Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Suy ngẫm từ clip cha dạy con xin lỗi

Suy ngẫm từ clip cha dạy con xin lỗi

Tiếc thay ở VN, từ khía cạnh đời sống hàng ngày cho đến đời sống chính trị ở VN, văn hóa xin lỗi dường như vẫn còn là "xa xỉ".
Văn hóa xin lỗi
Thời gian gần đây, báo chí và đông đảo cư dân mạng Việt Nam cùng chia sẻ clip có tên Cha dạy con cách xin lỗi của một ông bố người Mỹ. Đoạn clip ngắn, nhưng lại chứa đựng một giá trị nhân văn dài, và về mặt tác động đến cộng đồng, như tiêu đề của các bài báo - khiến "hàng triệu trái tim rơi lệ".
Dấu ấn lớn nhất chính là cách ông bố Mỹ dạy con biết nói lời xin lỗi một cách kiên nhẫn và hiền từ, mặc cho có những lựa chọn đơn giản hơn như"ông hãy tát vào mặt nó", "ông hãy vả vào mồm nó", "nếu nó không xin lỗi ông hãy giật tóc nó" như nhiều người sẽ chọn. Nhưng giá trị của đoạn clip truyền tải không chỉ dừng lại ở tấm lòng của người cha. Mà còn gợi mở ra bao nhiều cảm xúc, suy nghĩ và so sánh dưới hệ quy chiếu của người Việt, xã hội Việt.
clip cha dạy con xin lỗi, cơ quan công quyền, quan chức, văn hóa xin lỗi, từ chức
Clip Cha dạy con xin lỗi được chia sẻ rất nhiều. Ảnh cắt từ clip
Văn hóa xin lỗi vốn là một trong những nền tảng của mọi nền văn hóa, là một trong những nguyên tắc tối thiểu mà những đứa trẻ được răn dạy ngay từ đầu đời. Bởi thế, xin lỗi vốn là điều chẳng có gì xa lạ với cuộc sống con người. Đặc biệt đối với một số quốc gia, văn hóa xin lỗi thậm chí gắn liền với đặc trưng của đức tính dân tộc.
Xin lỗi vốn không chỉ dành riêng cho việc vớt vát lỗi lầm, mà hơn thế nữa, nó còn là quy tắc lịch sự trong giao tiếp, ứng xử, cách sống. Không ít trường hợp, xin lỗi ngay cả khi không có lỗi chẳng làm cho bản thân nhỏ bé đi, mà còn khiến người khác tôn trọng mình hơn.
Đặc biệt trong hành xử của công quyền, việc xin lỗi người dân của quan chức được xem như một thước đo quan trọng để xác định một nền hành chính có văn hóa. Chẳng hạn, Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho thước đo ấy, với hình ảnh tổng thống Lee Myung-bak, rồi đến Park Geun Hyeluôn thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm của hệ thống hành chính và cá nhân bằng hành động cúi rạp người xin lỗi nhân dân. Cho dù có khi là vì những sự việc bất khả kháng như chuỗi bê bối của người anh trai tổng thống (2012), cắt giảm phúc lợi do gánh nặng ngân sách (2013), v.v... Hoặc chủ động nhận lỗi về trách nhiệm quản lý dù không trực tiếp liên đới, như vụ một bé gái 7 tuổi bị bắt cóc và cưỡng hiếp gây rúng động xã hội nước này (2013) hay bê bối liên quan đến ba nhân viên tình báo quốc gia tạo chứng cứ giả (2014), v.v...
Sự ngay thẳng và có trách nhiệm này luôn được đánh giá cao từ phía xã hội, người dân và trở thành biểu trưng của văn minh công quyền.
Lỗi không phải tại tôi
Tiếc thay ở VN, từ khía cạnh đời sống hàng ngày cho đến đời sống chính trị ở VN, văn hóa xin lỗi dường như vẫn còn là "xa xỉ".
Trong đời sống, từ tham gia giao thông, học tập, ăn uống hay thậm chí trong quan hệ gia đình, nội tộc, lời xin lỗi vẫn chưa thực sự thường xuyên. Điều đó không đồng nghĩa với việc người Việt ta sống với nhau chan hòa, ít xảy ra điều đáng tiếc, mà căn nguyên ở chỗ câu xin lỗi hay lời cảm ơn vẫn chưa thành cửa miệng.
Chẳng hạn ở Hà Nội - thủ đô cả nước, va chạm trong tham gia giao thông đa phần được giải quyết bằng nắm đấm hoặc ít ra là... "võ mồm". Bởi lẽ chẳng ai đủ tỉnh táo để nói xin lỗi hoặc giả có xin lỗi cũng không có trọng lượng gì.
clip cha dạy con xin lỗi, cơ quan công quyền, quan chức, văn hóa xin lỗi, từ chức
Hình ảnh cúi đầu xin lỗi của bà Park Geun Hye
Dần dà, sự thờ ơ hay chối bỏ lỗi lầm ngấm vào tâm lý và thành một bản năng. Người ta lý giải điều này do nhịp sống quá vội vã, dẫn đến chẳng ai bận tâm đến chuyện làm vừa lòng người khác.
Nhưng có lẽ không phải, bởi ở những quốc gia Tây Âu hay Đông Bắc Á, cuộc sống của họ đâu có chậm. Vậy căn nguyên phải chăng nằm ở cách dạy con của người Việt?
Rõ ràng có sự khác biệt giữa các phụ huynh Việt Nam so với ông bố người Mỹ kia trong việc giáo dục con cái về nhận lỗi và nói lời xin lỗi.
Chẳng hạn, trong nhiều gia đình Việt, trẻ được bảo hộ trong một tâm lý là chúng luôn đúng. Chúng có thể va chạm bất kỳ nơi đâu hay đồ vật gì. Bởi sau đó, chỉ cần chúng khóc thét lên là các bà, các mẹ sẽ giả vờ đánh vào thứ mà chúng vừa mới đụng vào như một sự bắt đền. Và rồi khi lớn lên, chúng ghi nhớ những thứ ấy như một thói quen khó bỏ, rằng mình luôn đúng, mà đã đúng thì không cần phải xin lỗi.
Trong khi đó ở đời sống công quyền, lời xin lỗi từ phía những người đại diện quyền lực nhà nước đối với dân lại càng quả thật "xưa nay hiếm". Đơn giản từ những cửa thủ tục hành chính, thật khó khăn để nhìn thấy một nụ cười hay nghe được lời xin lỗi từ các công chức ở đó.
Ở tầm vĩ mô hơn cũng tương tự. Từ chuyện tàu "đắm" Vinashin ngốn biết bao tiền, hay vụ oan sai 10 năm tù ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ mua "sắt vụn" tiền triệu đô, đến khủng hoảng tiêm vắcxin, dịch sởi... chẳng thấy ai xin lỗi.
Người ta mặc nhiên tự cho rằng mình không có trách nhiệm phải làm điều đó, vì chẳng ai ép buộc được họ, ngay cả văn hóa hành chính hay đạo đức công vụ. Thay vào đó là những biện giải ngô nghê "không hiểu sao lại thế", "chỉ là sự tính toán nhầm" hay khăng khăng "đúng quy trình", "đúng chính sách" hay "lỗi tại dân".
Quan chức đùn đẩy nhau trách nhiệm nhận lỗi và xin lỗi, còn người dân thì mong mỏi điều đó như một hy vọng hiếm hoi cho sự cứu vãn những niềm tin đang dần mất với chính quyền. Ngày ngày đọc về chuyện "quan người" cúi đầu mà ngậm ngùi mơ về một ngày một số "quan ta" thôi ưỡn ngực, nhún vai.
Giá như những vị quan ấy từng được dạy cách xin lỗi và ghi nhớ nó ngang với ghi nhớ những phép luồn lách "cong mềm mại" thì mọi chuyện có thể sẽ khác. Điều này quả thật là một nguy cơ rất lớn, bởi lẽ khi các quan chức không ý thức được lỗi lầm từ những hành vi sai trái, thì nguy cơ tha hóa quyền lực sẽ hiện hữu. Và tệ hại hơn, khi họ quản lý, điều hành bằng một khuôn mặt dày và tâm hồn không biết xấu hổ, thì hệ quả là xã hội sẽ "noi gương" mà lờ đi lỗi lầm của mình.
Thói quen không xin lỗi ở đời sống thường ngày là hệ quả của sự giáo dục khiếm khuyết. Còn ở môi trường công quyền, chính sự thiếu hụt một cơ chế giám sát cũng như đòi hỏi trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước từ phía xã hội đã khiến việc xin lỗi trước dân không trở thành một thói quen và trách nhiệm đương nhiên.
Từ xin lỗi, nói như người bố trong clip trên, "là âm thanh thôi mà" và quả thật chỉ cần "đẩy hơi qua người", "lên tới mặt", "hình thành ở môi" và"nói thành lời" thì hai từ ấy thốt ra một cách đơn giản với bất cứ ai không có tật khiếm đàm. Ấy vậy mà, với một số quan chức, công chức sao xin lỗi lại khó nói ra đến vậy?
Phong Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét