Nhà cõi âm tiền tỷ của đại gia Việt
- Với quan niệm "sống cái nhà, già cái mồ", nhiều đại gia không ngần ngại bỏ tiền tỷ xây cất lăng mộ, nhà thờ. Chứng kiến sự hoành tráng và cầu kỳ của những "dinh thự" dành cho người chết mới thấy hết sự xa hoa của giới nhà giàu kể cả lúc còn sống hay lìa đời.
Xây lăng mộ 3.000 cây vàng báo hiếu cha mẹ
Người nghĩ ra ý tưởng này là ông Hà Mỹ Suông, tên thường gọi là Hội đồng Suông - một đại điền chủ ở tỉnh Hà Tiên cũ hồi đầu thế kỷ 20. Do không có con ruột nối dõi tông đường nên tất cả số tiền dành dụm được ông Suông đều mua vàng dự trữ. Khi số vàng đã đựng đầy 6 thùng lớn (mỗi thùng tương đương với can 50 lít bây giờ) ông Suông quyết định xây khu lăng mộ (hiện nằm ở khu phố 2, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) để làm nơi an nghỉ cho cha mẹ.
Khu lăng mộ này được xây dựng trong vòng 2 năm (1935-1936) với nhiều loại nguyên vật liệu quý hiếm thời bấy giờ. Ông Suông phải lặn lội sang tận Hong Kong mua đá cẩm thạch loại được nhập từ Thụy Sĩ về dùng để ốp thân và hầm mộ. Còn đá núi, ông cho người ra tận Ngũ Hành Sơn lấy về. Khi vật liệu đã đầy đủ, ông Hội đồng Suông lại cho người đi mời những nghệ nhân có tay nghề giỏi nhất, được tuyển chọn từ Trung Quốc và Hải Phòng.
Kiến trúc độc đáo trong khu lăng mộ 3.000 cây vàng (Ảnh GĐ&XH) |
Gần một thế kỷ trôi qua, khu lăng mộ đình đám này vẫn còn khá nguyên vẹn và thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Những khối đá quý bên lối dẫn vào khu thạch mộ được ghép từ hồi đầu thế kỷ vẫn mới tinh như vừa được đánh bóng. Tất cả khuôn viên, nền mộ và trần che nắng mưa đều được ghép từ những khối cẩm thạch mài nhẵn thín. Phần tiếp theo là gian thờ tự, được thiết kế theo kiến trúc đình chùa 2 gian 3 chái. Ở giữa là gian thờ tự, hai chái bên cạnh dành cho người ở để hương khói. Bên trên mái lợp được tô vẽ rồng, phượng, nghê... uy nghi, bên trong gian thờ tự được điểm những bài thơ bằng chữ Hán. "Địa ngục" được thiết kế theo quan niệm 9 tầng địa ngục, mỗi tầng được mô phỏng theo quan niệm dân gian.
Lăng mộ triệu đô của đại gia đất Cảng
Vị đại gia này là ông Vũ Hồng K.. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", vị đại gia bậc nhất Hải Phòng thời bấy giờ khao khát tự tay xây mộ cho mình lúc nằm xuống. Và ông đã thỏa mãn ước nguyện bằng quần thể lăng mộ hơn 3.000m2 tại quận Kiến An, với tổng chi phí ước chừng 1 triệu USD.
Cổng vào lăng mộ của đại gia đất Cảng được dựng bằng hai cột đá đen, mái cổng là một tấm đá đen lớn. (Ảnh: Bưu điện VN) |
Để bắt tay xây dựng khu lăng mộ, ông K. đã vào tận khu vực núi Nhồi, Thanh Hóa để tự tay chọn những khối đá đẹp nhất, đắt nhất, được khai thác bằng sức người thay vì dùng thuốc nổ như thông thường. Mỗi tảng đá như thế giá từ 10-30 triệu đồng. Phải mất 5 năm với bàn tay của hàng trăm thợ lành nghề, ý tưởng của ông mới thực sự hoàn thiện.
Toàn bộ phần khuôn viên lăng mộ của đại gia đất Cảng đều được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài dũa rất khít. (Ảnh: VTC News) |
Khu trung tâm lăng mộ rộng chừng 200m2, lẩn khuất sau những hàng cau vua rợp bóng. Khuôn viên lăng mộ được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài dũa rất khít. Hầm mộ sâu trong lòng đất 4m, được bao bọc bởi những phiến đá khổng lồ, mỗi khối nặng 2,6 tấn. Ở giữa lăng mộ là khối đá đen nặng 10 tấn, mặt trước là những dòng chữ khắc nội dung kể tài năng cũng như đóng góp của ông cho xã hội. Trên cùng tháp đá bức tượng bán thân của ông K. được chạm khắc tỉ mỉ. Nó được đánh giá là khu lăng mộ "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.
Doanh nhân bỏ tiền tỷ xây lăng mộ lớn nhất VN
Doanh nhân Trần Văn Sen đã bỏ tiền tỷ, mua lại gần 10ha đất làng Mẹo, ngôi làng được mệnh danh là làng tỷ phú ở tỉnh Thái Bình, giá đất ở đây đắt không kém thủ đô Hà Nội, để xây dựng lăng Đức Hoằng Nghị Đại vương, tức ông Trần Hoằng Nghị, cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ. Đây được đánh giá là lăng mộ thuộc loại lớn nhất Việt Nam.
Mất 9 năm xây dựng (từ 2002 tới 2011), khu lăng đền này mới hoàn thành. Các chi tiết đều được làm cầu kỳ. Móng lăng ăn sâu xuống lòng đất 4,2m, được đổ bê-tông kín đặc tạo thành tầng hầm rất rộng, chứa mộ phần của Đức Hoằng Nghị Đại vương. Trên mặt đất, lăng có 3 tầng, 6 mái, cao 41m. Các chi tiết trong mộ khá cầu kỳ, phủ màu vàng và đỏ.
Lăng Đức Hoằng Nghị Đại Vương (Ảnh Infonet) |
Đặc biệt, nơi đây còn có tượng các vua quan đời Trần bằng đồng nguyên chất, ngoài phủ vàng. Trên trần các tầng đều có chữ Phúc, được viết rất xảo diệu, sắp xếp hợp lý khiến người xem phải trầm trồ.
Đại gia chi trăm tỷ xây nhà thờ dát vàng
Ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh đã bỏ 10 năm (1998-2008) cùng với số tiền cả trăm tỷ đồng để kỳ công dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà.
Để thực hiện ý nguyện của mình, ông Lượng đã nhẫn nại thuyết phục làng xóm nhượng lại đất xung quanh. Từ mảnh đất 240 mét vuông, ông mua hết phía trước, mua rộng ra xung quanh và mua xuyên lên tận sườn dãy núi Chí Linh. Mảnh đất gom được rộng tới 5.000 m2, nằm trên một thế đất vàng theo phong thủy. Trước mặt là vòng tay ôm của con sông Kinh Thầy, sau lưng là dãy Chí Linh án ngữ, đúng là dựa núi nhìn sông.
Ngôi nhà thờ trăm tỷ của đại gia Hải Dương (Ảnh: VTC News) |
Có mặt bằng rồi, ông Lượng tiến hành san đất. Công việc đào hồ, đắp núi phải làm đi làm lại vài lần, rất kỳ công. Cầu kỳ nhất là làm ngôi nhà thờ dát vàng. Ngôi nhà tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của chủ nhân. Ban đầu, khi đã gom đủ lượng gỗ lim (mua tận Nam Phi) để dựng nhà, đội thợ mộc nổi tiếng của Sơn Tây, gồm vài chục người, có lúc lên đến cả trăm, ăn dầm ở dề tại nhà ông Lượng để đục đẽo. Suốt mấy năm trời kỳ công, đội thợ mới dựng lên được một ngôi nhà gỗ hoành tráng. Song, gia chủ nhòm ngang ngó dọc, thấy không hài lòng, đã dỡ bỏ.
Sau đó, ông Lượng lại mướn đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài dũa đá xanh, đá trắng để lát nền, chạm trổ long, ly, quy, phụng... Cuối cùng, một công trình đẹp, hài hòa, mang đậm văn hóa Việt đã được hoàn thiện và các chuyên gia kiến trúc khó tìm thấy khiếm khuyết.
Hạnh Giang(tổng hợp)
Bi hài 'đại gia' vung tiền tỷ xây lăng mộ
Nhiều đại gia không ngần ngại bỏ tiền của xây cất mồ mả. Thậm chí, có người còn bỏ ra cả chục tỷ để mua thiên thạch chôn trong mộ nhằm hút tinh khí.
Hiện nay, chuyện những đại gia bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng xây nhà lầu, biệt thự để ở đã là chuyện rất bình thường. Giờ, quanh khu vực trung tâm TP HCM còn có rất nhiều nghĩa trang đáp ứng được nhu cầu mồ yên mả đẹp của giới nhiều tiền lắm của này.
Anh Hội, một chủ quán nước trên tỉnh lộ 785, trước ngã ba miếu thờ Quan lớn Trà Vong (xã Thạnh Tân, Tây Ninh) kể chuyện cất mộ cho cha của vợ chồng Bình, một chủ tiệm vàng dưới Chợ Lớn (TP HCM). Ông Bình chọn mua đất xây mộ cho bố mình mới mất. Việc tìm đất “cất nhà” ấy diễn ra ngay khi bố ông Bình vẫn đang phều phào nằm viện.
Xây mộ tiền tỷ, nhiều đại gia vẫn "trắng tay". |
Nghe lời giới thiệu của một ông thầy bói ở bên Dương Minh Châu (Tây Ninh), vợ chồng ông Bình quyết định mua miếng đất rộng hơn 300 m2 nằm sát bên chân núi, cạnh một con suối nhỏ thuộc thung lũng Ma Thiên Lãnh.
Ma Thiên Lãnh là thung lũng khổng lồ khí hậu vô cùng mát mẻ, cây cỏ hoang sơ êm đềm. Vợ chồng ông Bình tin rằng, đây là khu “đất vàng” bởi nó được bao quanh bởi 3 ngọn núi danh tiếng là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo, những ngọn núi thuộc quần thể núi Bà.
Ông Bình nghĩ rằng, nếu chôn xương cốt cha mình ở đây, ngay đoạn trũng “yên ngựa” của 2 ngọn núi thì chuyện làm ăn, buôn bán của gia đình sẽ ngày càng phát đạt.
Vì thế, số tiền hàng chục tỷ đồng để mua đất, vận chuyển đá cùng các vật liệu khác vào thung lũng để xây mộ cho bố mình cũng chẳng khiến vợ chồng ông Bình phải lăn tăn. Hỏa táng dưới Bình Hưng Hòa (TP HCM) xong, gia đình ông Bình mang tro cốt người cha già lên “biệt thự người âm” mà mình đã xây dựng trước đó ở giữa thung lũng Ma Thiên Lãnh an táng.
Tuy nhiên, khi xương cốt người cha mới nằm yên được khoảng 2 năm thì vợ chồng ông Bình tá hỏa bởi thông tin khu mộ nằm trong khu quy hoạch du lịch trung tâm Ma Thiên Lãnh. Mua bán bằng giấy tờ viết tay, không công chứng nên chẳng biết kêu ai, “cung điện nguy nga” buộc phải di dời.
Đến lúc này, vợ chồng ông Bình mới cay đắng nhận ra sự mê muội của mình bởi quá tin vào lời ông thầy bói phán nhăng phán cuội. Chẳng biết linh khí hội tụ ngàn năm như lời ông thầy bói nói ở đâu bởi thực tế, bố mình mới an nghỉ chưa ấm chỗ thì đã phải chuyển đi chỗ khác.
Ngày di dời huyệt mộ cha “ngôi nhà mới xây chứa nhiều linh khí” ấy, vợ chồng ông khóc như mưa. Khóc bởi thương cha chết mà không được “yên thân” và cả vì xót cả đống của cải bỏ ra đã đổ ào xuống sông, xuống bể.
Mặc dù không nằm trong diện phải giải tỏa hay di dời nhưng câu chuyện về khu mộ từng nổi tiếng một thời của gia đình anh Minh ở chân núi Chứa Chan (Xuân Lộc, Đồng Nai), ngọn núi cao thứ nhì tại vùng Đông Nam Bộ cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Nhiều người đồn đại với rằng, nếu mộ nhà ai táng đúng vào huyệt của rồng trước khi nó chuẩn bị “thăng thiên” thì chắc chắn đời sau gia đình đó, dòng họ sẽ tài lộc vô biên, không thể nào cưỡng nổi. Cách đây gần chục năm, gia đình anh Minh, một chủ nhà thầu xây dựng giàu có dưới Thủ Dầu Một (Bình Dương) nhưng xuất thân từ vùng này, nhất quyết thuê thầy phong thủy tìm cho bằng được cái huyệt rồng đó để “dành” cho ông nội anh, một cụ già đang bị ung thư gan giai đoạn cuối.
Sau vài tuần lễ miệt mài tìm kiếm, ông thầy phong thủy nổi tiếng kia quả quyết đã tìm được “huyệt rồng”. Nơi đó là eo đất nhỏ, giữa lưng chừng núi, buổi sáng khi mặt trời đúng giờ chính Ngọ (12h trưa), bóng của cây thiêng 3 gốc trên đỉnh núi sẽ trùm hết lên khu đất này.
Hơn nữa, ông thầy đó còn quả quyết, nơi đây có long khí hội tụ vì từ nơi này nhìn xuống phía chân núi, sẽ thấy tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường kinh lý quốc lộ 1A như hai vệt chỉ mờ buộc vào trời đất. Điều đó chứng tỏ vượng khí đã được người xưa biết đến. Nghe ông thầy phong thủy phán vậy, sướng rơn, anh Minh không tiếc công tiếc của, gấp rút tìm người vận chuyển vật liệu lên lưng chừng núi để xây mộ cho ông nội vì sợ ông ra đi khi khu công trình chưa kịp hoàn thành.
Khi an táng tro cốt ông nội ở đó xong xuôi, gia đình anh Minh đã vô cùng hoan hỉ. Riêng anh Minh, anh luôn tin rằng, với việc bỏ ra cả mấy tỷ đồng xây mộ hoành tráng như vậy thì chắc chắn việc làm ăn của mình sẽ phát đạt, các dự án, công trình cứ dồn dập đổ tới công ty.
Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, chẳng biết huyệt mộ nhà anh Minh đặt thế nào mà việc làm ăn của anh liên tiếp gặp sóng gió. Thua lỗ, gia sản cứ hao hụt dần cho tới lúc phá sản cách đây 3 năm. Chẳng biết “huyệt rồng” ấy nằm ở nơi đâu trên ngọn núi này, chỉ biết gia đình anh Minh giàu có, nổi tiếng nhất vùng ấy bỗng dưng lụn bại kể từ sau khi cất nhà hoành tráng cho người âm ấy.
Theo quan niệm của nhiều người, đất vàng để an táng phải có địa thế tiền thủy hậu sơn. Nghĩa là, trước mặt phải có sông, suối, sau lưng phải có núi đồi và nếu có thêm cả biển nữa thì vượng khí sẽ vô biên. Bởi suy nghĩ này, mà nhiều người đã tìm ra cả biển.
Ông Hưng, chủ một công ty buôn bán đồ nội thất danh tiếng ở Bình Tân (TP HCM) đã lặn lội đưa chút tro cốt của cha mình xuống tận Vũng Tàu để an táng vì nghe lời một ông thầy phong thủy phán rằng, ở đó mới có khí linh thiêng bởi núi, sông, biển cận kề.
Theo chỉ dẫn của thầy phong thủy, ông Hưng đã tìm một miếng đất đẹp ở làng đảo Long Sơn (phường 12, TP Vũng Tàu). Mảnh đất này tựa lưng vào núi Nứa hùng vĩ, mặt hướng ra phía biển Đông và gần hơn là sông Chà Vá uốn lượn như rồng chảy quanh.
Để có mảnh đất đẹp ấy, ông Hưng đã phải bỏ ra cả chục tỷ đồng để mua lại của những “nhà đầu tư” có con mắt tinh tường đã đến mua trước mình. Chưa hết, theo lời ông thầy phong thủy thì đã chọn được một khu mộ vàng như thế mà không yểm thêm bùa phí phạm tinh hoa trời đất.
Tin lời, ông Hưng theo chân thầy phong thủy xuống Dĩ An (Bình Dương) tìm mua một phiến đá thiên thạch mới đáp xuống trái đất với giá 90 tỷ đồng. Theo ông thầy phong thủy ấy thì phiến thiên thạch này có khả năng hút tinh hoa của vũ trụ. Sau khi được một số chuyên gia ở một công ty đá quý khẳng định phiến đá đó đúng là thiên thạch, ông Hưng đã quyết định mua vì nghĩ đầu tư cho tương lai là đầu tư sáng suốt.
Thế nhưng, khi mới yểm vào huyệt mộ của cha mình xong thì chỉ ít lâu sau, đọc báo, ông đã rụng rời chân tay khi thấy tin gã thầy phong thủy cùng các chuyên gia giám định ấy vừa bị công an bắt vì làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của nhiều người bằng những hình thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Đến lúc này ông Hưng mới vỡ lẽ rằng ngay từ đầu, mình đã bị gã thầy phong thủy cho vào tròng. Tuy nhiên, việc đã rồi, ông cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Trớ trêu và đau đớn nhất phải kể đến trường hợp của gia đình ông Dũng, đại gia ở Bình Chánh (TP HCM), người chỉ sau 5 năm bỗng dưng có trong tay cả ngàn tỷ đồng nhờ việc những vườn chuối, ruộng bắp của cha ông để lại bỗng dưng rơi vào vùng quy hoạch đất ở.
Thế nên, để báo hiếu với ông bà tổ tiên đã để lại nhiều đất cát cho con cháu, ông Dũng quyết định di chuyển khu mộ của dòng họ từ nghĩa trang vào một nơi được xây dựng bề thế, hoành tráng như một ngôi chùa mang dáng dấp của kiến trúc Angkor Wat ở bên Campuchia. Khu lăng mộ này ông Dũng thuê hẳn người trông nom, chăm sóc.
Theo suy nghĩ của ông Dũng, các vua chúa bên Campuchia vì xây mộ cho mình hoành tráng nên họ được người đời sau ngưỡng mộ.
Hôm di dời mộ của dòng họ, vợ chồng con cái, anh chị em ai cũng can ngăn bởi đào mộ tổ tiên, dù theo cách nào cũng là điều vô cùng cấm kỵ nhưng ông Dũng nhất quyết không nghe. Ông bảo, phong thủy khu mộ cũ không tốt, theo các thầy phong thủy phán thì nhất quyết phải dời đi.
Thế nhưng, vừa hoàn thành việc di hài cốt của tổ tiên sang nhà mới thì thị trường bất động sản trượt dốc không phanh, việc làm ăn của ông Dũng rơi vào vòng nguy khốn. Không những thế, nhiều người còn thấy vợ ông công khai cặp bồ với một anh chàng kém bà đến hơn chục tuổi. Tai ương chưa hết, đứa con trai ông cũng vừa bị bắt bởi đua xe trái phép gây tai nạn rồi bỏ trốn.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét