Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Nga sẽ đưa quân can thiệp vào Ukraina?

Nga sẽ đưa quân can thiệp vào Ukraina?

Những chính biến tại Ukraina trong mấy ngày qua đang đẩy quốc gia này vào nguy cơ tan rã. Có ý kiến cho rằng Nga sẽ đưa quân sang Ukraina để bảo vệ những lợi ích kinh tế và địa chính trị của mình.
 

Tổng thống Urkaina Yanukovich tuyên bố không từ chức
Tổng thống Urkaina Yanukovich tuyên bố không từ chức
Ngày 22/2, sau khi quyết định trả tự do ngay lập tức cho nhà đối lập Timochenko, Quốc hội Ukraina đã thông qua nghị quyết về việc truất phế Tổng thống Yanukovych và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn vào ngày 25/5 tới.
Tuy nhiên, tại thành phố Kharkov, ông Yanukovych, đắc cử tổng thống năm 2010 và trên nguyên tắc đến tháng 3/2015 mới hết nhiệm kỳ, tuyên bố là ông không hề có ý định từ chức, đồng thời lên án điều ông gọi là “một cuộc đảo chính”. Hiện giờ không ai rõ hành tung của Tổng thống Yanukovych. Một số nguồn tin cho biết ông Yanukovych đang lẩn trốn trong vùng Donetsk, quê hương và cũng là một trong những thành trì của phe ủng hộ ông.
Hôm 23/2, Quốc hội Urkaina bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ định chủ tịch Quốc hội Olexandre Tourchinov làm Tổng thống lâm thời, chiếu theo quy định của Hiến pháp. Theo thông báo của ông Tourchinov, trong ngày mai 25/2, các dân biểu Quốc hội phải thành lập một chính phủ mới.
Trong khi đó tại Kharkov, lãnh đạo những vùng ở miền Đông (ủng hộ Tổng thống Yanukovych) đã không nhìn nhận “tính chính đáng” của Quốc hội Ukraina, mà theo họ, cơ quan này đã bị phương Tây thâu tóm. Họ cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina đang bị đe dọa. Quốc gia có 46 triệu dân này cho tới nay vẫn bị phân làm hai, một bên là miền Đông, với dân nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số, và bên kia là miền Tây, với dân nói tiếng Ukraina và theo phương Tây.
Như vậy, kịch bản tiếp theo tại Ukraina có thể sẽ là hai chính phủ tồn tại song song. Chính phủ thân phương Tây sẽ đóng tại Kiev, còn của ông Yanukovych sẽ được thành lập tại Kharkov.
Đây là điều gây bất ngờ cho Nga và phương Tây. Nga hôm 22-2 cáo buộc phe đối lập Ukraina “đã không thực hiện một nghĩa vụ nào” trong thỏa thuận ký hôm 21-2 với Tổng thống Yanukovych và tố cáo những người mà họ gọi là “thành phần cực đoan vũ trang và những kẻ cướp phá đang đe dọa trực tiếp toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.
Mặc dù Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý qua cuộc điện đàm hôm 21-2 rằng một sự ổn định chính trị ở Kiev sẽ bảo đảm sự thống nhất đất nước và tự do cá nhân. Tuy nhiên, trong chương trình “Meet the Press” của đài NBC (Mỹ), bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, nói rằng, Nga sẽ “sai lầm nghiêm trọng” nếu đem quân can thiệp vào Ukraina.
Sở dĩ có suy nghĩ về khả năng Nga sẽ đem quân bảo vệ chính quyền Tổng thống Yanukovych là vì chính quyền này đảm bảo cho những quyền lợi kinh tế và địa chính trị của Nga tại Ukraina. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin chắc chắn không vui vẻ gì trước viễn cảnh phải lao vào một cuộc đấu đá với phương Tây để tranh giành Ukraina. Ông Andrew Weiss, chuyên gia cố vấn chính sách phụ trách khu vực Nga và Đông Âu dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush cho rằng Nga không hề muốn một kịch bản ở Nam Tư lặp lại. Ông Weiss nói: “Nhiều chính trị gia Mỹ và phương Tây cho rằng ông Putin đã đạo diễn tất cả mọi thứ ở Ukraina. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng Nga cũng cảm thấy sợ hãi không kém Mỹ và châu Âu trước những gì đang diễn ra ở Ukraina”.
Một vấn đề khác mà Ukraina dù theo bất cứ phe nào cũng phải giải quyết. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế. Ukraina hiện cần ít nhất 10 tỉ USD để tránh phá sản. Nợ công của Ukraina là gần 180% GDP và dự trữ ngoại tệ chỉ còn đủ cho hai tháng rưỡi nhập khẩu. Trong khi đó, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - một chủ nợ của Kiev - từ chối giải ngân số tiền 11,8 tỷ USD dự kiến cho Ukraina, với lý do Kiev tăng lương cho viên chức, giữ giá đồng tiền quá cao và không tạo thuận lợi cho kinh doanh. Bị IMF lắc đầu, Ukraina gõ cửa Liên minh châu Âu. Nhưng khối này chỉ hứa hẹn những khoản trợ giúp nhỏ bé đi kèm với cả tá điều kiện vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Ukraina không thuộc khối EU nên không được hưởng những qui chế cấp cứu của các thành viên. Kiev chỉ ký hiệp ước liên kết với EU. Thứ nữa, các thành viên EU lúc này cũng chia rẽ về khả năng cứu trợ Ukraina, nhiều nước giàu có thì đồng ý nhưng một số thành viên còn đang khủng hoảng nợ chẳng kém gì Ukraina thì nhất mực từ chối.
Trong tình thế cấp bách này, Ukraina cầu cứu Nga. Trái ngược với những điều kiện hà khắc đi kèm với những khoản vay “hà tiện” của EU, Nga sẵn sàng cấp cho chính phủ Kiev 15 tỷ USD vô điều kiện, đồng thời cũng cho biết sẽ giảm giá bán khí đốt cho Kiev. Đây là lúc Ukraina từ chối ký một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu và thay vào đó đã quyết định thắt chặt quan hệ với Nga. Chính điều này mới dẫn tới sự phản kháng của phe đối lập thân châu Âu và những gì tiếp theo chúng ta đã được chứng kiến trong suốt ba tháng rưỡi qua.
Như vậy rõ ràng cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua tại Ukraina không bắt nguồn từ nguyên nhân chính trị mà là kinh tế. Giờ đây, việc phe đối lập thâu tóm quốc hội, phế truất tổng thống và kêu gọi bầu cử sớm dường như chỉ là những giải pháp mang tính chính trị, tuyệt nhiên không đả động gì đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ra làm sao.
Trở lại gói cứu trợ của Nga, một ngày sau khi Tổng thống Yanukovych bị phế truất, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Nga Anton Siluanov ngày 23-2 cho biết, Nga sẽ xem xét về việc phân bổ đợt hỗ trợ tài chính tiếp theo cho Ukraina chỉ sau khi chính phủ mới được thành lập ở Kiev. Như vậy có thể hiểu là nếu chính phủ mới tại Ukraina quyết theo châu Âu thì những lời hứa của Mátxcơva về hỗ trợ tài chính cũng như giảm giá khí đốt dành cho Kiev khó mà giữ được. Đó là điều hiển nhiên.
Việc tách Ukraina ra khỏi sự phụ thuộc vào Nga dường như là điều không thể. Xu hướng kinh tế Ukraina ngày càng gắn chặt hơn với nhóm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, với xuất khẩu vào khu vực này tăng 36% trong 10 năm gần đây, trong khi xuất khẩu sang châu Âu giảm 25% trong cùng thời gian. Nước Nga chiếm đến 1/4 xuất khẩu của Ukraina, một loạt các ngành kinh tế chủ chốt của Ukraina sống nhờ đơn đặt hàng từ Nga. Nga rất hy vọng Ukraina chấp nhận gia nhập liên minh thuế quan cùng với Bielorussia và Kazakhstan, tiền thân của một Liên minh Âu-Á rộng lớn và hứa hẹn nhiều lợi ích cho Kiev.
Như vậy, nếu chính thể mới tại Ukraina quyết thân phương Tây, thì đồng nghĩa với việc quả bóng viện trợ cho Ukraina mà Nga đang giữ sẽ bị đá sang sân nhà của Mỹ và châu Âu. Mà xưa nay, “ăn tiền” của phương Tây không hề dễ nếu không chịu những sai bảo của họ. Xem ra, tương lai của Ukraina còn rất mờ mịt.
Theo H.Phan
Petrotimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét