Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

TƯỚNG LƯU Á CHÂU: LỊCH SỬ TRUNG QUỐC LÀ BỘ LỊCH SỬ ĐỔI TỪ THIỆN SANG ÁC (!)

TƯỚNG LƯU Á CHÂU: LỊCH SỬ

TRUNG QUỐC LÀ BỘ LỊCH SỬ

ĐỔI TỪ THIỆN SANG ÁC (!)
 

xxxTRẦN ĐÌNH : 
Tôi đọc bài viết của một người Trung Quốc viết về bản thân họ. Xưa kia, người TQ nhìn ra thế giới với sự mặc cảm, tự ty vì sự yếu hèn ,đói rét khi phải tha phương cầu thực khắp Thế giới. Ra thiên hạ họ bị coi là kẻ hạ đẳng, lam lũ chịu bán thân làm những việc hèn hạ (bán Phá xa, tào phớ, cu ly, nô lệ phục dịch...) sự thực, ở mọi quốc gia mà người TQ tá túc, dù họ biết thân phận, hết sức khiêm nhừng, hai tay bao giờ cũng sẵn sàng chắp vái, đầu cúi xuống , đi dật lùi... nhưng họ vẫn bị khinh rẻ, ngược đãi. Không thiếu các khu cư dân từng treo biển cấm người TQ và chó lai vãng
Nho giáo dạy người TQ cái đức NHẪN nhưng cũng khuyên họ những lý lẽ thâm thù, mưu lược độc ác, chịu nhục nhưng không quên. Hân nuốt vào trong, ủ thù ủ oán tận tâm can chờ ngày thanh toán, máu trả máu. mai phục chờ thời! ...

Gần đây, tôi đã từng tiếp xúc, nghe từ miệng người TQ tuyên bố : TQ là cường quốc kinh tế thứ hai thế giời. TQ có thể làm được tất cả những gì mà thế giới làm được, TQ còn làm được cả những gì mà các cường quốc Anh-Mỹ Nhật làm không nổi...TQ giờ bay vào vũ trụ, lên mặt trăng dễ hơn việc đòi món nợ 30000tỷ USD mà Mĩ đã vay, năm nào cũng nhũn nhặn xin khất...
Trong giới trẻ TQ, có một bọn người đang lăm le’’thanh toán nợ nhục, nợ máu'' thời ông cha chúng bị các dân tọc khác khinh rẻ. Chúng cho rằng sức mạnh hiện nay của TQ đã đến lúc cho phép chúng ngẩng cao đầu, không phải chào ai trước, muốn sao phải được vậy, trắng đen là do chúng đặt ra bắt đối thủ phải công nhận... Bài viết của Lưu Á Châu cho ta nhiều điều suy gẫm, cần cảnh giác với TQ hôm nay…--------------------Lưu Á Châu [刘亚洲, Liu Yazhou] nguyên là một nhà văn quân đội, còn là con rể của chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, vợ ông là Lý Tiểu Lâm hiện là phó chủ tịch hội hữu nghị đối ngoại Trung Quốc. Lưu Á Châu từng du học và sinh sống ở Mỹ một thời gian lên tới gần 10 năm. Mấy năm trước từng giới thiệu quan điểm và phân tích cá nhân về quan hệ quốc tế với tầng lớp lãnh đạo cao cấp trong đảng và quân đội Trung Quốc. Theo tìm hiểu, những quan điểm của ông đã gây được sự chú ý mạnh mẽ của một số tướng lĩnh và giới phân tích chiến lược ở Trung Quốc, trong đó là giới sỹ quan cấp trung trong quân đội. Hiện Lưu Á Châu đảm nhiệm chức phó chính ủy trong bộ tư lệnh không quân Trung Quốc và là một ủy viên chính trị của Đại học Quốc phòng.

Nguyên văn bài nói chuyện (10/05/2010) Tôi là người kế tục của văn hóa Trung Hoa, cũng là người phê phán nó. Trước đây, đầu tiên tôi là người kế tục nó, sau đó mới trở thành người phê phán nó. Hiện tại, đầu tiên thì tôi phê phán nó, sau đó mới là người kế tục. Lịch sử của Phương Tây là nền lịch sử cải tà quy chính từ ác trở thành thiện. Lịch sử của Trung Quốc thì ngược lại, là một bộ lịch sử đổi từ thiện sang ác.
Phương Tây cổ đại thì cái gì cũng cấm, chỉ là không cấm cái bản năng của con người. Ở Trung Quốc thì cái gì cũng không cấm, chỉ cấm độc nhất mỗi bản năng. người Phương Tây có cái hay là thể hiện được bản thân họ, thể hiện được lối tư duy, tư tưởng của cá nhân, dám thể hiện cả bản thân đang lõa thể. Người Trung Quốc thì chỉ biết mặc quần áo che ở bên ngoài, đem cả quần áo phủ lên tư tưởng. Việc mặc quần áo dễ hơn là cởi nó ra, người Phương Tây dám biểu đạt góc tối tăm của bản thân, do đó họ sẽ nhận được ánh sáng soi rọi, do đó tư tưởng của họ tung hoành khắp nơi như vó bảo mã. Chúng ta lại đi ca tụng vinh quang của bản thân, kết quả thì đem tới ngàn năm tăm tối. Triết gia người Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel đã nói, “Trung Quốc không có triết học”. Tôi cho rằng Trung Quốc mấy ngàn năm qua không hề sinh ra được tư tưởng gia nào. Tư tưởng gia mà tôi nói tới ở đây là những nhà tư tưởng có cống hiến kiệt xuất cho tiến trình văn minh của nhân loại như Hegel, Socrates, Platon.Lão Đam (Lão Tử), anh nói xem có phải là tư tưởng gia không? Chỉ dựa vào cuốn sách “Đạo Đức Kinh” hơn 5 nghìn chữ mà cũng trở thành tư tưởng gia? Đó là chưa nói đến “Đạo Đức Kinh” của ông ta có vấn đề. Khổng Tử có thể trở thành tư tưởng gia được không? Hậu nhân chúng ta nên bình luận về ông ta như thế nào? Làm thế nào để đánh giá tác phẩm của ông ta? Tác phẩm của ông ta chưa hề cung cấp cho người Trung Quốc chúng ta một hệ thống giá trị để cân bằng quyền lực thế tục cho nội tâm, ông ta chỉ cung cấp một số thứ xoay quanh quyền lực. Nếu Nho học là một thứ tôn giáo, thì nó là ngụy tôn giáo; nếu là tín ngưỡng, nó là ngụy tín ngưỡng; còn nếu cho nó là một thứ triết học thì nó là thứ triết học của xã hội quan trường. Từ ý nghĩa này mà nói, Nho học có tội với người dân Trung Quốc. Trung Quốc không có tư tưởng gia, chỉ có mưu lược gia. Xã hội Trung Quốc là một xã hội lấy binh pháp làm trọng; người Trung Quốc chúng ta tôn sùng từ cửa miệng các mưu lược gia. Người đời lại nhớ nhiều
nhất tới một kẻ chẳng được xem là thành công như Gia Cát Lương; tâm can của ông ta không phải là rộng rãi tốt đẹp gì, dùng người cũng không được chuẩn. Có tư liệu chứng minh rằng ông ta là người lộng quyền. Một kẻ như thế này lại được nâng lên một tầm cao có thể dọa người; đây cũng là một bằng chứng cho thấy tâm hồn của dân tộc Trung Hoa chúng ta.
Dưới hình thái của xã hội hiện tại, có 3 loại hành vi đang rất thịnh hành:1. Thuật ngụy biện
Con trai tôi năm nay thi đỗ vào khoa báo chí của một trường đại học, khoa báo chí của trường này là một trong những nơi có khoa báo chí tốt nhất toàn Trung Quốc. Tôi nói với con trai, “Đưa giáo trình lại đây bố xem thử”. Sau khi xem qua thì tôi nói rằng giáo trình này không đáng để xem. Trong cuốn sách có một đoạn luận: người Trung Quốc đã phát minh ra thuốc súng, thuốc súng này sau khi truyền tới Châu Âu, phá vỡ những thành lũy phong kiến được xây dựng từ thời Trung Đại ở đây. Đây rõ ràng là một câu chuyện tiếu lâm. Anh phát minh ra thuốc súng đánh thủng bức tường thành của chế độ phong kiến; thế còn tường lũy phong kiến của bản thân anh tại sao lại không phá đi? Ngược lại còn được xây dựng kiên cố hơn? Ở đại học quốc phòng Trung Quốc, khi thảo luận về vấn đề Đài Loan, có một quan điểm nghiêng về phía thị trường: Đài Loan giống như một ổ khóa, nếu như vấn đề Đài Loan không giải quyết được, nó sẽ như một ở khóa khóa chặt cánh cửa đi ra ngoài của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không thể vươn ra biển lớn được. Đấy chính là ngụy biện, tôi chỉ cần nói một câu là có thể đưa anh trở về thực tế. Tây Ban Nha [Spain] sau khi trở thành cường quốc trên biển rồi, lại không hề ngăn cản láng giềng của họ là Bồ Đào Nha [Portugal] cũng trở thành một cường quốc về biển. Eo biển Manche của Pháp chỉ rộng có 28 hải lý, nước Anh đã ngăn cản nước Pháp trở thành cường quốc hải quân không? Việc Trung Quốc mất đi thời cơ lịch sử để trở thành cường quốc hải quân là do giai cấp thống trị lâu đời ở Trung Quốc không hề có khái niệm về quyền lợi biển.2. Đối ngoại nhu nhược, đối nội tàn nhẫn
Văn minh Châu Âu và văn minh Trung Hoa đều có bước khởi đầu gần như cùng thời điểm, tuy nhiên Châu Âu hình thành nên rất nhiều quốc gia nhỏ, Trung Quốc trở thành một đế quốc thống nhất rộng lớn. Nói đến đây, chúng ta luôn tự hào về điều này. Kỳ thật việc Châu Âu trở thành nhiều nước nhỏ là một biểu hiện của tự do về tư tưởng. Nhiều thứ có liên quan tới văn minh nhân loại đã được sinh từ những nước nhỏ bé bị chia cắt này; ngược lại Trung Quốc chúng ta đã có những đóng góp gì cho nền văn minh thế giới? Thống nhất giang sơn và thống nhất tư tưởng nhất định có một mối liên hệ nào đó. Xã hội mưu lược là một xã hôi có tính hướng nội. Tôi đã từng nghiên cứu kỹ những khác biệt giữa hai nước Trung Mỹ. Trên phương diện đối ngoại của Trung Quốc về cơ bản là nhu, ở mặt đối nội thì là cương; nước Mỹ thì lại tương phản với điều này: về đối ngoại là cương, đối nội là nhu. Tôi không nhớ rõ là đã viết trong cuốn sách nào đã từng nhắt tới vấn đề này, có thể là trong cuốn “Chiến tranh với Đài Loan và đánh giá những rủi ro” đã có kết luận thế này: Việc này là do sự khác biệt về văn hóa quyết định. Trung Hoa có một nền văn hóa đóng chặt, hướng nội; nước Mỹ có nền văn hóa mở, có tính hướng ngoại. Lối suy nghĩ thống nhất là lối nghĩ của văn hóa hướng nội. Điều này cũng giải thích nguyên nhân tại sao người Trung Quốc chúng ta đứng trước những kẻ xâm lược nước ngoài thì lại trở thành những con dê, đứng trước đồng bào mình thì lại trở thành những con sói. Chỉ cần khoảng 100 lính Nhật Bản, lại có thể dẫn cả một đoàn tù binh lính Quốc Dân Đảng tới 5 vạn ngườ tới Yến Tử Cơ để hành quyết. Đừng nói là phản kháng, bọn họ đến cả dũng khí chạy trốn cũng không có. Ở chiến dịch Thái Vu trong chiến tranh giải
phóng (chiến tranh Quốc Cộng 1946-1949), chỉ có 3 ngày, chúng ta đã đánh tan 7 sư đoàn với hơn 56000 người. Sau chiến dịch, Vương Diệu Vũ đã nói: “5 vạn đầu lợn, kêu Cộng quân đi bắt, trong 3 ngày cũng bắt không hết.” “Người Trung Quốc muốn đánh người Trung Quốc, đó mới gọi là dũng mãnh.”
3. Thấp hèn, đê tiện
Sự thấp hèn về tinh thần tất nhiên sẽ dẫn tới những hành vi đê tiện. Tinh thần cao thượng sẽ dẫn tới những hành động cao thượng. Khoảng 20 năm trước gì đó, khu nhà tôi đang ở có phát sinh một sự việc: Một đôi vợ chồng cãi vã đòi ly hôn, người chồng đem bồ mới về ở trong nhà; sau đó cãi nhau to, người vợ leo lên đỉnh tòa nhà để nhảy lầu. Người xem đứng xung quanh rất đông, có người vui sướng trước cảnh này kêu to: “mau nhảy đi, mau nhảy đi!” Sau đó cảnh sát tới đem người cứu xuống, những kẻ đứng xem thậm chí còn tỏ vẻ tiếc nuối. Tôi chỉ thở dài một tiếng, trở về nhà mở ti vi lên xem. Trên Tv đang chiếu một sự việc có thật: Ở nước X, theo tôi nhớ là Hungary thì phải, vào hơn 70 năm trước, có một người thợ mỏ sắp tổ chức hôn lễ với vợ, trong lần xuống hầm mỏ cuối cùng trước lễ cưới thì bị sụp hầm mỏ, người thợ mỏ vĩnh viễn không quay trở lên được nữa. Người vợ sắp cưới không tin rằng vị hôn phu của mình đã ra đi mãi mãi, liền chờ đợi anh ta suốt 70 năm. Mấy ngày trước người ta dọn dẹp lại toàn bộ khu mỏ, trong một đường hầm sâu tích đầy nước người ta tìm thấy một thi thể, chính là thi thể của vị hôn phu bất hạnh đó mà hơn 70 năm trước đã bị chôn vùi. Bởi vì không có không khí, lại được ngâm trong nước đầy khoáng chất trong hầm mỏ, anh ta trông vẫn còn trẻ như 70 năm trước. Người vợ anh ta thì đã già tóc bạc trắng; bà ấy đã ngồi khóc bên cạnh thi thể người chồng của mình, sau đó đã có một quyết định: tiếp tục tổ chức lễ cưới với người chồng của mình. Đó là một cảnh hết sức cảm động: Một bà lão hơn 80 tuổi mặc áo cưới trắng tinh, tóc cũng bạc trắng. Người chồng của bà, với hình dáng thanh niên nằm trong một cỗ xe ngựa kéo. Hôn lễ và tang lễ được tổ chức cùng lúc. Nhiều người đã rơi nước mắt vì cảnh này.
Việc có thể khảo nghiệm chuẩn mực đạo đức của người Trung Quốc chúng ta chính là vụ 11 tháng 9 của nước Mỹ. Vụ 11 tháng 9 tuy không làm thay đổi thế giới, nhưng đã làm thay đổi nước Mỹ. Đồng thời sau vụ 911 thì thế giới rất khó quay về thời điểm trước vụ việc này xảy ra. Khi vụ 911 xảy ra, ở nước ta (Trung Quốc) chí ít là trong một khoảng thời gian thì được bao phủ bới một bầu không khí không được tốt. Vào đêm ngày 12 tháng 9 năm đó, sinh viên 2 trường Đại học Bắc Kinh và đại học Thanh Hoa đang đánh trống gõ chiêng ầm ĩ. Tôi nói đó là do đội bóng đá quốc gia Trung Quốc còn chưa lên tuyến trước ra sân, ngày ra sân của đội là ngày 7 tháng 10 cơ; đó là trận cuối, Trung Quốc sẽ đá với UAE, nếu thắng thì sẽ được tham dự vòng chung kết Worldcup. Cách một thời gian tôi mới biết các sinh viên Trung Quốc đang hoan hỉ chúc mừng nước Mỹ bị đánh bom khủng bố vào tòa tháp đôi. Nước ta có một đoàn đại biểu, lúc đó đang ở thăm nước Mỹ, lúc xem tòa nhà thương mại thế giới bị máy bay bọn khủng bố đâm vào, những người trong đoàn tham quan liền không kìm được cảm xúc, đứng dậy vỗ tay hoan hô. Dưới quá trình ngâm tẩm văn hóa như thế, chúng ta không thể trách họ được, bọn họ đã không thể khống chế nổi bản thân nữa. Kết quả là họ bị tuyên bố là những vị khách không bao giờ được hoan nghênh đón tiếp. Tôi ở bộ tư lệnh không quân đóng tại quân khu Bắc Kinh, vào những ngày đó có bộ đội tới thăm; tôi đều hỏi họ có cái nhìn như thế nào về vụ 11 tháng 9? Họ đều có một câu đáp án như nhau “Khủng bố đánh rất tốt”. Sau đó tôi nói “chuyện này rất bi thảm.” Nếu như những người này yêu Trung Quốc, thì còn ai có thể cứu được Trung Quốc? Truyền thông thì càng không đáng nhắc tới, chỗ mà không có tin tức nhất lại chính là trên mặt báo. 1997 công nương Anh Diana gặp tai nạn xe hơi và qua đời. Cho dù
cá nhân công nương Diana là thế nào, hoàng gia Anh như thế nào, cô ấy ít nhất cũng có giá trị tin tức báo chí. Tất cả các báo chí, truyền thông trên toàn thế giới đều có tin tức về sự kiện này ngay trên trang nhất, chỉ có truyền thông Trung Quốc là duy nhất không có tin tức này. Vào ngày hôm đó thì trên các báo lớn nhở ở Bắc Kinh đăng tin này “Các em học sinh tiểu học và trung học ở Bắc Kinh bắt đầu khai trường”. Bản tin này có khác nào đăng lên trang nhất các báo “Người Bắc Kinh hôm nay đã ăn sáng rồi”. Vào sáng ngày hôm sau xảy ra vụ 11 tháng 9, tôi ngồi bên ti vi xem tiết mục “bình luận tiêu điểm” và muốn xem những người được mệnh danh là “cái loa phát thanh của Trung Quốc” bình luận sự kiện này như thế nào. Kết quả là hôm đó tiết mục bình luận tiêu điểm lại nói về tổ chức đảng ở nông thôn làm thế nào để tăng cường tính vững mạnh của tổ chức. Cái bạn thực sự muốn xem? Làm gì có mà xem. Bạn không muốn nghe nhất thì lại được phát đi phát lại cả buổi, những cái loa phát thanh của đảng họ hoàn toàn không quan tâm người ta muốn gì.
Vào năm 1999, Nước Mỹ và khối NATO đánh bom liên bang Nam Tư [Yugoslavia], Trung Quốc có ra mặt 1 lần, cái giá của lần ra mặt này là sứ quán Trung Quốc ở Belgrad bị ném bom. Lần này thì suýt tí chút nữa cũng phải xuất đầu; sau đó dưới sự dàn xếp của TW đảng, đứng đầu là đồng chí X đã kịp thời xoay chuyển cục diện. Nền văn hóa của chúng ta như toa tàu tốc hành, quán tính rất lớn, đem theo chúng ta - những người thiếu hụt về chuẩn mực đạo đức lao nhanh như gió về bến cuối. Có người vào lúc đó còn đề xuất nhân cơ hội này đánh chiếm Đài Loan, nhân dịp loạn lạc này, giơ tay là lấy được. Tôi có thể hiểu được tâm tình của những đồng chí này, nhưng thực tế thì đấy không phải là thời cơ tốt. Vào lúc đó tôi nghĩ rằng, sự kiện 11/9 đã làm chết nhiều người vô tội. Sinh mạng con người là thứ quý giá nhất trên thế giới, những người bị thiệt mạng này họ chẳng có liên quan gì tới chính phủ Mỹ. Người Trung Quốc chúng ta dùng thái độ này để đối đãi với họ, thì người ngoài cũng sẽ đối đãi với chúng ta như thế. Đối lập với việc này là thảm án Dover ở nước Anh. Vào mấy năm trước, một nhóm người Phúc Kiến chui vào thùng xe tải bịt kín để nhập cư lậu vào nước Anh qua eo biển Dover, do nằm trong thùng xe bị bít kín nhiều giờ liền nên họ đều bị chết ngạt, chỉ còn 2 người còn sống. Sau khi sự việc được đưa ra ánh sáng, đại sứ quán Trung Quốc ở Anh đã không có một nhân viên nào xuất hiện, sau đó chính người Dover đã tự tổ chức lễ truy điệu cũng như buổi đốt nến tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Có nhiều trẻ em đã tham gia, trên tay cầm những đồ chơi do Trung Quốc chế tạo. Nhân nói về đồ Trung Quốc, hiện nay trên thế giới thì có tới 90% đồ chơi trẻ em đều là Made in China. Có phóng viên hỏi trẻ em: “Tại sao em lại tới tham gia buổi lễ tưởng niệm này?” Đứa bé nói “bọn họ cũng là người mà. Những đồ chơi chúng em cầm trong tay hiện giờ rất có thế là do những người này chế tạo.” Trong toàn buổi lễ tưởng niệm, không hề có bóng dáng một người Trung Quốc nào ở hiện trường. Thế nào gọi là văn minh? tôi đang tư khảo suy nghĩ.
4. Gọi khủng bố là hành động đúng
Dưới sự giáo dục của nền văn hóa Trung Quốc, đã sinh ra những lớp người đặc biệt. Đầu tiên là họ xem nhẹ mạng sống của bản thân, rồi xem nhẹ cả tính mệnh người khác, của tổ quốc như xem một vở kịch. Ngay cả bản thân họ còn không xem việc nắm giữ sinh mệnh là một quyền; họ cũng không muốn cho người khác có quyền đó. Lỗ Tấn từ mấy mươi năm trước đã từng phê phán trong “kẻ xem trò náo nhiệt” kiểu tâm thái đã được luyện thành như thế. Người Trung Quốc xem người ta giết người, không có ai là không hoan hỉ náo nhiệt. Giai cấp thống trị cố ý mang người ra giữa chốn đông người để giết, người dân bị thống trị cũng hoan hỷ hưởng thụ khoái cảm của tầng lớp thống trị, nhất là những lúc sắp bình minh người ta xử tử tù
nhân, liên tục ba ngày thì có thể nói là người đông như kiến cỏ. Ngay cả những sới bạc nhỏ cũng gầy sòng ở đó được. Người ta còn lấy một ít máu của tử tù nhúng vào bánh màn thầu. Ngày nay đã không còn kiểu xử tử như thế, nhưng người dân vẫn cứ thích kiểu khai đình như thế. Ngày xưa vào mùa xuân còn đi xem người ta xử trảm Đàm Tự Đồng cùng với 5 đồng chí của ông ta như thế (1) thì trong chiến tranh Giáp Ngọ 1894 sao lại không mất Đài Loan được kia chứ? Con cháu họ - chính là chúng ta, nếu như chúng ta giống y như họ, vậy thì làm sao có thể giải phóng thu hồi Đài Loan? Trên xe bus công cộng có một kẻ lưu manh đánh người, những người khác lại im lặng không dám ho he gì. Chẳng lẽ lại dựa vào những người này đi giải phóng Đài Loan? Dựa vào những người này đi thực hiện chính sách bốn hiện đại hóa (Chương trình bốn hiện đại hóa do Đặng Tiểu Bình đề ra bao gồm hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng, hiện đại hóa nền khoa học kỹ thuật để đưa Trung Quốc vào hàng ngũ những nước đứng đầu) thì có tác dụng gì chứ? Lúc tôi tập thể dục buổi sáng có xem ti vi, trong lúc phát quảng cáo ở tiết mục “tin tức buổi sáng” thì sản phẩm được bán chạy nhất là gì? Là cửa chống trộm. Đây là bi kịch của một dân tộc. Các anh xem thử xem cái nhà các anh ở có giống một cái lồng không? Lúc tới Thành Đô thì tôi vào ở trong nhà một vị nguyên là chính ủy không quân đóng ở quân khu Thành Đô. Lúc tôi bước vào cửa, cảm giác giống y như đang ở nhà ngục. Trên cửa sổ, lan can hay ban công thì đều là những thanh sắt lồng vào nhau để chống trộm. Sau đó tôi cho người gỡ ra. Mấy hôm trước tôi có xem một cuốn sách có nhan đề “Trung Quốc có thể không nói ra”. Tôi cho rằng có thể anh nói không, nhưng các anh lại đứng sau cánh cửa chống trộm để nói không, như thế là không có dũng khí, là hèn yếu. Nhà văn quân đội Kiều Lương nói rất hay “ngay cả những người tự vỗ ngực là người yêu nước khi thấy gà kêu chó sủa trộm cướp cũng núp lại đằng sau, để dành cái hào khí thô lỗ nói không với những nước lớn nơi xa xôi.”
....................................................................................................................

Đã "Nhân bản sang phe XHCN"


Báo cáo mật của N.S. Khrushop

tại Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ

20 lên án Stalin như thế nào?

Phan Vĩnh Hựu
QC 21.8.13
 

Tháng 2 năm 1956 đã xảy ra 1 sự kiện lịch sử quốc tế vô cùng quan trọng trong phong trào cộng sản thế giới. Đó là “Bản báo cáo Mật“ của N.S Khrushop, bí thư thứ nhất BCHTU Đảng CS Liên Xô đọc trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên Xô.
Gọi là báo cáo mật vì chỉ những đại biểu Liên Xô mới được dự phiên họp kín này.
Không ai, kể cả các đại biểu của các Đoàn đại biểu ĐCS “anh em“ được mời dự Đại hội cũng không được dự. Sau đó, mỗi trưởng đoàn đại biểu ĐCS dự Đại hội được phát riêng một bản báo cáo, trong đó có Chu Đức là trưởng đoàn của Đảng cộng sản Trung quốc, Trường Chinh là trưởng đoàn của Đảng lao động Việt Nam.
Sợ dứt dây sẽ động rừng, khi về nước, không trưởng đoàn nào dám báo cáo lại nội dung bản báo cáo mật này của Khrushop với các đảng viên. Riêng một thành viên trong đoàn BaLan là Đambrốpski đã cho phát hành bản báo cáo mật của Khrushop trong nội bộ Đảng. Một trong những bản này đã được đăng trên tờ New York Time tại Hoa Kỳ số ra ngày 16/3/1956. Tiếp theo là đăng trên tờ Le Monde của Pháp. Sau đó, chỉ trong 2 tháng, hầu hết các báo trên thế giới đã đăng lại. Bản báo cáo mật của Khrushop đã được Đỗ Tịnh dịch nguyên văn từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt và phát hành ở Paris, thuộc Tủ sách nghiên cứu Boite Postale 246. 75224 Paris cedex 11 France.
Đây là bản cáo trạng, xoá bỏ mọi huyền thuyết tốt đẹp mà bộ máy tuyên truyền của ĐCS Liên Xô và của ĐCS các nước đã tô vẽ cho Stalin và để lộ nguyên hình của Stalin là 1 nhà độc tài toàn trị khét tiếng tàn bạo, đã đàn áp dã man các phong trào của nhân dân Liên Xô đòi quyền dân chủ xã hội và thanh trừng nội bộ khốc liệt tất cả những ai bất đồng chính kiến với ông ta.
Mao Trạch Đông kịch liệt chống lại bản báo cáo này của Khrutsov vì ông ta chính là Stalin của ĐCSTQ.
Theo báo cáo mật của Khrushop, để thực hiện những tội ác đó, một mặt Stalin tạo ra quan niệm “kẻ thù của nhân dân“ để loại trừ tất cả những người bất đồng chính kiến với ông ta, không cần đến việc vận dụng các chuẩn mực đạo lý và các chuẩn mực pháp luật, cũng không cần phải đấu tranh tư tưởng. Mặt khác, Stalin dựa vào các cơ quan hình sự trung thành với riêng ông ta, dùng các phương pháp bạo lực hành chính, đàn áp và khủng bố, dùng nhục hình cưỡng bức các bị cáo phải “thú tội“ với những tội mà họ không hề có. Nhiều vụ bắt bớ đồng loạt hàng ngàn người. Nhiều vụ hành quyết không cần đưa ra xét xử tại Toà án, đã tạo ra không khí lo sợ khủng bố trong xã hội Liên Xô một thời gian dài. Ở thời kỳ đó, nhiều “ Bệnh viện tâm thần “ đã được thành lập ở Liên Xô để giam giữ những người có ý kiến bất đồng với các chính sách của Stalin, kể cả những ý kiến thuộc về những vấn đề thực tiễn, không liên quan gì đến lý luận. Stalin viện cớcàng tiến lên chủ nghĩa xã hội càng có nhiều kẻ thù và cuộc đấu tranh giai cấp càng trở nên quyết liệt nên càng phải tăng cường các biện pháp trấn áp và thanh trừng những người bất đồng chính kiến trong nội bộ“. Trong rất nhiều trường hợp, các vụ án được nguỵ tạo để đàn áp những người có ý kiến bất đồng với Stalin, với những lời buộc tội xảo trá, làm cho nhiều người vô tội bị giết hại. Nhiều người bị vu khống và do không chịu nổi tra tấn dã man, đã phải tự gán cho mình những tội tày đình và cực kỳ vô lý.
Chỉ riêng trong 2 năm 1937 và 1938, Stalin đã duyệt 385 danh sách do Êdốp đứng đầu Toà án quân sự đệ trình lên, trong đó buộc tội hàng ngàn người với tội “kẻ thù của nhân dân“.
Trong số 1,7 triệu hồ sơ đã được giải mật, có đến 700.000 người (bảy trăm ngàn) đã bị giết oan vào những năm 1937 và 1938 với tội bị gán cho là “Phản cách mạng“. Chỉ riêng trong nhà tù của Uỷ ban an ninh quốc gia (KGB), từ tháng 8/1937 đến tháng 10/1938, Stalin đã cho bắn bỏ 20.760 người (hai mươi ngàn bảy trăm sáu mươi). 98 (chín mươi tám) trong số 139 uỷ viên BCHTU ĐCSLX được bầu trong Đại hội lần thứ 17 (chiếm 70%) phần lớn xuất thân từ công nhân, đã bị bắt và bị kết tội là “kẻ thù của nhân dân“. 1108 (một ngàn một trăm lẻ tám) người trong số 1956 đại biểu đã dự Đại hội ĐCSLX lần thứ 17 (chiếm 57%) đã bị bắt và bị kết tội “Phản cách mạng“ do bất đồng với đường lối chính sách của Stalin.
Tháng 6 năm 1937, Thứ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân, Nguyên soái Tukhachepsky và 7 đại tướng đã bị gán tội làm gián điệp cho nước ngoài và tất cả đều đã bị xử bắn (về sau đã được minh oan).
Các vụ án đã được thẩm tra lại. 3 (ba) trong số những vụ án đó đã được đọc trong báo cáo mật của Khrushop là 3 vụ án của Ây-khê, Rútduxtắc và Rođenblum.
Ây-khê là uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị, bị bắt ngày 29/4/1938 mà không có lệnh bắt của công tố viên. Ây-khê bị tra tấn và bị buộc ký vào biên bản làm sẵn, thú tội “đã hoạt động chống lại chính quyền Xô Viết“. Ngày 01/12/1939 Ây-khê viết thư cho Stalin. Trong thư Ây-khê viết: ”Tôi không phạm tội gì trong tất cả những tội người ta đã gán cho tôi. Sự thật là tôi không chịu nổi sự hành hạ của Ushakốp và Nhicôlaép (người của Bộ Nội vụ). Ushakốp biết tôi bị gãy xương sườn chưa lành hẳn nên hắn gây cho tôi đau đớn khủng khiếp khi hắn thẩm cung và bức tôi phải thú tội những tội do Ushakốp đọc cho tôi viết“. Phiên toà xử Ây-khê vào ngày 02/2/1940. Trước Toà, Ây-khê không nhận bất kỳ tội nào và tuyên bố: ”Tất cả cái gọi là lời thú tội của tôi không có 1 từ nào là sự thật. Tôi tuyên bố trước Toà là tôi vô tội“. Nhưng Ây-khê vẫn bị hành quyết vào ngày 04/2/1940.
Rútduxtắc là uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị, chủ tịch uỷ ban kiểm tra trung ương. Rúduxtắc có ý kiến bất đồng với Stalin. Stalin thành kiến đến mức không muốn nói chuyện với Rútduxtắc và Rutduxtắc đã trở thành nạn nhân của sự độc đoán của Stalin. Rutduxtac bị bắt. Trước Toà án quân sự, Rútduxtắc tuyên bố: Trong Bộ nội vụ có một trung tâm chuyên bịa đặt ra các vụ án buộc những người vô tội phải nhận những tội mà họ không bao giờ vi phạm. Những phương pháp điều tra của trung tâm này đã cưỡng ép người ta phải dối trá vu khống cho những người hoàn toàn vô tội, chưa kể đến chuyện vu khống cho những người đã bị buộc tội“. Phiên Toà chỉ xử Rutduxtắc trong 20 phút. Rútduxtắc bị kết án tử hình và đã bị xử bắn.
Theo Khrushop, vụ án Ây-khê và Rútduxtắc đã được thẩm tra lại và 2 ông đã được phục hồi danh dự.
Vụ án Rodenblum còn bỉ ổi hơn nhiều. Rodenblum bị bắt và bị gọi vào Văn phòng của Dukốpski (người của Bộ nội vụ). Dukốpski hứa sẽ trả tự do cho Rodenblum với điều kiện khi ra trước Toà, Rodenblum thú nhận có tội “hoạt động phá hoại, gián điệp và gây rối do 1 trung tâm khủng bố ở Leningrad tổ chức vào năm 1937”. Dukốpski nói Bộ nội vụ sẽ biên soạn sẵn cho Rodenblum một sơ đồ các chi nhánh của trung tâm khủng bố đó. Rodenblum phải thuộc để trả lời các câu hỏi của Toà án sẽ đưa ra. Nếu Rodenblum khai báo với Toà đúng như Bộ nội vụ đã biên soạn sẵn thì họ sẽ chu cấp cho Rogenblum suốt đời. Ngược lại thì Rodenblum sẽ mất mạng.
Cũng theo báo cáo mật của Khrushop, Stalin không chỉ đàn áp, tước bỏ quyền dân chủ xã hội của người dân nước cộng hoà liên bang xô viết. Stalin còn đày đoạ nhiều dân tộc trong liên bang xô viết. Năm 1943, Stalin đã ra quyết định buộc toàn bộ dân tộc Karachai và dân nước cộng hoà tự trị Kan-mức phải bị đuổi đi khỏi lãnh thổ họ đang sinh sống vì họ bất đồng với chính sách của Stalin. Năm 1944, toàn dân nước cộng hoà tự trị Banca cũng chịu chung số phận như dân tộc Karachai và dân tộc Kan-mức.
Bản báo cáo mật này của Khrushop có tên là “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó“.
Vì Khrushop quan niệm “không được giặt quần áo bẩn trước mắt kẻ thù“, nên khi đó nguyên nhân đích thực của vấn đề này vẫn chưa được giải thích rõ. Sau khi Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ 20 kết thúc, một câu hỏi được tiếp tục tranh luận trong nhiều Đảng cộng sản ở Phương Tây là: ”Tại sao cách mạng vô sản đã được thực hiện ở Liên Xô. Ở đó giai cấp tư sản đã bị xoá bỏ. Giai cấp vô sản đã trở thành giai cấp duy nhất lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa mà ở đó lại tồn tại chế độ độc tài toàn trị tàn bạo như vậy?”.
Để tìm câu trả lời đích thực, các nhà sử học đã tìm ở thực trạng xã hội Liên Xô vào thời điểm đó, khi Lênin mất vào năm 1924 và Stalin trở thành người kế tục. Như Lênin đã viết trong bài “Thà ít mà tốt“ (Lênin toàn tập, tập 45) rằng: ”Chúng ta chưa đủ văn minh để có thể trực tiếp chuyển lên chủ nghĩa xã hội“ (theo lý tưởng nhân đạo nguyên thuỷ của Marx) thì Stalin chính là 1 trong những con người chưa đủ văn minh như vậy.
Mặt khác, chế độ chính trị toàn trị độc tài dựa trên chuyên chính vô sản đã đem lại rất nhiều đặc quyền đặc lợi cho 1 giai tầng mới hình thành ở Liên Xô là giai tầng của những quan chức quan liêu xuất thân từ các đảng viên cộng sản trong bộ máy Đảng và Nhà nước Liên Xô, đang độc quyền lãnh đạo và cầm quyền, mà theo Lênin viết trong phần 3, bài: ”Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xô viết“, khi ông đã thức tỉnh thì đó là những kẻ bịp bợm, những kẻ bất tài, những kẻ lười biếng ăn bám, những kẻ vô lương tâm trong số các Thủ trưởng đang bám vào Chính quyền xô viết để mong trở thành các “ngôi sao“ trong nghề ăn cắp của công.
Để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của họ, họ phải ra sức bảo vệ chế độ chính trị đó. Họ phải vun đắp uy danh cho người đứng đầu là Stalin. Họ đã dùng mọi cách tô vẽ để biến Stalin thành con người nhân hậu, thông hiểu mọi thứ trên đời như một vị thánh sống, đủ trí tuệ suy nghĩ thay cho mọi người, có thể làm bất kỳ việc gì mà không bao giờ mắc sai lầm trong thực tiễn, rồi núp bóng của Stalin để duy trì các đặc quyền, chống lại những đòi hỏi của nhân dân về dân chủ xã hội và chủ nghĩa Mác nguyên thuỷ đã bị biến dạng.
Trong xã hội Liên Xô thời điểm đó, ai phê bình Stalin là chống lại Lãnh tụ, chống lại Lãnh tụ là chống Đảng mà chống Đảng tức là chống chủ nghĩa xã hội, phải chuyên chính vô sản, phải bị tiêu diệt. Quyền lực của Stalin không bị kiểm soát dẫn đến ngày càng lạm quyền. Khi uy thế và quyền lực của Stalin đã vượt quá giới hạn mà những kẻ xu nịnh và tâng bốc mong muốn thì chính họ cũng bị trở thành nạn nhân của những trò hề do chính họ tạo ra, rồi bất kỳ ai bất đồng ý kiến với Stalin đều bị kết tội là “kẻ thù của nhân dân“ và bị Stalin trừng phạt.
Theo Thủ tướng Nga Putin thì “những người bị thảm sát là những người con ưu tú nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó“. Vì thế, như Khrushop đã đọc trong báo cáo mật: sự phát triển của mọi ngành hoạt động, từ kinh tế – xã hội đến hoạt động văn hoá trong xã hội Liên xô khi đó đều bị tê liệt. Hệ thống lãnh đạo được áp dụng ở Liên Xô trong những năm cuối đời của Stalin đã trở thành vật chướng ngại đối với con đường phát triển của xã hội Liên Xô.
Trong ngày kỷ niệm 65 năm chiến thắng chống phát xít, Tổng thống Nga Metvedep nói “Stalin đã phạm nhiều tội ác chống lại nhân dân và không thể tha thứ. Dù từng cá nhân có quyền đánh giá khác nhau về Stalin thì quan điểm của Nhà nước Nga hiện nay là Chủ nghĩa Stalin không thể quay lại trên nước Nga nữa“.
Bản báo cáo mật của Khrushop đã mở đầu cho trào lưu đấu tranh chống lại chế độ toàn trị độc tài trong các quốc gia thuộc phe xã hội chủ nghĩa và cuối cùng đã làm thay đổi bộ mặt chính trị trên hành tinh như ngày nay chúng ta đang sống.
Trong suốt 30 năm ở thời kỳ chiến tranh lạnh, nhiều Lãnh tụ cộng sản đã sùng bái Stalin và tỏ ra trung thành với chủ nghĩa Stalinít. Ở Việt Nam, Tố Hữu, uỷ viên Bộ chính trị ĐLĐVN đã làm thơ tâng bốc Stalin: ”Yêu biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin. Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương ông Stalin thương mười”. Đến năm 1958, khi bản báo cáo mật của Khrushop được tiết lộ rộng rãi, dân chúng các nước Balan, Hungarie, Tiệp khắc đã đập phá các tượng đài của Stalin. Nhiều Đảng Cộng sản Châu Âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha một thời tôn sùng chủ nghĩa Stalinít, nhưng từ sau Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ 20, không còn ai muốn nhắc đến cụm từ “Stalinít“ nữa. Từ tháng 2 năm 2013, Đảng cộng sản Pháp đã bỏ biểu tượng búa liềm trên thẻ Đảng tượng trưng cho nền chuyên chính vô sản. Đến nay hầu hết các Đảng Cộng sản Châu Âu và Đảng cộng sản Nhật đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản Mácxít-Leninít, chuyển sang Chủ nghĩa cộng sản Châu Âu, có tên gọi là Eurocommunism, gần gụi với Chủ nghĩa Xã hội dân chủ.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
..............................................
Nguồn tư liệu: Lược trích báo cáo mật của N.S. Khrushop đọc tại Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thứ 20, tiêu đề “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó“, bản tiếng Việt của Việt Nam thư quán (http://vnthuquan.net/).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét