Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

NÓ VÌ CÁI GHẾ, ĐÂU VÌ NHÂN DÂN !


NÓ VÌ CÁI GHẾ, ĐÂU VÌ NHÂN DÂN !


* Tô Văn Trường

         BVB - Nhớ lại cách đây gần chục năm, tôi giữ chức Viện trưởng kiêm bí thứ đảng ủy Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (ủy viên đảng bộ khối) trong Hội nghị đảng bộ Khối nông nghiệp phát triển nông thôn ở các tỉnh phái Nam, tôi được bầu trong thành phần chủ tịch đoàn (sau đó được bầu đi  dự đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh).
              Tại Hội nghị của đảng bộ khối nói trên,  Thứ trưởng thường trực Nguyễn Văn Đẳng Ủy viên trung ương Đảng đến phát biểu chỉ đạo , rồi ngay sau đó rời hội nghị. Khi điều hành các đại biểu tham luận, với tư cách thành viên chủ tịch đoàn tôi thẳng thắn phê phán Thứ trướng Nguyễn Văn Đẳng ngay trên Hội trường đại ý như sau:
           "Hội nghị cần đồng chí Thứ trưởng thay mặt Ban cán sự Đảng đến lắng nghe các ý kiến phản hồi từ các cơ sở Đảng, chứ không cần đồng chí đến đọc bài diễn văn soạn sẵn rồi bỏ đi giữa chừng như thế!" vv...
           Ngay sau đó chừng 30 phút chắc có người mách lại, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đẳng gọi điện cho tôi thanh minh :"Do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cử đi công tác ra Ninh Thuận nên phải đi đột xuất thông cảm nhé". Tuy thân với Anh Đẳng nhưng không vì tình bằng hữu mà bỏ qua những hành vi phản cảm nói trên. 
           Tôi vẫn nhớ khi kết thúc cuộc họp buổi trưa hôm đó, Anh Hai Nhựt (Lê Thanh Hải) đến bàn chủ tịch đoàn Hội nghị  nói với tôi "Chiều nay, tôi có cuộc họp khác ở Thành ủy xin vắng mặt". Là đại biểu của thành ủy đến dự suốt nửa ngày cũng là tốt lắm rồi, khi về có lý do chính đáng chẳng ai trách. 
            Căn bệnh “học giả bằng thật, không học mà có băng...dịch vụ”, “trốn họp và lười vỗ tay" lan truyền như dich hạch do cán bộ lãnh đạo không gương mẫu. Xin gửi các anh chị và các bạn bài viết "Nó vì cái ghế đâu vì nhân dân" để tham khảo.
        Sau thời gian dài chuẩn bị, ngày 8 tháng 3 vừa qua, Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức Hội nghị toàn quốc tại Hà Nội để triển khai chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020.
         Khoa học và công nghệ (KHCN) là những lĩnh vực sáng tạo nên đòi hỏi ngoài vốn còn là tự do tư tưởng với lối nghĩ đa chiều, phản biện, khách quan phi chính trị và phe nhóm lợi ích. KHCN trong thể toàn trị cũng có thể phát triển nếu nó phục vụ những mục tiêu chính trị của tập đoàn cầm quyền nên sẽ lệch lạc và không thể có nền tảng nhân văn và chứa nhiều rủi ro do phụ thuộc ý chí chủ quan một nhóm người
           Trong thế giới phẳng, xu thế toàn cầu hóa, với những thời cơ và thách thức, tất cả các quốc gia đã trở thành “con Rồng” đều phải dựa vào khoa học & công nghệ  và chính sách quản trị đúng đắn, hợp lý được lòng dân. Nước ta làm sao có thể trở thành “con Rồng” khi mà văn hóa thứ bậc  (hierarchy culture) đang khống chế toàn bộ tư duy sáng tạo của con người. Chỉ khi nào văn hóa thích ứng (adhocracy culture) tạo cảm hứng và trao quyền cho sáng tạo, trân trọng các nhà khoa học, công nhận khoa học phải từ những công trình nghiên cứu được thế giới công nhận, ứng dụng hiệu quả trong đời sống thì mới mơ trở thành con Rồng.
        Nhìn ra các nước, ở Mỹ mỗi năm đầu tư hơn 400 tỷ đô la cho nghiên cứu KHCN, hơn 1,4 triệu người tham gia. Trung Quốc 178 tỷ đô la, Nhật Bản 140 tỷ đô. Ngay Hàn Quốc dân số chưa đầy 50 triệu người cũng đã đầu tư 53 tỷ đô gấp hơn 50 lần Việt Nam (đầu tư cho KHCN ở nước ta 2% ngân sách chưa đến 1 tỷ đô la). Ở Việt Nam KHCN là quốc sách hàng đầu chỉ là điệp ngữ sáo rỗng vì vậy phải thay đổi tư duy, nhận thức biến thành các hành động cụ thể. Ngay từ năm 1997 khi mới nhận chức Thủ tướng Phan Văn Khải nhận thấy giá trị của KHCN và người áp dụng trước hết phải là các doanh nhân cho nên đã tổ chức gặp mặt các doanh nhân và mời các nhà khoa học cùng tham dự. Ý tưởng của Thủ tướng thực tế bị thất bại vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là cả hệ thống chính trị chưa thực sự hưởng ứng vào cuộc!
          Để có được bản chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt theo quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 và  xây dựng Luật sửa đổi bổ sung về KHCN đã trình chờ Quốc hội xem xét phê duyệt là cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của Bộ KHCN.
           KHCN nước nhà muốn thành công phải đáp ứng được 5 yêu cầu cần thiết:
(1) Thay đổi tư duy nhận thức từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước đến các ngành, các cấp và các địa phương;
(2) Tăng cường nguồn lực của quốc gia cho KHCN;
(3) Phát huy vai trò “nhạc trưởng” của Bộ KHCN đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình;
(4) Sự vào cuộc của các doanh nghiệp, doanh nhân, trước hết là các doanh nghiệp của Nhà nước (11 tập đoàn và 90 Tổng công ty);
 (5) Các nhà khoa học phải biết vượt lên chính mình.
           Từ Hội nghị toàn quốc triển khai chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 có thể nói KHCN nước nhà còn nhiều gian nan. Đại biểu tham dự khá đông đủ nhưng vẫn vắng bóng lãnh đạo các bộ rất quan trọng như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, và Bộ Tài chính được các nhà khoa học xem như là cần thiết nhất phải thay đổi tư duy về quản lý KHCN. Thật khó hiểu, ngay cả Phó Thủ tướng phụ trách trực tiếp KHCN Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đến dự phát biểu chỉ đạo ít phút buổi sáng rồi cáo lỗi để chiều tối vào Nam làm việc với trường đại học nào đó!? Buổi chiều Hội nghị vắng khoảng 1/3 đại biểu kể cả một số thành viên của 2  “Viện Hàn lâm” quan trọng  mới được Nhà nước phong tặng!
            Khi còn đang giữ chức Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, tôi nhận được giấy mời của Bộ Nội vụ và báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam ra dự Hội nghị được coi rất quan trọng là cải cách hành chính quốc gia ở Hà Nội. Tôi có yêu cầu chỉ tham dự nếu được tham luận bài viết “Suy nghĩ về cách tiếp cận và lộ trình cải cách hệ thống chính trị Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc trong Ban tổ chức dũng cảm chấp nhận, chỉ tiếc là Hội nghị hôm ấy, ông Tô Huy Rứa sau khi phát biểu chỉ đạo ít phút, xin cáo lỗi vắng mặt vì bận đi họp Bộ Chính trị nên không nghe được các ý kiến tham luận của các đại biểu mang hơi thở cuộc sống vào  cơ chế chính sách của nhà nước. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh khen bài tham luận hay nhưng đụng chạm đến quan điểm “chuyên chính vô sản”!
            Người viết bài này bỗng nhớ ra có lần Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức Hội nghị “Chủ tịch Uy ban nhân dân các tỉnh thành lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn” bàn về hoạt động bảo vệ môi trường do Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. Khi phát biểu, ngoài góp ý về chuyên môn, tôi không quên phê bình không một tỉnh nào có  Chủ tịch Uy ban nhân dân  tham dự như đúng tên gọi của Hội nghị, thậm chí có 2 tỉnh không cử ai tham dự cho nên công tác bảo vệ môi trường cứ ì ạch mãi cũng không có gì lạ! Cứ nghĩ cảm giác thất vọng của người chủ trì cuộc họp hôm ấy, Anh Nguyễn Thiện Nhận thấm thía lắm nhưng tiếc thay cho đến nay ở cương vị cao hơn, Anh vẫn chưa “thuộc bài”!
Thiếu gì GS, TS, Cử nhân... vênh vang đi lòe thiên hạ, kiến thức lùn như nấm, đầu như con tép cũng chạy vạy mua cho kỳ được bằng này cấp kia, chẳng qua cũng chỉ vị cái ghế. Trốn họp và lười vỗ tay, không chỉ là biểu hiện thiếu văn hóa, ở khía cạnh nào đó còn cho thấy khoa học công nghệ nước nhà nếu không được sự quan tâm của các cấp, các ngành, thay đổi tận gốc về tư duy, ý thức hệ và phương pháp luận, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn thì đến 2020 nước ta chỉ có thể biến dạng từ con “chuột bạch” khốn cùng thành “con mèo” chung quy cũng chỉ vì cơ chế và cái ghế! 

Một nền khoa học chậm rì
Hỏi “ông cơ chế” xem vì cớ chi?
Cơ chế nhoẻn miệng cười khì
Nó vì cái ghế, đâu vì nhân dân!
TVT

Mời các Pác xem thêm bài này xem có đúng ko nhé !

Câu chuyện lịch sử : Xử ai? Ai xử?

Hồ Ngọc Nhuận

Vua Louis XVI của nước Pháp rất thích các loại máy móc, đặc biệt là mê sưu tập và sửa chữa các loại đồng hồ. Nhân dịp một hội đồng hoàng gia đang được triệu tập để nghiệm thu chiếc máy chém “la guillotine” do bác sĩ Guillotin vừa sáng chế, để ban phát một cái chết nhẹ nhàng và bình đẳng cho mọi tử tội, nhà vua muốn xem qua chiếc máy chém này.
Trong buổi trình bày bản vẽ cho nhà vua xem có mặt nhà sáng chế, bác sĩ Guillotin, nhà chế tác chiếc máy, ông Tobias Schmidt, bác sĩ Antoine Louis, bác sĩ riêng của nhà vua, đồng thời là Thư ký vĩnh viễn Hàn lâm Y học hoàng gia, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, và có cả ông Sanson, đao phủ chính của cuộc Đại Cách mạng Pháp.
Louis XVI, năm đó 37 tuổi, xuất hiện trong bộ đồ thường phục, nhưng ai cũng biết đó là vua. Ông lặng lẽ đến gần chiếc bàn để bản vẽ, trên có bày đầy đủ họa tiết từng bộ phận được ghi chú cẩn thận. Sau khi ngó qua một lượt, nhà vua hất hàm hỏi vị bác sĩ Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: “Ông thấy thế nào, ông Chủ tịch?”. Trước sự bày tỏ hài lòng của người đối thoại, nhà vua bèn chỉ vào một họa tiết và hỏi tiếp: “Lưỡi đao có hình lưỡi liềm này liệu có đúng cách không? Đường cong và độ cong của nó liệu có thích hợp với nhiều cỡ cổ khác nhau của các tử tội không? Có cổ không chừng nó chỉ chặt tới một phần nào đó, có cổ có thể nó lại không ôm trùm hết”.
Ông đao phủ Sanson có mặt không thể nào nén được, mà không đảo mắt liếc trộm chiếc cổ nhà vua, và nghĩ bụng: Chiếc đao cong này không thể nào liếm vào chiếc cổ đó được, nó bự quá.
Nhà vua cũng liếc nhanh qua Sanson, và hỏi nhỏ bác sĩ Chủ tịch: “Phải người đó không?”, và nói tiếp, khi được xác nhận: “Hãy hỏi ý kiến anh ta”. Sanson không cần chờ hỏi, đã nói ngay: “Ngài đây nói rất đúng. Hình cong của lưỡi đao có thể đưa đến một số trở ngại”. Với một nụ cười thích thú, nhà vua vói lấy một cây bút để gần đó, lẹ làng gạch một nét thẳng xéo lên đường cong của hình vẽ lưỡi đao máy chém. Và nói: “Dù sao tôi cũng có thể lầm. Khi nào đem ra thí nghiệm, nên thử với cả hai loại lưỡi…”.
Các cuộc thử nghiệm sau đó đã được tiến hành theo ý nhà vua. Với những con cừu sống và với những tử thi lấy từ các phòng thí nghiệm y học. Các con cừu sống đều chấp nhận cả hai lưỡi đao, không chê lưỡi nào. Nhưng con người, dù chết, chỉ chấp nhận lưỡi chém có đường thẳng xéo, không cong.
Cuộc trình bày bản vẽ chiếc máy chém “la guillotine” cho Vua Louis XVI xem, diễn ra ngày 2 tháng 3 năm 1792 tại điện Tuileris, theo lời kể của cháu nội ông Charles-Henri Sanson, đao phủ chính của cuộc Đại Cách mạng Pháp.
Và 11 tháng sau đó, vào ngày 21 tháng giêng năm 1793 vua Louis XVI đã bước lên đoạn đầu đài, đích thân thử nghiệm sáng chế của mình với chiếc cổ của mình. Mà không có ý kiến phê phán gì, sau đó.
Câu chuyện lịch sử này có gì lạ?
Như người ta thường nói, lịch sử thường lặp lại. Nếu có ai kể về một người bị tội hỏa thiêu tự tay tiếp củi và sắp xếp giàn hỏa cho chính mình thì chắc khó có ai tin. Nhưng chuyện một nhà vua tự tay phác họa lưỡi đao sẽ chặt lìa cổ mình là một chuyện lạ xưa nay chưa ai thấy, lại xảy ra thật. Nó có lặp lại không, cách này cách khác? Chưa nghe thấy ai kể tiếp một chuyện tương tự. Cuộc Đại Cách mạng Dân chủ Dân quyền cũng chỉ xảy ra có một lần vào năm 1789 ở Pháp. Nhưng từ 224 năm qua, trên khắp thế giới, liệu có ai nhớ hết có bao nhiêu cuộc “dân quyền na ná” lớn nhỏ đã diễn ra? Có khi do chính cỗ máy thừa hành đương quyền xúc tiến?
Đó là chuyện cũ.

Bây giờ là chuyện mới:
Hồi 19 giờ ngày 25/2 /2013 Chương trình Thời sự VTV1 đã đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, như sau: Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức… Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này”.
Xử lý cái này” là cái nào, cái gì?
Người dân “tham gia đi khiếu kiện… ký đơn tập thể” hay “kiến nghị”… thì nôm na cũng chỉ là theo đúng chế độ “xin cho” thôi. Hay cả “đi biểu tình” thì cũng chỉ là để “ hòa bình yêu cầu được trả lại” các quyền chính đáng của mình, các quyền tự do dân chủ căn bản của dân của nước từ lâu đã bị lấy mất mà sao lại phải bị xử ?
Xử ai? Ai xử?
Còn tội để mất Hoàng Sa, biển đảo, nhiều dặm biên giới, chủ quyền các loại… và nhiều tội tày đình khác, trong đó có các tội “nghẹn ngào” không thể nói ra, hay “nghẹn cổ” khó nói thì sao?
Ai xử? Xử ai?
Lịch sử thường lặp lại, cả những chuyện, những lúc, mà ít ai ngờ.Và chuyện mà nó thường lặp lại nhất là chuyện: “Ai xử? Xử ai?”. Để liên tục và mãi mãi làm sạch bộ mặt con người, dân tộc và cả nhân loại, khỏi các vết xấu xa của mọi thứ bất công áp bức.
Sài Gòn, 10-3-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét