Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Chuyện LS Nguyễn Mạnh Tường gặp Bác Hồ

Thời điểm là 1952 và những lời LS nói với Hồ Chủ tịch đến tận bây giờ vẫn nguyên giá trị.
Nat.
Chuyện LS Nguyễn Mạnh Tường gặp Bác Hồ
26/07/2007 11:50 (GMT + 7)
Cuộc trò chuyện giữa Hồ Chủ tịch và luật sư Nguyễn Mạnh Tường diễn ra cách đây 55 năm nhưng các vấn đề bàn đến vẫn hết sức thời sự.
Đó là tấm gương ứng xử tuyệt vời giữa một trí thức chân thành và thẳng thắn với một nhà lãnh đạo luôn "giữ được sự tự chủ một cách tuyệt vời và có một bản lĩnh hoàn hảo".
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, chúng tôi xin giới thiệu một đoạn trích trong di cảo hồi ức viết bằng tiếng Pháp của luật sư. Bản dịch này của Nguyễn Bá Bảo - học sinh của thầy Tường, nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Australia và New Zealand.
Đoạn trích viết về cuộc gặp và trao đổi của tác giả với Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua họp ở Việt Bắc mùa xuân 1952. Nội dung cuộc trao đổi bàn về những vấn đề của đất nước cách đây đã 55 năm, nhưng đến nay vẫn mang tính thời sự. Đó là tấm gương ứng xử giữa một trí thức chân thành và thẳng thắn với một nhà lãnh đạo luôn “giữ được sự tự chủ một cách tuyệt vời và có một bản lĩnh hoàn hảo”.
Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức (Nguồn: most.gov.vn)
Ngọn lửa niềm tin bùng cháy
"Hồ Chủ tịch hỏi tôi, Đại hội đã gây cho tôi cảm tưởng gì?. Tôi đã trả lời Người:
"Thưa Chủ tịch, một cảm tưởng mà tôi buộc phải coi là cực kỳ đặc biệt. Làm sao tôi có thể tưởng tượng cây Người có thể sản sinh ra những bông hoa tuyệt mỹ như vậy? Làm sao con người bằng xương bằng thịt có thể đạt tới đỉnh cao như vậy của chủ nghĩa anh hùng và lòng cao thượng?
Và khi trong mạch máu của họ chảy cùng một dòng máu đang chảy trong mạch máu của tôi, làm sao tôi có thể cưỡng lại niềm hào hứng và tự kiêu dồn dập trào tới tràn ngập lòng tôi, làm tôi ngạt thở, hòa loãng tâm hồn tôi trong một cơn say mà tôi chưa hề biết đến như vậy.
Thời thơ ấu, tôi đã đọc trong sách lịch sử chuyện những chiến thắng của các anh hùng dân tộc ta đã dành được trong sự nghiệp chống xâm lược ngoại bang. Những trang sử đó, mỗi lần tôi đọc đều thấy một niềm say sưa mới. Lớn lên, tôi học lịch sử Hy Lạp cổ đại, rất chú ý tới những tên Marathon và Salamine mà thế giới văn minh không ngớt ca tụng sự vinh quang.
Dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng niềm vinh dự đó. Nhưng trước kia tôi tưởng thời oanh liệt đã qua rồi, và cho rằng Việt Nam bị nô dịch hơn một nửa thế kỷ, chờ đợi mãi mà cũng chẳng có kết quả gì, việc tái sinh những anh hùng huyền thoại thời xưa sẽ mang lại tự do và độc lập cho đất nước. Thế mà, những anh hùng đó đã đến. Tôi trông thấy họ xung quanh tôi. Tôi chú ý nghe chiến công của họ với bao niềm vui và cảm phục.
Nếu trước kia, trước khi rời đi chiến khu, tôi đã hiến tất cả tài sản cho nhân dân, tôi mang trong lòng một sự thoả mãn đã hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Nhưng tôi không hề thấy lóe ra chút hy vọng nào là sẽ chiến thắng trở về từ một cuộc chiến tranh mà tôi cho rằng sẽ thua ngay từ đầu. Bây giờ, trái lại, những nam nữ anh hùng mà tôi nuốt trôi từng lời nói, đã nhóm lên trong tôi ngọn lửa của niềm tin vào chiến thắng trong tương lai".
Nguồn gốc nông thôn của những anh hùng
"Hồ Chủ tịch nghe tôi nói, con mắt mơ màng phóng ra đằng xa, rồi Người nhìn thẳng vào tôi với khóe nhìn lóng lánh niềm vui, và tay vuốt bộ râu cằm.
Người hỏi tôi một câu:
- Con đường mà chú đã trải qua để đi tới kết luận như hiện nay quả là khó khăn và tôi ca ngợi sự thành thật của chú. Con đường đi tới một chân lý càng khó thì khi đi tới chân lý đó, người ta càng tin tưởng. Đối với những người anh hùng mà chú ngưỡng mộ, và là người đã thổi vào tâm trí chú niềm tin vào chiến thắng cuối cùng, chú có thấy gì đặc biệt ở họ?
- Thưa Chủ tịch, đó là nguồn gốc nông thôn của họ. Từ trước cuộc kháng chiến này, tôi sống ở chốn thị thành. Giờ tôi thấy xấu hổ thừa nhận rằng tôi chẳng biết tí gì về vùng nông thôn và về người nông dân. Chút hiểu biết về nông thôn và nông dân tôi từng thu nhận được chỉ là sách vở và méo mó.
Chính ở chiến khu, hành nghề luật sư và đi khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, tôi đã được sống trong môi trường nông thôn, được tiếp xúc với người nông dân và được hiểu họ. Thời gian đó bù đắp lại những chỗ hổng, sữa chữa những sai lầm và thành kiến của tôi. Nó đưa lại cho bản thân tôi một hình ảnh trực diện, đầy đủ và đúng đắn về dân tộc mà tôi tự hào là thành viên thuộc dân tộc đó.
Mới gần đây thôi, hình ảnh nhân dân mà các tình huống trong cuộc sống đặt ra trước mắt tôi đã bị cắt xén, gây tổn thương, què quặt. Tầm nhìn của giai cấp tiểu tư sản hạn chế con mắt tôi. Tôi không thấy rõ sức mạnh vô biên của quần chúng nhân dân.
Bây giờ cái nhìn của tôi về Tổ quốc và những người con của Tổ quốc đã được hoàn toàn thiết lập lại trong thực tế đầy đủ của nó. Một sự cân đối đã được hình thành trong tâm trí tôi và đem lại cho tôi những thú vui mới mà tôi chưa hề biết tới và đó là những cảm xúc vô giá.
Nhưng thưa Chủ tịch, tôi phải thú nhận với Chủ tịch rằng những người nông dân này mà tôi quý mến rất đức độ và bỏ qua những thiếu sót, tôi không thể tưởng tượng sao họ có thể nâng cao khả năng đến mức thực hiện được những chiến công như chúng ta đã biết. Vậy mà những hiện tượng phi thường đó đã diễn ra và tôi hoàn toàn ngạc nhiên.
Tôi xin gửi đến Chủ tịch và Đảng của Người lòng tôn kính đã có khả năng nhóm lên ngọn lửa yêu nước của nông dân mà cả nước đang chờ mong những kết quả kỳ diệu”.
"Tôi cầu mong Người có những quan điểm mới"
Hồ Chủ tịch nói:
- Tôi sung sướng được nghe ý kiến của chú. Bây giờ, theo chú nên hướng chính sách của ta như thế nào?
- Đó là một vấn đề cực kỳ tế nhị, tôi sẽ chỉ dám đề cập đến vấn đề đó, nếu được Chủ tịch cho được hoàn toàn tự do tin tưởng.
Về nội dung, tôi có nhiều ý kiến theo hướng của Chủ tịch, nhưng có những điểm quan trọng tôi cầu mong Người có những quan điểm mới. Chúng ta cùng một điểm xuất phát: quần chúng lao động bao gồm nông dân, công nhân, trí thức, cấu thành hầu hết dân số nước ta. Tất cả mọi chính sách không tính đến sự thật quá rõ ràng đó, chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu.
Lợi ích của nhân dân lao động phải là mối quan tâm thường xuyên của chúng ta. Mà họ không đòi hỏi cái không hề có, họ chỉ mong muốn được thõa mãn ở mức tối thiểu những nhu cầu của một con người văn minh, nhu cầu về cơ thể, về trái tim, về khối óc, và tất nhiên nhờ lao động chân tay hay trí óc của họ. Họ chỉ chờ đợi ở công quyền được phép sống một cuộc sống của con người.
Việc làm để họ có thể cuộc sống của con người, phải được đề cập tới trên hai phương diện. Việc làm đó phải là việc làm tự do, không cưỡng bức. Chỉ có việc làm tự do mới đem lại hiệu quả cho người lao động và xã hội. Ngoài ra, người ta lao động không phải để chơi, mà phải có lợi. Lợi đó là quyền được hưởng thụ thành quả lao động của mình.
Trước mắt là để chi tiêu về ăn uống, may mặc, nhà ở, học hành, văn hóa. Về tương lai là để đề phòng mọi rủi ro trong cuộc sống, mà đáng lo ngại nhất là thất nghiệp, bệnh tật và tuổi già. Và trong chừng mực có thể, cũng là để đảm bảo cho con cháu những điều kiện thuận lợi để khởi đầu vào đời tốt đẹp.
Tiền tiết kiệm dành ra được từ kết quả lao động không những kích thích sự hoạt động cần cù của con người, mà còn dạy cho người ta ý thức dự phòng, tôn trọng tiền bạc kiếm ra một cách lương thiện. Và tốt nhất là nó dùng để tăng cường và phát triển sự đoàn kết gia đình, tình yêu sáng suốt của bố mẹ với con cái.
Quyền tự do lao động, quyền sở hữu cá nhân về tài sản do lao động kiếm ra một cách hợp pháp, đó là hai nguyên tắc người lao động rất quan tâm.
Ba nguyên tắc bảo đảm thực thi tốt chức năng nhà nước
"Trong lĩnh vực công cộng, cơ chế nhà nước phải tôn trọng những nguyên tắc khác để bảo đảm việc thực thi tốt chức năng của Nhà nước.
Nguyên tắc thứ nhất là tôn trọng luật pháp. Một sự lẫn lộn tai hại đang diễn ra giữa quyền lực và quyền. Tất cả các cơ quan từ cấp phường xã đến cấp trung ương đều tưởng mình có quyền làm tất cả, nhất là xâm phạm quyền tự do của công dân, và có quyền sử dụng những khoản tiền khổng lồ của công quỹ.
Tôi không nói những vi phạm luật pháp khác mà tính chất phạm pháp rất rõ nét. Ở đó, những sự phản kháng là vô tội không được chú ý nghe như trong các trường hợp ranh giới giữa quyền lực và quyền không rõ ràng. Vì vậy, nguyên tắc chung cần phải công bố là tất cả mọi người, kể cả những người có một chút quyền lực, đều phải tuân theo luật pháp. Đó là ý nguyện của nhân dân và là công cụ giữ gìn trật tự công cộng.
Nguyên tắc đó bao giờ cũng phải kèm theo hậu quả tất yếu của nó là: tất cả mọi vi phạm pháp luật phải dẫn tới trách nhiệm không chỉ chính trị (khai trừ khỏi Đảng), hành chính (cắt chức, hạ chức, cho về hưu), mà còn cả hình sự (tịch thu, tiền phạt, án tù ).
Phải quyết định trách nhiệm bao giờ cũng là cá nhân, vì trách nhiệm tập thể là vô nghĩa. Mọi quyết định đều mang một chữ ký, người ký tên chính là người sẽ phải đưa ra xét xử. Để kết tội những người chịu trách nhiệm và áp dụng luật hình sự đối với họ, nhất thiết cơ chế quan tòa phải được toàn quyền tự do và độc lập đối với cấp trên trong hệ thống quan tòa và Đảng.
Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc tách biệt Đảng và Nhà nước. Nói là Đảng lãnh đạo Nhà nước, điều đó không ai có ý kiến gì khác. Nhưng hai hoạt động phải tách riêng nhau, và sự tách rời đó phải thực hiện triệt để suốt dọc đường ranh giới.
Trong điều kiện đó, không nhất thiết và cũng không nên cử vào các vị trí trách nhiệm và chỉ huy cho những Đảng viên không có đủ trình độ văn hóa và năng lực.
Tiêu chí trong việc quyết định có tuyển chọn cán bộ hay không phải kể đến khả năng trí tuệ và nghề nghiệp của ứng viên. Nhờ vậy, guồng máy Nhà nước không những chạy tốt hơn mà còn tránh được những sự bất hòa giữa Đảng viên và người ngoài Đảng, giữa Đảng và nhân dân.
Một cơ quan không thể kiêm nhiệm cả hai chức năng lãnh đạo. Có một vấn đề chưa xảy ra, nhưng rất có thể xảy ra đó là Đảng phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của Nhà nước. Mà nhẽ ra Đảng phải như phải tư duy biện chứng, đứng trên mọi nghi ngờ nhưng lại được hoàn toàn tin cậy và có một uy tín bất khả chê trách.
Cuối cùng một nguyên tắc chót tôi mạn phép được lưu ý Chủ tịch, đó là nguyên tắc phải có ý thức rất rõ về Đảng, về những khả năng của Đảng. Dứt khoát sẽ nảy sinh những trở ngại trong việc một Đảng lãnh đạo, trong cả thời chiến lẫn thời bình. Và Đảng chỉ có thể làm được điều này khi có sự góp sức của cả một đội quân trợ lý và người thừa hành. Nhưng nếu đội quân đó lại kèm thêm một đội quân khác quan trọng hơn gấp hai lần, bao gồm những kẻ tay sai, xu nịnh hèn hạ thèm khát bổng lộc, tiền bạc, danh vọng, công việc lương cao, làm ít thì làm sao Đảng có thể thực thi và đề ra những quyết định sáng suốt, thích hợp và có hiệu quả?
Nguy hiểm hơn nữa nếu tồn tại những người lãnh đạo u mê trong tự mãn, say sưa về sức mạnh, họ không tìm cách chinh phục rộng rãi tri thức, không tìm hướng tiếp cận tích cực, khách quan và thực tế mà chủ quan, tự do duy ý chí, làm sai luật lệ, làm trái khoa học, trái lẽ phải... Chính những người này sẽ có tác động tai hại đến uy tín chính quyền, đến hạnh phúc của quần chúng bằng hành động thiếu đạo đức và ngu dốt của họ.
Giải pháp duy nhất là cấp lãnh đạo khôn ngoan tự nhìn lại mình, mở rộng tai nghe để lắng nghe tiếng nói từ nhân dân."
"Người có một bản lĩnh hoàn hảo"
"Thưa Chủ tịch, tôi xin lỗi đã lạm dụng sự kiên nhẫn của Người. Nhưng tôi đã được Chủ tịch cho phép. Vì tôi thiết nghĩ, sẽ không còn bao giờ tôi có dịp được nói chuyện với Chủ tịch về những vấn đề mà tôi cũng như Chủ tịch đều quan tâm, vì nó liên quan đến hạnh phúc và số phận tương lai của nhân dân. Và vì thời gian nói chuyện với Chủ tịch không bị hạn chế, tôi tranh thủ có được vinh dự này để trình bày với Người một số ý kiến xuất phát từ đầu óc một người trí thức yêu nước và chăm chú theo dõi quá trình những biến đổi đang diễn ra trong đất nước ta.
Như Chủ tịch đã nhận thấy những suy nghĩ của tôi không phải bắt nguồn từ một học thuyết có giá trị và nổi tiếng như thế nào. Tôi không bị giam mình trong một đảng phái chính trị nào, không bị gò bó trong một giáo lý cứng nhắc nào. Tôi có thể giữ được tính độc lập suy nghĩ của mình và để tâm nghiên cứu tình hình hiện nay, để rút ra những chỗ không hay cần kịp thời sửa chữa trước khi nó có thể gây tác hại xấu và dẫn tới hành động phá hoại.
Với tất cả tấm lòng chân thành và thiện ý, tôi đã đề nghị một số biện pháp điều trị về chính trị và xã hội. Những biện pháp đó không mang dấu ấn lý thuyết chính thống hiện nay và có thể làm cho không ít những người đang nắm quyền lực bị sốc và bực dọc.
Mặc kệ, thưa Chủ tịch, dù là phượng hồng bay lượn trên trời cao, hay con giun bò trên mặt đất, tất cả đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước lịch sử".
Tôi quan sát Chủ tịch trong khi Người ngồi sâu trong chiếc ghế bành bằng mây, thỉnh thoảng hít một hơi thuốc lá, nghe tôi nói với một sự chú ý làm tôi cảm động. Con mắt Người mơ màng, tưởng như bay bổng xa nơi trần thế. Điếu thuốc lá tàn, Người tựa tay trên thành ghế bành, một tay vuốt ve chùm râu nhỏ.
Suốt buổi thuyết trình của tôi, Người không tỏ một sự phản ứng nào, hoặc tán thành, hoặc không tán thành. Có lẽ Người muốn cân nhắc sự suy xét, chọn lọc cái hay và cái dở, giữ một thái độ trung lập và khách quan. Đó là một thái độ cẩn thận và kín đáo, để phân tích tốt hơn nội dung những lời tôi nói, để thấu hiểu ý nghĩa đã diễn tả rõ ràng, và cả những ẩn ý trong từng câu, từng chữ.
Trước mặt tôi là một nhân vật quan trọng hiểu rõ giá trị một cử chỉ, một ý định, và trên cương vị một lãnh tụ, chịu trách nhiệm về số phận cả một dân tộc. Vì vậy, Người không thể tự cho phép mình, qua một giọng nói nào, một nét mặt nào, một động thái nào của con mắt hoặc bàn tay, biểu thị một dấu hiệu vội vã, nhẹ dạ, tự phát, thiếu suy nghĩ, không tự kiềm chế được và bật ra từ bề sâu tình cảm.
Nhân vật đó giữ được tự chủ một cách tuyệt vời và có một bản lĩnh hoàn hảo."
Vài nét về Luật sư Nguyễn Mạnh Tường
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, qua đời ngày 13-6-1997.
Cách đây 75 năm (1932) Nguyễn Mạnh Tường đã nổi tiếng cả ở Việt Nam và Pháp với việc bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ngành Luật học với đề tài: “Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam, Tổng luận về Luật nhà Lê” khi mới 23 tuổi. Chỉ 2 tháng sau, ông bảo vệ thành công tiếp luận án tiến sĩ thứ hai về văn chương với đề tài “Luận về giá trị trình diễn và kịch bản của Alfred Musset”. Cho đến nay, ở Pháp chưa hề xuất hiện thêm một thanh niên 23 tuổi nào hoàn thành 2 luận án tiến sĩ trong vòng một năm.
Từ đó, Nguyễn Mạnh Tường chỉ hành nghề luật sư để bảo vệ cho các thân chủ của mình, trong những cuộc đấu tranh pháp lý, bảo vệ lợi ích của quốc gia và dân tộc.
Năm 1946, ông được tham dự cuộc Hội nghị Đà Lạt đấu tranh bảo vệ chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam trước mưu đồ trở lại xâm lăng của chủ nghĩa thực dân Pháp. Những năm về sau, ông giảng dạy Đại học, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Nguyễn Mạnh Tường là tác giả của nhiều cuốn sách khảo cứu về văn hóa phương Tây và nền giáo dục dân tộc.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng đánh giá về con người này: "Trọn vẹn cuộc đời Nguyễn Mạnh Tường là “một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam”.
 
Theo tạp chí Xưa và nay, số 286, tháng 6/2007
Ghi chú: Để tiện cho việc theo dõi của độc giả, BBT đã chia đoạn trích thành nhiều phần nhỏ. Các tiêu đề phụ là do tòa soạn đặt, không phải của luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét