Lấy ráy tai, vô cùng nguy hiểm
GiaidinhNet -Thói quen lấy ráy tai khi hớt tóc bằng bộ dụng cụ kim loại, tuy khiến nhiều người thích thú, nhưng lại gây nhiều bệnh lý nguy hiểm cho tai…
Vệ sinh tai tại bệnh viện Tai - Mũi - Họng TPHCM.
|
Càng lấy, ráy tai càng nhiều
Trước đây, khi đi hớt tóc, anh Nguyễn Tuấn Khang, một công chức ở quận Thủ Đức (TPHCM), không có thói quen lấy ráy tai. Nhưng vào một ngày đẹp trời nọ, anh Khang được bạn rủ đi hớt tóc với lời giới thiệu “có mấy cô gái lấy ráy tai êm lắm”, vậy là anh đi liền. Khi làm thử một lần, anh đâm nghiền. Chỉ có điều càng về sau- theo lời anh Khang nói- lỗ tai anh không còn sạch như trước nữa. “Sợ nhất là cách đây 2 tháng mình thấy lỗ tai lùng bùng, ù đi, thính lực giảm rõ rệt. Đoán là tai bẩn quá nên dù chưa đến ngày hớt tóc mình cũng đến nhờ lấy ráy tai. Thật khủng khiếp, hóa ra hai lỗ tai nhiều ráy đến độ mấy cô thợ phải giật mình... Không biết có phải do dạo này ngoài đường nhiều bụi quá không?”, anh Khang tự nói.
Chúng tôi mang chuyện này hỏi bác sĩ Nguyễn Thành Lợi-Trưởng khoa Tai (Bệnh viện Tai - Mũi- Họng TPHCM), mới vỡ lẽ rằng anh Khang đã vướng vòng lẩn quẩn, càng lấy thì ráy tai càng nhiều. Bác sĩ Lợi nói, lỗ tai con người có cơ chế tự bảo vệ và làm sạch nhờ nang lông và tuyến ráy tai ở phần ngoài của ống tai. Nang lông vừa giúp cản bụi bẩn lọt vào ống tai và vừa “quét” bụi bẩn ra ngoài, còn chất ráy tai được tiết ra, di chuyển chậm và liên tục mang theo bụi dơ hay biểu bì từ trong ra ngoài, tự động khô và rơi ra cửa tai. Vì vậy làm sạch lông tai để lấy ráy tai theo cách mà tiệm hớt tóc hay làm là điều hoàn toàn không nên. Bác sĩ Lợi cũng nhấn mạnh rằng số lần lấy ráy tai càng tăng thì ráy tai càng nhiều, do tuyến ráy tai bị kích thích.
Nhiều bệnh lý nguy hiểm
Không chỉ trở thành “con nghiện” của dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm hớt tóc, mà những người lỡ cạo, ngoáy lỗ tai của mình mỗi khi hớt tóc còn đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm. Theo bác sĩ Lợi, các dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại dễ gây tổn thương đến các bộ phận của tai, bởi người lấy ráy tai không rành chuyên môn, không biết cấu trúc của tai. Nếu lỡ tay nhẹ thì làm trầy ống tai gây chảy máu, nhiễm trùng dẫn đến các bệnh viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nếu lỡ tay nặng thì dẫn đến thủng màng nhĩ, gây giảm thính lực, nặng dần thành điếc. Nhiều trường hợp viêm tai giữa gây chảy mủ nhưng không được điều trị kịp thời khiến viêm tai xương chũm, lâu ngày khiến tổn thương não và sọ, có thể gây xuất huyết não dẫn đến tử vong. Bác sĩ Lợi cũng nói thêm rằng các dụng cụ lấy ráy tai tại các tiệm hớt tóc thường không vô trùng, vì vậy chúng có thể truyền bệnh từ người này sang người khác mà phổ biến nhất là bệnh về nấm.
Vị bác sĩ Trưởng khoa Tai cũng lưu ý trường hợp ngoáy lỗ tai bằng bông tăm. “Tự ngoáy tai bằng bông tăm tuy ít có nguy cơ tổn thương và nhiễm bệnh như lấy ráy tai bằng dụng cụ kim loại, song bông tăm sẽ kích thích ráy tai tiết ra nhiều hơn. Mặt khác, bông tăm còn đẩy dồn ráy tai vào bên trong cùng với bụi bẩn. Nhiều trường hợp dùng bông tăm ngoáy tai kéo dài khiến ráy tai dồn đống gần màng nhĩ, vừa gây nguy hiểm vừa gây khó khăn cho giới chuyên môn khi xử lý. “Bình thường không nên ngoáy tai, móc tai, lấy ráy tai, vì nó sai với sinh lý bình thường của ống tai, gây ứ đọng chất bẩn, dễ gây tổn thương đến tai”, bác sĩ Lợi cho biết.
Tai ngứa, phải làm sao?
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, việc tuân thủ cơ chế bảo vệ và làm sạch theo sinh lý bình thường của tai là tốt nhất. Muốn được “tự nhiên” như vậy thì biện pháp “phòng thủ” là chính. Theo đó, khi tắm cố gắng đừng để nước lọt vào tai. Nếu đã cố giữ mà nước vẫn vào thì nghiêng tai cho nước chảy ra rồi dùng khăn mềm lau khô phần cửa tai. Khi ta di chuyển, gió sẽ làm phần việc còn lại là hong khô phần nước đọng trong tai. Trong trường hợp hết cách mà tai vẫn ngứa thì dùng ngón tay ấn, xoa vào cửa tai để giảm ngứa.
Đối với những người lâm cảnh càng lấy, ráy tai càng nhiều, để thoát vòng luẩn quẩn ấy cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Tại đây các bác sĩ sẽ xem xét, tùy vào tính chất của ráy tai mà chỉ định cách thức vệ sinh tai phù hợp. Theo bác sĩ Lợi, cách thông thường nhất là rửa tai bằng dung dịch chuyên dụng để làm mềm ráy tai, sau đó hút chúng ra ngoài bằng thiết bị chuyên dụng. Cách làm này mới giữ được hệ nang lông, giúp lỗ tai trở lại cơ chế sinh lý bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, Trưởng khoa Tai (Bệnh viện Tai – Mũi – Họng TPHCM) khuyến cáo, người dân không nên tự mình hoặc nhờ người khác ngoáy tai, móc tai, lấy ráy tai. Không cho nước vào tai, không tự nhỏ bất kỳ một loại thuốc nào vào tai, đặc biệt là những trường hợp đã thủng màng nhỉ. Thổi thuốc bột (lưu truyền trong dân gian) vào tai cũng là điều tuyệt đối không nên làm. Ngay khi phát hiện có dấu hiệu bất thường ở tai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng điều trị đúng và kịp thời.
|
Đỗ Bá - Thanh Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét