Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

“Người phi thường” Nguyễn Ngọc Ký nói về Nick Vujicic

“Người phi thường” Nguyễn Ngọc Ký nói về Nick Vujicic

Sau cuộc giao lưu nhưng không được “đụng” tới Nick Vujicic, người phi thường Nguyễn Ngọc Ký đã có những cảm nhận và tâm tư về Nick.

Thầy giáo huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký là người khuyết tật phi thường của Việt Nam được Ban tổ chức “sự kiện Nick Vujicic sang Việt Nam” mời đến trong đoàn 24 người khuyết tật Việt Nam được tôn vinh và giao lưu với Nick.

Dù đang rất mệt vì bệnh tật, thầy Ký vẫn dành cho VietNamNet cuộc trò chuyện chân tình.

Thưa thầy, cảm nhận của thầy về Nick như thế nào sau cuộc giao lưu?

Rất tuyệt vời! Nick đã truyền lửa cho mọi người với thông điệp hãy nhìn cuộc sống không giới hạn.

Những ngày ở Việt
Những ngày ở Việt Nam, Nick Vujicic đã mang lại nguồn cảm hứng cho rất nhiều người.

Dù bạn có thể không có chân, không có tay; dù bạn là người khuyết tật nhưng suy nghĩ và tư tưởng của bạn không bị rào cản. Hãy nhìn lên phía trước với những ước mơ, khát vọng.

Cuộc sống luôn có những điều rất bất ngờ, kỳ diệu nếu chúng ta phấn đấu hết mình.
Như Nick vậy, lúc sinh ra đâu nghĩ mình sẽ trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng khắp thế giới như bây giờ phải không? Đó là điều kỳ diệu nhờ dám nghĩ, dám phấn đấu.

Nick đã truyền được niềm tin, khát vọng của mình có chút liều lĩnh, “điên rồ” với tư tưởng “không giới hạn”, phấn đấu vươn lên để cuộc sống có ý nghĩa, vượt qua chính mình không chỉ ở Úc, ở Mỹ mà còn ở khắp thế giới!

Tôi ấn tượng và thấm thía nhất câu nói của Nick: “Người Việt hãy thương người Việt!”, “Hãy thương nhân dân mình”.  

Được tôn vinh và giao lưu với Nick, thầy đã nói gì với Nick?

Tiếc rằng tôi chẳng nói được gì! Trước đó tôi đã bày tỏ nguyện vọng đại diện cho 24 người khuyết tật tiêu biểu của Việt Nam giao lưu, nói chuyện với Nick. Nhưng đến khi tôn vinh xong, muốn trao đổi vài lời và tặng Nick 3 quyển sách của tôi và một bài thơ thì Ban tổ chức bảo: “Nick đói bụng rồi, phải để Nick vào ăn cho có sức…”. Thế là đành chịu…

Vậy là thầy không tặng được Nick 3 quyển sách và bài thơ thầy mới sáng tác à?

Tôi gửi cho Ban tổ chức nhờ chuyển cho Nick. Không biết họ có chuyển không. Trong đó có quyển “Tôi đi học” rất nổi tiếng đã xuất bản nhiều lần ở Việt Nam, nay tái bản lại…

Thưa thầy, trong cuộc gặp gỡ giới doanh nhân tại TPHCM, một khách mời là diễn giả đã nói rằng, những điều Nick nói là không mới. Đó là những danh ngôn của các danh nhân và những lời ghi trong kinh thánh. Cái hay của Nick là anh có gương mặt lạc quan và truyền được cảm hứng cho người nghe?

Đúng là Nick có tài diễn thuyết! Anh nói bằng cả trí tuệ, tâm hồn và cơ bắp, tất cả đều rung động, truyền lửa cảm hứng, có sức lan tỏa lớn, vượt qua hàng rào ngôn ngữ đi đến tâm thức của người nghe và châm ngòi cho khát vọng, ước mơ, đam mê bùng cháy lên mãnh liệt.

Nội dung Nick diễn thuyết đi vào triết luận, khuyên răn. Giá như Nick đi vào những cái cụ thể hơn, tức những điều Nick đã thực hiện thì đáp ứng được mong mỏi của nhiều người hơn. Bởi vậy nên những người đi nghe Nick diễn thuyết về có thể say sưa cảm xúc nhưng nếu ai hỏi Nick đã vượt khó thế nào thì… đành chịu!

Tôi là người khuyết tật từ năm lên 4 tuổi. Trước đó tôi sinh ra là bình thường. Phải một thời gian sau tôi mới có cảm giác thăng bằng với 2 cánh tay bị liệt và hòa nhập vào cuộc sống nên tôi rất thấu hiểu nỗi khổ, khó khăn nan giải của người khuyết tật trong cuộc sống.

Tôi vô cùng ngưỡng mộ Nick, mong muốn được biết Nick đã tập luyện như thế nào khi không có chân và tay mà trở thành vận động viên lướt ván? Hoặc Nick đã đi học ra sao, xử trí với nhiều tình huống trong cuộc sống như thế nào thì không nghe Nick nói.

Đó là những điều mà mọi người rất quan tâm, không chỉ người khuyết tật mà cả xã hội cũng cần biết để cùng đồng hành và chia sẻ. Đáng tiếc ở chỗ này.

Theo thầy chuyến đi của Nick đến Việt Nam đã để lại điều gì bổ ích cho mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật?

Bài học Nick để lại rất rõ.

Thứ nhất, người khuyết tật chỉ có thể thành công khi luôn có ước mơ, khát vọng sống. Có thể là ước mơ, khát vọng lớn cho cả cuộc đời và ước mơ khát vọng cho một giai đoạn hay trong một ngày. Nhưng phải có. Cuộc đời bắt đầu từ những ước mơ và khát vọng như vậy.

Thứ hai, người khuyết tật rất cần lòng yêu thương, động viên khích lệ của gia đình và xã hội. Nick sinh ra trong một gia đình không chỉ có bố và mẹ mà còn cả cô, dì, chú bác v.v…

Đi học Nick có bạn bè, thầy cô luôn giúp đỡ. Bản thân tôi cũng vậy. 2 lần được huy hiệu của Bác Hồ tặng là nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn lao. Những lời khen, động viên của những người xung quanh cho tôi sức mạnh rất lớn vượt qua khiếm khuyết của mình.

Thứ ba, có thần tượng để noi theo, vươn lên. Với Nick, thần tượng là nhà bác học bị liệt không chỉ 2 tay 2 chân mà liệt cả miệng, không nói được. Nick đã thấy mình may mắn hơn và phấn đấu không ngừng.

Thứ tư, lòng tự trọng sẽ giúp người khuyết tật thêm sức mạnh. Nick kể đã gặp phải cảnh bị người ta cười cợt, khinh rẻ nên phấn đấu cho những người kia biết mình là ai.

Điều này đồng cảm sâu sắc với tôi vì bên cạnh những người giúp đỡ mình thì cũng có những người khinh thường, cười cợt.

Tôi đã nuốt nước mắt vào trong với ý chí sẽ phấn đấu để họ không thể coi thường mình! Nhờ vậy được tiếp thêm sức mạnh.

Thứ năm, niềm tin trong quá trình hành động và sáng tạo. Người khuyết tật chỉ chăm chỉ không là chưa đủ. Họ phải vượt lên bằng sáng tạo. Chính lao động sáng tạo đem lại cảm hứng phi thường để có kết quả rất phi thường.

Không chỉ người khuyết tật mà người bình thường cũng học được từ đây những điều cần thiết có ích cho mình và xã hội!

Trong một email của một người Việt Nam ở Mỹ gửi về viết “Những người khuyết tật hay bị bệnh nặng như bệnh tim không thể lao động đều được Chính phủ trợ cấp tiền hàng tháng đủ sinh sống, trợ cấp nhà cửa để ở, trợ cấp học hành và chữa bệnh miễn phí”. So ra, người khuyết tật bên Mỹ thuận lợi hơn để bước vào cuộc sống. Nước ta còn nghèo, chưa lo được cho người khuyết tật như vậy song vẫn có những tấm gương “vượt lên chính mình” rất phi thường, như thầy chẳng hạn. Vậy thầy có thể diễn thuyết, truyền lửa như Nick nếu có điều kiện?

Ở Việt Nam có nhiều tấm gương vươn lên đáng khâm phục, cảm động, đáng thương và đáng trân trọng lắm. Trong Hội nhà văn có 4 hội viên là người khuyết tật đấy nhé.

Bản thân tôi bắt đầu đi giao lưu, nói chuyện, diễn thuyết “truyền lửa” từ năm 6 tuổi. Hồi ấy miền Bắc đang chiến tranh, khó khăn lắm. Tôi được mời đi đến các trường nói chuyện với các bạn, để các bạn nhìn tấm gương vượt khó của tôi.

Lớn lên đi học và đi dạy, tôi cũng thường xuyên đi gặp gỡ, giao lưu như thế. Đã thành quen thuộc, tôi xem như bổn phận và trách nhiệm “truyền lửa” là của mình. Tính cho đến nay tôi đã có 1.380 buổi giao lưu như vậy trên khắp 25 tỉnh thành rồi.

Do điều kiện không được như Nick, anh đã đi qua 40 nước, tôi chỉ đi các tỉnh trong nước Việt Nam thôi. Hiện nay dù tuổi đã cao bệnh tật nhiều, mỗi tuần phải chạy thận 3 buổi nhưng tôi vẫn dành 3 buổi đi gặp gỡ nói chuyện ở 3 nơi.

Tôi chỉ tiếc rằng, sau gần 60 năm liên tục đi đến những trường học gặp gỡ, chia sẻ, động viên các em học sinh và thế hệ trẻ biết sống, có thêm nghị lực và sức mạnh để vươn lên thì nay sức khỏe không còn nhiều để đi xa nữa.

Tuần rồi có tổ chức mời tôi đến nói chuyện với 3.000 tù nhân để họ có niềm tin và sức mạnh vượt qua nghịch cảnh, cải tạo tốt để sớm về làm lại cuộc đời,  nhưng tôi chưa thể trả lời vì sức khỏe…

Thầy Nguyễn Ngọc Ký và cháu ngoại
Thầy Nguyễn Ngọc Ký và cháu ngoại
Là một người khuyết tật nhưng thầy đã vươn lên, đạt nhiều thành quả mà người bình thường phải cảm phục, trân trọng; đóng góp rất nhiều cho xã hội và đất nước. Giờ tuổi đã cao, sức yếu, thầy còn ước mơ gì nữa không?

Bao năm nay tôi mong muốn xây dựng được quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo hiếu học và trẻ em khuyết tật gặp khó khăn đi học, bước vào đời. Tôi là người tật nguyền rất hiểu nỗi khổ, nỗi cay đắng, bất hạnh của người khuyết tật.

Họ rất dễ buông xuôi, trốn chạy khỏi cuộc đời, hoặc bất chấp, nổi loạn. Tôi cũng đã gần nửa thế kỷ làm thầy giáo, đứng trên bục giảng nên rất hiểu hoàn cảnh khó khăn của nhiều em học sinh hiện nay.

Tiếc rằng mong ước đơn sơ, nhỏ bé của mình chưa được thực hiện. Hiện nay ngoài lương hưu tôi viết sách xuất bản và tái bản những sách viết trước đây, nhuận bút ít lắm nên sự giúp đỡ, chia sẻ của tôi chẳng đáng là bao.

Tôi rất thấm thía lời khuyên của Nick “Người Việt hãy biết yêu thương người Việt” và tôi cũng vô cũng cảm phục tấm ̣òng nhân ái của anh. Chuyến qua Việt Nam này anh đã dành toàn bộ số tiền thu được để giúp đỡ những người nghèo khổ ở châu Phi.

Tôi nghĩ xã hội rất cần những tấm lòng nhân ái như vậy. Và Việt Nam chúng ta cũng cần những người có trái tim nhân hậu, đong đầy tình người như Nick bởi đất nước ta còn khó khăn, nhân dân ta còn nghèo lắm. “Người Việt hãy yêu thương người Việt” là lời khuyên rất đáng để chúng ta ngẫm nghĩ…

Xin cảm ơn và chúc thầy mau khỏe! Cầu chúc cho ước mơ của thầy thành hiện thực!

Bài thơ của thầy Ký gởi tặng Nick: Huyền thoại mùa xuân

(Quý tặng Nick Vujicic, chàng trai kỳ diệu xứ sở Căng – gu –ru, khuyết cả tứ chi vẫn thành cử nhân, nhà thuyết giáo nổi tiếng thế giới, tác giả 3 cuốn tự truyện “Cuộc sống không giới hạn”, “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, “Sống cho điều ý nghĩa hơn”…)

Nick Vujicic! Nick Vujicic!
Anh là huyền thoại mùa xuân
Thiếu hai tay. Thiếu cả đôi chân
Nhưng anh dư thừa niềm tin, khát vọng
Cuộc đời anh là bài ca cuộc sống
Bài ca yêu thương, hy vọng khôn cùng…
Giữa đêm đen bão tố trùng trùng
Con thuyền đời anh vẫn băng băng
Lướt qua ngàn song dữ
Anh hóa thành lồng lộng bóng hải âu
Gieo cảm hứng yêu say cho khắp cả năm châu
Đâu đó còn ai vật vã trong đớn đau, buồn nản
Biết anh rồi bỗng bừng sáng niềm tin cuộc sống này không giới hạn
Và nếu giữ cho khát vọng không bao giờ khô cạn
Một ngày kia biết bao điều kỳ diệu lấp lánh hoa
Sẽ tưng bừng thắm nở giữa đời ta
Dù vây bủa gần xa ngàn bất hành phong ba!

(Tháng 5/ 2013)

Theo Duy Chiến
VietNamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét