Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Thời hoa đỏ và... thời nhận lỗi

Thời hoa đỏ và... thời nhận lỗi

Cũng có nhận xét cho rằng, không ít người có trách nhiệm trong đó, không hề phải trải qua Thời hoađỏ, đầy hy sinh như người lính Phan Hữu Được, mà họ chỉ có... thời nhận lỗi.
Trong tuần, có một câu chuyện, lặng lẽ và xót xa như số phận con người ấy, nhưng lập tức, gây ấn tượng mạnh cho người viết, và cho nhiều bạn đọc. Đó là chuyện "phục sinh" của "liệt sĩ" Phan Hữu Được (thôn Tự Tiên, xã Tiên Minh, Tiên Lãng - Hải Phòng). Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến cái giỗ thứ 40 của ông, thì ông đột ngột trở về.
 
Thời hoa đỏ...
 
Sự trở về của người tưởng đã vĩnh viễn nằm dưới đất đen bất ngờ như cổ tích, như những trang văn chương một thời lay động con tim bao người Việt. Khi mà ký ức những người thân của ông, cỏ xanh đã mọc dày, che kín nỗi đau mất mát ruột thịt ngày nào...
Chiến tranh là bi thảm. Nhưng may mắn cho ông Phan Hữu Được, cái kết cuối cùng vẫn là có hậu, vẫn rất "hữu được", như cái tên cha mẹ sinh thành đã đặt cho ông.
Cho dù, khoảng cách giữa sự quyết liệt dâng hiến- tự nguyện đổi tên thành Phạm Văn Được, "trả vợ"- cô gái xinh đẹp tên là Lý ở huyện bên, ăn vạ nhà xã đội, để được cầm súng lên đường bảo vệ độc lập, tự do dân tộc (vì ông thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự) với cái kết "phục sinh" hôm nay quá dài, tới 40 năm.
Giữa 40 năm đó, người lính Phan Hữu Được là đứa con của trời, của đất, của sự lang thang vô định, vô thức, lúc điên lúc tỉnh với hàng chục vết thương từ đầu đến chân. Những ấm lạnh, những đói no, khổ sở của cuộc đời đến với chàng lính trẻ 26 tuổi, thì Phan Hữu Được không nhớ, mà chỉ nhớ rất rõ những câu chuyện chiến tranh.
Không rõ ông có nhiều lần khóc vì thân phận "mồ côi" của mình không giữa những nẻo đường đời xa lạ, hoàn toàn không nhớ nổi gia đình, người thân, họ hàng ruột thịt..., nhưng ông đã khóc vì tủi, vì mừng, vì buồn, vì đau khi trở về gặp mặt đồng đội, người còn sống, người đang nằm "nhớ nhà" giữa nghĩa trang?
Con tim đang đập của người sống, và con tim vĩnh viễn ngừng đập của những người đã khuất, dường như vẫn giao cảm, vẫn đồng cảm ở đâu đó, nơi xa vắng?
Cho dù thân thể tiều tụy của người lính già ấy mang đầy bệnh trọng, di họa của những tháng ngày phiêu bạt, lưu lạc: U gan, u xương đầu gối, viêm gan C với lượng men gan quá cao; sỏi túi mật, những vết xương gãy từ rất lâu không được chữa trị. Nhưng có lẽ, đây lại là những tháng ngày hạnh phúc của đời ông?
Ông đã sống trọn vẹn với "chí làm trai thời loạn". Còn giờ, câu hỏi "hạnh phúc của đời ông" không thuộc về ông nữa, mà thuộc về những người cán bộ có trách nhiệm của Hải Phòng nói chung, của Tiên Lãng nói riêng. Được biết, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội cũng bắt đầu vào cuộc, tìm hiểu để có chính sách thỏa đáng với ông. Mong điều đó sớm thành hiện thực.
Chợt nhớ đến hai ca khúc đặc sắc nổi tiếng, khi đất nước chìm trong giông bão chiến tranh: Thời hoa đỏ (thơ Thanh Tùng, nhạc Nguyễn Đình Bảng), vàMàu hoa đỏ (thơ Nguyễn Đức Mậu, nhạc Thuận Yến). Mỗi ca khúc đều có những ca từ đẹp náo động và bình yên, đắm say và day dứt, gửi đi một thông điệp riêng, sâu sắc, tràn đầy tình yêu- tình yêu trai gái, và tình yêu đất nước...
Phan Văn Được, liệt sĩ trở về, Dương Trung Quốc, hội chứng nhận lỗi, thời hoa đỏ
Ông Phan Hữu Được bên phần mộ của chính mình - Ảnh: Dân trí
Nếu ở Thời hoa đỏ, Anh mải mê về một màu mây xa/ Cánh buồm bay về một thời đã qua/ Em thầm hát một câu thơ cũ/ Về một thời thiếu nữ say mê (về một thời hoa đỏ diệu kỳ). Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/ Như nuối tiếc một thời trai trẻ

Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ/ Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau/ Trong câu thơ của anh, em không có mặt...
Thì ở Màu hoa đỏ, lại là Có người lính/ Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo? Có người lính/ Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây tre/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo.
Việt Nam ơi! Việt Nam/ Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con/ Việt Nam ơi! Việt Nam/ Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn...
Với Phan Hữu Được, dường như, cả hai ca khúc mới gói trọn vẹn được số phận ông. Cả sự mất mát tình yêu trai gái, vì nước dấn thân, cả sự ra đi từ đó không về....
Giờ đây, ông đã trở về. Sự sống của ông được đánh đổi bằng giá quá đắt, không thể chỉ tính bằng 40 năm phiêu bạt, không nhớ nổi mình là ai.
Nhưng còn bao nhiêu những người lính như Phan Hữu Được khác, chưa có cơ hội, cơ may "phục sinh", bởi chiến tranh?
Cũng đâu chỉ có một Phan Hữu Được, hay nhiều Phan Hữu Được đã sống cả một Thời hoa đỏ đẹp đẽ, tuyệt vời, dâng hiến.
Mà cả dân tộc Việt này, đã sống can trường với một Thời hoa đỏ, với mộtMàu hoa đỏ đầy sinh ly tử biệt... để đất nước độc lập, trường tồn, để dân tộc có thể ngẩng đầu và kiêu hãnh.
...Và thời nhận lỗi
Cũng kỳ lạ, số phận mỗi con người dù bé nhỏ đến đâu, cũng mang một phần lịch sử (*). Nhưng đồng thời, số phận một dân tộc có khi cũng có thể "nhìn" thấy qua số phận một cá nhân.
Giống như người chiến binh Phan Hữu Được, từ trong chiến tranh bước vào hòa bình, trải qua gần 40 năm xây dựng, nước Việt dường như cũng đang "đau yếu", mắc phải quá nhiều trọng bệnh: Tham nhũng, hối lộ, các nhóm đặc quyền đặc lợi- "nhóm lợi ích"- chi phối không ít lĩnh vực, thói dối trá, sự băng hoại đạo đức, văn hóa từ những ngành cần nhiều nhân tâm nhất, và cả sự suy thoái phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...
Và vào giữa lúc này, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII vừa khép lại, với cuộc lấy phiếu tín nhiệm- một sinh hoạt dân chủ mang dấu ấn lịch sử, lần đầu tiên diễn ra trước sự theo dõi, chứng kiến của nhân dân. Kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm phản ánh một dấu hiệu đáng mừng trong hoạt động của cơ quan lập pháp.
Nhưng chắc chắn, còn rất nhiều vấn đề phải hoàn thiện, và điều quan trọng hơn, từ "phép thử" của nghị trường- những đại biểu của nhân dân, trở về với "đời thường", họ sẽ sống với nhân dân của họ ra sao.
Có được như nữ sĩ Xuân Quỳnh đã "Tự hát", bởi khao khát được yêu, được tin? Em trở về đúng nghĩa trái tim/ Biết làm sống những hồng cầu đã chết/ Biết lấy lại những gì đã mất/Biết rút gần khoảng cách của yêu tin.
Khi mà mới đây, tại cuộc tiếp xúc với cử tri Q. 1, t/p Hồ Chí Minh, trước những băn khoăn của các cử tri, về vấn nạn tham nhũng, lãng phí, về chế tài răn đe những vấn nạn này chưa đủ sức mạnh trừng phạt, ngăn ngừa, về lời hứa của các Bộ trưởng trước dân liệu có thực hiện, vị Chủ tịch nước bày tỏ:Những ai đó có lỗi mà không nhận, không sửa sẽ mất uy tín, còn ai có lỗi dám nhận, dám sửa, thì nhân dân, Đảng sẽ tha thứ!
Bao dung, tha thứ là truyền thống đối nhân xử thế đầy lòng vị tha, nhân ái của dân tộc Việt. Dù vậy, nếu suy ngẫm kỹ, thì mong muốn của người dân với những cán bộ trọng trách, cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp không chỉ là nhận lỗi, hay xin lỗi, mà những ai đó hãy biết sửa lỗi bằng việc làm thiết thực, cụ thể.
Bởi người dân chưa quên, nhiều năm trước đây, từng có hiện tượng các quan chức làm sai, năng lực quản lý yếu kém nhưng chưa bao giờ dám nhận lỗi, xin lỗi trước dân. Đừng nói đến xin từ chức- một cách ứng xử văn hóa hiếm nhưmò kim đáy biển.
Dưới áp lực dư luận xã hội, và sự thay đổi của nhận thức, sự xin lỗi, nhận lỗi công khai về trách nhiệm của mình, đã được nhiều quan chức thực hiện. Đó là một bước tiến trong văn hóa lãnh đạo.
Thế nhưng, người dân cũng chưa quên, có lúc, có những khi, cái sự xin lỗi nó dễ dàng quá, đến mức thành "hội chứng xin lỗi". Đã nói "hội chứng" là ám chỉ đến tính phổ biến đến mức nhàm. Sự trân trọng của người dân bỗng biến thành hoài nghi, thậm chí... đàm tiếu.
Chả thế, kết thúc Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, tháng 12/ 2012, trả lời phỏng vấn, ông Vũ Mão đã có phát ngôn thẳng thắn: Ước vọng của nhân dân là các bộ trưởng hứa ít làm nhiều! Điều đó, có nghĩa trong thực tế, các bộ trưởng đang còn ở trạng thái nói nhiều, làm... chưa nhiều.
Cũng tại kỳ họp đó, người ta thống kê, có những bộ trưởng "sở hữu" nhiều lời xin lỗi, hoặc đã thành khẩn xin lỗi, nhưng thực trạng của ngành họ quản lý đến nay chưa thấy... cái lỗi được sửa.
Phan Văn Được, liệt sĩ trở về, Dương Trung Quốc, hội chứng nhận lỗi, thời hoa đỏ
Dương Trung Quốc: Lời xin lỗi cũng có thể bị lạm dụng để che đậy sai phạm. Ảnh:Lê Anh Dũng
Xin lỗi QH, xin lỗi nhân dân về bổn phận, trách nhiệm của mình chưa làm tròn, đã là tốt, nhưng hành động sửa lỗi chắc chắn còn tốt hơn. Bởi nếu không, như dân gian từng triết lý, sẽ chỉ lời nói gió bay...
Không nhận lỗi, xin lỗi vì năng lực yếu kém có thể khiến dân mất niềm tin. Nhưng xin lỗi nhiều, nhận lỗi nhiều mà không hành động để sửa lỗi, thì cũng khiến người dân mất niềm tin không kém.
Thế nên, không phải không có lý khi ông Dương Trung Quốc có một phát ngôn thật ấn tượng: Lời xin lỗi cũng có thể bị lạm dụng để che đậy sai phạm, xin lỗi nhiều quá thì thành mị dân, lợi dụng lòng thương của người khác. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta khó có thể chấp nhậnnhững lời xin lỗi suông.. . Quả là không còn gì ấn tượng hơn.
Từ Thời hoa đỏ, đến thời nhận lỗi, là một khoảng cách gần 40 năm đầy những thăng trầm, biến thiên lịch sử. Giữa 40 năm đó, nước Việt có biết bao thay đổi, phát triển nhờ dám Đổi mới.
Ở góc độ nhân sinh và triết học, khoảng cách gần 40 năm đó, vừa là sự đi lên, vừa có dấu hiệu của sự... suy thoái. Cũng có nhận xét cho rằng, không ít người có trách nhiệm trong đó, không hề phải trải qua Thời hoađỏ, đầy hy sinh như người lính Phan Hữu Được, mà họ chỉ có... thời nhận lỗi
Mà giờ đây, trên hành trình hội nhập văn minh, nước Việt cũng có biết bao thử thách và hiểm họa tụt hậu, thậm chí có nguy cơ ảnhhưởng đến sự tồn vong của chế độ, bởi sự suy thoái của không ít cán bộ, đảng viên.
Chợt nghĩ về hai câu chuyện thật sâu sắc và rất đáng suy ngẫm.
Đó là câu chuyện về những chiếc quan tài gỗ chôn người chết của dân tộc Cơ Tu ở làng Aur  (xã A Vương, miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) được đăng đăng trên báo LĐĐS (ngày 23/6) mới đây. Những chiếc quan tài "biết nói" về nhân cách của người chết, khi họ còn đang sống.
Những chiếc quan tài dành cho người chết được đóng bằng gỗ gì, không phải do gia tộc quyết định, mà do hội đồng làng. Nếu người quá cố nguyên là người sống tốt, sẽ được làng tổ chức đóng quan tài bằng loại gỗ quý, sắc màu hồng, đỏ, rực rỡ. Còn với người sống "chẳng ra gì", quan tài là loại cây khộp, chưa bỏ xuống đất đã bị mối, mọt ăn... Vì vậy, dẫu là người lạ ngang qua làng, chỉ nhìn vào chiếc quan tài có thể biết ngay rằng, người nằm trong kia sinh thời đã sống thế nào"...
Đó là "Bài văn 200 triệu đồng" (ViêtNamNet, ngày 26/6)-  là số tiền học bổng Nguyễn Văn Đạo mà tác giả của nó, em Minh Hoàng, một học sinh THPT chuyên thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đã giành được, khi viết một bài luận.
Không đơn thuần là chuyện chữ nghĩa, văn chương. Bài luận đó, được viết ra bằng chính sự trải nghiệm tích cực của một đứa trẻ không nhiều may mắn, sức khỏe rất yếu. Sự tận tụy, tình thương vô bờ của người mẹ, và cái nhìn lạc quan với cuộc đời ở cậu bé, đã giúp em vượt lên hoàn cảnh bản thân, để nhận ra rằng một suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến một hành động tích cực; một hành động tích cực sẽ dẫn đến một thói quen tích cực; một thói quen tích cực sẽ dẫn đến một cuộc đời tích cực.
Câu chuyện những chiếc quan tài chôn những người đã chết, hoặc bằng gỗ quý, hoặc bằng gỗ mối mọt, của một dân tộc ít người ở vùng sâu hẻo lánh miền Trung, chỉ vỏn vẹn 14 hộ, với 87 nhân khẩu, liệu có thể mang thông điệp gì về phẩm cách sống cho một cộng đồng lớn, cho những người còn sống chúng ta?
Và câu chuyện về hành động tích cực, sống tích cực của cậu bé yếu ớt thể lực, liệu có thể nói gì với những người lớn chúng ta, nhất là những quan chức có trách nhiệm trong Thời nhận lỗi, trước vận mệnh đất nước?
Khi mà Thời hoa đỏ, dẫu đáng kiêu hãnh, đang lùi xa vào quá khứ...
 
------
 
  ..
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét