Bao Chửng : biểu tượng của Công lý và Nghiêm minh
Đăng ngày: 8:28 AM - 11/01/2015
Bao Chửng (999-1062 AD) là một vị quan xử án nổi tiếng triều đại Bắc Tống. Trong thời gian tại vị ông đã kịch liệt bài trừ nạn tham nhũng, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, trừng trị tham quan, hoàng tộc lạm dụng quyền bính, và cả bọn gian thương.
Với tính tình bộc trực, vị tha và phán xét nghiêm minh, ông được người dân khắp nơi kính trọng gọi là Bao Thanh Thiên.
Điều tra xét xử
Các quan chức xử án thông thường chỉ biết tra tấn, ép nghi phạm nhận tội, khiến nhiều người dân vô tội bị kết án oan. Bao Chửng thì khác hẳn; là một vị quan công bằng và thông minh, ngài giải quyết các vụ án liên quan đến cả dân thường và hoàng tộc đều theo phương pháp điều tra kỹ lưỡng, dựa trên kỹ năng quan sát sắc bén, phép loại suy, trí thông minh và sự kiên nhẫn.
Nổi tiếng là một quan xử án thông thái có thể làm sáng tỏ mọi vụ án, Bao Chửng đã trở thành nhà phá án huyền thoại đầu tiên, và có lẽ là nổi tiếng nhất Trung Hoa.
Truyền thuyết về Bảo đại nhân và các vụ án của ông đã được lưu truyền hàng ngàn năm qua, qua các loại hình văn hóa phổ biến như kể chuyện, tiểu thuyết, kịch sân khấu, chương trình TV và điện ảnh.
Những câu chuyện về Bao Chửng và các vụ án của ông đã hình thành nên thể loại văn học cổ điển Trung Hoa gọi là “Công Án” – một dạng tuyển tập truyện trinh thám theo hình thức tiểu thuyết.
Sự ảnh hưởng trường cửu của Bao Chửng và Công Án thậm chí có thể được bắt gặp trong truyện trinh thám hiện đại Trung Quốc thế kỷ 21, pha trộn với văn phong tiểu thuyết trinh thám phương Tây như “Sherlock Holmes”.
Nổi tiếng và phổ biến nhất là “Hoắc Tang tham án tập” của Trình Tiểu Thanh, được xuất bản đầu những năm 1900 tại Thượng Hải.
Là một nhân vật nổi tiếng thường xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, cho đến nay, Bao Chửng vẫn thường được khắc họa với hình ảnh khuôn mặt đen nghiêm nghị, có một cái bớt hình trăng lưỡi liềm sáng trên trán, bên cạnh là các thân tín tinh nhuệ võ thuật đi theo hầu cận.
Chữ ‘Hiếu’ làm đầu
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, Bao Chửng siêng năng học tập ngay từ khi còn nhỏ. Ông đỗ đat ở tuổi 29 và nhanh chóng được triều đình bổ nhiệm làm quan xử án.
Tuy nhiên, vì cha mẹ đều đã già yếu, Bao Chửng quyết định lấy chữ hiếu lên trước tiên. Ông xin khoan nhận chức, trở về nhà chăm sóc cha mẹ gần mười năm cho đến khi cả hai qua đời.
Sau đó, Bao Chửng trở lại triều đình và nhận một chức quan địa phương. Với tính bộc trực và nghiêm minh, ông nhanh chóng được thăng tiến thành quan xử án tại phủ Khai Phong – kinh đô của nhà Tống, nơi rất khó quản lý vì có nhiều quý tộc và gia đình quyền thế sinh sống.
Tuy nhiên, thông qua một loạt cải cách, Bao Chửng đã thiết lập lại trật tự cho nơi đây chỉ trong vòng một năm. Ví dụ, thông thường, nguyên cáo phải chuẩn bị cáo trạng và trình lên công đường thông qua trạng sư. Những gia đình quyền quý sẽ hối lộ các trạng sư này để làm thuyên giảm hoặc ngăn chặn một vụ kiện.
Bao Chửng quyết định cho phép người dân trình báo miệng mà không cần cáo trạng. Bằng cách này, người ít học có thể tránh được sự gian trá của các trạng sư khi lập cáo trạng.
Phương pháp mới này đã cải thiện đáng kể trật tự kỷ cương tại chốn kinh kỳ. Nhờ vậy, bất kỳ vụ án nghiêm trọng nào, bất kể ai đến trình báo, đều được Bao đại nhân giải quyết một cách công bằng và nghiêm minh. Vị quan tòa cứng rắn này còn được gọi là “Thiết diện phán quan”.
Đảm bảo công lý cho tất cả mọi người
Một lần, phủ Khai Phong bị ngập. Qua điều tra, ngài Bao Chửng biết rằng nguyên nhân là do những gia đình quyền quý xây dựng bừa bãi các khu vườn, khu vui chơi trên sông, làm ngăn dòng chảy.
Bao Chửng ra lệnh phải tháo dỡ chúng trong thời gian hạn định. Một trong những kẻ vi phạm phớt lờ mệnh lệnh này và khi bị tra hỏi, người này đưa ra chứng cứ chứng minh hắn là chủ sở hữu của mảnh đất nơi đó.
Bao Chửng kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện một kẽ hở cho thấy chứng cứ là giả mạo. Bất chấp sự phản đối của gia đình quyền thế kia, ông ra lệnh dỡ bỏ các khu vườn ngay lập tức, và bẩm báo vụ việc lên Hoàng Thượng. Ngay sau đó, lũ rút đi.
Bao Chửng đã áp dụng kỷ cương, đại công vô tư đối với tất cả. Một lần, một trong những người cậu của ông phạm pháp và bị dân kiện. Bao Chửng đã triệu tập người cậu xem thường phép nước ấy đến công đường và phạt đánh 100 gậy.
Bao Chửng đối đãi rất nghiêm khắc với gia đình của mình, và dù đức cao vọng trọng, ông vẫn sống một cuộc đời giản dị. Dưới sự ảnh hưởng của cha, các con ông cũng rất cần kiệm, ăn mặc giản dị, trừ những dịp hội hè hay đến thăm bè bạn.
Khi về già, Bao Chửng đã đưa ra một quy định trong gia đình: “Đối với những người con của ta đang phục vụ triều đình, nếu phạm pháp hay trở nên hư hỏng, chúng sẽ không được trở về quê nhà và cũng không được chôn cất tại phần mộ của dòng họ. Ta sẽ không nhìn nhận kẻ nào không nghe theo quy định này”.
Sau khi Bao Chửng qua đời, một vài người con trai của ông đỗ đạt và tiếp tục sự nghiệp làm quan của cha. Tất cả họ đều học theo đạo đức của Bao Chửng và được ca ngợi bởi sự liêm khiết.
Với sự cống hiến không khoan nhượng để giữ gìn phép nước, Bao Chửng trở thành biểu tượng văn hóa cho công lý và sự trừng trị kẻ xấu ở vùng Viễn Đông.
Theo Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét