hoàn toàn không có. Kết quả là trong 4 năm trở lại đây kết quả thi ONET của học sinh cuối cấp ở Thái lan với các môn học như Toán, Khoa học tự nhiên và Anh ngữ đều đạt dưới mức trung bình.
Kinh nghiệm của sự thành công nền giáo dục ở Singapore là một bài học tốt cho các nước khác. Ở Sinhgapore tiêu chí “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” không chỉ là khẩu hiệu, ở đó mọi chính sách ưu tiên cho ngành giáo dục được thực hiện một cách nghiêm túc trong mọi chính sách cụ thể của Singapore. Đây có lẽ là vấn đề mấu chốt mà hai quốc gia Việt nam và Thái lan phải coi đây là bài học cho mình. Hàng năm, trong kế họach đầu tư của mình, nhà nước Singapore luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Bắt đầu từ năm 1997, khi “Thinking Schools, Learning Nation – TSLN” (Nhà trường tư duy, quốc gia học tập) được coi là Tầm nhìn chiến lược với vai trò định hướng đổi mới cho giáo dục Singapore. Trong đó “Nhà trường tư duy” là mô hình trường học – nơi tư duy sáng tạo, niềm say mê học tập suốt đời và tinh thần phụng sự tổ quốc của học sinh được kích thích ngay từ tuổi nhỏ. Còn theo mô hình “Quốc gia học tập”, học tập được coi là văn hóa quốc gia, trong đó mọi tầng lớp xã hội đều dồi dào tính sáng tạo và đổi mới.
Những cái đó cộng với phương châm giáo dục “dạy ít, học nhiều” đã giúp cho người họ (học sinh, sinh viên) nâng cao năng lực tư học, bám sát thực tiễn. Đồng thời phương châm này cũng giúp cho giáo viên và cán bộ quản lý để mỗi người luôn soi lại mình để cải tiến phương pháp giảng dạy sao cho đơn giản và hiệu quả nhất, giúp HS-SV thực sự làm chủ lớp học. Một điều không thể nhắc đến, là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định trong sự thành công của giáo dục Singapore đó là chính sách giáo viên, ở Singapore giáo viên phải là những người giỏi nhất và yêu nghề. với đầu vào của các giáo viên được chọn lọc hết sức kỹ càng. Đặc biệt số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành giáo dục. Do vậy, khi được tuyển chọn, sinh viên gần như chắc chắn được sẽ được Bộ giáo dục tiếp nhận và bảo đảm có việc làm cho họ. Điều đó khiến cho giáo viên ở Singapore luôn có sự tâm huyết với nghề nghiệp cũng như học của mình.
Vấn đề giáo dục là một vấn đề lớn, mang tính quyết định trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, nó cần phải được coi là trung tâm của vấn đề cải cách. Đầu tư cho giáo dục một cách đúng đắn sẽ thu được những hiệu quả vô cùng lớn và nó là một trong những việc cần được chú trọng giải quyết. Tuy nhiên trong giáo dục thì có rất nhiều vấn đề có liên quan cần phải bàn bạc để xem xét giải quyết , nhưng cũng cần lưu ý đối với giáo dục không thể tháo gỡ các tồn tại ở khúc giữa.
Ngày Nhà giáo VN, 20 tháng 11 năm 2013
© Kami
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét