Không có nhà nước pháp quyền thì không có phương tiện để chống tham nhũng, tham ô
Hà Huy Sơn
“Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công.” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Nhà nước pháp quyền là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Một nhà nước không phải là nhà nước pháp quyền thì đó là nhà nước độc quyền của một số ít người.
Để tham nhũng, tham ô phải có quyền hành; để chống tham nhũng, tham ô cũng phải có quyền hành. Ở nhà nước độc quyền quyền lực, nhà nước không được phân chia mà thống nhất bởi một chủ thể. Kẻ có quyền hành không chống tham nhũng, tham ô thì xã hội không có phương tiện nào để chống tham nhũng, tham ô. Ở nhà nước độc quyền, những kẻ có quyền hành tham nhũng, tham ô mà không sợ bị trừng phạt vì ở đó không có một bộ phận quyền lực nhà nước nào là độc lập để có thể ngăn chặn hiệu quả. Trong xã hội do nhà nước độc quyền quản lý thì kẻ tham nhũng, tham ô và người chống tham nhũng, tham ô là một. Tệ nạn tham nhũng, tham ô cũng chính là một tiêu chí để phân biệt đâu là nhà nước độc quyền và đâu là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.
Tham nhũng, tham ô vừa là mục đích vừa là mâu thuẫn của nhà nước độc quyền. Một mặt nó gắn kết giữa những kẻ có quyền hành với nhau trong một nhà nước độc quyền; nhưng mặt khác nó cũng làm tan rã và dẫn đến hủy hoại chính cái nhà nước ấy. Bởi vậy, trong xã hội do nhà nước độc quyền quản lý cũng có việc chống tham nhũng, tham ô nhưng đây chỉ là cuộc chơi của những kẻ có quyền hành và nằm trong giới hạn và phục vụ cho mục đích của nhà nước đó chứ không vì lợi ích của người dân. Nếu ví xã hội là cỗ xe ngựa thì nhà nước độc quyền là những kẻ ngồi trên cỗ xe đó. Tham nhũng, tham ô cũng giống như những kẻ ngồi trên cỗ xe luôn ăn bớt vào khẩu phần của những con ngựa kéo xe, nếu ăn bớt quá mức sẽ làm cho những con ngựa kiệt quệ, quá sức chịu đựng mà đổ quỵ thì khi đó những kẻ ngồi trên cỗ xe đó cũng tan xác. Việc chống tham nhũng, tham ô của nhà nước độc quyền chỉ là nửa vời, không triệt để. Vì không còn tham nhũng, tham ô thì nhà nước độc quyền không còn động cơ để tồn tại và sẽ dẫn tới sụp đổ. Nếu chống tham nhũng, tham ô triệt để là đồng nghĩa với việc xóa bỏ nhà nước độc quyền.
Không có nhà nước pháp quyền thì không có phương tiện để chống tham nhũng, tham ô; bản chất của việc chống tham nhũng, tham ô của một nhà nước độc quyền không phải “do dân, của dân, vì dân” là như vậy. Tất cả những tai họa của đất nước trong quá khứ, hiện tại và hiểm họa trong tương lai đều có nguyên nhân là do dối trá. Che giấu sự thật, ngăn cấm sự bày tỏ ý chí của nhân dân, chà đạp nhu cầu cấp thiết của xã hội là tội lỗi và ắt sẽ bị quy luật đào thải.
Hà Nội, 21/09/2013
H. H. S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét