Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Chuyện nghề ‘hài hước’ của sinh viên

Chuyện nghề ‘hài hước’ của sinh viên

  Đăng ngày: 5:32 PM - 21/01/2015
Xã hội càng phát triển đã xuất hiện những dịch vụ mà có thể được xem như một nghề ở Việt Nam như ‘thuê ăn cỗ’, ‘thuê người yêu’, ‘học thuê’
Ảnh: vnexpress

Chúng tôi sẽ điểm lại những chuyện bi hài xung quanh các dịch vụ này.
Thuê ăn cỗ
Thời gian gần đây, việc ăn cỗ thuê ngày càng phổ biến, thậm chí nhiều người còn quan niệm xem đó như một ‘nghề’.
Nhiều lúc việc ăn cỗ thuê không chỉ đơn giản là có mặt, ăn uống thoải mái, gói mang về, mà còn phải có khuôn mặt dễ nhìn và tài diễn như thật.
Người thuê chủ yếu là thuộc tầng lớp bận rộn như quan chức. Họ có nhiều việc phải giải quyết trong khi không thể bỏ đám cưới người này, dự tiệc của người kia. Nhiều người quan niệm không đi chỉ gửi phong bì là ‘hạ sách’ bởi sự chu đáo chưa hết nhẽ, cử thư ký hay trợ lý thì họ đã đi nhiều lần đến nhẵn mặt rồi, dễ lộ, vì thế nên phải thuê. Đối tượng được thuê cũng cần được chọn vì không phải ai cũng có thể đi ăn cỗ được, những người được chọn chủ yếu là sinh viên hoặc người lao động có kiến thức.
Tại những địa điểm chuyên tổ chức tiệc cưới, nhân viên phục vụ quen mặt với một số “vị khách lạ” như thế. V.Ch. – một nhân viên chạy bàn của khách sạn P.N., cho ‘Người Đưa Tin’ biết: “Dù chuyên nghiệp tới đâu, người ăn cỗ thuê vẫn lớ ngớ khi hỏi thăm địa điểm diễn ra tiệc cưới hay “chiến thuật đánh nhanh, rút gọn. Tôi liên tục phát hiện ra họ. Có những lần, họ còn phải “xuỵt” để chúng tôi đỡ lỡ miệng”.
Nguyễn Thị Huyền, sinh viên trường dân lập Hà Nội tâm sự với ‘Người Đưa Tin’:“Nhận việc xong, chúng tôi phải biết vài thông tin cơ bản về thân chủ để tiện xưng danh cho phù hợp. Có tiệc cưới gấp quá, không nhớ nổi, chưa thể thuộc lòng được, tôi đành phải ghi ra quyển sổ nhỏ. Sau đó, vừa đi đường đến tiệc cưới vừa lẩm bẩm như trẻ em học thuộc lòng ấy. Một lần, tôi quên, bị người mẹ của chú rể nghi ngờ, tưởng là bồ nhí của bố chú rể, thế là bị em gái của chú rể kèm như kẹp kem, tra hỏi đủ thứ”.
T.Tùng bộc bạch với ‘Người Đưa Tin’: “Mỗi đám cưới, vừa được ăn, vừa được ít nhất là 100.000 đồng cầm về, có khi là 200.000 – 300.000 đồng nhưng cũng chẳng sung sướng gì. Chỉ được cái “mát mặt” thôi. Càng được trả công nhiều thì càng tốn nhiều thời gian. Có ông khách khó tính, bắt gọi điện cho ông ta, yêu cầu đọc lại các thông số mà ông ta yêu cầu diễn ở tiệc cưới. Ông ta dị đến mức, bảo em là, diễn thế vô hồn quá, giọng nói phải truyền cảm, có hồn hơn. Một lần, em gặp bà khách doanh nhân, bà này mới “khủng”. Ngoài dịch vụ, bà ấy “bo” thêm cho em 500.000 đồng với yêu cầu, khi nào bà ấy gọi điện phải nghe. Em cứ ậm ừ cho qua chuyện. Bà ấy gọi, em không nghe, sau đó, bà ấy nhắn tin chửi em. Chửi chán, bà ấy quay sang… gạ tình em…”.
Thuê người yêu
Thuê người yêu càng ngày càng phổ biến, và đã trở thành dịch vụ được nhiều người quan tâm, nhất là các dịp lễ, tết. Nếu gõ từ ‘thuê người yêu’ trên google sẽ cho kết quả:
thue nguoi yeu
Sử dụng dịch vụ này là những người muốn có cảm giác ‘được yêu’, hay khỏi tủi thân khi đi chơi chung với nhóm bạn. Nhiều người bận bịu công việc không có thời gian tìm hiểu làm quen, gia đình lại hối thúc, nên tết đến cũng có nhu cầu thuê người yêu để làm yên lòng gia đình.
Người được thuê chủ yếu là các nữ sinh viên các Trường ĐH, CĐ, Trung cấp. Ngoại hình là tiêu chí quan trọng nhất.
Chị T quản lý một dịch vụ môi giới chia sẻ với Báo Pháp Luật Xã Hội: “Bản chất của dịch vụ chỉ là những cuộc gặp gỡ, ra mắt dành cho những người cần có bạn trai, bạn gái. Các nhân viên, gọi đúng hơn là cộng tác viên mà chúng tôi tuyển cần nhiều yếu tố, tuy nhiên ngoại hình luôn được đặt lên hàng đầu”.
“Khách có nhu cầu thuê phải ký hợp đồng với những điều khoản rõ ràng như: không nắm tay hoặc khoác vai “đối tác”, không có những lời mời khiếm nhã… Hợp đồng còn ghi rõ địa điểm, thời gian khách hàng và “đối tác” gặp gỡ để công ty tiện giám sát.” – chị T cho biết thêm.
Giá cả của dịch vụ này là vài trăm nghìn một giờ, nhưng thời điểm nhu cầu rất cao như lễ tết thì giá cả cao hơn. Trong hợp đồng có ghi rõ các điều khoản như khách hàng không được xâm phạm thân thể, tinh thần, cầm tay, ôm hôn… “người yêu”. Thế nhưng có một vài trường hợp được nhân chứng chia sẻ rằng từ cuộc gặp gỡ tưởng chừng bông đùa ấy, một mối “tình thật” đã xuất hiện.
H.M là sinh viên cho biết cô đã tìm được “nửa ấy” của mình sau những “hợp đồng” thuê người yêu: “Mình và anh ấy biết nhau vào 1 lần công ty anh ấy có tiệc tất niên và anh ấy cần dẫn theo một cô bạn gái. Tuy nhiên, sau bản hợp đồng đầu tiên ấy, do thấy có nhiều điểm hợp nhau nên những “bản hợp đồng” tiếp theo đã ra đời. Và chúng mình đã yêu nhau từ khi nào không hay.” (Báo Pháp Luật Xã Hội)

Hay như anh C một nhân viên văn phòng, đến tuổi trung niên nhưng chưa có người yêu, nên bị gia đình thúc dục chuyện cưới hỏi, khiến anh tìm đến dịch vụ này và chọn T là người cùng quê để giới thiệu với gia đình. Sau đó gia đình anh C rất ưng cô T và liên tục thúc dục C phải cưới nhanh lên. Vậy là anh C quyết định tìm hiểu T một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên hoạt động này dần dần trở thành biến tướng. Mặt khác việc thuê người yêu chỉ giúp đẹp mặt một chốc lát trước mặt bạn bè hay làm yên lòng gia đình trước mắt, nhưng không thể mãi mãi như thế được
Học thuê
Áp lực học hành thi cử cũng như thời gian khiến cho nhu cầu học thuê, thi thuê trong xã hội rất cao. Nếu tìm từ ‘học thuê’ trên google sẽ có kết quả sau:
hoc thue
Dịch vụ học thuê được quảng cáo nhan nhản khắp nơi, trên mạng, trạm xe buýt, cột điện hay những nơi công cộng.
Người học chỉ cần đi học đúng giờ, điểm danh, ngồi hết giờ, lâu lâu làm bài kiểm tra mang tính điểm danh là xong. Giá cả từ 70.000 đến 100.000 đồng/buổi, các lớp học rất đa dạng từ trung cấp đến cao học.
Nhiều người nhận đi học hộ chia sẻ tới lớp chả làm gì chỉ điểm danh rồi ngủ gật cũng được vài chục đến 100 ngàn đồng cho một buổi học.
C.P.L. sinh viên năm thứ hai, đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ với ‘Người Đưa Tin’ rằng: “Sắp đến Tết, không khí học tập giảm hẳn đi. Đến lớp cũng chỉ ngồi cho hết buổi học. Những giảng viên khó tính thì điểm danh, cũng rất ít khi nhớ mặt sinh viên lắm. Mỗi buổi một người đi học giảng viên cũng chẳng biết, lúc đầu lớp còn để ý chứ lâu rồi cũng thành quen!”.
 nhan hoc ho
Cũng có người đang bận việc gia đình, nhưng Công ty bắt phải học văn bằng 2 nên phải tìm đến dịch vụ học thuê
Chị Hồng một GĐ Công ty bán hàng tại Hà Nội chia sẻ với ‘Người Đưa Tin’: “Công việc hàng ngày của tôi là phải tiếp xúc với khách hàng, rồi ký hợp đồng, không có thời gian để đi học. Qua một khách hàng, cũng là một người từng đi học hộ, tôi biết được có nghề này và cũng nhờ vị khách đó giới thiệu, tôi đã thuê một bạn nữ đi học hộ với giá 90.000 đồng/buổi”.
Nhiều sinh viên mải mê lo chuyện học thuê kiếm tiền, có sinh viên học thuê một lúc cho 3 – 4 người, khiến việc học hành của mình bị chểnh mạng, có lúc phải bỏ tiết, có người phải thi lại.
Trần Thu Hà sinh viên một trường ĐH gặp phải cảnh trớ trêu khi học thuê một lớp cao học đã gặp đúng thầy của mình. Cuối buổi học, thầy giáo đã gặp riêng Hà để nhắc nhở. Thế là hợp đồng học thuê bị “huỷ”, còn người thuê học cũng bị “lộ” không được thi hết môn.
Bên cạnh việc học thuê còn có thi thuê với chi phí là 1 triệu đến 1,5 triệu đồng cho một môn. Nhưng yêu cầu thi thuê là cao vì đòi hỏi người thi phải có kiến thức và bài thi phải đạt điểm cao, vì thế mà không phải ai cũng làm được.
Việc học thuê, thi thuê cũng cho thấy mặt trái trong ngành giáo dục. Việc coi trọng bằng cấp khiến những người không có thời gian cũng buộc phải đi học, việc đi học này không phải vì kiến thức mà chỉ vì phải có tấm bằng. Vấn nạn này cũng làm cho giá trị bằng cấp ở Việt Nam về mặt kiến thức là càng giảm.
Xét trên bình diện toàn xã hội thì việc ‘thuê ăn cỗ’, ‘thuê người yêu’, hay ‘học thuê’ đều là những nghề giả dối, cũng cho thấy mức độ xuống dốc rất nhanh của đạo đức tinh thần trong xã hội
Ngọn Hải Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét