Cựu thủ tướng Anh cố vấn cho VN
Cập nhật: 10:10 GMT - chủ nhật, 8 tháng 9, 2013
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair hiện đang đóng vai trò cố vấn cho Chính phủ Việt Nam về kinh tế sau hai lần tới Hà Nội gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một năm qua.
Báo Telegraph của Anh nói lần gần nhất ông Blair và ông Dũng gặp nhau là hồi tháng Ba.
Khi đó báo Tuổi Trẻ cũng nói ông Blair còn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người "đánh giá cao việc thúc đẩy triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Văn phòng Tony Blair đối với các cơ quan của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các định hướng hợp tác trong lĩnh vực tư vấn, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài, đối tác công tư; hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khu vực tư nhân…"
Tờ Bấm Telegraph nói cuộc gặp của ông Blair và ông Dũng hồi tháng Ba đã diễn ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cảnh báo Việt Nam đã có đợt "trấn áp hàng loạt" đối với báo chí công dân và theo sau các vụ scandal kinh tế liên quan tới những tài phiệt có quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản cầm quyền.
Báo có uy tín của Anh cũng dẫn lời Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cảnh báo rằng chính quyền Hà Nội chà đạp "gần như mọi dạng bất đồng chính trị [bằng cách] sử dụng tới mọi biện pháp trấn áp".
Họ còn dẫn lời nhà vận động nhân quyền Võ Văn Ái nói ông Blair đang được Hà Nội dùng như "công cụ quảng cáo" để chống lưng cho chính quyền Việt Nam.
Về công việc cụ thể của ông Blair đối với Việt Nam, tờ Telegraph nói:
"Trong thương vụ mới với Việt Nam, đội tư vấn của ông Blair được cho là đang làm việc với bộ ngoại giao để hỗ trợ liên hệ kinh tế và thương mại với Anh và Liên hiệp châu Âu."
Ngoài Việt Nam, ông Blair cũng đóng vai trò cố vấn cho Colombia, Kazakhstan, Kuwait và Peru.
Trong khi đó Telegraph nói ông Blair cũng có thể sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn cho cả Thái Lan và Hồng Kông trong thời gian tới đây
==============
Bài đăng : Thứ bảy 07 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 07 Tháng Chín 2013
RFIKhông khí chính trị ngột ngạt, người dân Trung Quốc bất an
Getty Images /Bloomberg/ Tomohiro Ohsumi
Lâu nay báo chí vẫn nói nhiều đến tình trạng không khí ở Bắc Kinh ô nhiễm đến khó thở, thế nhưng bầu không khí chính trị ở nước này cũng ngột ngạt không kém khiến cho không ít người vốn thuộc tầng lớp khá giả cảm thấy cuộc sống của họ bất an phải tính chuyện rời bỏ đất nước. Thực tế này ở Trung Quốc đã được ông Francois Bourgon, phó tổng biên tập báo Le Monde phân tích qua bài viết : « Không khí ở Bắc Kinh không thở nổi, không khí chính trị cũng vậy ».
Vấn nạn ô nhiễm môi trường không khí của Bắc Kinh được tác giả liên hệ với một bầu không khí chính trị ngột ngạt ở đất nước Trung Quốc. Tác giả viết : « Không chỉ có không khí (môi trường) không thở nổi. Bầu không khí chính trị cũng ngày càng trở nên khó thở hơn».
Theo tác giả, nếu như phe cải cách đã nuôi một chút hy vọng khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền thì lúc này họ đã nhanh chóng thất vọng. Bằng chứng là cuộc trấn áp nhắm với những người có đầu óc cải cách dám đòi công khai tài sản của các lãnh đạo đất nước được nhân lên gấp bội trong thời gian qua.
Chính quyền gia tăng kiểm soát internet, nhất là các mạng xã hội có tiếng nói chỉ trích chế độ. Trong một cuộc họp tại Bắc Kinh hồi tháng 8 vừa qua với các cán bộ tuyên huấn trong cả nước, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi thiết lập một « đội quân hùng hậu » để « chiếm lĩnh mặt trận truyền thông mới ».
Kết quả có ngay không phải đợi lâu. Một loạt các vụ bắt bớ những tiếng nói trên mạng được tiến hành ngay sau đó. Hàng chục những chủ trang viết có tiếng tăm trên mạng Vi Bác bị chính quyền mời đến họp để đả thông về « trách nhiệm xã hội » với các phát ngôn, bài viết của mình. Họ được yêu cầu : « Nói lên sự thật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và trật tự công cộng, ủng hộ lý tưởng , đạo đức xã hội chủ nghĩa ».
Song song với trấn áp là tuyên truyền. Tổng giám đốc Tân Hoa Xã, Lý Thông Quân hôm 04/09/2013 đã có một bài viết trên diễn đàn của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó ông liệt kê ra một loạt các thách thức đối với chế độ trong việc « kiểm soát dự luận » . Theo ông Lý Thông Quân thì các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây vẫn chiếm thế áp đảo mặc dù Trung Quốc đã chi hàng tỷ nhân dân tệ quảng bá « quyền lực mềm » Trung Hoa.
Với giọng văn đầy hằn học lãnh đạo Tân Hoa Xã viết : « Một số thế lực thù địch và một vài cơ quan truyền thông phương Tây không muốn nhìn thấy một nước Trung Quốc phồn thịnh, chúng phát động đến Trung Quốc xu hướng phương tây hóa, chủ nghĩa ly khai và các « cuộc cách mạng màu », chúng tuyên truyền luận điệu về « sự đe dọa của Trung Quốc » và « sự sụp đổ của Trung Quốc » nhằm tấn công vào lợi ích và bôi nhọ hình ảnh của đất nước chúng ta ».
Tác giả bài viết nhận thấy, trong cái bối cảnh chính trị ngột ngạt như vậy, nhiều người thuộc tầng lớp khá giả ở thành thị đang chọn con đường rời bỏ Trung Quốc. Tác giả cho biết giờ đây ở Trung Quốc người ta đang nói đến « làn sóng di cư thứ ba », sau làn sóng của thập niên 1980 của những người bỏ ra nước ngoài vì mục đích kinh tế. Tác giả nêu ra một con số ấn tượng : Trong năm 2011, đã có 150 000 người rời Trung Quốc. Họ không phải là những người nghèo khó như trước mà là những người giàu, có trình độ cao.
Cuộc di cư của những người nhiều tiền và những người giàu chất xám chủ yếu hướng về các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc hay New Zeland. Họ giải thích cho sự ra đi này bằng nhiều lý do : Nào là vì ở trong nước, môi trường sống ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm, dịch vụ công cộng xuống cấp, luật pháp không bảo đảm hay vì muốn đa dạng hóa đầu tư và giáo dục cho con cái….
Để kết luận cho bài viết, bài báo trích lời của ông Nhâm Chí Cường, một đại gia bất động sản giàu có ở Trung Quốc giải thích trên blog của mình : « Có vô số lý do để di cư, nhưng quan trọng nhất là khái niệm an toàn. Đó là an toàn cuộc sống, an toàn sức khỏe, thực phẩm, không khí, giáo dục và các quyền (con người). Bất an là một nguyên nhân quan trọng cho những bất ổn xã hội. Chỉ cần an dân thì sẽ tạo được một xã hội ổn định ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét