Về 2 chuyến đi đến : GWANGJU và HAWAII
GWANGJU – Cái nôi của phong trào Dân chủ
GWANGJU – Cái nôi của phong trào Dân chủ
Thành phố
Gwangju
là thành phố lớn thứ 6 của Hàn
Quốc , nhưng là một trung tâm chính trị-kinh tế văn hóa lớn .Khi nói đến Gwangju không thể không nhắc đến cuộc nổi dậy của thanh niên sinh viên và nhân dân
ở thành phố này từ 18 đến 27 tháng 5 năm 1980 chống lại nền độc tài của tướng Chun
Doo-hwan .Họ đã nắm quyền kiểm soát thành phố trong 9 ngày đêm , chiến đấu để tự bảo vệ mình và
cuối cùng thì bị dẹp tan bởi quân đội Hàn Quốc. Sự kiện trên được người Hàn
Quốc gọi một cách ngắn gọn là sự kiện “18 tháng 5 “. Trong suốt thời kỳ Chun Doo-hwan cầm quyền, sự kiện “18
tháng 5” bị gán cho là cuộc phản loạn của những người thân Cộng sản. Chỉ sau
khi chính quyền dân sự được tái lập, sự kiện này
mới được coi là một nỗ lực phục hồi dân chủ trước quyền lực quân sự. Chính phủ
đã chính thức gửi lời xin lỗi và xây dựng một nghĩa trang quốc gia dành cho các
nạn nhân
Lần đầu tiên tôi đến Gwangju là vào năm 2005
để nhận Giải thành tựu trọn đời do Liên hoan phim Quốc tế Gwangju trao tặng
cùng 3 đạo diễn châu Á khác. Và tháng 8 năm 2013 tôi lại có cơ duyên đến
Gwangju lần nữa để nhận Giải điện ảnh Nobel Hòa Binh Kim Dae Jung. Khi được
thông báo tin này tôi không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ ( thực tình mỗi lần nhận
bất cứ giải thưởng quốc tế nào tôi cũng đều bất ngờ). Ở nước ngoài mỗi khi muốn
tặng ai một Giải thưởng nào đó người ta
phải tự tìm hiểu thành tích của người đó
rồi bàn bạc và quyết định . Khi quyết định xong
họ mới thông báo cho người được giải được biết và mời người đó đến nhận
giải ( quy trình này có khác với ở ta : người muốn được giải hay danh hiệu nào
đo phải làm đơn xin , kê khai thành tích để được xét ). Tôi vội vàng vào Google để tìm hiểu về Gải thưởng có cái tên hơi dài này. Kim Dae
Jung là Tổng thống Hàn quốc từ 1998 đến 2003. Năm 2000 ông nhận được Giải Nobel
Hòa bình vì những đóng góp cho sự hòa giải giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Ông là vị Tổng thống được người Hàn quốc yêu mến nhất . Người ta gọi ông là
Nelson Mandela của Châu Á. Sau khi ông qua đời bà quả phụ Kim Dae Jung đã thành
lập một Trung tâm Hòa bình mang tên chồng mình. Trung tâm có nhiều hoạt động
trong các lĩnh vực văn hóa , giáo dục . Năm 2011 Trung tâm đặt ra một Giải
thưởng có tên Giải điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae Jung nhằm ghi nhận công lao
của những nhà làm phim Châu Á có những bộ phim nói lên khát vọng Hòa bình , bảo
vệ nhân quyền và những giá trị của thiên nhiên. Năm đầu tiên giải được trao cho
một đạo diễn người Iran , năm thứ hai được trao cho một đạo diễn Trung quốc và
một đạo diễn Hàn quốc , và năm nay, năm thứ ba Giải được trao cho một đạo diễn
Việt nam. Buổi lễ trao giải diễn ra vào tối khai mạc Liên hoan phim Gwangju. Bà
phu nhân Tông thống bay từ Seoul
đến Gwangju để đích thân trao giải. Cử chỉ đó làm tôi thấy thật cảm động , lại
càng cảm đông hơn khi biết bà đã trên 90
tuổi. Đây là Giải thưởng trao cho cả quá trình làm phim của một đạo diễn chứ
không phải trao cho riêng một bộ phim nào. Hầu như tất cả các phim của tôi làm
từ trước đên đều được đón nhận với nhiều thiện cảm ở Hàn quốc. Việc trao giải
lần này là kết quả của sự theo rõi quá trình sáng tác của tôi trong một thời
gian dài.
Mỗi lần có dịp đến Hàn quốc tôi thường cố tìm hiểu xem lý do gì mà nền
điện ảnh nước này trong quãng hơn 10 năm gần đây lại có những tiến bộ vượt bực
như vậy , bí quyết của họ là ở đâu ? Lần này tôi có dịp được trò chuyên khá lâu
với ông Hong Jeon Kim, Giáo sư khoa điện ảnh Trường Đại học quốc gia Seoul . Đây là một trường
đại học của nhà nước có uy tín nhất ở Hàn quốc. Khoa đạo diễn năm vừa qua có
200 thí sinh thi vào để chọn lấy 40
người, khoa diễn viên thì tỷ lệ đó là 70
trên 500. Giáo sư Kim cho biết cái làm cho ĐẢ Hàn quốc trỗi dậy như ngày nay là
một không khí Tự do trong sáng tác và sự đam mê của một lớp người muốn làm
những phim như mình thích chứ không vì tiền. Tóm lại bí quyết nằm trong hai chữ
Tự do và Đam mê. Từng có biết bao cuộc hội thảo để tìm hường đi cho điện ảnh
VN, nhưng chua bao giờ tôi nghe thấy ai đề cập đến hai khái niệm này. Lại hỏi về sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn quốc
đối với điện ảnh nước nhà. Giáo sư cho biết sự hỗ trợ đó thể hiện trong các chủ
trương , chính sách của Nhà nước liên quan đến điện ảnh. Nhà nước chỉ hỗ trợ
kinh phí hoạt động cho các trường đào tạo về điện ảnh, chứ không đầu tư tiền để
làm phim. Cám ơn giáo sư Kim đã hé lộ cho tôi biết cái bí quyết làm nên một nền
điện ảnh đứng vào hàng đầu châu Á.
Thực tình chưa ai được nhìn
thấy thiên đường , nhưng trong hình dung của mọi người thì đó là một nơi đầy
hoa thơm cỏ lạ , cảnh trí thơ mộng thanh bình , nơi con người tận hưởng những
thú vui do thiên nhiên ban tặng. Nếu như vậy thì Hawaii , một quần đảo nằm giữa Thái Bình
Dương , bang thứ 50 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ xứng đáng được gọi là thiên đường
nơi hạ giới.
Tôi đến Honolulu ,
thủ phủ của Hawaii lần đầu cùng với bộ phim Bao giờ cho
đến tháng 10 cách đây 27 năm. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh VN
đến với công chúng Mỹ sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc . Ban tổ chức Liên
hoan phim Hawaii
năm ấy đã có một hành động thật dũng cảm : đem một bộ phim VN tới chiếu trong
khuôn khổ của LHP và tặng cho nó một giải thưởng quan trọng : Giải Đặc biệt của
Ban Giám khảo . Thử tưởng tượng việc làm đó diễn ra trong bối cảnh cực kỳ căng
thẳng của quan hệ Việt- Mỹ , lệnh cấm vận đang trong thời kỳ ngặt nghèo nhất,
mới thấy hết ý nghĩa của việc làm này . Trong một cuộc giao lưu với khán giả
tôi đã nói : Liên hoan phim Hawaii đã xóa bỏ cấm vận
với VN trước khi Chính phủ Mỹ làm điều đó 10 năm. Câu nói của tôi được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. Để kỷ
niệm sự kiện này tháng 10 năm 2013 tôi
được Ban tổ chức LHP Hawaii mời sang Honolulu
gặp gỡ giao lưu với khán giả sau các buổi chiếu phim Bao giờ cho đến tháng 10.
Tôi hồi hộp không biết một bộ phim làm cách đây đã 27 năm, nay chiếu lại liệu
có người xem không . Nhưng lạ thay buổi chiếu đông kín người . Sau khi xem xong
nhiều khán giải còn ngồi lại đẻ giao lưu với đạo diễn trong số đó có người đã
xem phim này cách đây 27 năm .Họ ôn lại với tôi những kỷ niệm cũ và cho biết sau 27 năm xem lại , cảm xúc vẫn
còn như nguyên ban đầu , thâm chí có những tình tiết đến bây giờ xem mới hiểu
thêm và càng thấy thú vị. Một giáo sư người Siri Lanca giảng giậy tại trường
Đại học Hawaii
còn nhận ra trong phim những tư tưởng
Phật giáo mang đậm mầu sắc Á đông giống như ở Siri Lanca. Tôi gặp lại Giáo sư
Stephen O’Harrow giậy tiếng Việt và văn hóa châu Á tại Đại học Hawaii . Giáo sư cho biết
đã chiếu cho sinh viên của mình xem BGCĐT10 có đến hàng trăm lần , đến nỗi giáo
sư thuộc lầu tất cả lời thoại trong phim. Bộ phim đối với ông như một tài liệu
giáo khoa bằng hình ảnh về văn hóa và con người Việt nam. Nhiều khán giả thắc
mắc hỏi tôi làm sao có thể làm những bộ phim như tôi đã làm trong hoàn cảnh
kiểm duyệt khá ngặt nghèo ở VN. Tôi đã trả lời : tôi chẳng có bí quyết gì cả.
Bí quyết của tôi là làm phim phải để người xem cảm đông .Các thành viên trong
hội đồng duyệt cũng là những người xem. Một khi họ đã cảm động rồi thì mọi việc
cũng đơn giản thôi .Họ chỉ khó tính khi phim làm họ thờ ơ.
Đặt chân trở lại Honolulu sau 27 năm tôi có cảm trưởng như ở
đây thời gian không trôi. Vẫn bầu trời xanh ấy , biển xanh ấy , những đường phố
rợp bóng cây xanh ấy …. không có gì thay đổi . Và lạ thay con người cũng vậy
Những bạn bè cũ tôi gặp lại , không thấy ai già đi , vẫn nước da hồng hào rám
nắng , vẫn nụ cười thân mật ấy… có khác chăng là tóc trên đầu nhều người đã bạc
. Ngoài những người bạn Mỹ , tôi còn gặp lại ở đây những bạn việt kiều từng quen
biết khi lần đầu đem phim đến đây. Các anh chị nay đã nghỉ hưu. Công việc bận
bịu nhất của họ là đi du lịch và nghiên cứu về Thiền. Một anh bạn bác sỹ cho biết
sắp sang Mianma để vào chùa tu 3 tháng. Nhờ có internet họ biết rất rõ tình
hình trong nước, không cần tôi phải thông tin.
Trong thời gian diễn ra Liên
hoan phim , Bà Jeannete Paulson , Chủ tịch Hội hỗ trợ điện ảnh Châu Á ( NETPAC
) ở Mỹ , nguyên Chủ tịch đầu tiên của LHP QT Hawaii đã đứng ra tổ chức một buổi
tiệc tối ( party ) mừng sinh nhật lần thứ 75 của tôi mặc dù biết ngày sinh của
tôi đã qua nhưng chưa có dịp để chúc mừng. Khi tôi vừa bước vào phòng tiệc thì
các bạn bè đồng nghiệp đồng thanh cất lên bài hát Happy Birthday. Tôi quá bất
ngờ và cảm động, không biết nói gì hơn là ôm hôn tất cả mọi người. Sau đó hai
nữ ca sỹ Hawaii
cầm đàn ghi ta hát tặng tôi những khúc
dân ca của người polynesien, thổ dân của đảo. Đời tôi may mắn có nhiều bạn bè
khác quốc tịch mầu da, được chứng kiến những tình cảm thật nồng hậu của họ. Có
được cái may mắn đó cũng đều nhờ những bộ phim mà tôi đã làm. Chúng đã đi được
vào lòng họ, chạm được vào trái tim họ. Tôi càng thấm thía rằng nghệ thuật là
con đường ngắn nhất để con người tìm đến với nhau.
Đặng Nhật Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét