1. Hành tây
Chúng ta có thể giữ hành tây tươi ngon trong vòng 8 tháng nếu sử dụng biện pháp bảo quản đúng đắn. Để hành tây trong những chiếc quần tất và buộc thắt nút giữa từng củ; hoặc bỏ hành tây vào trong các túi giấy. Nên bảo quản hành tây ở những nơi khô ráo với túi đựng thoáng mát. Tuyệt đối tránh để hành tây vào trong các túi nilon vì loại túi này sẽ khiến hành tây nhanh bị mốc và mọc mầm. Với hành tây đã bóc vỏ và cắt miếng, nên bọc kín bằng màng bọc thực phẩm vào bảo quản trong tủ lạnh.
2. Các loại quả mọng
Với các loại quả mọng, nên rửa bằng dung dịch dấm loãng trước khi bảo quản. Pha dung dịch này theo nồng độ một phần dấm (có thể là dùng dấm trắng hoặc dấm táo) và mười phần nước. Sau đó, khoắng nhẹ các loại quả này vào dung dịch đã pha, vớt ra để ráo nước và bỏ vào tủ lạnh. Vì nồng độ dấm rất ít nên sẽ không để lại mùi vị trên quả. Với phương pháp này, bạn có thể bảo quản quả mâm xôi trong vòng một tuần, dâu tây trong vòng hai tuần mà không bị mốc và thối.
Ảnh: howmanydownloads.com
|
3. Quả bơ
Một trong những cách bảo quản loại quả này hiệu quả nhất là sử dụng dầu ăn. Hãy xịt lên quả bơ đã cắt một chút dầu ăn trước khi cho vào tủ lạnh. Nó sẽ giúp bơ tươi và giữ được màu xanh. Ngoài ra, lưu ý là nên giữ lại hạt của quả bơ đã cắt để bảo quản cùng phần thịt bơ sẽ hiệu quả hơn.
4. Rau diếp
Quy trình chuẩn bị rau diếp để bảo quản cũng giống như chuẩn bị để ăn. Đầu tiên là thái rau ra, rửa sạch và chú ý không làm nát rau, sau đó vẩy thật sạch nước. Nếu có máy vẩy rau sống thì càng tốt. Khâu này rất quan trọng vì độ ẩm chính là kẻ thù của rau diếp tươi. Sau đó, cho rau diếp vào một cái bát to và bọc kín miệng bằng một hoặc hai miếng khăn giấy. Việc này giúp ngăn không cho độ ẩm ngấm vào rau khi để trong tủ lạnh. Cuối cùng, dùng màng bọc thực phẩm bọc chặt toàn bộ bát và cho vào tủ lạnh. Với phương pháp này, rau diếp có thể tươi ngon trong vòng một tuần.
5. Rau gia vị
Bạn có thể bảo quản rau gia vị bằng cách đặt chúng vào trong các khay làm đá và tưới dầu ô liu lên đó trước khi bỏ vào ngăn đá. Rau sẽ ngấm dầu ô liu trong quá trình được giữ lạnh. Ngoài ra, dầu ô liu và "những viên đá rau" cũng sẽ giúp việc nấu nướng dễ dàng hơn. Phương pháp bảo quản này rất hiệu quả với lá hương thảo, cây xô thơm, cây húng tây và lá oregano. Ngoài ra, với cây thì là, húng quế và bạc hà thì tốt nhất là nên sử dụng tươi.
6. Chuối
Chuối là một loại quả rất khó để bảo quản. Để làm chậm quá trình thâm đen của chuối, hãy dùng màng bọc thực phẩm bọc nải chuối lại. Phương pháp này sẽ giúp chuối tươi lâu hơn khoảng 3 đến 5 ngày so với bình thường. Ngoài ra, lưu ý rằng loại quả này sản sinh ra nhiều khí ethylene hơn các loại quả khác. Do đó, bạn cần bảo quản ở nơi riêng biệt để tránh làm hỏng các loại quả khác.
7. Bánh mì
Với bánh mì chưa sử dụng hết thì cách bảo quản tốt nhất là giữ trong ngăn đá tủ lạnh. Thông thường chúng ta hay bảo quản bánh mì ở ngăn mát nhưng đây không phải là phương pháp lý tưởng trong trường hợp này. Nguyên nhân là do bánh mì để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ nhanh khô và hỏng hơn so với ở nhiệt độ thường. Còn nếu bảo quản trong ngăn đá thì chúng ta có thể giữ bánh mì chưa cắt lát thơm ngon trong vòng 3 tháng.
8. Cà chua
Tuyệt đối không bảo quản cà chua trong các túi nilon. Cà chua sản sinh ra khí ethylene và túi nilon khiến khí này không thoát được ra ngoài khiến cà chua nhanh chín hơn. Cà chua chưa chín nên để phần cuống xuống phía dưới, cho vào túi giấy hoặc xếp vào hộp bìa các tông nhưng không để cà chua chồng lên nhau. Sau đó, để cà chua ở nơi khô thoáng cho tới khi chúng chín đỏ. Cà chua chín vừa nên bảo quản ở nhiệt độ bình thường, tránh ánh nắng mặt trời, cuống cà chua hướng lên trên và không xếp chồng lên nhau. Cà chua chín quá nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, lưu ý phải bỏ cà chua ra khỏi tủ lạnh một lúc trước khi sử dụng.
AloBacsi.vn
Theo VnExpre
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét