Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Xem Đặng Nhật Minh mà suy ngẫm…


Xem Đng Nht Minh mà suy ngm…
18:45 | 05/01/2013
TÔ NHUẬN VỸ
Đêm xem phim Hà Nội mùa đông năm 46 vừa rồi là lần thứ 3 tôi xem phim này. Tôi không còn nhớ cảm xúc của tôi 2 lần xem trước. Nhưng lần này, không chỉ một lần nước mắt tôi trào ra. Tôi cầm máy gọi Đặng Nhật Minh: “Cảm ơn anh vô cùng. Vô cùng!”


Xem Đặng Nhật Minh mà suy ngẫm…
Cảnh trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" - Ảnh: internet
Tôi cũng không giấu anh rằng, anh đã khiến cái lão hơn bảy mươi đang khóc ròng đây. Có thể vận nước đang khiến tôi bồi hồi ao ước bậc Thánh nhân Hồ Chí Minh hiện về cùng đất nước. Nhưng tâm hồn và trí lực của Đặng Nhật Minh đã biến nỗi bồi hồi ao ước của tôi thành những dòng nước mắt.

Cảm ơn anh! - tôi cũng nhận ra sự xúc động của Đặng Nhật Minh - Nhưng anh nên nhớ rằng, tôi bây giờ là loại bị họ “cho ra rìa” bởi không ăn khách! Phải là loại ông H. ông D. luôn với hàng trăm, hàng ngàn em mắt xanh tóc đỏ kia!

Tôi đã vặc lại Minh, họ là ai? Và khách là ai? Chúng tôi có là khách không? Chúng tôi vừa xem Hà Nội mùa đông năm 46 toàn là anh chị em văn nghệ sĩ Huế mà anh quý mến, rồi cùng Ngô Minh và anh em Quảng Bình nghẹn ngào xem Thương nhớ đồng quê mới đó (có ngay tin nhắn của Ma Văn Kháng nhận xét rằng nhiều chi tiết độc đáo bậc thầy của nghề đạo diễn thế giới trong phim này) và nhóm cà phê của tôi, cũng toàn là trí thức đáng quý quần tụ nhau mỗi sáng bên bờ sông Hương, cũng mới xem và râm ran bàn tán Cô gái bên sông mới đây. Và cả bà xã tôi nữa, một thạc sĩ Vật lý dạy Đại học, đã chụp điện thoại gọi cảm ơn anh ngay khi vừa đọc xong truyện Bao giờ cho đến tháng Mười, truyện cuối cùng trong tập truyện Ngôi nhà xưa của anh vừa xuất bản… Chúng tôi có là khách không? Và cả ở Trung tâm William Joiner tại Boston và nhiều đại học Hoa Kỳ, tranh cổ động phim Đặng Nhật Minh và Trần Văn Thủy dán khắp nơi, những Kevin Bowen, Fred Marchant, Bruce Weigle, Nguyễn Bá Chung, Ngô Vĩnh Long, Hoàng Khởi Phong, Trương Hồng Sơn… có là khách không?

Nói vậy thôi, chứ tôi biết rằng, anh và những nốt nhạc sâu thẳm của anh đâu cần cả rừng khách tạo bão thổi, tạo gió giật, tạo ánh sáng chớp lóe, tạo âm thanh động đất. Không cần tất cả những thứ đó mà cả anh, cả tôi, dĩ nhiên trước hết cả Dương Thụ, và biết bao nhiêu người chiều 2/9/2012 vẫn rúng hết tâm can khi bài ca Sông Lô vang lên giữa Nhà hát lớn Hà Nội!

Vào một dịp Festival Huế… tại Nhà văn hóa Trung tâm thành phố, có đoàn nhạc giao hưởng Hà Nội biểu diễn dưới sự chỉ huy của một nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật Bản. Nhà hát chật cứng người và… chật cứng tiếng ồn. Nhạc trưởng đứng như bức tượng, đợi một sự yên lặng tuyệt đối, ông mới vung đũa. Nhưng bỗng có một tiếng dịch ghế, ông dừng phắt dàn nhạc, mặt nhăn nhúm đau khổ. Mấy phút sau ông vừa vung tay thì một cái hắt xì hơi, ông quay hẳn mặt ra phía khán giả, không hiểu sao lại nổ ra âm thanh gớm guốc đó. Lại mấy phút như mặc niệm. Đến lần thứ ba, dàn nhạc cũng mới chơi chưa đầy một nhịp, một tiếng chuông điện thoại rền vang như loạt đại liên, ông rời sân khấu.

Rõ ràng khó mà yêu cầu hàng ngàn khán thính giả chỉ quen động chân động tay, quen la hét đến ngất xỉu, khi đi nghe hát phải nén cả hơi thở mạnh để nghe cả một… khoảng lặng trong một bản giao hưởng. Vấn đề là đừng bỏ cua, cá vô một giỏ. Điều tôi rất lấy làm kỳ quái là việc lẽ ra phải làm mươi, mười lăm năm trước mà sao bây giờ mới thực hiện được. Đó là những phim “không ăn khách” như của Đặng Nhật Minh và một số đạo diễn tài năng khác của Việt Nam, bây giờ mới được chiếu vào giờ vàng là 21h30 Chủ nhật mỗi nửa đầu tháng? Nói “không ăn khách” là nói không chính xác. Phải nói là loại phim kén chọn khách. Số khách này không bao giờ là… đa số. Nhưng là tinh túy của văn hóa, của thưởng ngoạn. Chí ít cũng là số khách đáng cho Nhà nước tôn trọng. Tôi nhớ năm 1988, tôi tham gia một lớp học tại Viện Hàn lâm KHXH Liên Xô (AON), chuyên đề Đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ. Một bài học (tiêu cực) rút ra từ cải tổ là Liên xô trong lúc luôn nói và luôn viết phải ưu tiên văn hóa văn nghệ nhưng trong thực tế đầu tư cụ thể, luôn coi văn hóa văn nghệ là “đầu thừa đuôi thẹo”. Bài học nhãn tiền ấy sao lãnh đạo văn hóa mình học mãi không chịu thuộc!

*

Tôi xem lại Cô gái trên sông (trên phim và trên sách), lòng bồi hồi khó tả. Một phần tư thế kỷ đã qua. Bao thăng trầm nhưng Đặng Nhật Minh luôn luôn là Đặng Nhật Minh: lương thiện, trung thực. Giữ được điều đó phải khí phách. Dạo đó bạn bè tôi đóng các vai cho phim, như một chia xẻ đồng cảm (Võ Quê, Dương Đình Châu, Văn Thanh…). Minh cũng muốn kéo tôi đóng vai Tổng biên tập báo Hương Giang bởi anh cho biết vai này anh có dựa vào hoạt động của tôi lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương đang vào hồi... cao trào và cũng sắp đến đoạn phải “trả giá” cho khát khao đổi mới. Chúng tôi đồng cảm với nhau từ hồi ấy. Phải nói ngay từ 1988 mà Đặng Nhật Minh đã cảnh báo sự vô ơn, sự bạc nghĩa của những người vẫn tự xưng là cách mạng không chỉ là sự cảnh báo mà còn là sự nhạy cảm của tầm nhìn xa. Cuốn Vùng sâu của tôi mới xuất bản cũng cho nhân vật cơ hội Hắn. Hắn đã thực sự chết (mặc dầu thân xác Hắn vẫn tồn tại), giống như Liên báo tin cho Nguyệt rằng tay cán bộ vô ơn là Anh ấy không còn nữa, mặc dầu vẫn còn sống. Và cả Nguyệt (Cô gái trên sông) cùng Thảo (Vùng sâu) thân xác đều bị rách nát nhưng ngàn lần thánh thiện. Như vậy, người tốt vẫn đông đó chứ anh Minh hè! (Hơn…1 người mà).

Mà người tốt, người đồng cảm thực sự với chúng ta không ít đâu anh ạ. Tôi vừa nhận được hơn mười truyện ngắn và trích tiểu thuyết của một cháu gái rất trẻ (mới 21 tuổi), từ Việt Nam qua học ở Hoa Kỳ. Cháu viết mạnh, mới mẻ nhưng không ồn ào, không sấm chớp động đất chi hết, giản dị, sâu sắc, có sự chia xẻ với loại “ông già Khốt-ta-bít” như tôi và anh. Tôi vừa giới thiệu cho Sông Hương đó.

Sáng nay bên bờ sông Hương, anh Cao Huy Hóa kể chuyện trước cổng nhà anh có cây Hoàng yến bị nghiêng đổ do đợt mưa bão vừa rồi, phải chặt dọn nó để có thể đi lại. Buổi trưa đi học về, đứa cháu nội mới 3 tuổi của anh mới bước đến cổng bỗng sững lại, ngó quanh và ngửa mặt lên bầu trời trống hoác la to:

- Cây bông của con mô rồi?!

Không ai dám trả lời cháu khiến cháu khóc nức nở, một bước không rời nơi vốn là cây Hoàng yến thân thiết của cháu.

Không hiểu sao, chuyện cháu bé ba tuổi khiến tôi muốn nhắn tới anh rằng, cuộc đời vẫn còn nhiều cháu bé mới 3 tuổi đã thương cây hoa vàng thì người tri âm tri kỷ với những giá trị văn hóa không bao giờ “bị ra rìa” đâu anh ạ.
Huế ngày 06/11/2012                                                         
T.N.V
(SĐB 7/12-12)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét