Suy nghĩ từ nghi án nhận hối lộ 80 triệu Yên!
06:16 | 28/03/2014
(PetroTimes) - Trước hết, phải hoan nghênh lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có những động thái quyết liệt, khẩn trương để làm rõ việc một số quan chức của ngành đường sắt đã nhận hối lộ khoản tiền 80 triệu Yên từ Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - theo lời khai của công ty này ở Nhật.
Một loạt cán bộ bị tạm đình chỉ công tác để làm tường trình hoặc phục vụ cho các cơ quan chức năng điều tra. Một lãnh đạo Bộ GTVT bay ngay sang Nhật Bản để phối hợp xác minh làm rõ. Có lẽ ý thức được rằng, đây là chuyện liên quan đến quốc thể nên lãnh đạo Bộ GTVT đã có thái độ minh bạch, cứng rắn và nghiêm khắc.
Trước đây, đã có một số vụ các tổ chức kinh tế nước ngoài tố cáo cạnh tranh không lành mạnh khi hối lộ cho các quan chức Việt Nam để nhận được các dự án. Nhưng hầu hết những người bị cáo buộc đều chối bay chối biến, còn nhiều cơ quan thì tìm cách chối quanh và nói rằng “không có chứng cứ”.
Quả thật, có một điều rất nhức nhối ở Việt Nam là ai cũng biết tình trạng đưa và nhận hối lộ rất phổ biến và thuộc nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thẳng thắn nêu lên tình trạng này và cũng nói rõ tình trạng “có bôi thì mới trơn”, thậm chí có nơi “bôi còn chẳng trơn” như Hà Nội.
Có một điều là, việc nhận hối lộ mọi người đều cảm nhận thấy, nhưng để tìm cho ra chứng cứ thì hầu như không thể. Bởi lẽ, việc đưa và nhận hối lộ này thường chỉ có 2 người biết với nhau. Ai làm chứng đây? Lấy cái gì ra để khẳng định rằng, tôi đã đưa tiền cho ông ấy để được nhận việc nọ, việc kia.
Các hình thức hối lộ bây giờ thật muôn hình, vạn trạng. Cách hối lộ bằng tiền mặt, mang theo phong bì, thậm chí cả túi tiền đến biếu xén đã xưa như trái đất rồi. Bây giờ người ta hối lộ bằng biệt thự, bằng suất cho con đi học nước ngoài, bằng ôtô, bằng cổ phiếu… Cho nên để “bắt tận tay, day tận trán” những vụ hối lộ thì hầu như là không thể, trừ trường hợp người buộc phải đi hối lộ chủ động báo với cơ quan công an.
Muốn xử lý một cá nhân bằng các chế tài pháp luật thì phải có hồ sơ. Nếu hồ sơ chỉ có lời khai của một phía thì cũng chẳng có giá trị gì cả. Vậy nên, người ta cứ thoải mái nhận hối lộ. Nếu có chứng cứ của một phía thì cũng cứ chối bay chối biến là xong.
Một điều nữa khiến cho việc tố giác những người ăn hối lộ ở nước ta còn khó khăn, ấy là người đưa hối lộ cũng bị xử lý. Nếu thế thì còn ai dám tố giác nữa!
Bấy lâu nay, chúng ta đã nói rất nhiều, thậm chí đến nhức đầu về nạn “chạy”. Nào là chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, thậm chí kể cả chạy bằng khen, giấy khen, chạy bằng cấp, học hàm, học vị… Nói nôm na là cái gì cũng phải chạy! Khi đã phải chạy thì có nghĩa là phải dùng tiền. Nhưng thực tế thì chẳng bao giờ phát hiện được cái sự chạy đó cả. Vụ chạy công chức 100 triệu ở Hà Nội là một ví dụ.
Trở lại vụ các cán bộ đường sắt bị cáo buộc nhận hối lộ của phía Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), trước Bộ trưởng, các vị cán bộ này đều khẳng định không có chuyện tiêu cực và rất “dũng cảm” cam kết rằng sẽ nhận mọi hình thức xử lý nếu phát hiện ra. Sở dĩ các vị này dám mạnh mồm, mạnh miệng như vậy cũng chính là vì các vị biết rõ mười mươi rằng, chẳng đào đâu ra chứng cứ về việc phía Nhật hối lộ (trừ trường hợp người đưa hối lộ chủ động quay phim, ghi âm lại). Vấn đề bây giờ là phải tìm ra cho bằng được tại sao phía Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) phải đưa hối lộ? Họ đưa nhằm mục đích gì?
Nếu vì khoản tiền hối lộ đó mà những người có trách nhiệm của Đường sắt Việt Nam chấp nhận việc làm sai, làm ẩu thì không cần chứng cứ cũng có thể xử lý được.
Chẳng lẽ chúng ta cứ nói mãi về việc ai đó nhận hối lộ, mà rồi cứ như là “nước đổ đầu vịt”: nói thì cứ nói, nhưng chẳng tìm ra được ai cả. Rõ ràng là cần phải có những biện pháp khác mà biện pháp này phải làm thế nào để cho những người có ý định nhận hối lộ phải biết sợ. Còn với chế tài luật pháp của chúng ta hiện nay, không ít người sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Thời phong kiến, đặc biệt là từ thời nhà Thanh (Trung Quốc), vua Ung Chính có một cách trừng phạt quan tham rất hay, ấy là với những người không khép được vào tội chết hoặc phải có tính răn đe rộng rãi thì nhà vua cho treo trước cửa nhà viên quan đó tấm bảng đề 4 chữ “Danh giá tội nhân”. Dĩ nhiên là tấm biển này sẽ được treo mãi đến đời con, đời cháu để cho biết sự nhục nhã của việc ăn “bẩn”.
Dĩ nhiên là chúng ta không làm thế, nhưng với những chế tài xử phạt và với cách điều tra về tội nhận hối lộ như hiện nay thì có nói thế, nói nữa cũng chẳng bao giờ ngăn chặn được. Việc hối lộ và nhận hối lộ sẽ chỉ biến tướng bằng các hình thức tinh vi hơn mà thôi.
Gần đây, việc kê khai tài sản của cán bộ đảng viên đã được tiến hành khá rộng rãi. Nhưng xem ra, vẫn là kê khai để cho có mà thôi. Hầu như chưa có trường hợp nào, cơ quan kiểm tra của Đảng hoặc cấp ủy từng cơ quan dám truy nguyên nguồn gốc tài sản của cá nhân nào đó. Tất nhiên, không phải ai giàu có cũng là do làm ăn bất chính hoặc dùng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền hối lộ. Không ít người giàu có là do may mắn. Chẳng thế mà từ xưa đã có câu “tiểu phú do cần, đại phú do thiên” - muốn giàu có thì phải chờ cơ hội trời cho.
Chỉ có một thực tế nhận thấy rằng, hiện nay những người làm quan hầu hết đều có đời sống kinh tế khá giả. Việc thống kê tài sản của các quan chức, đặc biệt là quan chức cao cấp chưa đem lại kết quả gì. Chưa có ai dám đặt vấn đề với ông A, bà B rằng “đồng chí lấy đâu ra tiền để có trang trại lớn, biệt thự khủng thế này?”.
Tham nhũng là căn bệnh đang lan tràn trên khắp thế giới. Quốc gia nào cũng có, chỉ khác nhau về mức độ nhiều hay ít mà thôi. Ở các nước đang phát triển hoặc có đặc tính duy tình, nạn tham nhũng càng phát triển. Nói tham nhũng thì phải tách bạch ra tham và nhũng. Nghĩa là muốn thỏa mãn lòng tham thì phải nhũng. Người có chức, có quyền phải tìm cách gây khó dễ cho đối tác. Nếu được thì mọi việc sẽ suôn sẻ, nếu không được thì: “Hãy đợi đấy”.
Các thủ tục hành chính của chúng ta còn quá rườm rà, đội ngũ viên chức còn yếu kém, vì vậy người ta thoải mái nhũng để được tham.
Chúng ta cứ nói tham nhũng (dĩ nhiên là trong đó có nạn nhận hối lộ) là một thứ giặc, gây ra những tác hại rất lớn, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của quốc gia, của Đảng. Bài học về sự sụp đổ của những chính quyền do tham nhũng trên thế giới vẫn còn sờ sờ ra đấy. Nhưng với cách chống tham nhũng như của chúng ta hiện nay, đặc biệt là với nạn đưa và nhận hối lộ thì khó mà đạt được kết quả gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét