Về chuyện này liệu Việt nam có "dám" học Trung quốc không, e rằng khó!
Khi các vụ tham nhũng ở Trung Quốc liên tiếp được phanh phui như một minh chứng cho quyết tâm của thế hệ lãnh đạo mới, người ta đặt ra câu hỏi rằng hiệu quả của chiến dịch này sẽ sâu rộng tới mức nào.
> Loạt quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng
|
Các quan chức Trung Quốc lần lượt bị vạch mặt vì tham nhũng và bê bối tình ái trong thời gian qua. Ảnh: Xinhua |
Người dân Trung Quốc vốn khá quen thuộc với câu chuyện các quan chức nhận hối lộ, sở hữu những căn hộ cao cấp, đeo đồng hồ Thụy Sĩ trị giá 30.000 USD, hay nhiều tiền đến mức sẵn sàng mua cho bồ nhí chiếc xe thể thao Porsche đắt tiền.
Tuy nhiên khi hình ảnh một quan chức ở miền tây nam Trung Quốc có quan hệ với cô gái trẻ mới 18 tuổi bị tung lên mạng Internet tháng trước, ngay cả những người bàng quan nhất cũng phải chú ý và vị quan chức này bị Ủy ban Kỷ luật của đảng cách chức.
Thời gian này là thời điểm nhiều quan chức từng ăn hối lộ, tham nhũng và gian lận hết sức lo lắng. Kể từ khi quan chức địa phương Lôi Chính Phú (Lei Zhengfu) trở thành nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ, một loạt những người khác cũng bị công bố có những hành vi không đúng đắn. Mặc dù họ luôn nói mình vô tội nhưng đa số đã bị cách chức trong khi cơ quan kỷ luật tiến hành điều tra những sự việc bên trong phòng ngủ và bên trong những tài khoản ngân hàng của họ.
Kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc có thế hệ lãnh đạo mới, trong những tuần qua, truyền thông nước này liên tục đăng tải "bộ sưu tập" những vụ bê bối của các quan chức mới bị phanh phui.
Nội bật có các vụ phó chủ tịch quận ở tỉnh Sơn Tây có 4 vợ, 10 con, chủ tịch quận ở tỉnh Vân Nam nghiện ma túy và sở hữu 23 ngôi nhà, trong đó có 6 căn nhà ở Australia. Một quan chức khác ở Hồ Nam có khối tài sản 19 triệu USD không thể giải thích được nguồn gốc và từng tặng cho con gái mình 32.000 USD tiền mặt nhân ngày sinh nhật.
"Cơn bão chống tham nhũng đã bắt đầu", Nhân dân nhật báo, cơ quan truyền thông của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên trang web tháng này.
Cơn bão phát giác cho thấy các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể sẽ tiến hành những biện pháp mạnh tay hơn so với thế hệ trước để xử lý tệ bè phái, hối lộ và trụy lạc, làm ảnh hưởng đến uy tín của các tập đoàn nhà nước và chính quyền địa phương.
Những nỗ lực bắt đầu chỉ vài ngày sau khi ông Tập Cận Bình, tổng bí thư mới của đảng và chủ tịch tương lai của Trung Quốc, cảnh báo nạn tham nhũng có thể đe dọa sự tồn vong của đảng.
"Đã có sự thay đổi", Châu Thụy Phong (Zhu Ruifeng), một nhà báo ở Bắc Kinh, người đã công bố tài liệu về hàng trăm vụ tham nhũng trên trang web của mình, bao gồm vụ việc của Lôi Chính Phú, nói. "Trong quá khứ, khi một quan chức dính vào bê bối tình ái thì phải mất 10 ngày sau mới bị cách chức. Vụ việc của Lôi chỉ mất có 66 giờ".
Quan hệ bừa bãi của Tề Phóng (Qi Fang), giám đốc công an của một thành phố nhỏ ở miền tây Trung Quốc, cũng nổi bật về độ phóng túng. Tháng này, một đoạn băng lan truyền trên Internet hé lộ sự việc Tề có tình nhân là hai chị em gái. Hai chị em này được nhận vào làm ở cơ quan công an địa phương và ở tại căn hộ xây bằng vốn của nhà nước. Tề bị mất chức tuy đã một mực phủ nhận sự đồi trụy và cải chính chi tiết của câu chuyện mà đoạn băng đã nói sai, đó là hai chị em đó không phải là sinh đôi.
Tuy nhiên, trong tất cả các vụ bê bối được phanh phui trong thời gian qua, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để biết được liệu ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc có sẵn sàng phá bỏ mọi rào cản trong phong trào chống tham nhũng của đảng hay không.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng phần lớn các vụ bê bối được phát hiện bởi các nhà báo hoặc người dân vô danh, hay những đồng nghiệp bất mãn mà đăng ảnh và video bằng chứng lên Internet, buộc nhà chức trách phải điều tra. Mặt khác, các quan chức bị điều tra đều là các quan chức nhỏ.
Người quản lý một công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn ở Trung Quốc cho biết công cuộc chống tham nhũng rất có hiệu quả với những tố giác qua mạng Internet. Nhưng ông cũng cho biết dường như có một sự hiểu ngầm rằng không động đến các quan chức cấp cao.
"Hiện tại, đây hoàn toàn là những hành động tự phát, nhưng có thể sẽ thay đổi trong tương lai", vị giám đốc, từ chối nêu tên mình và tên công ty vì sự nhạy cảm về chính trị, nói.
Tháng này, La Xương Bình (Luo Changping), phó tổng biên tập tạp chí Caijing, tạp chí về tin tức doanh nghiệp, công bố trên blog của mình về những hợp đồng giao dịch bất chính của Lưu Thiết Nam (Liu Tienan), giám đốc Cục Năng lượng Quốc gia. Bài viết cũng buộc tội ông Lưu đã giả mạo bằng cấp và đe dọa giết nhân tình để bịt đầu mối.
Thông tin trên gây chấn động, cho thấy mục tiêu sắp tới sẽ là những quan chức cấp cao hơn. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì bài viết của ông La không bị xóa bởi bộ phận kiểm duyệt, trong khi ông Lưu phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình.
Châu Thụy Phong cũng rất ngạc nhiên khi thấy trang web đã không bị sờ đến cả tháng trời sau khi công bố bức ảnh Lôi Chính Phú và cô nhân tình trong phòng trọ 5 năm trước. Trước kia, ngày khi có những thông tin tương tự, trang web của anh thường bị chặn ngay và được cơ quan an ninh cảnh báo.
"Lần này tôi nhận được một cuộc gọi của cảnh sát Bắc Kinh nói rằng họ đã nhận được yêu cầu bảo vệ tôi", Châu nói vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Còn 4 video tố cáo nữa trong máy tính của mình, Châu hứa sẽ tiếp tục công bố khi xác định được nhân vật chính trong clip là ai.
Quyết tâm của đảng
Tân tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu chống tham nhũng trong cuộc họp với các thành viên Bộ Chính trị hồi tháng 11. Ảnh: AFP |
Nhiều người đã phân tích những phát biểu của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, lãnh đạo mới của cơ quan điều tra trung ương, điều tra các sai phạm của các thành viên trong đảng.
"Trong những năm trở lại đây, một số quốc gia gặp phải tình trạng những bức xúc tích tụ trong một thời gian dài khiến người dân phẫn nộ và phản đối kịch liệt, gây nên sự sụp đổ của chính quyền. Tham nhũng là một yếu tố quan trọng trong đó", ông Tập Cận Bình phát biểu trong diễn văn nhậm chức hôm 15/11.
Thậm chí có nhiều báo cáo cho rằng ông Vương đã kêu gọi các quan chức đọc tác phẩm "Chế độ cũ và Cách mạng" của Alexis de Tocqueville, một phân tích về sự buông thả của giới quý tộc Pháp vào thế kỷ 19, dẫn đến kết cục bên máy chém.
Gao Yi, giáo sư lịch sử tại Đại học Bắc Kinh, nói thông điệp của ông Vương rất rõ ràng: "Thất bại lớn nhất của chế độ cũ là sự tham lam của giới cầm quyền", Gao nói với tờ 21st Century Business Herald.
Lời cảnh báo tỏ ra có ít nhiều tác động trong hệ thống đảng. Những nhà môi giới bất động sản ở ít nhất hai tỉnh cho biết họ đang ngập giữa các yêu cầu bán tống tháo bất động sản của giới quan chức, tờ Oriental Morning Post cho hay.
Wang Baolin, một quan chức cấp thấp ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, có thể là một điển hình của văn hóa tham nhũng ở nước này. Bị "sờ gáy" vì có 3,3 triệu USD không rõ nguồn gốc, Wang tìm cách bào chữa cho bản thân và nói không có sự lựa chọn nào khác ngoài nhận hối lộ. "Nếu không nhận tiền thì tôi đắc tội với quá nhiều người".
Ông Tập Cận Bình không phải nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc tìm cách đối phó với nạn tham nhũng và trụy lạc của các quan chức. Người tiền nhiệm của ông Tập, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, từng gọi tham nhũng "là quả bom hẹn giờ trong xã hội".
Cựu thủ tướng Chu Dung Cơ cũng tuyên bố sẽ dành cả cuộc đời để đấu tranh chống lại tệ nạn này. "Tôi đã chuẩn bị 100 chiếc quan tài, 99 chiếc dành cho những kẻ tham nhũng, chỉ có chiếc cuối cùng là của tôi", ông nói khi mới nhậm chức năm 1998.
Tuy nhiên chống tham nhũng không phải là chuyện dễ dàng trong một môi trường đề cao chủ nghĩa thân hữu. Một doanh nhân có quan hệ với nhiều quan chức cấp cao nói họ không ngạc nhiên vì làn sóng cáo giác trên Internet. "Sự lãng phí và tham nhũng sẽ giảm xuống trong một thời gian. Nhưng sự thực là khi ông Hồ Cẩm Đào mới nhậm chức thì cũng như vậy và hãy nhìn xem mọi việc đã thay đổi ra sao sau khi ông ấy hết nhiệm kỳ".
Thật vậy, truyền thông nhà nước đã bắt đầu lưu ý và một nhà báo ở Bắc Kinh cho biết cơ quan tuyên truyền đã áp dụng một số giới hạn cho việc tiết lộ thông tin. Và các chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải làm những điều căn bản nhất để nhổ tận gốc tệ tham nhũng, đó là minh bạch, kiểm tra và giám sát chặt chẽ, tư pháp độc lập và tự do báo chí.
"Nếu không có các yếu tố trên thì chiến dịch chống tham nhũng mới chỉ dừng ở mức độ để tuyên truyền mà thôi", Li Xinde, người quản lý một trang web từng công bố nhiều quan chức tham nhũng, nói.
Vũ Hà (theo New York Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét