Suy nghĩ từ chuyến đi của Thủ tướng VN

Cập nhật: 10:44 GMT - thứ ba, 1 tháng 10, 2013

Ông Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội đồng LHQ
Kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để lại một số dấu ấn đáng nhớ: cuộc điện đàm cao cấp nhất trong ba thập niên giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Iran; và Hội đồng Bảo an thông qua được nghị quyết về vũ khí hóa học của Syria, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hai năm rưỡi.
Một người bạn của tôi, David Brunnstrom, phóng viên của hãng tin Reuters từng theo dõi nhiều kỳ họp LHQ, nhận định đây là một đại hội "nhiều sự kiện lớn".
Reuters cùng các hãng tin quốc tế khác đều chia nhóm phóng viên của mình tại LHQ lần này thành hai đội chuyên về Syria và Iran.
Có thể dễ thấy rằng hoạt động của thủ tướng Việt Nam tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ này không có trong nghị trình theo dõi của giới quan sát.
Các hãng truyền thông, ngoại trừ các báo trong nước, gần như không tường thuật gì về bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, cho dù giới chức Việt Nam ca ngợi đây là "sự kiện tầm cỡ khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam".
Ngay cả việc Việt Nam sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, mà một số báo trong nước nói là lần đầu tiên được thủ tướng thông báo, cũng không được báo chí nước ngoài để ý tới.
Ông thủ tướng có mặt ở New York, nơi họp Đại hội đồng, chưa đầy 24 tiếng đồng hồ trước khi trở về Việt Nam để tham dự cuộc họp thường kỳ của chính phủ và một cuộc họp khác có tầm quan trọng đặc biệt về chính trị đối với ông - Hội nghị Trung ương 8.
Trước đó, ông và đoàn tùy tùng quá giang Washington DC, và vì không phải chuyến thăm chính thức cấp nhà nước nên các cuộc gặp của ông là với Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Michael Froman.

Đề nghị thiết thực

Với mong muốn Mỹ "dành sự linh hoạt cần thiết cho Việt Nam" trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các đề nghị thiết thực, như Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; chấm dứt điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại với Việt Nam; lo ngại của Việt Nam về luật Nông trại năm 2013 yêu cầu Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ giám sát từ nuôi trồng cho tới chế biến cá tra...
Ông cũng hội kiến Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde với một số kiến nghị về kinh tế.
Tại New York, ông có cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.
Cuộc họp chính phủ
Thủ tướng Dũng đã chủ trì họp chính phủ ngày 29/9
Ông cũng có tiếp xúc với một số doanh nghiệp Hoa Kỳ và gặp Ngoại trưởng Mỹ, Thượng Nghị sỹ John Kerry. Trong cuộc gặp này, được biết ông đã đề cập tới việc dự luật Nhân quyền Việt Nam mà Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua sẽ được mang ra Thượng viện để bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Dự luật kêu gọi siết chặt chế tài nếu Hà Nội không có cải thiện về nhân quyền, theo ông thủ tướng, sẽ làm sứt mẻ quan hệ song phương.
Tóm lại, chuyến đi Mỹ tuần rồi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như tập trung vào các tiếp xúc song phương với chính giới Hoa Kỳ hơn là mục đích được thông báo chính thức là tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68.
Thế nhưng song phương hay đa phương thì có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận một điều, là Việt Nam gần như đã ra ngoài radar của truyền thông quốc tế.
Đã qua khá lâu rồi cái thời hai chữ Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong tựa đề các bài báo nước ngoài.
Ngay cả cộng đồng phóng viên theo dõi chuyện Việt Nam cũng ngày càng thu nhỏ lại.
Sau khi chiếm lĩnh các cột báo trong suốt những năm xảy ra cuộc chiến Việt Nam, những năm giữa thập kỷ 1980, Việt Nam lại vào tâm điểm chú ý một lần nữa khi bắt đầu tiến trình đổi mới về kinh tế, với những hứa hẹn sẽ trở thành con rồng hay con hổ của Á châu.
Những năm mới mở cửa, gần như các hãng thông tấn đều có văn phòng ở Hà Nội. Ngay cả những tờ báo mang tính chất khu vực, như Bưu điện Hoa Nam hay Bangkok Post, cũng có phóng viên thường trú tại đây.
Cho tới thời điểm hôm nay, con số phóng viên nước ngoài tại Việt Nam còn đếm trên đầu ngón tay, nhiều văn phòng đã đóng cửa.
Hai ông John Kerry và Nguyễn Tấn Dũng tại New York 27/9

Đối nội hay đối ngoại?

Cần phải công bằng mà nhìn nhận là sự quan tâm của quốc tế dành cho Việt Nam cũng nằm trong tương quan suy giảm chú ý đối với khu vực châu Á, nhất là Đông Nam Á.
Các điểm nóng ngày nay đã dịch chuyển tới Trung Đông và Bắc Phi.
Ở Đông Á, các chủ đề được quan tâm hơn cả là tình hình bán đảo Triều Tiên và những gì liên quan tới Trung Quốc, với tư cách cường quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thế nhưng chính vì lẽ đó mà giới chức Việt Nam cần thay đổi quan điểm về thông tin đối ngoại của mình.
Đã qua rồi cái thời không cần phải làm gì người ta vẫn chú ý đến Việt Nam, các phát ngôn một chiều với mục đích tuyên truyền vẫn được sử dụng.
Giới phóng viên, ngay cả phóng viên trong nước, nay cũng không dễ hài lòng với những câu trả lời chung chung bằng văn bản.
Các nhà báo phương Tây vẫn truyền cho nhau rằng phỏng vấn chính trị gia Việt Nam thuộc loại khó nhất thế giới.
Một trong các lý do là rào cản ngoại ngữ, ít người nói tiếng nước ngoài thành thạo để tự tin trả lời phỏng vấn.
Thế nhưng lý do quan trọng hơn, là các quan chức sợ sểnh miệng nói lỡ, bị bắt lỗi, ảnh hưởng tới công việc và vị trí của mình.
"Báo ngoại quốc, khác với báo Việt Nam, khi cần không thể gọi một vài cú điện thoại tới để yêu cầu chỉnh sửa nội dung theo ý muốn."
Có những người vẫn coi báo chí nước ngoài là thù địch.
Và báo ngoại quốc, khác với báo Việt Nam, khi cần không thể gọi một vài cú điện thoại tới để yêu cầu chỉnh sửa nội dung theo ý muốn.
Bởi vậy khi muốn chuyển tải thông điệp của mình, các vị lãnh đạo Việt Nam vẫn làm một cách trực tiếp, như qua các cuộc tiếp xúc chóng vánh mà ông thủ tướng vừa thực hiện, hoặc qua các kênh nhà nước, một số kênh đã có phiên bản tiếng Anh.
Chính phủ Việt Nam cũng đã có một đôi lần thử nghiệm với hình thức đăng bài tự quảng cáo (advertorial) trên một số tờ báo lớn.
Tuy nhiên, như thế vẫn còn chưa đủ.
Một vài năm trở lại đây, Bộ Ngoại giao Anh quốc tích cực cổ súy cho điều mà họ gọi là public diplomacy, dịch nôm na là ngoại giao nhân dân.
Các kênh truyền thông, các mạng xã hội, đều được tận dụng để đưa chính sách của Anh quốc tới người dân trong và ngoài nước.
Việt Nam chưa làm điều này.
Người lái xe taxi cho tôi ở New York, Izzy, là một cựu chiến binh từng tham chiến 18 tháng ở Việt Nam năm 1969-1970.
Biết tôi là nhà báo, ông hào hứng thảo luận về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rohani hôm 27/9 và nhiều chuyện thời sự quốc tế.
Thế nhưng khi được hỏi có biết gì về Việt Nam ngày nay không, Izzy trả lời là không biết.
Ông hỏi tôi: "Họ lại gặp chuyện gì à? (Are they in trouble again?)"