Những công trình ấn tượng nhất của “phù thủy” kiến trúc Zaha Hadid
(Dân trí) - Mỗi khi ngắm nhìn một công trình do nữ kiến trúc sư lừng danh người Anh Zaha Hadid thiết kế, người xem có cảm giác như đó không phải là một không gian tĩnh mà luôn dịch chuyển không ngừng.
Mỗi khi ngắm nhìn một công trình do nữ kiến trúc sư lừng danh người Anh Zaha Hadid thiết kế, người xem có cảm giác như đó không phải là một không gian tĩnh mà luôn dịch chuyển không ngừng.
Nữ kiến trúc sư lừng danh Zaha Hadid
Zaha Hadid sinh ngày 31 tháng 10 năm 1950 tại Baghdad là nữ kiến trúc sư đầu tiên trong lịch sử thế giới giành giải thưởng Pritzker cao quý vào năm 2004 (giải thưởng được ví như giải Nobel Kiến trúc). Nữ “phù thủy” kiến trúc này là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng trên toàn cầu như Cây cầu Sheikh Zayed Bridge, Nhà hát Opera Quảng Châu hay Viện bảo tàng Quốc gia MAXXI Thế kỷ 21.
Các công trình của bà mang nặng tính ý tưởng với những hình khối động có cấu trúc zic zac đa dạng của trường phái "giải tỏa kết cấu", tạo nên nét đặc trưng của một tài năng mà khiến người ta xem để rồi nhớ.
Cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm tiêu biểu của nữ kiến trúc sư danh tiếng này:
Sân vận động Quốc gia Nhật Bản
Đây sẽ là một trong những điểm nhấn cho Thế vận hội Tokyo diễn ra vào mùa hè năm 2020. Hội đồng Thể thao Nhật Bản đã lựa chọn thiết kế độc đáo của Zaha Hadid trong số các tác phẩm dự thi từ 45 công ty trên toàn thế giới để triển khai dự án xây dựng sân vận động quốc gia mới. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2019 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.6 tỷ đô la.
Sân vận động sẽ có sức chứa ở mức 80,000 người. Đặc biệt, Zaha còn đưa thiết kế mái vòm có thể thu vào mở ra linh hoạt trong mọi thời tiết vào bản vẽ chi tiết - một đặc điểm kỹ thuật mà chỉ sân vận động Cowboys của Arlington, Texas mới có.
Trung tâm thể thao dưới nước London
Được xây dựng phục vụ Thế vận hội Olympic London 2012, công trình gồm hai bể bơi tiêu chuẩn (dài 50 mét) và một bể lặn (dài 25 mét). Ý tưởng thiết kế của trung tâm thể thao dưới nước Aquatic Centre bắt nguồn từ cảm hứng của khối hình học biến đổi từ nước, và toàn bộ thiết kế hướng tới không gian công cộng chính trong Công viên Thế vận hội. Đặt dọc theo con kênh một mái cong uốn lượn trải rộng mô phỏng hình lượn sóng của những con sóng nhỏ trong không gian bể bơi như một dòng chảy thống nhất và độc nhất vô nhị, đồng thời cũng mô tả thể tích của một không gian bể bơi thi đấu đa năng chất lượng cao.
Bảo tàng Riverside, Glasgow
Được hoàn thành vào tháng 6 năm 2011 tại Glasgow Habour, Scotland, bảo tàng có tổng mức đầu tư khoảng 74 triệu bảng Anh. Công trình là nơi trưng bày các bộ sưu tập công nghệ giao thông vận tải quan trọng của Glasgow như cần cẩu tàu Glasgow docks, đầu máy hơi nước SAR Class 15F 4-8-2.
Bảo tàng được đặt ở một khu đất không đối xứng, ôm lấy các cạnh của khu cảng. Toàn bộ phần thể tích đánh lừa cảm giác thấp trên khu đất và dần dần chiều cao được kéo lên khi tới gần mặt nước.
Cây cầu Sheikh Zayed Bridge, Abu Dhabi
Cầu Sheikh Zayed tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất dài 842 mét có tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu đô la. Cầu có 3 cặp vòm thép thiết kế trông giống như những cồn cát nhấp nhô trên sa mạc.
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, cây cầu còn được được lắp đặt một hệ thống ánh sáng động với các sắc màu huyền ảo chạy dọc thân cầu như một biểu tượng của sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên của cây cầu và sức sống của thành phố Abu Dhabi. Cây cầu được đặt theo tên của vị Tổng thống đầu tiên của Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan.
Nhà hát Opera Quảng Châu
Nhà hát Opera Quảng Châu được coi là một tổ hợp công trình tiêu biểu ứng dụng các thiết kế ánh sáng kỹ thuật cao. Công trình không chỉ sử dụng hệ đèn chiếu sáng LED tân tiến mà còn tạo ra hình ảnh của một viên ngọc trai sáng rực được thiết kế tích hợp rất nhiều thiết bị tiết kiệm năng lượng công nghệ cao. Đây cũng là một trong những công trình có hệ thống điều khiển ánh sáng và hỗ trợ âm thanh hiện đại trên thế giới, giúp tiết kiệm tối đa năng lượng sử dụng cho công trình.
Các nếp gấp uốn lượng trong nội thất tạo ra những góc nhìn đầy kịch tính tiếp nối nhau từ hành lang, cầu thang đến các không gian phụ trợ, cũng như giải pháp hoàn hảo cho ánh sáng tự nhiên có thể đi vào sâu bên trong công trình. Nhà hát được làm bằng các vật liệu chính với những thiết kế sử dụng đá Granite, thủy tinh và kết cấu thép có sức chứa hơn 1,800 người. Sau quá trình 5 năm xây dựng, tác phẩm của Zaha Hadid và cộng sự đã được hoàn thành vào năm 2011.
Viện bảo tàng Quốc gia MAXXI Thế kỷ 21, Rome
Đây là công trình bảo tàng công cộng đầu tiên của Ý dành cho sự sáng tạo đương đại, nghệ thuật và kiến trúc bằng các vật liệu thông thường như kính, bêtông và thép. Công trình mở cửa đón khách vào cuối tháng 5 năm 2010 sau quá trình xây dựng mất tới 10 năm.
Zaha Hadid đã nhấn mạnh ý tưởng với một cách tiếp cận mới, liên tục bằng cách kết nối các nút giao thông nội bộ giữa các phòng triển lãm, các không gian cực kỳ linh hoạt và tuyến tính. Các không gian này như lan tỏa trên diện tích 10.000m2 bằng các đường quanh co liên tục, hướng du khách dọc các “dòng suối” để vào các không gian triển lãm lớn, nơi không gian được tăng cường bởi ánh sáng tự nhiên từ hệ thống mái kính tráng kim loại.
Tháp CMA CGM, Marseille
Tọa lạc tại khu vực trung tâm của thành phố cảng Marseille, Pháp, tòa tháp 33 tầng này đại bản doanh của hãng vận tải CMA CGM với chiều cao 147 mét. Công trình này là nơi làm việc của 2,200 nhân viên trong công ty. Tòa tháp là một trong những điểm nhấn của thành phố bên cạnh nhà thờ Notre-Dame de la Garde và pháo đài Château d'If. Zaha Hadid được lựa chọn để thiết kế công trình này vào tháng 11 năm 2004.
Cầu không gian Bridge Pavilion, Tây Ban Nha
Đây là công trình được xây dựng để phục vụ sự kiện Triển lãm Expo 2008 ở Thành phố Zaragoza, Tây Ban Nha. Cây cầu cao 280 mét có hình dáng như một bông hoa lay ơn nở trên dòng sông Ebro, kết nối khu vực La Almozara lân cận với địa điểm diễn ra triển lãm cũng là cửa ngõ để du khách vào thăm các gian hàng của triển lãm.
Hadid đã chọn loại bê tông cốt thép sợi thủy tinh để gia cố cho cây cầu có lõi được đúc bằng bêtông cốt thép, bên ngoài cấu trúc được bao phủ bởi 29.000 tấm kính hình tam giác có màu xám sẫm.
Phaeno Science Centre, Wolfsburg, Đức
Công trình được hoàn tất một năm sau khi Hadid trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải kiến trúc Pritzker. Tờ New York Times gọi đây là "một loại tòa nhà thay đổi hoàn toàn tầm nhìn về tương lai của chúng ta".
Tòa nhà được xây trên những cột bê tông cho phép khách thăm quan đi thông sang Khu liên hợp ô tô Autostadt của Volkswagen. Trung tâm được nối với khu liên hợp bằng một cây cầu kim loại mà du khách có thể lên đó bằng thang máy hoặc cầu thang bộ.
Trung tâm Nghệ thuật đương đại Rosenthal, Cincinnati, Mỹ
Đây là công trình đầu tiên của Hadid tại Mỹ được xây lên từ những khối vật liệu cắt lớp đen trắng làm bằng kính trong, tọa lạc trên một khu có diện tích nhỏ, trông giống như một khối Rubic hình vuông và chữ nhật với một cầu thang xoắn ốc ở giữa. Nhà phê bình kiến trúc của tờ Dallas Morning David Dillon cũng phải thốt lên: “Thật tuyệt vời khi khai thác được khả năng sáng tạo trong một không gian chật hẹp như vậy”.
Nam Hằng
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét