“Tái cơ cấu… không phải gọt chân cho vừa giày”
06:49 | 14/04/2013
(Petrotimes) - Hai giờ đồng hồ tiếp chuyện, từ chuyện quá khứ đến hiện tại ngành than, tôi có cảm giác ông chưa hề mất đi vẻ ngoài mạnh mẽ như hồi còn chèo lái con thuyền Vinacomin. Xung quanh ông vẫn đầy các loại sách, tài liệu nghiên cứu về than, về mỏ, địa chất, hầm lò. Ông vẫn theo sát với ngành, theo sát những người mà như lời ông khẳng định chắc chắn, tất cả đã vượt qua lằn ranh “đồng nghiệp” để trở thành “đồng đội, đồng chí”... trong suốt đời “than nghiệp” của Đoàn Kiển!
Vì sao phải kỷ luật và đồng tâm?
PV: Ngành than Việt Nam với hình ảnh người thợ lò và tinh thần lao động quật cường, vượt qua gian khó... Lớp lớp thế hệ ngành than vẫn thường nhắc đến 4 chữ “Kỷ luật - Đồng tâm”, xin ông cho biết ý nghĩa của câu khẩu hiệu truyền thống này?
Ông Đoàn Văn Kiển: Nhắc về truyền thống của ngành, trước hết chúng ta quay về lịch sử cách đây hơn 170 năm để “gặp” lại người được coi là ông Tổ khai sinh ra ngành than. Đó là vị vua yêu nước, thương dân Minh Mạng đã ra chiếu dụ cho khai thác than tại vùng Yên Lãng - Đông Triều (Quảng Ninh) vào ngày 10/1/1840 mang về triều đình Huế sử dụng, chủ yếu dùng trong việc đúc tiền và rèn vũ khí... Việc làm đầy tính nhân văn của ngài đã thể hiện tầm nhìn và khát vọng giúp nhân dân kiếm miếng cơm, manh áo bằng chính sức lao động của mình để thoát cảnh đói đang hoành hành ở nhiều nơi. Đáng tiếc rằng chưa kịp thực hiện những hoài bão, khát vọng mang đến cuộc sống no ấm cho nhân dân thì vua Minh Mạng đã sớm băng hà. Và bi kịch là bọn thực dân phương Tây thế kỷ XIX đã dòm ngó đến vùng đất giàu tài nguyên này.
Năm 1883, thực dân Pháp đã đánh chiếm vùng mỏ Hòn Gai, chúng ra sức bóc lột tàn tệ, đẩy nhân dân ta vào cảnh lầm than một thời gian dài, vùng mỏ Quảng Ninh trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Công việc khai thác mỏ lúc này hoàn toàn là thủ công, hết sức nặng nhọc, vất vả. Mỗi ngày thợ phải làm 10-12 giờ, tiền lương ít ỏi, cuộc sống cơ cực lại thường xuyên bị bọn cai ký đánh đập, bớt xén. Điều kiện ăn ở sinh sống rất khổ cực. Họ không có con đường nào khác là phải đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương cải thiện điều kiện làm việc.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinacomin Đoàn Văn Kiển
Đội ngũ công nhân mỏ than cũng từ đây được hình thành và dần dần trở thành lực lượng công nhân công nghiệp - lực lượng nòng cốt trong giai cấp công nhân Việt Nam. 50 năm sau, sự kiện cuộc đình công của 3 vạn công nhân ngày 12/11/1936 đã mở sang một giai đoạn sáng chói của lịch sử nước nhà. Nó để lại cho thế hệ thợ mỏ và người dân Quảng Ninh hôm nay niềm tự hào, khẳng định sức mạnh của tình yêu thương giữa những con người bị áp bức, bóc lột, giữa những người phu mỏ.
Hẳn các bạn đã từng đọc “Vùng mỏ” của nhà văn Võ Huy Tâm, đã xem bộ phim “Bão biển” có thể thấy rõ tình yêu thương và sức mạnh của giai cấp công nhân được khắc họa thế nào. Tất cả đã tạo ra truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của thợ mỏ. Kể từ đó đến nay, ngày 12/11 được chọn là “Ngày truyền thống công nhân Vùng Mỏ - truyền thống ngành than”. Một ngày vô cùng đặc biệt đối với chúng tôi, đó là niềm tự hào, là sức mạnh không chỉ của thợ mỏ mà của cả người thân, bạn bè của họ. Mọi người nên nhớ, “đồng tâm” đã bao hàm cả đoàn kết, đồng tâm còn thể hiện cái gì đấy luôn tiến về phía trước, mang tính tiên phong, quyết liệt.
PV: Với lịch sử đấu tranh thật đáng tự hào, xin ông cho biết truyền thống đó đã có tầm ảnh hưởng đến thế hệ thợ mỏ hôm nay như thế nào?
Ông Đoàn Văn Kiển: Thợ mỏ hôm nay tự hào về truyền thống ngót một thế kỷ của mình. Từ người nô lệ lầm than, họ đã đứng lên theo ngọn cờ cách mạng, đập tan chế độ thực dân hà khắc, làm chủ cuộc đời mình, làm chủ nhà máy, hầm mỏ. Vóc dáng của họ đã tô thêm nét đẹp cho cả vùng than Đông Bắc. Có thể nói rằng, ngành than càng phát triển thì truyền thống đó càng được phát huy, tình người càng sâu đậm và tạo thành một nét văn hóa riêng biệt, có sự khác biệt với các ngành nghề khác, vùng miền khác và trở thành tài sản quý giá nhất, vững mạnh nhất, mãi mãi làm nền tảng cho sự phát triển.
Đầu tiên là tình người bắt nguồn từ chiếu dụ của vua Minh Mạng phê chuẩn cho dân khai khác than. Thể hiện ở chỗ vì thương dân muốn lo công ăn, việc làm cho dân mà Tổng đốc Hải An Tôn Thất Bật đã cầu xin nhà vua cho thuê dân đào mỏ lấy than ở Yên Lãng - Đông Triều. Cũng vì thương dân mà vua Minh Mạng đã phê trong chiếu dụ chấp thuận lời cầu xin, cho phép khai thác than có đoạn “… nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng, chớ sơ suất để an úy lòng Trẫm muốn ra ân cho dân”. Thật hiếm có lời phê chuẩn nào mang tính nhân văn đến như vậy. Nếu ở trên, tôi xem vua Minh Mạng là ông Tổ của ngành than thì Tổng đốc Tôn Thất Bật chúng tôi tôn vinh ông là Tổng giám đốc đầu tiên của ngành.
Tôi nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế suy thoái, lạm phát dẫn đến than làm ra khó bán được, tồn kho cao, sản xuất bị thu hẹp, đã có trường hợp con theo cha mẹ lên công trường ăn chung bát cơm giữa ca. Các công ty than mặc dù hạch toán độc lập những vẫn giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, Công ty Than Cẩm Phả đã giành than của mình cho các công ty khác xuất khẩu để được hưởng chênh lệch giá (giá xuất khẩu cao gấp 4 lần giá trong nước) ngay cả khi trong két của mình đã có lúc chả có đồng tiền mặt nào.
Đến hôm nay đời sống đã khá lên nhưng các công ty vùng than Cẩm Phả rồi vùng than Hòn Gai, Uông Bí - Đông Triều vẫn tự nguyện gắn bó khăng khít với nhau, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động. Thời bao cấp, thợ hầm lò là nhóm lao động gian khổ nhất trong ngành và cũng được chăm sóc chu đáo nhất. Nhớ mãi hình ảnh những người phụ nữ hậu cần lo cơm dẻo canh ngọt, chăm sóc cho thợ lò từ cái tăm đến đôi đũa, các chị hàng ngày lo hàng vạn suất cơm đều 3 bữa cho đến ngày về hưu tôi vẫn chưa thấy có vụ ngộ độc nào cả. Đơn giản họ là những người mẹ, người vợ, người chị, người em... họ nấu không chỉ vì đồng lương mà còn vì tình yêu thương, ruột rà, máu mủ thấm đẫm trong bữa cơm ấy.
Một điều nữa là công nhân than phải lao động nặng nhọc, độc hại, nhiều rủi ro, đã nhào nặn nên bản lĩnh gai góc như những người lính xung trận, luôn rèn ý chí sẵn sàng đối mặt giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Đã có không ít tấm gương hy sinh cứu lấy nhau như cuối năm 1976, anh Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng) lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 6 đi kiểm tra lò thượng trong than dốc 55 (độ) đã ghé vai giúp người thợ lò nâng xà thép, không may sàn thao tác trượt làm anh ngã gãy chân. Năm 1980, anh Bùi Huy Tân, thợ lò bậc 6/6 Xí nghiệp xây lắp 6 đã đẩy và nằm đè lên trên một đồng nghiệp để cứu bạn khỏi đá sập. Anh Trần Văn Thản thì hy sinh khi cứu đồng nghiệp ở mỏ than Khe Chàm trong vụ nổ khí Metal ngày 8/12/2008… Dù ở hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn nhớ đến lời dặn của Bác: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc! Đã đánh giặc thì phải chịu đựng gian khổ, phải dám hy sinh, phải gan góc, dũng cảm và nhiều mưu mẹo mới đi đến chiến thắng”.
PV: Sống và làm việc trong khó khăn, gian khổ để làm giàu cho đất nước ngành Than còn được biết đến là cái nôi sản sinh ra rất nhiều tài năng văn chương, văn nghệ. Có phải đời sống, văn hóa tinh thần đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng lối sống tốt đẹp, đậm tính nhân văn, thúc đẩy tinh thần lao động không, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Kiển: Rất đúng! Sau nhà văn Võ Huy Tâm với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Vùng mỏ” đã có hàng loạt văn nghệ sĩ đã liên tục về vùng than vừa sáng tác vừa đào tạo những tài năng văn nghệ trong đội ngũ thợ mỏ. Những con người đấy đã làm cảm hứng sáng tác cho biết bao áng thơ văn, bài hát, vì sao hình tượng người công nhân ngành than lại có sức lan tỏa và in đậm dấu ấn với nhân dân như thế chính là sự cảm thông nỗi vất vả, cực nhọc, sự nhân văn cao cả, đối mặt biết bao nguy hiểm của họ.
Ở một nơi mật độ thợ mỏ đông hàng chục vạn người, hòa trộn trong nhịp độ công nghiệp gấp gáp suốt ngày đêm. Chính điều kiện sống đó làm nảy sinh các mối quan hệ đa dạng và sôi động, là môi trường thuận lợi để các nhà văn, các cây bút tiếp cận nhanh thực tế cuộc sống, tích lũy kiến thức văn học, cắt nghĩa lý giải vấn đề. Lao động trong hầm mỏ với cường độ cao, tính chất căng thẳng, không kể thời gian, điều kiện môi trường, khí hậu, những người thợ ở đây phải luôn tập trung ý chí, tư tưởng cao nhất để sẵn sàng nhận và thực hiện mọi nhiệm vụ, họ không sợ gian khổ, hy sinh trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, đời sống văn hóa tinh thần có sức mạnh cổ vũ hết sức quan trọng.
“Trọng tâm vẫn ở người chèo lái”
PV: Nền kinh tế đang trải qua những cung trầm, ngành than cũng không tránh khỏi. Ông nghĩ sao về chủ trương tái cơ cấu mà chúng ta đang áp dụng, trong đó có khu vực doanh nghiệp Nhà nước?
Ông Đoàn Văn Kiển: Tôi không đồng tình với cách chúng ta ồ ạt tái cơ cấu thời gian qua. Tái cơ cấu là vấn đề mà doanh nghiệp, không phân biệt tư nhân, cổ phần hay Nhà nước, phải biết lựa chọn thời điểm thích hợp dựa trên nhu cầu từ nội tại để làm mới mình. Bất cứ lúc nào, nếu doanh nghiệp nhận thấy quan điểm kinh doanh, tầm nhìn chiến lược không còn phù hợp, không hiệu quả, không đạt được mục tiêu chung thì ban lãnh đạo cũng có thể nắm lấy quyền chủ động tái cơ cấu. Có rất nhiều cách, từ tái cơ cấu bộ máy điều hành, sáp nhập, mua lại, bán đi, thậm chí giải thể cắt lỗ... mọi động tác miễn sao tối ưu hóa tỉ suất lợi nhuận trên vốn, sinh ra bao nhiêu lãi, nộp ngân sách nhiều hay ít... đều có thể gọi là tái cơ cấu.
Quan điểm của tôi về vấn đề này, trọng tâm vẫn ở người chèo lái. Ví dụ, với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hãy giao cho họ mục tiêu thật cụ thể, đúng ngày đúng giờ phải có sản phẩm, thể hiện ngay trên mệnh lệnh hành chính. Còn sau đó, hãy để bản thân doanh nghiệp được chủ động. Nếu giữ nguyên mô hình vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh thì cần gì phải tái cơ cấu (?!). Mặt khác, như tôi đề cập ở phần trên, khi thị trường trong nước và thế giới biến động, mục tiêu giao cho doanh nghiệp Nhà nước thay đổi, thì doanh nghiệp thậm chí còn phải nắm lấy thế chủ động tái cơ cấu để hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi luôn tâm niệm, cần thiết tái cơ cấu doanh nghiệp hay không là việc của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành của chính doanh nghiệp đó. Rõ ràng khi quan hệ giữa ông chủ và doanh nghiệp được quy định bằng tính hiệu quả và cơ chế đầu tư, lợi nhuận thì mọi việc thật sự sòng phẳng. Tôi giao chỉ tiêu cho anh, với một mức đầu tư, thù lao hợp lý nhiều bên. Doanh nghiệp thành công, trong trường hợp tỉ suất lợi nhuận trên vốn, rồi vốn chủ sở hữu được bảo toàn, mở rộng sản xuất - kinh doanh nào thì anh được giữ lại nhiệm kỳ mới, như thế nào thì anh được trao tiếp cơ hội và khi nào thì ban điều hành vui vẻ… ra đi? Tại sao vì một số doanh nghiệp cụ thể, ở một ngành cụ thể gặp vấn đề lại bắt toàn bộ nền kinh tế phải tái cơ cấu? Doanh nghiệp đang tốt, tại sao bắt doanh nghiệp phải tái cơ cấu?
Đơn cử như với các công ty tài chính! Tôi nhớ không nhầm thì trong quyết định thành lập các tổng công ty có danh mục công ty tài chính. Hay nói cách khác, công ty tài chính là một phần trong cơ cấu thành lập các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước bấy lâu nay. Trong nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị về an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thậm chí còn được bật đèn xanh để trở thành những doanh nghiệp mạnh về công nghiệp, tài chính, thương mại mạnh trong khu vực. Về lý thuyết, nhiệm vụ và chỗ đứng của mỗi doanh nghiệp Nhà nước là hết sức rõ ràng và riêng biệt trong nền kinh tế. Ngành than cũng vậy. Với sức ép của hàng vạn người lao động trước đây và 14 vạn hiện tại, lãnh đạo Tập đoàn sẽ biết thời điểm, biết thời điểm để làm tốt hơn phần trách nhiệm của mình trước người lao động.
Tôi không thật đồng tình với chủ trương hạn chế đa ngành, ngoài ngành như dư luận đang hiểu nhầm thời gian vừa qua. Mua bán doanh nghiệp cũng là một mảng miếng kinh doanh. Doanh nghiệp coi lợi nhuận là hàng đầu. Nói doanh nghiệp Nhà nước lãi “khủng” thì Nhà nước hoàn toàn có quyền thu thêm lãi sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhà nước là chủ sở hữu, Nhà nước hoàn toàn có thể điều chỉnh phần lãi sau kiểm toán để phục những mục tiêu vĩ mô, như an sinh xã hội, công tác dân tộc, hỗ trợ các đối tượng cần thụ hưởng…
PV: Như vậy, ngành than nói riêng và nền kinh tế chúng ta nên bắt đầu tái cơ cấu từ đâu, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Kiển: Tôi có cảm giác, hiện tại các doanh nghiệp Nhà nước của chúng ta chỉ tái cơ cấu về mặt cơ cấu tổ chức, gọt chân cho vừa giày. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là nếu một doanh nghiệp muốn thay đổi, đi lên thì không có cách nào ngoài việc thay đổi chủ tịch và tổng giám đốc. Thay đổi người đứng đầu mới thay đổi được tư duy kinh doanh, tư duy đầu tư, tư duy thương mại, tư duy tổ chức…
Riêng với Vinacomin, anh em họ làm, có sự chỉ đạo nên tôi xin phép không bình luận.
PV: Vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay của lãnh đạo doanh nghiệp rơi vào thế bị tái cơ cấu... ép là gì, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Kiển: Điều đầu tiên tôi cảm thấy là không ít lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đang lùi dần vào thế phòng thủ, giữ ghế nhiệm kỳ. Lãnh đạo doanh nghiệp mà thủ thì đất nước chúng ta khó lòng tăng trưởng, bỏ lỡ nhiều hơn các cơ hội. Tôi sợ rằng, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ đến lúc các doanh nghiệp Nhà nước không trụ vững nổi trước dư luận, để từ đó có đủ tự tin tiếp tục bước tiếp chặng đường của mình, khiến mục tiêu chiến lược chung của đất nước bị ảnh hưởng.
PV: Xin cảm ơn và chúc ông mạnh khỏe, tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành than trong tương lai!
Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 chỉ rõ, việc phát triển ngành than phải trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước theo hướng bền vững, hiệu quả, đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung; phục vụ nhu cầu trong nước là chính, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu phấn đấu của toàn ngành là tăng nhanh sản lượng khai thác than, dự tính đến năm 2020 đạt 66-70 triệu tấn thương phẩm, đến năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn, trong đó bể than Sông Hồng khoảng trên 10 triệu tấn than thương phẩm... Để thực hiện mục tiêu này, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành than đến năm 2020 là 317.736 tỉ đồng, bình quân 35.304 tỉ đồng/năm. Theo Quy hoạch, phát triển ngành than phải gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; đảm bảo hài hòa giữa vấn đề an ninh lương thực với an ninh năng lượng; đảm bảo an toàn trong sản xuất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh.
|
Hữu Tùng - Mạnh Kiên (thực hiện)
TAGS: ông Đoàn Văn Kiển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét