Theo định nghĩa thì “tự nguyện” có nghĩa là tự mình muốn làm, tự mình muốn như thế, không ai bắt buộc mình cả.
Lúc trước, “tự nguyện” ít dùng. Có một chút trang trọng trong chữ này nên chỉ dùng trong những trường hợp đặc biệt.
Thế nhưng sau này, “tự nguyện” được dùng rộng rãi cho mọi người trong mọi trường hợp nên nó chỉ mang nghĩa tự ý mà mất đi sự nghiêm trang trong chữ “nguyện”.
Tinh thần tự do cao tột độ. Quả thực ở đâu và lúc nào, khỏi cần ra lệnh mà ai nấy đều nhất tề “tự nguyện” cả.
Theo tin báo: Nguyễn Hoàng Việt giúp xe chở hàng quá tải qua cầu Nhị Kiều bằng cách đứng canh thanh tra giao thông và được ba mươi mốt tài xế “tạ ơn” hằng tháng với tổng số tiền trên 170 triệu đồng. Nếu lỡ bị phạt tạm giữ giấy phép lái xe thì Việt liên hệ với Nguyễn Quốc Thanh -Thanh tra giao thông thành phố Cần Thơ- để lấy giấy ra trước thời hạn. Khi bị bắt, Việt và Thanh bị kết tội môi giới hối lộ và nhận hối lộ. Riêng tiền “tạ ơn” là do tài xế “tự nguyện” đưa nên Việt không bị buộc tội. Rắc rối quá vì qua tay gián tiếp chứ đưa trực tiếp thì đơn giản hơn. Nói cho ngay, nhiều khi thanh tra giao thông cũng không đòi, chưa... đòi mà tại tài xế cứ “tự nguyện” đưa thì... cầm thôi.
Thời buổi này, tinh thần tự nguyện luôn luôn xuất hiện trong lĩnh vực giao thông, hải quan, thuế vụ...
Đi trên đường bộ, dễ “vi phạm giao thông” lắm. Muốn bắt lỗi thì cách nào cũng có lỗi. Cậu sinh viên cho biết:
- Em kẹp sẵn tờ bạc trong giấy xe. Bị thổi còi thì đưa giấy ra là đi ngay được. Khỏi bị hỏi han lôi thôi.
Bởi thế ra đường, trong túi bao giờ cũng thủ sẵn mấy tờ bạc trăm để dễ rút ra khi nghe tiếng còi. Thôi thì cứ tự nguyện như vậy để hai bên cùng có lợi. Em thì chỉ tốn năm chục phần trăm, đỡ giam xe, đỡ mất công đi tới văn phòng nộp phạt, anh thì giải quyết được bữa điểm tâm.
Cô nọ làm kế toán cho một công ty trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu. Không muốn sếp kỳ kèo, lại đỡ cực cho chính bản thân, cô để sẵn một lô phong bì trong túi xách để nhét một phong bì vào tập hồ sơ cho được nhanh nhảu, một phong bì khác vào tờ báo cho khỏi mở niêm phong hàng... Toàn “tự nguyện” đưa cả thôi.
Người đi làm nếu ký hợp đồng dài hạn thì được chủ mua hoặc góp một phần thẻ bảo hiểm y tế. Còn thường dân tự bỏ tiền ra ngoài phường ghi tên, đóng tiền mua thì loại thẻ này được gọi là “bảo hiểm y tế tự nguyện” để phân biệt với “bảo hiểm y tế bắt buộc”. Dù sao cũng chỉ là một cách gọi. Cái đám “tự nguyện” này thường hiếm khi tự giác. Bình thường chẳng ai thèm nhớ tới bảo hiểm làm chi, chỉ khi đau nặng mới vội vã đi mua. Sau khi ghi tên thì một tháng sau được cấp thẻ. Đó là một trong những kẽ hở cạnh nguyên nhân kê khống thuốc khiến quỹ bảo hiểm y tế lúc nào cũng kêu sắp vỡ.
Nặng nhất là các khoản tiền “tự nguyện” mà phụ huynh học sinh phải đóng vào đầu năm học, nhất là học sinh mầm non, tiểu học. Ngoài chính thức buộc phải đóng là học phí, tiền “cơ sở vật chất”... thì còn vô số thứ không nằm trong danh mục nhưng được ấn định rõ ràng: tiền mua hoa thật trồng ngoài sân, chùm hoa giả treo trên tường, mua quạt máy, ghế nhựa... Trường xịn thì khoản tự nguyện mua thêm máy lạnh, máy chiếu, gắn máy lạnh... Cộng thêm quỹ thanh niên, quỹ giúp người nghèo... Những thứ này danh xưng vẫn thuộc “tự nguyện” tức là không bắt buộc, đóng hay không tùy lòng hảo tâm. Nhưng trong thực tế, phụ huynh cong lưng đóng không thiếu món nào, “đại gia” đóng góp nhiều hơn càng hoan hô. Con cái của các ông bà này sẽ được chăm sóc nhiều hơn.
Bởi vậy không ưa khoản “tự nguyện” này chút nào nhưng ngại con cái bị “đì”, phụ huynh đều ép lòng đóng đầy đủ không dám kêu ca.
Một ông phụ huynh nói:
- Nhà trường kêu bao nhiều thì đóng bấy nhiêu, tôi cũng chẳng cần biết đó là những khoản nào. Biết vô lý đến đâu vẫn phải đóng đủ. Nếu muốn kêu ca thì đi trường khác học. Nhưng chẳng trường nào muốn nhận học sinh có phụ huynh ưa thắc mắc đâu.
Hơn nữa, nhà trường không đứng ra thu mà bao giờ cũng dưới danh nghĩa Ban đại diện Cha mẹ Học sinh. Ban này sau khi gặp gỡ Ban Giám hiệu sẽ thông báo cho phụ huynh và từng người răm rắp đóng tiền. Nếu có điều tiếng thì Ban Giám hiệu sẽ trả lời đó là phụ huynh tự nguyện đóng tiền và là chuyện giữa phụ huynh với nhau, Ban Giám hiệu không liên can.
Trong giáo dục có nhiều việc tự nguyện. Ngoài các khoản tiền chóng mặt thì còn những kiểu tự nguyện khác. Nhà trẻ mở lớp ngoại ngữ buổi chiều, cũng không bắt buộc nhưng hầu hết phụ huynh đều nên đóng tiền cho con học. Lớp Anh văn chiếm gian phòng chính ca hát líu lo. Giờ học bị cắt cho lớp ngoại ngữ nên những bé không học sẽ bị lùa qua gian phòng trống nhỏ bên cạnh, túm tụm lại một đám ngồi dưới đất thèm khát lấp ló nhìn sang lớp Anh văn. Một số bé chịu không nổi, xin cha mẹ cho học Anh văn mặc dù cả năm cũng chỉ bập bẹ Hè-lô tí-chờ, Hào a dú... Phụ huynh nào không đóng tiền học đâu có biết con mình nguyên buổi chiều thui thủi trong gian phòng trống.
Ở trường hợp khác, sự tự nguyện rõ ràng hơn.
Một trường tiểu học ở Hà Nội liên kết với trung tâm ngoại ngữ để mở lớp Anh văn học thêm cho lớp Một với giá ba triệu cho một học kỳ không kể giáo trình. Sau một thời gian, dù không muốn học nữa nhưng phụ huynh vẫn phải tự nguyện theo đuổi nếu không muốn con mình bị đổi lớp gây nhiều xáo trộn. Lên lớp Ba mặc dù học sinh bắt đầu phải học Anh văn giờ chính thức nhưng vẫn không thể bỏ lớp “tự nguyện” vẫn với lý do như cũ. Một lớp Anh văn tới hơn năm chục em học mỗi buổi 45 phút, hai buổi một tuần thì làm sao có kết quả tốt được. Các lớp có giờ ngoại ngữ “tự nguyện” này đều là lớp “Chọn”, lớp Quốc tế... vất vả lắm mới xin vào được nên không phụ huynh nào dám bỏ, đành bấm bụng “tự nguyện” theo. Chắc chắn nhà trường ăn hoa hồng khá cao của trung tâm ngoại ngữ nên mới có kiểu làm khó, bắt buộc “tự nguyện” này. Với lại phụ huynh tự nguyện học thêm chứ không phải chương trình chính thức nên Phòng Giáo dục không xen vào, đã tự nguyện thì còn kiện cáo gì nữa.
Mới đây, một băng nhóm từ miền Bắc vào làm trùm ở công viên Gia Định bắt dân buôn bán rong quanh công viên phải đóng tiền hằng tháng hay hằng ngày. Cảnh sát kêu gọi người dân tố cáo, làm nhân chứng. Tên cầm đầu vẫn thong dong vì đâu có ai dám ló mặt ra trình báo. Cảnh sát tới rồi đi, đầu trâu mặt ngựa còn nguyên đó. Truy ra chắc chắn đám dân hàng rong khai... tự nguyện nộp tiền.
“Tự nguyện” xem chừng khoác lên chiếc áo chữ nghĩa mông lung để sự thật không bị phơi bày ra vẻ trần trụi. Số đông “tự nguyện” mà mình không tự nguyện, lại khác người, không giống ai thì khó mà... yên thân!
Vào nằm bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân thường phải tự nguyện biết điều. Cao từ bác sĩ xuống đến y tá, tạp vụ. Tự nguyện mau mắn đưa phong bì để được xếp mổ sớm, bác sĩ giỏi. Mổ xong tự nguyện đưa phong bì tiếp để tỏ lòng nhớ ơn bác sĩ tốn nhiều công sức, tự nguyện với y tá để cô ra vô dòm chừng bình nước biển, để chích không đau, với bà lao công để bà thay drap mỗi ngày... Mấy thứ đó đừng để ai nhắc nhở mà tốt hơn hết bệnh nhân phải tự nhớ. Nếu không tự nguyện thì việc chữa bệnh cũng như mọi thứ khác khó mà trôi chảy, trót lọt được. Thôi thì thông cảm bác sĩ học hành cực khổ bao nhiêu năm mới ra hành nghề với đồng lương chết đói cũng phải giúp đỡ, thông cảm với nhau một chút chứ. Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ, thợ mộc ăn cây... Bác sĩ, y tá, lao công... làm việc trong bệnh viện mà không ăn bệnh nhân thì thử hỏi sống bằng gì?
Người đi làm cũng nhiều nỗi khổ tâm khi cứ bị kêu gọi lòng tự nguyện. Quanh năm suốt tháng luôn có các việc đòi hỏi tự nguyện đóng góp, chứ không bắt buộc đâu nha.
Một chị nhân viên văn phòng kể:
- Các dịp lễ tết: Tết ta, Trung thu, ngày Phụ nữ..., mọi người đóng góp mua quà biếu sếp, cả sinh nhật bà sếp, mẹ chồng sếp mất, con trai sếp du học... đều quà tặng đầy đủ. Dĩ nhiên toàn tự nguyện cả!
Chị khác thêm vào:
- Đóng góp vào bão lụt miền Trung, trẻ em miền quê, quỹ đền ơn đáp nghĩa... ở sở làm, ở phường xã... là bắt buộc tự nguyện. Chúng tôi tự quyên góp, mua quà, tự đóng gói, thuê xe đến tận nơi phân phát mới tự nguyện thực sự.
Thật ra, tự nguyện cũng nhiều điều khó xử chứ không đơn giản.
Nhiều ông bà có chức quyền khi bị quy tội tham nhũng đều kêu oan: người ta tự nhiên khiêng chậu cây cảnh bạc tỷ tới sân nhà, thấy con của... bạn mình sắp đi du học thì có người tự nguyện mang cái máy ảnh đến tặng, đối tác tự nguyện mua tour bắt mình đi du lịch nước ngoài... Thiên hạ tự nguyện mang quà đến ép lấy chứ mình đâu có đòi ai... tự nguyện.
Cứ lên án tự nguyện thì cũng oan uổng cho chữ này quá.
Đó là trường hợp những gia đình có con gái bị cuốn theo làn sóng lấy chồng ngoại quốc. Thoạt tiên lấy chồng Đài Loan, Singapore rồi lan sang Đại Hàn, cả Mã Lai... Lúc đầu, đám cò mồi phải bỏ tiền mua chuộc dụ dỗ các cô gái nhưng nay thì ngược lại, các cô phải đóng tiền ra cho đám cò để được lọt vào vòng sơ tuyển. Hàng trăm thiếu nữ tụ tập cho đàn ông ngoại quốc đến xem mặt, bị bố ráp quá nên bây giờ sự chọn lựa thay đổi, các cô chuyển qua ra nước ngoài. Nếu không được chọn thì cô gái sẽ nợ tiền vé máy bay, ăn uống... Gia đình nghèo lắm nên mới dấn thân vào con đường này, chưa thấy chồng đâu lại nợ nần thêm thì cách nào trả được. Đành mặc kệ cò muốn làm sao thì làm.
Làn sóng lấy chồng ngoại lan tràn mạnh mẽ cả hai miền Bắc Nam. Cô này lấy chồng già yếu, tàn tật, cô khác lấy chồng vũ phu... Một số cô thoát thân ôm đứa con lai về Việt Nam sống lây lất vì cả hai mẹ con không có giấy tờ tùy thân. Nhà nước không nhìn tới vì chuyện này do các cô tự nguyện thì các cô tự chịu đựng, tự giải quyết thôi.
Rất lạ là những hậu quả tệ hại rành rành ra đó mà làn sóng lấy chồng ngoại không hề giảm. Dĩ nhiên ở những nơi đó, đàn ông vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục nên người ta vẫn vay mượn tứ tung để tự nguyện lao vào những cuộc hôn nhân đầy bất trắc với lý do trừ đi tỷ lệ rủi ro thì tính ra vẫn đỡ hơn lấy chồng ở Việt Nam!!!
Đã tự nguyện thì đâu có thở than gì nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét