Đặng
Nhật Minh
Thực tình chưa ai được nhìn
thấy thiên đường , nhưng trong hình dung của mọi người thì đó là một nơi đầy
hoa thơm cỏ lạ , cảnh trí thơ mộng thanh bình , nơi con người tận hưởng những
thú vui do thiên nhiên ban tặng. Nếu như vậy thì Hawaii , một quần đảo nằm giữa Thái Bình
Dương , bang thứ 50 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ xứng đáng được gọi là thiên đường
nơi hạ giới.
Tôi đến Honolulu ,
thủ phủ của Hawaii lần đầu cùng với bộ phim Bao giờ cho
đến tháng 10 cách đây 27 năm. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh VN
đến với công chúng Mỹ sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc . Ban tổ chức Liên
hoan phim Hawaii
năm ấy đã có một hành động thật dũng cảm : đem một bộ phim VN tới chiếu trong
khuôn khổ của LHP và tặng cho nó một giải thưởng quan trọng : Giải Đặc biệt của
Ban Giám khảo . Thử tưởng tượng việc làm đó diễn ra trong bối cảnh cực kỳ căng
thẳng của quan hệ Việt- Mỹ , lệnh cấm vận đang trong thời kỳ ngặt nghèo nhất,
mới thấy hết ý nghĩa của việc làm này . Trong một cuộc giao lưu với khán giả
tôi đã nói : Liên hoan phim Hawaii đã xóa bỏ cấm vận
với VN trước khi Chính phủ Mỹ làm điều đó 10 năm. Câu nói của tôi được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. Để kỷ
niệm sự kiện này tháng 10 năm 2013 tôi
được Ban tổ chức LHP Hawaii mời sang Honolulu
gặp gỡ giao lưu với khán giả sau các buổi chiếu phim Bao giờ cho đến tháng 10.
Tôi hồi hộp không biết một bộ phim làm cách đây đã 27 năm, nay chiếu lại liệu
có người xem không . Nhưng lạ thay buổi chiếu đông kín người . Sau khi xem xong
nhiều khán giải còn ngồi lại đẻ giao lưu với đạo diễn trong số đó có người đã
xem phim này cách đây 27 năm .Họ ôn lại với tôi những kỷ niệm cũ và cho biết sau 27 năm xem lại , cảm xúc vẫn
còn như nguyên ban đầu , thâm chí có những tình tiết đến bây giờ xem mới hiểu
thêm và càng thấy thú vị. Một giáo sư người Siri Lanca giảng giậy tại trường
Đại học Hawaii
còn nhận ra trong phim những tư tưởng
Phật giáo mang đậm mầu sắc Á đông giống như ở Siri Lanca. Tôi gặp lại Giáo sư
Stephen O’Harrow giậy tiếng Việt và văn hóa châu Á tại Đại học Hawaii . Giáo sư cho biết
đã chiếu cho sinh viên của mình xem BGCĐT10 có đến hàng trăm lần , đến nỗi giáo
sư thuộc lầu tất cả lời thoại trong phim. Bộ phim đối với ông như một tài liệu
giáo khoa bằng hình ảnh về văn hóa và con người Việt nam. Nhiều khán giả thắc
mắc hỏi tôi làm sao có thể làm những bộ phim như tôi đã làm trong hoàn cảnh
kiểm duyệt khá ngặt nghèo ở VN. Tôi đã trả lời : tôi chẳng có bí quyết gì cả.
Bí quyết của tôi là làm phim phải để người xem cảm đông .Các thành viên trong
hội đồng duyệt cũng là những người xem. Một khi họ đã cảm động rồi thì mọi việc
cũng đơn giản thôi .Họ chỉ khó tính khi phim làm họ thờ ơ.
Đặt chân trở lại Honolulu sau 27 năm tôi có cảm trưởng như ở
đây thời gian không trôi. Vẫn bầu trời xanh ấy , biển xanh ấy , những đường phố
rợp bóng cây xanh ấy …. không có gì thay đổi . Và lạ thay con người cũng vậy
Những bạn bè cũ tôi gặp lại , không thấy ai già đi , vẫn nước da hồng hào rám
nắng , vẫn nụ cười thân mật ấy… có khác chăng là tóc trên đầu nhều người đã bạc
. Ngoài những người bạn Mỹ , tôi còn gặp lại ở đây những bạn việt kiều từng quen
biết khi lần đầu đem phim đến đây. Các anh chị nay đã nghỉ hưu. Công việc bận
bịu nhất của họ là đi du lịch và nghiên cứu về Thiền. Một anh bạn bác sỹ cho biết
sắp sang Mianma để vào chùa tu 3 tháng. Nhờ có internet họ biết rất rõ tình
hình trong nước, không cần tôi phải thông tin.
Trong thời gian diễn ra Liên
hoan phim , Bà Jeannete Paulson , Chủ tịch Hội hỗ trợ điện ảnh Châu Á ( NETPAC
) ở Mỹ , nguyên Chủ tịch đầu tiên của LHP QT Hawaii đã đứng ra tổ chức một buổi
tiệc tối ( party ) mừng sinh nhật lần thứ 75 của tôi mặc dù biết ngày sinh của
tôi đã qua nhưng chưa có dịp để chúc mừng. Khi tôi vừa bước vào phòng tiệc thì
các bạn bè đồng nghiệp đồng thanh cất lên bài hát Happy Birthday. Tôi quá bất
ngờ và cảm động, không biết nói gì hơn là ôm hôn tất cả mọi người. Sau đó hai
nữ ca sỹ Hawaii
cầm đàn ghi ta hát tặng tôi những khúc
dân ca của người polynesien, thổ dân của đảo. Đời tôi may mắn có nhiều bạn bè
khác quốc tịch mầu da, được chứng kiến những tình cảm thật nồng hậu của họ. Có
được cái may mắn đó cũng đều nhờ những bộ phim mà tôi đã làm. Chúng đã đi được
vào lòng họ, chạm được vào trái tim họ. Tôi càng thấm thía rằng nghệ thuật là
con đường ngắn nhất để con người tìm đến với nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét