Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

LỜI TÂM SỰ của THANH MAI

LỜI TÂM SỰ

Category: , Tag:
11/07/2007 10:34 am
Photobucket






Vũ Thanh Mai
(sinh ngày 20-12-1940)
Số danh bạ: 102


Vào một ngày đầu năm 1953, mình không còn nhớ rõ, bố mình về thông báo cho mẹ con mình biết là mình được sang Trung Quốc học. Mình rất mừng. Đêm đêm mình tưởng tượng ra nơi mình sắp đến, một chân trời mới lạ đang rộng mở chờ đón mình như thế nào…

Thời gian kháng chiến chống Pháp bố mình làm hiệu trưởng trường Trần Phú, đào tạo các cán bộ cơ sở cho Đảng. Vì sợ lộ bí mật nên trường phải di chuyển khắp nơi, lúc thì lên núi, chui vào hang, khi thì xuống đồng bằng, nay đây mai đó... Mấy chị em mình cần phải có trường để học, cô em út lại mới ra đời, mẹ mình quyết định không đi theo bố nữa. Gia đình mình định cư ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, bên bờ sông Chu nước trong xanh, có bãi cát rộng mênh mông đầy nắng đầy gió.

Chị giúp việc đưa mình tới nơi tập trung. Lên đường sang Trung Quốc với mình có bạn Minh Gương, Quỳnh Giao, Uông, Lan Thanh, chị Đảo, chị Tảo. Các bạn trai trong lớp có Mộng Ngọc, Phạm Phu, Đắc Tâm và một số các anh lớn khác.

Trên đường đi vai đeo ba lô đủ mọi lương thực. Đường sữa uống thoải mái, cơm canh thịt cá chén no nê. Ăn thì sướng nhưng đi bộ thì cực kỳ vất vả. Ban ngày sợ máy bay oanh tạc nên phải đêm đi ngày ngủ. Mỗi lần các anh phụ trách cho nghỉ giải lao dọc đường là tất cả trải ni lông lăn đùng ra ngủ. Muốn đi tiếp, các anh phải đánh thức đội quân này tỉnh lại rất khó khăn. Về sau rút kinh nghiệm, các anh phụ trách không cho nghỉ nữa, cứ thế đi một lèo tới đích, vừa đi vừa hát hò cho quên mỏi mệt.

Đến Hòa Bình, cả đoàn nghỉ ở một quán giải khát, chuẩn bị leo Dốc Cun. Mình và Quỳnh Giao rủ nhau đi thẳng vào phía trong quán, mỗi đứa chiếm một chiếc chõng tre nằm dài. Mình không có ý định ăn uống gì chỉ tranh thủ nằm ngủ vì nhớ lời mẹ dặn dò trước khi chia tay:

-Con giữ số tiền này để phòng khi bị lạc mất đoàn có tiền mua quà mà ăn kẻo bị đói, đừng tiêu lung tung.

Mộng Ngọc làm đoàn phó, kiểm tra thấy thiếu hai đứa nên vào gọi ra. Quỳnh Giao đi ra ngay, còn mình cứ nằm lỳ. Mộng Ngọc phải lay mình :

-Mai ơi! Dậy ăn chè, các bạn đang ăn ở ngoài kia rồi.

-Buồn ngủ lắm, không ăn đâu!

Mộng Ngọc đã đoán ra, liền nói:

-Hôm nay anh phụ trách trả tiền, ăn không mất tiền mà! Phải ăn để lấy sức leo Dốc Cun chứ!

Lúc này thì mình tỉnh hẳn, muốn ra ăn chè lắm nhưng “máu sĩ” nổi lên:

-Không muốn ăn! Để yên cho người ta ngủ!

(Số tiền đó mình giữ đến gần biên giới mới dám tiêu).

May mắn thay, các anh phụ trách đã liên hệ cho bọn mình lên mấy chiếc xe tải chở gạo. Mỗi xe ngồi vài người trên các bao gạo. Xe nhảy chồm chồm, đầu cụng cả vào nóc xe nhưng bọn mình vẫn rất sung sướng vì được đi ô tô, nếu không bọn mình phải leo Dốc Cun suốt đêm, mệt nhọc biết chừng nào.

Mình làm chiến sĩ vệ sinh của đoàn, có nhiệm vụ đôn đốc các bạn tắm gội hàng ngày, rửa chân, mắc màn trước khi đi ngủ. Bạn Phạm Phu rất lười mắc màn, cứ gạ gửi cái đầu vào màn của mình hoặc màn của bạn Uông. Mình thì lắc đầu quầy quậy, còn bạn Uông mủi lòng đã gật đầu cho gửi.

Có một buổi trưa, cả đoàn ngủ ở nhà sàn. Đang ngủ, mình bỗng thấy có gì đè nặng trên người, mở mắt ra thì thấy bạn Đắc Tâm đang tay ôm chân gác lên người mình. Mình tức quá, đứng phắt dậy đá cho bạn ấy một cái rồi mắt nhắm mắt mở lao vào góc nhà nằm vật xuống ngủ tiếp, tai loáng thoáng nghe thấy nhiều tiếng khúc khích. Khi tỉnh dậy, mình mới hiểu ra đấy là trò tinh nghịch của mấy anh lớn. Nhè lúc bọn mình ngủ say như chết, các anh đã khênh hai đứa ra giữa nhà, đặt nằm ôm nhau mà cười cho vui. Trên đường đi các anh ấy xuống giữa chừng để đến khu học xá Nam Ninh học nên mình chẳng nhớ tên

Nhóm tâm giao đầu tiên của mình ở lớp 5 là Lệ Tiến và Bích Ngân. Lệ Tiến làm nhóm trưởng, quản lý hết bánh kẹo của cả nhóm nhưng rất ky bo. Sau mỗi trưa ngủ dậy, Lệ Tiến phân phát bánh kẹo cho bọn mình, chỉ són ra từng ít một để kéo dài tới kỳ lĩnh bánh kẹo lần sau. Mình và Bích Ngân đòi ăn cho đã, hết thì nhịn, bạn ấy nhất định không chịu. Chơi đi trốn tìm, bao giờ bọn mình cũng thắng vì ba đứa trèo lên cây ngồi, các bạn tha hồ lùng sục khắp nơi mà không thể nào tìm thấy (đấy là điều bí mật bây giờ mới tiết lộ). Bọn mình còn thành lập một dây chuyền khuân đá từ bờ ra giữa sông Ly Giang. Nhờ có chuyến du lịch trở về trường Quế Lâm sau này cùng với Thế Long, Bích Ngân mà mình đã biết “Ly Giang” trong ký ức chúng ta thuở ấy thực ra là sông Đào Hoa, chi nhánh của Ly Giang. Bọn mình đã xếp đá thành một hòn đảo để bơi ra đứng nghỉ lấy sức rồi bơi tiếp sang bờ bên kia hoặc quay trở lại cho đỡ mệt. Sau một hôm trời mưa to bão lớn, bọn mình ra sông bơi, hòn đảo đã biến mất. Thế là công dã tràng!

Những ngày ở Quế Lâm mình làm ủy viên bảo vệ sức khỏe của phân đoàn nữ. Hàng ngày nhắc các bạn rửa tay trước khi ăn, kiểm tra móng tay, phát thuốc phòng bệnh, phát băng vệ sinh. Trời rét thì nhắc các bạn “mặc áo ấm và quấn khăn, đi giầy…”. Mình ân hận mãi một điều: Trong mùa đông, có hôm trời nắng ấm, bạn Ngọc Trâm đề nghị cho cởi áo bông. Mình là đứa yếu chịu rét không cảm thấy nóng nên nhất định không cho cởi. Các bạn hồi ấy ngoan thật, chỉ hé mở cúc áo chứ chẳng ai cởi hẳn ra. Về sau mình cứ tự trách: “Sao mình lại dở hơi đến thế!”

5 chàng Ngự lâm pháo thủ và quận chúa Thanh Mai (199?)
Năm 1958, trở về Hà Nội, mình học ở trường Chu Văn An trong một cái lớp toàn bọn “ngố Tàu”. Mình chơi thân với hầu hết các bạn gái. Bạn trai thì mình thân với Lê Như Thanh vì cùng sinh hoạt trong ban ca nhạc của trường. Bạn Thế Dân cũng có nhiều kỷ niệm trong những ngày hè đi đắp đê Mai Lâm. Hồi mình phụ trách một tổ đi dậy bình dân học vụ của lớp ở Đông Thái gần Bưởi thì thân với Nghiệp Chí, Hồng Sĩ. Hai bạn hay đưa đón mình trong các buổi tối đi dạy học. Từ Thụy Khuê đến Đông Thái chưa có điện, tối om. Bọn mình phải vượt qua “miếu Trời ơi!”, “mả Đạm Tiên”, “cầu Ma Thiên Lãnh” mới tới nơi. Nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ của bọn mình vấp phải một “lô cốt boong ke”. Đó là một bà già không chịu đi học. Các bạn thay nhau vận động thế nào cũng không được. Nghĩ tới trách nhiệm của một tổ trưởng, mình đã phải dùng “khổ nhục kế”. Đúng vào tối trời mưa tầm tã, mình không mặc áo mưa, người ướt lướt thướt đến nhà bà xin dậy tại nhà. Vì thương mình bị ướt rét run, bà đã đốt lửa ngồi học ở bếp. Từ đấy, bà đã tự nguyện đi học. Tổ mình xóa hết nạn mù chữ cho cả làng. Mình được nhà trường tuyên dương, tặng bằng khen. Tối hôm mình dùng “khổ nhục kế” cũng là tối bạn Nghiệp Chí đến đón mình, nhường áo mưa cho mình, còn bạn thì đội mưa đưa mình về làm mình rất cảm động. Hôm sau Nghiệp Chí bị cảm nặng, phải bỏ học mất mấy buổi.

Năm lớp 9 ở Chu Văn An, bạn Lệ Tiến rất có cảm tình với bạn Nghiệp Chí. Thấy Nghiệp Chí hay đi cùng mình, Lệ Tiến ghen lắm. Mình thông cảm với bạn, đã thề trước mặt Lệ Tiến và các bạn gái trong tổ:

- Tao thề với chúng mày: ngày nào tao còn học ở trường Chu Văn An, tao không yêu thằng nào hết! Nếu thấy tao yêu, chúng mày cứ nhổ vào mặt tao!

Một tối, trên đường đi dậy bình dân về, mình nói cho Nghiệp Chí biết về tình cảm của Lệ Tiến đối với bạn ấy và hết lời ca tụng Lệ Tiến. Mặt khác, mình né tránh Nghiệp Chí, giả vờ thích Hồng Sĩ. Mình hay đi sóng đôi và nói chuyện ríu rít với Hồng Sĩ trước mặt Nghiệp Chí. Hồng Sĩ tưởng là mình thích bạn ấy thật, nhiều bạn trong lớp cũng nghi ngờ.

Bộ Văn hóa mở đợt tuyển sinh vào trường Điện ảnh để đưa sang Đức đào tạo thành các cán bộ đầu ngành cho xưởng phim Cổ Loa do CHDC Đức tài trợ. Mình và Hồng Sĩ đều trúng tuyển. Các bạn cứ cho là hai đứa rủ nhau đi. Thực tình, đến phòng thi mình mới vỡ lẽ ra là lớp mình có: Thế Dân, Hồng Sĩ, Trần Minh, Xuân Hoài, Bạch Kim, Trung Hùng… cũng thi cùng.

Trong thâm tâm, mình không thích Hồng Sĩ vì bạn ấy cứ như ông cụ non, viết bích báo lần nào cũng như một bài xã luận và hay lên gân với bạn bè. Điều đó mình chỉ nói cho một vài bạn gái biết, còn Hồng Sĩ thì mình không dám nói, làm cho bạn ấy đã hiểu lầm mãi mãi…

Buổi cuối cùng ngồi ở hội trường của trường Chu Văn An làm lễ bế giảng năm học lớp 10, bạn Thế Kỷ đưa quyển sổ lưu niệm cho mình viết. Mình đã tặng bạn một bài thơ mình vừa nghĩ ra, đến bây giờ mình vẫn còn nhớ:

Chúng ta như bầy chim cùng mẹ,
Sống những ngày vui vẻ ấm êm.
Hôm nay ta đã lớn lên
Cùng bay đi khắp nơi trên bầu trời!
Nắng ban mai ngời ngời chiếu sáng,
Bầu trời ta không áng mây mờ.
Nhớ thương nhau trong giờ tạm biệt
Cầm tay nhau chẳng biết nói gì
Rưng rưng lệ thấm trên mi
Ngày mai thôi chẳng còn chi giờ này!

Thời gian học ở trường Tiếng Đức, anh Mai Quốc Anh đã lọt vào tầm mắt mình bởi anh có vóc dáng của một võ sĩ (anh ấy đã từng đi đấu giải quyền Anh của thành phố). Về học hành, văn nghệ, thể thao anh đều xuất sắc hơn mọi người trong trường. Sau khi học xong anh ấy đã thành chồng mình cho tới bây giờ.

Gần tới những ngày cuối của năm học tiếng Đức, Hồng Sĩ hẹn mình cùng đến Đông Thái thăm các bà con là học viên bình dân học vụ. Trường Tiếng Đức nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, phía đối diện với xưởng phim Thời sự tài liệu. Từ đó tới Đông Thái rất gần. Đúng 19 giờ, đi ra cổng trường, mình đã thấy Hồng Sĩ đang đứng đợi. Mình cho rằng đây là cơ hội để có thể tâm sự, giải thích mọi điều với Hồng Sĩ.

Dưới ánh trăng dịu dàng, mình cùng Hồng Sĩ sánh vai nhau đi bách bộ về phía chợ Bưởi rồi vòng xuống Đông Thái. Mình hồi hộp chờ xem bạn nói gì với mình? Hai đứa cứ lầm lũi đi bên nhau tới tận dầu làng mới bàn xem vào nhà ai trước. Đi hết nhà nọ sang nhà kia, chào hỏi vui vẻ với mọi người, thông báo cho họ biết hai đứa được ra nước ngoài học, ai cũng hồ hởi chúc bọn mình lên đường bình an, học hành tấn tới. Kết thúc cuộc viếng thăm, mình và Hồng Sĩ lại lầm lũi đi bên nhau trở về. Mình vẫn cứ đợi… Chỉ cần bạn ấy nói một điều gì có dính líu tới tình cảm hay là nhắc tới Nghiệp Chí, Lệ Tiến hoặc hỏi về quan hệ của mình với anh Quốc Anh là mình có thể dựa vào đấy bộc bạch hết tất cả. Vậy mà bạn ấy cứ lặng im… Như các bạn đã biết, mình thuộc loại rụt rè, ít nói nên cũng im lặng. Về tới sân trường, mình thất vọng:

- Chào tạm biệt! Chúc ngủ ngon! (Bằng tiếng Đức).

Có lần anh Quốc Anh cười nói với mình:

- Chúng nó bảo anh phải đấu súng với Hồng Sĩ đấy!

Mình chỉ giải thích qua loa về tình bạn Quế Lâm của bọn mình.

Sang Đức, mình học trường Hochschule für Angewante Kunst (trường Đại học Nghệ thuật ứng dụng) ở Leipzig rồi trở thành nghệ sĩ hóa trang.

Kết thúc khóa học, mình thực tập tại xưởng phim DEFA ở Posdam, đã gặp Hoàng Trung Hùng. Anh Quốc Anh nhờ Trung Hùng làm “vệ sĩ” cho mình. Anh Quốc Anh kết nghĩa anh em với Trung Hùng từ hồi học tiếng Đức vì cùng có máu hiệp sĩ.

Tất cả các buổi vũ hội giao lưu với diễn viên, sinh viên các nước và Đoàn Thanh niên tự do Đức (FDJ), Trung Hùng luôn luôn ngồi bên cạnh mình. Trung Hùng giới thiệu với các bạn Đức mình là người yêu của bạn ấy. Vì vậy, ai muốn nhảy với mình đều phải xin phép Trung Hùng.

Trên cổ Trung Hùng lúc nào cũng đeo một sợi dây chuyền có ảnh người yêu. Trung Hùng hay tâm sự với mình về cô người yêu, cho mình đọc cả thư tình. Chuẩn bị về, Trung Hùng đã mua vải may áo cưới và đồ trang sức cho người yêu với ý định trở về sẽ làm lễ cưới ngay. Đến khi về tới nhà, Trung Hùng mới biết tin người yêu sắp đi lấy chồng, bạn đã tặng tất cả mọi thứ sắm ở Đức làm quà cưới cho cô.

Trung Hùng làm việc ở Xưởng phim truyện Việt Nam. Hồi đó bạn ấy rất buồn rầu, hay đến rủ mình đi Bờ Hồ, hôm ăn kem, hôm uống nước dừa để dốc hết nỗi lòng. Thấy Trung Hùng sầu não quá, mình mời bạn đi dạy khiêu vũ cùng mình vào các buổi tối cho học sinh Lào ở trường y tế của bố mình. Trung Hùng dần dần vui trở lại. Một hôm, Trung Hùng gặp mình, mời đến dự sinh nhật. Hùng bảo:

- Thanh Mai nhất định phải đến để xem mặt và nói chuyện với con bé gia đình làm mối cho tớ. Chỉ cần cậu gật đầu là tớ chấp nhận, lắc đầu là tớ thôi ngay!

Buổi tối sinh nhật, mình đến tặng Trung Hùng một bó hoa. Trung Hùng giới thiệu mình với cô bạn mới. Cô ta người tầm thước, da trắng, mặt hiền lành, không đẹp nhưng dễ thương. Sau khi chuyện trò một lúc, mình nhìn Trung Hùng gật đầu. Tranh thủ lúc nhảy với Trung Hùng, mình nói tất cả nhận xét của mình. Từ đấy Trung Hùng không đến quấy rầy mình nữa.

Bẵng đi một thời gian, bỗng Trung Hùng xuất hiện trong bộ quần áo rằn ri, đầy vẻ tự hào, đến chào vợ chồng mình để sang Lào chiến đấu. Ít lâu sau mình nghe tin: Trung Hùng đã hy sinh trong một trận đột kích vào sân bay cùng đội trinh sát.

Hình ảnh Hoàng Trung Hùng trong bộ quần áo rằn ri cứ in sâu mãi trong tâm trí mình.

Hiện nay bạn Trung Hùng của chúng ta là liệt sỹ, đang an nghỉ ở nghĩa trang Đường Chín, Quảng Trị. Bạn nào có dịp đi Quảng Trị nhớ ghé thăm bạn ấy nhé.

*
* *

Không khoác vai Quốc Anh lại khoác vai Cát Hồ, Công Sương?( 6.1991)
Về Việt Nam, vì dự án xây dựng xưởng phim bên Cổ Loa bị phá sản nên mình làm ở Vụ nghệ thuật sân khấu gần hai năm. Mới đầu mình làm trong Ban nghiên cứu nghệ thuật. Tối nào mình cũng phải đi xem biểu diễn tại các nhà hát và viết một cuốn sách hướng dẫn hóa trang các nhân vật. Ban nghiên cứu bị giải tán, mình chuyển sang ban nghệ thuật quần chúng, hầu như tháng nào cũng phải đi các tỉnh tham dự các hội diễn nghệ thuật, lên bản Mường nghiên cứu văn hóa cồng chiêng, đi dạy hóa trang cho các đoàn văn công.

Khi nhà hát Giao hưởng-Hợp xướng-Nhạc vũ kịch Việt Nam dựng vở opéra đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, anh Phạm Ngọc Lê, giám đốc nhà hát lên Bộ xin mình về. Từ đó mình làm việc ở nhà hát Giao hưởng-Hợp xướng-Nhạc Vũ kịch Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu.

Năm 1971, nhà hát Kịch nói Trung ương dựng vở “Đồng hồ chuông điện Kremlin”, bộ Văn hóa đặc phái mình sang làm cùng với các chuyên gia Nga để hóa trang vai Lê-nin do anh Can Trường đóng khoảng hơn một năm.

Thời gian này, có chuyến lưu diễn ở Hải Phòng, mình gặp một sự kiện rất bất ngờ. Đấy là buổi tối Mộng Ngọc đến tìm mình tại rạp Hòa Bình. Từ ngày ở Trung Quốc về, lần đầu tiên mình gặp lại Mộng Ngọc, cả hai cùng ngỡ ngàng không nhận ra nhau. Nhờ Tuyết Minh mà bạn ấy biết mình vừa tới đây. Thế là một tháng đoàn biểu diễn, bạn Mộng Ngọc đến đều đặn từ 5h chiều đến 11h đêm như giờ làm việc của mình. Chỉ có bốn buổi bạn bận việc phải vắng mặt. Mộng Ngọc là người “ngoại đạo” duy nhất trong đời chứng kiến mình làm việc suốt buổi tối biểu diễn như thế nào. Vẻ mặt bạn đăm chiêu, tâm hồn bạn khép kín trước mắt mình nhưng mình vẫn cảm nhận được rằng bạn muốn đến đây để hòa mình trong không khí nhộn nhịp của đêm diễn. Bạn muốn cho tâm hồn bay vào thiên đường nghệ thuật để nguôi ngoai nỗi buồn trần tục. Hình như mới xảy ra sự cố gì gây bất trắc cho bạn ấy?!
Mình chỉ thấy Mộng Ngọc tươi cười, vui vẻ nói chuyện lúc dự “bữa cơm Quế Lâm” của bạn Tuyết Minh mời. Thời gian gặp Mộng Ngọc, mình chỉ biết bạn đang dạy ở trường Đại học Hàng hải, chưa vợ, chưa con, chưa cả người yêu.

Mãi mười bốn năm sau, biết tin Mộng Ngọc cưới vợ, Bang Ngạn cùng mình tổ chức một đoàn xuống Hải Phòng chia vui với bạn.

Ngày kỷ niệm 45 năm thành lập trường Quế Lâm là ngày mình gặp Mộng Ngọc lần cuối cùng. Bệnh ung thư não quái ác đã bắt bạn phải ra đi, để lại vợ và một con gái. Mìmh đi du lịch xa nên không đưa tiễn bạn được nhưng có nhiều bạn bè Quế Lâm từ Hà Nội tới chia buồn với gia đình bạn.

Nhân dịp Nhà hát GH-HX-NVKVN biểu diễn trong Thành phố Hồ Chí Minh, mình cũng gặp các bạn Quế Lâm. Các bạn đón tiếp mình rất nhiệt tình, mình vui vô cùng. Nhưng khi nghe các bạn kể về sự bất mãn, sống buông thả của Hồng Sĩ, mình lại buồn quá! Hồng Sĩ đưa mình đến thăm nhà bạn, mình cũng nghe vợ bạn phàn nàn rất nhiều. Trở lại Hà Nội, mình bị ám ảnh mãi. Cuối cùng, mình quyết định lợi dụng tình cảm của Hồng Sĩ đối với mình cộng với sự hiểu lầm xưa kia mà viết cho Hồng Sĩ một lá thư, cốt là để kích động Hồng Sĩ có thêm nghị lực vươn lên. Lá thư ấy mình nhờ Minh Đức chuyển cho Hồng Sĩ, Hồng Sĩ đọc xong lại nhờ Minh Đức giữ hộ. Sau khi Hồng Sĩ lìa xa chúng ta vĩnh viễn, mình đã đồng ý cho Minh Đức công bố lá thư với các bạn trong Thành phố Hồ Chí Minh.


Năm 1992, Nhà hát giảm biên chế, nhiều nghệ sĩ đã về hưu. Lúc ấy là thời kỳ thoái trào của Nhà hát. Nhà hát chẳng còn khả năng dựng một vở opéra quy mô nào nữa mà chỉ dựng được một số trích đoạn. Mình cảm thấy chán nản, hết hứng thú với nghệ thuật. Mình đã kiên quyết xin nghỉ hưu. Mình phải nhờ cả thứ trưởng Trung Kiên can thiệp, ban giám đốc Nhà hát mới đồng ý với điều kiện: khi nào Nhà hát cần vẫn phải đến. Mình muốn nghỉ làm việc để sang Đức thăm con gái và thoải mái đi du lịch khắp mọi nơi.

Hiện nay mình mắc bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu. Ngày nào mình cũng phải uống mấy thứ thuốc. Mình thường xuyên đi bộ, đi nhảy nhót, cố gắng phấn đấu sống vui, sống khỏe để thỉnh thoảng còn tụ hội cùng các bạn.


Tren Vinh 7


Thanh Mai, Lệ Thủy, chị Quế, Ngọc Trâm và các bạn trên vịnh Hạ Long
Mình có một con gái là Mai Anh Sa, nghệ sĩ piano nhưng thích nghề doanh nghiệp. Một con rể là Nguyễn Kỳ Giang, gần trở thành bác sĩ lại thích nghề tin học và đeo đuổi nó lên tới đỉnh cao. Một con trai là Mai Anh Vũ, phóng viên nhưng thích nghiên cứu Phật giáo. Hai cháu ngoại là hai nữ tướng của các ông bà nội ngoại. Cháu nội thì chưa biết tung tích vì mới chỉ có dâu hờ. Khi nào có dâu thật mình sẽ mời các bạn đến dự đám cưới. Sớm thì mời các bạn ăn thịt gà. Muộn thì mời các bạn ăn súp đặc biệt, dù có rụng hết răng, các bạn cứ yên tâm đến dự!


Vũ Thanh Mai
( Hanội, mùa thu 2007)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét