Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

‘Đại cục’ và ván cờ cân não Biển Đôn

‘Đại cục’ và ván cờ cân não Biển Đông

Posted by adminbasam on 27/06/2014
Nguyễn Lễ
26-06-2014
Dương Khiết Trì đã rời Hà Nội nhưng không rõ ‘đại cục’ mà ông nói nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam có ở lại.
Chinese State Councilor Yang meets Vietnamese Communist Party's General Secretary Nguyen in Hanoi
Ông Dương Khiết Trì (trái) nói về ‘đại cục’ khi Việt Nam
Tới Hà Nội, ông Dương nói ‘rất coi trọng quan hệ với Việt Nam’ và muốn khuyên nhủ ‘đứa con lạc lối’ hãy trở về, theo lời lẽ trên báo Trung Quốc.
Rõ ràng Bắc Kinh không có ý nhượng bộ về giàn khoan nhưng lại không muốn cái giàn khoan đó đẩy Hà Nội ra khỏi vòng cương tỏa của mình.
Một lần nữa, ông Dương lại nhắc nhở Hà Nội về đại cục.

Vẫn là đồng chí?

Ông Dương đến Việt Nam với tư cách đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước truyền thông quốc tế, cả chủ lẫn khách đều gọi nhau là ‘đồng chí’.
Nhưng đã lôi nhau ra nói trước mắt bàn dân thiên hạ thì còn đồng chí nỗi gì?
Các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sợ mất tình cảm với Trung Quốc chứ Trung Quốc thì rất thẳng thừng.
Khi chính thức tung ra các bằng chứng cho thấy chính quyền Bắc Việt từng ‘thừa nhận Tây Sa của Trung Quốc’, cốt là để Việt Nam khó ăn khó nói trước quốc tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hẳn phải hiểu họ đẩy nhà chức trách Việt Nam vào thế khó trước người dân của họ.
Đã thủ sẵn ‘đồ chơi’ trong tay, họ đợi khi Việt Nam lên tiếng quyết liệt về chủ quyền Hoàng Sa thì mới tung ra để Việt Nam muối mặt.
Trong cuộc đấu cân não trên Biển Đông, Trung Quốc đang làm chủ tình hình. Họ điềm tĩnh, xem tình hình và ra đòn chính xác.
Trong khi đó thì Việt Nam chạy vạy khắp nơi, thậm chí nhờ đến sự lên tiếng của những nước như Ai Cập và Chile.
Một tuần sau đó, Việt Nam phản đòn bằng cách tập hợp báo chí quốc tế tại Hà Nội để trưng ra bằng chứng chủ quyền của mình.
Tuy nhiên, nếu người Việt xem việc chính quyền Quảng Đông nói Hoàng Sa không thuộc quyền quản lý của họ hồi năm 1898 là bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam bao nhiêu thì dân Trung Quốc cũng nghĩ công hàm Phạm Văn Đồng đã làm sáng tỏ chủ quyền của họ bấy nhiêu.
Đó là chưa nói Quảng Đông chỉ là chính quyền một tỉnh còn văn bản chính thức do thủ tướng ký có đầy đủ giá trị pháp lý của một quốc gia.
Mà không chỉ một văn bản này, Trung Quốc còn nói với thế giới rằng ‘các chính quyền liên tục của Việt Nam trước năm 1974 (Bắc Việt) luôn thừa nhận Tây Sa là của Trung Quốc’.
Bắc Kinh thừa hiểu đây là ‘tình đoàn kết vô sản’ của Hà Nội đối với họ vào lúc đó. Nhưng họ vẫn thừa cơ chộp lấy để biến thành con dao đâm lại Hà Nội.
Có điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt lợi ích quốc gia dân tộc của họ lên trên hết, còn chính quyền Bắc Việt chỉ nên tự trách mình đã không tỉnh táo như họ mà thôi.
Với lại, do Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quyền lãnh đạo không có ai phản biện nên những sai lầm nghiêm trọng như thế này vẫn không bị phát hiện và ngăn chặn.
Nhưng lần này, đòn nặng tay của Trung Quốc dường như đã làm Hà Nội bừng tỉnh.
Chừng mấy năm trước, ai có thể nghĩ rằng sẽ có ngày chính quyền Hà Nội trân trọng Việt Nam Cộng hòa ‘đã giữ chủ quyền’ và nhờ ‘đế quốc Mỹ’ lên án người ‘đồng chí’ Trung Quốc?

Tương quan lực lượng

Dẫu sao đi nữa toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đã được huy động ở mức độ chưa từng thấy để đấu tranh với Trung Quốc.
Trung ương Đảng, Quốc hội, Thủ tướng và mới đây là Chủ tịch nước đều đã lên tiếng. Các nhà ngoại giao Việt Nam tranh thủ mọi diễn đàn; đại sứ tại các nước cũng được huy động; họp báo quốc tế liên tục ở Hà Nội; hệ thống truyền thông đưa tin Biển Đông hàng ngày; còn trên thực địa tàu chấp pháp Việt Nam không ngày nào không đối đầu với tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên trước một đất nước khổng lồ, tiềm lực hùng mạnh, quyết tâm vô bờ thì cơ hội Việt Nam đến đâu?
Người Việt Nam ai cũng rất yêu nước. Nhưng lòng yêu nước không phải của riêng người Việt.
Người dân Trung Quốc vốn một lòng tin sắt đá vào chủ quyền Tây Sa, Nam Sa cũng sẽ sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của họ.
Việt Nam có lịch sử ngàn năm chống lại phong kiến phương Bắc nhưng hai trận hải chiến với Trung Quốc trong thế kỷ trước, cả Bắc Việt hay Nam Việt Nam đều thua.
Khi Trung Quốc vẽ cái lưỡi bò đó để ôm hết Biển Đông trước mặt Việt Nam, rõ ràng họ đã quá coi thường người dân Việt.
Có mặt ở Việt Nam cách nay không lâu, tôi đã nghe từ radio phát bài vọng cổ ‘Nam quốc sơn hà nam đế cư’ ở một tỉnh miền Tây; tôi đã thấy một sạp bán dừa ven đường ở Sài Gòn dán khẩu hiệu đòi Trung Quốc rút giàn khoan; tôi cũng nghe nỗi bức xúc với Trung Quốc từ một bà nội trợ mà trước giờ chỉ quan tâm đến đề đóm…

Luật pháp và lợi ích

Riêng về lý lẽ chủ quyền, tôi nghĩ nếu Trung Quốc có chủ quyền đàng hoàng thì họ nên đấu tranh ngay thẳng để mọi người tâm phục khẩu phục thay vì cứ dùng thủ đoạn.
Để đối phó với Trung Quốc, con đường thông qua luật pháp quốc tế dường như là con đường khả dĩ nhất của Việt Nam hiện nay.
Thế nhưng lý lẽ và luật pháp liệu có bằng lợi ích quốc gia?
Luật pháp quốc tế ở đâu khi người dân Crimea tự ý trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga trong khi vùng đất này không chỉ của riêng người dân Crimea mà còn là một phần lãnh thổ của Ukraine?
Vậy mà khi đưa ra Liên Hiệp Quốc nhiều nước không phản đối. Việt Nam nằm trong số đó dù cũng không ủng hộ.
Vậy làm sao Việt Nam có thể mong chờ các nước ủng hộ ‘lẽ phải’ của mình khi mà nước nào cũng chỉ vì lợi ích của mình mà thôi?
Về phía Việt Nam, cả thủ tướng lẫn chủ tịch nước đều đề cập đến dùng ‘biện pháp pháp lý’. Chủ tịch Trương Tấn Sang trong phát biểu mới đây nói là sẽ sử dụng ‘khi cần thiết’.
Cùng lúc có dư luận ở Việt Nam đang sốt ruột muốn biết ‘khi cần thiết’ là lúc nào?
Khi công khai nói về biện pháp pháp lý, một mặt Hà Nội muốn cảnh báo Bắc Kinh họ có một con bài sẵn sàng chơi với Trung Quốc, mặt khác họ muốn trấn an người dân trong nước chính quyền có thể bảo vệ được chủ quyền.
Tuy nhiên, chính quyền có đủ thứ để cân nhắc chứ không nghĩ đơn giản như người dân.
Có đảm bảo thắng kiện? Có hiệu quả không? Hậu quả trong quan hệ với Trung Quốc?
Các chuyên gia đã chỉ ra dù Việt Nam có thắng kiện thì cũng không thể làm gì được cái giàn khoan. Trong khi đó, một khi đã đưa nhau ra tòa thì hai nước sẽ khó nói chuyện với nhau được nữa và Việt Nam sẽ hứng chịu thiệt hại từ những đòn trả đũa của Trung Quốc như họ đã làm với Philippines.
Với lại, dù là kiện về chủ quyền Hoàng Sa hay kiện giàn khoan thì Trung Quốc đều có vũ khí lợi hại là công hàm 1958 để nói rằng cả quần đảo và vùng biển họ khoan dầu đều ‘không tranh chấp’.
Giả sử Việt Nam mà thua kiện thì không biết lòng dân phẫn nộ với chính quyền đến mức nào?
Một chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam, thạc sỹ Hoàng Việt nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không dám chắc về ‘khả năng thắng của Việt Nam’ vì đây là vấn đề ‘cực kỳ phức tạp’.

Các nước có quan tâm?

Các nước chỉ can thiệp khi họ có lợi ích trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông.
Khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa, lúc đó Mỹ, Nga có lợi ích gì mà bảo vệ Việt Nam? Trong khi đó họ vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay các nước đều lo sợ tranh chấp Biển Đông leo thang thành xung đột thì tuyến đường hàng hải quan trọng sẽ bị gián đoạn.
Và liệu Trung Quốc có đảm bảo cho tàu bè qua lại nếu Biển Đông nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của họ?
Với nữa, một nước lớn có tham vọng lớn như Trung Quốc làm chủ được Biển Đông thì họ có dừng ở đó không?
Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về tự do hàng hải – rõ ràng nhằm vào mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Trong tình hình hiện nay, chỉ cần sơ sẩy một bước nữa, Việt Nam có nguy cơ mất hết.
Nếu sau này dù Việt Nam hay Trung Quốc để mất biển đảo vào tay đối phương thì oan tương sẽ kéo dài không dứt và hai dân tộc láng giềng sẽ hận thù nhau mãi không thôi.
Sẽ là viễn cảnh đau lòng nếu cuộc sống yên bình của người dân hiền lành, lương thiện, chăm chỉ tạo dựng hạnh phúc cho bản thân và gia đình ở hai nước lâm vào cảnh tan nát.
Muốn hóa giải can qua rất cần sự thấu hiểu lẫn nhau của người dân hai nước.
Người Trung Quốc thấu được nỗi uất ức của người dân Việt Nam còn người Việt Nam hiểu được niềm tin chủ quyền của người dân Trung Quốc mạnh mẽ như thế nào.
Trước mắt, cả Việt Nam và Trung Quốc đều không có lợi ích gì trong một cuộc xung đột trên Biển Đông nhưng về lâu dài khi lợi ích của hai bên đi đến chỗ quyết không thể nhượng bộ thì một cuộc đối đầu quân sự xem ra khó tránh khỏi.

 "...Rồi 2 đứa hun nhau, 2 người đ/c?..."

HỌ VẪN CÒN GỌI NHAU LÀ ĐỒNG CHÍ!


Tô Văn Trường
20-06-2014
Anh mắt “rực lửa” của Bộ trưởng Phạm Bình Minh khi bắt tay Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì rất khí phách, thể hiện phong cách ngoại giao trong quan hệ thực chất hiện nay với Trung Quốc. Tiếc rằng trong bài phát biểu của ai nấy đọc , họ lại vẫn còn gọi nhau là “đồng chí”. Nghe rõ chán!  
Luận bàn hai từ “đồng chí”
Ngôn từ nào cũng phải hợp ngữ cảnh thì mới có sức sống. Dùng sai ngữ cảnh thì nó lãng nhách như Trung Quốc hiện nay đã không dấu giếm bộ mặt xâm lược đối với Việt Nam mà hai bên vẫn gọi nhau bằng “đồng chí” thì chẳng khác nào “sấm giữa trời quang”. Cách gọi đó không chỉ vô duyên, mà còn rất phũ phàng, ghẻ lạnh với các chiến sĩ bảo vệ biển và ngư dân ta đang vật lộn, kiên cường bám biển, không quản ngại hy sinh, gian khổ bị tàu Trung Quốc “đâm húc” ngoài Biển Đông, nhất là từ gần hai tháng nay. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi với những người đang giữ trọng trách quản lý điều hành đất nước: phải chăng hai chữ “đồng chí” trong hoàn cảnh nầy chứa đựng sự bí ẩn cũng như “sự kiện Thành đô”, như cụm từ “nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai bên”, “vì đại cục” vv…
Dường như một loạt chữ ĐỒNG như đồng chí, đồng đội, đồng bào… đang bị lặng lẽ thủ tiêu hoặc thay thế bằng đồng tiền và đồng bọn! Thật kinh hoàng! Hay là việc sử dụng từ đồng chí trong ngôn ngữ ngoại giao là để đấu tranh, mang ý nghĩa cao siêu mà dân không hiểu chăng!? Chẳng biết nên hi…hi, ha…ha hay hu…hu đây !!!
Gọi nhau là “đồng chí”  trong hoàn cảnh hiện nay, phải chăng là muốn tái khảng định Việt Nam và Trung Quốc vẫn cùng chung một ý thức hệ vì đồng là cùng và chí là chí hướng hay ý thức hệ . Không lẽ lãnh đạo Đảng và Nhà Nước Việt Nam hiện nay vẫn cố xích lại gần giới cầm quyền và bành trướng Trung Quốc dù bị nó lừa, khinh rẻ, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và bộc lộ rõ mưu đố biến Biển Đông thành ao nhà của chúng?. Nếu duy danh định nghĩa thì Việt Nam và Trung Quốc hiện nay chẳng đồng với nhau về chí hướng cũng như quan điểm tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, có “đồng” chăng là trong một số trường hợp các vị tham nhũng có quyền lợi mờ ám gắn bó với nhau thôi!
Bàn về hai chữ ” đồng chí “, ngay từ hơn 50 năm trước đây, nhà thơ Việt Phương trong bài thơ nổi tiếng mọi thời ” Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi ” (trong tập thơ Cửa mở) đã viết những dòng thơ rất sâu sắc và rất đáng suy ngẫm về hai từ  “đồng chí” này : 
” Ta cứ tưởng đã là đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong lòng ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi không ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường !”.
Có lẽ đây là dòng thơ bất hủ lột tả sự ngộ nhận tệ hại của cả một thế hệ về hai từ đồng chí. Khác với Việt Phương, nhà thơ Tố Hữu cùng thời, lại mơ mộng, lãng mạn với hai từ “đồng chí” đậm tính cách mạng  trong bài thơ ” Xuân 61″: 
“Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí …”  
Cho đến bây giờ, nếu cứ tiếp tục thực sự vẫn coi Trung Quốc là  đồng chí  thì chắc chắn sẽ bị một “phát đạn đồng chí” bắn thẳng vào tim và hậu quả sẽ thảm khốc và không thể tránh khỏi một dòng máu đỏ!. Việt Nam sẽ chết một cách tức tưởi trong u mê và lú lẫn! Đừng để sau này lịch sử và con cháu viết lại những dòng cay đắng “Ngu thì chết, chứ bệnh tật gì đâu” hay “Chết vì ngu, chết vì lú lẫn”! 
Đại biểu Quốc hội phải như thế!
Liên quan đến tình hình Biển Đông, ngày 19/6, tại nghị trường, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa dõng dạc phát biểu : “Nếu Quốc hội không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về Biển Đông, tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang”.
H1Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đang phát biểu
Tiếng nói khảng khái của đại biểu Trương Trọng Nghĩa “đột phá” trên hội trường phản ánh tâm và tầm của vị đại biểu Quốc hội hiểu thấu lòng dân, đồng thời làm cử tri cả nước thấy nhớ và tri ân các vị đại biểu quốc hội các khóa trước như Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Phạm Thị Loan vv…
Nhiều cử tri nhắn nhủ với các vị đại biểu Quốc hội hãy hành xử đúng vai trò, vị thế của người đại diện cho dân, “cộng hưởng” cùng với đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nghị sỹ là cương vị dân cử vào trong nghị trường để có chức năng nghị bàn, nghị luận, chất vấn chứ đâu phải là chỉ cho đủ số, đủ chỗ và … “bấm nút” – kiểu “nghị gật”!
Đại biểu Quốc hội chưa phải là ngự sử nhưng với đại biểu Dương Trung Quốc vừa là nghị sỹ, lại vừa là sử gia chắc chắn ông đã nhìn thấy tấm gương chức quan ngự sử trong những triều đình xưa, cái chức sắc hệ trọng biết chừng nào – khi mà triều đình thay đổi (bây giờ gọi là đảo chính) thì người ta có thể sẽ thay cả loạt các quan chức cũ nhưng riêng quan ngự sử thì cấm chỉ không được động đến (luật bất thành văn), bởi vì quan ngự sử đó chính là pho sách sống của sự thật, của quốc gia! Cho nên, với những vị này thì “lời nói là đọi máu”! 
Sự kiện Biển Đông là thách thức lớn đồng thời tạo cơ hội lớn cho Việt Nam  cải tổ thể chế, đoàn kết và hòa giải dân tộc, thực hiện dân chủ hóa để hòa nhập với cộng đồng thế giới văn minh.  Nếu cứ tiếp tục u mê, lú lẫn và ngộ nhận coi Trung Quốc là đồng chí, là cùng chung một ý thức hệ thì hậu quả sẽ khôn lường. Việt Nam sẽ ngày càng thụt lùi, xa rời thế giới văn minh và lấn sâu vào vũng bùn của Trung Quốc.
Thay cho lời kết
Cái bí ẩn trong từ “đồng chí” cũng như cái bí mật của “Thành Đô”, hay nhận thức chung ở tầm cao, vì đại cục…Muốn giải mật mã này, suy cho cùng chỉ duy nhất có một chữ “KIỆN” có nghĩa là phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về xâm chiếm Hoàng Sa và bành trướng phi lý “đường lưỡi bò” ở biển Đông.
Chỉ có KIỆN thì toàn dân mới biết, sẽ biết người làm sai, nhất là làm rõ “đồng chí”, bốn tốt, 16 chữ chữ vàng…là cái gì. Không kiện là mất lòng dân, mà kiện lỡ nó lòi ra cái gì thì còn có thời gian mà sửa. Kể cả nhận lỗi để thành tâm mà sửa. Chậm trễ, hết thời cơ thì dân tộc ta sẽ mãi mãi bị trầm luân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét