Chầm chậm trôi ở Huế
Cập nhật 10:12 24/07/13
Ngoan, dễ thương, nhưng khó tán. Phú Quang khẳng định, bằng kinh nghiệm của một mối tình thơ với giai nhân xứ Huế, rằng muốn nhận được cái gật đầu của gái Huế thì anh phải quen hết được cả gia tộc nhà nàng. Gái Huế không dễ yêu nên đã yêu ai là yêu sâu yêu sắc, yêu chắc yêu chắn. Chả biết ấn tượng của chàng 30 năm trước đây giờ có còn đúng không.
(Ảnh: Chí Long - kenh14.vn)
1 giờ=90 phút
Chị bạn tôi người Hà Nội, hoạt bát, nhanh nhẹn, ăn to, nói lớn, chưa thấy người đã thấy tiếng. Ai mà bảo người Hà Nội thanh lịch là phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên là chị phản đối. Bảo thế vào Huế mà ở.
Lần đầu tiên vào Huế, câu nói được lặp lại nhiều nhất trong ngày của chị là “giời ơi, không thể chịu nổi”.
Vào một quán lẩu hải sản, gọi “em ơi cho chị 1 bình trà đá”, em phục vụ nói giọng Huế ngọt lừ “dạà”. 10 phút sau chẳng thấy trà đâu mà bún đã hết, lại gọi “em ơi 1 bình trà đá và 1 đĩa bún nhé”, em phục vụ lại ngọt lừ “dạà”. Lại 10 phút nữa chẳng thấy trà và bún đâu, cáu “thôi, thanh toán cho chị, gọi cả tiếng đồng hồ chỉ vâng với dạ”, em phục vụ vẫn ngọt lừ “dạà”.
Đến lúc này thì chị bạn tôi vừa tức vừa buồn cười. Nghĩ bụng mình mà ăn nói với phục vụ như vậy ngoài Hà Nội thì một là nó chửi lại mình, hai là nó mặt sưng mày sỉa cho mình đợi thêm nửa tiếng nữa nó mới cho mình được thanh toán.
Nhạc sỹ Phú Quang vào Huế nhiều lần, tỏ ra am tường, bảo “Huế thì đừng có vội em. Vội đâu thì vội chứ vào đến Quảng Bình là đã “dô khoan hò khoan” rồi. ở đây 1 giờ bằng 90 phút”.
Chàng trai Hà Nội ngoại lục tuần bảo cả đời không quên được hình ảnh điển hình cho cái sự sống chậm của người Huế. Ấy là một hôm ngồi trong quán cà phê, bâng quơ nhìn ra ngoài đường ngắm 1 cô gái mặc áo dài tím thong dong bước trên vỉa hè, bỗng nhiên trời đổ mưa ào ào. Có chút thảng thốt đột ngột sợ dáng tím mảnh mai kia không kịp rảo bước vào mái hiên nào trú tạm mà bị ướt. Nhưng trời ơi, cô gái vẫn không mảy may tất tưởi, dừng lại đôi giây, tay từ từ bật ô, rồi lại thong dong bước với tốc độ không thay đổi.
(Ảnh: DNSG)
Chả biết có phải vì âm nhạc của chàng được dân Huế chuộng mà chàng thiên vị hay không. Nhưng chàng bảo “Mình nghiệm ra rồi. Có vội vã như người Hà Nội thì vẫn đến sở làm muộn giờ. Đi ô tô từ Hà Nội về Hải Phòng có phóng nhanh tối đa thì cũng chỉ nhanh hơn tốc độ trung bình được nửa tiếng là cùng. Thế nên mới có câu “muốn nhanh thì phải từ từ” là vậy. Người Huế chậm rãi nhưng hẹn hò với họ lại rất đúng giờ. Trong cái vẻ chậm rãi ấy là một sự kiêu hãnh. Cái kiêu hãnh này khác với cái thanh lịch của người Hà Nội. Nhưng đừng bắt tôi phải mô tả cụ thể nó khác thế nào”.
Đạo diễn-NSND Đình Quang, cũng nghệ sỹ Hà Thành, 86 tuổi, tóc bạc chải mangdelin mượt mà, minh mẫn và bặt thiệp, thì mô tả thế này: Vào một hiệu quần áo ở Hà Nội định mua cái áo, nhưng rất có thể bước ra tay không vì thái độ khó chịu của người bán hàng. Còn vào một hiệu sách ở Huế, không có ý định mua gì và cũng không tìm được sách gì hay ho để mua, nhưng cuối cùng vẫn mua vì mấy cô bán hàng ngoan và dễ thương quá.
Ngoan, dễ thương, nhưng khó tán. Phú Quang khẳng định, bằng kinh nghiệm của một mối tình thơ với giai nhân xứ Huế, rằng muốn nhận được cái gật đầu của gái Huế thì anh phải quen hết được cả gia tộc nhà nàng. Gái Huế không dễ yêu nên đã yêu ai là yêu sâu yêu sắc, yêu chắc yêu chắn. Chả biết ấn tượng của chàng 30 năm trước đây giờ có còn đúng không.
Nhưng có một thực tế vừa đáng yêu lại vừa đáng tiếc là sau 8 rưỡi tối thì không mong được ngắm dáng hình thanh nữ ở ngoài đường. Vì đơn giản là 8g con gái Huế đã kín cổng cao tường rồi. Nếu có gặp ai đó thì chắc chắn là họ đang làm việc, đang bán hàng, hoặc đang đi xe vội vã hơn tốc độ thong dong vốn có 1 chút. Một trai Huế 8x khẳng định, gái Huế không đi chơi hay hẹn họ sau 8g.
Đặc điểm đó đồng nghĩa với một loạt đặc điểm khác của gái Huế mà chị bạn tôi đùa là “đáng ghi vào sách đỏ”: không nhậu nhẹt, không uống trà đá từng cốc to ừng ực, tôn trọng gia trưởng, hành vi từ tốn, nói chậm, nói nhỏ và nói nhẹ. Đã thế lại còn đảm đang quán xuyến, thích nấu ăn và nấu ăn cầu kỳ. “Mình mà là đàn ông, đời nào mình bỏ qua một cô vợ không có nhu cầu đàn đúm, không có nhu cầu nổi loạn, không la cà cà phê cà pháo trà đá vỉa hè, không đi bar, không quát chồng, không mắng con, chăm chút từng bữa ăn cho gia đình. Kết luận: đừng bao giờ cho người đàn ông của mình đến Huế một mình và dài ngày”.
Quả là một kết luận chí lý. Dù rất khách quan mà nói, gái Huế không sắc nước hương trời.
(Ảnh: Cinet)
Huế đêm
Người ta bảo Huế đi ngủ sớm. Là vậy và mà không phải vậy. Huế vẫn có chỗ thức khuya cho đám thanh niên nổi loạn (ở cái xứ hiền lành mấy thì cũng có những cá thể nổi loạn), sinh viên và khách du lịch. Trai Huế 8x nổi loạn cho biết trước đám thanh niên hay ngồi ở đầu đường Hùng Vương phía cầu Tràng Tiền. Từ ngày mấy quán cà phê ở đấy chuyển từ đèn dầu sang đèn điện thì thanh niên di tản hết về ga Huế.
Ga Huế chả có gì thơ mộng. Sông Hương ở mãi ngoài kia. Ngoài cái đồng hồ trên nóc nhà ga chính có tí dáng dấp khơi gợi cổ điển thì chẳng có chút gì lãng mạn. Mọi sức hút lại nằm ở cái đèn dầu. Mỗi cái bàn nhựa là 1 cái đèn dầu, 1 điếu cày, 1 cái cốc nhựa đựng đóm làm bằng thanh giấy vụn cắt nhỏ gấp 3. Lai rai thuốc lào với ấm trà đặc, hoặc bia festival, đĩa nộm… Không gái để ngắm. Không phố phường để ngắm. Không người xe qua lại để nhìn vô thức mà giết thời gian như mình hay ngồi với nhau ở trà chanh Nhà Thờ hay vạ vật ở Nhà hát Lớn. Mà cũng ngồi quay mặt vào ga đến 1-2 giờ sáng được. Trong khi ngồi xích lô hóng gió sông Hương tràn trên những dãy phố mờ tối đèn vàng hiu hắt, đi ngắm hết áo dài đến dạo phố đêm toàn đồ Tàu, hết ăn chè Hẻm đến bún hến thì cũng chán ngấy lúc 10 giờ.
Cà phê ở Huế cũng mở khá khuya. Quán nào cũng thấy nhạc Trịnh. Nhưng lãng mạn như Festival Huế ở Cồn Hến thì cũng chỉ thú lúc chiều tà ngồi sát mép nước ngắm từng bầy chim én chao liệng trên mặt sông Hương mênh mông, cầu Tràng Tiên cong như cái cặp ba lá kẹp ngang suối tóc thơm và mấy chiếc thuyền vạn đò neo vào cây cổ thụ nghi ngút hương khói chỗ ngã ba dòng Hương tách mình ra biển. Tối trùm xuống thì cũng muốn rời ghế ra về. Chứ ngồi thêm nữa chắc sầu đến muốn lao xuống sông trầm mình mất.
Phố Tây Huế về đêm. (Nguồn: Internet)
Muốn ngồi lâu thì vào tiệm cà phê Quan Lại (Manderin Café) ở Trần Cao Vân. Tiệm này thì nổi tiếng trên báo chí nước ngoài lẫn Việt Nam. Tây đến nhiều. Đồ fast food kiểu Âu đa dạng. Ông chủ quán là nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng trên báo Tây bởi những tấm ảnh về Huế. Người ấy có thể ngồi với bạn vài giờ đồng hồ, ngồi đến đêm, để nói chuyện về Huế, về vạn chài sông Hương – nơi lưu giữ 9 năm tuổi thơ đầu đời của ông. 17 năm làm người đi bảo tàng các dấu tích vạn đò, câu chuyện về 11 vạn đò sông Hương từ thượng nguồn đến phá Tam Giang của ông kể cả đêm cũng không hết. Giọng người Huế thì nhẹ, nhỏ và ngọt, cứ du dương từ chuyện mùi thơm hoa cỏ của con sông đến chuyện thời xưa đứng trên cầu Tràng Tiền cũng nhìn thấy từng đàn cá bơi dưới nước mà nay giăng lưới 3 ngày không được con cá nào, từ chuyện bông hoa dại ven đường ướt đẫm sương sớm đến chuyện 1 cô gái vạn đò từ chối theo người yêu sang Mỹ sống chỉ vì một lý do: “ở bên đó cái gì cũng có, nhưng có 1 thứ không có, đó là tiếng gió lùa trong tre”.
Đến mệt với gái Huế. Không có gió lùa trong tre thì có gió lùa trên những cánh đồng lúa mì, những rừng phong lá đỏ đẹp mê tơi. Chẳng qua là ngại thay đổi. Người Huế sống chậm và bảo thủ là vậy.
Nhưng thử một lần ngồi trên chiếc thuyền của dân vạn đò trôi dọc sông Hương cũng thấy tương tư tiếng gió lùa trong tre, tiếng mái chèo khua nhẹ lạch nước. Nghĩ cũng may là cô gái kia bảo thủ và ngại đổi thay. Để vẫn còn cái Huế thơ, thơm và vắng này cho khách đến vẩn vơ. Khi đến kêu buồn, khi về kêu nhớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét