Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Nỗi đau của nền giáo dục

Nỗi đau của nền giáo dục

Thầy tát trò, rồi trò đánh lại thầy ngay trên lớp,  là nỗi đau của cả nền giáo dục Việt Nam.
Mấy ngày qua, đoạn clip dài hơn một phút quay cảnh thầy giáo tát học sinhnhiều cái rồi bị các học trò "phản công" đã được lan truyền chóng mặt trên mạng.
Năm cái tát của người thầy (xin phép được tạm gọi là thầy dù chắc chắn sẽ có nhiều người thầy giáo thực thụ không bằng lòng) vào thẳng mặt học sinh, mà tát thẳng tay, tát như lấy được. Chắc nhiều người sẽ nhớ tới 28 cú vả của bảo mẫu Phương Anh vào mặt bé trai cách đây không lâu, khác nhau là hai cậu học sinh cấp ba không chịu để yên và đã phản kháng lại.
thay-danh-tro-2-1345-1392785355.jpg
Thầy đánh trò ngay tại lớp
Hình ảnh buồn cho giáo dục Việt Nam, thầy không ra thầy, trò không ra trò. Mà để đánh giá bất cứ nền giáo dục nào thì người ta cũng chỉ nhìn vào hai đối tượng là thầy và trò thôi. Ở nước ta, cả hai đối tượng này đều đang có vấn đề nên rõ ràng giáo dục đang rơi vào khủng hoảng và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy là nó sẽ vượt qua được.
Người xưa vẫn thường nói “Thương cho roi cho vọt” chỉ cách giáo dục bằng kỷ luật hợp lý xuất phát từ tình yêu thương. Thầy cô cũng như thể cha mẹ, trong khi giáo dục không thể tránh những nóng giận khi đối xử với con trẻ.
Nền giáo dục phong kiến của nước ta chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ Trung Quốc, nơi mà người thầy được đặt ngang hàng với mẹ cha nên có toàn quyền dạy bảo học trò, kể cả việc dùng roi vọt. Còn có cả truyện kể ca ngợi cả cây roi của thầy đồ như sau:
“Giữa trưa hè, một thầy đồ đang nghỉ tránh nắng dưới một cây đa cổ thụ, bỗng một tia nước tưới xuống người thầy đồ, nhìn lên thấy một thằng bé đang... “tè”!, nén tức giận, thầy đồ nhẹ nhàng gọi thằng bé xuống hỏi han và tặng cho nó hai quan tiền, cùng với lời khen: Việc làm của cháu rất tốt, lần sau làm thêm, họ sẽ cho nhiều tiền hơn...!
Một dịp đoàn nhà vua đi qua, rồi dừng lại nghỉ dưới gốc cây đa, sau đó nhà vua cũng bị nhận một “tia nước” từ thằng bé. Thằng bé bị gọi xuống, hỏi han gia đình, dòng tộc... và bị “tru di tam tộc". Giá như lần trước thầy đồ đánh, mắng thằng bé, thì tin rằng thằng bé và gia đình không bị đại họa”.
Giáo dục phong kiến hà khắc, đòn roi là điều không tránh khỏi. Nhưng để đánh được học trò, người thầy cũng cần phải có cái tâm sáng. Chẳng thế mà sau khi trưởng thành, không ít người lại thấy biết ơn những trận đòn của thầy ngày bé. Nhưng học sinh xưa có bị đánh cũng không dám phản kháng, đơn giản vì chúng thấy tâm phục khẩu phục chứ không phải là sự uất ức, căm thù như ngày nay.
Thời thế thay đổi, bây giờ thầy cô cũng là một nghề, nó bình đẳng như bao nghề nghiệp khác trong xã hội. Đi học là cha mẹ học sinh phải đóng tiền nên họ có quyền được đòi hỏi con cái mình được học ở những môi trường giáo dục tốt và đương nhiên không có chuyện thầy trò đánh nhau giữa bục giảng. Đánh trẻ như vậy là vi phạm pháp luật, không thể vin vào cái lý do giáo dục để biện minh.

Trong một cuộc khảo sát cách đây mấy năm, khi được hỏi phụ huynh, giáo viên có nên dùng đòn roi để dạy học sinh, gần 80% người trả lời đồng tình với ý kiến trên. Vậy là cứ 10 học sinh thì có 8 em đang hoặc sẽ được "dạy" bằng roi vọt. Nhưng cũng phải hiểu rằng, mình đánh con mình thì được chứ người khác, kể cả thầy cô mà đánh con mình lại là chuyện khác. 

Đòn roi vẫn là biện pháp để giáo dục nhưng với cái mức độ như thầy giáo trong clip thì phải gọi là hành hung, hay bạo lực chứ không phải là đòn roi để dạy bảo học sinh. Đòn roi ở mức độ nào thì là giáo dục mà nếu đi quá giới hạn thì sẽ trở thành bạo hành, không phải thầy cô nào cũng biết điều đó.
 Ngay cả ở nhà, cha mẹ vẫn phải sử dụng đòn roi với con trẻ, con mình đẻ ra mình còn phải đánh thì mới mong giáo dục được chúng. Trong nhiều gia đình nền nếp gia phong lâu đời còn thờ cả cây roi hay trượng gỗ để nếu con cháu có làm gì sai phạm thì các cụ cứ lọc ra mà dạy bảo. Nhưng đó là đòn roi từ tình thương chứ không phải vì sự bưc tức, muốn trút giận lên đầu học sinh như người thầy trong clip trên.

Giáo dục nước ta bây giờ, học sinh chỉ thấy sợ, thấy căm ghét người thầy đã đánh chúng. Và rồi đến một ngày, sự uất hận đó được tích tụ sẽ dẫn đến bùng phát như trong clip học trò đánh lại thầy giáo ngay tại lớp. Đòn roi không xuất phát từ tình thương nó sẽ trở thành bạo lực, và đương nhiên bạo lực sẽ bị đáp trả bằng bạo lực. Trò đánh lại thầy là sai, là trái đạo lý nhưng trong vụ này, người sai trước và sai trầm trọng đó chính là người thầy.
Long Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét