Kinh tế Nga u ám, Putin cô độc

  Đăng ngày: 1:29 PM - 17/05/2013 
Hơn 100.000 doanh nhân ngồi tù, khoảng 30 nhà đối lập chờ ngày lãnh án, cố vấn thân cận nhất bỏ rơi, uy tín mất dần, tăng trưởng kinh tế từ 5% rơi xuống còn 1 %. Đó là tình hình nước Nga một năm sau ngày ông Vladimir Putin trở lại điện Kremlin.
 
Cánh nay một năm, vào ngày 07/05/2012, sau 4 năm làm thủ tướng, Vladimir Putin trở lại điện Kremlin với nhiệm kỳ tổng thống thứ ba dài sáu năm, qua một cuộc bầu cử bị công luận tố cáo là có gian lận.
Tổng kết thời gian 12 tháng qua, giới phân tích đưa ra hai nhận xét : thứ nhất là « Nga hoàng Vladimir » đã thành công « bịt miệng đối lập ». Theo AFP, cảm thấy phong trào phản kháng với hàng trăm ngàn người biểu tình chống độc tài, tham nhũng và gian lận trong hai cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2011 và bầu cử Tổng thống năm 2012 đe dọa quyền lực, Vladimir Putin ra sức đàn áp bằng biện pháp hình sự.
Kết quả là có khoảng 30 nhà đối lập đang chờ ra tòa với bản án « gây mất trật tự ». Hai nhân vật lãnh đạo là luật sư Alexei Navalny có thể lãnh án 20 tù với tội danh « trốn thuế » còn chủ tịch Mặt Trận Cánh Tả Serguei Oudaltsov bị đe dọa 10 năm lưu đày vì « tham gia bạo động ».
Vừa trấn áp phong trào công dân phản kháng, tổng thống Putin cũng không nhẹ tay với chính phủ. Tuần trước, theo Reuters, trong cuộc họp với nội các, ông Putin đã « lên lớp » toàn bộ nội các từ các bộ trưởng cho đến Thủ tướng Dmitri Medvedev, một kẻ trung thành giữ ghế tổng thống cho Putin trong 4 năm từ 2008 đến 2012.
Trong một động thái chứng tỏ vị thế « độc tôn », chủ nhân điện Kremlin đã truy vấn từng bộ trưởng trước ống kính truyền hình . Cả nội các không ai dám phản ứng kể cả ông Medvedev, trừ một người : phó thủ tướng Vladislav Surkov, một nhà tỷ phú, cố vấn, lý thuyết gia của chế độ bàn tay thép.
Hậu quả là ngày hôm sau, Vladislav Surkov, nhân vật được trọng dụng suốt 12 năm và đặc biệt trong giai đoạn trấn áp phong trào phản kháng bị bắt buộc từ chức.
“Putin không mạnh như xưa”
Theo giới phân tích thì từ 4,5 năm nay, Vladimir Putin chỉ trọng dụng những nhân vật xuất thân từ các cơ quan mật vụ như ông. Trong hai năm trở lại, những khuôn mặt có tiếng là cải cách, tự do đã biến mất.
Một trong những người thân cận trước đây của tổng thống Nga nhận định : tuy quyền lực vẫn còn nắm trong tay nhưng Putin không còn mạnh như xưa. Cô đơn về mặt chính trị, uy tín của « Nga hoàng Vladimir » cũng mất dần theo tỷ lệ kinh tế đi xuống.
Gia tăng đàn áp đối lập trong bối cảnh nội bộ rạn nứt và quốc nạn tẩu tán tài sản, có lẽ tổng thống Nga đang lúng túng do tình thế rối ren, không rõ đâu là nhân đâu là quả: kinh tế xuống dốc, chính quyền bất lực, tham nhũng gian lận.
Theo nhà tranh đấu nhân quyền Ludmila Alexeieva thì chế độ hiện nay « đang sử dụng lại những biện pháp trấn áp xã hội công dân của thời Stalin ». Từ Maxcơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích thêm :
« Phong trào phản kháng tại Nga đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất vì đường lối đàn áp quyết liệt bằng mọi giá của tổng thống Putin. Trong các cuộc biểu tình, cảnh sát cơ động, an ninh tạo dựng nên những cuộc khiêu khích để gây mất trật tự và dựa vào đó bắt hàng loạt người. Trong suốt năm qua…. hai người đã bị án, 15 người bị bắt và 17 người bị truy tố…
Nhưng chính quyền cũng lâm vào tình thế rất khó khăn. Vì khi ra ứng cử, ông Putin hứa hẹn rất nhiều, hứa tăng lương cho tất cả, giải quyết vấn đề xã hội, những lời hứa rất hoành tráng nhưng thực tế một năm qua những lời hứa ấy là lời hứa suông.
Theo thăm dò dư luận thì chưa bao giờ tỷ số tín nhiệm ông Putin xuống thấp như vậy từ 80%, 70% xuống còn 37%.
Tình hình kinh tế Nga chựng lại, không kêu gọi được đầu tư nước ngoài cho nên lời hứa hiện đại hóa kinh tế, rất cần thiết, không được nước ngoài tham gia. Thiếu hutk ngân sách liên bang, nợ chính quyền địa phương quá lớn, chưa nói đến tình trạng 110.000 doanh nhân ngồi tù ,theo con số chính thức. Số tư bản chạy ra nước ngoài chỉ trong quý một năm nay là 50 tỷ đôla.
Ngay trong nội bộ chính quyền cũng có vấn đề mâu thuẫn, người ta nói ngay giữa cặp bài trùng Putin-Medvedev cũng đang « canh chẳng lành cơm chẳng ngọt ».
Phải nhẹ tay với phong trào phản kháng, phải trả tự do cho các doanh nhân đang bị ngồi tù, phải nới rộng dân chủ… nếu tiếp tục như hiện nay thì Nga đi vào con đường bế tắc ».
Họa vô đơn chí : Kế hoạch chấn hưng kinh tế và cải cách chế độ lương bỗng hay phục vụ công ích xã hội của Putin đều dựa trên nguồn dầu hỏa và khí đốt xuất khẩu . Thế nhưng, theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế AIE ngày 14/05/2013 vừa qua thì tiềm năng to lớn của dầu và khí đá phiến của Hoa Kỳ đang được khai thác đã gây một « cơn sốc » làm thỏa mãn nhu cầu thế giới trong năm năm tới. Nói cách khác, giá năng lượng sẽ giảm và những quốc gia xuất khẩu dầu khí như Nga sẽ bị thất thu không tránh khỏi.
Theo rfi

===============

‘Hoa mắt’ vì hoá đơn nhậu, doanh nghiệp ‘tố’ CSGT

Chịu hết xiết vì liên tục bị một trung tá CSGT mời đến…hốt cú chót trong các tiệc nhậu, doanh nghiệp làm đơn “tố”.
Ngày 12-5, ông TNK, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Ba Ngòi, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết: Ông đã gửi đơn “tố” Trung tá Hồ Lưu Luyến, Trạm phó Trạm CSGT Cam Ranh (thuộc Phòng CSGT Công an Khánh Hòa), thường xuyên bắt ông trả tiền các độ nhậu tiếp khách của ông Luyến.
Thấy tên trên điện thoại là sợ!
Theo ông K., doanh nghiệp của ông có hơn 10 đầu xe tải chạy đường dài nên ông rất “biết điều” với lực lượng CSGT, đặc biệt là với Trung tá Luyến. “Vì tôi luôn tỏ ra “biết điều” nên ông Luyến hay mời tôi nhậu nhưng thực chất là gọi tôi đến để trả tiền cho các độ nhậu của ông ấy.
Mỗi lần thấy tên ông Luyến hiện lên trong điện thoại là tôi phải chuẩn bị tiền đến một quán nhậu nào đó để trả, riết thành quen. Những lần tính tiền nhậu cho ông Luyến trước đây khi thì 2 triệu đồng, lúc 5 triệu đồng, cùng lắm là 5 triệu đồng tôi chấp nhận được.
Tuy nhiên, ngày 10-1-2013, tôi “xanh mặt” với cái hóa đơn hơn 13,3 triệu đồng cho chầu nhậu tiếp khách của ông Luyến” – ông K. nói.
Hoa mắt’ vì hoá đơn nhậu, doanh nghiệp ’tố’ CSGT - Tin180.com (Ảnh 1)
Trung tá Luyến đang kiểm tra xe trên quốc lộ 1A. Ảnh: PN
Theo ông K., trưa 10-1, ông nhận điện thoại của ông Luyến rủ đến một quán nhậu ở phường Cam Linh, TP Cam Ranh. Đến nơi, ông hết hồn với phiếu tính tiền hơn 13,3 triệu đồng cho ba chai Chivas 21 (mỗi chai 2,7 triệu đồng), một con chồn nặng 3,7 kg với giá gần 5 triệu đồng. Dù số tiền quá hớp nhưng ông phải bấm bụng trả rồi lấy hóa đơn đỏ ra về.
Ông K. chua chát: “Không ai lấy tiền mình làm ra một cách chân chính mà nhậu tốn kém kiểu này cả”.
Theo ông K., dù xót của nhưng ông vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng chỉ năm ngày sau cuộc nhậu “khủng” trên, số điện thoại của Trung tá Luyến lại hiện lên trong máy điện thoại của ông. Lần này ông Luyến thông tin là Trạm CSGT Cam Ranh đang sửa chữa, đề nghị ông ủng hộ thêm 13-14 triệu đồng!
Có bị “chìm xuồng”?
Chịu hết xiết cách nhũng nhiễu của vị CSGT, ngày 16-1, ông K. làm đơn trình bày toàn bộ vụ việc gửi đến trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa.
“Tôi không muốn làm được bao nhiêu lại cứ è cổ trả tiền nhậu của người khác nên quyết định viết đơn để phản ánh cho lãnh đạo CSGT chấn chỉnh” – ông K. cho biết.
Hoa mắt’ vì hoá đơn nhậu, doanh nghiệp ’tố’ CSGT - Tin180.com (Ảnh 2)
Hoa mắt’ vì hoá đơn nhậu, doanh nghiệp ’tố’ CSGT - Tin180.com (Ảnh 3)

Phiếu tính tiền 13.326.000 đồng của ông Luyến nhưng hóa đơn tính tiền là cho doanh nghiệp ông K.

Được biết sau khi nhận đơn, Phòng CSGT và Thanh tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã cử cán bộ đi xác minh. Công an đã gặp ông K., gặp chủ quán nhậu để tìm hiểu sự việc. “Tuy nhiên, sau khi họ đến gặp và tôi xác nhận mình là người làm đơn thì từ đó đến nay tôi không nhận được thông tin phản hồi nào từ công an về vụ việc này” – ông K. cho biết.
Ngoài vụ việc trên, theo phản ánh của một số lái xe tải tuyến Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận, Trung tá Luyến đã tích cực “vận động” cánh tài xế xe tải vào ăn cơm, đổ xăng tại quán Hương Thu và cây xăng Hội Thu liền kề trên quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận bằng cách đưa card visit cho các lái xe vào đổ xăng, ăn cơm, mua bảo hiểm.
Theo một nguồn tin, cây xăng và quán cơm trên do người nhà ông Luyến đầu tư.
Không có làm sao ông K. biết mà mang tiền đến trả
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phan Long Để, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, về việc “tố” của ông K.
– Thưa ông, việc ông K. làm đơn trình bày, công an tỉnh có biết, việc xử lý đơn đến đâu rồi?
Thanh tra Công an tỉnh cho rằng chưa có cơ sở nên chuyển lại cho Phòng và chúng tôi thừa nhận là chưa có thông báo hoặc trả lời cho ông K. biết kết quả.
– Nhưng trong phiếu tính tiền ghi rõ tên “A. Luyến CSGT” và hóa đơn đỏ tính tiền cho doanh nghiệp ông K. tại quán nhậu này, sao lại bảo là không có cơ sở?
Tôi nghĩ không có thì ông K. nói làm gì. Không có thì làm sao biết mười mấy triệu, nhậu ở đâu mà mang đến trả. Tuy nhiên, thanh tra đã báo cáo lên giám đốc, cho rằng chưa có cơ sở… Tôi cũng đang nghỉ phép nên chưa giải quyết dứt điểm.
– Thưa ông, vậy Phòng CSGT có nghe các lái xe phản ánh về việc người nhà ông Luyến mở cây xăng, quán cơm trên quốc lộ 1A liền kề nhau tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận và “rải” card visit cho cánh lái xe vào ăn cơm, đổ xăng, mua bảo hiểm?
Chúng tôi chưa nghe tài xế phản ánh nhưng vừa rồi tại Cam Ranh, anh em CSGT có chặn một xe tải vi phạm và lái xe đưa ra card visit in hai mặt một bên là cây xăng, một bên là quán cơm nói rằng mới đổ xăng ở cây xăng ông Luyến. Đối với card visit, tôi đã đưa cho một phó giám đốc công an tỉnh và báo là có trường hợp này đã gây nên dư luận không tốt cho lực lượng CSGT của tỉnh. Ông Luyến có đứng tên cây xăng, quán cơm không thì không biết nhưng chắc là của gia đình…
(theo vtc)


=======================

Trung Quốc chuẩn bị kịch bản ‘Kim Jong Un bị lật đổ’

Đăng ngày: 4:00 PM - 16/05/2013
Theo tờ Deutsche Welle (Đức), việc Triều Tiên bất ngờ giảm bớt luận điệu và các hành động hiếu chiến như vừa qua khiến dư luận phỏng đoán rằng có thể Bình Nhưỡng nhận ra rằng nước này đã đẩy Trung Quốc, đồng minh duy nhất trong khu vực, tới bờ vực “cắt đứt” mối quan hệ giữa hai nước.
Tuyên bố của Bình Nhưỡng vào ngày 13/5 về việc đề cử Jang Jong-nam làm “Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang” được đưa ra khá bất ngờ. Ông Jang, vị tư lệnh của các binh đoàn ở tỉnh Kangwon mà ít người biết tới, được chỉ định thay thế Kim Kyok-sik, vị tướng 4 sao đã phục vụ chính quyền Triều Tiên từ rất lâu.
Vừa qua, Triều Tiên bất ngờ thay đổi vị Bộ trưởng quốc phòng có tư tưởng hiếu chiến.
Triều Tiên lùi bước vì Trung Quốc?
Hiện vẫn chưa rõ lí do Tướng Kim bị thay thế nhưng có thể chính sự trung thành đã khiến ông bị loại khỏi Bộ chính trị.
Ông Kim được nhìn nhận là một nhân vật có tư tưởng diều hâu và được cho là đã chỉ đạo vụ nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeongdo của Hàn Quốc hồi tháng 11/2010, khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, phá hủy nhà dân và cơ sở hạ tầng trên hòn đảo này và làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Các nhà phân tích cho rằng bằng cách hi sinh Tướng Kim, Triều Tiên đang đưa ra tín hiệu rằng nước này rút lập trường hiếu chiến kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận trừng phạt Bình Nhưỡng vì vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua.
Và cũng có thể Bình Nhưỡng định cho thấy mong muốn được trở về tình trạng trước khi căng thẳng leo thang. Quân đội Triều Tiên đã rút khỏi tình trạng sẵn sàng cao nhất cho chiến tranh mà ban đầu Bình Nhưỡng chỉ thị khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu cuộc tập trận quân sự thường niên.
Đồng thời, 2 tên lửa tầm trung Musudan được điều động tới khu vực phía đông Triều Tiên đã được đưa về căn cứ. Cuối tháng 4, dư luận lo ngại rằng có thể chính quyền Kim Jong Un sẽ tiến hành thêm các vụ thử tên lửa để truyền tải một thông điệp tới thế giới rằng Triều Tiên không chùn bước trước sức ép của quốc tế về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những động thái của Triều Tiên nhằm bày tỏ thiện chí là quá muộn.
Theo giáo sư Toshimitsu Shigemura của Đại học Waseda ở Tokyo, Nhật Bản, “đây là thời kỳ rất khó khăn đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thời gian là vấn đề quan trọng và có thể Trung Quốc đang tiến tới bỏ rơi Kim Jong Un. Không khí giữa hai quốc gia đang thay đổi. Có thể Trung Quốc đã quyết định rằng đến lúc phải thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng, họ sẽ không muốn để xảy ra tình trạng hỗn loạn ở khu vực biên giới”.
Ngoài ra việc các ngân hàng nhà nước Trung Quốc ngừng giao dịch với Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh đang dần “mạnh tay” với đồng minh của mình.
Kế hoạch của Trung Quốc
Các nguồn tin tình báo cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp chính quyền Kim Jong Un lung lay.
Theo các báo cáo đó, Trung Quốc thực sự đang âm thầm ủng hộ thay đổi chế độ ở Triều Tiên và đang chuẩn bị để Kim Jong Nam, anh trai Kim Jong Un, trở thành nhà lãnh đạo mới của nước này.
Trung Quốc muốn “dựng” anh trai Kim Jong Un, Kim Jong Nam, làm lãnh đạo mới của Triều Tiên?
Kim Jong Nam, 42 tuổi và là con trai cả của cố Chủ tịch Kim Jong Il. Khi ông Kim Jong Il qua đời vào tháng 12/2011, theo lệ Kim Jong Nam sẽ là người kế tục cha mình nhưng anh này bị “thất sủng” sau khi bị bắt giữ tại sân bay Narita, Nhật Bản năm 2001 vì dùng hộ chiếu giả. Kim Jong Nam cho biết anh ta làm như vậy vì muốn đến thăm quan Disneyland.
Sau đó, Kim Jong Nam chuyến tới sống ở Macao và Bắc Kinh, dưới sự giám sát chặt chẽ của giới chức Trung Quốc.
Theo kế hoạch của Trung Quốc, sau khi Kim Jong Nam nắm giữ chính quyền ở Bình Nhưỡng thì Kim Jong Un sẽ có thể sống lưu vong, có khả năng là ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, kế hoạch này của Trung Quốc vẫn có rủi ro một phần là chính quyền Triều Tiên khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh Kim Jong Un là tương lai của đất nước.
Theo Ken Kato, giám đốc Cơ quan nhân quyền châu Á có văn phòng ở Tokyo, ‘có thể Trung Quốc đang mơ đến ngày bổ nhiệm Kim Jong Nam làm “ông vua” mới của Triều Tiên và Kim Jong Nam được phương Tây ưa thích hơn Kim Jong Un. Tuy nhiên có một vấn đề là anh này (Kim Jong Nam) không được dư luận Triều Tiên biết đến nhiều”.
“Bây giờ nhiều người ở Nhật Bản có thể biết nhiều về “gia đình Hoàng gia” Triều Tiên nhưng điều đó lại bị giấu kín ở Triều Tiên. Người dân ở Bình Nhưỡng biết rất ít về Kim Jong Nam”, ông Kato nói.
Các nhà quan sát tình hình Triều Tiên tỏ ra khá tin tưởng vào thông tin từ các báo cáo tình báo nói trên.
Jun Okumura, một nhà phân tích chính trị cho rằng việc Triều Tiên rút tên lửa Musudan dưới sức ép của Bình Nhưỡng là một tín hiệu tích cực.
“Việc Trung Quốc sẵn sàng áp dụng “ranh giới đỏ” với Triều Tiên là thông tin tốt. Điều đó sẽ giúp nâng cao khả năng tạo dựng một tình trạng chính trị tạm thời mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận được”, ông nhận xét.
Theo ông Okumura, nếu Triều Tiên không đi theo kịch bản đó thì “một chính quyền bù nhìn, hậu độc tài là hợp lý”.
Theo infonet