TUANVIETNAM ››
18/09/2013 02:00 GMT+7
Ông Nguyễn Đình Lương:
Sẽ không có "bữa đại tiệc" cho Việt Nam
Với BTA ta đã chấp nhận mở cửa cả những ngành dịch vụ như viễn thông, tài chính mà trước đó đã khoanh vùng là "đất của chúa" và đã rào thật kín "vì an ninh quốc gia". Việc tham gia TPP tới đây sẽ mở tiếp", ông Nguyễn Đình Lương nói.
LTS: Ông Nguyễn Đình Lương*, Nguyên trưởng đoàn đàm phán hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), từng được bạn đọc Tuần Việt Nam biết đến qua các bài phỏng vấn về đàm phán BTA, đàm phán WTO.
Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu những nhận định của ông về đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Không thể tiếp tục đi làm thuê mải kiếm mấy đồng tiền công
Thưa ông, các cuộc đàm phán TPP đang được tiến hành dồn dập để có thể kết thúc vào cuối năm nay. Ông thấy diễn biến mọi việc như thế nào? Việt Nam có vào TPP được không?
Tôi không có cảm giác lạc quan là cuộc đàm phán TPP sẽ kết thúc năm nay. Tôi hy vọng và mong Việt Nam sẽ trở thành thành viên TPP khi nó được ký kết vì rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm, đã nói cho dân biết cũng như đã công khai trên các diễn đàn quốc tế.
Các nước tham gia đàm phán, nhất là Hoa Kỳ, nước đang "cầm cái" đang "áp đặt luật chơi" trong cuộc đàm phán này cũng mong muốn và động viên Việt Nam cố gắng tham gia.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang có những quan ngại, lo lắng cụ thể, ví dụ các doanh nghiệp dệt may, giầy dép... lo rằng: Trong TPP chỉ áp dụng thuế nhập khẩu bằng 0 cho hàng hóa có nguyên vật liệu sản xuất trong nước hoàn nhập khẩu từ các nước TPP, trong lúc lâu nay nguyên vật liệu, phụ kiện của ta chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc - là những nước chưa tham gia TPP. Ông có chia sẻ gì với những lo lắng này?
Không lo.
Kinh tế Việt Nam hôm nay cơ bản là kinh tế gia công lắp ráp. Ta đi làm thuê kiếm mấy đồng tiền công. Nguyên vật liệu cho hàng xuất khẩu lâu nay ở ta vốn nhập khẩu là chính. Có lẽ cũng còn phải lâu lâu nữa thì người Việt Nam mới tự sản xuất ra đủ những thứ này.
Việt Nam cứ vào TPP đi, tức khắc người Trung Quốc từ lục địa, từ Đài Loan, từ Hồng Kông, người Hàn và nhiều người khác sẽ vào. Họ sẽ mang tiền máy móc, thiết bị và cả người lao động nữa vào xây dựng xí nghiệp 100% vốn người nước ngoài, thuê lao động Việt Nam sản xuất cho Việt Nam đủ dùng.
Những nguyên vật liệu này hoàn toàn đủ tư cách "made in Việt Nam" để được hưởng thuế nhập khẩu bằng O. Họ đã bắt đầu khởi động rồi chỉ chờ Việt Nam "quyết" là họ vào liền.
Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm rằng ở tầm chiến lược quốc gia ta không nên tính chuyện suốt đời đi gia công làm thuê, không nên xây dựng chiến lược để con cháu mình suốt đời đi đạp máy khâu, khâu váy, khâu quần, khâu dép ...Tại sao hội thảo TPP mãi chỉ toàn nghe chuyện may mặc, giầy dép? Có lẽ phải tính những bài toán lớn hơn thế?
Vả lại theo quy luật, hàng dệt may sẽ rời Việt Nam, khi đồng lương người thợ may ở đây cao, nó họ sẽ tự động chuyển dịch tới những vùng đất nghèo hơn, lao động rẻ hơn.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (Ảnh: Trần Đông)
|
Mở mở, kín kín, hở hở...
Hiện đã có một vài bình luận, phân tích về lợi ích của Việt Nam khi tham gia TPP. Có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ là nước gặt hái nhiều nhất, có người còn đưa ra con số cụ thể rằng là GDP Việt Nam sẽ tăng bao nhiêu tỷ đô. Ông có đồng tình với những phép tính này không?
Điều chắc chắn và đã rõ: Tham gia TPP là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Việt Nam sẽ là nước khó khăn trong cuộc đàm phán TPP này vì Việt Nam là nước có nền kinh tế kém nhất và hệ thống pháp luật " khập khiễng" nhất trong số các nước đang đàm phán. Không thể có chuyện như có người nói rằng TPP sẽ là một bữa "đại tiệc"của Việt Nam.
Về lợi ích kinh tế: Lợi ích nhiều hay ít còn phụ thuộc vào khả năng khai thác cơ hội. Biết khai thác cơ hội sẽ được nhiều, có khi được rất nhiều. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, thế giới đang đua tranh, nếu anh lập cập không biết làm ăn, anh chỉ được "ăn xái" vạch lưng ra cho người ta giẫm lên.
Thực tiễn tham gia WTO cho thấy rằng: khả năng thích ứng với kinh tế thị trường ở Việt Nam là rất kém, khả năng chủ động khai thác cơ hội là rất yếu. Làm ăn không bài bản, không chiến lược, không chiến thuật. Đánh trống bỏ dùi.
Khi tham gia WTO đã có người dự báo: Kinh tế Việt Nam sẽ như là một con tàu ra "biển lớn". Hôm nay có người bảo sau 5 năm tham gia WTO kinh tế Việt Nam sẽ trở về 0! Thậm chí có người nói: WTO đã gây ra những cú sốc cho nền kinh tế Việt Nam.
Không biết có phải vậy không? Cần phải có đánh giá, kiểm chứng và số liệu. Song nếu đúng như vậy thì cũng là hợp logic. Kinh tế WTO là kinh tế thị trường tự do. Vì vậy nó chỉ có thể vận hành và phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Từ sau khi tham gia WTO đến nay kinh tế Việt Nam chưa thực sự kiến tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đúng hơn, cạnh tranh lành mạnh không được cổ vũ, khuyến khích và tạo dựng. Cộng thêm vào đó, văn hóa tham nhũng được phổ cập, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích hoành hành, làm méo mó cả những quốc sách đúng, hay của Nhà nước.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là những lợi ích về mặt kinh tế thì đúng là rất quan trọng và phải phấn đấu để đạt tới. Nhưng cũng chưa phải là mục tiêu quan trọng nhất...
Vậy cái lớn nhất ta được lần này là gì, thưa ông?
Cái được lớn nhất lúc này có thể là: Với TPP ta tiến thêm một bước theo hướng tăng tốc mở cửa với thế giới, thiết lập một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, tạo dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh, để phát triển cùng thời đại.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Cuộc đàm phán chưa kết thúc, nhưng chắc chắn khung pháp lý TPP sẽ là khuôn mẫu cho việc vận hành kinh tế thế kỷ XXI, nghĩa là nó sẽ bao gồm những quy phạm, những quy định cao hơn, toàn diện hơn. Có cả những quy định "ngoài kinh tế" hay "kinh tế chính trị".
Ví dụ: Thứ nhất, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Có thông tin nói rằng,những quy định trong TPP về lĩnh vực này sẽ cao hơn, chế tài mạnh hơn, rất khó cho Việt Nam.
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là tiền, là lợi ích của doanh nghiệp và của quốc gia. Giá trị của quyền SHTT có lúc cao hơn nhiều quyền sử dụng đất. Thương hiệu một mặt hàng có giá đến hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la, là cả một gia tài lớn, phải được bảo vệ chặt.
Bảo hộ sản phẩm trí tuệ là yêu cầu của mọi quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức, trong lúc nạn ăn cắp trí tuệ đang tràn lan. Ở Việt Nam, nạn ăn cắp đó cũng đã vượt qua "báo động đỏ".
Không bảo vệ được sản phẩm trí tuệ, thì sẽ không có sản phẩm trí tuệ và rồi trí tuệ sẽ không phát triển. Trong nền kinh tế tri thức có thể coi tình trạng "chết lâm sàng"
Cả thế giới và cả Việt Nam đang cần những chế tài mạnh, thật mạnh để chặn đứng nạn ăn cắp sản phẩm trí tuệ, để cứu cả nền kinh tế và cả nền khoa học.
Chấp nhận những yêu cầu cao chế tài mạnh là bảo vệ mình hôm nay, ngày mai, là xây dựng môi trường cho trí tuệ phát triển và tạo cho Việt Nam một chỗ đứng đàng hoàng trong thế giới hiện đại.
Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn nhất định trong quá trình thực thi, ta sẽ nhờ quốc tế hỗ trợ.
Thứ hai, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, mua sắm công.
Sân chơi TPP vốn là sân chơi kinh tế thị trường. Những tiêu chí trên sân chơi: mở, thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối thủ; là những tiêu chí bắt buộc nó sẽ giữ cho các nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững.
Duy trì tình trạng đóng đóng mở mở, kín kín, hở hở rồi để cho các nhóm lợi ích khai thác không phải là của TPP.
Vào TPP chắc chắn phải chấp nhận xóa hết sự phân biệt đối xử, áp dụng luật chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trên thị trường cũng như trong đấu thầu các khoản mua sắm công (trừ mua sắm cho an ninh quốc phòng). Mọi doanh nghiệp được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên, vốn, thị trường.
Nhà nước có quyền lập các doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực nào cũng được, to hay nhỏ nhiều hay ít... không ai can thiệp, nhưng kinh doanh phải công khai, minh bạch, trên thị trường phải theo tiêu chí thị trường, phải bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Chấp nhận những cam kết này rõ ràng chúng ta phải sửa đổi một số văn bản pháp luật hiện hành và cách điều hành kinh tế hiện nay.
Những yêu cầu này khi đàm phán BTA, phía Hoa Kỳ đã nêu ra, đã đòi ta chấp nhận. Nhưng ta chưa chấp nhận vì ta khó có thể ngay một lúc xử lý được tất cả mọi vấn đề.
Vả lại, ở thời điểm đó thời điểm đàm phán BTA cái chủ trương "quốc doanh chiếm vai trò chủ đạo" thông qua các tập đoàn hoạt động đa ngành chưa trở thành quốc sách, chỉ mới là ý tưởng ban đầu chứ chưa hình thành và kích hoạt thành những "bọc ung thư" như Vinashin, Vinalines..., chưa khê mùi "bức xúc" như hiện nay.
Ngoài ra?
Vấn đề thứ ba, đó là ta phải cam kết trao cho người lao động Việt Nam "quyền lập hội". Công nhân, người lao động tự tụ tập với nhau, tự lập hội để "nói chuyện" với giới chủ, để "cưu mang" nhau lúc khó khăn.
Quyền lập hội là một trong những quyền "tạo hóa ban" cho những người có sức lao động, đi lao động để tự vệ. Đó là một trong những chuẩn mực quy định của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Đó cũng là một quy phạm phổ quát trong đời sống xã hội văn minh.
Trong cuộc đàm phán BTA với Hoa Kỳ trước đây, Việt Nam kiên trì đòi phía Hoa Kỳ dành cho phía Việt Nam Quy chế ưu đãi phổ cập (GSP) (áp dụng thuế bằng 0 đối với mấy ngàn mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ chủ yếu là hàng thủ công nghiệp, mây tre, cói ngô...)
Phía Hoa Kỳ kiên quyết không chấp nhận vì Luật GSP của Hoa Kỳ đòi đòi hỏi một số yêu cầu cao trong đó có quyền lập hội.
Tại vòng đàm phán cuối cùng, trong buổi gặp riêng hai trưởng đoàn, tôi bảo ông JOE Damond - Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ: ta cứ ghi vào BTA "phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam" còn khi nào xem xét, được hay không ta sẽ bàn sau. Ông Damond thấy đề xuất hợp lý, đồng ý ghi vào.
Về nước tôi không dám khoe thành tích đó vì tôi hiểu đó chỉ là một cụm từ "làm đẹp" BTA cho "cả nhà đều vui" nhưng có người lại báo cáo rằng vòng đàm phán này ta đã giành thắng lợi, ta đã kiên trì đấu tranh đã bắt Mỹ dành cho ta GSP!
Nghe nói sau này, qua nhiều năm đàm phán, đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa chấp nhận cho hàng Việt Nam được hưởng GSP vì Việt Nam chưa có điều kiện để thực thi quyền lập hội.
Kỳ này, muốn vào TPP, Việt Nam không thể tránh khỏi điều khoản này. Theo tôi, phía Hoa Kỳ và các nước khác có nhân nhượng thì cũng chỉ ở mức cho một thời hạn bảo lưu vài ba năm để Việt Nam xử lý những vấn đề thuộc cơ chế trong nước.
Chấp nhận "Quyền lập hội" cho người lao động thì công đoàn Việt Nam sẽ phải đổi mới cả về chức năng nhiệm vụ, cả về phương thức hoạt động, và sau đó có thể là các đoàn thể quần chúng khác cũng sẽ noi gương.
Và còn nhiều ví dụ nữa...
Mở cửa "đất của Chúa"
Trong lúc nền kinh tế đang khó khăn, xã hội đang có nhiều vấn đề, liệu ta có tìm được sự đồng thuận để tham gia TPP không, thưa ông?
Có Việt Nam hay không có Việt Nam, đoàn tàu TPP vẫn chạy theo lộ trình. Nhưng đứng trước những vấn đề phức tạp như vậy, ta phải có sự đồng thuận xã hội. Kinh nghiệm lịch sử Việt Nam là sự đồng thuận đó sẽ có khi mọi người đều đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết.
Ba mươi năm qua, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng lãnh đạo và tiến hành, vì lợi ích phát triển đất nước vì nhận thức được rằng thời đại đó thay đổi, chúng ta đã gạch xóa đi khỏi cuốn kinh thánh bao nhiêu điều húy kỵ. Chúng ta đã đưa vào bức tranh đất nước bao nhiêu màu sáng, màu tươi. Đất nước đang thay đổi cùng thời đại.
Đổi mới 30 năm qua là một quá trình tiền tiến cùng với những bứt phá liên tục. BTA với Hoa Kỳ là 1 bứt phá. Ta cam kết chơi theo luật chơi mà thế giới tư bản đã chơi, ta chấp nhận chơi bình đẳng, bỏ phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nước ngoài, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Với BTA ta đã chấp nhận mở cửa cả những nghành dịch vụ như viễn thông, tài chính mà trước đó đã khoanh vùng là "đất của chúa" và đã rào thật kín "vì an ninh quốc gia".
Đó là những điều tưởng như không thể, nhưng rồi ta đã chấp nhận để mở đường cho đất nước phát triển.
Nhưng trong quá trình thực thi, do chưa đủ điều kiện để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cộng với sự níu kéo của cơ quan công quyền đã làm biến tướng môi trường kinh doanh, và dẫn đến những hệ lụy mà báo chí nói mãi.
TPP sẽ xử lý tiếp, TPP sẽ là một bứt phá mới nữa. Trên con đường đổi mới mà Đảng và Dân đã chọn.
Anh Phương (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (16)
thành yên bái18/09/2013 15:48:03 PM
"Việt Nam là nước co nền kinh tế kém nhất và hệ thống pháp luật khập khiễng nhất", ông Nguyễn Đình Lương nói rất chuẩn nghĩ mà xấu hổ quá các bác ạ
HOÀN TOÀN18/09/2013 10:16:50 AM
Mong rằng chính quyền các cấp sẽ hiểu được khó khăn của đất nước. Mọi người đừng vì lợi ích riêng tư mà hãy vì lợi ích chung, lợi ích dân tộc mà nổ lực hơn nữa (đừng tham nhũng, đừng vô cảm...).
vinh dam18/09/2013 10:37:03 AM
"Tôi không có cảm giác lạc quan là cuộc đàm phán TPP sẽ kết thúc năm nay". Liệu Việt Nam có lại lỡ tầu như vụ WTO không nhỉ? Lỡ chuyến tầu này tai hại lắm, mong lãnh đạo quyết đoán cho.
dang18/09/2013 11:48:36 AM
Tôi không thật tin lắm. Trên giấy thì cái gì cũng dễ. Nhưng thực tế lại là một phạm trù khác. Kinh nghiệm vào WTO cho thấy như vậy.
Cố Nhân18/09/2013 12:32:13 PM
Bài viết phản ánh đúng thực tế, sự thật. Quan trọng bây giờ nhóm lợi ích nó hầu như đã chi phối quyền lực chính trị và kinh tế, nếu bất lợi cho nó thì dân cũng đành chịu thôi.
Lê Minh Tuấn18/09/2013 10:00:36 AM
Rất trí tuệ, hãy tham mưu cho lãnh đạo của ông bằng trái tim và khối óc. Tôi tin ông!
Tien18/09/2013 09:07:19 AM
Ý kiến bác Lương thật sâu sắc và thẳng thăn. Đảng, nhà nước cần có những chính sách phù hợp để kinh tế Việt Nam thực sự hòa nhập và phát triển
Nguyễn Xuân Trường18/09/2013 09:38:06 AM
Hội nhập là con đường duy nhất có thể giúp đất nước ta phát triển, nguồn lực trong nước là hữu hạn, trình độ quản lý thấp cộng với tham nhũng và muôn vàn điều kiện bất lợi khác đẫn đến kinh tế nước ta phát triển một cách chậm chạp. Lịch sử kinh tế thế giới chứng mình độc quyền là giết chết sự sáng tạo, mất đi sức cạnh tranh . . . Cần phá bỏ hoàn toàn độc quyền trong mọi lĩnh vực, tiến lên VN.
Moclan18/09/2013 07:38:50 AM
Cám ơn bác Lương đã giúp khai sáng đầu óc. Mong những người có quyền lắng nghe và hành động đúng để dân được nhờ.
hoàng tiến lâm18/09/2013 08:50:57 AM
nội dung bài viết thật hay. Cảm ơn tác giả và cảm ơn ông Nguyễn đình Lương!
Amy Le18/09/2013 08:48:52 AM
Bài trả lời phỏng vấn này quá hay. Trong đó có những sự thật cần được phơi bày để ai ai cũng hiểu. Cảm ơn bác Nguyễn Đình Lương và hy vọng những người đang được giao trọng trách cũng phải có được tư duy, tấm lòng như bác Lương để giúp người VN ta ngẩng đầu lên cùng với nhân loại.
Duc Letan18/09/2013 08:26:27 AM
Bài viết quá hay về vấn đề gia nhập TTP, đây là con đường cần thiết để đất nước ta hội nhập và phát triển, đừng bỏ lỡ cơ hội.
Nguyễn Bá Định18/09/2013 07:37:28 AM
Bài trả lời phỏng vấn của cụ Lương rất sâu sắc, đổi mới là cội nguồn để dân tộc ta , đất nước ta phát triển
lê anh vũ18/09/2013 07:29:06 AM
Một vị thánh nhân đã từng nói: người ta nên đi vào cửa hẹp chứ không đi vào cửa lớn vì cửa lớn quá đông người đi cơ hội sẽ khó thành. Trong nền kinh tế thị trường đầy nghiệt ngã này dân tộc Việt Nam chúng ta vốn thông minh cần cù và khéo tay tôi mong sẽ chọn con đường đi riêng cho mình và như cố chủ tịch Hồ chí minh đã từng nói; Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đạ thành công.
nguyennguyen18/09/2013 12:11:26 PM
@lê anh vũ: Và có thể bị bắt bài như Quan Vân Trường từ xa xưa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét