Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn





Đặng Thái Sơn
(2/7/1958 Hà Nội  -  ...............)

Nghệ sĩ Dương Cầm







Đặng Thái Sơn là một Nghệ sĩ Dương Cầm Việt Nam nổi danh sau khi đoạt giải nhất Cuộc Thi Piano Quốc Tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10 năm 1980) ở Warszawa (Ba Lan). Là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải nhất tại cuộc thi danh tiếng này 
Ông xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, cha ông là nhà thơ Đặng Đình Hưng và mẹ là nghệ sĩ piano Thái Thị Liên. Hai anh chị của ông là Đặng Hồng Quang (con riêng ông Hưng) và Trần Thu Hà (con riêng bà Liên) cũng đều đi theo nghiệp dương cầm. Ban đầu Đặng Thái Sơn học piano với mẹ. Năm 1965, ông mới bắt đầu học nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (lúc đó dời sang huyện Yên Dũng, thuộc tỉnh Hà Bắc cũ, cách Hà Nội 70 cây số).

Ông được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz khám phá vào năm 1974. Năm 1976 Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, dưới sự hướng dẫn của Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov. Tại cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (1980), Đặng Thái Sơn là một trong 3 thí sinh tới từ Nhạc viện Tchaikovsky. Hai thí sinh kia là Tatyana Shebanova (người Nga) (đoạt giải nhì) và Ivo Pogorelich (*) (người Nam Tư). Cuộc thi này đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử cuộc thi piano Chopin không chỉ vì đây là lần đầu tiên một người châu Á đã đoạt giải nhất, mà còn vì vụ tai tiếng xảy ra với Yvo Pogorelich, người đã bị loại khỏi vòng 3 vì lối chơi khác thường. Việc loại Pogorelich đã khiến một ủy viên giám khảo nữ danh cầm Martha Argerich bỏ hội đồng giám khảo để phản đối sau khi tuyên bố bà "thấy xấu hổ vì làm ủy viên một hội đồng đã loại một thiên tài". Vụ Pogorelich đã phần nào làm lu mờ giải nhất Chopin năm đó. 

Sau khi đoạt giải, Đặng Thái Sơn quay lại Maxcơva học tiếp và tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovky năm 1983. Sau khi tốt nghiệp, ông nhận lời mời sang giảng dạy tại Nhạc viện Kunitachi tại Tokyo (Nhật Bản).

Kể từ khi đoạt giải Chopin, ông đã trình diễn hầu như ở tất cả các phòng hòa nhạc nổi tiếng.

Ông đã tham gia các dàn nhạc lớn như Orchestre Symphonique de MontréalBBC PhilharmonicPraha Symphony OrchestraMoskva Philharmonic Orchestra cũng như Virtuosi of Moscow.Wiener Kammer OrchesterOrkiestra Filharmoni Narodowejw Warszawie và Sydney Symphony...và đã thu âm tại Deutsche Grammophon,MelodiaPolskie NagraniaCBS Sony và các hãng thu nhạc nổi tiếng khác.

Năm 1984, Đặng Thái Sơn được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân khi mới 26 tuổi, là nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến nay.

Sau 10 năm sống ở Nga (1977-1987) ông dạy nhạc tại Kunitachi Music College(Tokyo, Nhật Bản). Năm 1991, ông định cư tại Montréal, Canada và dạy ở Đại học Montréal. Từ năm 1995, cùng với mẹ, Đặng Thái Sơn đã nhập quốc tịch Canada. Tháng 10 năm 1999 ông đã dạy một khóa nhạc chuyên nghiệp ở Berlin cùng vớiMurray Perahia và Vladimir Davidovich Ashkenazy. Năm 1999, Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Frédéric Chopin. Từng là giám khảo trong nhiều cuộc thi âm nhạc, nhưng Đặng Thái Sơn cũng chính là người Á Đông đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin năm 2005.

Những bài trình diễn của ông thường là những bài nhạc dương cầm của Frédéric Chopin, hay của những nhạc sĩ trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bài nhạc hoà tấu dương cầm của hầu như tất cả những nhà soạn nhạc nổi tiếng (Beethoven, Chopin, SchumannGriegMozartRachmaninov,...).

Tại Gala kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin tháng 3 năm 2010, Đặng Thái Sơn là một trong 3 nghệ sĩ toàn cầu được chọn để biểu diễn (cùng Lý Vân Địch người Trung Quốc và Garrick Ohlsson người Mỹ).
Hiện nay, Đặng Thái Sơn vẫn đang giảng dạy tại Đại học Montréal. Ông còn tham gia nhiều hoạt động tại Nga và Việt Nam: quyên góp tiền để ủng hộ xây dựng lại Nhạc viện Tchaikovsky vì bị hỏa hoạn; cùng một nhóm bạn người Nhật đã thành lập một quỹ từ thiện chủ yếu giúp đỡ Nhạc viện Hà Nội; cũng từ quỹ từ thiện này, Đặng Thái Sơn kêu gọi chính phủ Nhật hỗ trợ sách nhạc, đàn... cho một số trường tại Việt Nam. Hàng năm, ông thường về Việt Nam để tham gia vào các buổi hòa nhạc lớn.





















































Đặng Thái Sơn biểu diễn nhạc:





Frédéric Chopin
(1810 - 1849)








Chopin Scherzo no.2, opus 31
Đăng Thái Sơn năm 1980 










Andante Spianato & Grande Polonaise
Đặng Thái Sơn 1980










Etude in F major Opus.10, no.8
Đặng Thái Sơn  1980













Etude in g-sharp minor opus.25, no.6
Đặng Thái Sơn 1980









Barcarolle in F Sharp, op. 60
Đặng Thái Sơn 1980












Chung kết

Concerto no.2 

Đạng Thái Sơn đoạt Giải Nhất
Chung kết cuộc thi Piano Quốc tế Frédéric Chopin năm 1980 tại Ba Lan




























































Prague 1982









Concerto no.2










Concerto no.1










Polonaise No.3










Nocturne no.2























Đặng Thái Sơn biểu diễn:



Pyotr Ilyich Tchaikovsky
(1840 - 1893)












The Four Seasons

Recital in Japan























Đặng Thái Sơn biểu diễn:





Ludwig Van Beethoven
(1770 - 1827)







Lettre à Élise








(Emperor) Concerto no.5



























Đặng Thái Sơn biểu diễn:



Sergei Rachmaninoff
(1873 - 1943)






Six moments musicaux
 1/3

2/3

3/3






























Gặp lại Đặng Thái Sơn



























Tham khảo thêm về Đặng Thái Sơn






Đặng Thái Sơn: 
Danh cầm cô đơn




“Người không có gia đình như tôi, không phải chịu sức ép nào lên nghệ thuật. Cây đàn trở thành người bạn thân thiết nhất với mình” - nghệ sĩ piano Việt Nam nổi danh trên thế giới tâm sự.



"Tôi có ước mơ xây một trường học âm nhạc cho trẻ em Việt Nam, nhưng rõ ràng là tôi có đánh đến một nghìn buổi cũng không có đủ tiền xây trường. Tôi chỉ đóng góp được về mặt nghệ thuật, còn chuyện tài chính và quản lý là cái mà tôi không thể làm được. Tôi đang tìm những đối tác để thực hiện ước mơ của mình".

- 2010 đánh dấu nhiều cột mốc trong sự nghiệp âm nhạc Đặng Thái Sơn. Với anh điều này có ý nghĩa thế nào?

- 2010, nếu tính về mặt âm nhạc là năm toàn cầu kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin. Cuộc đời tôi gắn liền với nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan và được ưu ái gọi là “Người của Chopin” nên đây là năm rất trọng đại với tôi. Đúng ngày sinh của ông (1/3) sẽ có một cuộc biểu diễn rất lớn ở Ba Lan do ba pianist từng đoạt giải concours Chopin biểu diễn, trong đó có tôi. Điều thú vị là năm 2010, một lần nữa lại có concours mang tên ông vào tháng 10. Concours năm nay có một sự cải cách lớn, giám khảo từ 26 người giảm xuống 12, gồm những người có uy tín về trình diễn Chopin tầm cỡ quốc tế. Tôi may mắn là một trong 12 người đó.

Ở phạm vi Việt Nam, tôi hân hạnh bắt đầu năm đặc biệt này bằng buổi diễn độc tấu ngày 26/1 tại Nhà hát TP HCM. Chương trình có rất nhiều dạng thể khác nhau, từ phổ cập dễ nghe ai cũng biết như Anh hùng, Hát ru đến những bài rất trừu tượng. 10 năm nay tôi không đánh độc tấu ở Sài Gòn, khiến nhiều người “tỵ” rằng tôi ưu ái Hà Nội. Nhân dịp này tôi cũng đưa mẹ về nước, thăm quê ngoại ở TP HCM. Riêng với Hà Nội, để góp phần vào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tôi có kế hoạch biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đúng ngày mùng 1/10 để mở màn đại lễ. Năm nay, tôi kín lịch đến tháng 12.

- Cuộc sống của anh xoay trong guồng quay mê mải của việc lưu diễn, anh cân bằng nó ra sao?

- Hạn chế gặp gỡ. Lúc mình trình diễn đã có sự giao cảm rất lớn với khán giả. Không phải nói chuyện mới là giao tiếp. Khi vào một phòng lớn hàng nghìn người, bao giờ cũng có những luồng giao cảm. Nói về mặt khoa học, mình phóng điện ra thì có lúc cần nạp lại. Sự nạp lại cần yên tĩnh và một mình. Nhiều khi những bạn bè rất gần gũi với tôi trách móc tại sao về không ý ới gặp nhau, nhưng tính tôi thích sự yên tĩnh. Năm nay nhiều sự kiện lớn liên tiếp nên tôi sẽ tập trung vào diễn, sau đó đến đầu 2011, tôi sẽ dành mấy tháng nghỉ hoàn toàn. Lúc đó mình mới có thời gian dành cho bản thân.

Tâm trạng người nghệ sĩ thường xuyên lên xuống, khó có thể cân bằng, phẳng lặng như nước hồ thu. Tôi không cố xây cho mình một bức tường che chắn để bình ổn mà để cảm xúc tự phóng ra. Cái gì đến thì sẽ phải đến thôi.




"Tại concours Chopin năm 1980, lần đầu tiên tôi trình diễn chính thức trước công chúng. Khi ấy cách đánh của một cậu sinh viên rất tươi mát, có gì đó rất thơ, rất trong trắng của tuổi trẻ. Độ tuổi cao, mặt tích cực là ngón nghề được trau chuốt hơn, mặt trái là do tự nhiên, chân tay cơ bắp lỏng lẻo ra nhiều, không thể sung sức như tuổi trẻ".


- Hạn chế gặp gỡ mọi người lại không có gia đình, anh đối mặt với sự cô đơn thế nào?

- Các nhạc sĩ đã cô đơn nhưng nghệ sĩ dương cầm còn cô đơn hơn. Các nhạc cụ khác ra sân khấu, đều có ít nhất hai người. Chỉ riêng piano thường trình diễn một mình. Đó là đặc trưng riêng của nhạc cụ này. Khi chuẩn bị biểu diễn, những người chơi nhạc cụ khác tập trung với nhau luyện tập, còn người chơi dương cầm lủi thủi một mình trong bốn bức tường. Cây đàn trở thành người bạn trung thành, chia sẻ với mình 100%. Những điều thầm kín không nói được với người thân thiết nhất đều có thể nói với cây đàn.

Sự cô đơn, xét góc độ nào đó mang một ý nghĩa tích cực. Cái quan trọng của người nghệ sĩ là làm sao vừa sức mình, nếu ham hố quá sẽ không thể toàn tâm toàn ý với nghệ thuật. Tôi có sự chọn lọc, thích cái gì mới làm. Người không gia đình như tôi, không phải chịu sức ép nào lên nghệ thuật. Bố mẹ tôi cũng chấp nhận điều này.

- Cái tên Đặng Thái Sơn tình cờ trùng với những gì người ta mệnh danh cho anh - quả núi trong âm nhạc Việt. Anh cảm thấy sao khi liên tục phải cố gắng duy trì vị thế của mình?


- Tôi đoạt giải Chopin năm 1980, tính đến nay đã là 30 năm. 30 năm là chặng đường rất dài. Ngày xưa khi học lịch sử, tôi nhớ nhất câu: làm cách mạng giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn. Lập một thành tích là đáng mừng nhưng nhiều người sau đó khó giữ được vị trí của mình vì hiện nay lĩnh vực nào cũng có sự cạnh tranh rất mạnh. Concours Chopin cứ 5 năm lại có một giải nhất và người ta dễ dàng quên những người cũ. Để khán giả nhớ mình thật không đơn giản.

Nghề của tôi nhiều khi cũng tàn nhẫn. Người nghe đến một phòng biểu diễn chờ được nhận những gì hay nhất, tốt nhất, không cần biết đằng sau sân khấu có những gì xảy ra. Người diễn hôm đó có thể tâm lý không đạt 100% do ốm đau, xáo động về tình cảm nhưng nếu anh không đánh được như mọi lần sẽ mất tiếng ngay. Con người không phải cái máy nên 100 buổi diễn của mình không thể là 100 buổi như ý. Hồi mới vào nghề, hôm nào đàn không tốt, tôi mất ăn mất ngủ. Bây giờ, tôi chấp nhận nó như một quy luật tự nhiên. Nếu do mình lười tập không giữ được phong độ thì mình có lỗi, hãy nên dằn vặt. Khi đã cố hết sức nhưng do nhiều lý do dẫn đến kết quả buổi diễn không như ý thì phải chấp nhận. Mệt mỏi là phần không thể thiếu trong cuộc sống. Người luôn vui vẻ cũng thành buồn tẻ. Đời người không chỉ có mệt mỏi mà cả đau đớn. Cho nên tôi đón nhận mọi sự.




"Tôi rời Việt Nam từ năm 19 tuổi. 20 năm đầu đời là quá trình hình thành tính cách con người. Cái tôi hy vọng là hài hòa được cả Đông - Tây trong con người mình".

- 30 năm sau cuộc ghi danh của anh trên đấu trường quốc tế, Nguyễn Việt Trung là người thứ hai của Việt Nam được giới phê bình Ba Lan xem là “thần đồng âm nhạc”. Anh nhìn nhận ra sao về hiện tượng này?


- Gần đây tôi có dịp theo dõi sự phát triển của Trung nhiều. Tôi rất sợ dùng những từ to tát như “thần đồng”. Nhà ai, mẹ thích gọi con là thần đồng cũng được nhưng cuối cùng xã hội sẽ đặt họ ở vị trí đúng với thực lực mỗi người. Nuôi một mầm tài năng phải thật sự tỉnh táo. Ai chẳng thích con mình phát triển nhưng nhiều gia đình Á Đông tôi biết, vì thiếu kinh nghiệm, lăng xê con quá sớm thành ra làm thui chột tài năng của con mà không biết. Trường hợp của Trung rất may mắn vì Trung là em bé ngoan, học hành nghiêm túc và được cha mẹ dành cho những điều kiện tốt. Bố mẹ Trung là người ngoại đạo nên luôn hỏi han những kinh nghiệm chung quanh để giúp Trung phát triển thực thụ. Đây là điều rất tốt. Cách đây vài tháng, tôi có dịp nghe Trung chơi đàn ở Ba Lan và thấy Trung tiến bộ rất nhiều. 12 tuổi trong âm nhạc là còn rất nhỏ, nếu Trung cứ đi đúng đường, tương lai cậu ấy sẽ rất rộng mở.

- Anh có thuận lợi hơn Nguyễn Việt Trung ở chỗ sinh ra trong một gia đình nghệ thuật và được mẹ là nghệ sĩ Thái Thị Liên vun đắp tài năng. Mẹ ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của anh?

- Tôi may mắn sinh ra trong gia đình âm nhạc và được mẹ cho vào học trong nhạc viện. Thời đó bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy không như bây giờ, các bạn trẻ tùy ý chọn đường đi cho mình. Khi đã vào nhạc viện, đánh hay đánh dở gì ra cũng thành thầy cô hết. Nhiều khi tôi băn khoăn nghĩ, nếu ngày xưa không học đàn thì chẳng biết bây giờ mình làm nghề gì. Thời thơ ấy tôi sống ở nông thôn, giống như cậu bé nhà quê, thích chăn trâu, trồng cấy. Có lẽ không học nhạc, không được mẹ hoạch định tương lai, tôi sẽ chọn một nghề nào đó gần gũi với thiên nhiên. Nghề nông chẳng hạn.

Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Ngọc Trần




















Đặng Thái Sơn:
 'Nhờ khán giả, tôi không chơi nhạc như cái máy'





Nghệ sĩ piano nổi tiếng chia sẻ, những buổi biểu diễn cho những khán giả khác nhau đã tạo động lực để ông luôn có cảm xúc mới khi thể hiện các bản nhạc cũ.









Chào NSND Đặng Thái Sơn,
Theo em được biết một nghệ sĩ độc tấu để chơi một bản concerto phải tập luyện trước cả 6 tháng, vậy để chơi đồng thời 5 concerto, xin nghệ sĩ cho biết làm cách nào giữ được thể lực cũng như quá trình tập luyện cho chương trình hòa nhạc ngày 15 và 18/1 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chúc nghệ sĩ nhiều sức khỏe.

Le Duc Hai, Cẩu Giấy, Hà Nội


NSND Đặng Thái Sơn:
Xin chào độc giả báo VnExpress. Tôi rất hân hạnh lần đầu tiên làm trực tuyến với độc giả quý báo. Bản thân tôi cũng là một độc giả của VnExpress, thường xuyên theo dõi tin tức trong nước qua tờ báo này.

Về việc tập luyện, quá trình này chia ra làm hai phần, một phần lúc mình tập bài đó có lúc cả năm, có lúc cả mấy chục năm. Có những bản của Beethoven trong chương trình này tôi đã tập và chơi trong 35 năm. Vì vậy, việc thuộc một Concerto không khó nhưng cái khó là làm sao để nó ngấm vào mình. Lúc diễn người ta chỉ diễn một Concerto với một lần, mà đây là 5 lần.

Đây là một thử thách thực sự nên tôi ví nó như là một cuộc chạy Marathon, vừa phải giữ được phong độ, lại vừa phải dẻo dai. Chương trình này có thể nói là dự án lớn nhất trong cuộc đời tôi từ khi đoạt giải Chopin đến nay. Tôi đã phải thử dượt ở Brazil và Tokyo (Nhật Bản). Về Việt Nam lần này, tôi vững tâm hơn vì sau hai lần đã biết thế nào là "kỹ thuật chạy Marathon".




Kính thưa nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ có suy nghĩ gì trước ý kiến cho rằng sau 50 năm, tính từ những ngày đầu tiên nghệ sĩ chơi đàn, cho đến nay, âm nhạc cổ điển đã, đang và sẽ còn là một điều gì đó rất xa lạ đối với đại đa số quần chúng Việt Nam. Nghệ sĩ đã sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, theo nghệ sĩ chúng ta có thể học hỏi họ điều gì để có thể thay đổi thực trạng trên ở Việt Nam? Xin chân thành cám ơn nghệ sĩ, xin chúc nghệ sĩ năm mới sức khỏe và nhiều may mắn!
Tạ Minh Hiếu, 26 tuổi, Thành phố Kanazawa, Nhật Bản


NSND Đặng Thái Sơn:
Đúng là Việt Nam mình cũng sẽ là chạy theo các dòng nhạc mà các nước khác đã đi trước mình, như một quy luật. Theo tôi, quy luật gần gũi, thân thuộc mà mình có thể học hỏi nhiều là các nước Á châu láng giềng. Ví dụ như Nhật Bản, nhạc cổ điển phát triển ngay sau Thế chiến II, sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong. Sau 30 năm thì Trung Quốc đợt gần đây đang nổi lên.

Mình không thể dám so ngay nhưng ít ra những nước như Thái Lan, Indonesia thì cách đây 10, 15 năm bỗng rực lên rất nhanh chóng. Tôi hay đi chấm các cuộc thi Piano quốc tế thì bây giờ bắt đầu xuất hiện lác đác các đại diện của Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia rất tài năng.

Tôi nghĩ mô hình gần với Việt Nam nhất là Trung Quốc vì cơ cấu xã hội gần giống nhau. Trung Quốc hiện nay lực lượng học cổ điển rất ghê gớm nhưng chỉ riêng Piano thì con số đó cách đây 10 năm là 5 triệu còn hiện tại đã lên đến 20 triệu người. Giới trung lưu luôn ưu tiên giáo dục âm nhạc cho con cái và rất để ý, không tiếc gì trong việc đầu tư. Khi xã hội Việt Nam phát triển giàu có lên thì cũng như vậy.

So với thế hệ của tôi thì khán giả Việt Nam bây giờ cũng đã đỡ xa lạ với nhạc cổ điển hơn xưa rồi. Bây giờ việc học nhạc cổ điển cũng đã thành phong trào. Theo tôi, hệ thống không thể bỏ qua được là mạng trường tư vì nhanh nhẹn, dễ làm. Trường công thì nên đóng vai trò chủ chốt, đầu tư nuôi tài năng là hợp lý nhất. Chuyện quan trọng nhất là phát hiện tài năng và tạo điều kiện cho những tài năng đó phát triển.

Về điều kiện phát triển nhạc cổ điển của Việt Nam hiện nay thì tốt hơn nhiều so với thời của tôi, từ băng đĩa cho tới cơ sở vật chất, đặc biệt là Internet có thể tìm thấy mọi thứ. Ngoài chuyện đầu tư về giáo dục, đời sống âm nhạc cũng rất quan trọng. Ví dụ như Hà Nội, TP HCM - những thành phố lớn - thì có những hoạt động âm nhạc thường niên, có những người nghe đăng ký trước và trở thành thành viên của các câu lạc bộ nhạc cổ điển nhằm tạo ra đời sống âm nhạc phong phú và thường xuyên chứ không phải là bộc phát.

Như tôi biết Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã có những mùa diễn lên chương trình trước và có những hoạt động giáo dục như giảng giải về từng chương trình. Tôi cũng nghĩ nên có những chương trình đi sâu vào khán giả trẻ, định hướng thẩm mỹ cho thế hệ tương lai này.



Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có nhớ chiếc áo sơ mi trắng anh mặc trong lần biểu diễn đêm chung kết cuộc thi Chopin tại Warsawa năm 1980 là của ai không? Của tôi đấy! Khi đó nghệ sĩ là một SV nhỏ bé sang từ Liên xô trong chiếc áo vest mầu xanh nhạt có đai ở lưng áo. Khi đó chưa ai biết anh là ai cả. Khi anh xuất sắc lọt vào vòng chung kết, anh được may một bộ vest cấp tốc nhưng lại thiếu chiếc sơ mi. Tôi đang học tại Học viện Kỹ thuật quân sự WAT, Warszawa, có áo cùng khổ. Theo gợi ý của ĐSQ VN tại Warszawa lúc đó, tôi đã tặng chiếc áo cho nghệ sĩ để biểu diễn. Đêm đó khi anh đoạt giải nhất, chúng tôi trong ký túc xá đã đứng dậy hoan hô mừng thành công của anh, của một người Việt Nam lần đầu tiên đoạt danh hiệu cao quý này. Riêng tôi, tôi tự hào vì đã làm một việc vô cùng nhỏ nhoi cho anh, cho chúng ta, cho Việt Nam!
Tran Quoc Dung, 62 tuổi, 24.01B Hung vuong Plaza, 126 Hong Bang P12, Q5 Tp.HCM


NSND Đặng Thái Sơn:
Hồi đó đi thi, tôi không bao giờ nghĩ vào nổi chung kết nên chỉ mang quần áo biểu diễn bình thường cho 3 vòng đầu chứ không có trang phục đen cho đêm chung kết. Lúc hết vòng 2, tôi linh cảm mình có khả năng vào được vòng trong nên mới gõ cửa đại sứ quán để vay tiền may quần áo nhưng không được. Khi hết vòng 3, chắc chắn tôi đã vào chung kết nên trước hai ngày, tôi gõ cửa lại lần nữa. Lúc ấy mới vay được.

Tôi vào những cửa hàng quần áo tổng hợp ở Ba Lan thì không tìm thấy bộ nào cỡ vừa vì mình nhỏ quá. Ban tổ chức cuộc thi ra chỉ thị cho một thợ may phải may trong 24 tiếng một bộ quần áo nhung đen cho mình. Chỗ đó họ chỉ may cho tôi vest còn đúng là sơ mi thì tôi không nhớ thật. Chắc là lòng tốt của anh đã giúp nhiều cho tôi trong vòng chung kết. Tôi nghĩ áo sơ mi của anh cũng "thiêng" lắm và đã đem may mắn đến cho tôi (Cười). 




Cháu chào bác ạ,
Cháu là học sinh khoa Piano của nhạc viện Hà Nội ạ. Ở đây cháu luôn được dạy rằng nếu muốn đánh cho đạt và chuẩn thì luôn luôn phải đúng nhịp và sạch sẽ. Cháu không được dạy nhiều về cảm xúc âm nhạc, về dựng bài, xử lý câu nhạc tỉ mỉ... Vậy nên theo bác, làm thế nào để chơi và cảm nhận âm nhạc theo đúng nghĩa của nó? Cháu xin cảm ơn.
Bảo Anh



NSND Đặng Thái Sơn:
Câu hỏi này nếu trả lời đầy đủ thì sẽ rất dài cháu ạ. Bác chỉ muốn nhấn mạnh là phải hiểu đúng, đánh đúng nhịp về tiết tấu có hai kiểu, một kiểu là Metronom (máy đánh nhịp), một kiểu là hơi thở tiết tấu âm nhạc tự nhiên. Nhiều học sinh thì luôn nghĩ là đánh đúng nhịp theo kiểu thứ nhất nhưng đó không phải hoàn toàn chính xác, kiểu hai mới là chuẩn.

Còn về cảm xúc âm nhạc và xử lý bài nhạc... phải là đi song song với sự chính xác về mặt kỹ thuật, nếu không muốn nói là động lực còn quan trọng hơn. Nó phải được xác định trước tiên khi tập một bài mới. Đến giai đoạn thứ hai lúc tập mới là giai đoạn hoàn thiện hóa về mặt kỹ thuật.

Tôi được biết nghệ sĩ thỉnh thoảng mở những lớp master ngắn hạn tại VN, vậy nghệ sĩ có ý định thực hiện một khóa đào tạo ngắn hạn trong TP HCM để truyền lại những kinh nghiệm, kỹ năng cho các tài năng trẻ trong TP HCM? Trân trọng cảm ơn NSND Đặng Thái Sơn.
Nam, 41 tuổi, Tân Bình, TPHCM

NSND Đặng Thái Sơn:
Nói chung nguyện vọng của tôi là có chứ nhưng ai tổ chức?

Chào bác Sơn,

Cháu là Bích Hợp và Lan Phiên. Tụi cháu xin hỏi bác:
1. Trong 5 Concerto của Beethoven bác thích bài nào nhất và tại sao?
2. Sau 5 Concerto, bác có dự định đàn 32 Sonates của Beethoven không?

Bich Hop, 12 tuổi, Germany

NSND Đặng Thái Sơn:
1. Bác thích cả 5, mỗi cái một vẻ.

2. Lúc nào bác làm thật bác sẽ nói chứ chưa làm thì không nên hứa.


Chào NSND Đặng Thái Sơn,
Cha ông, nhà thơ Đặng Đình Hưng, có ảnh hưởng như thế nào đối với ông, trên phương diện công việc cũng như cuộc sống?

Phạm Hiệp, 29 tuổi, Taipei, Taiwan

NSND Đặng Thái Sơn:
Cha tôi là người định hướng nghệ thuật quan trọng về mọi mặt, đặc biệt là về thẩm mỹ và nhân sinh quan. Mẹ tôi thì lo về phần trường sở (Piano) một cách cụ thể về kỹ thuật biểu diễn và những cái thuộc về nghề nghiệp. Thời gian tôi sống với cha ít hơn nhưng đôi khi chỉ vài lời nhắc nhở của cha cũng đủ để đọng lại trong suốt cuộc sống của tôi.





Thưa NSND Đặng Thái Sơn, những cái tên nào trong số những pianist trẻ ở châu Á khiến ông để ý và ông đánh giá thế nào về khả năng của họ. So với những tài năng trẻ thế giới như Blechacz, Trifonov... thì những tài năng châu Á còn yếu ở những điểm nào?

Xin ông cho biết nếu bạn trẻ học piano ở Việt Nam muốn phát triển tài năng thì hiện nay nên du học ở những trường đào tạo âm nhạc nào? Chất lượng đào tạo piano ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay liệu có đáng tin cậy và khả năng đào tạo nếu xếp ở ba mức độ tốt, khá, trung bình thì ông xếp ở hạng nào? Cảm ơn NSND và chúc ông nhiều sức khỏe, thành công hơn nữa.

Khôi Nguyên, 55 tuổi, Bà Triệu, Hà Nội

NSND Đặng Thái Sơn:
Pianist châu Á có thể chia ra làm hai thế hệ, thế hệ trước có người mà tôi kính trọng thì có ông Fou T'Song (người Trung Quốc). Còn thế hệ Pianist trẻ bây giờ thì rất nhiều người dễ dàng đoạt những giải cao ở các cuộc thi quốc tế nhưng sau đó để trở thành nghệ sĩ tầm cỡ toàn thế giới thì còn là một chặng đường dài nữa.

Nếu các bạn trẻ học Piano ở Việt Nam muốn phát triển tài năng thì phải chọn trường phù hợp với khả năng mình ở mức độ nào. Cơ bản thì thậm chí ở Á Đông có rất nhiều trường tuyệt vời ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc. Còn nếu ai đã có những cơ bản vững vàng mà muốn tiếp tục học lên cao hơn thì tất nhiên gu của tôi là châu Âu - nơi đó luôn là gốc rễ của nhạc cổ điển và sự đào tạo ở nhiều trường cũng tương đối đồng đều. Mặc dù có những trường nổi tiếng ai cũng biết đến như Hannover ở Đức, Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp), trường Imola ở Italy, Đại học nghệ thuật ở Vienne (Áo) hay London (Anh)...

Ngay ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng có những thầy giáo tay nghề tốt nhưng theo tôi thì cũng nên có những cải cách về chương trình giảng dạy cấp bách.



Kính chào NSND Đặng Thái Sơn,
Em muốn hỏi là: Để trở thành một nghệ sĩ piano có nhất thiết là phải học piano từ nhỏ không vì em thấy hầu hết những nghệ sĩ piano đều được đào tạo từ nhỏ? Nghệ sĩ đã thấy trường hợp nào ngoại lệ chưa? Em học piano từ năm 15 tuổi liệu có thể trở thành một nghệ sĩ piano không?

18, 20/3a1 Bui Thi Xuan

NSND Đặng Thái Sơn:
Tất nhiên là học từ nhỏ sẽ thuận lợi hơn nhưng không phải là yếu tố bắt buộc. Bản thân tôi cũng thuộc loại học muộn. Tuy học từ nhỏ nhưng vì điều kiện chiến tranh nên cả giai đoạn thơ ấu khó có thể gọi là chuyên nghiệp. Tôi thực sự học một cách nghiêm túc là khi sang Nga (Liên Xô cũ). Lúc đó tôi đã 19 tuổi, còn muộn hơn bạn nhiều. Đối với những người học muộn thì phải hơi vất vả để chạy đuổi nhưng tới 30, 40 tuổi thì mình vẫn có trữ lượng để phát triển tiếp.




Anh ơi, công việc của anh là âm nhạc, một nghề rất nhẹ nhàng và thú vị. Anh có bao giờ bị stress chưa? Chắc là chưa?
Thanh, 39 tuổi, San Diego, CA

NSND Đặng Thái Sơn:
Chắc là em chưa học nhạc nên chưa biết nó khổ ải thế nào rồi (cười). Để chuẩn bị cho chương trình hòa nhạc ngày 15 và 18/1 này, anh đã phải "thiền gần chết".

Ngoài âm nhạc, anh có thường đọc sách và xem phim không? Những cuốn sách và những bộ phim nào anh thích?
Minh Vân, 30 tuổi, Cần Thơ

NSND Đặng Thái Sơn:
Tôi đã phải hy sinh rất nhiều thời gian cho nghề nghiệp của mình nên thời gian thư giãn còn lại, tôi thường cần sự im lặng, tĩnh tại và thiên nhiên. Còn đọc sách và coi phim, theo tôi, một phần nó là giải trí nhưng phần quan trọng là học vì nó gắn liền với nghệ thuật âm nhạc.

Về phim thì tôi ít xem phim mới hoặc phim Hollywood. Tôi thích những phim cổ điển của châu Âu như của Visconti hay đặc biệt là Ingmar Bergman vì sau khi xem xong nó còn để cho mình tiếp tục suy nghĩ. Hai ông này cũng đặc biệt am hiểu âm nhạc. Cách dùng âm nhạc trong phim của họ thật là tuyệt hảo, chưa nói đến việc nhiều phim của họ cũng mang chủ đề âm nhạc.

Hiện tôi thích đọc Herman Heisse, một cuốn có tựa đề "Siddhartha" - có tính chất suy ngẫm nhiều về nội tâm con người. Mới hôm kia, trên máy bay tôi đọc lại quyển thơ của bố tôi có tên "Bến lạ". Ngôn ngữ có nhiều tính biểu tượng.

Anh có mua bảo hiểm cho đôi tay của mình không?
Hoàng Hải, 32 tuổi, Đà Nẵng

NSND Đặng Thái Sơn:
Nếu tôi có bảo hiểm thì tôi phải bảo hiểm đầu tôi trước vì nếu đầu có lộn xộn thì còn nguy hiểm hơn tay (Cười).

Dạ thưa bác, cháu muốn hỏi để những ngón tay thật chắc và mạnh đều như nhau khi chơi đàn thì phải luyện nhưng bài tập gì và phương pháp như thế nào ạ?
Trần Nhật Hạ, 15 tuổi, Tp.HCM

NSND Đặng Thái Sơn:
Một trong những điểm yếu trong những ngày đầu tôi bước chân vào Nhạc viện Tchaikovsky ở Matxcơva là ngón tay tôi yếu. Lúc đó thầy cho tập gấp rút hai loại nhạc, một là cổ điển - đặc biệt là Haydn, và nhạc hiện đại thế kỷ 20 - đặc biệt là Prokofiev và Bartok.

Ngoài ra, tập gam hàng ngày (tập không phải một cách máy móc) là không thể thiếu được.

Kính chào nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

Xin cho tôi hỏi ở độ tuổi 30 tôi mới tìm đến âm nhạc cổ điển có là quá muộn không?
Tôi yêu thích âm nhạc cổ điển nhưng chưa có kiến thức nền vững chắc về lĩnh vực nghệ thuật này nên phần nhiều còn thưởng thức chúng theo cảm tính là chính. Xin anh cho lời khuyên?
Cám ơn anh rất nhiều và chúc anh sức khỏe dồi dào!
Mây Xanh, 31 tuổi

NSND Đặng Thái Sơn:
70 tuổi vẫn chưa muộn đâu bạn ạ.




Cháu rất thích nghe các bản nhạc chú biểu diễn. Khi cháu còn nhỏ ông bà cháu thường hay bảo cháu phải noi gương chú Sơn, dòng họ mình rất tự hào về chú. Cháu muốn hỏi là chú có bao giờ nghĩ là sẽ về quê nội của mình biểu diễn cho các ông, bà ở quê nghe không?
Đặng Thị Kim Oanh, 28 tuổi, Thụy Hương - Chương Mỹ - HÀ Nội

NSND Đặng Thái Sơn:
Thực ra tôi có một giấc mơ lãng mạn là biểu diễn xuyên Việt với sân khấu di động trên một chiếc xe ca hạng nặng, chứ còn quê mình đã có phòng hòa nhạc đâu?

Những điều gì mà anh không thể không làm trước khi lên sân khấu?
Hoàng Minh, 45 tuổi, TP HCM

NSND Đặng Thái Sơn:
Tôi phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần, giữ cho thần kinh cân bằng, sáng suốt và tập trung cao độ để "nạp điện" ra sân khấu.

Tại sao ông lại đổi quốc tịch từ Việt Nam sang Canada?
le thanh hai, 28 tuổi, Linh nam, Hoang Mai, Ha noi

NSND Đặng Thái Sơn:
Mặc dù đang sinh sống và có quốc tịch Canada nhưng tôi chưa bao giờ bỏ quốc tịch Việt Nam.

Chào NSND Đặng Thái Sơn.
Cháu là một viên chức bình thường, khoảng 1 năm nay cháu thường xuyên nghe các concerto của bác. Bác có gợi ý gì dành cho khán giả bình dân muốn thưởng thức âm nhạc cổ điển để có những bồi dưỡng cũng như định hướng về thẩm mĩ, mà theo cháu, rất cần thiết để định hình các giá trị tinh thần.
Nguyễn Thế Việt, 29 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội

NSND Đặng Thái Sơn:
Tôi cũng có những chương trình phục vụ cho đông đảo khán giả vào cửa miễn phí đã thực hiện ở nhiều nước khác, thường dưới dạng xem miễn phí ở những buổi tổng duyệt. Còn ở Việt Nam sẽ là nhiệm vụ của phía tổ chức và những cơ quan trách nhiệm vì đó là những chương trình giáo dục.

Đến nay, anh đã dùng qua bao nhiêu cây đàn và anh yêu quý nhất cây đàn nào của mình? Anh có thể ví cây đàn đó như là gì trong cuộc sống của mình?
Lan Vân, 45 tuổi, Tây Nguyên

NSND Đặng Thái Sơn:
Riêng đối với nghệ sĩ dương cầm thì mỗi một cuộc diễn là dùng đàn của phòng hòa nhạc nên người nghệ sĩ phải có khả năng làm quen nhanh, uyển chuyển, linh hoạt. Hiện nay ở quốc tế thì đàn Steinway vẫn được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất. Yamaha và Fazioli đang có những bước tiến vượt bậc. Ở nhà thì tôi lại thích dùng những chiếc đàn cổ Steinway, Bechstein từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vì nó có những âm thanh ấm áp và có hồn nhạc đầy cá tính.






Xin chào NSND Đặng Thái Sơn,
Ngoài piano ra thì bác còn biết chơi loại nhạc cụ nào nữa không ạ ?
20, Tân Bình

NSND Đặng Thái Sơn:
Bác dốt lắm, bác chỉ đánh được một loại đàn thôi (Cười lớn).

Xin chào NSND Đặng Thái Sơn,
Thưa NSND Đặng Thái Sơn , khi biểu diễn 1 bản piano cho người khác thưởng thức thì ta nên đánh theo đúng nguyên bản hay biên lại nó 1 chút theo ý mình ?? Nghệ sĩ có hay biên lại 1 bản piano khi biểu diễn không ạ ???
30, Tân Bình

NSND Đặng Thái Sơn:
Tùy thuộc vào bản nhạc của ai, thời đại nào, của nhạc sĩ nào. Thường thì tôi thích trân trọng nguyên bản. Thi thoảng tôi có làm một số biên soạn riêng trong trường hợp của Cadenza của Concerto.

Anh Sơn nghĩ sao nếu có những thế hệ 8X, 9X bây giờ biết đến Gucci, Valentino nhưng không biết Đặng Thái Sơn là ai?
Vân Oanh, 30 tuổi, Hải Phòng

NSND Đặng Thái Sơn:
Đây là quyền lựa chọn của mỗi người. Xã hội rất đa dạng.

Chào nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, tôi xin hỏi nghệ sĩ có ý định biểu diễn tại Mỹ? Bạn bè tôi cũng như cộng đồng người Việt tại đây thực sự mong muốn được nghe tiếng đàn của nghệ sĩ. Chúc nghệ sĩ nhiều sức khỏe.
Nam Trung, Texas, Hoa Kỳ

NSND Đặng Thái Sơn:
Năm vừa rồi tôi có biểu diễn hai lần ở California (ở San Diego cho Hội các Nhà giáo âm nhạc California và ở Pasadena). Chắc là sắp tới tôi sẽ phải cập nhật thường xuyên hơn thông tin biểu diễn trong website cá nhân để các bạn tiện theo dõi.

Khi đã biểu diễn những bản nhạc cổ điển ở trình độ đỉnh cao, NSND còn giữ được cảm xúc ngỡ ngàng, mới lạ hay tất cả đã trở thành "ngón nghề", biểu diễn bằng kỹ xảo của mình. Những bí quyết nào giúp NSND luôn giữ được đẳng cấp chuyên môn như thế?
Hoàng Xuân Hạnh, 36 tuổi, Tân Kỳ, Nghệ An

NSND Đặng Thái Sơn:
Một câu hỏi rất hay vì đây là vấn đề và thử thách mà tất cả những người diễn chuyên nghiệp đều quan tâm vì có những bài đã chơi đến nửa thế kỷ mà vẫn còn giữ được độ tươi mát như lần đầu mới làm quen. Riêng bản thân việc mỗi lần diễn trong không gian với Piano khác nhau, khán giả khác nhau đã tạo động lực khác nhau cho tôi để làm cho cách thể hiện của mình không lặp lại như cái máy. Về mặt chủ quan, tôi luôn giữ lại một tỷ lệ trong cách xử lý bài cho ngẫu hứng.

Sắp sửa Tết đến, tôi xin chúc độc giả VnExpress một mùa xuân mới chìm trong những âm thanh mới. Chúc VnExpress tiếp tục giữ vững được vị trí của mình là trang báo tiếng Việt được nhiều người xem nhất và là cầu nối của người Việt ở nước ngoài với quê hương.



Nguồn: VnExpress

























Đặng Thái Sơn về Hà Nội biểu diễn 5 tác phẩm Beethoven































Album Đặng Thái Sơn






































Đặng Thái Sơn & Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 
(1993)












Đặng Thái Sơn & Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
(thời nhạc viện Tchaikovsky)





































































Đặng Thái Sơn & Mẹ, Bà Thái Thị Liên 

























































(*) Tham khảo thêm về trường hợp Ivo Pogorelich 






Tiếng đàn của Ivo Pogorelich







Nguyễn Đình Đăng





Trời đổ mưa sau recital của Ivo Pogorelich đêm 9/5 vừa qua tại Suntory Hall ở Tokyo. Trên đường từ phòng hòa nhạc ra ga tầu điện ngầm, tôi vô tình đi sau hai nữ khán giả đứng tuổi. Người phụ nữ châu Âu cất giọng nói to với bà bạn Nhật của mình như để người đi quanh cũng nghe thấy:


- Bùm, bùm..! Không, đó không phải “gu” piano của tôi!



Trong tour diễn tại Nhật lần này, Ivo Pogorelich trình tấu ở 3 thành phố: Kanazawa, Nagoya, và Tokyo. Hai buổi diễn ở Tokyo đều tại Đại khán phòng Suntory Hall. Phòng hòa nhạc này (khai trương năm 1986) là một trong 7 phòng hòa nhạc hạng nhất thế giới được thiết kế theo kiểu vườn nho, với 2006 chỗ ngồi vây quanh sân khấu, sau Berliner Philharmonie (2440 chỗ), Walt Disney Concert Hall tại Los Angeles (2265 chỗ), và Sapporo Concert Hall (2008 chỗ). Nhạc trưởng huyền thoại người Đức Herbert Von Karajan từng gọi Suntory Hall là “hộp trang sức của âm thanh”. Người sáng lập và bỏ tiền ra xây dựng Suntory Hall là nhà tư bản đồng thời là người mê nhạc cổ điển, ông Keizo Saji (1919-1999) – chủ hãng rượu whiskey Suntory.





Khán giả Tokyo trước Suntory Hall chờ vào nghe Ivo Pogorelich đêm 7/5/2012.


Trong đêm diễn đầu (7/5), Pogorelich chơi 2 concertos cho piano của Chopin cùng dàn nhạc giao hưởng (DNGH) Sinfonia Varsovia dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Kazufumi Yamashita. Đêm thứ hai (9/5) là recital. Pogorelich độc tấu sonata “Hành khúc tang lễ” (Op. 35 No. 2 cung Si giáng thứ), nocturne Op. 48 No. 1 (cung Đô thứ) của Chopin, Mephisto Waltz No. 1 S. 514 và piano sonata cung Si thứ S. 178 của Liszt. Tôi đã đặt vé nghe cả hai buổi diễn từ cuối tháng 3. Té ra tôi đã quá lo xa: Tới trước giờ diễn phòng bán vé vẫn mở. Đại khán phòng Suntory Hall vẫn còn khoảng nửa số ghế bỏ trống trong cả hai buổi diễn.

Dù sao đặt chỗ trước vẫn có cái lợi là được vé rẻ mà chỗ lại tốt. Tôi ngồi hàng thứ tư sau dàn nhạc, phía pianist nên nhìn rõ hai bàn tay của Pogorelich. Một số bài báo từng mô tả rằng các buổi hòa nhạc của Pogorelich thường diễn ra khá kỳ quái ngay từ hình thức. Nào là ông yêu cầu tắt hết đèn, chỉ có hai bàn tay ông là được chiếu sáng, nào là ông từng mắng khán giả khi họ làm ồn, v.v. Giờ đây tôi được thực mục sở thị. Vừa bước vào phòng hòa nhạc nửa giờ trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, tôi thấy chính maestro Ivo Pogorelich, đầu đội mũ len, mình vận bộ đồ thể thao, chân xỏ dép lê, ngồi trước cây grand piano Steinway đặt chính giữa sân khấu, đang tập rất chậm những đoạn nhạc từ các tác phẩm ông sẽ trình diễn. Ông chơi rất khẽ, như tìm kiếm âm thanh. Có lúc ông chơi một nốt, rồi nghiêng đầu lắng nghe âm cộng hưởng trong khán phòng. Thỉnh thoảng ông đưa cặp mắt đờ đẫn liếc nhìn khán giả đang lục tục đi vào chỗ ngồi. Chốc chốc ông lại thò tay xuống sàn lấy bình nước khoáng, mở nút, rồi một tay vẫn tiếp tục chơi đàn, tay kia đưa bình lên miệng uống. 10 phút trước lúc buổi diễn bắt đầu, và chỉ sau khi một nữ nhân viên Kajimoto Music – hãng tổ chức biểu diễn nhạc cổ điển – ra nhắc tới lần thứ hai, ông mời chịu đứng lên, uể oải đi vào trong cánh gà.

Ivo Pogorelich xuất hiện như một ngôi sao chổi sáng chói trên bầu trời âm nhạc cổ điển cách đây hơn 3 thập kỷ. Năm 1980 tại cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin lần thứ X ở Warsaw, lối trình diễn Chopin của chàng trai 22 tuổi người Nam Tư này đã khiến tranh cãi nổ ra trong hội đồng giám khảo. Sau khi Pogorelich bị loại khỏi vòng chung kết, nghệ sĩ piano Martha Argerich đã giận dữ bỏ hội đồng giám khảo ra về. Bà nói cảm thấy xấu hổ vì ngồi trong một hội đồng đã loại một thiên tài. Tiếp theo bà, một số giám khảo khác cũng tuyên bố rút khỏi hội đồng. Cuộc thi đã bị ngừng lại 48 tiếng đồng hồ, có nguy cơ phá sản, khiến chủ tịch hội đồng nhà nước Ba Lan phải trực tiếp can thiệp để thuyết phục các giám khảo kia ở lại. Có nguồn tin chưa được kiểm chứng cũng như một số biểu hiện cho thấy việc loại Pogorelich năm đó đã được đạo diễn bởi bàn tay của Moscow[1]. Tuy nhiên, cũng chính vì bị loại mà Pogorelich vụt trở thành nổi tiếng toàn thế giới. Hãng Deutsche Grammaphon uy tín đã ký hợp đồng thu âm với ông. Một năm sau, ông đã được mời biểu diễn ra mắt tại Carnegie Hall ở New York, rồi tại London. Từ đó ông đã lưu diễn độc tấu cũng như cùng các dàn nhạc hàng đầu thế giới, như DNGH Boston, DNGH London, DNGH Chicago, Vienna Philharmonic và Berlin Philharmonic. Dù sao, việc bị loại khỏi cuộc thi Chopin cách đây 32 năm có lẽ cũng là một trong hai nỗi đau lớn nhất đời ông. Tại cuộc họp báo ngay sau khi bị loại, ông nói: “Tôi đã tới đây là để khởi đầu một phương hướng mới trong trình diễn âm nhạc của Chopin.” Song, như ông đã thổ lộ sau này, việc bị loại đã gây cho ông một nỗi thất vọng lớn. Nỗi đau thứ hai, xảy ra khi vợ ông, Aliza Kezeradze, đồng thời từng là người thầy piano của ông, qua đời vào năm 1996, đã khiến ông rơi vào trạng thái trầm cảm, phải ngừng biểu diễn một số năm. Mặc dù vậy, Ivo Pogorelich vẫn nằm trong số những nghệ sĩ piano lừng danh nhất thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua. Có người còn quả quyết rằng, sau khi nghe Pogorelich chơi, nghệ sĩ piano huyền thoại Vladimir Horowitz đã nói: “Bây giờ thì tôi có thể nhắm mắt được rồi.”

Tiếng vỗ tay nổi lên khi Pogorelich và nhạc trưởng Yamashita bước ra sân khấu. Sau 15 phút, Pogorelich đã kịp thay đồ để biến hóa từ bộ dạng của một ông Tây ba-lô, thành một người đàn ông cao to lịch lãm, nét mặt đượm buồn, tóc điểm bạc húi cua, vận bộ cánh biểu diễn đuôi én màu đen quý phái. Ông chậm rãi cúi chào rồi đặt bản nhạc lên giá. Hầu hết các nghệ sĩ độc tấu đều biểu diễn theo trí nhớ. Chỉ có vài người nhìn bản nhạc khi chơi, cho dù đó là những tác phẩm họ đã diễn đi diễn lại hàng trăm lần. Ngoài Pogorelich, tôi biết ít nhất một người nữa như vậy: danh cầm Sviatoslav Richter [2]. Dàn nhạc cỡ thính phòng, chỉ gồm 15 nhạc công từ DNGH Sinfonia Varsovia, ngồi phía trước đàn piano. Sinfonia Varsovia vốn xuất thân từ Dàn nhạc thính phòng Ba Lan (Polish Chamber Orchestra). Dàn nhạc này sau đó được mở rộng và đổi tên thành DNGH Sinfonia Varsovia để đệm cho danh cầm violin Yehudi Menuhin khi ông này sang Ba Lan biểu diễn vào năm 1984. Menuhin cho rằng không một dàn nhạc nào ông từng chỉ huy hoặc diễn cùng lại làm ông thỏa mãn như Sinfonia Varsovia.

Chương 1, Allegro maestoso, của concerto số 1 có phần mở đầu bằng dàn nhạc khá dài, 138 nhịp, khiến người nghe chờ đợi những hợp âm đầu tiên của piano. Và đây rồi, “mi, ré-mi-sol, si, si, si”. Hai hợp âm cuối cùng được ghi trong tổng phổ như các hợp âm rải, nhưng hai bàn tay rộng trời sinh của Pogorelich đã chơi tất cả các notes cùng một lúc. Những đoạn chạy nhanh vụt lên chao xuống, những đoạn chậm dài lê thê. Những hợp âm mạnh vang rền như tiếng sấm, khiến có lúc tôi tưởng toàn bộ vòm trần Suntory Hall sắp sụp xuống, trong khi những notes cao và nhẹ nghe như gió thoảng lướt trên đầu các khóm trúc. Tôi chưa từng thấy một pianist thứ hai nào, kể cả Vladimir Horowitz, có được mộtfortissimo mạnh và một pianissimo nhẹ như của Pogorelich. Nhưng các hợp âm forte của Pogorelich không đanh, mà sâu và đen tối như vực thẳm, còn những đoạn crescendo (to dần) như sóng biển dâng trào với một sức mạnh khủng khiếp không gì ngăn cản nổi. Lên tới đỉnh điểm, âm thanh như tsunami vượt qua kè chắn, nhấn chìm mọi vật. Các đoạn chạy, dù là rất nhẹ, cũng rõ từng note, long lanh như giọt sương, giọt ngọc, phản quang muôn sắc cầu vồng, tựa hồ ánh sáng chen với bóng tối ngay trong một câu nhạc. Âm nhạc Chopin trong cách trình bày của Pogorelich hiện lên như những kiệt tác chiaroscuro[3] đầy tương phản, giàu độ chuyển sắc, và huyền bí của Rembrandt. Lối nhấn, và chơi mạnh bè trầm ở tay trái khiến tiếng đàn của Pogorelich thậm chí còn mang cả hơi thở của nhạc rock!

Nếu những cách trình bày truyền thống vẽ nên những bức tranh đẹp khi được ngắm nhìn từ xa, mà để săm soi các chi tiết, người xem phải tiến lại gần, có khi phải dùng kính lúp quan sát, thì lối chơi của Pogorelich cho khán giả nhìn thấy cả toàn cục lẫn chi tiết cùng một lúc, các mảng sáng tối lớn đồng hiện cùng các nếp vải, các loé sáng từ những viên đá quý nạm trên hoa tai, vòng cổ, và giọt lệ ngập ngừng trong khoé mắt.

Đó có còn là Chopin nữa không? Dĩ nhiên đó vẫn là bản nhạc của Chopin. Trong toàn bộ 2 concerti, tai tôi nghe thấy Pogorelich chỉ chơi sai một note. Nhưng ông đã thay đổi hầu như toàn bộ cách thể hiện, tempo, cường độ, trường độ, thậm chí đôi khi cả nhịp điệu. Ví dụ, trong chương 3 (Rondo - Vivace) của concerto số 1, các appoggiatura kép [4] cùng với note chính ở nhịp 173, 181, 189, 203, và trong phần lặp lại ở nhịp 417, 425, 433, 447, đã được ông chơi thành móc tam, nhấn vào note đầu tiên. Như một hoạ sĩ vẽ chân dung, coi khinh việc khôi phục sự “giống” bề ngoài, để vẽ nên dung nhan tinh thần được nhìn từ nhiều phía cùng một lúc, Pogorelich đã khai triển các ý tưởng âm nhạc thành chuỗi, thành dãy, lôi từ các đoạn chạy ra những giai điệu bất ngờ trong một không gian âm nhạc đa chiều đa diện.

Đối với một số người, ví dụ như cô giáo dạy piano của tôi, những thay đổi như vậy tương đương với một tác phẩm khác. Đúng, nếu quý vị chờ đợi một Chopin “truyền thống”, một Chopin ve vuốt lỗ tai, thì quý vị chắc sẽ thất vọng khi nghe Pogorelich. Ít nhất, quý vị hãy tìm nghe những người từng đoạt giải tại các cuộc thi piano quốc tế, đặc biệt là cuộc thi Chopin, nơi người ta đã đặt ra một tiêu chuẩn, một cái khuôn sẵn cho thẩm mỹ âm nhạc. Có cả một danh sách dài dặc những pianists như vậy. Riêng cuộc thi Chopin từ năm 1927 tới nay đã có 15 người đoạt giải nhất, 17 người giải nhì, 17 người giải ba, chưa kể giải 4 – 6. Nhưng xét cho cùng, chúng ta là ai để có thể phán xét và ép buộc Chopin phải là thế nào trong cảm nhận của người khác?

Khi Pogorelich kết thúc concerto số 2, tiếng vỗ tay nổi lên ầm ầm xen với tiếng kêu “Bravo” tứ phía, trong đó có cả giọng phụ nữ. Pogorelich phải ra chào tới 7 lần, nhưng ông không chơi encore.

Xuất hiện trong đêm recital, với tập nhạc trong tay, ông xếp bản nhạc đầu tiên, sonata số 2 của Chopin, lên giá nhạc, rồi vứt toẹt các bản còn lại xuống sàn, cạnh chân đàn piano.

Sviatoslav Richter, sau khi ngồi xuống, thường đếm nhẩm tới 30 trước khi chơi note đầu tiên. Vladimir Horowitz thường quay xuống ngó khán giả một lượt, nháy mắt với vài người quen, rồi mới bắt đầu. Arturo Michelangeli thì ngồi yên lặng, xoa tay như bắt quyết. Còn Pogorelich vừa ngồi xuống, đã vung tay trái chơi ngay “Ré – mi mi…”, không để khán giả kịp chờ đợi. Grave - Doppio movimento (uy nghi – nhanh gấp đôi) của ông dồn dập như bão tố. Tuy nhiên đây là cơn bão trong tâm hồn của một Pogorelich ngoại ngũ tuần, đã từng trải và đầy đau khổ. Nó sôi sục trong sâu thẳm và âm u, chứ không tuôn trào, uất ức như khi ông chơi chính bản nhạc này cách đây 32 năm tại cuộc thi Chopin ở Warsaw. Trong “Hành khúc tang lễ”, những hợp âm trầm hùng cung Si giáng thứ nối tiếp nhau to dần rồi lại khẽ đi như những bước chân đoàn người đưa tang khi gần khi xa. Vượt lên trên nền hành khúc u tối nặng nề đó là tiếng than khóc cung Ré giáng trưởng, mà Pogorelich chơi thật trong sáng, ngân nga, và day dứt. Đoạn kết sonata sầm sập gió cuốn, đá lăn, và kết thúc cũng bất ngờ như khi bắt đầu.

Nocturne op. 48 No. 1 thường được coi là thành tựu vĩ đại nhất về cảm xúc của Chopin. Nhà phê bình Kleczytheński cho rằng đoạn giữa của nocturne này là “câu chuyện về một nỗi đau còn lớn hơn, được kể lại bồn chồn khắc khoải; những tiếng thụ cầm vẳng xuống từ thiên đàng mang đến một tia hy vọng, nhưng rồi cũng trở nên bất lực khi cố xoa dịu tâm hồn đã bị tổn thương.” Nhưng, kể cả với nocturne này, Pogorelich cũng chơi hoàn toàn khác phong cách truyền thống. Phần Lento (chậm) được ông chơi rất chậm. Những hợp âm mạnh ở bè trầm và những note nhấn soprano (giọng nữ cao) đã làm biến mất mezza voce (giọng vừa và dịu) theo cách hiểu thông thường. Bất chợt, người ta không thể nhắm mắt lim dim nghe tiếng nhạc du dương quen thuộc, mà phải tự hỏi vì sao ông lại chơi khác lạ như thế. Ông chơi cả 3 phần lento, pìu lento (chậm hơn), và doppio movimento (nhanh gấp đôi) với một tốc độ gần như bằng nhau. Đoạn kết của phần đầu thường được chơi căng thẳng và mạnh. Nhưng Pogorelich lại làm ngược lại: Ông chơi rất khẽ. Đoạn các nhóm 3 notes móc kép được ông chơi thật tuyệt, với lối crescendo vô song của ông: chuyển từ thì thầm, u tối, một cách từ từ, liên tục, âm ỉ, tới bừng sáng, bùng lên như muốn vỡ tung lồng ngực.

Mephisto Waltz của Liszt mô tả một đoạn trong Faust. Faust là một tiến sĩ thần học, bác sĩ, đồng thời là một nhà toán học lừng danh, đã ký giao kèo bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy kiến thức vô biên và khoái lạc. Sau 24 năm, khi hợp đồng hết hạn, Faust đã bị quỷ Satan tới xé xác, máu me bắn toé khắp nhà. Mephisto Waltz số 1 mô tả đoạn Faust và quỷ Mephistopheles - sứ giả của Satan - ghé vào dự một đám cưới tại một ngôi làng. Mephistopheles vớ một cây vĩ cầm từ một nhạc công bị hắn bỏ bùa, chơi một điệu nhạc đầy men say cực kỳ quyến rũ, khiến Faust trở nên si mê quay cuồng với một gái làng trong một điệu vũ man dại, từ trong phòng ra ngoài sân, rồi vào rừng. Đến đây tiếng vĩ cầm trở nên dịu dàng, tới khi chim hoạ mi cất tiếng hót tràn ngập tình yêu. Mephisto Waltz trong tiếng đàn của Pogorelich nghe như âm thanh của một dàn nhạc. Các ngón tay dài và khoẻ của ông cắm ngập xuống phím đàn như móng vuốt của con mãnh thú cắm vào da thịt con mồi, cầy lên những vắt cung bậc ma quái, nhễ nhại âm sắc của dàn dây, của bộ gõ, bộ hơi với một công lực mà tôi chỉ từng cảm thấy, nếu như có một chút tương đồng, từ Vladimir Horowitz.

Trong hai đêm hoà nhạc, Pogorelich dường như đã đưa tôi ngao du từ các bức tranh Baroque trong hai concerti, vượt qua Cổ Điển, Lãng mạn trong sonata và nocturne của Chopin, tới Siêu thực trong Mephisto Waltz và Lập Thể giải tích trong sonata của Liszt.

Những note cuối cùng của bản sonata 35 trang này được ông chơi cách quãng tới xa xăm. Kết thúc bản sonata, ông giữ ngón tay rất lâu trên note si thấp nhất, cho tới sau khi toàn bộ âm thanh đã tắt hẳn.

Cả khán phòng mênh mông chìm vào im lặng, không tiếng ho, tiếng sột soạt, thậm chí cả tiếng thở. Hình như tất cả khán giả cùng nín thở lúc đó.

Im lặng tưởng như tuyệt đối.

Im lặng tới mức cả 4’33’’ của John Cage cũng phải chào thua.

Im lặng của Cái Chết.




Ivo Pogorelich từ giã các fans, lên xe ra về sau đêm diễn 7/5/2012. Xem video cliptại đây.


Đối với một người đã thành thục các kỹ thuật phức tạp nhất của nghệ thuật chơi piano từ năm 16 tuổi, và vào học tại nhạc viện Moscow 5 năm trời “chỉ để hiểu mình không nên chơi piano như thế nào”, thì chơi piano theo phong cách truyền thống của số đông là một việc dễ như chạy gamme. Nhưng Pogorelich đã sớm từ bỏ con đường làm một nghệ sĩ piano “giỏi nhưng tầm thường” để trở thành một pianist ngoại hạng. Ivo Pogorelich trong trình diễn piano hiện đại cũng tựa như Pablo Picasso trong hội hoạ, dù năm 12 tuổi đã vẽ như Raphael, song đã từ chối đi theo lối cũ, để sáng tạo nên “Các cô gái Avignon” và ”La Guernica”, mà cho đến tận giờ, nhiều người vẫn không “tiêu hoá” nổi.

Nếu thiên nhiên chỉ là cái cớ để Rembrandt, Picasso sáng tạo nên các kiệt tác hội họa của mình, thì Mozart, Beethoven, Chopin, Liszt, Ravel, Rachmaninov, Balakirev, v.v có lẽ chỉ là nguồn mạch để từ đó Pogorelich rút ra tiếng đàn và cách biểu hiện của riêng ông. Đó là tác phẩm nghệ thuật, nhân cách nghệ sĩ của ông, vô tiền khoáng hậu.

Vì thế, việc Đại khán phòng Suntory Hall còn nhiều chỗ trống trong hai đêm diễn của Ivo Pogorelich không phải là điều ngạc nhiên. Một người bình thường thích âm nhạc và nghệ thuật qua con đường học vấn dễ bị điều kiện hoá bởi những gì chính thống cho là hay là đẹp. Tiềm thức con người luôn so sánh những gì mình đang nhìn thấy hoặc đang nghe thấy với những gì đã từng nhìn và nghe thấy, nay còn đọng lại trong trí nhớ. Kho dữ liệu ấy luôn đi kèm với những tiêu chuẩn về cái hay cái đẹp mà con người được dạy và được học. Chính cái nền học vấn và văn hoá này đã khiến người ta không còn vô tư khi thưởng thức nghệ thuật. Người ta không thích Chopin trong cách trình bày của Pogorelich không phải vì tiếng đàn (rất đẹp) hay kỹ thuật (siêu việt) của ông, mà bởi ông chơi Chopin hoàn toàn khác thường. Không ít người coi lối chơi của Pogorelich là quá táo bạo, quá mạnh, như một cuộc cách mạng, trong khi người ta chỉ muốn “cải lương”, cải tiến chút xíu trong cách trình diễn, chủ yếu nặng về kỹ thuật, không đi chệch ra khỏi dòng chính của “phong cách Chopin”, đã được thiết lập vững chắc bởi những nhạc viện, viện nghiên cứu, hội đoàn “chính thống” đầy “thẩm quyền” trên toàn thế giới. Ngày nay, để có một “sự nghiệp quốc tế”, một nghệ sĩ piano thường phải đi theo con đường đã vạch sẵn (học nhiều năm tại nhạc viện, chơi theo yêu cầu để thắng tại các cuộc thi, giành các hợp đồng biểu diễn, v.v.). Đối với những người như vậy, lối chơi của Pogorelich cũng gần như một sự phủ nhận, một sự xúc phạm. Thực ra, những gì Pogorelich đang làm trong nghệ thuật trình tấu piano cũng tương tự như những xì-căng-đan mà Edouard Manet hay Claude Monet đã gây ra trong hội họa cuối thế kỷ 19 khi các hoạ sĩ này tuyên chiến với “trường phái hàn lâm”.

Dù sao, những người trung thành với phong cách piano truyền thống vẫn có thể yên tâm: Ivo Pogorelich chỉ có một, độc nhất vô nhị. Với những thính giả như bà người Âu ở đầu bài viết này, Tokyo có đủ lựa chọn dành cho họ. Từ nay tới cuối năm, theo trình tự thời gian, họ có thể đi nghe Akira Eguchi (Hamarikyu Asahi Hall), Đặng Thái Sơn (Kioi Hall), Yu Kosuge (Izumi Hall), Maurizio Pollini (Suntory Hall), Radu Lupu (Tokyo Opera City Hall), và Lang Lang (Suntory Hall). Những thính giả thích cả phong cách truyền thống lẫn những lối chơi “phá cách” có nhiều lựa chọn hơn, bởi họ không câu nệ, mà chỉ đơn giản là họ thích những gì họ thấy thích. Ít lựa chọn nhất thuộc về những ai đã chán những sáo mòn, cho dù có êm ái, tinh xảo. Đối với những người này, lối diễn tấu và tiếng đàn của Ivo Pogorelich có tác dụng như một thứ rượu mạnh, một khi đã “phê” rồi thì mọi đồ uống khác đều trở nên nhạt nhẽo.



Tokyo 12/5/2012



Chú giải:

[1] Xem Barry Davis, “Có thế nào chơi như thế” và các bài liên quan ở cuối bài đó .

[2] Trí nhớ giảm sút về cuối đời đã khiến Richter phải biểu diễn với bản nhạc mở trước mặt.

[3] Chiaroscuro - thuật ngữ tiếng Ý có nghĩa là “sáng-tối”, chỉ tương sự phản rõ ràng về sắc độ, được dùng trong hội họa nhằm tạo khối và nêu bật chủ đề. Trong số các danh hoạ chiaroscuro phải kể đến Caravaggio, Rembrandt, Velasquez, Rubens.

[4] Appoggiatura (note dựa hay note hoa mỹ) - thuật ngữ âm nhạc tiếng Ý chỉ note thêm vào trước note chính, có trường độ ngắn hơn và cường độ yếu hơn nốt chính.




Ivo Pogorelich (55 tuổi) chơi concerto No 2 cùa Chopin (chương 3) vào năm 2013 
(Nhấn chuột lên hình để xem video clip) 




Ivo Pogorelich (23 tuổi) chơi concerto No 2 cùa Chopin vào năm 1981
(Nhấn chuột lên hình để xem video clip) 




















Trở về




Danh Sách Tác Giả

Chân Dung Văn Nghệ Sĩ

Emprunt Empreinte
(đôi lời cùng các tác giả và độc giả)


































MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.

  MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.