Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh

Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh
Tháng Năm 18, 2013 — Lê Mai


I.
Căn nhà nhỏ những canh khuya vời vợi
Vẫn lo toan tháo cởi những bất hòa
Trái tim lớn đêm ngày quên mệt mỏi
Dệt dải hồng chắp nối bạn gần xa
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Việt Phương nói đến Hồ Chí Minh luôn “lo toan tháo cởi những bất hòa?”. Ta hiểu, bất hòa là nói về mâu thuẫn nội bộ, không phải mâu thuẫn địch – ta. Nội bộ “ta” có bất hòa sao?
Trên bình diện quốc tế, những năm tháng ấy, trong nội bộ phe XHCN, hai “ông anh lớn” là Liên Xô và Trung Quốc tranh cãi nhau kịch liệt, hơn thế, có khi còn đụng nhau sứt đầu, mẻ trán ở biên giới nữa. Hồ Chí Minh đã làm rất nhiều việc quên mệt mỏi nhằm đoàn kết Xô – Trung, đoàn kết quốc tế, giữ cho Việt Nam ở vị thế có lợi nhất.
Còn trong nước thì sao? Ý thơ Việt Phương dẫn tôi đến Hồi kýNhững kỷ niệm về Bác Hồ được cho là của Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng. Hồi ký này có kể ra mười (thực ra chỉ kể 8) nỗi đau của Hồ Chí Minh.
“Nỗi đau thứ bẩy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta. Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ, nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận lợi…Bác cho làm cơm và nói mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra, không nên để bụng… Họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết việc này thì không hiểu hết tại sao trong di chúc Bác lại dặn phải đoàn kết toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương…Có thể có một vài hiện tượng, có đồng chí nào đó muốn vượt Bác, Bác biết hết, nhưng Bác không quan tâm…”
Không biết thực hư những chuyện đó như thế nào, nhưng trước mắt tôi là hai cuốn sách viết về Hồ Chí Minh. Tác giả hai cuốn sách này là Vũ Kỳ, người thư ký tuyệt đối trung thành và gần gũi – một “tiểu đồng” thực sự của Hồ Chí Minh.
Cuốn sách thứ nhất có tên Càng nhớ Bác Hồ, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1999. Cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất: Bác Hồ từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc. Phần thứ hai: Bác Hồ viết Di chúc. Phần thứ ba: Những bức thư kể chuyện Bác Hồ. Cuốn sách thứ hai có tên Bác Hồ viết Di chúc, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1999.
Ta thấy gì trong hai cuốn sách do hai Nhà xuất bản đã nói ở trên ấn hành?
Đây là một đoạn trong Bác Hồ viết Di chúc (Càng nhớ Bác Hồ, trang 152, Nhà xuất bản Thanh niên):
“Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14 tháng 5 năm 1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965″ trước chữ ký Hồ Chí Minh. Bên cạnh, phía trái, là chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn.
17 giờ, anh Cả sang ăn cơm với Bác, báo cáo cụ thể về chuyến đi công tác ngày mai” (hết trích).
Cũng viết về nội dung trên, nhưng đây là đoạn trong Bác Hồ viết Di chúc (trang 34, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia):
“Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14 tháng 5 năm 1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965” trước chữ ký Hồ Chí Minh.
17 giờ, anh Cả sang ăn cơm với Bác, báo cáo cụ thể về chuyến đi công tác ngày mai” (hết trích).
Ta đã rõ hai đoạn đó khác nhau chỗ nào?
Mấy câu thơ gợi ý cho tôi đọc lại những cuốn sách viết về Hồ Chí Minh, trong đó, tôi đọc rất nhiều lần những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng. Có lẽ, không một nhà văn, nhà nghiên cứu nào viết về Hồ Chí Minh với một tấm lòng ngưỡng mộ, sùng bái, kính trọng, yêu thương Hồ Chí Minh như Sơn Tùng. Có thể nói không quá lời, Sơn Tùng đã dồn tất cả tình cảm của mình vào từng dòng, từng chữ ngợi ca Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt, Sơn Tùng để rất nhiều tâm huyết, công sức sưu tầm, gặp gỡ, nghiên cứu các tư liệu về Hồ Chí Minh.
Và đây là một đoạn trong cuốn Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (Sơn Tùng, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, ấn hành năm 2005, trang 81):
“Sau phút thổn thức lắng vào, giọng nói anh Vũ Kỳ âm vang từ trái tim mình:
- Tối hôm ấy, mồng 1-9, Bác lại đau kịch liệt. Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp… ở bên giường Bác. Cấp cứu tận đêm khuya mà cơn đau chưa giảm! Đồng chí Lê Duẩn khẽ gọi anh Vũ Kỳ ra hành lang, đứng dưới hàng cây ảo mờ ánh đèn vàng vọt. Một bầu ẩm đạm trùm cả khu vườn, cây cối im phăng phắc, mặt ao tĩnh lặng không tăm cá!
Đồng chí Lê Duẩn hỏi:
- Bác có viết gì để lại không?
- Có ạ! Anh Vũ Kỳ đáp mà mắt vẫn hướng vào phía giường Bác!
Im lặng! Cái phút im lặng trong thời mệnh này như dài vô tận! Đồng chí Lê Duẩn lại hỏi:
- Bác có viết điều gì về Liên Xô, Trung Quốc và về quốc tế không?
- Có ạ! Anh Vũ Kỳ đáp lẹ và thầm nghĩ, nếu đồng chí Lê Duẩn đòi xem ngay Di chúc của Bác thì ứng xử thế nào…Nhưng đồng chí Lê Duẩn sau cái im lặng nặng nề nói:
- Hãy biết vậy. Ta đi vào…” (hết trích).
Ý thơ Việt Phương tiếp tục đưa tôi sang một chuyện khác. Nước Việt Nam vừa giành được độc lập ba tuần lễ thì thực dân Pháp trở lại đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Hồ Chí Minh không chọn ai khác mà giao miền đất lửa của Tổ quốc cho Nguyễn Bình – thủ lĩnh đệ tứ chiến khu Đông Triều. Nguyễn Bình rất xúc động, thưa với Hồ Chí Minh rằng mình chưa phải là Đảng viên Cộng sản. Giọng Hồ Chí Minh như đanh thép: Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết!
Năm 1948, Nguyễn Bình, Tư lệnh Nam Bộ, được phong Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ đứng sau Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Vẫn theo Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (trang 18):
“Cụ Vũ Đình Huỳnh bùi ngùi nhớ lại:
- Vào một ngày mưa hạ tuần tháng 5.1951, mây mù ảm đạm cả núi rừng Tuyên Quang. Bác Hồ nhận một cái tin đau buồn: Trung tướng Nguyễn Bình bị phục kích chết tại chỗ trên đường ra Bắc theo điện của Bác Hồ và Trung ương gọi? Sau phút bàng hoàng, Bác nói với tôi “Lạ quá! Sao lại có chuyện gọi chú Nguyễn Bình ra Việt Bắc. Làm sao có chuyện một Trung tướng Nguyễn Bình tung hoành giữa Sài Gòn, lại bị bắn chết trên đường?” Và bên anh Năm (đồng chí Trường Chinh), anh Văn cũng không biết là ai điện vào Nam Bộ gọi Trung tướng Nguyễn Bình ra Trung ương?” (hết trích).
Đến đây, ta càng thấm thía lời dặn dò của Hồ Chí Minh trong Di chúc:
“Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (hết trích).
Tư tưởng, tầm nhìn của Hồ Chí Minh cao đến thế!
Tôi xin kết thúc với câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”!
(Ngày 16.5.2010)
 
II.
Một người không Phật mà rất Phật
Không tắm Hoàng Hà tắm sông Lam
 
Một người rất Mác mà ngoài Mác
Nghèo như chút nhút ngọt như cam
 
Một người quốc tế vì dân tộc
Một lòng sau trước nghĩa kết đoàn
 
Một người hóa thân thành dân nước
Không là thần thánh chẳng vua quan
 
Một người ấp ủ bao khao khát
Như mọi con người ở trần gian
 
Cuộc đời vạn biến mà không khác
Một người toàn vẹn chỉ Việt Nam
(Người  Việt Phương)
Tôi xin tiếp tục với bài thơ Người của Việt Phương – một nhà thơ, một nhà thông thái, rất gần gũi Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Tôi nghĩ, Người là một tổng kết rất ngắn gọn, cô đọng, súc tích, đạt tới tầm khái quát cao về Hồ Chí Minh. Và cách diễn đạt, cách thể hiện của bài thơ cũng rất Việt Phương – nghĩa là đầy tính độc đáo và sự thông tuệ.
Vì sao “Một người rất Mác mà ngoài Mác”? Hồ Chí Minh, con người vừa kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đi khắp bốn biển năm châu, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin rất sâu, ngay trên quê hương của các nhà sáng lập, đã rút ra kết luận của mình: “Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng”. Đó là cốt lõi của chủ nghĩa Mác. Có lần, Hồ Chí Minh hỏi Hà Huy Giáp, bấy giờ là Thứ trưởng Văn hóa, thế nào là chủ nghĩa Mác – Lênin ở VN, đã làm ông Giáp lúng túng. Chủ nghĩa Mác – Lênin ở VN là lý kết hợp với tình. Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin? Như vậy, mọi sự kiên trì, sao chép máy móc, giáo điều về chủ nghĩa Mác – Lênin đều xa lạ với Hồ Chí Minh và điều đó chỉ gây hại cho dân tộc, cho đất nước.
Tôi không có ý định và càng không có khả năng phân tích toàn bộ bài thơ, chỉ hy vọng qua thơ để hiểu thêm về lịch sử.
Ý thơ Việt Phương tiếp tục đưa chúng ta đến tầm nhìn về dân tộc đi trước thời đại của Hồ Chí Minh. Như chúng ta biết, sau Hội nghị hợp nhất ngày 3.2.1930, Quốc tế Cộng sản coi quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là phạm sai lầm hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Trần Phú đã dự thảo Luận cương chính trị và đã được Hội nghị Trung ương tháng 10.1930 thông qua, đồng thời Hội nghị còn thủ tiêu Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc. Nhưng, thực tiễn lịch sử đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn đúng đắn và ngày này chúng ta càng thấy rõ sự đúng đắn đó. Dân tộc phải hướng đến quốc tế, đến nhân loại nhưng quốc tế là để phục vụ dân tộc, vì dân tộc. Lợi ích dân tộc là lợi ích tối cao nhất.
Một người quốc tế vì dân tộc
Một lòng sau trước nghĩa kết đoàn
Ngày 19.5.1941, Hồ Chí Minh thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết mọi giai cấp, mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, giàu nghèo… Chỉ có duy nhất một người (đang bị giam ở nhà tù Sơn La) công kích: “Ông Nguyễn Ái Quốc chứ ông trời chăng nữa mà chủ trương đoàn kết với tất cả các giai tầng xã hội là mơ hồ giai cấp, là phi vô sản, là phi đấu tranh giai cấp. Tôi không thể tin được. Cái ông này hiện nay giữ chức quyền to trong ĐCS VN” (lời ông Vũ Đình Huỳnh). Tìm hiểu một chút về lịch sử, chúng ta sẽ biết “cái ông to” đó là ai.
Ý thơ ngắn gọn mà sâu lắng, càng đọc, càng thu hút chúng ta:
Một người ấp ủ bao khao khát
Như mọi con người ở trần gian
Để hiểu thêm thơ Việt Phương, chúng ta hãy đến với nhà văn Sơn Tùng – một nhà “Hồ Chí Minh học”, trong tác phẩm Bác về đã thuật lại rất hay và cảm động về cuộc gặp gỡ giữa hai chị em Hồ Chí Minh sau ngày độc lập.
Giữa những ngày sôi nổi ấy, bà Hàn Bình, mẹ của Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của Võ Nguyên Giáp) nói với bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái của Hồ Chí Minh rằng, Cụ Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội, Chính phủ do Cụ Hồ đứng đầu và anh Võ Nguyên Giáp của chúng tôi cũng tham gia Chính phủ Cụ Hồ.
Nhìn thấy ảnh của Hồ Chí Minh trên báo, bà Thanh rất mừng, nhưng nửa tin nửa ngờ, đã bốn mươi năm rồi còn gì. Bà mua một vé tàu hạng nhất, hai con vịt bầu nhốt trong một cái lồng, xuống ga Vinh lên tàu ra Hà Nội để xem Cụ Hồ có phải là em trai của mình không. Trên tàu, cả nhân viên coi toa tàu và hành khách đều khó chịu vì cái lồng vịt của bà, nhao nhao đuổi bà ra khỏi toa hạng nhất. Bà đành nín nhịn đi xuống toa đen ngồi, suy tính xem tìm cách nào để có thể tựa lưng một chút cho mặt mũi đỡ bơ phờ khi đến Hà Nội.
Trong khi đó, UB hành chính tỉnh Nghệ An, biết tin bà Thanh ra Hà Nội thăm Cụ Hồ quá muộn, bèn cho một chiếc xe ô tô cấp tốc đuổi theo đoàn tàu và người được giao nhiệm vụ tháp tùng bà đã tìm được bà tại toa đen. Khi ông này mời bà lên toa hạng nhất, đã bị bà Thanh dạy cho một bài học: Các anh thấy người mặc đồ xuyềnh xoàng quê mùa thì khinh rẻ, xua đuổi như đuổi tà, nhưng lại sợ sệt người có chức có quyền. Các anh nên nhớ, Cụ Hồ có chức nhưng không cậy quyền với dân đâu. Tôi là chị Cụ Hồ thì cũng là người dân thôi. Bà Thanh nói như thế, song cũng thắc thỏm, không biết Cụ Hồ có phải là Tất Thành không?
Bà Thanh cảm thấy phiền hà, muốn quay về khi đám lính gác Bắc Bộ phủ – hình như toàn là người Nùng, người Tày, người Mường bắt bà đợi để đi báo cáo cấp trên. Lát sau, ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Hồ Chí Minh ra gặp bà, dặn bà ngồi nghỉ ngơi, để ông đi báo cáo với Cụ Hồ. Một lần nữa, bà Thanh cảm thấy phiền phức và sốt ruột…
Khi ông Vũ Đình Huỳnh quay lại, báo với bà là Hồ Chí Minh đang bận, giao cho ông đưa bà về nghỉ ngơi tại gia đình người quen (giáo sư Đặng), Bác sẽ về gặp bà tại đó, bà Nguyễn Thị Thanh “đứng phắt dậy, sải bước đến góc phòng, xách lồng vịt lên, nghiêm giọng:
- Tôi trở về Nghệ An đây. Ông lên nói với ông Hồ: Tôi không ngờ đứa em trai Nguyễn Tất Thành của tôi bốn chục năm về trước hiếu với cha mẹ, thảo hiền với chị với anh trong nhà, kính yêu thầy bạn. Vậy mà…Bây giờ là ông Chủ tịch nước – Cụ đay nghiến – Chủ tịch nước là vua chứ còn gì? Vậy là em tôi đã thay đổi, đã “quan dân lễ cách” ngay cả với chị gái của mình. Hẹn gặp chị chỗ khác. Sợ gặp chị rách rưới nơi quyền cao chức trọng này xấu hổ cho em chăng”?.
Đợi cho bà bớt giận, ông Vũ Đình Huỳnh đến bên bà, “nói vừa đủ hai người nghe:
- Thưa cụ. Được tin cụ ra thăm, Bác mừng nước mắt nhòe cặp kính lão. Bác muốn chạy ngay xuống đây với cụ. Nhưng Bác đã phải níu chặt tay vào bàn để chịu nỗi nhớ nhung. Vì hiện giờ, chính quyền cách mạng còn trứng nước mà thù trong giặc ngoài như kiến cỏ, chúng đang truy tìm cho Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không? Vì lẽ…”. Ông Vũ Đình Huỳnh đang nỏi dở dang, bà Thanh để lồng vịt xuống, mặt bà ngời ngấn lệ:
- “Tôi hiểu ra rồi. Vì nghĩa lớn…đã vì nghĩa lớn mà bấy lây xa cách, gác lại tình riêng…Chị em tôi…Thôi ông đưa tôi về nhà ông Đặng”.
Non buổi trưa, có tiếng xe hơi ngoài cửa. Tự nhiên, như có ai xoay người bà Thanh ngoảnh mặt vào tường. Bà lắng rõ tiếng chân của cậu Tất Thành đang bước, nhưng cái dỗi như tỳ kéo bà… Hồ Chí Minh ngồi khẽ khàng xuống mép giường, hai bàn tay ấp lên vai bà: “ Chị ơi, chị nỡ nào dỗi với em!”. Bà khóc òa lên!
Không phải ngẫu nhiên mà bà Thanh cố tình mặc áo vá vai, xách theo lồng vịt ra thăm em. Câu chuyện có nguyên do của nó.
Người ta thường nhấn mạnh đến lai lịch chính trị mà ít nói đến lai lịch văn hóa của Hồ Chí Minh. Mà lai lịch văn hóa mới là quan trọng. Đến đây, tôi xin kết thúc Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh với lời của Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh là một con người, trước hết là một con người và sau cùng là một con người! “Một người ấp ủ bao khao khát. Như mọi con người ở trần gian”.
(Ngày 16.5.2013)


Tiếp tục phần bình luận... quanh chủ đề về cố CT HCM.
Trong bức thư ngỏ của Nhà báo kỳ cựu Trần Đình Bá gửi TBT Nguyễn Phú Trọng có đoạn về “Tư tưởng HCM”, chúng tôi cho là “tuyệt vời” và rất chính xác, đó là: “ “Theo tôi tư tưởng của Bác Hồ như một bầu trời đầy sao lấp lánh. Ánh sáng của muôn vàn vì sao đó không chỉ soi rọi con đường giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, xây dựng con người của Việt Nam chúng ta mà còn có tác dụng lớn lao cho toàn nhân loại..” 
Lối sống và những quan điểm, phát ngôn khi sinh thời được cho là của HCM đã làm cho rất nhiều người VN sùng bái ông nâng lên thành “Tư tưởng”, mới đây là “Minh triết”, như tác giả Nguyễn Khắc Mai ở trên từng viết.
Khi đất nước còn đang chìm trong đêm dài mông muội nửa đầu thế kỷ trước, quả tình “Tư tưởng HCM” như “muôn vàn vì sao” lấp lánh. Nó soi rọi đường đi cho những con người lao khổ, dù cho đó chỉ là ánh sáng lờ mờ dưới mặt đất. Nó hấp dẫn, lạ lùng đúng như những vì sao xa tít, khơi gợi trí tưởng tượng, hy vọng lớn lao cho dù ở đó lẫn lộn thật giả từ những vì sao đã tắt, hay lạnh lẽo đầy chết chóc, xa vời không bao giờ với tới được …
Cho đến hôm nay, khi trình độ dân trí toàn xã hội đã khác xưa quá nhiều, giữa thế giới  thông tin nhanh, nhiều, đa dạng, trong đó một phần quan trọng là nhờ có Internet. Thế nhưng, “Tư tưởng HCM” vẫn vậy, vẫn chỉ là “muôn vàn vì sao” lấp lánh. Nên nó chỉ soi đường cho những kẻ sống giữa ban ngày, giữa biển thông tin, kiến thức rộng mở, tự do của nhân loại mà vẫn u mê, lú lẫn như bị mù điếc đang dò dẫm giữa đêm đen; họ lại còn muốn tất cả người dân trên đất nước này phải như mình, sống mông muội vậy cho dễ bề lừa phỉnh và cai trị. 
Ngoài ra, cũng có những người một thời được “muôn vàn vì sao” kia dẫn lối chỉ đường, nay thấy chúng đã trở thành dĩ vãng, không còn thích hợp với mình nữa, nhưng lại cho rằng vẫn rất cần dùng chúng để giúp soi rọi cho những kẻ vẫn lú lẫn giáo điều, “kiên định lập trường” Mác-Lê, đẩy đất nước vào con đường nguy hiểm. 
Trần Đình Bá đã rất chính xác, dù cho có thể … vô tình, là vậy!
Thế nhưng, Trần Đình Bá, Nguyễn Khắc Mai, và cả Trần Gia Ninh trong một bài viết gần đây say mê với khái niệm “Đảng ta” và “Tư tưởng HCM”, họ có vẻ như các bác sĩ đang bốc thuốc kê đơn cho những con nghiện quá nặng. Đem “Tư tưởng HCM” ra thay cho Chủ nghĩa Mác-Lê giáo điều, các “bác sĩ” này đang dùng một liều thuốc gây nghiện để chữa trị cho các con nghiện, thậm chí có thể cả chính họ. 
Nếu như bức thư của Trần Đình Bá chỉ gửi riêng cho TBT Nguyễn Phú Trọng thôi, thì toa thuốc cho con nghiện đã trúng. Thế nhưng, khi nó được công bố rộng rãi, rõ ràng chẳng khác nào bác sĩ Trần Đình Bá đang quảng bá toa thuốc gây nghiện này ra cho … toàn dân xài. Tai hại!
( … Còn tiếp nhiều kỳ).

Trong 2 đính kèm có một số tập hợp đáng đọc....


1. Hoàng Tùng
2. Theo con đường bác Hồ


Biết thêm các góc nhìn khác, để củng cố niềm tin!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét