Hành trình hạnh phúc của cụ 80 tuổi dựng kịch bản thuê osin để cưới người tình trẻ
GiadinhNet - Tình cờ gặp nhau trong một đám giỗ, cụ ông Mai Trọng Điệp (86 tuổi) đã bị hút hồn bởi người phụ nữ kém mình phân nửa tuổi đời là Cao Thị Thủy. Bị con cháu kịch liệt phản đối, cụ ông si tình này đã nghĩ ra một “kịch bản” có một không hai, khi dựng chuyện thuê giúp việc để sống cùng người yêu.
Trải qua bao khó khăn, thử thách, cuối cùng họ cũng đến được với nhau. Giờ thì trong niềm hạnh phúc tràn ngập, cụ Điệp bảo, bản thân thấy tự hào khi là người “nổ phát súng” đầu tiên cho nhiều câu chuyện tình tuổi xế chiều.
Cụ Điệp, bà Thủy hạnh phúc vì cuối cùng cũng đến được với nhau. Ảnh: T.G
|
Bí kíp “tán gái” của U80
Năm 2008, khi người vợ mấy chục năm chung sống vĩnh viễn ra đi vì bạo bệnh, cụ Mai Trọng Điệp (xóm 6, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) như rơi vào tuyệt vọng. Hàng ngày, cụ lủi thủi trong ngôi nhà cũ và nhớ lại những kỷ niệm với người bạn đời của mình.
Giữa năm 2010, trong một lần đi đám giỗ nhà hàng xóm, cụ tình cờ gặp người phụ nữ kém mình gần 40 tuổi tên là Cao Thị Thủy. “Vừa nhìn thấy bà ấy, tôi đã có cảm tình. Bà Thủy rất đoan trang và có khuôn mặt phúc hậu”, cụ Điệp nhớ lại. Bà Thủy trước đó từng trải qua cuộc tình sóng gió với một người đàn ông trong làng. Họ đã đính hôn và có với nhau một cậu con trai, nhưng cuộc tình này vẫn không thành hôn nhân vì gia đình hai bên phản đối. Sợ con sau này lớn lên phải hứng chịu những lời dị nghị, hai mẹ con đành ly hương vào Nam sinh sống. Sau mấy chục năm biệt xứ bà Thủy mới về thăm lại quê hương, sửa lại cho người mẹ già căn nhà nhỏ sau trận lũ lớn.
Về nhà, một mình vò võ, thui thủi khiến cụ Điệp càng nhớ đến người phụ nữ mình gặp lần đó. Đến lúc không thể chịu đựng được, cụ quyết định sẽ làm mọi cách để đi theo tiếng gọi con tim. Để thực hiện ý định đó, cụ bí mật lên kế hoạch để “lừa” bà Thủy từ Sài Gòn về quê. “Lần đó, lấy hết can đảm, tôi vội sang nhà bà Trần Thị Huệ (mẹ của bà Thủy - PV) giả vờ xin số điện thoại của bà Thủy rồi nói là có ông bạn đang sinh sống ở Quảng Trị có ý thuê người giúp việc. Đó chỉ là cái cớ để tôi tiếp xúc với người ấy thôi”, cụ nhớ lại. Sau khi có được địa chỉ liên lạc của người mình thầm thương, trộm nhớ, cụ Điệp chủ động gọi điện tâm tình với bà Thuỷ. “Lúc nghe được lời đề nghị về Quảng Trị giúp việc, tôi thoáng bất ngờ. Sau đó, tôi cương quyết không đồng ý vì không muốn cuộc sống hai mẹ con bị xáo trộn”, bà Thủy bộc bạch.
Bất chấp sự cứng rắn đó của “đối tác”, cụ Điệp quyết không buông xuôi và thường xuyên tỏ rõ sự quan tâm người mình yêu qua những cuộc điện thoại. Bẵng đi một thời gian, vào một ngày đầu tháng 5, cụ bất ngờ gọi điện vào cho bà Thủy rồi lên tiếng đề nghị: “Nếu không về giúp việc cho bạn tôi, cô có thể về giúp việc cho tôi được không?”. Vì xem cụ Điệp như bậc cha chú, bà Thủy cười trừ, nghĩ cụ đang trêu chọc mình. Nhưng bà càng im lặng, cụ Điệp càng “khủng bố” bằng điện thoại. Sau mấy đêm trằn trọc suy nghĩ, bà quyết định về quê nhưng vẫn chưa chịu đến nhà cụ Điệp làm việc ngay.
Hay tin bà Thủy về, cụ Điệp thường xuyên ghé tới nhà bà Thủy để tâm sự. Một hôm, trước mặt bà Thủy, cụ nói chuyện nghiêm túc: “Đến giúp việc cho anh nhé, đừng đi nữa. Khi nào xây nhà xong mà không có tình cảm với anh thì vào Nam cũng được”. Lần đó, không hiểu vì lý do gì, bà Thủy lại gật đầu đồng ý, khăn gói đồ đạc đến giúp việc cho cụ Điệp trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Ngôi nhà ấm cúng của đôi vợ chồng đặc biệt. Ảnh: T.G
|
Về phần các con cụ Điệp, khi thấy có người về giúp việc cho bố, họ lấy làm vui mừng lắm. Nhưng kể từ sau chuyến đi bí ẩn của ông chủ và “người giúp việc” vào Quảng Trị thăm bạn bè, con cháu bắt đầu nghi ngờ mối quan hệ giữa hai người. Không hề ngần ngại, cụ tự mình khẳng định với con cái rằng mình và người giúp việc đã yêu thương nhau sau một thời gian cùng gắn bó. “Khi quyết định nói ra chuyện đó, tôi biết chắc chắn sẽ chịu sự phản đối kịch liệt của chúng. Thế nhưng, tôi vẫn chiến đấu vì tình yêu này”, cụ tâm sự.
Mãnh lực tình yêu
Đầu tháng 11/2010, sau khi biết cụ từ Quảng Trị về, tất cả con cháu đã kéo đến nhà khuyên cụ đuổi người giúp việc. Không chỉ cụ bị con cháu nặng lời, bà Thủy cũng phải hứng chịu những lời chửi bới thậm tệ. Như để khẳng định quyết tâm của mình, cụ gằn giọng với con cháu: “Cha sẽ đi bước nữa và lấy cô Thủy làm vợ”. Lời nói như đổ thêm dầu vào lửa, đám con cháu thêm tức tối, lao vào đánh đập bà Thủy cho hả giận. Lần đó, phải nhờ đến lực lượng công an xã, mọi việc mới được thu xếp ổn thỏa. Từ đó, mọi hành động, việc làm của cụ đều bị con cháu theo dõi.
Về phần bà Thủy, mặc dù có tình cảm với cụ Điệp nhưng phần vì không muốn mọi chuyện phức tạp, phần vì không muốn người yêu gặp rắc rối nên đã chủ động xin nghỉ việc. Để bày tỏ tấm chân tình của mình, trước ngày rời nhà cụ Điệp, bà đã làm bữa cơm đạm bạc với ý định mời con cháu người yêu đến đến chia tay. Trong khi đang chuẩn bị bữa, đoàn người kéo đến hất tung mâm cơm, đánh đập bà không thương tiếc. Lúc đó, dù đau đớn, nhưng bà vẫn cố nén lòng mình không bật khóc. Càng chứng kiến sự chịu đựng âm thầm của bà, cụ ông càng lớn tiếng bênh vực người mình thương yêu.
Sau này, bị con cháu “phá đám”, cụ Điệp đã quyết định đến ở luôn nhà bà Thủy và báo với chính quyền địa phương để công khai mối quan hệ tình cảm của mình. Sau khi khi tìm hiểu kĩ về mặt pháp lý, cụ Điệp quyết định đính hôn với bà Thủy. Quyết không cho cha tái hôn với người đàn bà kém đến non nửa tuổi đời, hai người con của cụ Điệp “cố thủ” bảo vệ ngôi nhà. Nhưng cụ Điệp đi “nước cờ” cao hơn, xin phép chính quyền địa phương tách mảnh vườn của mình thành ba sổ đỏ và xây nhà, cưới vợ lần nữa. Xét thấy nguyện vọng chính đáng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho cụ thực hiện kế hoạch của mình.
Ngày 2/6/2012, ông Điệp nắm tay bà Thủy lên UBND xã Phúc Trạch đăng ký kết hôn. Tám ngày sau đó, một đám cưới ấm cúng được diễn ra. Sau khi lấy nhau về, đôi vợ chồng chuyển hẳn đến ở tại ngôi nhà mới được xây gấp trước đó một tháng. Từ khi có nhau trong cuộc đời, cuộc sống của đôi vợ chồng đũa lệch này thêm ý nghĩa hơn. Hàng ngày, họ chào đón bình minh bằng việc cùng nhau tập thể dục, sau đó kể cho nhau nghe những kỷ niệm của mình. Cuộc sống bình dị của cặp vợ chồng già cứ trôi qua trong niềm hạnh phúc lớn nhất là được sống cùng nhau đến cuối cuộc đời. “Hiện nay, dù con cháu chưa thật sự chấp nhận tình yêu này nhưng tôi nghĩ do chúng chưa đồng cảm thôi. Hi vọng vào một ngày không xa, con cháu sẽ hiểu ra tình yêu của chúng tôi”, cụ Điệp trầm ngâm chia sẻ.
Khi người viết tìm về địa phương, hỏi về cụ Điệp và bà Thuỷ, nhiều người đều thể hiện sự ngưỡng mộ. “Là người bạn tâm giao với ông Điệp nhiều năm trời, tôi lấy làm hạnh phúc vì tình yêu của họ”, ông Nguyễn Hữu Trương (80 tuổi) nói. Có một thực tế là hơn một năm sau đám cưới của cặp vợ chồng này, không ít cụ ông, cụ bà trong làng đã đi bước nữa. Họ đã tìm cho mình nơi nương tựa tuổi già. Có lẽ, đám cưới của cặp vợ chồng “đũa lệch” Điệp - Thủy đã phá bức tường rào của dư luận để nhiều người mạnh dạn hơn trong việc tìm cho mình bến đỗ mới khi “giữa đường đứt gánh ”.
Cuốn nhật ký tình yêu của
cụ ông U80
Tất cả mọi việc từ khó khăn, trắc trở và cả hạnh phúc trong cuộc tình với bà Thủy, ông Điệp đều cẩn thận ghi lại trong cuốn nhật ký tình yêu. Đối với cụ, nó như bằng chứng tình yêu mà sau này khi đã nên duyên vợ chồng cụ vẫn thường lấy ra đọc cho vợ mình nghe.
|
Kim Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét