NA : "Thăm Blog Một Góc Nhìn Khác" của tác giả "Trương Duy Nhất ", tôi đọc được bài :
Một nửa, một phần ba và hai phần năm…Thấy tác giả có nhiều suy nghĩ lạ, độc đáo mà nhiều cái đúng. Xin chép về đây để các bạn cùng đọc, suy nghĩ và bình luận. Các giải pháp này có khi lại hay...
Một nửa, một phần ba và hai phần năm…
- Phạm Ngọc Cương, Toronto, Canada
1/2 hiệu phó:
Cô bạn thân gốc Ý làm thanh tra giáo dục đến chơi kể: Năm nay Sở Giáo dục Toronto áp dụng chính sách mới với rất nhiều trường phổ thông là chỉ có một hiệu trưởng và một nửa hiệu phó. Tức là người hiệu phó chỉ còn ăn lương quản lý ½ thời gian còn ½ thời gian phải tham gia trực tiếp giảng dạy và ăn lương đứng lớp. Lương giáo viên khởi điểm ở Toronto gần $50,000/ năm. Cứ mỗi năm lại được lên lương một chút và sau khoảng 10 năm dạy tốt thì lên tới $90,000/ năm. Lương hiệu phó khoảng $100,000/ năm. Khi thực hiện chính sách một nửa hiệu phó thì mỗi trường sẽ giảm một số tiền đáng kể cho công tác quản lý và tinh giản đáng kể nhân sự và nâng cao năng lực làm việc. Nhất cử tam tứ tiện!
1/2 lớp
Nhiều trường ở Toronto có đủ 25 cháu cùng tuổi để xếp một lớp đồng đều nhưng họ không làm như vậy. Họ lập ra rất nhiều lớp khác tuổi cùng học với nhau. Con tôi mới học lớp 4 mà đã tới 3 năm phải học lớp split. Tức là trong một lớp luôn luôn có hai nửa. Một nửa lớp 2 và một nửa lớp 3 học cùng nhau. Một nửa lớp 4 và một nửa lớp 5 học cùng nhau… Cô giáo cứ mặc sức và xoay sở sao cho mọi chuyện đều cùng tiến triển.
1/3 giám đốc chi nhánh ngân hàng:
Một cô bạn khá thân khác gốc Hongkong làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn của Canada kể: Năm 2010 cô làm giám đốc một chi nhánh, năm 2012 phải phụ trách 2 chi nhánh, năm 2013 phải làm giám đốc phụ trách cùng lúc 3 chi nhánh. Cô nói trong giờ làm việc cô sẽ không thể nhấc điện thoại cầm tay nên cảm phiền cầm hộ cô 3 cái business cards có ghi ba số điện thoại của ba chi nhánh ngân hàng để nếu cần gì cô thì gọi tìm cô một vòng. Hay hơn, nhiều chi nhánh ngân hàng ở đây còn thử mô hình không giám đốc.
Đa cấp
Toronto có chương trình heritage languages và vợ tôi nói rất thú vị khi giảng dậy ngôn ngữ ở đó. Cứ có 25 học sinh là mở một lớp và rất nhiều năm vợ tôi nhận các lớp mà ở đó có tới 8-9 cấp học khác nhau, gọi là lớp mixed. Cứ đi dạy là phải soạn cùng lúc 7-8 giáo trình. Khi đang phân cho 3 cháu lớp vỡ lòng tô màu, thì phải làm cho ba cháu khác lớp 1 tập viết, vài cháu lớp 2 hội thoại, vài cháu lớp 3 đố vui để học vài cháu lớp 4 lên bảng trả lời…. Chưa kể là phải sẵn sàng cho nhiều tình huống nan đề như khi các học sinh lớp 7 hay 8 đang nghiêm túc làm bài kiểm tra ở góc này thì mấy cháu mẫu giáo bé bỗng: cô ơi em ị ra quần…
Chất lượng học thế nào? – Tôi hỏi. Phải theo đúng chương trình của từng lứa tuổi theo qui định và các cháu đều rất tiến bộ. Không được để cho bất kỳ cháu nào có phút buồn chán trong lớp. Vì buồn chán là các cháu nghỉ học và tan lớp. Thách thức vô cùng, nhưng làm được thì rất vui- Vợ tôi bảo. Mấu chốt của phương pháp dậy này là ở đâu?- Tôi hỏi tiếp. Là phải thúc đẩy tinh thần tự học, biến cả lớp thành giảng viên cùng giáo viên. Có như vậy học sinh mới không cảm thấy như đây là các mảnh ghép của 7-8 lớp.
Chơi 2 học 1?
Nhìn trẻ con đi học ở đây thấy khá thú vị. Có hôm thằng bé đề nghị bố cho mượn một cái túi du lịch thật to. Hỏi để làm gì nó bảo ngày mai cô giáo cho phép cả lớp mang chăn gối đến lớp, tự kê kích giường chiếu lều chõng để nằm đọc sách cả ngày trong lớp. Chúng không biết rằng đấy là cách của cô làm chúng thấy sách là gần gũi, dễ chịu và cô muốn dạy cho chúng nằm sao cho sướng mà vẫn đọc được sách, không làm hại mắt. Hôm khác cháu bảo hôm nay là ngày mặc đồ ngủ đi học. Đó là cách họ làm học sinh cảm thấy mái trường cũng gần gũi, tự do và dễ chịu như mái nhà. Hôm khác là ngày crazy hair. Tức là muốn cạo trọc cả đầu hay để lại một sợi tóc; tô hồng hay bôi đen đầu là tuỳ ý. Tức là họ muốn chúng có khả năng sáng tạo và sớm tạo ra sự khác biệt. Từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều chúng dùi mài kinh sử quá ít mà chúng vẫn học được thật nhiều điều. Tám chín tuổi chúng đã làu làu mấy ngôn ngữ. Sinh nhật 9 tuổi chúng tôi cho cháu tự tổ chức tại nhà. Vợ tôi ngồi bên phòng bếp kể thấy mấy chục đứa trẻ dự sinh nhật ở phòng khách mà toàn ồn ào bàn là sao Adolf Hitler lại ra tay với người Do thái trước thế chiến II hay sao thị trưởng Toronto đợt này có thể mất chức…Trẻ bây giờ chơi không mà thông thái thật kinh hồn!
Double bass
Nhiều lúc tôi thấy cạnh tranh công việc ở xã hội bên này thật khốc liệt mà sao con người lại chưa trở thành con thú. Hơn nữa đâu đâu dù ngoài đường hay nơi cơ quan công quyền cũng luôn thấy sự nhẹ nhàng, chu đáo và lịch lãm. Gốc của vấn đề vẫn là giáo dục. Các cháu ở đây thường được học từ bé về nghệ thuật và có tâm hồn, phong cách nghệ thuật tinh tế từ rất sớm. Toronto có ba loại trường: công lập, công giáo và trường tư. Chúng tôi gửi con đến trường công lập, tức là một trường gần nhà trong cùng khu vực dân cư, bố mẹ không mất đồng nào tiền học phí và để hàng ngày các cháu tự đi bộ hay xe đạp đến trường. Vậy mà từ lớp vỡ lòng chúng đã học tô màu, vẽ vời. Lớp một là hò hát, lớp hai là học thổi sáo. Lớp 3 học nhạc lý. Lớp 4 đầu năm cháu đề nghị bố mang xe to đi đón. Cháu báo là cô giáo hôm nay sẽ phát nhạc cụ cho các cháu. Các bạn chọn chơi các nhạc cụ nhỏ thì hàng ngày có thể mang đi mang về. Riêng con chọn Double Bass là loại nhạc cụ dựng lên còn cao hơn cả đầu bố nên phải có xe đưa đàn về nhà. Thế hàng ngày con phải mang đi mang về à? Không. Các bạn chọn nhạc cụ nhỏ, dễ cầm như Violin, Cello,Viola… thì phải mang đi mang lại. Các bạn chọn nhạc cụ to thì nhà trường cho mượn để luôn tại nhà lâu dài một chiếc để học; đến trường sẽ có một nhạc cụ tương tự để học ở trường. Thật chu đáo! Ở nhiều nước học giỏi phải là giỏi toán, ngoại ngữ, vi tính hay gì đó… Ở Canada chúng tôi quan niệm là các cháu cứ giành thời gian cho bất kỳ môn gì cháu thấy thích, đặc biệt là thể thao và nghệ thuật càng tốt. Vì chỉ có thích thú thật thì may ra mới đủ đam mê mà leo tới một cái đích nào đó. Cuộc sống muôn màu mà nhân loại tạo dựng ra hôm nay đâu phải tất cả là do kiến thức khoa học cơ bản mà ra.
2/5
Một anh bạn gốc Việt của tôi được Bộ Y tế mời ký hợp đồng làm giám đốc một bệnh viện lớn của thành phố 10 năm. Anh từ chối vì hai lý do: thứ nhất là theo anh một người bác sỹ nếu không hành nghề đều đặn thì sau 3 năm là mất tay nghề. Anh yêu nghề bác sỹ, thích chữa bệnh và không thích làm quan chức. Thứ hai theo anh dành ra hẳn một người làm giám đốc bệnh viện là quá kém và lãng phí nhân lực. Cuối cùng anh nói nếu Bộ Y tế cần anh sẽ làm giám đốc hai ngày còn 3 ngày làm bác sỹ. Trong 2 ngày làm giám đốc anh giải quyết ngon ơ các mâu thuẫn nếu có giữa bệnh viện và Bộ Y tế, giữa các bệnh viện với nhau, giữa bệnh viện với bệnh nhân và giữa các bác sỹ, y tá, hộ lý trong viện với nhau. Ba ngày làm việc còn lại anh khoác áo bác sỹ chữa bệnh. Hỏi thế anh có ký kết gì với bộ y tế không? Anh bảo không, tớ chả ký. Anh kể cho Bộ Y tế về truyền thuyết Thánh Gióng, khi cần thì đến giúp, hết việc là đi, vậy thôi. Không ký hợp đồng sẽ dễ cho cả hai bên. Khi nào phía Bộ tìm ra người thay thì có thể thay anh bất kỳ lúc nào. Còn phần anh thì khi nào muốn có thể ra đi mà không có gì phải lăn tăn. Vậy mà tình trạng ấy cũng cả 3 năm nay rồi vẫn chưa thấy ai chịu đến thay anh cả.
Tinh gọn nhân sự quốc gia
Sự điều chỉnh chặt chẽ của thị trường lao động len lỏi vào tận đầu não quốc gia. Điều hành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới với GDP gần 16,000 tỷ $ mà nước Mỹ chỉ có 15 Bộ trưởng. Gộp cả Tổng thống, Phó Tổng thống… tới Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, chính phủ Obama có 24 người. Để điều hành cỗ máy gần 1800 tỷ $ Canada chỉ có Thủ tướng mà không một Phó Thủ tướng. Bớt đi một lãnh đạo là bớt đi một văn phòng, một bộ máy phụ trợ cùng và cắt giảm muôn vàn ách tắc cùng chi phí. Đã vậy dân chúng hai xứ này chả thấy xiển dương công ơn trời biển của ai mà truyền thông hết ngày dài tới đêm thâu chỉ thấy bới móc cặn kẽ, rốt ráo chuyện chính khách đốt tiền thuế của dân thế nào!
1/2 nước
Tháng 4 năm 1975, phần lớn người Việt tự hào là non sông gấm vóc đã liền một dải. Năm 1990, khi nước Đức đoàn tụ không ít người Việt đã bớt ưỡn ngực vì ngộ ra rằng bài toán thống nhất không phải chỉ có một lời giải. Hôm nay khi nhìn đến Nam Bắc Hàn không biết chúng ta nên nghĩ sao khi so sánh tình trạng cả nước cùng xuống vực thế này hay thà là nửa nước tạm xuống vực và nửa còn lại kịp ngoi lên thiên đường. Với đà này thì có dồn tinh hoa, tài lực cả nước Việt Nam thống nhất vào xây dựng một công ty cho ra hồn thì cả thế kỷ nữa chưa chắc Việt Nam mơ có nổi một công ty điện tử tầm vóc như Samsung của Nam Hàn. Chưa kể phim Hàn thì nhà nhà đua nhau xem. Mốt Hàn thì đua nhau theo. Ca sỹ Hàn thì thanh niên Việt cuồng nhiệt hôn cả cái ghế họ từng ngồi. Nhiều nhà chỉ mơ gửi con sang Hàn học hay xuất khẩu lao động dù Hàn luôn trên bờ vực anh em trong nhà chực tẩn nhau.
Việt Nam từng sở hữu một quá khứ vinh quang mà lại thành một nước tụt hậu thê thảm trong hiện tại! Bi quan hơn là thật nhiều người cùng than là chúng ta đang trong một tình trạng không thể đổi được. Chẳng lẽ người Việt không có sức nghĩ, sức sáng tạo, sức tổ chức xã hội và sản xuất bằng các sắc dân khác?
Nguyễn
Cắt giảm sự lãnh đạo đồng thời với trân trọng tăng cường vai trò, năng lực của từng cá nhân trong guồng máy xã hội. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi đang phóng xe trên đại lộ Lênin hoành tráng ở Moscow tôi bị cảnh sát Nga chặn lại vòi tiền. Sau một hồi tranh luận nảy lửa đúng sai, viên cảnh sát Nga làu bàu là chưa có một tay “Nguyễn” nào qua đây mà thoát được tay ông ta, tuy nhiên ông ta không bắt phạt tôi vì tội gì được nên phải thả cùng chua thêm một câu hằn học là cảnh sát chúng tôi ngu hết còn ông thì đúng! Người Việt lưu trú ở Nga là một sắc dân nhỏ không có vị thế gì đáng kể trong con mắt của giới công quyền Nga. Hai mươi năm sau, tôi vào nhiều cơ quan công quyền dù là tỉnh bang hay liên bang ở Canada mà bấm vào máy tính Directory ở cửa là hiện ra một tràng dài tên người Việt (cũng thường bắt đầu bằng họ triều vua cuối cùng của Việt Nam). Một đất nước có chỗ đứng công bằng cho mọi người kể cả các sắc dân thiểu số như người Việt tại Canada, đất nước ấy xứng đáng có chỗ đứng trang trọng trong thang bậc văn minh nhân loại. Nếu người Anh và Pháp ở Canada, như những kẻ đến trước trong lịch sử, luôn xí phần và giành giật hết quyền lợi và bổng lộc vào tay họ thì nước Canada với bề mỏng văn hoá và lịch sử của mình mong bén gót cho được con gấu Nga còn là chuyện quá xa vời.
Lãnh đạo
Lãnh đạo các chính thể độc tài thường ngộ nhận rằng chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh. Thường là họ sẽ rút tất cả các quân bài họ có để chứng minh lấy được rằng họ nằm ở phía chân lý. Lãnh đạo các xứ độc tài có sẵn máu ôm đồm nên thực tế là tất cả các xứ độc tài hiện đại từ xã hội kinh tế đến chính trị đều luôn tiềm ẩn các thùng thuốc súng. Không phải chân lý lúc nào cũng luôn song hành cùng kẻ mạnh. Chân lý muôn đời luôn chỉ thuộc về cái đúng. Chả cần nhìn đâu xa, hãy soi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt đủ thấy rõ sự thật đó. Mạnh nhất thời không phải luôn luôn đúng muôn đời, đó là sự sắp xếp tự nhiên của tạo hoá để truân chuyển sự phát triển. Làm sao để cái mạnh có cơ hội song hành dài hơi cùng cái đúng thì cái mạnh mới tồn tại lâu bền. Muốn vậy và muốn có phát triển và tiến bộ thì sự lãnh đạo “toàn diện”, “ thông suốt”, “thống nhất” và “triệt để” phải nên được giảm đi 1/3; ½ hay hơn nữa thì càng tốt.
Nhìn cận cảnh “trận tuyến” giữa lãnh đạo và dân hôm nay thấy thấm lời hát của ABBA:
“The winner takes it all
The loser standing small”
PNC, Toronto 05/04/201
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét