“BỘ HỌC” Ở VIỆT NAM

Tô Văn Trường
http://kenhtuyensinh.vn/images/2012/09/Cambridgetienganh.jpg
Trên báo chí chính thống của Nhà nước cũng như các trang mạng xã hội đang có cuộc tranh luận nhiều ý kiến khác nhau về việc Hà Nội vừa quyết định tổ chức 18 trường công lập chất lượng cao trong năm học tới với học phí rất cao. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có 03 trường.
Lập trường quan điểm
Lâu nay, người ta thường quy chụp cho người khác cái tội tày đình là "sai lập trường, quan điểm". Thế nhưng giờ đây, người ta lại ngang nhiên loại con em của "giai cấp lãnh đạo" ra khỏi các trường công "chất lượng cao” thì không biết họ đã chuyển sang thứ lập trường quan điểm gì rồi? Thật tội nghiệp cho "giai cấp lãnh đạo" nhưng chưa bao giờ được hưởng vinh dự lãnh đạo!
Về chất lương giáo dục, nếu muốn nâng cao chất lượng thì điều trước tiên là phải xác định đâu là những yếu tố chính đang làm cho nền giáo dục nước nhà mãi yếu kém, tụt hậu. Có phải thiếu bàn ghế tốt, máy chiếu, bản điện tử, lương giáo viên là có "tội" chính không? Nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học đại học ta đâu có thua kém ai. Vì sao?
Trường chất lượng cao cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng liệu có thoát khỏi chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo? Có từ bỏ được triết lý giáo dục lỗi thời không? Có dám khuyến khích học sinh tư duy độc lập, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo không? Một khi triết lý giáo dục không đổi thì mọi "cải tiến" chỉ đánh lạc hướng dư luận nhất thời chứ không có bất cứ tác dụng căn cơ nào.
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Chỉ nói riêng về bậc tú tài ngày nay, không bằng một góc của tú tài trước ngày giải phóng. Học sinh toàn thi học theo chương trình của Pháp, thành thạo một sinh ngữ chính và khá một sinh ngữ phụ.
Đề thi Anh ngữ của tú tài thời xưa, ngày nay đến sinh viên chuyên Anh ngữ đại học năm thứ nhất còn ngắc ngứ không làm nổi. Bằng tú tài ở Sài Gòn lúc đó còn được Úc công nhận. Bằng Y khoa chỉ cần tu nghiệp thêm 01 năm ở Mỹ là được Mỹ công nhận. Còn bây giờ thì hầu như không có ai muốn công nhận bằng cấp của giáo dục VN! Vì sao?
Cái nền, cái gốc bây giờ chính là người có bằng tú tài, làm sao cho bằng trình độ trước giải phóng năm 1975, chứ không phải là lấy tiền thuế của dân đầu tư cho một số trường công lập chất lượng cao phục vụ riêng cho con nhà giầu.
Có một câu Thiền luận về giáo dục: “Giáo dục theo kiểu vô minh/ Làm sao chết được siêu sinh niết bàn...”
Giáo dục phải là nền tảng văn hóa cơ bản của một quốc gia. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu rất ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Giáo dục mà theo kiểu “học để thi, thi gì học nấy” như lâu nay thì tương lai đất nướcra sao- đã nhãn tiền.
Cái hệ lụy ngày hôm nay, là kết quả của một nền giáo dục mà những người có trách nhiệm quản lý giáo dục đất nước không có một tư duy chiến lược chuẩn mực. Giáo dục bất cập đến đâu thì... chạy theo giải quyết đến đó, cho nên tất cả thành bát nháo. Nếu xem lại tất cả chủ trương phân ban, thi cử... đều thấy cái dấu ấn của sự "chạy theo" này.
Hệ thống giáo dục phải kể từ công tác đào tạo, tuyển chọn người ‘thầy cho ra thầy’ cho đến sách giáo khoa, nội dung- chương trình đào tạo (bộ kiến thức căn bản làm gốc, tạo nền) cho đến nguồn kinh phí, chi ngân sách, trường, lớp, đồ dùng học tập và nhất là mối quan hệ ‘tam kết’: Nhà trường-gia đình- xã hội. Nhưng ở nước ta lâu nay, nhiều học sinh kiến thức cơ bản bị mất từ gốc. Tại ai?
Mối quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội lại trở thành thứ dịch vụ, ‘thương mại hóa’ lấy “thực dụng” thay cho “thực tài”. Ngay như cái gốc kiến thức là sách giáo khoa cũng biến thành loại hình kinh doanh dựa trên các thủ đoạn làm dịch vụ- thương mại. Khi hệ thống giáo dục đào tạo đã ‘đậm đà bản sắc thực dụng’, thì mọi cách làm, từ dạy học, thi cử….đều xoay quanh cái bản sắc đó.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đã không quản lý nổi chính hệ thống của mình, đành thả nổi nhân danh "xã hội hóa"Thế nên dân đóng góp đủ các khoản. Dù về hình thức, bậc tiểu học được miễn học phí, thì thực chất các ông bố, bà mẹ cũng phải đóng góp hàng chục khoản, chưa kể các bậc học khác.
Đáng buồn là một số quan chức ngành giáo dục từng có trách nhiệm lớn với xã hội, khi đã ra "khỏi vòng", các vị lại hô hào ủng hộ sự đóng tiền cao cho trường chất lượng cao. Về hình thức, nó có thể phản ánh một quy luật của xã hội, ở một bộ phận giàu có. Nhưng giáo dục bản chất là phải công bằng. Nếu đứa trẻ, từ lứa tuổi học đường đã phải chịu sự bất công, thì sau này ra đời, nó sẽ nhìn xã hội đã nuôi dưỡng nó bằng con mắt thế nào? Giáo dục- môi trường lành mạnh và công bằng nhất mà không tạo được sự bình đẳng, thì xã hội sẽ càng bất công.
Thực chất đất để xây trường công chất lượng cao và tiền đầu tư thì của công nhưng đầu tư bằng tiền công (thuế của dân) rồi thì lại thu phí như trường tư (tức là giống như tư nhân người ta tự bỏ tiền ra để đầu tư ). Nếu vậy, sẽ có hai vấn đề:
Thứ nhất, là tạo ra bất công cho người dân nghèo vì anh bắt tất cả mọi người, trong đó có người nghèo đóng thuế xong, rồi lại chỉ cho người có tiền mà không cho người nghèo được hưởng lợi.
Thứ hai, là mục tiêu “xã hội hóa giáo dục” do vậy sẽ khó mà đạt được bởi vì nó sẽ tạo ra cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Bằng việc lấy tiền thuế của dân và dùng đất ở vị trí đẹp nhất cũng của dân mà xây trường và trang thiết bị cho đạt chuẩn chất lượng cao, đương nhiên sẽ có lợi thế hơn là những nhà đầu tư tư nhân tự bỏ tiền ra mua đất hay thuê đất để xây trường.
Để có thể có được mảnh đất vàng thì nhà đầu tư nếu là tư nhân sẽ phải chi rất nhiều tiền kể cả vay lãi ngân hàng chứ không như Nhà nước nghiễm nhiên sở hữu những khu đất đắc địa nhất.
Giải pháp
Chính vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT là ở chỗ, điều tiết thế nào bằng chính sách, chủ trương cụ thể, để trẻ em được hưởng thụ giáo dục như nhau, và có môi trường kích thích trẻ thông minh, chứ không phải ngang nhiên bênh vực cho số ít nhà giàu. Thực chất giáo dục hiện nay là nền giáo dục vì người lớn, hoàn toàn không vì đứa trẻ.
Việc của Nhà nước là xây dựng các trường công, đào tạo giáo viên và đưa ra chương trình học chuẩn để mọi người trong xã hội đều có thể hưởng thụ nền giáo dục đạt chuẩn, tạo ra sân chơi bình đẳng để cho tất cả các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư cho giáo dục.
Chuyên gia Vũ Quang Việt khi bàn về cải cách giáo dục ở Việt Nam, đã phân tích rất đáng suy ngẫm. Bất cứ một xã hội thị trường nào hiện nay, dù theo bất cứ khuynh hướng xã hội nào, giáo dục cho trẻ em vị thành niên là trách nhiệm của Nhà nước, và hầu hết các nước có điều kiện kinh tế đều miễn phí giáo dục phổ thông.
Việt Nam chỉ có thể phổ cập giáo dục tiểu học và đã ghi rõ trong Hiến pháp là “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí (Điều 59 Hiến pháp CHXHCN Việt Nam năm 1992) nhưng hiện nay kinh tế đã phát triển, giàu có hơn thì cần tiến tới phổ cập bậc trung học, chứ không thể đi ngược lại là “xã hội hóa giáo dục ” tức là tận thu các nguồn học phí (dưới nhiều hình thức).
Trong bậc học chưa thể phổ cập, Nhà nước phải tạo bình đẳng về cơ hội cho mọi trẻ em được thi tuyển vào trường tốt, không thể chỉ lập trường công lập tốt cho người có thể trả phí cao. Nếu Bộ GD& ĐT không thể cung ứng dịch vụ tốt thì hãy cấp cho học sinh phiếu GD để học sinh tự chọn trường tư. Nếu không, ngành giáo dục sẽ còn phải nghe “trường ca” dài dài:
Than ôi, giáo dục nước nhà/ Không vì thế hệ mà là thế chân/ Thế chân vào đó là tiền/ Người tài thì hiếm, người hiền càng khan/ Cấp bằng, đào tạo tràn lan/ Cố tìm “nguyên khí” thấy làn sương giăng/ Mập mờ thành tích văn bằng/ Cây tre cong dáng, búp măng cụt vòi/ Bày ra cải cách khơi khơi/ Quanh đi quẩn lại “tiền ơi là tiền”/ Nghe danh Bộ Học thấy phiền/ Hiền tài thì hiếm, ‘tiên huyền’ khắp nơi…