Slide


Mời Ba về ăn Tết với chúng con
  • kenny

  • kenny

Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

ĐIỂM TIN TUẦN QUA SỐ 28

ĐIỂM TIN TUẦN QUA

SỐ 28

 

NHÂN SĨ TRÍ THỨC HÀ NỘI MỪNG THỌ

CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH 100 TUỔI


NHÂN SĨ TRÍ THỨC HÀ NỘI KÍNH MỪNG 
CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH TRÒN 100 TUỔI


Sáng 11-2-2015 (23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ), nhóm nhân sỹ, trí thức Hà Nội đã đến chúc thọ cụ Nguyễn Trọng Vĩnh – Thiếu tướng, lão thành cách mạng – tại tư gia, nhân dịp cụ tròn 100 tuổi. 
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh năm nay tròn 100 tuổi, là lão thành cách mạng, trải các chức vụ Bí thư tỉnh ủy (3 tỉnh), Phó Ban thường trực Ban Tổ chức TW, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Trung Quốc (12 năm) kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Cụ là một trong 3 ủy viên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa III hiện còn sống (hai vị khác là Nguyễn Văn Trân và Đỗ Mười). Và hiện nay chỉ còn duy nhất cụ là tướng do cố Chủ tịch Hồ Chí Minh phong.  
Tướng Vĩnh thông hiểu chữ Hán cổ, rành Trung văn, Pháp văn và có thể giao tiếp bằng Tiếng Anh (cụ là học viên tiếng Anh của Hội đồng Anh tại HN, khi cụ đã ở tuổi 87). Cụ cũng thông hiểu y học cổ truyền do tự học, tự chữa bệnh cho mình và người thân trong gia đình bằng Đông y.
Mỗi ngày Cụ vẫn đi bộ 2 km và ăn uống điều độ (giờ ăn cơm đều chính xác, dinh dưỡng vừa đủ), nghỉ ngơi có chế độ. Đặc biệt cụ theo dõi hầu hết các trận bóng đá châu Âu và quốc tế phát trên truyền hình, trừ những trận quá khuya.

Từ 10h00 đã thấy sự hiện diện của Ông Trần Đức Nguyên (nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ), Ông Nguyễn Khắc Mai (Giám đốc Trung tâm Minh Triết), GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Chu Hảo, Nghệ sỹ Kim Chi và phu quân – nhà giáo Vũ Linh (nguyên Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội), Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Hoạ sỹ Mai Xuân Dũng, TS. Đặng Thị Hảo, ThS. Đào Tiến Thi, TS. Nguyễn Xuân Diện,...Nhà văn, dịch giả Nguyên Bình, con gái Tướng Vĩnh cùng có mặt để đón khách.
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh rất vui và vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, hóm hỉnh. Cụ tự tay pha trà mời khách trà sen mà cụ mua ở Đồng Văn (Phủ Lý) nhân khi có dịp ghé qua vừa rồi.



Các nhân sĩ trí thức dâng tặng Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh bức hoành có bốn chữ "Xuất Tướng Nhập Tướng" nghĩa là khi xuất trận, đối mặt với kẻ thù là một  tướng oai phong, khi về triều là một vị tướng văn đầy mưu lược, khoan dung, nhân hậu mà uyên bác với tầm nhìn xa rộng; kính chúc Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh luôn mạnh khỏe, minh mẫn và sống lâu, sớm được chứng kiến sự đổi thay lớn lao của đất nước.


TS. Nguyễn Xuân Diện đang giải thích về các chữ Nho trên bức hoành Mừng thọ

Ất Mùi niên xuân nhật
XUẤT TƯỚNG NHẬP TƯỚNG
Phụng
Nguyễn Lão tướng quân kỳ di thọ khảo
Nhân sĩ trí thức Hà thành cung hạ
Xuân năm Ất Mùi
RA TRẬN TƯỚNG VÕ, HỒI TRIỀU TƯỚNG VĂN
Kính dâng
Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thọ 100 tuổi
Nhân sĩ trí thức Hà thành kính mừng

Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh bày tỏ niềm vui được các "chiến hữu"(chữ của cụ gọi mọi người) tới chúc thọ và chỉ có một ước mong duy nhất trong năm mới Ất Mùi là: 
Nước Việt Nam thực sự có Dân chủ và Nhân quyền.
.

Ông Nguyễn Khắc Mai (83 tuổi) tặng Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh bức thư pháp do tự tay ông viết, chép bài thơ Thần với nhiều tín hiệu tiên tri. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đọc bài thơ chữ Hán và rất tâm đắc.



 Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đang trò chuyện với Đại tá Nguyễn Đăng Quang 
về cuốn Hồi ký của Cụ
Giáo sư Chu Hảo và mọi người kính mời Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh dùng cơm trưa tại một nhà hàng ở Hà Nội. Giáo sư Viện sĩ Hoàng Xuân Phú cùng có mặt, dâng hoa mừng thọ Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh chia sẻ với mọi người nhiều câu chuyện. Cụ cũng cho biết rằng, mặc dù thời điểm 2014 đã qua, và năm 2014 cụ tròn 75 năm tuổi đảng, nhưng cho đến hôm nay, Thành ủy Hà Nội vẫn "giam" huy hiệu 75 năm tuổi đảng của cụ. 
Vui chuyện, cụ Trần Đức Nguyên cho biết, buổi sáng vẫn đi thể dục cùng các đảng viên trong chi bộ nơi cụ Vĩnh đã từng sinh hoạt, các vị này cho biết trên thành phố có chỉ đạo chi bộ họp để lấy ý kiến xem có nên trao huy hiệu 75 năm tuổi đảng cho Tướng Vĩnh hay không, thì cả chi bộ biểu quyết 100 % là phải làm ngay việc đó. Không những thế, chi bộ còn giao cho một số người có trách nhiệm phải đôn đốc, theo dõi việc này để báo cáo kịp thời với toàn thể chi bộ.


 Giáo sư Chu Hảo mang một món cốc-tai mời cụ Nguyễn Trọng Vĩnh

Buổi gặp mặt mừng thọ Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tròn 100 tuổi diễn ra đầm ấm, vui vẻ và tôn kính!
Bài: Nguyễn Xuân Diện
Ảnh: Mai Xuân Dũng - Đào Tiến Thi

Hai bài báo Tết

Bài thứ nhất này viết theo yêu cầu của Ô.Phạm Trần Lê, Phó tổng biên tập tạp chí Tia Sáng, nhưng rồi khi báo sắp phát hành thì tác giả nhận được trả lời qua email là bài không đăng được. Mời bạn đọc ĐIỂM TIN xem để thấy việc cắt bỏ của Tia Sáng đã thể hiện được rõ nét cái logic của buổi nhiễu nhương, cũng là tín hiệu đáng suy nghĩ.
NGHĨ VỀ CÁI CHÂN MÓNG CỦA XÃ HỘI
Tương Lai
Ở vào thời điểm giao thoa giữa năm cũ, 2014 sang năm mới, 2015 dồn dập bao nhiêu biến động dữ dội với những sự kiện trên thế giới và trong nước đang tác động mạnh đến khối óc và con tim của những người quan tâm đến thế cuộc.
Đó là dữ kiện thôi thúc những cái đầu biết tư duy phải tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, rà soát lại, nhặt ra những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm để tự bổ sung cho mình những tri thức mới, giúp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với thực trạng xã hội chúng ta đang sống. Vả chăng, bức tường xã hội đã có trước khi chúng ta sinh ra. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải sống trong những bức tường đó bởi chính sự hợp tác tự nguyện hay không tự nguyện của chúng ta. Cũng có nghĩa là chúng ta đã và đang góp phần củng cố những bức tường đó hay đập phá nó đi. Ai đó nói rất chí lý,‎ "chúng ta bị giam cầm bởi chính sự hợp tác của chúng ta”.
Sự tác động qua lại trong mối quan hệ giữa người và người đã xây đắp nên những bức tường xã hội ấy hay làm rạn nứt, đẩy tới sự sụp đổ cũng những bức tường đó. Ở đây, bức tường được hiểu theo nghĩa trừu tượng. Nhưng cũng có những bức tường được sử dụng theo nghĩa đen trần trụi, chẳng hạn như “bức tường Berlin” mà thế giới vừa kỷ niệm 25 ngày phá vỡ sự ô nhục đó. Thủ tướng Angela Merkel, người đã lớn lên ở Đông Đức, khi dẫn đầu các hoạt động kỷ niệm kéo dài 3 ngày đánh đấu việc chấm dứt sự chia rẽ thời Chiến tranh Lạnh đã nói rằng "Tôi nghĩ các bạn không bao giờ quên cảm giác khi đó - ít nhất là tôi sẽ không bao giờ quên nó. Tôi đã phải đợi 35 năm cho cảm giác tự do này. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi".
Đó là “bức tường ý thức hệ”! Muốn hiểu về sự xuống cấp của vấn đề đạo đức và nhân cách mà Tạp chí Tia Sáng đặt ra phải dám mạnh dạn bàn sâu vào vấn đề tưởng như xa với điều ấy, nhưng đó mới chính là "vấn đề của vấn đề".
Thật ra, căn bệnh của não trạng và hành vi lấy một lý luận chính trị, xã hội làm chân lý tuyệt đối và duy nhất, loại trừ và thủ tiêu mọi lý luận, mọi tư tưởng chính trị khác đã là một căn bệnh lâu đời của loài người. Từ khoảng đầu thế kỷ XX căn bệnh ấy được gọi là căn bệnh tôn sùng “ý thức hệ”, sống và đấu tranh với nhau vì “ý thức hệ”. Cái tên gọi ấy có xuất xứ từ Tây Âu. Căn bệnh ấy phân chia cả loài người và từng dân tộc, từng quốc gia, cho đến từng gia đình thành phe ý thức hệ này đối lập sống chết vơí phe “ý thức hệ” khác. Một trong những biến thái của chuyện đấu tranh ý thức hệ này là vấn đề giáo dục l‎ý tưởng.
Phạm trù lý tưởng gắn liền với mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người. Tùy thuộc vào sự nhận thức về mục đích và ý nghĩa cuộc sống của từng người, từng nhóm xã hội mà có sự định hình lý tưởng. Sự định hình ây được thực hiện trong chiều dài của nhận thức con người, từ gia đình ra xã hội, đặc biệt là thông qua hệ thống giáo dục, đào tạo.
Lý tưởng đương nhiên là quan trọng trong hình thành nhân cách, đạo đức của con người, nhất là với thế hệ trẻ, song không nên cho rằng lý tưởng của Lý Tử Trọng của thế kỷ XX là cao hơn lý tưởng của Trần Quốc Toản thế kỷ XIII. Khi Trần Quốc Toản ghi trên lá cờ của mình sáu chữ “Phá cường địch, báo Hoàng ân” thì đó là sự thể hiện lý tưởng trung quân ái quốc của chàng tuổi trẻ quý tộc đời nhà Trần. Đừng nghĩ rằng lý tưởng “trung quân ái quốc” là thấp hơn lý tưởng “trung với nước, hiếu với dân”, mà không thấy mỗi giai đoạn lịch sử có những đòi hỏi mang tính cụ thể lịch sử nhằm đáp ứng quy luật vận động của nó . Đừng quên rằng “mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó…Một khi cuộc sống đã vuợt qua một thời kỳ phát triển nhất định, đã từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác, thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối". Đây là một ý đúng  và sâu sắc của C.Mác. Nhưng do bị chi phối bởi kiểu tư duy môt chiều và cực đoan của vấn đề "ai thắng ai" trong đấu tranh ý thức hệ, người ta xem lý tưởng chính trị là mục tiêu quyết định nhất, cao cả nhất, chi phối tất cả mọi phẩm chất đạo đức khác, và là điểm quy chiếu quan trọng nhất về nhân cách.
Vì thế, nhiều thập kỷ qua, vần đề giáo dục phẩm chất chính trị đặt lên trên vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ. Giáo dục lý‎ tưởng sống cho tuổi trẻ chủ yếu và trước hết là lý‎ tưởng chính trị mà điểm quy chiếu là ý thức hệ. Ngay cả việc chỉ tập trung vào giáo dục lý tưởng mà lơ là xây đắp cái nền tảng nhân văn trong định hình nhân cách cho thế hệ trẻ, để từ đó mà giáo dục lý tưởng sống nói chung chứ không chỉ là lý‎ tưởng chính trị, cũng đã là một sự thiển cận đưa tới những hậu quả đáng buồn. Bởi lẽ, cái chân móng đã lung lay thì mọi thứ ở trên đó không sớm thì muộn cũng sụp đổ.
Khi chỉ chuyên chú giáo dục lý tưởng theo cách ấy, người ta dễ dàng bỏ qua những phẩm chất người  trong quan hệ giữa người và người từ trong gia đình, cộng đồng xã hội nhỏ nhất, đến nhà trường, một cộng đồng lớn hơn, rồi hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, cho đến cộng đồng lớn là xã hội. Sẽ rất nguy hiểm lúc thần tượng của lý tưởng bị sụp đổ trong khi cái nền tảng nhân văn lại không vững chắc vì không được chăm nom hun đúc từ tấm bé, hệ lụy của chuyện này sẽ rất khó lường. Một khi niềm tin của con người bị chao đảo, thì định hướng của hành vi sẽ bị nhiễu loạn do hệ thống giá trị bị xáo trộn. Những suy thoái đạo lý xã hội, những sút kém, băng hoại về nhân cách mà chúng ta đang phải chứng kiến chính là cái giá đắt phải trả cho những điều đã nói ở trên.
"Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe", có lẽ phải biết cách "nghe" bằng sự nhạy cảm của con tim gắn liền với độ sâu của trí tuệ người nghệ sĩ thiên tài nọ để thấy ra được sự dại dột trong chuyện "lơ là xây đắp cái nền tảng nhân văn trong định hình nhân cách cho thế hệ trẻ" vừa nói chính là cội nguồn của vấn đề nhân cách và đạo lý xã hội đang đặt ra‎. Mà xét đến cùng, nói đến nền tảng nhân văn cũng chính là nói đến cái cốt lõi của văn hóa khi xác định rằng văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội từng được rao giảng.
Nhà tâm lý‎ Nguyễn Khắc Viện đã có một khuyến cáo thật đáng suy ngẫm khi bàn về giáo dục nhân cách : “Để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”. Vậy thì hiện nay, môi trường giáo dục của trẻ nhỏ đang như thế nào? Liệu chúng ta có thể "để trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó" trong môi trường chúng ta đang sống không? Chỉ lẩy ra một chuyện : Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á ký "Công ước về Quyền Con Người", thế nhưng kể từ đó, hơn hai thập kỷ trôi qua, nạn bạo hành trẻ em lại ngày càng gia tăng! Cùng với chuyện đó, còn biết bao chuyện đau lòng diễn ra hàng ngày trên đường phố, dọc đường làng, trong nhà trường, bên mâm cơm gia đình, nơi bệnh nhân đang cấp cứu trong bệnh viện... Liệu đó có phải là hậu quả trực tiếp của cái nền tảng nhân văn của xã hội đã và đang bị phá vỡ không?
Sẽ quá dài dòng để phải nhắc lại một thời mà chủ nghĩa nhân văn bị phê phán do bị áp đặt bởi những giáo điều Maoít, chỉ coi trọng “giai cấp tính” mà coi nhẹ "nhân tính". Người ta đòi phải xem xét vấn đề “nhân tính” trong cái lăng kính giai cấp để chịu sự chi phối của “giai cấp tính” nhằm dẫn đến kết luận không có nhân tính chung chung mà chỉ có giai cấp tính. Hệ lụy của nó thì chắc không phải kể ra dài dòng mà chỉ cần nói gọn một dòng :  cái gốc văn hóa của xã hội đã bị đốn chặt mất rồi !
Ấy vậy mà bàn về việc đào luyện nhân tài cho đất nước, cũng tức là chuyện vun trồng nhân cách trên nền tảng văn hóa, ông cha ta từng dạy "tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp bên trong thì bên ngoài tốt tươi….Cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn”. Cho nên “cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó".[Nguyễn Văn Siêu]. Khi đã đốn chặt từ gốc rồi, thậm chí đào tận gốc trốc tận ngọn, thì chuyện suy thoái đạo lý xã hội, sa sút, băng hoại về nhân cách là điều không sớm thì muộn cũng phải xảy ra.
Phải chăng đây chính là việc "mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng" mà M.Gorki đã cảnh báo ngay sau Cách mạng Tháng Mười 1917. Văn hào Nga viết trong "Những ý tưởng không hợp thời đăng trên nhật báo Novaja Žizn : Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần". Vì thế Gorki đòi hỏiDân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều đế đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa...".
Gợi lên những điều này không chỉ nhằm thực hiện một khuyến cáo của C.Mác “hãy làm cho sự nhục nhã càng thêm nhục nhã bằng cách công bố nó lên”!  Nhưng nếu ai đó chưa thấy an lòng bởi khái niệm nhục nhã thì xin thay bằng từ xấu hổ vậy. Tuy vậy, cũng đừng quên rằng sự xấu hổ làm cho chúng ta có thêm dũng khí để vượt lên chính mình.
Trong “Sáng thế ký ” có chuyện Adam và Eve sau khi ăn trái cấm thì bỗng nhiên phát hiện ra sự trần truồng của mình. Cảm giác xấu hổ xuất hiện. Và cả hai đều bứt chiếc lá vả để che đi bộ phận sinh dục. Chiếc lá vả ấy, theo Franz Werfel, một nhà văn Đức, là “tài liệu văn hóa đầu tiên của loài người! Không là chiếc lá vả đang nằm trên cây, mà là chiếc lá vả được con người sử dụng để biểu thị nhận thức và cảm xúc của mình, là biểu tượng của con người tự ý thức được về mình. Cái cảm giác “biết xấu hổ” là một thuộc tính người, một cảm giác mang đậm tính nhân văn. Chính vì biết xấu hổ khiến chúng ta trở thành người tử tế, người có văn hóa. Nhưng oái oăm thay, cũng do vậy khiến cho tâm hồn chúng ta bất an.
Chưa lúc nào mà vấn đề văn hóa lại cần đặt ra thật cấp bách bằng lúc này khi bàn về chuyện nhân cách và đạo đức trong buổi Xuân sang.

 

Bài thứ hai, viết theo yêu cầu của Báo Đầu Tư, Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có bỏ hai đoạn ngắn [tô màu vàng]. Xem ra người biên tập quả có nghề, cắt đúng mấy dòng đáng cắt nhất vì có mấy chữ "phạm húy", không phải là do"Kiện"trông ra "Tiệp" của Tú Xương của một thời "sách vở mập mờ, văn chương lóng ngóng", mà là của một thời đánh tráo khái niệm, nhắc lại là động đến "thiên đình"đấy.

 

"BƯỚC RA MỘT BƯỚC MỘT DỪNG"

Tương Lai

Ai vậy, ai đang bước?
Nàng Kiều của cụ Nguyễn Du đấy. Đây là cao trào trong bi kịch Thúy Kiều tại nhà Hoạn Thư. "Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa, Phải rằng nắng quáng đèn lòa, Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh...Thế là "Bây giờ tình mới rõ tình, Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai".
Thế nhưng ta, bước ra khỏi một thời dại dột "lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn... quay lưng lại với biết bao sự thật hằng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả" như Phạm Văn Đồng đã viết, vậy là để "... cho khỏi lụy trong vòng bước ra" thì căn cớ gì mà cũng một bước một dừng, tệ hơn thế, "bước đi một bước giây giây lại dừng". Mà dừng lâu, là cớ làm sao?
 "Bước ra" khỏi thời kỳ kế hoạch tập trung bao cấp duy ý chí từ Đại hội VI, bước đột phá của Đổi Mới, đưa đất nước vượt qua hiểm nghèo bên miệng vực sụp đổ, để đi tới trong thanh thiên bạch nhật chứ đâu phải nắng quáng đèn lòamột bước một dừng. Nói dại miệng, hay là có cái bóng ma Đạm Tiên nào đó ám ảnh vì bóng ma đó đón đường, chẳng những thế lại "...đã có lòng chờ, Mất công mười mấy năm thừa ở đây". Cái bóng ma "lững thững như gần như xa" xem ra có thật chứ chả chơi.
Nếu cứ với tinh thần của Đại hội VI, dám nhìn thẳng vào sự thật mà dấn bước thì chắc rằng thành tựu đạt được sau 30 năm không chỉ thế này. Chỉ chút xíu dám nhìn thẳng vào sự thật thôi cũng đã gợi lên trong tâm tư của những người nặng lòng với vận mệnh đất nước bao câu hỏi và những câu trả lời, cho dù buốt nhói trong tim cũng phải rõ ra : "Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm "ôsin". Nghe mà xót lòng"[Tuổi trẻ. 21.8.2014].  Xin nhớ cho, người nói lên sự thật "xót lòng" này là một người đang giữ trọng trách trong công tác tư tưởng của Đảng đấy nhé, chứ không phải người viết bài này đâu.
Tuy lịch sử thì không có chuyện "nếu", nhưng người thẩm định về những sự kiện lịch sử có quyền và cần phải chỉ ra những hệ lụy đau đớn mà nếu tránh được những sai lầm thì những chặng đường đã trải đã có thể diễn ra một cách khác.
Hãy đọc lại những dòng sau đây trong Nghị quyết Đại hội VI ngày 18.12.1986 : "Không đánh giá thấp những khó khăn khách quan, Đại hội nghiêm khắc chỉ ra rằng nguyên nhân chủ quan của tình hình trên đây là những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước....Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện".Để đưa ra được những kết luận động trời như vậy tác giả của chúng phải vượt qua những cửa ải hiểm nguy ẩn chứa khả năng là "cửa tử"! Nhưng có lẽ điều còn khó hơn thế là vượt qua chính mình.
Không vượt được chính mình chắc chắn sẽ không có quyết định táo bạo của Trường Chinh viết lại báo cáo chính trị Đại hội VI vào phút chót để đọc trước Đại hội. Trần Nhâm, thư ký của ông, cho biết : " Một ngày trước khi mất, ông còn nói với tôi về chuyện Vĩnh Phú. Tôi có hỏi "sao lúc bấy giờ Bác lại làm to chuyện như vậy?". Ông điềm tĩnh trả lời tôi rằng, có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình không bắt kịp với tình hình thực tế, hơn nữa vấn đề nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác." [theo Wikipedia] . "Chuyện Vĩnh Phú" nói đây là muốn kể về thái độ cứng rắn đến độ vô cảm của Trường Chinh đối với Kim Ngọc, người đi tiên phong trong Đổi mới với "khoán", cũng là người từng lăn lộn sống chết một thời gian khổ tiền khởi nghĩa Tháng Tám 45 gần gũi thân thiết với Trường Chinh.
Lịch sử đi những bước dích dắc, oái oăm đến nghiệt ngã. Trên Tạp chí Học tập tháng 2.1969, trang 25 vẫn còn đó rành rọt những dòng phê phán tàn nhẫn nhưng rất phổ biến của một thời :"...việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triên tự tư tự lợi, làm phai nhạt ‎ý thức tập thể của xã viên...giảm nhẹ vai trò của lao động tập thê XHCN, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ...tích chất sai lầm rất nghiêm trọng vì nó không chỉ thuộc về cách làm mà thuộc về lập trường tư tưởng...". Phải mất 20 năm, lịch sử mới trả lại cho cuộc sống cái động lực đích thực thúc đẩy sự phát triển mà trong những bước ấu trĩ người ta đã mê đắm vào ảo tưởng để quay lưng lại với những giá trị có thật hàng ngày được những người đổ mồ hôi sôi nước mắt trên luống cày cháy lòng mong ước.
Nhưng để có được điều đó thì đòi hỏi người giữ sứ mệnh đi tiên phong phải có một cái đầu biết độc lập suy nghĩ để nhận ra được những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm, do đó dám thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống. Ông Nguyễn Thành Tô, người thư ký gắn bó rất lâu với Kim Ngọc có kể chuyện ông bí thư tỉnh ủy nói về cách quản lý lao động của địa chủ trước kia:
 Không cần đánh kẻng, cũng chẳng cần chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đội trưởng sản xuất, chỉ có vài anh quản lý mà công việc đâu vào đó. Riêng chuyện giữa buổi cày họ cho gánh ra một gánh khoai hoặc sắn cùng nồi chè xanh rất ngon cho thợ cày, thợ cấy ăn thì rõ ràng đây là một tính toán quá giỏi. Cày cấy đang mệt và đói, được mấy củ khoai và bát nước chè vào bụng thì khỏe lại ngay, năng suất lao động tăng lên giống như khi mới bắt đầu làm.
Đồng chí bí thư huyện ủy bảo: Bí thư khen địa chủ không sợ mất lập trường à? Anh Ngọc nói luôn: Cái hay cái tốt làm gì có tính giai cấp. Nếu sợ mất lập trường mà không tiếp thu kiến thức của họ thì suốt đời chỉ sống trong mông muội. 
Không những chịu khó thu nạp kiến thức qua cuộc sống mà thấy điều gì hay là anh Ngọc ứng dụng ngay vào công việc...".
Trong cuốn "Bí thư Tỉnh ủy", tiểu thuyết của Văn Thảo, đã được dựng phim, có một đoạn đối thoại thú vị giữa người phụ nữ kiên quyết ủng hộ "khoán" của bí thư tỉnh ủy với vị lãnh đạo từng phê phán "khoán" trên bài viết vừa dẫn :
-Anh không những thành người xa lạ với riêng tôi mà còn xa lạ cả với mọi người. Thú thật tôi không còn nhận ra anh nữa.
Ông Trung Chính nói một câu gượng gạo :
- Tôi có khác gì đâu, chỉ có già đi thôi.
Bà Thường chua chát :
- Cái già bên ngoài của anh không đáng ngại. Điều đáng ngại là trái tim của anh đang già cỗi và đã biến thành sắt đá mất rồi. Anh có biết ngày còn hoạt động bí mật, anh, anh Việt, anh Dũng ở trong nhà tôi ai là người nuôi các anh ăn, ai làm liên lạc, ai bảo vệ các anh? Ngoài nông dân ra chẳng có ai cả. Không sợ máy chém, không sợ tù tội khổ sai, nuôi nấng bảo vệ các anh để các anh làm cách mạng giải phóng cho họ. Sao bây giờ anh quay ra vô tình, thờ ơ với cuộc sống còn đói nghèo thiếu thốn của họ đến vậy? Sao anh không dám vứt mẹ các nguyên tắc đang ràng buộc họ để cho họ được thoải mái làm ăn, để họ còn nuôi con nuôi cái và đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sao vậy anh Trung Chính? Sao vậy? Anh trả lời tôi đi".
Năm 1988, nghĩa là 20 năm sau sự kiện Kim Ngọc, Nghị quyết 10 về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (dân gọi là khoán 10) vì nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.
Thế rồi trường học được lấy tên Kim Ngọc, con đường đẹp nhất của thị xã Vĩnh Yên mang tên Kim Ngọc, ngày 23.9.2009 nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Kim Ngọc, tỉnh ủy Vĩnh Phúc đúc tượng đồng cho ông! Những giá trị thật dần dần được xác lập lại. Những bước đi cho dù còn rón rén của chân lý‎ cũng đã chạm được vào cuộc sống lầm than của những người từng lam lũ, nhẫn nại oằn lưng gánh trên vai mình gánh nặng giữ nước và nuôi sống cả nước. Quả là có chuyện "Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời" trong đoạn kết có hậu của Truyện Kiều Nguyễn Du! Còn trong câu chuyện đầu Xuân của chúng ta hôm nay thì "Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong". Đấy là lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với bà Liên, vợ ông Kim Ngọc trong dịp bà đến mừng thọ Đại tướng bước vào tuổi 90 .
Nhưng liệu rồi đã thật sự "tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời" chưa?
Đổi mới vẫn trên hành trình của "vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh". Mà có chuyện đó bởi lẽ “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”. Tôi không cưỡng được phải viện dẫn ra mệnh đề này của Hégel khi bàn về biện chứng của sự phát triển, mặc dầu đã quá nhiều lần phải nhắc đến trong nhiều bài viết và cũng đã rất dị ứng về cung cách tụng niệm "biện chứng", nhưng vì mệnh đề của Hégel biểu tả một cách quá súc tích những gì đã và đang diễn ra trước mắt. Bằng mệnh đề đó có thể diễn đạt ngắn gọn và sâu sắc những gì đã và đang đập vào mắt.
Những giằng co giữa cũ và mới của tiến trình Đổi Mới từ sau Đại hội VI diễn ra rất quyết liệt. Chỉ bằng việc cho các hộ cá thể, tư nhân nhận khoán đất ruộng, đất vườn và mặt nước để họ tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời hé mở dần việc trao quyền thừa kế đất khoán cho con cái và quyền chuyển nhượng cho chủ khác. Nói gọn lại là bước đầu trả lại ruộng đất cho dân để họ làm ăn và trước đó bỏ tệ ngăn sông cấm chợ đã là " một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ". Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị  ra ngày 5-4-1988 thực sự là một bước đột phá có ý nghĩa lớn nhằm "giải phóng sức sản xuất" trong các mối quan hệ về lợi ích tuy vẫn nhấn mạnh "quan trọng nhất là bảo đảm lợi ích người lao động". Phải chăng ở đây chính là cái trạng thái cũ ấy vẫn đang "được tập quán thần thánh hoá"?
 Sự nhấn mạnh này vẫn hàm chứa trong đó cách nghĩ cũ không thấy được rằng nếu chỉ có người nông dân dốc sức trên luống cày thì lợi ích của họ sẽ vẫn rất bấp bênh và hạn chế. Hãy chỉ nói chuyện đầu ra cho sản phẩm, rồi là giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, cải tiến nông cụ và bao nhiêu chuyện khác nữa gắn liền với những cái được gieo trên luống cày nếu "người lao động", tức là nhà nông, không có mối quan hệ gắn bó với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học cùng với một nhà nước không chỉ biết cai trị họ, thu thuế từ cái hầu bao lép kẹp của họ, huy động sức đóng góp triền miên của họ, mà là người điều hành dịch vụ thúc đẩy sản xuất phát triển để đem lại lợi ích ngày càng nhiều, một nhà nước kiến tạo phát triển.
Để thấy cho rõ những bước "khấp khểnh gập ghềnh" trong "mỗi bước tiến mới" cũng cần thấy, thật ra thì từ Nghị quyết Trung ương 6, khóa IV, năm 1979, rồi tiếp đó là Chỉ thị 100 ra ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (gọi tắt là Khoán 100) tuy còn chung chung nhưng cũng đã "rón rén" chuyển từ khoán công việc sang khoán sản phẩm, từ khoán đội đến khoán nhóm và người lao động trồng lúa là chủ yếu để bước đầu giải phóng sức sản xuất, nhất là sức lao động của hộ xã viên trong các hợp tác xã.
Phải mất 7 năm, từ Chỉ thị 100 của Ban Bí Thư bước đầu xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, sản xuất tập thể, vô chủ “cha chung không ai khóc" mới đi đến được đến Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. May mà chỉ bằng một nửa sự ám ảnh của bóng ma Đạm Tiên "đã có lòng chờ, mất công mười mấy năm thừa ở đây" dẫn ra ở trên!
Ấy vậy mà nghĩ lại, những cái gọi là "mới" này, thật ra chỉ là quay trở lại với đạo lý ‎ thông thường của cuộc sống bao đời mà do "một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn" như Phạm Văn Đồng đã tự phê phán, đẩy cuộc sống của mấy chục triệu nông dân vào khốn cùng.
Cái việc "quay trở lại" đó chính là khoán sản phẩm đến từng hộ gia đình, để họ có quyền về phân phối và tiêu thụ nông sản do mình làm ra nhằm phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, cho lưu thông tự do, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, xóa bỏ nghĩa vụ thu mua nông sản, nhất là lương thực với giá thấp, "thuận mua vừa bán" chứ không còn bắt buộc phải bán theo giá nghĩa vụ, một hình thức ăn chẹn trá hình, tước đoạt thành quả lao động của nông dân. Chỉ mới có thế thôi mà cục diện đất nước đã xoay chuyển hẳn : trước "khoán 100", năm 1980 sản lượng lúa là 11,6 triệu tấn, sau "khoán 100", tăng lên 17 triệu tấn. Trước "Khoán 10", năm 1988 vẫn con thiếu đói, sau "khoán 10", Việt Nam đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo.
Thế đấy. Sự oái oăm của những chặng đường lịch sử in dấu ấn trên sự quay trở lại với đạo lý ‎ thông thường của cuộc sống vừa kể ra mới xót xa làm sao.
Do não trạng của một số người, vì những ngẫu nhiên của lịch sử mà được đặt vào cái ghế quyền lực đã "quay lưng lại với biết bao sự thật hằng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả" [Phạm Văn Đồng] khiến cho lịch sử phải ghi lại những chặng đường oái oăm. Rồi cuối cùng thì chẳng phải ai khác người nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng kia phải trả giá đắt ấy thôi. Nói là ngẫu nhiên, nhưng xét đến cùng thì cái tất nhiên cũng phải thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện ra chứ đâu phải tự trên trời rơi xuống. Thật ngữ thời thượng hay nói về cái gọi là "cơ chế"!
Đáng sợ là cái cơ chế khủng khiếp ấy đã ngự trị trong đầu óc của nhiều người, thậm chí đã mọc rễ trong kết cấu hạ tầng tâm lý‎ xã hội, trở thành thói quen trong cách tư duy, thành cái mà Hégel gọi là tập quán. Chính cái tập quán đã thần thánh hóa "cái trạng thái cũ đang suy đồi" khiến cho cái đang suy đồi ấy vẫn còn đủ sức thao túng và chi phối những bước đi của đất nước trong một thời đoạn nhất định nào đó. Điều ấy giải thích vì sao thành tựu của bước đầu Đổi mới đã rõ đến vậy nhưng rồi vẫn "bước ra một bước một dừng".
Thế mới biết sự giằng co giữa cũ và mới là gay gắt đến thế nào, cũng vì thế mới ngộ ra một điều tại sao trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh đã cảnh báo về "cuộc chiến đấu khổng lồ" nhằm chống lại "những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi".
Xin chỉ gợi ra hết sức vắn tắt sự giằng co ấy qua mấy Đại hội Đảng. Từ Đại hội VI đến Đại hội VII : khi biểu quyêt thông qua Cương lĩnh đã có gần 7% đại biểu không chấp nhận sáu đặc trưng của Cương lĩnh, có khoảng 20% số đại biểu chấp nhận nhưng phải có sửa đổi.  Như vậy là không có tuyệt đại đa số 100% thuận theo Cương lĩnh. Nhưng đến đại hội VIII thì lại càng khẳng định rất cao tính chất của Cương lĩnh. Đến đại hội IX bắt đầu có điều chỉnh, nhất là điều chỉnh về quan điểm giai cấp, nhưng vẫn khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh. Đến đại hội X không khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh nữa và có sự điều chỉnh đối với một số nội dung của Cương lĩnh 91.  Điều chỉnh về tính chất Đảng, trở lại quan điểm của đại hội II : Đảng là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động cũng là Đảng của dân tộc, điều chỉnh vấn đề công hữu về tư liệu sản xuất, thay mệnh đề nhân dân lao động làm chủ bằng mệnh đề nhân dân làm chủ, tức là toàn dân làm chủ sau những tranh luận gay gắt.  Đặc biệt là việc đảng viên được làm kinh tế tư nhân cũng đã được khẳng định ở mức độ Đại hội biểu quyết tán thành vào những phút chót.
Bằng những điều chỉnh khá lớn, Đại hội X đã không khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh mà đặt vấn đề sẽ làm Cương lĩnh mới. Thế nhưng, sau đó, với Đại hội XI, mệnh đề "đổi mới thành công có ý nghĩa lịch sử" được chuyển thành một khẳng định khác : "thời kỳ lịch sử từ 1991 đến 2011 là thời kỳ thực hiện cương lĩnh 91 với những thành công có ý nghĩa lịch sử".
Quả thật là "cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi" là cực kỳ gian khổ - một cuộc chiến đấu khổng lồ - mà Hồ Chí Minh đã căn dặn :"Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này thì phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân ".
Chính cái sức mạnh ấy sẽ quyết định dòng chảy của lịch sử. Dòng chảy ấy cuốn theo những biến động dữ dội trong đời sống đất nước. Cũng trong dòng chảy ấy, thời gian đã xóa nhòa đi nhiều điều, nhưng thời gian đồng thời cũng làm nổi bật lên tính quy luật của sự vận động. "... thời gian chuẩn bị cho ý kiến và niềm tin của đám đông, nghĩa là chuẩn bị mảnh đất cho những thứ đó nảy mầm...Thời gian là ông chủ đích thực của chúng ta, chỉ cần để cho nó tác động, ta sẽ thấy mọi sự vật biến đổi"*. Và đã biến đổi thì cái cũ sẽ phải được thay thế bằng cái mới.
Lạ một điều là không hiểu vì lẽ gì mà trong những chặng bi thảm của cuộc đời "ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi, hết nạn ấy đến nạn kia" từ chặng "bước ra một bước một dừng" đến đoạn bi thảm nhất của đời nàng Kiều phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử, thì Đạm Tiên lại đã chờ sẵn và Nguyễn Du đã cho bóng ma ấy nói những lời rất lạ :
           "Một niềm vì nước vì dân,
       Âm công cất một đồng cân đã già.
             Đoạn trường sổ rút tên ra,
       Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau"
Mùa xuân ngày rộng tháng dài, bạn đọc thử luận xem sao.

_________

 

We are here

A. NHÌN LẠI NĂM 2014:
Năm 2014 qua đi nhưng băng khoăn của các chuyên gia về sách lược Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á , Châu Á Thái Bình Dương vẫn còn nguyên. Mọi người chỉ có thể linh tính sẽ có những chuyễn biến quan trọng mà không rõ Obama, Tổng Thống Hoa Kỳ, sẽ có những hành động cụ thể nào trong năm 2015 để hoàn tất khái niệm trở lại Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương mà ông đã khởi xướng cho Hoa Kỳ
Trước mắt , có hai vấn đề sau xuyên qua năm 2014:
1. Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về tự do hàng hải :
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Obama với Tập Cận Bình , Chủ Tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh nhân cuộc họp thuợng đĩnh APEC (Asia Pacific Economic Cooperation) vào tháng 11 năm 2014 không đem đến một thõa hiệp quan trọng nào giữa Bắc Kinh với Washington ngoài những bất đồng căng thẵng tăng dần từ lãnh vực giao thông hàng hải cho đến vấn đề ổn định tài chánh đầu tư tại Đông Nam Á nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương nói chung
Sự căng thẳng từ hội nghị APEC giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về việc chia ảnh huởng đã dẫn đến việc Trung Quốc đứng ra thành lập NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG Á CHÂU AIIB ( Asian Infrastructure Investment Bank) với 50 tỷ Đô la tiền vốn từ Trung Quốc- chiếm hơn 50 % cổ phần để đối chọi với Ngân Hàng Phát triển Á Châu do Hoa Kỳ tài trợ bấy lâu , gọi tắt là ADP- Asian Development Bank , thành lập từ 1966 nhằm tài trợ phát triển kinh tế tại Đông Nam Á
Chỉ có ba nước dứt khoát không tham dự vào AIIB là Úc , Nam Triều Tiên và Indonesia chứng tỏ cho thấy ba nước này hoàn toàn không hề bị ảnh huởng bởi sức hút kinh tế của Trung Quốc ; còn tất cả các nước Á Châu còn lại hầu hết điều có mặt tham dự , trong đó có Ấn Độ và Việt Nam- Riêng Ấn Độ đã được hứa hẹn có một khoảng tiền CHO VAY từ phía Trung Quốc cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng từ đường xá đến xe lữa có thể lên tới 7 tỷ Đô la . Dĩ nhiên Nhật Bản cũng không nằm trong hệ thống ngân hàng AIIB vì còn xung khắc vụ quần đảo Điếu Ngư với Trung Quốc
Hành động này đương nhiên là một thông điệp của ông Tập Cận Bình , lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc gởi đến Hoa Kỳ , khẳng định quyết tâm Lãnh Đạo Đông Nam Á – Châu Á Thái Bình Dương ngang đồng với Hoa Kỳ của Trung Quốc
Trung Quốc cũng thành lập các vùng quân sự cấm bay tại biển Đông ADIZ (Air Defense Identification Zone) mà chính phủ Philippine , Nhật phản đối mãnh liệt vì khiến vùng trời của đất nước họ bị cắt ngăn cấm cản.
Sự kiện hai chiếc máy bay B52 đã được lệnh bay vào vùng cấm bay ADIZ gần quần đảo Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc do Trung Quốc quy định vào tháng 11 năm nay càng làm cho những bất đồng về lãnh hải tại Đông Nam Á giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thêm căng thẳng.
Xin được nhắc lại là hai chiếc B52 này bay chầm chậm công khai không thông báo trước và không né tránh ngay trước mũi của phòng không Trung Quốc để thách thức tuyên bố của Trung Quốc sẽ bắn rơi mọi máy bay vào vùng này trái phép- không có xin phép hay không có đồng ý từ phía Trung Quốc .
Đây là một cái tát tay thẳng vào mặt Trung Quốc rất cương quyết từ phía Hoa Kỳ
Cái tát tay này đã hoàn trấn an được các nước đồng minh Hoa Kỳ tại Đông Nam Á dù chưa thể giải quyết được tận gốc của vấn đề là chấm dứt vĩnh viễn sự hung hăng của Trung Quốc.
Qua năm 2015 , mọi người đang băng khoăn trước những đối sách khi mờ khi tỏ nhưng đầy nguy hiễm cho Trung Quốc của tổng thống Obama sẽ như thế nào ?

2. Việt Nam- Ẩn số của chính sách Biển Đông của Tổng Thống Obama
Cho đến giờ phút này , các chuyên gia vẫn chưa thể đoán được Tổng Thống Obama sẽ dành cho chế độ Cộng Sản ở Hà Nội một chung cuộc như thế nào trong đối sách của mình tại biển Đông .
Người ta chỉ thấy rất rõ chính phủ Obama đang gia tăng ảnh huởng của Washington lên cách hành xử của nhà cầm quyền Cộng Sản tại Hà Nội ngày càng rõ nét trong năm 2014. Nói một cách khác , nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đang lần hồi ” đi vào quỹ đạo ” của Washington trong sách lược Biển Đông của Tổng Thống Obama
Năm 2014 cũng là năm mà dàn khoan HD981 của Trung Quốc ngang nhiên vào lãnh hải của Việt Nam để thăm dò dầu khí, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý dẫn đến sự tự thiêu của một công dân Hoa Kỳ , gốc Việt , tên là Hoàng Thụ , 71 tuổi , nguyên là một quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa , để phản đối Trung Quốc làm sửng sốt báo chí địa phương và hiển nhiên , cũng không thoát khỏi sự quan sát của White House trong thầm lặng .
Dàn khoan này đã đi vào bờ biển Việt Nam với một dàn hải quân hùng hậu hộ tống và chỉ rút đi sau lời tuyên bố của Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ , cho rằng đây là một hành động khiêu khích- nguyên văn : “We are particularly concerned – all nations that are engaged in navigation and traffic within the South China Sea, the East China Sea, are deeply concerned about this AGGRESSIVE ACT”
Năm 2014 cũng là một năm bế tắc cho Cộng Sản Hà Nội trong vấn đề thuyết phục Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận về trao đổi mua bán vũ khí cũng như những điều kiện cần thiết cho gia nhập TPP (Trans-Pacific Partnership) bao gồm 12 quốc gia. Những hành động chấp vá bao gồm thả, trục xuất những bloggers của Cộng Sản Hà Nội không đủ mạnh để giới lập pháp Hoa Kỳ thừa nhận sự tiến bộ về Nhân Quyền của Việt Nam để đi đến quyết định chung cuộc về bãi bỏ cấm vận về trao đổi mua bán vũ khí
Việt Nam là ẩn số xuyên qua năm 2014 bởi vì mọi người không biết rõ Tổng Thống Hoa Kỳ đang có những dự tính nào cho sự thay đổi về Chính Trị tại Việt Nam nhằm giúp Hoa Kỳ thuận tiện hơn trong việc thực thị các kế hoạch của mình tại Đông Nam Á

B. THÔNG ĐIỆP CỦA HOA KỲ NĂM 2015 TẠI ĐÔNG NAM Á

Qua năm 2015, các chuyên gia đang chờ đợi những toan tính của Tổng Thống Obama về Việt Nam hiện rõ hơn . Dựa trên hai vấn đề đã trình bày ở trên trong năm 2014 , qua năm 2015 , khái quát chính sách của tổng thống Obama có thể bao gồm ba điểm chính đối với Đông Nam Á cũng như Châu Á Thái Bình Dương:
a. Tiếp tục gia tăng sức ép , buộc Trung Quốc phải hợp tác với Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực từ an toàn tài chánh , mạng lưới internet ,an ninh quốc phòng , lưu thông hàng hải trong một khuôn khổ thừa nhận sự lãnh đạo của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương
b. Thúc đẫy hợp tác quân sự và kinh tế với Việt Nam trong điều kiện Đảng Cộng Sản cầm quyền bị chia rẽ và phân hóa nội bộ nghiêm trọng do tác động áp lực thay đổi nhân sự từ phía Hoa Kỳ
c. Thắt chặt mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ bằng cách gia tăng viện trợ kiến thiết cơ sở hạ tầng cho Ấn Độ
Mặc dù Do Thái đang cố gắng lôi kéo Hoa Kỳ quan tâm trở lại Trung Đông thông qua xung đột với ISIS- Nhà Nước Hồi Giáo , nhưng Hoa Kỳ đã thể hiện quá rõ quyết tâm quay trở lại Đông Nam Á sau chuyến đi của Tổng Thống Obama sang Ấn Độ ngay đầu năm 2015 , vẽ ra một tương lai phát triển lâu dài giữa hai nước Hoa Kỳ- Ấn Độ trên mọi mặt từ kinh tế đến quan sự .Tổng Thống Obama cũng loan báo về một khoảng tiền VIỆN TRỢ lên đến 4 tỷ đô la cho Ấn Đô , khẵng định vị thế siêu cường về kinh tế trước Trung Quốc -chỉ hứa hẹn cho Ấn VAY MƯỢN mà thôi
Quan trọng hơn hết , cuộc đàm phán quốc phòng lần thứ bảy diễn ra ngay đầu năm 2015 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam càng làm cho Cộng Sản Hà Nội có cơ hội nhích gần hơn tới Washington về mặt hợp tác quốc phòng. Sau cuộc đàm phán này , đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lại khẳng định Hoa Kỳ sẽ là nước đầu tư đứng đầu tại Việt Nam.
Nếu Hoa Kỳ thật sự sẽ là nước đầu tư đứng đầu tại Việt Nam thì điều đó có nghĩa là tư bản Hoa Kỳ được đãm bảo chắc chắn không có bị tổn thất nếu có xãy ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc , đây là một thông điệp ngấm ngầm của Hoa Kỳ tới Trung Quốc nhằm nhân mạnh quyết tâm hiện diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc tháo bỏ những ép buộc đe dọa về mặt quốc phòng lên Việt Nam.
Xin nhắc lại năm 2010 , bà Ngoại Trưởng Clinton đã ghé lại Việt Nam hai lần trong năm , một lần vào tháng 7 và một lần vào tháng 10 cũng điều khẳng định cùng một thông điệp- “Hoa Kỳ sẽ là nước đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong hai mươi năm tới “!
Như vậy , nếu chỉ dùng một câu để tóm tất sách lược và đường lối Hoa Kỳ tại Đông Nam Á , chúng ta có thể kết luận rằng chính sách Hoa Kỳ được thể hiện qua câu nói sau :
“WE (American ) ARE HERE !”
TÚ HOA

Vai trò của World Bank trong
 tái kiến thiết cơ sở hạ tầng cho Việt Nam

I. SỰ THÀNH LẬP WORLD BANK (Ngân Hàng Thế Giới -WB):
WB có trụ sở chính tại Hoa Thịnh Đốn ( Washington, DC), được thành lập sau hội nghị Bretton Wood năm 1944 do Hoa Kỳ khởi xướng với tổng số cổ phần chủ yếu từ Hoa Kỳ nhằm một mục đích duy nhất là tài trợ phát triển kinh tế cho toàn cầu.
Nguyên nhân chủ yếu cho sự thành lập là giới chính trị gia cấp tiến của Hoa Kỳ lúc bấy giờ chủ yếu là từ đảng Dân Chủ cầm quyền của Tổng Thống Franklin Roosevelt cho rằng bất ổn về kinh tế và tài chánh là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh tàn phá và đã đến lúc toàn cầu cần có một tổ chức tài chánh ( finance institution ) vững mạnh đáp ứng cho nhu cầu trợ giúp kinh tế bình ổn an ninh trên toàn cầu
Ngoài ra , Hoa kỳ muốn có một tổ chức tài chánh finance institution để đứng ra thay mặt chính phủ Hoa Kỳ điều hành công cuộc tài trợ tái kiến thiết cho các quốc gia bị tàn phá bởi Đệ Nhị Thế Chiến . Cho nên World Bank là “bàn tay nối dài” của chính phủ Hoa Kỳ trong các kế hoạch sách lược phát triển toàn cầu của mình.
Do đó , các vị chủ tịch điều hành World Bank ĐỀU DO Tổng Thống Hoa Kỳ đích thân bổ nhiệm!
Ngày 22 tháng Ba năm 2012 , Tổng Thống Obama đã bổ nhiệm bác sĩ Jim Yong Kim làm chủ tịch của WB kế thừa vị tiền nhiện là Robert Zoellick . Bác sĩ Jim Young Kim trước nguyên là viện trưởng viện Dartmouth College
Như vậy, mọi hành động của WB đều đồng điệu với đường lối chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ
Cho nên trong chiến lược “Nhìn Về Châu Á ” của Tổng Thống Obama , vai trò của WB đương nhiên nổi bật. Bàn về sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì cần đề cập tới vai trò của World Bank trong công cuộc tái thiết kinh tế Việt Nam .

II. SÁCH LƯỢC TIẾP CẬN NỀN KINH TẾ & XÃ HỘI VIỆT NAM CỦA WB
Khác với tình huống của nước Pháp và nhiều quốc gia đang phát triển khác , Việt Nam lại là một nước Cộng Sản cho nên sách lược tiếp cận của WB không đồng điều ào ạt ở mọi mặt như đã từng thấy mà là tiếp cận theo cách thức từng bước qua thỏa hiệp.
Lý do chủ yếu là Cộng Sản Hà Nội , vốn còn nặng nề quan niệm điều hành kinh tế theo kiểu Mác Lê , tập trung quản lý , độc tài toàn trị-không muốn nhượng bộ quyền kiểm soát độc đoán của Đảng lên mọi mặt của xã hội trong đó có kinh tế. Cho nên, trong quá trình bang giao thuơng thuyết , các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ép Cộng Sản Hà Nội nhượng bộ tới đâu trong việc nới lõng quyền kiểm soát của Đảng thì WB đầu tư hỗ trợ tới đó.
Do đó , sự hiện diện của WB tại Việt Nam là hệ lụy của một quá trình thương thảo cam go, thành công lấn từng bước một của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trước sự trì trệ, ngu dốt và độc tài toàn trị cố chấp của Cộng Sản Hà Nội.
Khi bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bật đèn xanh cho sự thuơng thảo thắng lợi từng điểm một, từng ngành kinh tế một , thì World Bank tiến sâu vào điểm thành công thuơng thảo này mà đầu tư tái thiết.
Khung sườn hành động của WB tại Việt Nam có thể tóm lượt qua năm mục tiêu phù hợp với nỗ lực của Hoa Kỳ trong quá trình tái thiết và hiện đại hóa Việt Nam như sau:
1. Xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam
2. Tài trợ giáo dục cho trẻ em Việt Nam
3. Cải thiện bình đẳng giới tính về thu nhập
4. Cải Thiện y tế và nhiều mặt an sinh xã hội , trong đó có phòng chống bệnh dịch và bảo vệ môi trường
5. Tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế
Trong đó , mục tiêu thứ năm đòi hỏi nguồn tài chánh nhiều nhất và chỉ được thực thi khi có sự hậu thuẫn của chính phủ Hoa Kỳ

III. NỖ LỰC CỦA WB TRONG VIỆC XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG KINH TẾ CHO VIỆT NAM ( mục tiêu thứ năm)
Đồng hành với chiến lược ” Nhìn Về Châu Á ” của Tổng Thống Obama , trong đó có việc tái kiến thiết cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế Việt Nam , WB gia tăng các khoản tài chánh tài trợ cho các đề án xây dựng cơ sở hạ tầng từ chính phủ của Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng. Các dự án này bao gồm điện lực, đường xá, cầu cống, nhà máy xử lý nước thải, nhà máy sản suất nước ngọt, vân vân.
Thật tế , các dự án xây dựng này điều đã được thảo luận trước với Hoa Kỳ và WB trước khi chính thức loan báo.
Ngày 18 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội , bác sĩ Jim Young Kim, chủ tịch WB, đã loan báo một khoảng tài trợ gần 4 tỷ Mỹ kim cho ba năm 2915-2017 nhằm tài trợ các chương trình tái kiến thiết và hiện đại hóa cấu trúc hạ tầng cho Việt Nam. Tuyên bố này , một lần nữa khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc tái kiến thiết cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế-xã hội của Việt Nam trong sách lược “Nhìn Về Châu Á ” của của Tổng Thống Obama
Vào ngày 17 tháng 11 năm 2014, WB chính thức cho Cộng Sản Việt Nam vay 500 triệu Mỹ kim để xây dựng công trình tải điện dài trên 1000 cây số(km) dựa trên các thiết bị tân tiến (Smart Grid technologies) với tổng số vốn cần cho xây dựng là 731 triệu Mỹ kim. Đây được coi là một món tài trợ vô cùng lớn từ WB với sự hậu thuãn của chính phủ Hoa Kỳ ở đàng sau, chiếm gần 68.5 % tổng số vốn đầu tư.
WB đã loan báo phê chuẩn một khoản tài trợ khoảng 450 triệu Mỹ kim cho chương trình xử lý nước thải, sản suất nước sạch tại Sài Gòn trong nổ lực giúp đở , tài trợ cho hiện đại hóa – canh tân cơ sở kinh tế hạ tầng về mặt an sinh xã hội cho thành phố Sài Gòn . Tổng số vốn của chương trình này lên đến 500 triệu Mỹ kim Như vậy , Hoa Kỳ thông qua WB đã tài trợ tới 90% tổng số vốn của dự án
Vào tháng 10 năm 2009, WB đã cho Việt Nam mượn 50 triệu Mỹ kim để đầu tư cho các chương trình giáo dục nghiên cứu ở mức cử nhân và trên cử nhân. Đây cũng là lần đầu tiên WB tham dự hổ trợ vào lãnh cực này của Việt Nam
WB cũng đã loan báo tài trợ cho Việt Nam thêm 522 triệu Đô la trong bốn năm 2012-2016 để tái kiến thiết và hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng lưu vực sông Cửu Long , trong đó bao gồm cả vấn đề về điện lực.
Tổng kết tổng số nợ WB dành cho Việt Nam trong việc tái kiến thiết trong giai đoạn hiện nay:
 Biểu đồ trên cho thấy Việt Nam còn 1.6 tỷ Mỹ kim đang chờ giải ngân (disburse) cho các chương trình tái kiến thiết cơ sở hạ tầng của mình từ WB (ghi chú IBRD: International Bank for Reconstruction (tái kiến thiết) and Development (phát triển) nằm dưới quyền điều khiển của WB)
Tổng kết tổng số tiền mà WB dành cho Việt Nam trong việc tái kiến thiết:
Như vậy Việt Nam còn một khoảng tài khóa khoảng 4.3 tỷ Mỹ kim từ WB cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua chương trình IDA( International Developement Asistance ) của WB.
Sự hổ trợ liên tục từ WB cho thấy vai trò của ngân hàng Nhà Nước do Đảng Cộng Sản Việt Nam kiễm soát lần hồi phải hoạt động theo những phương thức của WB để sự trợ giúp của WB thành hiện thực và hiệu quả.
Mức độ trợ giúp không ngừng nghĩ của WB cho tái kiến thiết về cấu trúc hạ tầng kinh tế của WB tại Việt Nam sẽ khiến các nhà đầu tư tư bản tự tin hơn khi tham gia vào các dự án làm ăn tại Việt Nam đãm bảo tốc độ tăng trưởng về đầu tư ngoại quốc kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm số người thất nghiệp trong xã hội , gia tăng thu nhập bình quân quốc gia
Cho nên , mặc dù trên danh nghĩa chính thức, Hoa Kỳ chỉ là nước đầu tư đứng hàng thứ 8 sau cả Trung Quốc Nhật Bản , nhưng trên thực tế , nếu thừa nhận WB cũng là một cánh tay của Hoa Kỳ thì sẽ dễ dàng nhận ra, tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã là người đầu tư và tái thiết kinh tế đứng hàng đầu tại Việt Nam trong âm thầm.
Dầu sao, một sự thật hiển nhiên không thể chối là chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (World Bank-WB ) PHẢI DO Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm!

IV. VIỆT NAM VÀ Ý NGHĨA VỀ VAI TRÒ CỦA WB
Sau mười năm Quá Độ theo kinh tế Mác Lê cùng với những tác hại do chiến tranh để lại , Việt Nam hoàn toàn tụt hậu và đứng hàng thứ ba nghèo nhất trên thế giới vào năm 1985 . Để phát triển , cơ sở hạ tầng kinh tế của Việt Nam cần phải được hiện đại hóa càng sớm càng tốt. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có Hoa Kỳ hợp tác đàng sau thông qua WB hay các tổ chức tài chánh khác do Hoa Kỳ thành lập như ADB(Asian Development Bank ) , IMF( International Monetary Bank ).
Không có Hoa Kỳ hậu thuẫn và tài trợ, Việt Nam không thể xóa đói , giãm nghèo và tái kiến thiết cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế nước nhà
Sự hiện diện WB còn là một biểu hiện ngầm sự cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ Việt Nam về mặt quốc phòng và môi trường. Sự bảo vệ này sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi sự ràng buộc mọi mặt đầy khiêu khích và độc đoán từ phía Trung Quốc, một quốc gia láng giềng có một nhà nước cùng chung một bản chất tàn bạo và độc đoán trong cai trị như tại Việt Nam.
Việt Nam mà bị Trung Quốc khống chế hoàn toàn từ kinh tế đến chính trị thì số phận của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ giống số phận của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam trước kia : điểu tàn cung tận.
Phải chăng thủ tướng Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng đang kiếm một con đường tháo chạy an toàn về sanh mạng và tài sản không những cho riêng ông mà cho cả toàn bộ Đảng của ông khi đang cố thuyết phục Đảng Cộng Sản hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ?

V. KẾT LUẬN
WB sẽ còn tiếp tục hiện diện tại Việt Nam lâu dài để hoàn thành sứ mạng tài trợ cho sự canh tân và phát triển. Đây là một sứ mạng đã được Hoa Kỳ đứng sau hỗ trợ và giao phó cho WB
Mối quan hệ Hoa Kỳ- Việt Nam ẩn chứa một quan niệm chiến lược lâu dài của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy Đông Nam Á thành một vùng phát triển thịnh vượng trong hòa bình và tự do -phù hợp với sách lược “Nhìn Về Châu Á” của Tổng Thống Obama .
Cho nên có quá lắm không nếu cho rằng trong “đôi mắt” của Tổng Thống Obama có trùng dương dạt dào sóng vỗ, cứ mãi nhấp nhô bồi đắp một tương lai?
Tú Hoa                                                        

Ghi chú:
Bài viết sử dụng tư liệu của Vietnamnews.vn; Universityworldnews, Devex, Tuoitrenew.vn, Wikipedia

 

Tng Bí thư VN s thăm TQ hay M trước?

·         BBC.13 tháng 2 2015
Hoa Kỳ ngỏ lời mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm trong năm nay, trong lúc Trung Quốc cũng muốn lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại lời mời khi điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 13/2.
Truyền thông Việt Nam nói ông Kerry nhắc lại việc chính phủ Mỹ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ trong năm nay.
Trước đó hôm 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm.
Trong trao đổi, ông Tập mời ông Trọng sớm thăm lại Trung Quốc, trong khi ông Trọng cũng mời ông Tập thăm Việt Nam.
Hai phía Việt Nam và Trung Quốc “đồng ý thu xếp các chuyến thăm vào thời gian thích hợp cho cả hai bên”, theo truyền thông Việt Nam.
Mặc dù ông Trọng đã thăm Trung Quốc trước đây, sự kiện ông thăm Mỹ được cho sẽ là bước ngoặt đánh dấu tiến triển mới trong quan hệ Việt – Mỹ.
Năm 2015 chứng kiến hai dịp kỷ niệm ngoại giao quan trọng cho Việt Nam: 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung (18/1) và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (12/7).
Một số nhà quan sát cho rằng quyết định để ông Trọng thăm nước nào trước sẽ được Đảng Cộng sản Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng vì tính chất biểu tượng của chuyến thăm.

 

Bọ Lập đã về nhà, chuẩn bị ăn Tết

9.2.2015. Sương Quỳnh cho biết: “Tình cờ đến thăm và chúc tết gia đình NV Nguyễn Quang Lập , đúng lúc mọi người đi ra tháng máy để về thì Bọ lập bước ra. Vui mừng không kể xiết. Bọ được về nhà và tại ngoại hầu tra. Sức khoẻ Bọ tốt“.

H1
Đây là lần đầu tiên, một người bị khởi tố theo điều 88 “Tội tuyên truyền chống Nhà nước” được cho về nhà “tại ngoại hầu tra”, trước khi bị đưa ra tòa, kết án.

Hồng Lê Thọ vừa được tại ngoại điều tra vào sáng nay

11-02-2015H1(VNTB) – Theo nguồn tin từ vợ Gs Hồng Lê Thọ (bà Nga) xác nhận với VNTB, thì ông vừa được cơ quan công an cho tại ngoại để điều tra vào lúc 10h sáng nay (11/02).Thể trạng khi được thả ra là ổn, theo nhiều nguồn tin xác nhận cho biết.
Nhưng vậy, đây là một động thái thả blogger bị quy kết bởi điều 258 liên tiếp từ phía chính quyền. Cũng vào sáng hôm qua (10/02), ông Nguyễn Quang Lập (blogger Bọ Lập) cũng được Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM thay đổi biện pháp ngăn chặn, từ bắt tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.


10/02/2015 
Tản mạn chuyện đổi mới sáng tạo
Hoàng Tụy
Description: http://www.tiasang.com.vn/DesktopModules/VietTotal.Articles/ImageHandlerLarge.ashx?width=250&height=230&HomeDirectory=%2fPortals%2f0%2fVietTotal.Articles%2fQuanlykhoahoc%2f&fileName=hoang+tuy_tai+co+cau.jpg&portalid=0&i=8426&q=1
GS Hoàng Tụy tại tọa đàm “Tái cơ cấu nền khoa học và công nghệ Việt Nam” hôm 23/1.
Khi mô tả sự phát triển kém cỏi của đất nước, chúng ta hay dùng từ lạc hậu hay tụt hậu, nhưng theo tôi để phản ánh đúng hơn thực chất phải nói ta đang trì trệ trong tụt hậu. Nếu tụt hậu mà đang đi lên thì cũng không quá lo lắng nhưng trì trệ trong tụt hậu thì đáng lo thật, mà biểu hiện rõ nhất sự trì trệ này là ngay về chỉ số đổi mới sáng tạo, theo đánh giá của quốc tế, Viêt Nam còn thua cả Lào và Campuchia1. Nếu chỉ kể về mức độ lạc hậu, Lào và Campuchia hiện xếp sau Việt Nam nhưng nếu họ cứ tiếp tục đứng trên ta về chỉ số đổi mới sáng tạo thì với đà này, chẳng mấy chốc thứ tự đó sẽ đảo ngược, chắc chắn họ sẽ bỏ lại ta ở phía sau.
Muốn thoát ra khỏi trì trệ, cần sự bứt phá, đột phá thực sự. Hãy hình dung một cỗ xe bị sa lầy, nếu cứ đẩy tới đẩy lui mà không có một lực kích đủ mạnh thì không thể nào kéo nó ra khỏi bãi lầy. Đối với hiện tình đất nước cũng vậy, nhiều người đã nêu nhu cầu bức thiết tạo đột phá để tiến lên, chẳng qua tôi chỉ nhắc lại ý đó. Trước hết và căn bản phải có đột phá về thể chế để có nhiều tự do, dân chủ hơn, chỉ khi đó tư duy con người mới thoáng đạt, dễ dàng cởi mở, hướng đến đổi mới, sáng tạo. Chính với ý ấy mà trong buổi tọa đàm “Tái cơ cấu nền khoa học và công nghệ” vừa qua tôi có phát biểu rằng những vấn đề chúng ta bàn trong buổi họp đó sẽ chẳng có mấy ý nghĩa thực tế nếu thể chế vẫn y nguyên không thay đổi.
Đột phá về thể chế là một vấn đề lớn, trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ xin nêu một câu hỏi dễ hơn: trong khi chờ đợi, ít ra chúng ta phải  và có thể làm gì? Theo tôi có hai vấn đề nền tảng đã đến lúc không còn có thể trì hoãn thêm nữa.
Vai trò công nghiệp phụ trợ
Trong xây dựng đất nước, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Từ nay đến đó chỉ còn năm năm nữa, liệu thời gian còn đủ để thực hiện mục tiêu này không?
Suy ngẫm về đường lối công nghiệp hóa, phải nhìn nhận chúng ta đã thất bại, nói nhẹ hơn là chưa thành công. Sai lầm của chúng ta là muốn xây dựng ngay những ngành công nghiệp lớn, sản xuất những thành phẩm phức tạp, tinh vi, như công nghiệp ô tô, đại cơ khí, điện tử… mà không qua bước phát triển công nghiệp phụ trợ, nên sau nhiều thập kỷ mà rôt cuộc ngành nào cũng chỉ mới dừng lại ở trình độ lắp ráp. Chúng ta đã nhận được sự đầu tư của các hãng sản xuất công nghiệp nổi tiếng thế giới như Toyota, Samsung…; riêng Samsung đã rót vào Việt Nam hàng tỉ đô la, kết quả là ta đã có nhà máy lớn, hiện đại, sản xuất điện thoại di động xuất khẩu khắp thế giới. Tuy nhiên điều đáng buồn là mức đóng góp của Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu của Samsung mới chỉ ở khâu lắp ráp, tức là lao động với năng suất thấp nhất, còn tất cả chi tiết, phụ tùng, từ cái đơn giản nhất cũng chưa làm đuơc mà đều phải nhập khẩu. Thậm chí đã từng có chuyên gia nước ngoài nhận xét cả nước Việt Nam không tìm đâu ra nơi nào sản xuất nổi cái đinh vít cho đúng với tiêu chuẩn quốc tế.
Tương tự, với ngành công nghiệp xe hơi cũng vậy. Vừa qua báo chí đăng tin có mấy doanh nghiệp Việt nam định hợp tác sản xuất xe hơi nhãn hiệu Việt Nam, nhưng khi xem xét kỹ chiếc xe hơi do công ty Trường Hải ở Đà Nẵng mới chế tạo thì hóa ra cũng chỉ là lắp ráp các chi tiết, phụ tùng nhập khẩu chứ phần làm ra thật ở Việt Nam chẳng có mấy. Như thế thì giá thành không thể rẻ, chất lượng không thể cao, làm sao cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế. Đành rằng rồi sẽ cải tiến dần, nhưng con đường đó vừa lâu vừa không hiệu quả.
Từ hàng chục năm nay đã có nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài khuyến cáo chúng ta phải từ công nghiệp phụ trợ mà đi lên công nghiệp hiện đại. Cũng đã có nhiều ý kiến phân tích tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ về mặt kinh tế2. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh khía cạnh liên quan của nó với công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học, công nghệ. Ví dụ, nhìn lại lịch sử, khi nhà phát minh Thomas Edison nảy sinh ý tưởng dùng điện để thắp sáng, muốn hiện thực hóa ý tưởng đó thành chiếc bóng điện như ngày nay ta dùng, ắt phải có công đoạn làm ra cái bóng với những sợi giây điện bên trong, cho đến cái chuôi để lắp bóng đèn vào lưới điện. Nếu không có công nghệ phụ trợ thì nhà sáng chế cũng đành phải bó tay, không thể làm được gì. Muốn sáng chế ra cái gì mới, trước hết phải có ý tưởng nhưng để thể hiện ý tưởng thành một hình hài vật chất cụ thể thì không thể không có công nghiệp phụ trợ.
Những năm qua, ta cũng từng có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng chế nhưng đều theo hướng chưa phù hợp với thực tiễn nên thất bại. Chẳng hạn, trong lĩnh vực khoa học, cái dự án chế tạo máy bay của ngành cơ học cách đây khoảng 15 năm là một kinh nghiệm. Muốn chế tạo máy bay nhãn hiệu Việt Nam, nhưng lại lấy một chiếc máy bay cũ bên Canada mang về rồi chỉnh sửa thì phỏng có ý nghĩa gì. Cuối cùng tất nhiên dự án phải đình chỉ. Trường hợp các nông dân sáng chế các loại máy nông nghiêp cũng tương tự. Khi “Hai Lúa” nghiên cứu sáng chế những chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp tất nhiên việc đó rất đáng trân trọng và biểu dương về ý chí, quyết tâm, nhưng làm sao đi xa được theo con đường ấy nếu mọi phụ tùng chi tiết phức tạp đều không thể tự làm ra mà phải mua từ nhập khẩu. Những ý tưởng sáng tạo, đổi mới chỉ nằm trong khâu thiết kế và lắp ráp, cho nên cuối cùng chỉ làm ra được một số chiếc máy làm mẫu, đến lúc muốn sản xuất qui mô để phục vụ nhu cầu thực tế thì vấp ngay khó khăn là giá thành quá đắt do phải nhập khẩu các chi tiết, phụ tùng cần thiết. Lúc đó nhiều người đã trách cứ giới khoa học công nghệ và Bộ KH&CN không tich cực hỗ trợ các nhà sáng chế nông dân thực hiện những ý tưởng sáng tạo  của họ, nhưng thật ra ai có thể làm gì được để hỗ trợ sáng chế phát minh trong tinh hình công nghiệp phụ trợ thiếu vắng, èo uột như thế này?
Thời đại ngày nay muốn đổi mới sáng tạo trong bất cứ ngành hoạt động sản xuất nào cũng cần  đến công nghiệp phụ trợ. Phải học bảng chữ cái rồi mới viết ra văn được chứ. Nước nào đi lên công nghiệp hiện đại cũng đã trải qua bước này còn chúng ta thì đang theo quy trình ngược, chưa có công nghiệp phụ trợ phát triển đã đòi xây dựng công nghiệp hiện đại thì làm sao thành công được. Huống chi ngày nay chẳng còn mấy ai làm công nghiệp từ A đến Z, nước đi sau chỉ có thể đi lên bằng cách phấn đấu chen chân vào các khâu có giá trị gia tăng cao dần trong các chuỗi cung ứng. Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu trên nên tảng công nghiệp phụ trợ là vì thế.
Tôi có cảm giác chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò chủ động của mình trong chuyện này mà còn thiên về đổ lỗi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thật ra trong những điều kiện tương tự Việt Nâm, Mexico khi đón nhận đầu tư của các hãng xe hơi Nhật Bản đều chủ động yêu cầu phía đầu tư phải có kế hoạch ngay từ đầu giúp đỡ phát triển công nghệ phụ trợ đi kèm. Ngay trong nước ta mới gần đây cũng có tin đáng mừng Bình Dương đã bắt đầu đi theo hướng đó. Chúng ta từng có chủ tương đúng đắn yêu cầu các hãng công nghiệp lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng dần tỷ lệ nội địa hóa các chi tiết, phụ tùng máy móc sản xuất ở Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy chủ trương đó không thực hiện được tốt, do không chú ý phát triển công nghiệp phụ trợ.
Công nghiệp phụ trợ phát triển chủ yếu dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở một nước còn lạc hậu như Việt Nam, mà chủ trương doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì tất nhiên công nghiệp phụ trợ phải ì ạch. Do tính độc quyền cao trong khối doanh nghiệp nhà nước, yếu tố kích thích cạnh tranh ở đây không có hoặc không đủ mạnh để thúc đẩy đổi mới công nghệ, thúc đẩy R&D có hiệu quả. 
Chúng ta thường trách khoa học Việt Nam chưa có tác dụng thiết thực đối với kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, chỉ đổ lỗi cho các nhà khoa học là không đúng và không công bằng. Không kể tác dụng kìm hãm gò bó của ý thức hệ lỗi thời trong khoa học xã hội và nhân văn, ngay những thành tựu khoa học tư nhiên và kỹ thuật cũng rất khó được ứng dụng, nhất khi các thành tựu ấy nảy sinh ngay trong nước. Ở đây tôi chỉ lấy ví dụ từ những vấn đề mà tôi biết và chứng kiến rõ (tôi chắc còn nhiều ví dụ tương tự ở nhiều ngành khác). Tối ưu toàn cục là một ngành học xuất xứ từ Việt Nam và mấy chục năm qua đã có biết bao ứng dụng quan trọng ở nước ngoài nhưng đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có ứng dụng nào đáng kể, mặc dù Việt Nam vẫn được kể đến là địa chỉ hàng đầu về phát triển lý thuyết cơ bản của nó. Từ mươi năm nay, những công trình nghiên cứu mới về tối ưu đơn điệu do chúng tôi khởi xướng và phát triển đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của giới chuyên môn quốc tế và gần đây nhất đã có ứng dụng quan trọng trong công nghệ truyền thông không dây. Tôi biết điều này do các thông báo trên mạng về hai cuốn sách chuyên khảo vần đề ứng dụng tối ưu đơn điệu trong truyền thông không dây mà các tác giả là những nhà khoa học Hongkong, Thụy Điển, Pháp, Đức3.  Trên mạng, tôi cũng đã thấy thông báo về các xêmina ở Đại học Phục Đán (Thượng Hải) và Đại học Quốc gia Singapore với chủ đề ứng dụng tôi ưu đơn điệu trong các vấn đề nói trên. Ngoài ra tât nhiên đã có hàng loạt công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học xung quanh đề tài này. Qua đó, tôi được biết chẳng hạn do lưu lượng truyền thông toàn cầu năm 2012 mỗi tháng lên đến 885 petabyte, tức là gấp 10 lần lưu lượng truyền thông trong cả năm 2000, cho nên để hệ thống này hoạt động thông suốt đã nảy ra nhiều bài toán tối ưu phi tuyến không thể giải bằng các phương pháp cổ điển mà đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới theo tối ưu đơn điệu. Thế nhưng đáng tiếc, các doanh nghiệp và tổ chức hữu quan trong nước không hề hay biết những ứng dụng đó, chứng tỏ họ không theo dõi thường xuyên chứ chưa nói tìm cách ứng dụng những thành tựu mới ở nước ngoài. Nói chung, doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh còn doanh nghiệp nhà nước thì it có động cơ nghiên cứu khoa học để cải tiến, đổi mới sáng tạo. Trong tình hình đó làm sao có thể đổ lỗi hết cho các nhà khoa học Việt Nam là chỉ nghiên cứu trên trời, chưa có tác dụng thiết thực với kinh tế, sản xuất. Nếu có nhiều đoanh nghiệp tư nhân làm công nghiệp phụ trợ, và có chính sách thich hợp khuyến khích đổi mới sáng tạo để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thì các nghiên cứu ứng đụng mới có cơ may phát huy hiệu quả.
Đó là chỉ mới nói về liên quan giữa phát triển công nghệ phụ trợ với phát triển đổi mới sáng tạo. Chưa nói đến liên quan với phát triển giáo dục. Một vấn đề lớn trong cải cách giáo dục hiện nay là đảm bảo để học hết THCS phần lớn học sinh sẽ theo học nghề để sau vài năm đào tạo có được một nghề để kiếm sống đồng thời cung cấp nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ, thay vì dồn hết lên THPT để sau đó thi vào đại học và cao đẳng, tạo ra một nút thắt cổ chai khó giải quyết, khiến mỗi năm hàng triệu học sinh không lọt được vào đại học và cao đẳng đành phải vào đời kiếm sống mà trong tay không có nghề, phải chấp nhận làm lao động giản đơn nếu không muốn thất nghiệp sau mười hai năm đèn sách.
Điều trớ trêu là trong khi cần có nhiều trường nghề để giải quyết đầu ra cho THCS thì do công nghiệp phụ trợ không phát triển, các trường nghề dù còn rất it vẫn sống lây lắt vì không có đầu ra nên không có sức hút đối với học sinh học hết THCS. Cái vòng luẩn quẩn ấy còn kéo dài thì giáo dục còn nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng ngược lại đối với khoa học, công nghệ. 
Cơ sở hạ tầng tâm lý xã hội
Muốn xây dựng thành công một nước công nghiệp thì phải có cơ sở hạ tầng vật chất phù hợp, gồm đường sá, cầu cống, giao thông, thông tin liên lạc… Trải qua mấy thập kỷ xây dựng, nhận thức của chúng ta về cơ sở hạ tầng vật chất đã dần dần được nâng lên theo đà hội nhập quốc tế. Nhưng có một thứ cơ sở hạ tầng cũng quan trọng nữa để xây dựng một xã hội công nghiệp hiện đại mà lâu nay ít được chú ý là hạ tầng cơ sở tâm-lý-xã-hội, tức là cái mà chúng ta vẫn hay gọi chung là văn hóa. Nhiều người cho rằng văn hóa của chúng ta đã suy đồi đến ngưỡng nguy hiểm. Quả vậy, nói đến hạ tầng cơ sở tâm-lý-xã-hội là nói đến não trạng, tâm thế, cung cách tư duy, tập tục, thói quen lao động và ứng xử, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp… những thứ ấy ở Việt Nam hiện nay xem ra đều đang có vấn đề trầm trọng, gây cản trở lớn cho sự nghiệp phát triển.
Nhân ái bao dung, trung thực, sáng tạo là mấy đức tính cơ bản cho xã hội hiện đại. Nhưng xã hội ta bây giờ dường như tràn ngập sự tàn bạo, bệnh giả dối, thói quen sao chép, bắt chước, lười suy nghĩ. Tại sao như vậy? Đó là câu hỏi cần được trả lời nghiêm túc, dù đau đớn và có thể khó chấp nhận đối với một số người. 
Điều rất không may là đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh liên miên, tuy chủ yếu là chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất, nhưng không phải không có phần nội chiến, xung đột ý thức hệ. Trong chiến tranh thì thông tin một chiều, khêu gợi hận thù, đề cao dũng cảm trên chiến trường có thể hiểu được, nhưng hòa bình đã bốn thập kỷ rồi mà vẫn còn quản lý xã hội theo kiểu đó thì tránh sao văn hóa khỏi suy đồi. Vừa qua khi bàn về cải cách giáo dục, có cô giáo đã phát hiện sách giáo khoa của ta qua các thế hệ đầy rẫy những trang mô tả, ca ngợi cảnh bạo lực, thử hỏi học sinh được dạy dỗ để làm quen với bạo lực từ rất sớm như thế làm sao lớn lên không coi bạo lực như một điều tự nhiên. Trước đây Phan Châu Trinh từng nói chúng ta thua Pháp vì văn hóa chậm một thời đại, nay có lẽ chăng chúng ta thua thiên hạ cũng chỉ vì văn hóa chậm một thời đại?
------------------------------------------------------------
Chú thích:
1: vietnamnet.vn/vn/kinh-te/21497nam3/viet---het-trong-doi--trai-thap-de-hai-.html
2: http://nld.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ho-tro-nuoc-da-den-chan-201501272209039.htm
3:  Hai chuyên khảo đó là:
-    Y. J. Zhang, L. Qian, J.W. Huang (2013): Monotonic Optimization in Communication and Networking Systems, Foundation and Trends in Networking, vol. 7, No 1 (2012), 1-75.
-    E. Bjornson, E. Jorswieck (2013): Optimal resource allocation in coordinated multicell systems, Foundation and Trends in Networking, vol. 9, Nos 2-3 (2012), 113-381.

03:12-18/11/2014 
Những rào cản của đổi mới sáng tạo
Giáp Văn Dương

Description: http://www.tiasang.com.vn/DesktopModules/VietTotal.Articles/ImageHandlerLarge.ashx?width=250&height=177&HomeDirectory=%2fPortals%2f0%2fVietTotal.Articles%2fQuanlykhoahoc%2f&fileName=anh+1gvd.jpg&portalid=0&i=8080&q=1Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân (thứ 2 từ trái sang) tại Diễn đàn ĐMST Việt Nam- Phần Lan tháng 10/2013
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được nói đến ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ. Nhưng trên thực tế, rất ít ví dụ thành công. Nói cách khác, ai cũng muốn thực hiện ĐMST, nhưng thực hiện thành công thì quá ít. Vì sao vậy?
Câu trả lời hợp lý nhất là vì ĐMST có những rào cản mà không phải ai cũng có thể vượt qua được.
Kỳ vọng
Khoảng vài năm trở lại đây, ĐMST đã trở thành một chủ đề nóng của giới chuyên gia, và dần lan sang các doanh nhân và giới truyền thông. Lý do chính là nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, dựa trên vốn đầu tư và lao động giá rẻ, đã chạm ngưỡng bão hòa. Chỉ số ICOR (chỉ số hiệu suất đầu tư) năm 2013 là 5,6 - tức là để có một đồng tăng trưởng thì phải đầu tư 5,6 đồng – một con số quá cao so với chỉ số ICOR của các nước Đông Á trong thời kỳ cất cánh: Nhật Bản (1961-1970), ICOR=3,2; Hàn Quốc (1981-1990), ICOR=3,2; Đài Loan (1981-1990), ICOR=2,7.
Chính vì thế, các nhà nghiên cứu đã đặt ra cảnh báo: Muốn tránh bẫy thu nhập trung bình và phát triển, phải tìm mô hình phát triển mới, dựa trên việc đổi mới công nghệ và quản trị, thì mới có thể phát triển bền vững được.
Với doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đã dẫn đến khó khăn vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo thống kê, chỉ riêng tám tháng đầu năm 2014, đã có 44.500 doanh nghiệp phá sản hoặc tạm dừng hoạt động. Dự đoán một lượng tương đương hoặc lớn hơn các doanh nghiệp tuy chưa ở mức phá sản, nhưng đang sống lay lắt, cũng là một thực tế cần lưu ý.
Trong hoàn cảnh đó, ĐMST đã nổi lên như một lối thoát của nền kinh tế. Hàng loạt dự án về ĐMST đã hoặc đang được triển khai, chẳng hạn: Chương trình ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP, 11 triệu Euro cho giai đoạn 2014-2018), Dự án ĐMST hướng tới người thu nhập thấp Việt Nam (VIIP) với dự hỗ trợ của World Bank dưới dạng IDA (55 triệu USD), Dự án Đẩy mạnh ĐMST thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FIRST) của Bộ KH&CN (110 triệu USD, trong đó 100 triệu là vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới), Dự án khởi nghiệp theo mô hình Thung lũng Silicon (Vietnam Silicon Valley)… là những ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó, các khóa đào tạo về ĐMST, các hội thảo hội nghị về chủ đề này, cũng diễn ra thường xuyên ở hai miền Nam - Bắc. Nhiều doanh nghiệp bắt dầu coi khả năng sáng tạo là một trong những giá trị cốt lõi mà họ theo đuổi. Câu lạc bộ Doanh nghiệp ĐMST cũng đã được thành lập.
Đây là những chuyển động đáng ghi nhận. Ai cũng muốn ĐMST mang lại những kết quả thiết thực cho việc vực dậy nền kinh tế và gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhưng hiệu quả thực sự của các dự án này, của các cuộc hội thảo hội nghị… có được như mong đợi hay không, thì rất khó nói, vì nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, ở tất cả các khâu, từ việc thiết kế chính sách, đến triển khai trên thực tế và khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực. Trong số đó, có một yếu tố rất cơ bản mà nếu không hiểu rõ thì dù cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ thất bại. Cụ thể, đó là việc phải trả lời câu hỏi: Đâu là những rào cản của các quá trình ĐMST? 

Vì sao thất bại?
Để có thể tiến hành ĐMST thành công, thì khâu đầu tiên là phải nhận biết được các rào cản này, từ đó tìm cách khắc phục, và quan trọng hơn là kiên nhẫn khắc phục, thì quá trình đổi mới có thể mang lại kết quả.
Vậy những rào cản đó là gì?
Từ quan sát hành xử của cá nhân và các tổ chức trong các quá trình chuyển đổi nói chung và quá trình ĐMST nói riêng, có thể liệt kê các rào cản thành bảy nhóm như sau:

- Rào cản từ cá nhân

- Rào cản từ đồng nghiệp

- Rào cản từ tổ chức

- Rào cản từ kiến thức

- Rào cản từ nguồn lực

- Rào cản từ văn hóa xã hội

- Rào cản từ thể chế
Rào cản từ cá nhân
Đây là loại rào cản cơ bản và thường gặp nhất. Vì sao vậy? Vì bản tính của con người nói chung là ngại thay đổi và sợ thất bại mỗi khi thay đổi. 
Tuy nhiên, con người còn là một sinh vật có lý trí, và ít nhất cũng có được một phần của ý chí tự do, nên con người có khả năng tự thay đổi, thường thể hiện bằng các quyết định và lựa chọn, và hệ quả là hành động có thể nhận biết được. Nói cách khác, một sự tự thay đổi sẽ bắt đầu từ bên trong, thông qua ý chí, và kết thúc ở hành động ra bên ngoài. 
Một khác biệt nữa không thể bỏ qua giữa con người với vật vô tri, là sự tương tác mang tính bản chất của nó. Nếu để hai vật vô tri ở cạnh nhau, chúng sẽ như vậy mãi mãi. Nhưng nếu để hai người ở cạnh nhau, họ sẽ tương tác với nhau gần như tức thì. Nói cách khác, con người có khả năng tạo ra sự thay đổi, hoặc từ bên trong, hoặc thông qua tương tác với người khác. Nhưng một sự thay đổi như vậy luôn gặp phải cản trở của luật quán tính. Với con người thì đó là quán tính tâm lý của cá nhân, và sau đó là quán tính văn hóa của xã hội.
Sự cản trở của các luật quán tính này vô cùng lớn. Nếu không gặp khó khăn lớn, hoặc bị dồn đến đường cùng, thì con người nói chung có xu hướng giữ nguyên trạng thái hiện thời. Nếu trạng thái đó được gia cố bởi thói quen và văn hóa, và sâu xa hơn là bản sắc, thì việc thay đổi lại càng khó khăn. Một trong những ví dụ điển hình là thói gia trưởng và bạo lực trong gia đình, dù đã được chỉ đích danh là xấu, luật pháp ngăn cấm, nhưng vẫn diễn ra hằng ngày ở khắp mọi nơi. Hay thói mê tín dị đoan vẫn sinh sôi nảy nở cũng có nguyên nhân tương tự.
Đó cũng là lý do vì sao người đời thường nói, trong mọi chiến thắng thì chiến thắng bản thân là vinh quang nhất. Vinh quang vì nó khó khăn, nó phải vượt qua sức nặng của quán tính tâm lý và văn hóa, nó phải phủ định chính mình, và cuối cùng, nó chủ động tạo ra một sự phát triển thực sự. 
ĐMST thực sự là một sự vượt qua bản thân, vì thế trước hết nó phải vượt qua các rào cản gây ra bởi các quán tính tâm lý và văn hóa của chính mình. 

Rào cản từ đồng nghiệp
Rào cản thứ hai trong các quá trình ĐMST, cũng rất phổ biến, đến từ không đâu khác mà chính từ đồng nghiệp của mình. Có rất nhiều lý do để xảy ra hiện tượng này. Đầu tiên là do quán tính tâm lý và văn hóa của những người đồng nghiệp. Họ cũng không muốn thay đổi như tất cả mọi người. Vì thế, họ sẽ tìm cách chống đối, hoặc ít nhất là không ủng hộ, ở ngay giai đoạn khởi đầu. Chỉ rất ít người có đầu óc cởi mở, không định kiến và thường có tầm nhìn rộng, biết đặt lợi ích của tổ chức lên trên, mới có khả năng chấp nhận những ý tưởng mới. Chính vì lẽ đó, giáo dục một đầu óc cởi mở và không định kiến có vai trò sống còn trong việc nuôi dưỡng tinh thần ĐMST của cộng đồng.
Bên cạnh quán tính tâm lý và quán tính văn hóa thì sự cản trở của các đồng nghiệp còn có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác, như xung đột lợi ích hoặc ganh tị... Nếu sự đổi mới làm ảnh hưởng đến lợi ích của một ai đó trong tổ chức, thì dù lợi ích chung có tăng lên thì một số người có lợi ích bị ảnh hưởng cũng sẽ tìm cách chống phá.
Đây là lý do vì sao hệ thống doanh nghiệp nhà nước, sau bao nhiêu năm hô hào phải thay đổi mà kết quả không đạt được bao nhiêu, bởi một sự thay đổi  như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một số người chủ chốt. Dù doanh nghiệp có thua lỗ, nhưng cá nhân họ không thua lỗ, nên họ không có động lực để tự thân, hoặc không có nhu cầu thay đổi. 
Bên cạnh việc xung đột lợi ích thì còn rất nhiều yếu tố phi vật chất khác chi phối hành xử của con người. Ganh tị là một yếu tố điển hình dẫn đến sự ngăn cản của đồng nghiệp.
Với Việt Nam, do các đặc thù văn hóa, rào cản từ đồng nghiệp nặng nề hơn nhiều so với các tổ chức nước ngoài. Chính vì thế, “mất đoàn kết nội bộ” là một trong những “đặc sản” không mong đợi. Trong hoàn cảnh đó, truyền thông nội bộ để cả nhóm cùng hướng đến mục tiêu chung, vì lợi ích chung của cả tổ chức, sẽ giúp quá trình ĐMST được thực thi hiệu quả.
Ở tầm mức quốc gia, hiện tượng “mất đoàn kết nội bộ” cũng không giảm sút và là nguyên nhân cản trở nhiều quá trình ĐMST. Vì thế, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết phải được coi là một trong những điều kiện tất yếu để thực hiện bất cứ quá trình đổi mới nào ở cấp độ này. 

Rào cản từ tổ chức
Các tổ chức sinh ra để thực hiện một sứ mạng nào đó mà những người sáng lập đã đề ra. Sứ mạng này được cụ thể hóa bởi cơ cấu tổ chức, chức năng và cơ chế tương tác giữa các bộ phận ở trong tổ chức. 
Thiết kế của tổ chức tại thời điểm ra đời thường nhằm đáp ứng những mục tiêu tại thời điểm đó và theo hình dung của nhà lãnh đạo khi đó. Nhưng theo thời gian, hoàn cảnh bên ngoài thay đổi, thì cơ cấu và cơ chế cũ sẽ không còn đáp ứng được những thay đổi này nếu không được điều chỉnh thỏa đáng. Dần dà, tổ chức sẽ bị xơ cứng và trở nên quan liêu trì trệ. Biểu hiện cụ thể là số các thủ tục hành chính, bộ máy quản lý phình to và kém hiệu quả. Cơ chế vận hành của tổ chức không còn để khuyến khích cái mới, mà để kiểm soát các hoạt động của các thành viên và giảm thiểu trách nhiệm cho lãnh đạo, thậm chí bị nhào nặn để phục vụ lãnh đạo, nếu lợi ích của lãnh đạo và của tổ chức không trùng nhau. 
Vì thế, để quá trình ĐMST được thực hiện, không có cách nào khác là phải đổi mới bản thân tổ chức trước hết, thông qua thay đổi cơ cấu và cơ chế vận hành của chính nó. Thay đổi cơ cấu có thể bằng cách loại bỏ các bộ phận không hiệu quả, nặng tính kiểm soát thay vì thúc đẩy; hoặc thiết lập riêng một không gian thử nghiệm cho các ý tưởng mới. Còn thay đổi cơ chế thì cần tập trung loại bỏ các rào cản có tính quan liêu, các thủ tục có tính hành chính, xa rời với thực tiễn; hoặc đặt ra một cơ chế mới, cho phép các thử nghiệm mới được tiến hành như một hoạt động chuẩn tắc.
Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã sử dụng cách làm này để khuyến khích sự sáng tạo của nhân viên. Chẳng hạn, Google cho phép nhân viên của mình dùng 20% thời gian, tương ứng với một ngày làm việc trong tuần, để thực hiện các ý tưởng sáng tạo của riêng mình một cách độc lập với công việc hiện thời. Nhiều sản phẩm mới của Google đã ra đời thông qua cách làm này.

Rào cản từ kiến thức
Khi thực hiện một quá trình ĐMST, ngoài kiến thức chuyên môn sâu, thì kiến thức liên ngành là tối quan trọng. Chính phần kiến thức liên ngành sẽ tạo ra sự khác biệt và thế mạnh của nhóm này so với các nhóm cạnh tranh khác.

Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp muốn thay đổi dây chuyền sản xuất, nếu doanh nghiệp đó không có nhân lực đủ kiến thức để vận hành dây chuyền sản xuất mới, thì quá trình chuyển đổi này sẽ thất bại. Đưa vào sử dụng một quy trình quản trị mới mà những nhân viên của doanh nghiệp không có đủ kiến thức về quy trình này thì kết quả cũng tương tự. 
Ngoài ra, quá trình ĐMST luôn đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, với nhiều kỹ năng và chuyên môn khác nhau, nên bên cạnh sự liên ngành về tri thức, còn đòi hỏi sự liên thông về kỹ năng và thái độ. Nói cách khác, kiến thức về những kỹ năng mềm này và thiện chí hợp tác cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện bất cứ quá trình ĐMST nào.
Sự thiếu hụt về tri thức thường biểu hiện ra ngoài thực tế bằng một nhận định: chất lượng nhân lực không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, nâng cao chất lượng nhân lực, bằng cách đào tạo và bồi dưỡng liên tục, và xa hơn là biến tổ chức của mình thành một tổ chức học tập, là cách duy nhất để vượt qua rào cản về kiến thức này.
Bên cạnh kỳ vọng về lợi ích thu được, thì mọi quá trình đổi mới đều phải trả một giá nhất định, gọi là giá chuyển đổi. Sự thiếu hụt kiến thức còn thể hiện ngay ở việc không định lượng được lợi ích có thể thu được, giá chuyển đổi phải trả và rủi ro có thể gánh chịu. Vì lẽ đó, trong quá trình thực hiện ĐMST, việc ra quyết định sẽ không được mạch lạc và quyết đoán, do đó không thành công.
Bên cạnh sự thiếu hụt tri thức về bên ngoài, thì thiếu hụt tri thức về bản thân tổ chức của mình cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến làm cho quá trình ĐMST bị thất bại. Chính vì thế, các hoạt động phân tích và đánh giá nội bộ là yếu tố quan trọng của một tổ chức ĐMST. Thực tế cho thấy, với các doanh nghiệp hoặc tổ chức hoạt động hiệu quả, phòng phân tích và đánh giá nội bộ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định thực hiện các chuyển đổi.

Rào cản từ văn hóa xã hội
Các hoạt động ĐMST chỉ có thể được coi là thành công nếu được sự tiếp nhận và ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên, sự tiếp nhận hay từ chối này trước hết phụ thuộc vào việc nó có phù hợp với phông nền văn hóa sẵn có hay không. Về bản chất, ĐMST bao giờ cũng gắn liền với cái mới, còn văn hóa là những thứ đã định hình, đã tồn tại lâu dài. Vì thế, xung đột giữa cái cũ và cái mới là điều khó tránh khỏi. 
Đây cũng chính là lý do vì sao mà các mô hình ĐMST điển hình trên thế giới, như thung lũng Silicon, Israel… dù được nghiên cứu rất kỹ lại rất khó thành công khi nhân bản tại các môi trường khác. Lý do chính là vì chúng không thích hợp với văn hóa bản địa.
Có thể nhìn thấy rõ rào cản của văn hóa xã hội đối với ĐMST trong các ngành công nghiệp thời trang, trang trí mỹ thuật, hoặc kiến trúc… Ví dụ trong ngành kiến trúc, ảnh hưởng của phong thủy đến sự phát triển của ngành này là không thể chối cãi. Việc chọn thiết kế nào để xây dựng thường xuyên bị chi phối bởi các quan niệm về phong thủy, ngũ hành... mà không phải là sự độc đáo về thẩm mỹ. Trong hoàn cảnh đó, những sáng tạo mới, độc đáo rất khó tìm được sự ủng hộ trên diện rộng. 
Một ví dụ khác về  ảnh hưởng của văn hóa xã hội đến các quá trình ĐMST là trong lĩnh vực quản trị. Tuy các lý thuyết về quản trị hiện đại đã được du nhập về Việt Nam, nhưng nhìn trên thực tế, quản trị của Việt Nam rất khác so với quản trị của thế giới, từ cấp độ doanh nghiệp đến chính phủ. Các doanh nghiệp tư nhân lớn phần nhiều vẫn có tính chất gia đình. Còn hệ thống công quyền vẫn còn hơi hướng của ‘dân chi phụ mẫu’, tức tự cho mình có uy quyền, có trách nhiệm như cha mẹ đối với con cái vậy.
Những hiện tượng này xảy ra vì trong truyền thống, xã hội Việt Nam được hình dung như một đại gia đình. Cách xưng hô trong xã hội, như ông, bà, chú, bác, cô, dì, con, cháu… cũng chỉ là sự mở rộng của các quan hệ trong gia đình. Vì thế, hình dung về việc quản trị, dù là doanh nghiệp hay xã hội, như quản trị một gia đình, là một quán tính tất yếu.
Rõ ràng mô hình quản trị kiểu gia đình này không còn phù hợp trên nhiều khía cạnh, khi hội nhập toàn cầu về kinh tế và dân chủ về chính trị đang là dòng chảy chính của thời đại. Nhưng đổi mới mô hình quản trị này như thế nào thì lại là một thách thức, vì sức cản của văn hóa gia đình từ chính xã hội đương thời. 

Rào cản từ thể chế
Câu chuyện về ĐMST ở Việt Nam, ngoài các rào cản đã nêu trên, còn có một rào cản đặc thù khác, đó là rào cản từ thể chế, mà cụ thể là từ những quy định, thủ tục nặng tính kiểm soát thay vì thúc đẩy. Sự độc tôn về chính trị, sự e ngại quá mức với cái mới, luôn nhìn các hiện tượng kinh tế - xã hội mới như các ‘thế lực thù địch tiềm năng’ cũng tự nó đặt ra một rào cản lớn đối với bất cứ quá trình ĐMST nào. Trong các diễn đàn kinh tế - xã hội, vướng mắc về cơ chế, hoặc nguyên nhân là vì cơ chế, luôn là một trong những lý do hàng đầu được viện dẫn cho những bất cập hiện hành. 
Nhìn rộng ra, ĐMST trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng chỉ là những hoạt động trong một tập hợp nhỏ, không thể tránh được sự chi phối của tập hợp lớn, đó là thể chế kinh tế - xã hội đương thời. Nếu tập hợp lớn này không hỗ trợ các hoạt động ĐMST thì đó là một điều bất lợi rất lớn. Trong hoàn cảnh đó, tiến hành ĐMST ở cấp độ bao trùm nhất, tức ĐMST về thể chế kinh tế-chính trị, là yêu cầu bắt buộc. Nếu không, các hoạt động ĐMST trong các lĩnh vực chuyên biệt cũng chỉ là các hoạt động nhỏ lẻ, thiếu liên kết và không tạo ra tác động đáng kể nào.

*

Ngưng chc TBT báo Người cao tui

                 BBC. 13 tháng 2 2015
Trang mạng Người Cao Tuổi đã không còn truy cập được nữa
Ông Kim Quốc Hoa bị tạm dừng nhiệm vụ tổng biên tập báo Người cao tuổi, theo quyết định của Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản của báo.
Thông tấn xã Việt Nam nói đây là quyết định do Chủ tịch Hội Người cao tuổi Cù Thị Hậu ký, tạm dừng nhiệm vụ điều hành báo đối với ông Kim Quốc Hoa từ ngày 12/2.
Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ đã ký quyết định thu hồi thẻ hội viên của ông Kim Quốc Hoa.
Quyết định nói ông Hoa đã vi phạm Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án hình sự liên quan tới Báo Người cao tuổi. theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Thủ tướng ‘không chỉ đạo’

Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói ông không chỉ đạo việc thanh tra báo Người cao tuổi.
Lời của ông Dũng được ghi trong một văn bản gửi Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Văn bản này nhằm phúc đáp văn bản của Hội Người cao tuổi về việc thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nói việc thanh tra là do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định, thực hiện theo chức năng, thẩm quyền.
Ông yêu cầu Hội Người cao tuổi Việt Nam làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng để “xử lý các vấn đề liên quan đến việc thanh tra nói trên, đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.

Phạt nặng

Trong một diễn biến khác, ngày 12/2, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Quyết định xử phạt Báo Người cao tuổi tổng cộng lên tới 699.700.000 đồng vì nhiều vi phạm.
Theo quyết định, tờ báo vi phạm chín lỗi, trong đó có việc hoạt động trang báo điện tử nhưng không có giấy phép, bị phạt 140 triệu.
Bài viết "Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc: Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng sau 5 năm vẫn không khởi tố” bị phạt 4 triệu đồng.
25 triệu đồng là tiền phạt cho bài "Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E (Hà Nội): Nghi vấn xung quanh việc một bệnh nhân tử vong ngay sau khi xuất viện".
Các loạt bài khác, mỗi bài bị phạt 15 triệu, là loạt bài "Liên quan đến thực hiện Nghị quyết Trung ương 4"; bài "Tỉnh Ninh Thuận: Công an 2 huyện Ninh Phước và Ninh Sơn bị tố cáo hành dân vô nhân đạo"; bài "Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thành lập tổ xác minh nội dung tố cáo sai phạm của Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội"; bài "31 năm tìm chân lý, oan nghiệt vẫn đeo đẳng linh hồn Bà mẹ Việt Nam anh hùng."
Một số hoạt động quảng cáo của tờ báo cũng bị phạt nặng.
Trong đó có việc tờ báo “thực hiện ba hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế”, bị phạt 150 triệu.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng của Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra Báo Người cao tuổi

Trần Nhương. 10-02-2015
H1Bài in trên Báo Người Cao tuổi số 1549 ra ngày 10-2-2015

Quy trình và trong quá trình thanh tra 64 ngày làm việc chính thức (thời gian kém 4 ngày tròn 3 tháng) tại Báo Người cao tuổi, Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông có nhiều sai phạm, thanh tra trái Luật Thanh tra, các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và của Thanh tra Nhà nước, trái Luật Báo chí sửa đổi, các Nghị định của Chính phủ, Luật Khiếu nại, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định số 588/2004 của Bộ Công an, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ…
Tiến hành thanh tra đơn vị trực thuộc, không thông báo cho cơ quan chủ quản của báo. Vụ việc chưa được giải trình đã kí kết luận và họp báo đưa tin quy chụp, trái pháp luật, vi phạm Bộ luật Hình sự, bôi nhọ danh dự Báo Người cao tuổi.
Cần khẳng định đây là Đoàn Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, được thành lập theo Quyết định số 1634/QĐ-BTTTT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi.
Theo quy định, Đoàn Thanh tra phải tuân thủ theo Luật Thanh tra và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về thanh tra. Trong 64 ngày làm việc Đoàn đã vi phạm khoản 1 Điều 7 về Nguyên tắc hoạt động thanh tra, không tuân theo pháp luật, không bảo đảm chính xác, thiếu khách quan, thiếu trung thực, không công khai, dân chủ. Ngày 5/1/2015 Đoàn Thanh tra có Văn bản số 08/CBC-ĐTT thông báo kết thúc thanh tra tại Báo Người cao tuổi. Thông báo này có nội dung “Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra, nếu cần xác minh hoặc cung cấp thêm thông tin, tài liệu để làm rõ nội dung trước khi kết luận thanh tra, yêu cầu Báo Người cao tuổi cung cấp đầy đủ kịp thời”.
Sự thực sau thông báo này, Báo Người cao tuổi không nhận được bất kì thông tin hay yêu cầu giải trình nào của Đoàn Thanh tra, ngày 31/1/2015 Đoàn mới có cuộc làm việc chính thức với Báo Người cao tuổi (thông báo những nội dung về sai phạm của việc thực hiện pháp luật về báo chí) yêu cầu ngày 3/2/2015 phải nộp báo cáo giải trình (chỉ trong 1 ngày làm việc phải giải trình trên 52 nội dung gồm nhiều nhóm vấn đề không có trong nội dung đề cương thanh tra đột xuất.
Các bài thanh tra nêu ra, đến nay đã quá thời hiệu (90 ngày) theo Điều 9 Luật Khiếu nại, Báo Người cao tuổi không nhận được đơn thư khiếu nại của các tổ chức và cá nhân có liên quan khiếu nại. Ngay Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ quản, quản lí và giám sát hoạt động của báo chí, trong suốt 2 năm qua cũng chưa một lần nhắc nhở, hoặc nêu về các ý kiến khiếu nại của các tổ chức và cá nhân, có liên quan đến nhóm các bài báo mà Đoàn Thanh tra liệt kê trong 64 ngày thanh tra tại Báo Người cao tuổi.
Để có kết luận khách quan đúng pháp luật, đúng sự thực, căn cứ mục a, khoản 1 Điều 57: Quyền của đối tượng thanh tra được “Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra”; Căn cứ khoản 2 Điều 58: Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được: “Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn Thanh tra, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn Thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp”.
Báo Người cao tuổi có Công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 gửi Đoàn Thanh tra kiến nghị cần có thời gian giải trình theo (Điều 7, Điều 57 và 58 Luật Thanh tra) và Báo sẵn sàng hợp tác với Đoàn để có kết luận ban hành đúng quy định của Luật Thanh tra.
Rất tiếc là kiến nghị theo đúng pháp luật của Báo Người cao tuổi đã không được Đoàn Thanh tra chấp nhận, đến nay Báo Người cao tuổi chưa được giải trình. Đoàn Thanh tra chưa đưa ra các văn bản pháp lí theo pháp luật để kết luận các sai phạm của Báo Người cao tuổi thì không thể có kết luận vội vàng, quy chụp trái pháp luật, như công bố của Đoàn Thanh tra với các cơ quan báo chí sáng ngày 9/2/2015. Báo đã có văn bản giải trình ngày 6/2 và gửi vào 8 giờ sáng ngày 9/2/2015 tới Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu thay mặt cơ quan chủ quản cũng có văn bản khiếu nại gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị tạm hoãn thông báo kết luận thanh tra và nêu những sai phạm của Đoàn Thanh tra tại Báo Người cao tuổi mà không thông báo cho cơ quan chủ quản biết. Tại cuộc họp báo này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã không nêu rõ lí do vì sao Báo Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản của Báo lại không đến họp. Đoàn Thanh tra đã nhận được Công văn của Hội Người cao tuổi và của Báo Người cao tuổi trước khi cuộc họp báo diễn ra nhưng không cung cấp hoặc công bố lí do giải trình của Báo Người cao tuổi để các cơ quan báo chí biết. Do đó, thông tin do Đoàn Thanh tra đưa ra là thông tin một chiều có tính chất áp đặt và quy chụp, trái các Luật Thanh tra, Luật Báo chí và Luật Khiếu nại…
Vi phạm Luật Thanh tra và các Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011, số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ
Về thông báo thanh tra: Đoàn Thanh tra đã không thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP: Trưởng đoàn Thanh tra có văn bản gửi đối tượng thanh tra (kèm theo đề cương yêu cầu báo cáo) ít nhất trước 5 ngày, trước khi công bố quyết định thanh tra; văn bản yêu cầu phải nói rõ cách thức báo cáo, thời gian nộp báo cáo. Các bài báo thanh tra nêu trong đợt gia hạn thanh tra đều không có đơn thư khiếu nại hoặc tố cáo của tổ chức, cá nhân. Đoàn Thanh tra không thực hiện Điều 21 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định: “Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo được gửi cho đối tượng thanh tra trước ngày công bố quyết định thanh tra”; vi phạm Điều 24 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định: Trước khi Kết luận chính thức, nếu thấy cần thiết, người ra quyết định thanh tra lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn hoặc gửi dự thảo Kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc giải trình của đối tượng thanh tra được thực hiện bằng văn bản và có tài liệu chứng minh kèm theo.
Trong suốt 64 ngày làm việc, Đoàn Thanh tra chỉ thu thập tài liệu, không yêu cầu Tổng Biên tập hay các cán bộ, phóng viên liên quan đến những bài báo được giải trình nêu trong biên bản ngày 31/1/2015.
Thanh tra chuyên ngành về nội dung báo chí nhưng Đoàn Thanh tra lại vi phạm Luật Báo chí và Luật Khiếu nại
Trong 5 bài viết đăng trên Báo Người cao tuổi mà Đoàn Thanh tra cho rằng có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước gồm: 3 bài về Kết luận Thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bài về ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra có tài sản khổng lồ và bài về ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Thanh tra Chính phủ.
Căn cứ Điều 4, khoản 1 Điều 5 và các Điều 7, 8, 9, 10 Luật Báo chí sửa đổi; Căn cứ các Điều 9, 13, 14, 15, 29 Luật Khiếu nại, cả 4 bài báo Đoàn Thanh tra trích dẫn trên, bài đăng lâu nhất ngày 15/1/2014, bài gần nhất ngày 18/6/2014 đến nay đã 13 tháng và 8 tháng, không có đơn khiếu nại của các cơ quan và các cá nhân có liên quan, khiếu nại theo Luật Báo chí và Luật Khiếu nại. Như vậy theo Luật Báo chí, các nội dung tin bài đã đăng không bị khiếu nại nghĩa là Báo Người cao tuổi đăng có cơ sở. Chính Bộ Thông tin và Truyền thông hằng tuần hằng tháng đều có giao ban báo chí song những nội dung trên đều không phát hiện ra chẳng lẽ bây giờ tự nhiên lại phát hiện ra và nhóm bài này đều có liên quan đến ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ của Thanh tra Chính phủ, trong khi hai ông này và chính cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng không có văn bản nào khiếu nại về việc Báo Người cao tuổi làm lộ bí mật Nhà nước trong 5 bài báo này.
Ngày 2/10/2013 Thanh tra Chính phủ kí Kết luận số 2181/KL-TTCP về thanh tra Tập đoàn Điện lực, ngày 15/10/2013 Thanh tra Chính phủ họp báo nội dung thanh tra Tập đoàn Điện lực đã được công khai, hàng loạt báo đã phỏng vấn ông Ngô Văn Khánh và đăng tin bài từ ngày 16/10/2013. Ngày 15/1/2015 tức là sau 103 ngày kết luận về Thanh tra Tập đoàn Điện lực, Báo Người cao tuổi mới viết bài, do đó không vi phạm Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11). Mặt khác, tại Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11) không có khái niệm dự thảo kết luận trong danh mục tài liệu mật của Thanh tra Chính phủ. Báo Người cao tuổi thực hiện đúng khoản 6 Điều 5 Nghị định 51/2002 /NĐ-CP ngày 26/4/2002 và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000 “Đối với các văn kiện, tài liệu của các tổ chức, tài liệu, thư riêng của các các nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó”.
Bài “Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh kê khai…?” số 35 (1352) ngày 28/2/2014 có nội dung về tài sản của ông Ngô Văn Khánh, Theo Đoàn Thanh tra Báo vi phạm tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 588/2004.QĐ-BCA (A11) ngày 25/6/2004.
Về việc này, Báo không khai thác hồ sơ cán bộ của ông Ngô Văn Khánh thì không sai phạm. Mặt khác, theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 thay thế Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 có hiệu lực từ tháng 9/2013 đã có quy định về công khai tài sản thì thông tin về tài sản từ bản kê khai tài sản đã bị vô hiệu hóa.
Bài “Lộ rõ việc bao che không xử lí kỉ luật ông Hoàng Thái Dương…” số 97 (1414) ngày 18/6/2014. Theo Đoàn Thanh tra có những thông tin trong bài giống như trong Dự thảo Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo của đồng chí Hoàng Thái Dương.
Báo Người cao tuổi đăng theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh Mẫn tại thời điểm ông Nguyễn Minh Mẫn quyền Vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ. Báo đã thẩm định thông tin người tố cáo là có thật, nội dung tố cáo là có thật, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại một số văn bản nhưng người tố cáo vẫn cho là có dấu hiệu bao che, do đó tiếp tục tố cáo lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ngày 2/8/2013, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập Đoàn Kiểm tra là có thực.
Với hồ sơ của các phóng viên đi điều tra các vụ việc có liên quan trên, hiện Báo Người cao tuổi đã có giải trình (ngày 6/2/2015) và có hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện đúng Luật Thanh tra, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, để có kết luận công khai, minh bạch, trung thực, khách quan và đúng pháp luật.
Báo NGƯỜI CAO TUỔI

 


Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam
Kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hoạt động của            Đoàn Thanh tra và nội dung kết luận thanh tra Báo Người cao tuổi

Hoàng Linh (Thực hiện)

Thứ ba ngày 10 tháng 2 năm 2015 2:39 PM

Sau khi nhận được Thông báo số 01/BTTT kết luận thanh tra về việc thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội có Văn bản số 37/BTV-HNCT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu tạm dừng thông báo kết luận thanh tra Báo NCT, nội dung như sau:
“Ngày 6/2/2015, Trung ương Hội NCT Việt Nam nhận được Thông báo số 02/BTTTT-ĐTT mời chủ quản của Báo NCT đến Bộ Thông tin và Truyền thông để nghe công bố kết luận thanh tra Báo NCT đã được kí. Về việc này, Ban Thường vụ TW Hội NCT Việt Nam có ý kiến như sau:
Theo các Quyết định số 1643/QĐ-BTTTT ngày 7/11/2014 và Quyết định số 1735/QĐ-BTTTT ngày 21/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thanh tra Báo NCT thực hiện pháp luật về báo chí.
Từ ngày 7/11/2014 đến 31/1/2015 Đoàn Thanh tra đã tiến hành 64 ngày làm việc (kém 4 ngày tròn 3 tháng) được lãnh đạo Báo NCT hợp tác nghiêm túc, nhưng trong quá trình hoạt động Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng Điều 7 Luật Thanh tra như trong Báo cáo giải trình số 33/CV-BNCT của Tổng Biên tập Báo NCT (Phần VII Về hoạt động của Đoàn Thanh tra), đặc biệt là vi phạm Điều 21 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011; Điều 24, Điều 27 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ, Điều 24 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về việc trong quá trình thanh tra và ra văn bản Kết luận phải tuân thủ các quy định, đối tượng thanh tra phải được giải trình, phản biện để có thể xác minh, làm rõ nhằm “đánh giá bảo đảm tính khách quan, chính xác”, tránh quy chụp, áp đặt chủ quan, mất dân chủ dẫn đến oan sai.
Thực tế trong quá trình thanh tra, ngày 31/1/2015 Đoàn Thanh tra mới có cuộc làm việc với lãnh đạo Báo NCT và lập Biên bản làm việc, thông báo những nội dung dự thảo để Báo NCT phải giải trình một khối lượng nội dung rất lớn, rất rộng mà bắt buộc phải nộp văn bản giải trình vào ngày 3/2/2015 (tức là chỉ sau 1 ngày làm việc) là không thể chấp nhận. Mặc dù Tổng Biên tập Báo NCT đã có Công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 xin thêm thời gian giải trình nhưng đã không được đáp ứng. Ngày 5/2/2015 Kết luận thanh tra đã được kí là vi phạm nghiêm trọng, mất dân chủ như thế thì nội dung Kết luận không thể bảo đảm “Chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời” như Điều 7 Luật Thanh tra quy định.
Báo NCT là cơ quan báo chí thuộc Trung ương Hội NCT Việt Nam, tiếng nói của người cao tuổi cả nước, trong những năm qua đã thật sự đổi mới, Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam đánh giá cao những kết quả hoạt động đặc biệt xuất sắc của tờ báo này. Báo đã đi đúng tôn chỉ mục đích, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đi tiên phong trong công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội. Trong 8 năm qua (2007 - 2014) từ khi nhà báo Kim Quốc Hoa về làm Tổng Biên tập báo biểu dương hơn 10.000 điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và cũng phanh phui hơn 2.500 vụ tham nhũng, tiêu cực từ cấp xã trở lên, cơ bản bảo đảm chính xác, nhiều vụ điển hình được Đảng, Nhà nước, các tổ chức, địa phương xử lí, thu về hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách, v.v... được đông đảo bạn đọc và Nhân dân cả nước, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao, khen ngợi.
Thanh tra hoạt động của Báo NCT trong 2 năm (2013 - 2014) Đoàn Thanh tra quy chụp sai sót trong hơn 50 bài báo cho rằng “đăng nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật”, thậm chí cho rằng có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước, vi phạm chính trị, v.v... mà không kiểm chứng, không cho đối tượng thanh tra và người có trách nhiệm giải trình, đối thoại, rõ ràng là Kết luận mang tính chủ quan, áp đặt, mất dân chủ...
Trong 2 năm qua, các nội dung Đoàn Thanh tra minh chứng, cơ quan chủ quản chúng tôi không thấy các cơ quan chức năng nhắc nhở, giao ban báo chí trung ương hằng tuần cũng không phê phán, các đối tượng không khiếu nại... thì kết luận liệu có khách quan, đúng đắn? Cách làm của Đoàn Thanh tra phải chăng nhằm ngăn chặn, làm thui chột năng lực chống tham nhũng của báo chí mà Báo NCT là một điển hình?
Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam trân trọng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tạm dừng công bố Kết luận thanh tra để tiến hành lại cuộc thanh tra theo trình tự, thủ tục đúng với quy định của pháp luật”
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định:
Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm trái pháp luật
Sáng 9/2/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức công bố Kết luận thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi. Buổi công bố được tiến hành rầm rộ một cách bất thường, mặc dù Chủ tịch trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói rõ không đến vì Đoàn Thanh tra làm trái luật. Sau đó, nhiều báo đồng loạt đưa tin trên mạng In-tơ-nét và Truyền hình Việt Nam. Sự kiện gây xôn xao dư luận cả nước, máy bàn cơ quan và máy cầm tay của cán bộ, phóng viên Báo Người cao tuổi nóng lên vì liên tục có các cuộc điện thoại gọi đến hỏi han, chia sẻ. Để rộng đường dư luận, Báo Người cao tuổi đăng nội dung trả lời phỏng vấn các báo của Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và của Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa Hội Người cao tuổi Việt Nam và lãnh đạo Báo Người cao tuổi đã gửi văn bản đến Bộ ngay trong sáng 9/2/2015...
Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Họ thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi, mà chủ quản không được thông báo...”.
Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi và suốt quá trình thực hiện việc thanh tra, nhưng không thông báo cho chúng tôi (là cơ quan chủ quản) biết. Đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông lại có văn bản mời Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi đến dự và nghe công bố kết luận thanh tra. Tôi thấy việc này không đúng quy trình, nên tôi không đến.
Tôi cho rằng, có thể Đoàn Thanh tra cho rằng không cần mời các chuyên gia, không cần yêu cầu cơ quan chủ quản, hoặc Báo Người cao tuổi có giải trình mà vẫn kết luận, đó là quyền của họ. Nhưng tôi cho rằng, trong quá trình làm, trước khi kết luận, phải dành thời gian để trao đổi, thảo luận giữa Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra để xem xét và tìm biện pháp phù hợp, trên cơ sở đó nếu đúng là có sai phạm thì Báo phải rút kinh nghiệm. Nếu không có sai phạm thì Đoàn Thanh tra phải xem xét lại kết luận của mình.
Nhưng họ không đáp ứng được như vậy, Đoàn Thanh tra cho Báo Người cao tuổi có một ngày để giải trình ngần ấy nội dung, thì làm sao Báo giải trình được? Tôi thấy rằng, họ làm vội vàng, cấp tập một cách không cần thiết. Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đúng quy trình, để có sự trao đổi giữa lãnh đạo, phóng viên Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra, cho đối tượng thanh tra được giải trình những nội dung liên quan, từ đó có kết luận thỏa đáng.
Tại Kết luận thanh tra số 01/KL-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam cách chức Tổng Biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa. Nhưng chúng tôi cũng phải xem xét ông Kim Quốc Hoa thực sự có sai phạm gì? Có cách chức Tổng Biên tập hay không, Thường vụ Trung ương Hội cũng phải họp, bàn bạc thấu đáo mới đi đến quyết định. Còn hiện tại thì chúng tôi chưa bàn đến, chúng tôi còn đang khiếu nại…
Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa: “Chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại để làm rõ sự thật. Còn hiện tại tôi đang rất bình tĩnh và tự tin”.
Trong quy trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng quy trình thanh tra đột xuất. Họ làm gần 3 tháng mà chỉ cho Báo Người cao tuổi giải trình trong một ngày với khối lượng nhiều nhóm vấn đề, liên quan đến hơn 50 bài báo được cho là sai phạm. Vậy làm sao chúng tôi giải trình được? Chúng tôi đã làm văn bản gửi cho Đoàn Thanh tra, đề nghị cho phép chúng tôi kéo dài thời gian giải trình. Chính ông Lưu Đình Phúc, Trưởng đoàn Thanh tra điện thoại cho Trưởng phòng Hành chính Báo Người cao tuổi thông báo đồng ý cho giãn thời gian, cụ thể bao nhiêu ngày sẽ có văn bản trả lời.
Mặc dù với khối lượng nội dung giải trình rất rộng, rất lớn nhưng chúng tôi cũng nỗ lực hoàn thành văn bản giải trình vào ngày 6/2/2014 (trong vòng có 4 ngày).
Thế nhưng, rụp một cái Bộ Thông tin và Truyền thông gửi ngay văn bản mời chúng tôi đến để công bố kết luận thanh tra. Theo đó, Kết luận thanh tra đã được kí từ ngày 5/2/2014. Đoàn Thanh tra đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thanh tra. Trong những nội dung giải trình, chúng tôi đã làm rõ, chúng tôi không vi phạm pháp luật đến mức như kết luận thanh tra quy kết. Ví dụ việc ông Ngô Văn Khánh rút hơn 6.000 tỉ đồng trong kết luận thanh tra EVN, thì các báo đã thông tin từ cuối năm 2013, chúng tôi đăng bài vào tháng Giêng năm 2014, sau nhiều báo một thời gian dài, mà chúng tôi không lấy tài liệu mật ở đâu. Mặt khác, khi đã có kết luận thanh tra rồi thì không còn là tài liệu mật nữa. Các nội dung khác chúng tôi cũng có đủ bằng chứng chứng minh chúng tôi thực hiện Acơ bản đúng quy định của pháp luật về báo chí.
Mấy ngày nay chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin, trong đó có cả thông tin rằng Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa đã bị bắt… nhưng hôm nay các nhà báo thấy đấy, tôi vẫn làm việc bình thường. Chúng tôi phản đối hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra, tập thể Báo Người cao tuổi chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại vụ việc này, để làm rõ sự thật, bảo vệ uy tín, danh dự cho Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; thanh danh của Báo Người cao tuổi, một trong những tờ báo đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và cá nhân tôi. Còn hiện nay tôi đang hết sức bình tĩnh và tự tin…

Hoàng Linh (Thực hiện)

Công an điều tra báo Người cao tuổi

           BBC.9 tháng 2 2015

Trang mạng của Người Cao Tuổi bị đóng cửa
Công an Việt Nam khởi tố vụ án liên quan báo Người cao tuổi theo điều 258 Bộ Luật Hình sự về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.
Tờ báo này, vốn do Hội Người cao tuổi chủ quản, trong thời gian qua đã đăng nhiều bài điều tra cáo buộc tình trạng tham nhũng trong quan chức.
Một luật sư từ trong nước nói với BBC rằng việc công an truy tố tờ báo này là ‘hoàn toàn đúng đắn’ và ‘không phải nhằm để trấn áp tờ báo dám lên tiếng về tham nhũng’.

‘Có dấu hiệu tội phạm’

Thông báo của Bộ Công an cho biết căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu báo Người cao tuổi theo đề nghị của Bộ Thông tin-Truyền thông, họ xác định ‘có dấu hiệu của tội phạm’.
Theo hai tác giả ký tên Minh Chi - Việt Hải trên trang ANTV thì:
"Báo Người cao tuổi cũng đăng một số bài viết khác có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức công dân đã được Bộ TT-TT thông báo tại Kết luận thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi số 17/TB-BTTTT, ngày 09/02, như bài viết: "Chống tham nhũng khi trao "vũ khí" cho bọn biến chất " đăng ngày 03/5/2013; "Bàn về "Thị trường sao và vạch" đăng ngày 01/4/2013; "Sự thật về "Công tử" Hà Thành ra Trường Sa" đăng ngày 09/7/2014."
Bài "Bàn về "Thị trường sao và vạch" chủ yếu nhắm vào điều báo Người Cao Tuổi cho là 'nạn chạy quân hàm' trong công an và quân đội ở Việt Nam hiện nay.
Các trang vào những bài nói trên đều đã bị chặn ở Việt Nam.
Còn Bộ Thông tin-Truyền thông trong buổi họp báo vào sáng thứ Hai ngày 9/2 cũng thông báo họ thu hồi tên miền của trang mạng tờ báo này và thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa, tổng biên tập báo.
Ngoài ra, họ cũng kiến nghị Hội Người cao tuổi cách chức tổng biên tập của ông Hoa.

Khi có thông tin về việc nào đó hay người nào đó đã công khai hay đang làm thì Người Cao Tuổi nhảy vào chia tách ra thậm chí đăng đi đăng lại những chuyện không liên quan đến vụ án, xâm phạm quyền nhân thân của người đó kể cả họ hàng của họ. Luật sư Trần Đình Triển
Theo kết quả thanh tra của Bộ này được công bố thì tờ Người Cao Tuổi đã ‘cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, và danh dự, nhân phẩm của cá nhân’, ‘đưa thông tin suy diễn, sai sự thật, ‘có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước’.
Báo Người cao tuổi là một tờ báo nhỏ tại Việt Nam, tuy vậy, mấy năm gần đây, tờ báo gây chú ý vì nhiều bài điều tra cáo buộc tình trạng tham nhũng trong quan chức.
Cuối năm 2013, báo Người cao tuổi là tờ đầu tiên cáo buộc về tài sản ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, đã nghỉ hưu từ 2011.
Cuối năm 2014, Đảng Cộng sản thông báo ông Truyền đã vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất và đề ra phương án thu hồi nhà, đất của ông.

‘Truy tố là đúng’

Có ý kiến như của luật sư Trần Đình Triển từ Hà Nội cho rằng việc xử lý Người cao tuổi là ‘hết sức đúng pháp luật’.
Theo ông Triển thì những thông tin trên tờ Người cao tuổi mà ‘người đọc có cảm nhận là có vẻ đấu tranh chống tham nhũng’ là ‘từ một chuyện nhỏ họ có thể suy đoán ra, viết mang tính chất thương mại hóa và đưa ra những thông tin không có căn cứ’.

Người Cao Tuổi đã đăng bài về biệt thự của ông Trần Văn Truyền

“Họ đưa tin không chuẩn xác, xúc phạm đến danh dự của tổ chức, cá nhân thì cơ quan pháp luật phải xử lý,” ông Triển nói.
Cũng theo luật sư Triển thì ‘không phải tờ Người cao tuổi chống tham nhũng mà bị điều tra’. “Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi công dân chống tham nhũng,” ông nói, “Trong Luật Chống tham nhũng còn có cơ chế bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng.”
Theo ông Triển thì vụ việc tham nhũng của ông Trần Văn Truyền thì ‘thông tin không phải xuất phát từ báo Người cao tuổi mà địa phương họ đã nêu lên và xem xét việc đó rồi’.
“Khi có thông tin về việc nào đó hay người nào đó đã công khai hay đang làm thì Người cao tuổi nhảy vào chia tách ra thậm chí đăng đi đăng lại những chuyện không liên quan đến vụ án, xâm phạm quyền nhân thân của người đó kể cả họ hàng của họ,” ông nói và chỉ trích tờ báo này là ‘giật gân, thương mại hóa’.
Trong khi đó, viết trên Facebook cá nhân, một luật sư khác, Trần Vũ Hải, lại cho rằng: "Mặc dù từng đối đầu và không đồng ý nhiều việc với ông TBT báo Người cao tuổi , nhưng tôi vẫn cho rằng sau thanh tra nhanh chóng đề nghị cách chức ông và chuyển sang cơ quan an ninh điều tra là có vấn đề và không công bằng."
"Những vụ ông khui ra đều làm rất chậm chạm và xử lý nhẹ nhàng, dù dưới con mắt của dân chúng khá nghiêm trọng," ông Hải viết.

 

THỨ TƯ, NGÀY 11 THÁNG 2 NĂM 2015

Hành trình từ xét tặng thi đua đến đề nghị cách chức

Cuộc thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi vốn bắt đầu từ đề nghị của Hội Người cao tuổi về việc xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc cho ông Kim Quốc Hoa - Tổng biên tập báo. 
Tờ trình của Hội Người cao tuổi được gửi đến Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ (Bộ Nội vụ) từ 17/3/2014 trình Thủ tướng xét tặng danh hiệu. Ngày 15/8/2014, Bộ Nội vụ có văn bản gửi Bộ TT&TT xem xét việc này và đề nghị phúc đáp trước 25/8/2014.
Vụ Thi đua - Khen thưởng của Bộ TT&TT sau đó có văn bản ngày 19/8/2014 về việc xin ý kiến khen thưởng ông Kim Quốc Hoa gửi Cục Báo chí.
Sau khi xem xét cụ thể, Cục Báo chí lật lại hồ sơ cho thấy dưới sự lãnh đạo của ông Kim Quốc Hoa, báo Người cao tuổi đã có nhiều bài viết đấu tranh chống tiêu cực Nhưng bên cạnh mặt tích cực, cũng có nhiều bài viết của báo đã gây phản ứng gay gắt từ phía các đơn vị, cá nhân liên quan.
Cục Báo chí trong văn bản gửi Vụ Thi đua - Khen thưởng ngày 27/8/2014 dẫn ra hai trường hợp mà báo Người cao tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính vì thông tin sai sự thật. Đó là bài viết "Chuyện lạ ở Đảng bộ phường 4, quận Tân Bình, TP HCM: Năm kỷ lục tiền lệ xấu" trên số ra ngày 27/02/1014.
Cùng thời điểm đó, Cục Báo chí cũng đang tiến hành xử lý đối với bài viết "Sự thật về 'công tử' Hà thành ra Trường Sa" đăng trên báo Người cao tuổi ngày 9/7/2014.
Theo thông tin Cục nắm từ Bộ Tư lệnh Hải quân, bài báo có nhiều nội dung sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến danh dự và uy tín của quân chủng Hải quân.
Do đó, Cục Báo chí đã đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng căn cứ luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định.
Tiếp đó, trong văn bản ngày 3/10/2014 về việc hiệp y khen thưởng gửi Ban Thi đua - Khen thương TƯ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nêu những ý kiến xung quanh đề nghị Bộ TT&TT cho ý kiến hiệp y phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc cho ông Kim Quốc Hoa - Tổng biên tập báo.
Văn bản nêu, trong thời gian qua, báo Người cao tuổi đã có nhiều bài viết góp phần tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
"Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích  cực, có bài viết của báo có nội dung thông tin sai sự thật đã bị Bộ TT&TT xử phạt vi phạm hành chính và hiện nay Bộ đang tiến hành xử lý bài viết có nội dung sai sự thật gây phản ứng gay gắt từ phía đơn vị, cá nhân có liên quan. Những sai phạm của báo Người cao tuổi trong đó có trách nhiệm của ông Kim Quốc Hoa với cương vị Tổng biên tập" - văn bản nêu rõ.
Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ căn cứ các quy định của pháp luật xem xét quyết định trình khen thưởng cho ông Kim Quốc Hoa.
Làm rõ đúng - sai
Văn bản trên có thể coi là ý kiến chính thức cuối cùng của Bộ TT&TT xung quanh việc xét tặng danh hiệu cho ông Kim Quốc Hoa.
Cùng ngày 3/10/2014, Bộ TT&TT nhận được đăng ký làm việc của Chủ tịch TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam về việc này. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã thay mặt lãnh đạo Bộ chủ trì cuộc làm việc với bà Cù Thị Hậu cùng đại diện Cục Báo Chí, Vụ Thi đua - Khen thưởng của Bộ.
Tuy nhiên, sau khi Bộ TT&TT ra văn bản chính thức nêu ý kiến không đồng tình việc xét tặng danh hiệu cho ông Kim Quốc Hoa vì những sai phạm, Hội Người cao tuổi đã đề nghị Bộ TT&TT chỉ rõ những sai phạm của báo Người cao tuổi cũng như của ông Kim Quốc Hoa.
Để làm rõ đúng sai, Bộ trưởng TT&TT đã quyết định thanh tra đột xuất báo từ 7/11/2014 đến 7/1/2015.
Trước những sai phạm của báo Người cao tuổi cũng như cần phải xem xét trách nhiệm của ông Kim Quốc Hoa, Bộ TT&TT đã đề nghị Hội Người cao tuổi cách chức Tổng biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa, đồng thời thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử và tên miền nguoicaotuoi.org.vn.
Ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết do những vi phạm trong hoạt động báo chí, trong việc thực hiện quy định của pháp luật về báo chí của ông Kim Quốc Hoa mà Thanh tra Bộ TT&TT công bố, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ thực hiện các quy định của điều lệ Hội, rút thẻ hội viên của ông Kim Quốc Hoa. "Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nghiêm túc xử lý trưởng hợp vi phạm này", ông Huệ khẳng định.
X.Linh - H.Nhì/VnN



RFI.  09-02-2015 15:37

Việt Nam : Trang web báo chống tham nhũng Người Cao Tuổi bị đóng cửa, khởi tố

mediaTrang web báo Người Cao TuổiDR

Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam hôm nay 09/02/2015 ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến báo Người Cao Tuổi theo điều 258 Luật hình sự. Trước đó chính quyền thông báo rút giấy phép trang web của tờ báo nổi tiếng chống tham nhũng này, còn Tổng biên tập Kim Quốc Hoa bị cách chức và thu lại thẻ nhà báo.
AFP ghi nhận, đến chiều nay theo giờ Việt Nam, trang web nguoicaotuoi.org.vn không còn truy cập được nữa, tuy báo giấy vẫn được phát hành. Hãng tin Pháp cho rằng lại có thêm một động thái vi phạm tự do báo chí ở Việt Nam. Báo chí trong nước thì dẫn kết luận thanh tra đột xuất tòa soạn báo Người Cao Tuổi, cáo buộc tờ báo này đăng « các đơn khiếu nại sai sự thật »,  « một số bài viết xuyên tạc, vu khống tổ chức và công dân », « có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước ».
Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định :
« Đây là một vụ bất thường. Bất thường vì nếu so sánh với vụ PMU18 năm 2006 bắt phóng viên báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, thì lần này có sự hiệp đồng tác chiến rất nhịp nhàng giữa Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an. Sáng, Bộ Thông tin công bố kết luận, và đến chiều thì Bộ Công an cũng đăng đàn diễn thuyết. Và có thể nói đây là một vụ về mặt công luận đã đánh thẳng vào quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của các nhà báo nhà nước ở Việt Nam.
Trong bảy năm qua, báo Người Cao Tuổi đã đưa ra ánh sáng tới 2.500 vụ tiêu cực từ cấp làng xã tới trung ương. Và đặc biệt trong thời gian gần đây đã đưa liên tục hàng loạt vụ về tài sản của các quan chức cấp cao, nhất là vụ ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Cuối cùng như chúng ta đã thấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã phải vào cuộc, và ông Truyền đã phải nhận hình thức cảnh cáo về Đảng và trả lại một số tài sản.
Có thể nói đây là sự ghi nhận về công lao của báo Người Cao Tuổi – một tờ báo được coi là nhỏ trong làng báo hơn 800 tờ báo nhà nước – nhưng có thành tích lớn nếu so với những tờ khác có bề dày như Vietnamnet, Thanh Niên, Tuổi Trẻ…Trong khi những tờ đó cho tới nay gần như lắng tiếng về việc phanh phui các tiêu cực và phục vụ sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng.
Đây là vấn đề mà tôi cho là đặc biệt nhạy cảm. Đó là một khía cạnh. Một khía cạnh khác : chúng tôi nhận thấy việc khởi tố báo Người Cao Tuổi, mới được thông tin chiều nay, ngày 9 tháng Hai, có nét gì đó gần giống với việc khởi tố và bắt giam ngay lập tức hai blogger Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập vào cuối năm 2014.
Ngoài ra cũng cần ghi nhận thêm một điều về sự việc báo Người Cao Tuổi : lâu lắm rồi mới có một tờ báo nhà nước bị khởi tố một cách công khai và kiên quyết đến như vậy ! Đặc biệt lần này là cơ quan An ninh Điều tra, chứ không phải là cơ quan Cảnh sát Điều tra làm, và lại liên quan đến điều luật mà giới blogger, hoạt động dân chủ, đấu tranh nhân quyền rất chú ý, thường đưa ra trước quốc tế : đó là điều 258 của bộ Luật Hình sự, liên quan tới việc « lợi dụng quyền tự do dân chủ ». Và kỳ này không loại trừ là Nhà nước có thể áp dụng điều 258 đối với chính ông Kim Quốc Hoa là nguyên Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi ».

Tại sao truy tố Tổng biên tập Kim Quốc Hoa?

RFA. 9-2-2015
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
H1Sáng hôm nay, ngày 9 tháng 2 năm 2015 ông thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Bộ này đã chính thức có những biện pháp chế tài mạnh mẽ kể cả gửi hồ sơ cho cơ quan an ninh điều tra xem xét và xử lý ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi, là tờ báo có những bài viết chống tham nhũng mạnh mẽ nhất nước hiện nay. Mặc Lâm có thêm chi tiết.

Tờ báo dám phanh phui các cán bộ tham nhũng
Trong vài năm gần đây tờ báo Người Cao Tuổi đã nổi lên trong giới báo chí vì dám công khai khui ra những vụ sai phạm mà hầu như các tờ báo báo khác trong nam ngoài bắc đều e dè không dám đụng đến.
Vụ gần đây nhất mà tờ báo làm đã gây tiếng vang rất lớn là phanh phui tham nhũng của một cán bộ chống tham nhũng đứng đầu chính phủ, đó là Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Các căn nhà bề thế tại nhiều địa phương của ông đã được mang lên mặt báo để từ đó người dân thấy được mặt thật của một quan thanh tra đại điện cho chế độ.
Ông Trần Văn Truyền tuy có bị kiểm điểm nhưng cho tới nay người dân vẫn chưa thấy một hành động tích cực nào đối với tài sản mà ông Truyền đã chiếm dụng bất hợp pháp, cho tới sáng ngáy 9 tháng 2 khi Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn họp báo cho biết các biện pháp mà bộ này áp dụng đối với tờ Người Cao Tuổi, nơi phanh phui vụ án, cũng như với Tổng biên tập tờ báo là ông Kim Quốc Hoa thì độc giả cũng như những người quen biết với cá nhân ông nổi lên một câu hỏi: Phải chăng đây là hành vi trả thù của nhà nước mà Bộ thông tin và Truyền thông chỉ là người thi hành? Chúng tôi đã liên lạc với nhà báo Kim Quốc Hoa và được biết ông đang rất bận rộn có lẽ đang làm việc với cơ quan chức năng, ông chỉ kịp nói:
-Tôi đang rất là bận để lúc khác đi anh nhé.
Trong khi chờ đợi tiếp xúc lại với ông chúng tôi hỏi chuyện đại tá Bùi Văn Bồng, một nhà báo quân đội lâu năm trong nghề, nguyên trưởng đại diện báo QĐND khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhà báo Bùi Văn Bồng chia sẻ thì dưới mắt ông, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa là một người xứng đáng với vai trò nhà báo. Ông Hoa còn là một sĩ quan cao cấp, cựu chiến binh can trường và không ai nghi ngờ tính chính trực của ông khi điểu hành tờ Người Cao Tuổi. Đại tá Bùi Văn Bồng cho biết:
-Anh Kim Quốc Hoa tôi biết từ khi tôi còn làm biên tập viên ở báo Quân Đội Nhân Dân ở Hà Nội trước khi tôi vào TP-Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Khi đó anh Hoa là trưởng ban biên tập của tờ Tin Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo tôi thì anh Kim Quốc Hoa là người hiền nhưng cương trực, thẳng thắn, cởi mở chân thành với anh em bạn bè.
Và vì trung thực thẳng thắn cho nên có những cái mà ngày đó ngay như khi Tổng cục hậu cần muốn che dấu những điều không được công khai hoặc muốn tránh đi thì ảnh cũng nêu tin bài lên. Có cái Quân đội đăng cũng có cái không đăng nhưng ảnh phản ánh đúng sự thật và trung thực. Tôi đánh giá anh là người nhiệt tình năng nổ và có năng lực làm báo.
Hai nữa anh trung thực thẳng thắn và không sợ cường quyền. Khi cần nói thẳng điều gì đó thì cấp nào, chức nào nếu thấy đúng anh ấy vẫn cứ nói. Những vấn đề cần nói, cần đấu tranh đi tới sự công bằng đi tới chân lý thì chính anh Kim Quốc Hoa là người mà tôi thấy anh ấy rất cứng và sẵn sàng đưa lên những vấn đề không có lợi cho xã hội, không có lợi cho một tập thể và một cộng đồng thậm chí không có lợi cho một cá nhân nào đó mà không đúng với bản chất sống của con người trong cộng đồng với nhau thì ảnh cũng sẵn sàng đấu tranh bảo vệ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn mới nhất vào ngày 29 tháng 12, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa cho báo chí biết tờ Người Cao Tuổi của ông trong hơn 7 năm qua đã phanh phui, điều tra xác minh làm rõ khoảng 2.500 vụ việc từ cấp xã, phường đến Trung ương. Ông cũng nói rằng hầu như năm nào cũng xuất hiện 1-2 vụ điển hình gây được tiếng vang lớn, tạo dư chấn trong đời sống xã hội.
Ngoài ra ông Hoa cho biết một số cán bộ cấp cao có những việc làm sai trái bị Người Cao Tuổi phanh phui như Nguyễn Trường Tô, Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh, Hà Văn Toại, Huỳnh Đức Hòa, Trần Văn Vệ, Lê Sĩ Bảy, Nguyễn Yên Sơn…

Phản ứng của chính quyền
Việc điều tra một tờ báo có thành tích chống tham nhũng và công bố biện pháp đối phó với nó ngay sau khi vụ án Trần Văn Truyền khép lại là một hành động khó đồng tình cho dù báo Người Cao Tuổi có những vi phạm hành chánh đi chăng nữa. Nhận xét vấn để này nhà báo Bùi Văn Bồng chia sẻ:
-Cái chỗ mà báo Người Cao Tuổi nêu có ảnh, có hình có chứng liệu, cứ liệu rõ ràng như thế thì tôi cho là một sự phản ánh rất là trung thực. Không riêng trường hợp ông Truyền mà nhiều trường hợp khác báo Người Cao Tuổi nêu thì tôi cho là đã thể hiện tính chiến đấu cao của một tờ báo mà đồng thời thể hiện sự trung thực thẳng thắn, dùng phương tiện thông tin đến với công chúng. Đó là điều trong bối cảnh thông tin đang cần đối với người dân là công khai hóa minh bạch hóa nhiều vấn đề trong cuộc sống thì báo Người Cao Tuổi là một trong những tờ báo mà tôi cho rất là dũng cảm và đi đầu phản ảnh trung thực những mặt tồn tại yếu kém của xã hội.
Trong các biện pháp trừng phạt, Bộ thông tin truyền thông quyết định rút giấy phép của Người Cao Tuổi, liệu biện pháp này có phù hợp hay không? Nhà báo Phạm Thành làm việc cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong hàng chục năm cho biết:
- Mọi thông tin của Người Cao Tuổi thì họ công khai, nếu người nào làm sai, phóng viên làm sai thì xử lý phóng viên ấy chứ tại sao lại đình bản cả một tờ báo lá thế nào?
Từ khi Kim Quốc Hoa làm báo Người Cao Tuổi thì tinh thần chống tham nhũng tiêu cực, chống tham ô cửa quyền, hà lạm của chính quyền thì hiện nay tờ báo ấy là số một đấy. Trước đây thì Tuổi Trẻ, Thanh Niên rồi Tiền Phong nhưng mấy năm gần đây thì các báo đó không làm những việc này nữa rồi anh Người Cao Tuổi nổi lên ở vị trí số một cho nên lúc gần đây rất được bạn đọc yêu mến thế nhưng mà bộ 4 T làm việc đấy thì tôi nghĩ rằng một là nó trái luật, không đúng luật bỏi vì tất cả những thông tin Kim Quốc Hoa đểu công khai trên mặt báo và thực hiện việc ấy theo đúng luật báo chí của Việt Nam chứ còn ông Bộ thông tin và truyển thông làm cái việc đấy thì tôi nghĩ ông ấy cậy quyền cậy chức ổng làm thế thôi chứ làm sao ổng dám làm cái việc ấy?
Bộ Thông tin và Truyền thông cáo buộc báo Người Cao Tuổi đã đăng nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật, vi phạm Khoản 4 Điều 10 Luật Báo chí, tuy nhiên giới luật sự từng cho rằng việc này thuộc phạm vi một tòa án công khai giữa tờ báo và người bị hại, Bộ Thông tin-Truyền thông đã vượt cả hiến pháp để một mình tự tiện kiêm nhiệm vai trò của tư pháp.
Bộ này cũng cáo buộc Người Cao Tuổi đăng một số bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của công dân. Nếu việc này là đúng thì người bị xúc phạm toàn quyền khởi kiện để chứng tỏ tờ báo đã xúc phạm danh dự và uy tín của mình. Mọi kỹ cương luật pháp đểu nằm tại đây, nơi tòa án chứ không phải nơi Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi đọc những cáo buộc này người ta không khỏi nhớ đến cáo buộc tương tự đối với các blogger như Basam Nguyễn Hữu Vinh, Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng như nhiều người khác.
Đề nghị cách chức và chuyển hồ sơ của Kim Quốc Hoa sang Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, để điều tra hành vi đăng 11 bài viết có dấu hiệu tội phạm đã cho thấy việc lạm quyền của Bộ thông tin và Truyển thông.
Đề nghị này khiến người dân nghĩ ngay tới điều 258, một điều luật rất nhiều tranh cãi nhưng luôn được mang ra trù dập người cầm bút khi họ chống cái sai, cái bóng tối mà cán bộ cao cấp núp vào đó thâm lạm ngân sách, hà hiếp người dân hay làm những hành vi bất chính khác.
Cá nhân của nhà báo Kim Quốc Hoa có thể đã biết trước hậu quả của việc mình làm nhưng khi chấp nhận dấn thân chắc ông đã chấp nhận hình thức có thể xem là trả thù này.
Đối với người dân không ai chia sẻ và thấu hiểu được tại sao nhà nước lại làm như vậy. Trong khi cấp cao nhất khi nói chuyện với nhân dân luôn mang vấn nạn tham nhũng ra để nói rằng cả hệ thống rất lo lắng, nhưng sau đó thì chính hệ thống ấy lại đàn áp người chống tham nhũng hiệu quả nhất thử hỏi người dân phải tin ai?

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam
Kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hoạt động               của Đoàn Thanh tra và nội dung kết luận thanh tra Báo Người cao tuổi

Hoàng Linh (Thực hiện)

Thứ ba ngày 10 tháng 2 năm 2015 2:39 PM
Sau khi nhận được Thông báo số 01/BTTT kết luận thanh tra về việc thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội có Văn bản số 37/BTV-HNCT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu tạm dừng thông báo kết luận thanh tra Báo NCT, nội dung như sau:
“Ngày 6/2/2015, Trung ương Hội NCT Việt Nam nhận được Thông báo số 02/BTTTT-ĐTT mời chủ quản của Báo NCT đến Bộ Thông tin và Truyền thông để nghe công bố kết luận thanh tra Báo NCT đã được kí. Về việc này, Ban Thường vụ TW Hội NCT Việt Nam có ý kiến như sau:
Theo các Quyết định số 1643/QĐ-BTTTT ngày 7/11/2014 và Quyết định số 1735/QĐ-BTTTT ngày 21/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thanh tra Báo NCT thực hiện pháp luật về báo chí.
Từ ngày 7/11/2014 đến 31/1/2015 Đoàn Thanh tra đã tiến hành 64 ngày làm việc (kém 4 ngày tròn 3 tháng) được lãnh đạo Báo NCT hợp tác nghiêm túc, nhưng trong quá trình hoạt động Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng Điều 7 Luật Thanh tra như trong Báo cáo giải trình số 33/CV-BNCT của Tổng Biên tập Báo NCT (Phần VII Về hoạt động của Đoàn Thanh tra), đặc biệt là vi phạm Điều 21 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011; Điều 24, Điều 27 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ, Điều 24 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về việc trong quá trình thanh tra và ra văn bản Kết luận phải tuân thủ các quy định, đối tượng thanh tra phải được giải trình, phản biện để có thể xác minh, làm rõ nhằm “đánh giá bảo đảm tính khách quan, chính xác”, tránh quy chụp, áp đặt chủ quan, mất dân chủ dẫn đến oan sai.
Thực tế trong quá trình thanh tra, ngày 31/1/2015 Đoàn Thanh tra mới có cuộc làm việc với lãnh đạo Báo NCT và lập Biên bản làm việc, thông báo những nội dung dự thảo để Báo NCT phải giải trình một khối lượng nội dung rất lớn, rất rộng mà bắt buộc phải nộp văn bản giải trình vào ngày 3/2/2015 (tức là chỉ sau 1 ngày làm việc) là không thể chấp nhận. Mặc dù Tổng Biên tập Báo NCT đã có Công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 xin thêm thời gian giải trình nhưng đã không được đáp ứng. Ngày 5/2/2015 Kết luận thanh tra đã được kí là vi phạm nghiêm trọng, mất dân chủ như thế thì nội dung Kết luận không thể bảo đảm “Chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời” như Điều 7 Luật Thanh tra quy định.
Báo NCT là cơ quan báo chí thuộc Trung ương Hội NCT Việt Nam, tiếng nói của người cao tuổi cả nước, trong những năm qua đã thật sự đổi mới, Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam đánh giá cao những kết quả hoạt động đặc biệt xuất sắc của tờ báo này. Báo đã đi đúng tôn chỉ mục đích, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đi tiên phong trong công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội. Trong 8 năm qua (2007 - 2014) từ khi nhà báo Kim Quốc Hoa về làm Tổng Biên tập báo biểu dương hơn 10.000 điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và cũng phanh phui hơn 2.500 vụ tham nhũng, tiêu cực từ cấp xã trở lên, cơ bản bảo đảm chính xác, nhiều vụ điển hình được Đảng, Nhà nước, các tổ chức, địa phương xử lí, thu về hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách, v.v... được đông đảo bạn đọc và Nhân dân cả nước, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao, khen ngợi.
Thanh tra hoạt động của Báo NCT trong 2 năm (2013 - 2014) Đoàn Thanh tra quy chụp sai sót trong hơn 50 bài báo cho rằng “đăng nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật”, thậm chí cho rằng có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước, vi phạm chính trị, v.v... mà không kiểm chứng, không cho đối tượng thanh tra và người có trách nhiệm giải trình, đối thoại, rõ ràng là Kết luận mang tính chủ quan, áp đặt, mất dân chủ...
Trong 2 năm qua, các nội dung Đoàn Thanh tra minh chứng, cơ quan chủ quản chúng tôi không thấy các cơ quan chức năng nhắc nhở, giao ban báo chí trung ương hằng tuần cũng không phê phán, các đối tượng không khiếu nại... thì kết luận liệu có khách quan, đúng đắn? Cách làm của Đoàn Thanh tra phải chăng nhằm ngăn chặn, làm thui chột năng lực chống tham nhũng của báo chí mà Báo NCT là một điển hình?
Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam trân trọng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tạm dừng công bố Kết luận thanh tra để tiến hành lại cuộc thanh tra theo trình tự, thủ tục đúng với quy định của pháp luật”
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định:
Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm trái pháp luật
Sáng 9/2/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức công bố Kết luận thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi. Buổi công bố được tiến hành rầm rộ một cách bất thường, mặc dù Chủ tịch trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói rõ không đến vì Đoàn Thanh tra làm trái luật. Sau đó, nhiều báo đồng loạt đưa tin trên mạng In-tơ-nét và Truyền hình Việt Nam. Sự kiện gây xôn xao dư luận cả nước, máy bàn cơ quan và máy cầm tay của cán bộ, phóng viên Báo Người cao tuổi nóng lên vì liên tục có các cuộc điện thoại gọi đến hỏi han, chia sẻ. Để rộng đường dư luận, Báo Người cao tuổi đăng nội dung trả lời phỏng vấn các báo của Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và của Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa Hội Người cao tuổi Việt Nam và lãnh đạo Báo Người cao tuổi đã gửi văn bản đến Bộ ngay trong sáng 9/2/2015...
Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Họ thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi, mà chủ quản không được thông báo...”.
Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi và suốt quá trình thực hiện việc thanh tra, nhưng không thông báo cho chúng tôi (là cơ quan chủ quản) biết. Đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông lại có văn bản mời Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi đến dự và nghe công bố kết luận thanh tra. Tôi thấy việc này không đúng quy trình, nên tôi không đến.
Tôi cho rằng, có thể Đoàn Thanh tra cho rằng không cần mời các chuyên gia, không cần yêu cầu cơ quan chủ quản, hoặc Báo Người cao tuổi có giải trình mà vẫn kết luận, đó là quyền của họ. Nhưng tôi cho rằng, trong quá trình làm, trước khi kết luận, phải dành thời gian để trao đổi, thảo luận giữa Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra để xem xét và tìm biện pháp phù hợp, trên cơ sở đó nếu đúng là có sai phạm thì Báo phải rút kinh nghiệm. Nếu không có sai phạm thì Đoàn Thanh tra phải xem xét lại kết luận của mình.
Nhưng họ không đáp ứng được như vậy, Đoàn Thanh tra cho Báo Người cao tuổi có một ngày để giải trình ngần ấy nội dung, thì làm sao Báo giải trình được? Tôi thấy rằng, họ làm vội vàng, cấp tập một cách không cần thiết. Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đúng quy trình, để có sự trao đổi giữa lãnh đạo, phóng viên Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra, cho đối tượng thanh tra được giải trình những nội dung liên quan, từ đó có kết luận thỏa đáng.
Tại Kết luận thanh tra số 01/KL-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam cách chức Tổng Biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa. Nhưng chúng tôi cũng phải xem xét ông Kim Quốc Hoa thực sự có sai phạm gì? Có cách chức Tổng Biên tập hay không, Thường vụ Trung ương Hội cũng phải họp, bàn bạc thấu đáo mới đi đến quyết định. Còn hiện tại thì chúng tôi chưa bàn đến, chúng tôi còn đang khiếu nại…
Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa: “Chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại để làm rõ sự thật. Còn hiện tại tôi đang rất bình tĩnh và tự tin”.
Trong quy trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng quy trình thanh tra đột xuất. Họ làm gần 3 tháng mà chỉ cho Báo Người cao tuổi giải trình trong một ngày với khối lượng nhiều nhóm vấn đề, liên quan đến hơn 50 bài báo được cho là sai phạm. Vậy làm sao chúng tôi giải trình được? Chúng tôi đã làm văn bản gửi cho Đoàn Thanh tra, đề nghị cho phép chúng tôi kéo dài thời gian giải trình. Chính ông Lưu Đình Phúc, Trưởng đoàn Thanh tra điện thoại cho Trưởng phòng Hành chính Báo Người cao tuổi thông báo đồng ý cho giãn thời gian, cụ thể bao nhiêu ngày sẽ có văn bản trả lời.
Mặc dù với khối lượng nội dung giải trình rất rộng, rất lớn nhưng chúng tôi cũng nỗ lực hoàn thành văn bản giải trình vào ngày 6/2/2014 (trong vòng có 4 ngày).
Thế nhưng, rụp một cái Bộ Thông tin và Truyền thông gửi ngay văn bản mời chúng tôi đến để công bố kết luận thanh tra. Theo đó, Kết luận thanh tra đã được kí từ ngày 5/2/2014. Đoàn Thanh tra đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thanh tra. Trong những nội dung giải trình, chúng tôi đã làm rõ, chúng tôi không vi phạm pháp luật đến mức như kết luận thanh tra quy kết. Ví dụ việc ông Ngô Văn Khánh rút hơn 6.000 tỉ đồng trong kết luận thanh tra EVN, thì các báo đã thông tin từ cuối năm 2013, chúng tôi đăng bài vào tháng Giêng năm 2014, sau nhiều báo một thời gian dài, mà chúng tôi không lấy tài liệu mật ở đâu. Mặt khác, khi đã có kết luận thanh tra rồi thì không còn là tài liệu mật nữa. Các nội dung khác chúng tôi cũng có đủ bằng chứng chứng minh chúng tôi thực hiện Acơ bản đúng quy định của pháp luật về báo chí.
Mấy ngày nay chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin, trong đó có cả thông tin rằng Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa đã bị bắt… nhưng hôm nay các nhà báo thấy đấy, tôi vẫn làm việc bình thường. Chúng tôi phản đối hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra, tập thể Báo Người cao tuổi chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại vụ việc này, để làm rõ sự thật, bảo vệ uy tín, danh dự cho Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; thanh danh của Báo Người cao tuổi, một trong những tờ báo đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và cá nhân tôi. Còn hiện nay tôi đang hết sức bình tĩnh và tự tin…

Hoàng Linh (Thực hiện)

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi khẳng định: Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm trái pháp luật

Hoàng Linh

Bài trên báo Người Cao tuổi số ra ngày 10-2-2015
Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam
trả lời phỏng vấn các báo ngay bên hành lang Báo Người cao tuổi.
Sáng 9/2/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức công bố Kết luận thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi. Buổi công bố được tiến hành rầm rộ một cách bất thường, mặc dù Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam và lãnh đạo Báo Người cao tuổi vắng mặt, đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau đó, các báo đồng loạt đưa tin tràn ngập trên mạng In-tơ-nét và Truyền hình Việt Nam. Sự kiện gây xôn xao dư luận cả nước, máy bàn cơ quan và máy cầm tay của cán bộ, phóng viên Báo Người cao tuổi nóng lên vì liên tục có các cuộc điện thoại gọi đến hỏi han, chia sẻ. Để rộng đường dư luận, Báo Người cao tuổi đăng nội dung trả lời phỏng vấn các báo của Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và của Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa ngay trong sáng 9/2/2015…
§   Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Họ thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi, mà chủ quản không được thông báo…”
Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi và suốt quá trình thực hiện việc thanh tra, nhưng không thông báo cho chúng tôi (là cơ quan chủ quản) biết. Đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông lại có văn bản mời Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi đến dự và nghe công bố kết luận thanh tra. Tôi thấy việc này không đúng quy trình, nên tôi không đến.
Tôi cho rằng, có thể Đoàn Thanh tra cho rằng không cần mời các chuyên gia, không cần yêu cầu cơ quan chủ quản, hoặc Báo Người cao tuổi có giải trình mà vẫn kết luận, đó là quyền của họ. Nhưng tôi cho rằng, trong quá trình làm, trước khi kết luận, phải dành thời gian để trao đổi, thảo luận giữa Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra để xem xét và tìm biện pháp phù hợp, trên cơ sở đó nếu đúng là có sai phạm thì Báo phải rút kinh nghiệm. Nếu không có sai phạm thì Đoàn thanh tra phải xem xét lại kết luận của mình.
Nhưng họ không đáp ứng được như vậy, Đoàn Thanh tra cho Báo Người cao tuổi có một ngày để giải trình ngần ấy nội dung, thì làm sao Báo giải trình được? Tôi thấy rằng, họ làm vội vàng, cấp tập một cách không cần thiết. Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đúng quy trình, để có sự trao đổi giữa lãnh đạo, phóng viên Báo Người cao tuổi với Đoàn Thanh tra, cho đối tượng thanh tra được giải trình những nội dung liên quan, từ đó có kết luận thỏa đáng.
Tại Kết luận thanh tra số 01/KL-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam cách chức Tổng Biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa. Nhưng chúng tôi cũng phải xem xét ông Kim Quốc Hoa có thực sự có khuyết điểm như kết luận thanh tra nêu không? Có cách chức Tổng Biên tập hay không, Thường vụ Trung ương Hội cũng phải họp, bàn bạc thấu đáo mới đi đến quyết định. Còn hiện tại thì chúng tôi chưa bàn đến…

§   Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa: “Chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại để làm rõ sự thật. Còn hiện tại tôi đang rất bình tĩnh và tự tin”
Trong quy trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng quy trình thanh tra đột xuất. Họ làm gần 3 tháng mà chỉ cho Báo Người cao tuổi giải trình trong một ngày với khối lượng nhiều nhóm vấn đề, liên quan đến hơn 50 bài báo. Vậy làm sao chúng tôi giải trình được? Chúng tôi đã làm văn bản gửi cho Đoàn thanh tra, đề nghị cho phép chúng tôi kéo dài thời gian giải trình. Chính ông Lưu Đình Phúc, Trưởng đoàn Thanh tra điện thoại cho Trưởng phòng Hành chính Báo Người cao tuổi thông báo đồng ý cho giãn thời gian, cụ thể bao nhiêu ngày sẽ có văn bản trả lời.
Mặc dù với khối lượng nội dung giải trình rất rộng, rất lớn nhưng chúng tôi cũng nỗ lực hoàn thành văn bản giải trình vào ngày 6/2/2014 (trong vòng có 4 ngày). Thế nhưng, rụp một cái Bộ Thông tin và Truyền thông gửi ngay văn bản mời chúng tôi đến để công bố kết luận thanh tra. Theo đó, Kết luận thanh tra đã được kí từ ngày 5/2/2014. Đoàn Thanh tra đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thanh tra. Trong những nội dung giải trình, chúng tôi đã làm rõ, chúng tôi không vi phạm pháp luật như kết luận thanh tra quy kết. Ví dụ việc ông Ngô Văn Khánh rút hơn 600 tỉ đồng trong kết luận thanh tra EVN, thì các báo đã thông tin từ cuối năm 2013, chúng tôi đăng bài vào tháng Giêng năm 2014, sau nhiều báo một thời gian dài, mà chúng tôi không lấy tài liệu mật ở đâu. Mặt khác, khi đã có kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi thì không còn là tài liệu mật nữa. Các nội dung khác chúng tôi cũng có đủ bằng chứng chứng minh chúng tôi thực hiện đúng quy định của pháp luật về báo chí.
Mấy ngày nay chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin, trong đó có cả thông tin rằng Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa đã bị bắt… nhưng hôm nay các nhà báo thấy đấy, tôi vẫn làm việc bình thường. Chúng tôi phản đối hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra, tập thể Báo Người cao tuổi chúng tôi sẽ kiên trì khiếu nại vụ việc này, để làm rõ sự thật, bảo vệ uy tín, danh dự cho Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; thanh danh của Báo Người cao tuổi, một trong những tờ báo đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và cá nhân tôi. Còn hiện nay tôi đang hết sức bình tĩnh và tự tin…
H.L.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng của Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra

 Báo Người cao tuổi

Báo Người Cao tuổi số 1549 ra ngày 10-2-2015
Quy trình và trong quá trình thanh tra 64 ngày làm việc chính thức (thời gian kém 4 ngày tròn 3 tháng) tại Báo Người cao tuổi, Đoàn Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông có nhiều sai phạm, thanh tra trái Luật Thanh tra, các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và của Thanh tra Nhà nước, trái Luật Báo chí sửa đổi, các Nghị định của Chính phủ, Luật Khiếu nại, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định số 588/2004 của Bộ Công an, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ…
Tiến hành thanh tra đơn vị trực thuộc, không thông báo cho cơ quan chủ quản của báo. Vụ việc chưa được giải trình đã kí kết luận và họp báo đưa tin quy chụp, trái pháp luật, vi phạm Bộ luật Hình sự, bôi nhọ danh dự Báo Người cao tuổi
Cần khẳng định đây là Đoàn Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, được thành lập theo Quyết định số 1634/QĐ-BTTTT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Thanh tra đột xuất Báo Người cao tuổi.
Theo quy định, Đoàn Thanh tra phải tuân thủ theo Luật Thanh tra và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về thanh tra. Trong 64 ngày làm việc Đoàn đã vi phạm khoản 1 Điều 7 về Nguyên tắc hoạt động thanh tra, không tuân theo pháp luật, không bảo đảm chính xác, thiếu khách quan, thiếu trung thực, không công khai, dân chủ. Ngày 5/1/2015 Đoàn Thanh tra có Văn bản số 08/CBC-ĐTT thông báo kết thúc thanh tra tại Báo Người cao tuổi. Thông báo này có nội dung “Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra, nếu cần xác minh hoặc cung cấp thêm thông tin, tài liệu để làm rõ nội dung trước khi kết luận thanh tra, yêu cầu Báo Người cao tuổi cung cấp đầy đủ kịp thời”.
Sự thực sau thông báo này, Báo Người cao tuổi không nhận được bất kì thông tin hay yêu cầu giải trình nào của Đoàn Thanh tra, ngày 31/1/2015 Đoàn mới có cuộc làm việc chính thức với Báo Người cao tuổi (thông báo những nội dung về sai phạm của việc thực hiện pháp luật về báo chí) yêu cầu ngày 3/2/2015 phải nộp báo cáo giải trình (chỉ trong 1 ngày làm việc phải giải trình trên 52 nội dung gồm nhiều nhóm vấn đề không có trong nội dung đề cương thanh tra đột xuất. Các bài thanh tra nêu ra, đến nay đã quá thời hiệu (90 ngày) theo Điều 9 Luật Khiếu nại, Báo Người cao tuổi không nhận được đơn thư khiếu nại của các tổ chức và cá nhân có liên quan khiếu nại. Ngay Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ quản, quản lí và giám sát hoạt động của báo chí, trong suốt 2 năm qua cũng chưa một lần nhắc nhở, hoặc nêu về các ý kiến khiếu nại của các tổ chức và cá nhân, có liên quan đến nhóm các bài báo mà Đoàn Thanh tra liệt kê trong 64 ngày thanh tra tại Báo Người cao tuổi. Để có kết luận khách quan đúng pháp luật, đúng sự thực, căn cứ mục a, khoản 1 Điều 57: Quyền của đối tượng thanh tra được “Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra”; Căn cứ khoản 2 Điều 58: Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được: “Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn Thanh tra, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn Thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp”.
Báo Người cao tuổi có Công văn số 32/CV-BNCT ngày 4/2/2015 gửi Đoàn Thanh tra kiến nghị cần có thời gian giải trình theo (Điều 7, Điều 57 và 58 Luật Thanh tra) và Báo sẵn sàng hợp tác với Đoàn để có kết luận ban hành đúng quy định của Luật Thanh tra.
Rất tiếc là kiến nghị theo đúng pháp luật của Báo Người cao tuổi đã không được Đoàn Thanh tra chấp nhận, đến nay Báo Người cao tuổi chưa được giải trình. Đoàn Thanh tra chưa đưa ra các văn bản pháp lí theo pháp luật để kết luận các sai phạm của Báo Người cao tuổi thì không thể có kết luận vội vàng, quy chụp trái pháp luật, như công bố của Đoàn Thanh tra với các cơ quan báo chí sáng ngày 9/2/2015. Báo đã có văn bản giải trình ngày 6/2 và gửi vào 8 giờ sáng ngày 9/2/2015 tới Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu thay mặt cơ quan chủ quản cũng có văn bản khiếu nại gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị tạm hoãn thông báo kết luận thanh tra và nêu những sai phạm của Đoàn Thanh tra tại Báo Người cao tuổi mà không thông báo cho cơ quan chủ quản biết. Tại cuộc họp báo này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã không nêu rõ lí do vì sao Báo Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản của Báo lại không đến họp. Đoàn Thanh tra đã nhận được Công văn của Hội Người cao tuổi và của Báo Người cao tuổi trước khi cuộc họp báo diễn ra nhưng không cung cấp hoặc công bố lí do giải trình của Báo Người cao tuổi để các cơ quan báo chí biết. Do đó, thông tin do Đoàn Thanh tra đưa ra là thông tin một chiều có tính chất áp đặt và quy chụp, trái các Luật Thanh tra, Luật Báo chí và Luật Khiếu nại…
Vi phạm Luật Thanh tra và các Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011, số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ
Về thông báo thanh tra: Đoàn Thanh tra đã không thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP: Trưởng đoàn Thanh tra có văn bản gửi đối tượng thanh tra (kèm theo đề cương yêu cầu báo cáo) ít nhất trước 5 ngày, trước khi công bố quyết định thanh tra; văn bản yêu cầu phải nói rõ cách thức báo cáo, thời gian nộp báo cáo. Các bài báo thanh tra nêu trong đợt gia hạn thanh tra đều không có đơn thư khiếu nại hoặc tố cáo của tổ chức, cá nhân. Đoàn Thanh tra không thực hiện Điều 21 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định: “Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo được gửi cho đối tượng thanh tra trước ngày công bố quyết định thanh tra”; vi phạm Điều 24 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định: Trước khi Kết luận chính thức, nếu thấy cần thiết, người ra quyết định thanh tra lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn hoặc gửi dự thảo Kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc giải trình của đối tượng thanh tra được thực hiện bằng văn bản và có tài liệu chứng minh kèm theo.
Trong suốt 64 ngày làm việc, Đoàn Thanh tra chỉ thu thập tài liệu, không yêu cầu Tổng Biên tập hay các cán bộ, phóng viên liên quan đến những bài báo được giải trình nêu trong biên bản ngày 31/1/2015.
Thanh tra chuyên ngành về nội dung báo chí nhưng Đoàn Thanh tra lại vi phạm Luật Báo chí và Luật Khiếu nại
Trong 5 bài viết đăng trên Báo Người cao tuổi mà Đoàn Thanh tra cho rằng có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước gồm: 3 bài về Kết luận Thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bài về ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra có tài sản khổng lồ và bài về ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Thanh tra Chính phủ.
Căn cứ Điều 4, khoản 1 Điều 5 và các Điều 7, 8, 9, 10 Luật Báo chí sửa đổi; Căn cứ các Điều 9, 13, 14, 15, 29 Luật Khiếu nại, cả 4 bài báo Đoàn Thanh tra trích dẫn trên, bài đăng lâu nhất ngày 15/1/2014, bài gần nhất ngày 18/6/2014 đến nay đã 13 tháng và 8 tháng, không có đơn khiếu nại của các cơ quan và các cá nhân có liên quan, khiếu nại theo Luật Báo chí và Luật Khiếu nại. Như vậy theo Luật Báo chí, các nội dung tin bài đã đăng không bị khiếu nại nghĩa là Báo Người cao tuổi đăng có cơ sở. Chính Bộ Thông tin và Truyền thông hằng tuần hằng tháng đều có giao ban báo chí song những nội dung trên đều không phát hiện ra chẳng lẽ bây giờ tự nhiên lại phát hiện ra và nhóm bài này đều có liên quan đến ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ của Thanh tra Chính phủ, trong khi hai ông này và chính cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng không có văn bản nào khiếu nại về việc Báo Người cao tuổi làm lộ bí mật Nhà nước trong 5 bài báo này.
Ngày 2/10/2013 Thanh tra Chính phủ kí Kết luận số 2181/KL-TTCP về thanh tra Tập đoàn Điện lực, ngày 15/10/2013 Thanh tra Chính phủ họp báo nội dung thanh tra Tập đoàn Điện lực đã được công khai, hàng loạt báo đã phỏng vấn ông Ngô Văn Khánh và đăng tin bài từ ngày 16/10/2013. Ngày 15/1/2015 tức là sau 103 ngày kết luận về Thanh tra Tập đoàn Điện lực, Báo Người cao tuổi mới viết bài, do đó không vi phạm Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11). Mặt khác, tại Quyết định số 588/QĐ-BCA (A11) không có khái niệm dự thảo kết luận trong danh mục tài liệu mật của Thanh tra Chính phủ. Báo Người cao tuổi thực hiện đúng khoản 6 Điều 5 Nghị định 51/2002 /NĐ-CP ngày 26/4/2002 và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000 “Đối với các văn kiện, tài liệu của các tổ chức, tài liệu, thư riêng của các các nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó”.
Bài “Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh kê khai…?” số 35 (1352) ngày 28/2/2014 có nội dung về tài sản của ông Ngô Văn Khánh, Theo Đoàn Thanh tra Báo vi phạm tại khoản 8 Điều 1 Quyết định số 588/2004.QĐ-BCA (A11) ngày 25/6/2004.
Về việc này, Báo không khai thác hồ sơ cán bộ của ông Ngô Văn Khánh thì không sai phạm. Mặt khác, theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 thay thế Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 có hiệu lực từ tháng 9/2013 đã có quy định về công khai tài sản thì thông tin về tài sản từ bản kê khai tài sản đã bị vô hiệu hóa.
Bài “Lộ rõ việc bao che không xử lí kỉ luật ông Hoàng Thái Dương…” số 97 (1414) ngày 18/6/2014. Theo Đoàn Thanh tra có những thông tin trong bài giống như trong Dự thảo Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo của đồng chí Hoàng Thái Dương.
Báo Người cao tuổi đăng theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh Mẫn tại thời điểm ông Nguyễn Minh Mẫn quyền Vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ. Báo đã thẩm định thông tin người tố cáo là có thật, nội dung tố cáo là có thật, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại một số văn bản nhưng người tố cáo vẫn cho là có dấu hiệu bao che, do đó tiếp tục tố cáo lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ngày 2/8/2013, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập Đoàn Kiểm tra là có thực.
Với hồ sơ của các phóng viên đi điều tra các vụ việc có liên quan trên, hiện Báo Người cao tuổi đã có giải trình (ngày 6/2/2015) và có hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện đúng Luật Thanh tra, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, để có kết luận công khai, minh bạch, trung thực, khách quan và đúng pháp luật
Nguồn:

Kim Quốc Hoa

 từ ‘chiến sĩ hậu’ cần tới Tổng biên tập 6 báo

9-2-2015
H1Tôi biết ông vừa trải qua những ngày tháng căng thẳng khi mà báo Người Cao tuổi “đối đầu” với ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến.
Cuộc chiến của một tờ báo “người già” với nữ doanh nhân đầy thế lực, từng lọt vào tốp người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán, chủ tịch tập đoàn Tân Tạo, tưởng chừng không cân sức.
Trong vòng 9 tháng, với hơn 20 bài báo liên tục đăng tải, báo đã có lúc phải xin lỗi cải chính vì một số chi tiết thiếu chính xác.
Cuối năm 2011 tập đoàn Tân Tạo của bà Yến thuê luật sư chính thức kiện Tổng biên tập Kim Quốc Hoa ra tòa. Sức ép từ nhiều phía, những lời đe dọa “cho bay cái ghế TBT”, nhưng Kim Quốc Hoa vẫn không nản lòng.
Mái tóc ông đã bạc đi nhiều, nhưng giọng vẫn đầy chất thép: “ Làm báo chống tiêu cực, tham nhũng, nếu TBT “nản lòng” coi như “hết phim”.
Khi nhận được thư “nặc danh” cho biết bà Hoàng Yến từng là đảng viên nhưng lại khai nữ doanh nhân ngoài đảng để ứng cử ĐBQH, tôi đã hai lần lặng lẽ vào TPHCM cùng phóng viên trực tiếp đi xác minh thông tin trên.
Lọ mọ nhiều ngày, khi đã xác minh được sự thật, tôi mới có văn bản kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Sự kiện nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi miễn tư cách ĐBQH đã làm nổi sóng cả nghị trường và ồn ào trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong đó công lớn thuộc về báo Người Cao tuổi.
Dạo này, nhiều người đọc báo đã nhận xét: tờ báo của người già lại có vẻ “chịu chơi” chiến đấu chống tiêu cực tham nhũng hơn cả báo của người trẻ.

5 năm phanh phui 1.500 vụ tiêu cực, tham nhũng
Và “lão tướng” Kim Quốc Hoa chỉ huy nhiều trận đánh chống tiêu cực, ban đầu cứ tưởng như đánh nhau với cối xay gió, nhưng rốt cuộc đều giành phần thắng.
Trong 5 năm qua, báo Người Cao tuổi đã phanh phui trên 1.500 vụ việc tham nhũng. Báo phản ánh tiêu cực tham nhũng từ cấp xã phường, đến cấp Trung ương.
Điển hình như loạt bài Công ty Xây dựng Bến tre, “Một vụ án vắt ngang hai thế kỷ”, giúp cho hàng trăm công nhân được minh oan và đòi lại quyền lợi, những kẻ tham nhũng phải trả giá.
Gần đây nhất là loạt bài “Chủ tịch tỉnh Hà Giang coi thường pháp luật” làm chấn động dư luận xã hội.
Tôi thấy nếu để chủ quản của mình vừa lòng thì phải tròn trịa, khuôn lại thôi. Thế là tôi viết đơn xin từ chức. Trước đó chưa có TBT nào từ chức như tôi .
Năm 2008, khi nhận chức Tổng biên tập báo Người Cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mời đến nhà riêng tâm sự: bây giờ khoảng 80% vụ kiện liên quan đến đất đai, nhiều nơi dân bị thu hồi đất trắng trợn, đền bù với giá một mét vuông chỉ bằng một bát phở. 70% dân số nước ta là nông dân, đó là một nỗi đau. Báo Người Cao tuổi phải quán triệt nội dung này.
Từ đó, Kim Quốc Hoa chỉ đạo PV đi sâu đề tài về sai phạm đất đai. Báo Người Cao tuổi đã đăng hơn 1.200 vụ việc liên quan đến đất đai, vạch trần những quyết định thu hồi đất trái pháp luật, đền bù rẻ mạt, cưỡng chế vô lối… 1.200 vụ việc đều đảm bảo thông tin chính xác, khiến cho không ít cán bộ trung, cao cấp bị kỷ luật, một số vụ khởi tố…
Nhưng để có từng ấy bài báo chống tham nhũng tiêu cực, Kim Quốc Hoa đã phải đối diện với hàng chục vụ kiện ra toà, không ít tổ chức cá nhân làm đơn đòi “xử lý” TBT báo Người Cao tuổi, rồi tin nhắn dọa giết, thư nặc danh, điện thoại khủng bố đủ cả.
Đã dấn thân vào cuộc đấu này thì phải chấp nhận bầm dập thương tích, nhưng thật lạ, ở tuổi gần thất thập cần nghỉ ngơi thì lão tướng Kim Quốc Hoa vẫn xung trận vào chốn mũi tên hòn đạn.
Kỷ lục: làm quản lý 6 tờ báo
Trong chuyến bay sang Thái Lan cách đây vài năm, tôi tình cờ ngồi cạnh ông. Trò chuyện mới hay ông tên thật là Nguyễn Quốc Hoa từng tình nguyện đi miền núi xây dựng kinh tế mới, làm công nhân nông trường Quốc doanh Hữu Lũng- Lạng Sơn và phải lòng cô y tá xinh đẹp Đỗ Kim Hoa.
Chuyện tình ngắn ngủi, khi Quốc Hoa vào bộ đội thì cô gái nông trường cưới một người thợ lái máy cày. Nhưng chàng trai có tâm hồn lãng mạn đã làm nhiều thơ tặng cô gái với bút danh Kim Quốc Hoa (ghép tên hai người). Cũng từ đó, Kim Quốc Hoa trở thành họ tên thường dùng…
Tôi ngạc nhiên khi hay người có cái tên Kim Quốc Hoa đã trải qua cuộc đời làm báo đầy thăng trầm và chắc vẫn đang giữ kỷ lục: làm quản lý 6 cơ quan báo chí – ở Việt Nam chắc có một không hai.
Từ một chiến sỹ chống Mỹ trên đường Trường Sơn, Kim Quốc Hoa làm thơ đoạt giải 3 cuộc thi “Bộ đội hậu cần hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”.
Nhờ thế, Quốc Hoa trở thành phóng viên rồi sau đó được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập phụ trách tờ Chiến sỹ Hậu cần.
Năm 1990, tờ báo Tuổi trẻ Thủ Đô đang khủng hoảng, nợ nần chồng chất. Thành đoàn Hà Nội xin ý kiến ông Phạm Thế Duyệt- Bí thư Thành ủy mời trung tá Kim Quốc Hoa về làm TBT nhưng giấu nhẹm, không cho biết tình trạng của báo.
Trung tá Kim Quốc Hoa đã nhanh chóng thích nghi với việc làm báo thị trường, chỉ trong một thời gian ngắn đưa số lượng phát hành từ 1.200 bản/kỳ lên 6.000 bản rồi 2 vạn bản mỗi kỳ.
Tòa soạn trả hết nợ, ăn nên làm ra và còn xin được dự án xây trụ sở mới ở 19 Lý Thường Kiệt. Đúng lúc đó thì ông lại ra đi. Nhà báo Kim Quốc Hoa 
kể tiếp:
“Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm vốn là bạn học phổ thông vừa thôi làm Bí thư Trung ương Đoàn được Bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội đã mời tôi về giúp bộ thành lập tờ báo ngành. Lời đề nghị làm tôi bối rối vì Thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm lúc ấy cũng mời tôi đến nhà riêng ngỏ ý muốn tôi về thành lập báo Ngân hàng. Nể bạn tôi về làm Phó TBT phụ trách báo Lao Động Xã hội, từ không đến có, lượng phát hành đã lên 2-3 vạn.
Lúc đó, Bộ Xây dựng muốn xuất bản tờ báo ngành, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc đã 4 lần gặp tôi để chiêu mộ. Nể quá, tôi nhận lời mời làm giúp Bộ Xây dựng một đề án ra báo. Đề án này được Bộ thông qua và nêu rõ: Ai là tác giả đề án thì mời người đó về làm TBT. Tháng 8 năm 1997, tôi về làm TBT báo Xây dựng, trụ sở ban đầu là ga-ra ô tô cũ”.
Sau khi về hưu, Kim Quốc Hoa lại sáng lập và làm TBT tờ Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài và làm TBT hai năm trước khi Hội người Cao tuổi mời về làm TBT báo Người cao tuổi đang trong thời gian khó.
Nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn, ông “lột xác” tờ báo, tăng trang, tăng kỳ, tăng lượng phát hành.
Từng quản lý 6 cơ quan báo chí, ở tờ nào Kim Quốc Hoa cũng dấn thân chống tiêu cực tham nhũng, như một phẩm chất đã thành “thương hiệu”.
Ngay cả khi biết tiêu cực trong quân đội là “vùng cấm”, Kim Quốc Hoa vẫn viết loạt bài phản ánh về cán bộ tham ô tiêu chuẩn chiến sỹ, những tiêu cực trong quản lý, phân phối nhà ở khu tập thể Nam Đồng, đụng chạm đến 6-7 vị tướng. Chống tiêu cực nên cũng bị “ăn đòn” nhiều trận cho đến giờ ông vẫn nhớ:
“Có bà giám đốc (vợ cán bộ cao cấp) tuyên bố bỏ tù Kim Quốc Hoa, nhưng tôi không bị tù mà bà bị mất chức. Có lần về nhà vợ đưa mảnh giấy kẻ nào viết dọa sẽ ném mìn vào nhà. Ở báo Tuổi trẻ Thủ đô tôi bị hai bà giám đốc khách sạn Thống Nhất và Khăn quàng đỏ kiện cho “lên bờ xuống ruộng”.
Ông Phạm Thế Duyệt- Bí thư Thành ủy Hà Nội khuyên tôi nên thận trọng vì là chỗ “nhạy cảm”.
Ở báo Lao động Xã hội, tôi phản ánh ông Cục trưởng Ngoại giao đoàn có tiêu cực, vợ ông ta đến cửa phòng Bộ trưởng Trần Đình Hoan “ăn vạ”.
Ở báo Xây dựng, tôi đụng đến một quan chức sai phạm, Bộ trưởng gọi lên chỉnh: “Sao không hỏi ý kiến tôi, người ta đang kiện đây này, đừng để ảnh hưởng đến quan hệ của bộ”. Tôi thấy nếu để chủ quản của mình vừa lòng thì phải tròn trịa, khuôn lại thôi. Thế là tôi viết đơn xin từ chức. Trước đó chưa có TBT nào từ chức như tôi”.
“Báo Người Cao tuổi đánh tiêu cực nhiều, nhưng chưa có tờ báo nào lại nhiều bài về các điển hình tiên tiến như báo tôi, TBT Kim Quốc Hoa lấy ngay dẫn chứng: Trong năm 2011 báo có 700 gương người tốt việc tốt (mỗi số báo có 5 gương người tốt), chỉ có 327 bài chống tiêu cực. Đặc biệt là báo của giới cây cao bóng cả, nên tôi không bao giờ cho đăng những tin cướp giết hiếp theo kiểu lá cải”.
Ngồi với ông ở phòng TBT và điện thoại lên tục đổ chuông, kiện tụng, phản ảnh, xin xỏ, đe dọa, mềm dẻo mua chuộc… Đủ mọi hỷ nổ ái ố. Và trên bàn làm việc hàng loạt hồ sơ của những vụ việc tiêu cực đang chờ xử lý.
Cứ nhẹ như không, Kim Quốc Hoa lại xắn tay vào xử lý để ngày mai, báo lại có cả gương người tốt lẫn bài chống tiêu cực.
Người đọc sẽ lại thấy bài viết ký tên Vũ Phong của ông với hàm ý: Sẵn sàng đương đầu trước phong ba bão tố, chấp nhận rủi ro. Không mệt mỏi, lão tướng lại xung trận.

Bộ 4T “đánh” báo Người Cao Tuổi: Khi hành pháp làm càn
Phạm Đoan Trang - Nguyễn Anh Tuấn - Trịnh Hữu Long

Tóm tắt vụ “Bộ 4T vs. báo Người Cao Tuổi”
Thứ hai, ngày 9/2/2015, Bộ Thông tin Truyền thông (sau đây gọi tắt là Bộ 4T) tổ chức họp báo đấu tố báo Người Cao Tuổi, tiến hành xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép của phiên bản điện tử của báo, thu hồi thẻ nhà báo của Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa, đề nghị cách chức ông Hoa, và chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an.
Sau đó, thứ ba, 10/2, theo một nguồn tin riêng, Ban Tuyên giáo đã chỉ thị cho các báo không được đưa tin “ngược chiều” về vụ việc của báo Người Cao Tuổi. Và có lẽ đó là lý do khiến các bài báo ủng hộ Người Cao Tuổi nói chung và ông Kim Quốc Hoa nói riêng không còn trên báo chí chính thống. Ngay cả các bình luận (comment) của độc giả bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Kim Quốc Hoa cũng biến mất dưới mỗi bài báo được đăng tải.
Chỉ đạo báo chí xong, từ thứ tư, 11/2, cơ quan chức năng bắt đầu xử lý Người Cao Tuổi. Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa phải làm việc với công an, cùng lúc đó, hai tờ báo của Bộ 4T là VietNamNet và Info.net tích cực đăng hàng loạt bài viết ủng hộ Bộ nhà: “Việc thanh tra báo Người Cao Tuổi là đúng quy định”, “Tướng quân đội nói về xử lý sai phạm báo Người Cao Tuổi”, “Làm báo như Người Cao Tuổi không sai mới lạ”, “Người Cao Tuổi sai phạm, chủ quản ở đâu”… Chắc rằng chuỗi bài này chưa dừng lại, khi mà Bộ 4T tuyên bố “sẽ cứng rắn hơn nếu báo Người Cao Tuổi gây phức tạp tình hình”.
Một mặt không cho báo chí đưa tin “ngược chiều” với mình, mặt khác vẫn chỉ trích và kết tội một tờ báo nhỏ, giới chức quản lý ở Việt Nam đã thể hiện một thái độ rất không đẹp. Tuy nhiên, chưa bàn tới lối hành xử đó, thì cung cách phát ngôn của Bộ 4T cũng đã cho thấy nhiều bất cập trong tư duy và năng lực của một đội ngũ được nắm quyền quản lý giới truyền thông.
Đôi co với một tờ báo
Ngày 12/2/2015, VietNamNet đăng bài “Làm báo như Người Cao Tuổi không sai mới lạ”, phỏng vấn Phó cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc – Trưởng đoàn Thanh tra của Bộ 4T. Bài phỏng vấn được đăng trên trang chủ, với nhiều thông tin được nhấn mạnh, như các phát biểu của ông Phúc kết tội báo Người Cao Tuổi khoác danh nghĩa chống tham nhũng để “tham nhũng, tiêu cực”.
Mặc dù vậy, quá nửa bài báo vẫn chỉ là những ý kiến của ông Phúc loanh quanh về trình tự, thủ tục của quá trình thanh tra – mà theo đó thì giữa những thông tin mà ông đưa ra và ba bài viết của báo Người Cao Tuổi có một số điểm không thống nhất. Chẳng hạn như ông bảo, “tổng số thời gian thanh tra tại báo Người Cao Tuổi… là 45 ngày làm việc… không phải là 64 ngày làm việc như nội dung bài viết trên báo Người Cao Tuổi đã nêu”.
Trước đó, báo Người Cao Tuổi đã có ba bài viết chỉ ra rằng Đoàn Thanh tra của Bộ 4T có nhiều sai phạm, nhiều điểm trái pháp luật – Luật Thanh tra, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại, v.v. Báo chỉ ra đầy đủ các điểm vi phạm, hoặc nói rõ rằng các bài viết “sai phạm” mà Thanh tra nêu ra thì đến nay đều đã quá thời hiệu, mà báo chưa từng nhận được đơn thư khiếu nại nào của các cá nhân và tổ chức liên quan. Song, ông Cục phó Lưu Đình Phúc không bàn cụ thể đến một điểm nào trong những điểm Người Cao Tuổi đã nêu.
Ông Phúc cũng lờ đi chi tiết quan trọng, là ngày 31/1, Đoàn Thanh tra của ông mới làm việc với Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa để trao đổi về nội dung thanh tra, mà lại đòi phải có giải trình về trên 52 nội dung “chậm nhất là ngày 3/2/2014”. Bản thân báo Người Cao Tuổi cũng đã có công văn (số 32/CV-BNCT) ngày 4/2 gửi Đoàn Thanh tra kiến nghị cần thời gian giải trình.
Bộ 4T chơi khó như vậy, có khác nào mụ dì ghẻ trộn đỗ với gạo, bắt cô Tấm nhặt xong hết mới được đi chơi?
Vậy nhưng ông Lưu Đình Phúc lờ chuyện đó đi, ông bảo “hết thời hạn, Người Cao Tuổi không gửi báo cáo giải trình theo yêu cầu”, rồi ông suy đoán: “Có thể thấy báo đã không hợp tác với Đoàn Thanh tra, cố tình kéo dài thời gian giải trình…”.
Đôi co với báo Người Cao Tuổi ở một số chi tiết và tránh né, tảng lờ nhiều chuyện khác, đó là lối hành xử không nên có ở một quan chức (“quan báo”) đối với dân.
Loanh quanh hết nửa bài rồi vị đại diện Bộ 4T bắt đầu dùng chiêu ngụy biện “đánh vào tình cảm” khi ông quay sang răn báo chí: “Chống tham nhũng phải khách quan, trung thực”, “phải đưa tin có trách nhiệm”, “nâng cao ý thức công dân”, v.v.
Phàm là ngụy biện đánh vào tình cảm của số đông thì các nội dung nghe đều bùi tai và thuyết phục cả. Có điều, trong trường hợp này, phát biểu của ông Lưu Đình Phúc chỉ cho thấy nhận thức về pháp luật và quản trị của ít nhất là một bộ phận quan chức, công chức Việt Nam còn nhiều bất cập.
Cần tìm hiểu thêm về hành chính
Trên nguyên tắc, trong mỗi nền hành chính, đều có những cơ quan thanh tra thực hiện chức năng kiểm soát nội bộ ngành, ví dụ Bộ Thông tin Truyền thông có thể có thanh tra làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Bộ. Ở Việt Nam, do Bộ 4T còn được hưởng đặc quyền “quản lý báo chí”, nên thanh tra Bộ nghiễm nhiên nắm thêm quyền sinh quyền sát với giới truyền thông.
Dù vậy, cần phải hiểu rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến khả năng hành pháp lạm quyền, cửa quyền. Để tránh vấn nạn đó, chỉ có một cách là tư pháp phải độc lập và có quyền lực ngang bằng hai nhánh hành pháp, lập pháp.
Nói đơn giản là, hành pháp - ở đây là Bộ 4T - có thể thanh tra báo chí, nhưng chỉ dừng lại ở đó mà thôi, muốn xử phạt báo chí thì họ phải chuyển hồ sơ vụ việc sang bên tư pháp - ở đây là tòa án. Ngoài ra, Bộ 4T có quyền thanh tra báo chí, song cơ quan báo chí lại cũng có quyền không chấp hành và quyền khởi kiện Bộ ra tòa. Người Cao Tuổi không nhất thiết phải tuân thủ mọi hình thức xử phạt của Bộ (thu hồi giấy phép báo điện tử, tước thẻ nhà báo hay cách chức tổng biên tập); họ có thể đâm đơn kiện Bộ 4T, kết quả thế nào sẽ do tòa án quyết định.
Tiếc rằng đó chỉ là nguyên tắc, còn trên thực tế ở Việt Nam, do nhánh hành pháp quá mạnh nên mới có thể làm càn: xử phạt hành chính, thu hồi tên miền báo điện tử, rút thẻ nhà báo của tổng biên tập Kim Quốc Hoa. Bộ 4T đã hành xử chẳng khác nào một vị quan tòa lộng quyền khi vừa đưa ra kết luận buộc tội Người Cao Tuổi, vừa thi hành án luôn.
Chưa kể, công chức của Bộ còn răn dạy báo chí tác nghiệp phải thế này, thế kia: “Tôi cho rằng, khi đã cho đăng bài viết thì Tổng biên tập phải có đủ tài liệu, căn cứ, chứ không có tài liệu gì trong tay, phóng viên các tỉnh gửi bài về cho đăng ngay là không ổn. Cũng ở báo này, khi thanh tra chúng tôi còn phát hiện, báo nhận bài của bạn đọc qua email, cho đăng ghi là nhóm phóng viên điều tra. Khi bị khiếu nại, báo trả lời bằng văn bản là không phải của phóng viên viết, đó là của bạn đọc gửi tới. Làm báo như vậy thì không sai mới là lạ!”.
Ông Lưu Đình Phúc đã không ý thức được một điều đơn giản, rằng: Tác nghiệp báo chí là công việc nội bộ của một tòa soạn, không ai có quyền yêu cầu họ giải trình. Tòa soạn chịu trách nhiệm trước dư luận về các thông tin họ đăng tải. Nếu báo đưa tin sai, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nào thì cá nhân, tổ chức đó mới là người có thẩm quyền kiện tòa soạn ra tòa dân sự để giải quyết việc riêng của họ với nhau. Ở đây, không có khía cạnh nào mà Bộ 4T hay bất kỳ cơ quan hành pháp nào khác có thể tham gia.
Không được hình sự hóa hoạt động báo chí!
Việc chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an, và sau đó khởi tố báo Người Cao Tuổi theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, là hành động hình sự hóa những hoạt động báo chí thuần túy dân sự. Đây là một biểu hiện của xã hội công an trị. Trong khi đó, nguyên tắc đơn giản và phổ cấp ở các nền luật pháp trên thế giới là: Không hình sự hóa các vi phạm của báo chí; ai bị hại thì người đó kiện cơ quan báo chí, chứ đó không phải việc của một bộ có tên là Bộ 4T.
Người Cao Tuổi ghi tên tác giả là “nhóm phóng viên” hay “nhóm bạn đọc” thì đó cũng chỉ là vấn đề nghiệp vụ chỉ của tờ báo mà thôi. Một anh công chức ở Bộ 4T không có thẩm quyền phán xét nghiệp vụ của báo, nhất là khi chưa có phóng viên hay bạn đọc nào cảm thấy bị xâm hại lợi ích.
Và cuối cùng, về Điều 258 Bộ luật Hình sự: Nếu điều luật này nhằm chống lại việc “xâm hại lợi ích nhà nước”, thì điều tối thiểu khi vận dụng nó là phải nêu rõ nhà nước ở đây là ai, cơ quan nào cảm thấy họ bị hại, địa chỉ giao dịch ở đâu, bị hại như thế nào? Không thể nói chung chung là “nhà nước” – một thực thể không tên tuổi, không địa chỉ.
Nếu những thông tin mà báo Người Cao Tuổi đưa ra ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước thì chỉ duy nhất Chủ tịch nước mới có quyền phát ngôn lợi ích đó là gì và bị ảnh hưởng tới đâu. Nếu “nhà nước” thấy thông tin đó ảnh hưởng tới lợi ích của mình thì phải kiện báo Người Cao Tuổi ra tòa dân sự để tranh cãi đúng sai. Còn hình sự hóa vụ việc và dùng sức mạnh cưỡng chế chỉ là cách phản ứng của những người đuối lý và ưa bạo lực.


 12-02-2015 14:57

Tự do báo chí : Việt Nam vẫn tụt hạng trên thế giới

mediaVit Nam đng hàng 175 trên 180 quc gia theo bng xếp hng ca Phóng viên không biên gii @rsf
Hiện tượng quyền tự do báo chí càng lúc càng bị thu hẹp tại Việt Nam trong năm 2014 với một loạt những vụ bắt giữ, sách nhiễu giới viết blog đã được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters sans frontières RSF) – trụ sở tại Pháp - tổng kết trong bản báo cáo thường niên 2015 về tình hình tự do báo chí trên thế giới. Bản phúc trình kèm theo bảng xếp hạng, đã được chính thức công bố vào hôm nay, 12/02/2015 tại Paris.
Trong bảng xếp hạng quyền tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thứ tự từ cao đến thấp, Việt Nam bị xếp thứ 175, nằm trong số nước có tình trạng tự do ngôn luận tồi tệ nhất, chỉ hơn được Trung Quốc (176), Syria (177), Turkmenistan (178), Bắc Triều Tiên (179) và Erythrea đội sổ.
Vấn đề đối với Việt Nam là thứ hạng trên trường quốc tế của Việt Nam về tình hình tự do báo chí liên tục tuột giảm trong thời gian những năm gần đây, từ hạng 165 trên 173 nước vào năm 2010, đã tiếp tục xuống dốc trong những năm sau, tới mức 174 trên 180 vào năm ngoái 2014, để xuống thêm một hạng vào năm nay.
Nhận xét chung của Phóng viên Không Biên giới không khoan nhượng : « Chính phủ Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch đàn áp từ một vài năm nay. Chính quyền đã sử dụng cả một kho luật lệ đều hơn nhau về tính tùy tiện, với lời lẽ lúc nào cũng mơ hồ, như trong điều 258 của Bộ luật Hình sự, phạt án tù đối với mọi hành động « lợi dụng các quyền tự do dân chủ », cho phép chính quyền « biện minh bằng pháp luật » chủ trương bịt miệng các tiếng nói bất đồng ».
Về tình hình trong năm 2014, Phóng viên Không Biên giới nêu bật các vụ tiếp tục bắt giam các công dân-nhà báo và blogger, bên cạnh một yếu tố đặc biệt đáng quan ngại là nạn bạo hành của công an nhắm vào giới blogger. Phóng viên Không Biên giới tố cáo hiện tượng : « Nhà chức trách câu kết với giới côn đồ để tiến hành các vụ sách nhiễu. Bản chất của các đối tượng bị nhắm, và tính chất thô bạo của các cuộc tấn công, phản ánh một chiều hướng cứng rắn hơn của chiến dịch đàn áp ».
Trong những bảng xếp hạng trước đây, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã từng xếp Việt Nam vào diện « Nhà tù lớn thứ hai, sau Trung Quốc, đối với các công dân mạng », tức là giới blogger, trong lúc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được liệt vào danh sách những kẻ thù của Internet.
Tuy nhiên, phải nói là tình hình không tốt đẹp tại Việt Nam không phải là một trường hợp cá biệt. Nhận định chung của Phóng viên Không Biên giới trong bản báo cáo 2015 là đã có một « sự suy thoái thô bạo » của quyền tự do báo chí trên thế giới trong năm 2014. Theo tổ chức này, đấy là hậu quả của hành động của các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại vùng Cận Đông, hay các phần tử Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Christophe Deloire, Tổng thư ký của Phóng viên Không Biên giới nhận định : « Đã có một sự suy thoái toàn cầu, bắt nguồn từ những nguyên do rất khác nhau, với sự tồn tại của các cuộc chiến tranh thông tin, hoạt động của các tổ chức phi nhà nước vốn xử sự như những bạo chúa trong lãnh vực thông tin ».
Đối chiếu hai bảng xếp hạng của Phóng viên Không Biên giới trong hai năm 2014 và 2015, giới quan sát sẽ thấy ngay hiện tượng thụt lùi toàn cầu và nghiêm trọng của quyền tự do báo chí trong năm qua : 2/3 trong số 180 quốc gia và lãnh thổ trong danh sách lần này của Phóng viên Không Biên giới đều tụt hạng so với lần trước.

40 năm không tồn tại quyền sở hữu đất đai

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-02-11
Người dân Việt Nam trên thực tế đã không còn quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất.Người nông dân trên thực tế không còn quyền sở hữu ruộng đất mà chỉ được nhà nước trao quyền sử dụng đất
Người dân Việt Nam trên thực tế đã không còn quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Từ cải cách ruộng đất ở miền Bắc tiếp đến đất đai sở hữu toàn dân sau khi Việt Nam thống nhất năm 1976. Đến nay Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có 3 lần công bố Luật Đất đai, chỉnh sửa nhiều vấn đề kỹ thuật và câu chữ. Tuy nhiên người dân Việt Nam trên thực tế đã không còn quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Một bộ Luật về Đất đai không rõ ràng
Luật Đất đai 1987 có hiệu lực thi hành từ 1988, áp dụng trong thời kỳ đổi mới qui định: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Đến năm 2003 Quốc hội Việt Nam ra Luật Đất đai mới sửa lại thành: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.” Qui định này được Quốc hội kéo dài hơn một chút trong Luật Đất đai sửa đổi ban hành vào cuối năm 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo qui định của Luật này.”
Công luận Việt Nam từng cho rằng, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội để sửa đổi vấn đề sở hữu đất đai tạo đà phát triển kinh tế cho đất nước. TS lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
“Đúng là qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định không rõ ràng. Bởi vì toàn dân không phải là pháp nhân, toàn dân là ai bây giờ tất cả người dân ở đây thì sở hữu đất đai và tài nguyên khoáng sản như thế nào không rõ. Người sở hữu đích thực Nhà nước lại nói rằng mình chỉ có quyền sử dụng. Vì vậy cho nên không bảo đảm được quyền sở hữu về tài sản mà một tài sản rất quan trọng là đất đai đã hạn chế rất nhiều sự đầu tư của nông dân để tăng thêm độ phì cho đất đai, sự gắn bó của người nông dân với đất đai và làm cho nông nghiệp phát triển.”
Đúng là qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định không rõ ràng. Bởi vì toàn dân không phải là pháp nhân, toàn dân là ai bây giờ tất cả người dân ở đây thì sở hữu đất đai và tài nguyên khoáng sản như thế nào không rõ
TS Lê Đăng Doanh
Điểm chính từng gây nhiều tranh cãi trong chính sách đất đai của Việt Nam được cho rằng, vì không có quyền sở hữu đất đai thực sự và quyền sử dụng đất do Nhà nước cấp thì cũng có thể bị Nhà nước thu hồi. Bên cạnh việc thu hồi đất vì các lý do liên quan đến an ninh quốc phòng, Luật Đất đai 2013 vẫn tiếp tục qui định nhà nước được quyền thu hồi đất để “phát triển kinh tế, xã hội, vì lợi ích công cộng.”
TS Lê Đăng Doanh nhận định:
“Tôi nghĩ rằng sắp tới đây hãy cố gắng làm sao hạn chế việc thu hồi đất với một cái giá thấp, rồi giao lại cho các nhà đầu tư với giá rất cao để ăn chênh lệch giá, như vậy đã gây thiệt hại rất nhiều cho người nông dân, người nông dân bị thiệt thòi và 65% sự phản đối và sự khiếu kiện ở Việt Nam là liên quan đến đất đai và liên quan đến nông dân. Đó là một tình hình hoàn toàn khác so với trước kia đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy đất của địa chủ để chia cho người nông dân. Tôi hy vọng sắp tới đây vấn đề đó ngày sẽ càng được giải quyết một cách có hiệu quả hơn bằng cách là trước khi lấy đất thì phải thỏa thuận với người nông dân, trao đổi thảo luận với người nông dân rồi thì công bố công khai cả về giá cả, cả về nghĩa vụ của cả hai bên và bên sử dụng đất phải có trách nhiệm nhiều hơn về việc tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân.”
Dù qui định như thế nào trong các bộ Luật Đất đai qua các thời điểm 1987, 2003 và 2013 thì người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền sở hữu đất đai kể cả mảnh ruộng hương hỏa của tổ tiên. Nếu là đất thổ cư thì có quyền sử dụng ổn định lâu dài, còn đất nông nghiệp thì có hạn chế về diện tích cũng như thời hạn sử dụng. Luật Đất đai 2013 có một số thay đổi cụ thể, như cho phép mở rộng diện tích ruộng đất đến mức tối đa 10 lần hạn mức giao đất. Thí dụ hạn điền 3 héc-ta có thể tích tụ thành 30 héc-ta. Thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm cũng được nâng lên 50 năm và có gia hạn.
Không công bằng, không công khai minh bạch
Thử lắng nghe ý kiến của một nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long về việc không có quyền sở hữu thực sự đối với đồng ruộng của mình, cho dù thời hạn và diện tích có được nâng lên.
Cố gắng làm sao hạn chế việc thu hồi đất với một cái giá thấp, rồi giao lại cho các nhà đầu tư với giá rất cao để ăn chênh lệch giá, như vậy đã gây thiệt hại rất nhiều cho người nông dân
TS Lê Đăng Doanh
“ Vấn đề chủ sở hữu dù cho là 20 năm hoặc 50 năm đi chăng nữa thì người chủ vẫn không phải là mình. Nếu tôi có mở rộng thì chỉ giới hạn phần nào thôi. Nếu tôi tính 50 năm thì đời mình qua rồi còn đời con đời cháu, dù mấy mươi năm tôi vẫn không phải là chủ của tài sản của tôi, dù tôi xuất tiền ra mua nhưng tôi lại không làm chủ, cái khó là khó như vậy.”
Một nông dân ở Nam Trung Bộ, nơi rất ít ruộng đất cho nên tỏ ra không quan tâm gì đến sở hữu toàn dân hay hay sở hữu cá nhân. Tuy nhiên nông dân này cho rằng Đảng đã nói đất đai sở hữu toàn dân thì hãy làm tốt vấn đề này đó là sự công bằng xã hội. Ông nói:
“Đất đai là sở hữu của toàn dân thì người dân sinh ra nhà nước phải giải quyết chỗ ở, về mặt lý thuyết về mặt chính sách về mặt Hiến pháp thì nói vậy. Nhưng khi người dân sinh ra, nhà nước không giải quyết chỗ ở mà người ta phải bỏ tiền đi mua mà đất ở đâu chính là đất cán bộ lợi dụng  này nọ biến thể coi như bán cho người dân để kiếm lời. Đảng CSVN cho đất là sở hữu toàn dân thì cơ bản ở chỗ là làm sao thực hiện công bằng. Do sự không công bằng, không công khai minh bạch về vấn đề tài nguyên đất đai cho nên mới sinh ra khiếu kiện.”
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang một người rất am hiểu chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước và thực tế nông thôn đưa ra nhận định:
“về sở hữu cũng có ảnh hưởng tâm lý tới vấn đề sản xuất lớn tức là qui mô đất đai, cái đó cũng ảnh hưởng một phần nhưng không hoàn toàn là do vấn đề đó. Bởi vì hiện nay tuy rằng sở hữu cá thể, sở hữu tư nhân không có trong đất đai, đó là nói trong hình thức vậy thôi, thực chất bên trong 5 quyền nó cũng vậy thôi, tôi nghĩ vấn đề này cũng không thật sự nghiêm trọng lắm.  Nếu có là về mặt tâm lý mức độ thôi, chớ bản thân người nông dân họ vẫn xem đất đó là của họ thôi.
Họ vẫn liên kết, vẫn mở rộng diện tích, vẫn hợp tác, chủ yếu bây giờ có người cũng sở hữu cả trăm héc-ta nhưng là đứng dưới tên gọi khác nhau của gia đình…chia chác vậy đó nhưng chánh quyền cũng biết vậy. Cái sản xuất lớn vẫn làm được nhưng nói chung về điều kiện pháp lý mà không rộng mở thì nó có hạn chế thì cái đó là điều tất nhiên.”
Đối với một số nhân sĩ trí thức, sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đi kèm với chủ trương đất đai sở hữu toàn dân. Một giải pháp khả thi là qui định đất đai đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước được đề cập tới, nhưng bị Đảng bác bỏ.
Những bất cập về đất đai sở hữu toàn dân và sự thu hồi đất không đền bù tương xứng theo giá thị trường, từng gây ra những vụ phản kháng với hậu quả nặng nề. Thí dụ như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng hay vụ Văn Giang Hưng Yên.
Vấn đề chủ sở hữu dù cho là 20 năm hoặc 50 năm đi chăng nữa thì người chủ vẫn không phải là mình. Nếu tôi có mở rộng thì chỉ giới hạn phần nào thôi. Nếu tôi tính 50 năm thì đời mình qua rồi còn đời con đời cháu, dù mấy mươi năm tôi vẫn không phải là chủ của tài sản của tôi, dù tôi xuất tiền ra mua nhưng tôi lại không làm chủ
Một nông dân
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trụ sở ở Hà Nội từng bày tỏ quan điểm:
Về quyền sở hữu, tôi vẫn tán thành là sở hữu công hay sở hữu chung, còn tên gọi thế nào tôi không quan tâm, gọi là sở hữu nhà nước sở hữu toàn dân chỉ là cách gọi thôi. Nhưng điều quan trọng hơn cả tên gọi của chế độ ấy là quyền sử dụng được luật pháp bảo vệ như thế nào, hiện nay vẫn là điều chưa được nói rõ. Do đó việc tùy tiện xâm phạm vào quyền sở hữu ấy đã diễn ra tương đối phổ biến, vì vậy chúng tôi đề xuất Quốc hội Việt Nam nên sớm ban hành Luật Tài sản. Trong đó tài sản bất động sản bao gồm cả quyền sử dụng đất và khi đã có quyền tài sản rồi thì có cả quyền chiếm hữu hưởng lợi định đoạt đối với tài sản đó như là thông lệ quốc tế ở các nước. Như vậy quyền sở hữu tài sản được bảo vệ, cần đưa ra luật riêng về vấn đề này.”
Luật Đất đai 2013 hiện hành được xem như là chắt lọc của gần 30 năm đổi mới, khi mà Việt Nam đã tiến một bước khá xa so với thời kỳ nghèo đói, ngăn sông cấm chợ trong hơn 10 năm sau ngày thống nhất. Tuy vậy những ai từng trông đợi một sự cải cách lớn lao liên quan đến lãnh vực đất đai và quyền sở hữu thì đều đã hoài công. Luật Đất đai 2013 hiện nay được ghi nhận là có một chút ít thay đổi về mặt kỹ thuật, về nội dung câu chữ chặt chẽ hơn. Sự thay đổi được mô tả là có thể giảm bớt sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong vấn đề thu hồi đất và đền bù thu hồi đất.
Ngay từ khi Việt Nam thống nhất về mặt pháp lý năm 1976 và đặt  dưới sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khái niệm sở hữu tư nhân về đất đai xem như không còn tồn tại.
Trong một bài viết trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kỳ cựu về pháp chế ngân hàng mô tả đất đai là vấn đề căn bản. Theo lời ông: “Cho dù người dân có quyền sở hữu hay quyền sử dụng thì thực tế, đất đai vẫn luôn là khối tài sản quan trọng và có giá trị nhất với hầu hết mọi người dân. Vì là khối tài sản quan trọng của mọi người dân nên nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền về tài sản đó bao gồm 3 quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.”
Chúng tôi xin phép mượn lời LS Trương Thanh Đức để kết thúc phóng sự này.


VẤN ĐỀ ĐẦU ĐỘC BẰNG PHÓNG XẠ VÀ CÁI CHẾT CỦA ÔNG NGUYỄN BÁ THANH (1953-2015)
TK Tran
14-02-2015
Theo những mô tả được phổ biến trên các phương tiện truyền thông, thì bệnh mà ông Nguyễn Bá Thanh mắc phải là bệnh rối loạn sinh tủy – pancytopenia – khi hồng huyết cầu, tiểu huyết cầu và bạch cầu bị suy giảm trầm trọng. Bệnh này là một bệnh hiếm hoi, không phải là bác sĩ nào cũng gặp trong suốt cuộc đời hành nghề. Theo những thống kê thì tỷ lệ mắc bệnh chỉ là 1-2 phần triệu, nghĩa là trong 1 triệu dân cư chỉ có 1-2 người mắc bệnh. Trong những tháng qua, bệnh của ông được dư luận quan tâm đặc biệt, không hẳn là vì chứng bệnh hiểm nghèo hiếm hoi mà ông mắc phải, mà vì nguyên do gây ra bệnh của ông. Đã có giả thuyết là ông bị đầu độc bằng phóng xạ.
Ngày 13.2.2015 ông đã từ trần vì bệnh rối loạn sinh tủy này cùng với suy gan nặng và nhiễm nấm.
Quan điểm của nhà nước về nguyên nhân gây bệnh, vai trò của phóng xạ:
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí ngày 7 tháng 1 vừa qua, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trung ương đã thông tin cho báo chí về tình hình sức khỏe của ông Thanh. Ông Quốc Khánh, phó giám đốc Viện Huyết học nói rằng, hội chứng rối loạn sinh tủy này trên thế giới chưa ai tìm được nguyên nhân. Nếu tìm được thì đã phòng, chữa được.
Phát biểu của ông Khánh là đúng, song không hoàn toàn chính xác. Theo những thống kê quốc tế, thì có đến 70-80% trường hợp bệnh không tìm ra nguyên nhân. Song trong số 20-30% còn lại, người ta biết rằng chứng rối loạn sinh tủy là phản ứng phụ hiếm hoi của việc sử dung một số thuốc thuốc thông dụng như thuốc chống tê thấp như Indomethacin, Phenylbutazone, Diclofenac, thuốc cường giáp như Carbimazol, Thiouracil, tiểu đường như Tolbutamid, thuốc sốt rét Chloroquin, kháng sinh như Sulfonamide, Cotrimoxazol, Chloramphenicol… Bệnh viêm gan của ông Thanh cũng nằm trong danh sách gây bệnh rối loạn sinh tủy. Có nguyên nhân do di truyền (late onset hereditary bone marrow failure syndromes). Được lưu tâm hơn cả là nguyên nhân do nhiễm phóng xạ.
Trong buổi gặp báo chí nói trên, khi phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: căn cứ nào để ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe trung ương khẳng định ông Bá Thanh không bị đầu độc, thì bị ông Nguyễn Thế Kỷ, phó ban tuyên giáo trung ương vặn ngược lại với cung cách kẻ cả: vậy căn cứ nào nói bị đầu độc? Ông Phạm Gia Khải, Phó Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trung ương trả lời câu hỏi này nghiêm chỉnh hơn: Chuyện có đầu độc hay không: làm khoa học phải có chứng cứ… chúng tôi chỉ chấp nhận những giả thuyết có bằng chứng cụ thể… Đến nay chưa có triệu chứng nhiễm độc ở bất cứ nơi nào trong cơ thể.
Đầu độc bằng phóng xạ: một phương pháp tối ưu của tội ác:
Nếu cho rằng ông Thanh bị đầu độc bằng phóng xạ thì trường hợp của ông không phải là đầu tiên và duy nhất trên thế giới.
Đầu tháng 11 năm 2006 Alexander Liwinenko, một điệp viên nhị trùng làm việc cho phản gián Nga KGB và dồng thời cho phản gián Anh, xin tỵ nạn chính trị ở Anh, bị giết chết ở London bởi chất phóng xạ Polonium 210, chỉ 3 tuần sau khi ông uống 1 ly trà có hòa tan chất phóng xạ này. Người ta cho rằng Putin đã ra lệnh giết Liwinenko vì những cáo buộc của ông ta về những tội ác của chế độ Putin.
Ngày 28 tháng 10 năm 2004 ông Jassir Arafat, thủ lãnh của Palestine đột nhiên lâm bệnh nặng, sau 1 tuần ông không ăn uống được vì viêm đường ruột. Ông được đưa ngay sang Paris, điều trị ở bệnh viện quân đội Percy. Vài ngày sau đó ông bị hôn mê, thận và gan không còn hoat động, cuối cùng là chảy máu óc. Ngày 11 tháng 11 năm 2004 ông chết, chỉ quãng 2-3 tuần sau khi có những triệu chứng bệnh tật đầu tiên. Các bác sĩ điều trị không kết luận được về nguyên nhân cái chết của ông. Việc mổ tử thi để giảo nghiệm không được gia đình ông cho phép.
Đầu năm 2012 người ta tìm thấy dấu vết của Polonium 210 trong những vật dụng cá nhân của ông còn giữ lại. Từ đó dẫn đến nghi ngờ là ông đã chết vì bị đầu độc bằng phóng xạ. Tháng 10 năm 2013 mộ của ông được cải táng và di cốt của ông được 3 nhóm chuyên gia Pháp, Thụy Sĩ và Nga khảo nghiệm. Kết quả phân chất (8 năm sau khi ông chết) không đồng nhất: Trong khi Thụy Sĩ cho rằng ông Arafat có khả năng (moderately support) nhiễm độc Polonium 210, thì Pháp và Nga không tìm thấy bằng chứng cụ thể. Cuối cùng, tới nay vai trò của Polonium trong cái chết của Arafat vẫn còn là một hoài nghi.
Mặt khác, điều này cũng cho thấy là việc điều tra chứng minh tác động của chất độc phóng xạ không hề đơn giản. Trong trường hợp cái chết của Litwinenko các bác sĩ và những điều tra viên trong những ngày đầu tiên đã phải xếp vào loại chết không rõ nguyên nhân. Chỉ sau một thời gian dài mò mẫm người ta mới xác định được nguyên nhân ngộ độc phóng xạ. Điều này khẳng định thêm một lần nữa tính “ưu việt” của chất độc Polonium 210 là giết người không để dấu vết hay rất khó khăn để tìm ra dấu vết.
Polonium 210
Chất độc phóng xạ Polonium210 phát ra tia alpha, không mầu sắc, không mùi vị, chỉ cần 1 lượng rất nhỏ (quãng 1-2µg, nghĩa là 1-2 phần triệu gram) tương ứng với 1 năng lượng quãng 10 Gray là đủ để giết một mạng người. Polonium210 không cần chuyên chở trong những hộp chì dầy cộm nặng nề lộ liễu dễ gây nghi ngờ như những chất phóng xạ tia gamma bình thường. Cách sử dụng lại rất dễ dàng. Khi sử dụng không gây nguy hiểm gì cho kẻ chủ mưu, bởi vì tia phóng xạ alpha chỉ có hiệu năng trong bán kính 5 cm ở ngoài không khí, có thể được chặn đứng bằng 1 tờ giấy. Hiệu năng phá hoạn của nó chỉ được phát huy khi chất độc này lọt vào trong cơ thể qua đường tiêu hóa/hô hấp hay trực tiếp vào mạch máu.
Ở trong cơ thể, tia alpha chỉ có hiệu năng trong bán kính 0,04-0,1mm, song đủ để phá nát các tế bào trên đường đi của nó. Khi Polonium210 còn nằm trong dạ dày, nó làm các tế bào niêm mạc (mucosa) bị phá hoại, nạn nhân cảm thấy khó chịu, buồn nôn sau chừng 6-7 tiếng đồng hồ. Khi chất phóng xạ theo đường máu tỏa ra khắp các mô trong cơ thể thì phá hủy các tế bào, nhanh nhất là những tế bào có khả năng phân chia nhanh, ở trong các tủy xương. Từ đó gây ra chứng rối loạn sinh tủy là một biến chứng nguy hiểm sớm đầu tiên. Tủy xương không thể sinh sản được đầy đủ các tế bào máu. Khi làm khám nghiệm sinh học sẽ thấy chỉ số bạch cầu xuống thấp (leucopenie) rất sớm, trong vòng 4-5 ngày, tiểu cầu xuống thấp (thrombopenie) sau chừng 9 ngày. Một khi đã lọt vào trong cơ thể, thì không còn phương pháp nào để trục xuất chất độc này ra khỏi cơ thể, ngoại trừ một phần theo đường bài tiết tự nhiên (phân, nước tiểu) được đưa ra ngoài. Khi đã có rối loạn sinh tủy, tối thiểu là lượng phóng xạ đã phải là 3-5 Gray, thì tiên lương (prognosis) là LD50 (lethal dosis 50), có nghĩa là 50% nạn nhân sẽ phải chết. Nếu bị đầu độc với lượng cao hơn, quãng 10 Gray sẽ có ngay rối loạn đường tiêu hóa và hệ thần kinh, thì tiên lương là LD100, nạn nhân không có hy vọng sống sót.
Giả thuyết về việc ông Bá Thanh chết vì bị đầu độc bằng phóng xạ
Trang mạng Chân Dung Quyền Lực (CDQL) đã quả quyết rằng một phó thủ tướng đương nhiệm đã chủ mưu việc đầu độc ông Nguyễn Bá Thanh bằng phóng xạ. Việc đầu độc được cho là vào thời điểm cuối năm 2013, khi ông Thanh đi công tác ở Trung Quốc, rồi được “bạn” chiêu đãi, đưa đi đây đi đó ăn uống và mua sắm. Ở một thời điểm thích hợp ông đã bị đánh thuốc độc phóng xạ. Từ khi đó, sức khỏe ông xuống dốc. Trong khi công tác ở Thụy Điển, ông đã vài lần ngất xỉu.Vào đầu tháng 5-2014 đã được điều trị tại bệnh viện 108 với chuẩn đoán “rối loạn sinh tủy”. Tháng 6 và tháng 7 điều trị tại Singapore và từ tháng 8 tới tháng 1-2015 điều trị tại Mỹ. Ngày 9 tháng 1 năm nay ông được đưa trở lại Việt Nam. Ông đã mất hơn 1 tháng sau đó, vào ngày 13.2.2015 tại Đà Nẵng.
Trang mạng CDQL quyết đoán là các bác sĩ Mỹ đã định bệnh “Ngộ độc phóng xạ ARS” và đã thực hiện phẫu thuật ghép tủy. Nay ông Thanh đã mất, vấn đề trách nhiệm về cái chết này lại càng trở nên sôi bỏng. Thông tin của CDQL có khả tín hay không là vấn đề được mổ xẻ ở đây.
Chỉ có 2 tình huống có thể đã xẩy ra:
Tình huống thứ nhất: Có âm mưu thực sự muốn giết ông Thanh bằng phóng xạ:
Một chi tiết biện minh cho giả thuyết này là yếu tố Trung Quốc. Polonium 210 chỉ sản xuất được ở một số lò nguyên tử trên thế giới, trong đó có lò ở Trung Quốc. Sản xuất ở Nga chiếm tới 95% tổng số sản lượng thế giới. Việc cho rằng người chủ mưu phải nhờ tới nước ngoài để có được Polonium như vậy cũng hợp lý. Song tất cả diễn biến của bệnh ông Thanh lại không “điển hình”, như tiên liệu của 1 cuộc đầu độc kinh điển bằng phóng xạ: Vài tiếng đồng hồ sau khi ăn uống phải chất phóng xạ ở Trung Quốc là ông Thanh đã phải khó chịu nôn mửa. Sau 2-3 tuần là lẽ ra tủy xương đã bị tiêu hủy dẫn tới chứng suy/rối loạn sinh tủy. Chậm lắm là 1-2 tháng sau là nạn nhân chết. Ở trường hợp ngộ độc phóng xạ điển hình như trường hợp điệp viên Litwinenko cái chết tới chỉ trong vòng 3 tuần. Ở trường hơp ông Bá Thanh thì không như vậy. Chứng rối loạn sinh tủy phát sinh 5-6 tháng sau khi ông từ Trung Quốc trở về, và tới nay, hơn 1 năm sau ngày bị “đầu độc” ông mới mất.
Nếu đặt tiền đề rằng chứng “rối loạn sinh tủy” của ông Thanh phải là do phóng xạ gây ra bởi vì ai đó đã có chứng cớ gì mà hiện nay chưa công bố, thì năng lượng nguyên tử đã dùng chỉ tới mức 3-5 Gray vì “chỉ có” tủy xương bị tàn phá: Để cố ý giết người thì năng lượng này tương đối thấp. Năng lượng thấp này thường là do tai nạn nguyên tử gây ra. Một khả năng khác là cũng có thể là nguyên nhân cố ý giết người, song lại dùng liều lượng thấp hay dùng chất phóng xạ khác, ít nguy hiểm hơn (như Yttrium90, cũng phát tán tia alpha, vốn được dùng trong Y khoa hạt nhân để chữa phong thấp, dễ mua và rẻ hơn là Polonium210). Dù sao chăng nữa, với một năng lượng nguyên tử 3-5 Gray thì tiên lương bệnh của ông cũng là nghiêm trọng: LD50 (lethal dosis 50). Cái chết hay lẽ sống tương đương ngang ngửa 50% với nhau. Nay cái chết đã thắng thế trên thân xác ông.
Tình huống thứ hai: Bệnh của ông Thanh không liên quan gì tới phóng xạ:
Trong thời gian qua trang mạng CDQL đã tung ra công luận một số thông tin vô cùng phong phú với những chứng cớ, hình ảnh, giấy tờ khó lòng chối bỏ về tài sản bất chính của một số quan chức cao cấp nhất nước. Những người bị nêu tên đích danh không thốt nổi nửa lời để chống cự lại những cáo buộc trên. Song, trong trường hợp của ông Thanh thì lại khác. CDQL chỉ khẳng định, mà không nêu lên bất cứ bằng chứng, tư liệu nào chứng minh cho cáo buộc là ông Thanh bị đánh thuốc độc phóng xạ. Nếu hình ảnh chụp ông Thanh gầy gò, rụng hết tóc được chụp vài tuần sau khi ông từ Trung Quốc trở về vào cuối năm 2013 thì hình này minh chứng được cho tác động phóng xạ làm ông rụng hết tóc, làm thân xác ông tiều tụy. Song hình ảnh này lại được chụp ở Mỹ, sau 2-3 lần hóa trị, thì đó chỉ là phản ứng rất bình thường của hóa trị. Người dân chờ đợi CDQL tung ra hình ảnh chụp ông Thanh trước khi ông được chữa trị, trưng ra bản coppy các kết quả thử nghiệm và kết luận sau cùng của các bác sĩ Mỹ, ví dụ như nồng độ Polonium210 hay chất phóng xạ khác trong nước tiểu, tủy xương của ông Thanh, ví dụ như báo cáo cytology về những biến dạng hay hư hoại của các tế bào máu trong tủy xương hay kết quả khảo nghiệm chromosome ở các bạch cầu trong máu của ông.
Kết quả thử nghiệm máu vào tháng 5-2014 mà ông Phạm gia Khải cho báo chí biết (hồng cầu giảm, tiểu cầu giảm, bạch cầu không rõ ràng) không đưa ra được kết luận cụ thể. Kết quả này cũng không điển hình với biến đổi do phóng xạ gây ra, bởi vì thông thường thì bạch cầu rất nhạy cảm với phóng xạ, sẽ bị phá hủy nhanh chóng và rõ ràng nhất.

Lời kết
Cho tới ngày ông Thanh mất vẫn chưa có thêm thông tin hay bằng cớ gì mới cho biết là ông Thanh có hay không bị đầu độc bằng phóng xạ. Tất cả cáo buộc từ phía CDQL hay phủ nhận từ phía nhà nước cho tới nay chỉ là những khẳng định chung chung, không bằng chứng.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã được khám bệnh, trị bệnh nhiều tháng trời ở những bệnh viện hàng đầu ở 3 quốc gia: Việt Nam, Singapore và Mỹ. Tất nhiên là những dữ kiện về bệnh tình của ông không thể thiếu. Kết luận cụ thể về nguyên nhân bệnh của ông từ những bác sĩ chuyên môn hàng đầu thế giới chắc chắn đã có, song tới nay vẫn được giữ kín như một bí mật quốc gia.
Ngày 7 tháng 1 vừa qua ông Nguyễn Quốc Triệu, trưởng ban bảo vệ săn sóc sức khỏe trung ương, cho rằng việc không cung cấp thông tin bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh là do: Trong luật khám chữa bệnh, bệnh nhân có quyền bí mật về bệnh, việc cung cấp thông tin bệnh tật của cán bộ cao cấp phải xin ý kiến của cấp trên. Chính sách giấu kín thông tin trong lãnh vực sức khỏe của từng cá nhân là phổ thông và đúng ở khắp nơi. Ở phương Tây cũng thế. Song có một điểm khác biệt quan trọng là ở nơi có chế độ dân chủ, người bệnh nhân có quyền cho phép tiết lộ thông tin sức khỏe của mình cho một người thứ ba mà không cần phải xin ý kiến của cấp trên nào. Ở trường hợp có người tố cáo là có kẻ gian đầu độc người khác, như chuyện Bá Thanh, thì không những là có vấn đề sức khỏe của người bệnh mà còn có vấn đề hình sự đối với kẻ gian, còn vấn đề sử dụng pháp luật để ngăn đe trừng trị. Như vậy không thể có chuyện mượn cớ bí mật sức khỏe để bỏ qua việc điều tra được.
Trong trường hợp không có yếu tố phóng xạ, thì công luận và cá nhân Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phải được thông tin giải oan, và là cơ hội để ông Phó Thủ Tướng truy tố kẻ vu khống và đòi bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp yếu tố phóng xạ, thì đây là là một tội ác không thể khoan nhượng vì đã có người chết. Gia đình ông Thanh phải khởi tố. Nhà nước phải vào cuộc, điều tra kỹ lưỡng để tìm ra chính xác thủ phạm của vụ đầu độc này. Thủ phạm có phải là ông Nguyễn Xuân Phúc hay không, cũng là nhiệm vụ mà nhà nước phải làm rõ.
Ngành công an Việt Nam, với số lượng nhân sự và phương tiện khổng lồ, vốn nổi tiếng về những vụ giết người, đánh người trong đồn công an hay đàn áp người dân bất đồng chính kiến, không thể bỏ qua cơ hội để phát huy đúng mức chức năng của mình khi làm sáng tỏ vụ án này.
TKT

WB lit 8 d án VN vào 'danh sách đen'

·                     3 giờ trước
Việt Nam hiện là một trong các đối tác vay vốn lớn nhất của Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố 8 dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) tại Việt Nam bị liệt vào 'danh sách đen' do chậm trễ về giải ngân và tiến độ thực hiện.
"Số lượng các dự án trong danh sách đen tăng lên, và các dự án này diễn biến ngày càng chậm”, ông Keiko Sato, giám đốc mảng đầu tư của WB được Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) dẫn lời nói tại một cuộc họp ở Hà Nội hôm 9/2.
Một trong các dự án được nêu tên bao gồm dự án Giao thông đô thị TP.Hà Nội, với thời gian bị đưa vào danh sách đen là 60 tháng.
Dự án này chỉ mới giải ngân được 30%, trong khi đã thực hiện được 7 năm, TBKTSG cho biết.
Tiếp theo là dự án Hiện đại hóa quản lý thuế, chỉ mới giải ngân được 2% trong gần 7 năm, bị đưa vào danh sách đen trong 34 tháng.
Một dự án khác là Dự án Phát triển năng lượng tái tạo, giải ngân được 29% trong hơn 5 năm, bị đưa vào danh sách đen trong 27 tháng.
Các dự án còn lại bao gồm dự án Hiện đại hóa khu vực tài chính và quản lý thông tin, Đại học Việt Đức, Hỗ trợ quản lý rác thải, Quản lý rác thải công nghiệp và Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án, theo TBKTSG.
Tuy nhiên, theo báo cáo được công bố hôm 4/2 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân ODA tại Việt Nam đang có "những cải thiện đáng kể".
Số lượng các dự án trong danh sách đen tăng lên, và các dự án này diễn biến ngày càng chậmÔng Keiko Sato, giám đốc mảng đầu tư của Ngân hàng Thế giới
Theo đó, giải ngân ODA trong năm 2014 đã đạt 5,6 tỷ đôla, cao hơn 9% so với năm 2013.
Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay, theo kết luận báo cáo được truyền thông trong nước dẫn lại.
Việt Nam hiện là một trong các đối tác vay vốn lớn nhất từ WB, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi, với tổng cộng 52 dự án tính trong năm 2015 và tổng mức vốn cam kết 9,7 tỷ đôla.

Đứng thứ nhì về tham nhũng

Trước đó, trong một báo cáo hồi cuối tháng Một, WB cho biết Việt Nam xếp thứ nhì trong danh sách đối tác vay vốn của ngân hàng này về tham nhũng.
Với 189 khiếu nại về tham nhũng, Việt Nam chỉ xếp sau Ấn Độ, với 306 khiếu nại.
Số vốn liên quan tới các khiếu nại này tại Việt Nam lên đến 11,3 tỷ đôla, theo WB.
Các lĩnh vực có khiếu nại bao gồm giao thông vận tải, thông tin truyền thông, nông nghiệp, cấp nước, năng lượng.
"Có thể con số này chưa phản ánh hết hoàn toàn sự thật, nhưng là điều đáng suy ngẫm", ông Anders Hjorth Agerskov, đại diện của WB, nói tại hội nghị công bố báo cáo ở Hà Nội.
Cũng tại buổi họp này, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng được báo trong nước dẫn lời cho biết Việt Nam đã nhận khoảng 80 tỷ đôla vốn ODA trong 30 năm qua.
"Đây thường là những dự án lớn, phức tạp về kỹ thuật, thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan, vì thế dễ xảy ra các hành vi tham nhũng, gian lận”, ông Lượng được dẫn lời nói.

Thực hư Đảng viên CS không thể nhập tịch Mỹ?

         BBC. 9 tháng 2 2015

HangoutNhà báo Trần Nhật Phong khẳng định có các quy định về nhập quốc tịch Mỹ với đối tượng là Đảng viên Cộng sản.

Các khách mời của Bàn tròn Cuối tuần của BBC thảo luận một số chủ đề được quan tâm trong tuần từ việc thực hư Đảng viên Cộng sản không được nhập quốc tịch ở Mỹ, tới tài liệu mới công bố trên báo Việt Nam hôm 3/2/2015 về một chuyến công cán của Tướng Lê Đức Anh gặp Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân 24 năm trước nay mới được công khai.
Tuần này, một số luật gia người Việt và nhà quan sát từ Hoa Kỳ dẫn lại một số điều luật và quy định về di trú và nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ.
Trong đó, liên quan tới những người nộp đơn xin 'vô dân' đến từ các quốc gia theo thế chế cộng sản hoặc có liên quan tới đảng cộng sản, các ý kiến quan sát này nêu ra một số điểm như sau.
Theo Bộ An ninh Nội địa và Cơ Quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (U.S. Immigration and Naturalization Service – Department of Homeland Security) một người nếu là đảng viên đảng cộng sản hay có liên hệ với đảng cộng sản trong vòng 10 năm trước ngày nộp đơn và cho đến ngày tuyên thệ gia nhập quốc tịch thì sẽ không được nhập quốc tịch Mỹ.
Tuy nhiên điều luật này có thể được miễn trừ nếu người xin nhập quốc tịch chứng minh được, bao gồm những điều sau đây nhưng không phải nhất thiết là tất cả:
Thời gian gần đây đa số bên cộng đồng đặt vấn đề nhiều hơn, tức là những người nào có thái độ tiếp cận với viên chức nhà nước Việt Nam, làm ăn trong VN, hay tiếp cận với những đảng viên đảng cộng sản, thì họ luôn bị đặt vấn đề là ngày xưa anh khai láo như thế nào để anh qua MỹNhà báo Trần Nhật Phong
(1) Việc họ tham gia đảng cộng sản hay mối liên hệ với nó là việc không tự nguyện, (2) khi tham gia họ không có sự nhận thức về mục đích của tổ chức của đảng cộng sản và khi có nhận thức về điều đó họ đã chấm dứt quan hệ với tổ chức, (3) họ đã chấm dứt quan hệ với đảng cộng sản trước năm 16 tuổi, (4) họ tham gia đảng cộng sản vì đó là sự bắt buộc phải chấp hành theo quy trình pháp luật, (5) họ tham gia đảng cộng sản vì những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như để có được việc làm, được phân phối thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác; và (6) họ đã không còn là đảng viên đảng cộng sản trên 10 năm."

'Thực sự có câu hỏi đó'

Bình luận về diễn biến này, nhà báo, đạo diễn Trần Nhật Phong, khách mời từ California Hoa Kỳ nói:
"Thực sự là khi quý vị nhập quốc tịch Hoa Kỳ thì ở trong cái đơn N400, thì thực sự họ có câu hỏi đó. Tức là quý vị có đang là thành viên, đảng viên của đảng cộng sản hay là những tổ chức có các thái độ thù nghịch với Hoa Kỳ hay không.
"Đây là câu hỏi chính thức nằm trong 100 câu hỏi khi quý vị đi thi quốc tịch Hoa Kỳ."
Tuy nhiên, cũng theo ông Phong, những câu hỏi này vốn thường được đặt ra vào những năm thập nhiên 1980 mà nay ít được các nhân viên sở di trú, hoặc cơ quan xét quốc tịch đặt ra, đã được khơi lại gần đây do một lý do chính.
Vietnam NetTư liệu mới công bố hôm 3/2/2015 nói rõ vai trò của ông Lê Đức Anh trong các thương thảo kín với Trung Quốc.

Ông nói: "Thập niên 80 khi quý vị đi thi quốc tịch, tại vì người Việt Nam đa số thời điểm đó là những người đi vượt biển, những người rời khỏi Việt Nam bằng thái độ chính trị, tức là họ có sự bất công về chính trị, bất công về cuộc sống và họ bị đàn áp ở trong Việt Nam.
"Và họ đi với hai thân phận, một là tị nạn cộng sản, còn hai là tị nạn chính trị, do đó khi họ đi thi quốc tịch ở thập niên 80 thì họ luôn bị đặt câu hỏi này...
"Bước qua thập niên 90, tức là sau khi mà đóng cửa các trại tị nạn rồi, và mở lại chương trình ODB lẫn chương trình HO, thì các sỹ quan (nhân viên) Sở di trú lại ít hỏi điều này.
"Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thì lại bị đặt vấn đề trở lại, trong thời gian gần đây đa số bên cộng đồng đặt vấn đề nhiều hơn, tức là những người nào có thái độ tiếp cận với viên chức nhà nước Việt Nam, làm ăn trong Việt Nam, hay tiếp cận với những đảng viên đảng cộng sản.
"Thì họ luôn bị đặt vấn đề là ngày xưa anh khai láo như thế nào để anh qua Mỹ, đại khái như vậy và có tiếp cận, do đó vấn đề được đặt trở lại bây giờ."

'Ca ngợi công lao'

Về sự kiện trên báo chí Việt Nam hôm 3/2 công bố tư liệu về chuyến công du đặc biệt của Tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, qua Trung Quốc, tiếp kiến các ông Giang Trạch Dân, Lý Bằng vào tháng 7/1991, mà nay vừa được Vietnamnet công bố.
Ông Đặng Xương HùngÔng Đặng Xương Hùng nói tư liệu mới cho thấy sự nhịn nhục của lãnh đạo VN để 'đổi lấy quan hệ hai nước'.
Từ Geneva, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, bình luận:
"Cái này tôi thấy rằng anh thư ký (Đại tá) Khuất Biên Hòa) có viết lại bài này chắc có sự đồng ý của ông Đại tướng Lê Đức Anh rồi. Tức là khi ông này cũng đã nhiều tuổi rồi và cũng có vẻ trong trào lưu hiện nay, một vài vị như ông Đỗ Mười, rồi ông Lê Đức Anh đã cao tuổi, thì hiện tượng các đồng chí thư ký viết bài để tuyên dương, để mà ca ngợi công lao của các vị đó.
"Tuy nhiên đây là những cơ hội tốt để chúng ta thấy những tài liệu mà từ lâu nó nằm trong hồ sơ của lãnh đạo Việt Nam và bây giờ nó được đưa ra và chúng ta có thể thấy rõ thêm là Hội nghị Thành Đô năm 1990 và tác giả của nó là ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và người cổ vũ mạnh mẽ nhất là ông Lê Đức Anh, lúc đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng."

'Đi xin chỉ thị?'

Tư liệu được tờ VietnamNet hômm 03/2 công bố từ tài liệu của Đại tá Khuất Biên Hòa có đoạn ghi lại chi tiết lời nói của ông Lê Đức Anh khi tiếp kiến ông Giang Trạch Dân hôm 31/7/1991:
Tư liệu trên Việt Nam NetTư liệu do ông Khuất Biên Hòa cung cấp được nói là từ kho 'lưu trữ của Phòng Lưu trữ Văn phòng Chủ tịch Nước'.
"Hôm qua chúng tôi được đồng chí Lý Bằng tiếp và cho phương hướng giải quyết những vấn đề thuộc Nhà nước. Chúng tôi rất phấn khởi. Hôm nay gặp đồng chí Tổng bí thư, xin đề nghị đồng chí Tổng bí thư cho ý kiến về những mong muốn của Đảng chúng tôi, về việc Đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước chúng tôi do đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc mở đầu trang sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước sau hơn mười năm trắc trở," Tướng Anh được tài liệu dẫn lời nói.
"Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Bộ Chính trị và ba đồng chí Cố vấn mong rằng sự kiện đó sẽ được thực hiện trong năm 1991 này. Được như thế thì rất đáng phấn khởi không chỉ đối với lãnh đạo mà cả đối với toàn Đảng, toàn dân chúng tôi."
Trước câu hỏi liệu các đặt vấn đề 'xin cho ý kiến' và 'xin cho phương hướng' của đại diện Đảng, nhà nước Việt Nam như vậy trước lãnh đạo quốc gia khác có 'phù hợp' không, có phải là 'xin chỉ thị' của lãnh đạo nước ngoài hay không, ông Đặng Xương Hùng bình luận tiếp:
"Như vậy nó thể hiện sự nhịn nhục của lãnh đạo Việt Nam trong giai đoạn đó để mà đổi lấy quan hệ hai nước."
Các khách mời của Bàn tròn Cuối tuần của BBC cũng chia sẻ không khí chuẩn bị Tết Nguyên Đán Ất Mùi hiện nay ra sao từ tiểu bang California, Hoa Kỳ hay ở Geneva, Thụy Sỹ.


Chính trị Việt Nam: Thay đổi hay không?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-02-09
Lính đứng gác ở buổi họp đánh dấu kỷ niệm 85 năm thành lập của đảng tại Hà Nội ngày 2 tháng 2 năm 2015

Toàn trị hay không toàn trị?
Trong tuần qua các bloggers quan tâm nhiều đến đảng cộng sản Việt nam nhân ngày kỷ niệm 85 năm thành lập của đảng này. Câu nói nổi tiếng cách đây không lâu của người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng lại được nêu ra, khi ông này cho rằng đảng của ông sẽ thay đổi chính trị chứ không đổi thể chế. Nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng ông không hiểu ông Trọng muốn nói gì, còn cây bút Thiện Tùng thì viết trên blog Bauxite Vietnam rằng
Việc thay đổi cơ chế chính trị mà hội nghị 10 nêu ra chẳng qua là hình thức, nhằm trang trí bộ mặt cho sáng sủa một chút, chớ thực chất là “bình mới rượu cũ”, vẫn là Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền tối hậu, lãnh đạo nhà nước và xã hội một cách trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối theo điều 4 Hiến pháp hiện hành.
Sự cai trị “toàn diện” mà Thiện Tùng đề cập thường được những người có ý kiến kiến khác biệt với đảng cộng sản gọi là toàn trị, một từ có ý nghĩa không tốt, nhưng cũng chưa thấy đảng cộng sản hay những cơ quan truyền thông của đảng đính chính về chuyện này. Blogger Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy suy nghĩ về sự toàn trị hay không toàn trị của thể chế chính trị xã hội hiện nay ở Việt nam, bà thấy rằng ngay cả trong những khu vực tưởng chừng như không có bóng dáng của đảngnhư các công ty tư nhân, các coongty có vốn nước ngoài, đảng cũng cố gắng vươn cách tay mình vào đó, và bà nêu ra những nhận xét sau đây
Trong mọi phạm vi xã hội: nông thôn, thành thị, miền núi… đảng nhất định thiết lập sự kiểm soát và khẳng định tham vọng củng cố quyền lực tuyệt đối của đảng. Không có một lĩnh vực nào được phép phi chính trị, bằng chứng hùng hồn là những ai đòi quân đội phải phi chính trị để bảo vệ Tổ quốc sẽ bị xếp vào « thế lực thù địch ». Nhưng « phi chính trị » ở đây phải được hiểu theo cách của đảng, nghĩa là không một lĩnh vực nào được phép nằm ngoài sự kiểm soát của đảng, và mọi lĩnh vực đều phải phục vụ đảng
Sự độc tôn quyền lực này dẫn đến việc quyền lực của đảng cộng sản và các đảng viên của nó không được kiểm soát trong mấy chục năm qua. Trong một lần phát biểu mới đây, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, cơ quan phụ trách tuyên truyền của đảng cộng sản và của chế độ nói rằng phải kiểm soát quyền lực, và rằng đó là kinh nghiệm quý báu của nhân loại, nhưng bằng cách cụ thể nào thì không thấy ông nói tới, và lại càng không nói tới nguyên nhân của mọi vấn đề chính là quyền lực tối thượng của đảng.
Phản biện bài phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng, trang Bauxite Việt nam bình luận
Kinh nghiệm quý báu” của nhân loại là gì? Là: Tam quyền phải được phân lập chứ không phải được phân công từ một ông chủ, từ một đầu mối duy nhất của một đảng. Tay trái có thể chống lại tay phải hay không nếu vẫn từ sự chỉ huy của một cái đầu? Muốn kiềm chế lẫn nhau cần có đa đảng thật sự chứ không phải đa đảng giả hiệu, huống chi độc đảng?
Quyền lực chính trị của đảng lại càng lớn hơn sau khi kết duyên cùng nên kinh tế thị trường mà đảng gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy mối tình này có nhiều trắc trở nhưng lại đem đến nhiều lợi ích cho đảng và các thành viên của mình. Và đây là một trong những nguyên nhân mà theo Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, làm cho nền độc tài đảng trị, hay độc tài tập thể, khó biến mất hơn là độc tài cá nhân. Nhận xét này của Giáo sư Quốc trùng với một bạn đọc trang blog của Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, độc giả này viết rằng
Không phải họ không biết tự do tốt hơn cho xã hội nhưng vì lợi ích nhóm đã chi phối và là nguyên nhân lớn nhất kìm hãm tự do ở Việt Nam.
Một ví dụ nhãn tiền cho sự cấu kết của quyền lực toàn trị và kinh tế thị trường làm xôn xao dư luận trong tuần qua là một câu chuyện, nhìn qua tưởng như chẳng có gì liên quan đến chính trị. Đó là chuyện Con ruồi Tân Hiệp Phát.
Câu chuyện bắt đầu bằng sự dàn xếp nhau giữa hai chủ thể dân sự là một người bán lẻ và công ty sản xuất nước giải khát Tân Hiệp Phát về chuyện có một con ruồi trong chai nước còn đóng nút của công ty này. Cơ quan công quyền đã can thiệp bằng cách truy tội cho người bán lẻ, và Tân Hiệp Phát biến thành kẻ bị hãm hại. Hơn nữa, các quan chức công quyền còn cho là người bán lẻ phải biết ơn công ty nọ. Blogger Cánh Cò so sánh cách diễn đạt này không khác gì cái cách mà người ta cho rằng nhân dân phải biết ơn đảng chứ không phải là ngược lại:
Tân Hiệp Phát phải mang ơn những con người nhỏ bé được gọi là bán lẻ như anh Minh mới đúng, vì nếu không có những con người nhỏ bé ấy chắc chắn là không có Tân Hiệp Phát. Giống như đảng, không có nhân dân cùng khổ kia thì làm gì có đảng để mà ban ơn ảo?
Đứng trước một hiện trạng xã hội nhiều nhiễu nhương, Tiến sĩ Tô Văn Trường viết rằng
Con người và thể chế cũng như kinh tế và chính trị là quan hệ nhân quả và là huyết mạch của vấn đề Việt Nam hiện nay. Thực trạng đất nước hôm nay nhiều chuyện buồn hơn vui bởi vì càng ngày càng phát hiện thêm nhiều ngõ ngách buồn.
Ông nói rằng phải thay đổi, vì cái gọi là chủ nghĩa xã hội là một điều cao cả, nhưng không hiện thực, nó chỉ nên được coi là một đức tin, như vô vàn niềm tin, tôn giáo ở nhiều cộng đồng khác nhau. Ông viết tiếp:
Thay đổi là xu hướng tất yếu của thời đại hiện nay trong một thế giới hội nhập đối với bất kỳ quốc gia nào nếu muốn tồn tại và phát triển. Một xã hội “trước sau như nhất” là xã hội xơ cứng, bảo thủ mang trong đó mầm mống của sự già nua, ốm yếu, không theo kịp thời đại thì ắt dẫn đến hậu quả khôn lường.
Cách quản lý nhà nước của ta hiện nay đang thúc đẩy cho sự phân hóa giai cấp, phân hóa tư tưởng trong cái nền “tiểu nông”! Việt Nam theo xu hướng không phải tư bản chủ nghĩa mà là manh mún, dối trá, rất vô thường mà nếu không tái cấu trúc thể chế và tổ chức nhân sự thì sẽ là vô phương cứu chữa!
Nhưng trong diễn từ mới đây nhất của người đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng thì đảng cầm quyền vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác Lê Nin. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống gửi thư cho đảng cộng sản Việt nam
Trong khi mọi người đã từ bỏ mà vẫn kiên trì Mác Lê là lầm lẫn tai hại
Tôi nghĩ, chỉ có việc Đảng quyết tâm từ bỏ sự toàn trị, xây dựng một thể chế chính trị thật sự dân chủ với tam quyền phân lập, với các tổ chức xã hội dân sự thì mới mong có đủ sức mạnh để chống lại nạn tham nhũng (nguyên nhân gần, trực tiếp gây ra nhiều tệ nạn khác của xã hội), để phát triển đất nước đúng hướng.

Không thay đổi được Quá khứ nhưng còn tương lai?
Ông Nguyễn Đình Cống viết tiếp về những quan hệ trong quá khứ của đảng cộng sản với Hoa Kỳ, kẻ thù cũ, và là một đối tác ngày càng quan trọng của Việt nam hiện nay
Việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán là không thật mà chỉ rút vào hoạt động bí mật. Đó là một nước cờ, tưởng là cao nhưng hóa ra quá thấp vì không đánh lừa được tình báo Mỹ. Nếu hồi ấy không làm việc đánh lừa, vẫn giữ nguyên tổ chức mà đổi tên đảng, chỉ tập trung vào mục tiêu độc lập dân tộc, từ bỏ đường lối cộng sản, thì chưa biết lịch sử sẽ như thế nào.
Ông cho rằng câu chuyện theo cộng sản của đảng cộng sản Việt nam là vô cùng có lợi cho Trung quốc, quốc gia có nhiều bi kịch với Việt nam trong lịch sử hàng ngàn năm quan hệ, và nay không khéo thì sự kiên trì Mác Lê của đảng cộng sản Việt nam lại một lần nữa làm lợi cho lân bang phương Bắc.
Nhiều người cho rằng Việt nam đang thi hành một chính sách ngoại giao đu giây giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Trung quốc, một mối quan hệ nhiều phức tạp, như nhà báo Bùi Văn Phú nhận xét, nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa bang giao Việt Mỹ
Hai mươi năm tới quan hệ sẽ tốt hơn đến mức nào? Hoa Kỳ có giúp quốc gia cựu thù trở thành rồng như mơ ước, khi mà vị trí địa chính trị của Việt Nam nằm trong khu vực với những con rồng, những quốc gia tự do dân chủ, nhưng ngay sát cạnh là Trung Quốc khổng lồ với cùng ý thức hệ cộng sản?
Trong bài viết Tại sao độc tài đảng trị khó bị xóa bỏ, Giáo sư Nguyễn Hưng quốc có nêu lên một nguyên nhân gọi là chủ nghĩa thực tiễn, theo đó các cường quốc dân chủ phương Tây không đụng chạm đến các chế độ độc tài, thậm chí còn liên minh với nó nếu có lợi. Nhưng điều đó không có ích gì cho một dân tộc dưới chế độ độc tài trong dài hạn vì nó thực tế không thể có đồng minh, không thể có một người bạn tốt, vì nó không có sự tin cậy
Tuy nhiên, sự tin cậy chỉ có thể đạt được khi người ta chia sẻ một bảng giá trị chung; trong bảng giá trị ấy, nhân quyền lại là một trung tâm. Do đó, mặc dù bị chìm phía dưới, nhân quyền vẫn là một yếu tố quan trọng trong bất cứ một liên minh nào với Tây phương. Yếu tố trung tâm này chỉ bị gạt qua một bên trong trường hợp sự liên minh trở thành thiết yếu, không thể không có.
Và Giáo sư Quốc có một xét khá bi quan về sự thay đổi gốc rễ của xã hội Việt nam hiện nay
Chỉ cần theo dõi dân tình tại Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy ngay vấn đề chính của đại đa số quần chúng không phải là sự sợ hãi mà chủ yếu là người ta không thực sự quan tâm đến xu hướng dân chủ hoá. Họ không đoái hoài đến chính trị. Họ vô cảm trước hoạ độc tài. Với họ, Việt Nam do ai cai trị và cai trị thế nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất, với họ, là họ có thể làm ăn, mua sắm xe cộ và nhà cửa. Bởi vậy, điều họ cần nhất là sự ổn định về chính trị và những cơ hội để làm giàu hoặc ít nhất, kiếm sống.
Nhưng cây bút Nguyễn Duy Vinh lại thấy rằng vẫn còn có đường đi tới đó là niềm hy vọng ở thế hệ trẻ Việt nam
Một thế hệ trẻ hạnh phúc không còn sợ hãi, với tâm hồn trong sáng và đầy niềm tin nơi tương lai là một cuộc đầu tư vĩ đại nhất cho tương lai nước Việt.
Và cuối cùng cũng phải nhắc đến trang Chân dung quyền lực, trong suốt một tuần lễ qua không có bài viết nào mới, thế là mọi người cho rằng vai trò phục vụ cho phe nào đấy trong đảng đang kết thúc. Và nhân đó cũng xin nhắc lại là nhà báo Phạm chí Dũng cũng hy vọng rằng sự tồn tại của trang blog đặc biệt này trong thời gian qua là một bước đi nữa của Việt nam trên con đường tự do hóa thông tin.


 ‘Ai thay ông Bá Thanh sẽ bị bẻ nanh’

13-02-2015
H1Bình luận về sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh, qua đời vào trưa thứ Sáu 13/2 ở Đà Nẵng, thọ 62 tuổi, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận xét:
Giáo sư Carl Thayer: Mặc dù cá nhân tôi chưa gặp ông Nguyễn Bá Thanh nhưng tôi đã đọc một công trình nghiên cứu không được công bố về dân chủ cơ sở của tác giả là người Việt có nhận xét và bình luận tốt về ông trong sáng kiến cho bầu cử trực tiếp giới chức cấp địa phương với Đà Nẵng là hình mẫu để áp dụng ra toàn quốc. Ông Bá Thanh được người dân ở địa phương quí mến và việc làm trong nỗ lực cải cách chính trị của ông thu hút sự chú ý trên toàn quốc.
BBC: Cấp địa phương thì như vậy nhưng cấp trung ương thì sao, ông có được lòng các chính khách tại Ba Đình không thưa ông?
Ông Bá Thanh được đưa ra Hà Nội để hỗ trợ Tổng Bí thư Trọng trong nỗ lực chống tham nhũng và việc ông ra trung ương dường như không thành công lắm. Chúng ta có thể thấy là việc ông lâm bệnh có thể ảnh hưởng tới công việc được giao của ông, nhất là trong bối cảnh có đấu đá nội bộ ở trung ương với các cáo buộc là có những khoản tiền hoa hồng bôi trơn cho các dự án xây dựng vốn đem lại hình ảnh hiện đại và mới mẻ cho Đà Nẵng.
Do đó có sự chia rẽ trong giới chính khách trung ương khi đánh giá về ông. Một mặt là ông được đưa ra Ba Đình với kỳ vọng là ông sẽ leo cao hơn nữa và một luồng khác bị phân tâm bởi những điều tôi vừa nói.
BBC: Nhưng chống tham nhũng ở vị trí của ông Nguyễn Bá Thanh có nghĩa là ông phải làm việc với ít nhất là các cơ quan thuộc chính phủ của Thủ tướng Dũng và Bộ Công an Việt Nam.
Nhìn chung thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một nghị trình mà tôi được nghe nói là khoảng trên dưới 20 đại án tham nhũng mà ông Trọng muốn xử lý‎‎. Trong quá khứ tại Việt Nam, chúng ta đã thấy có việc chĩa mũi vào các phe nhóm. Kể như đây là việc đổ máu đã bị ngưng lại trước khi một bên bị tổn thương nhiều hơn bên kia. Trong trường hợp này dường như là sức nặng đè lên mạng lưới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến đã tạo ra việc phản pháo.
Có hàng loạt tập đoàn và tổng công ty nhà nước nở rộ dưới quyền của Thủ tướng Dũng và có các doanh nghiệp nhà nước tham nhũng qui mô. Ông Dũng không hề hấn gì khi Bộ Chính trị muốn kỷ luật một đồng chí nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đồng ý. Đó là hạn chế và tham nhũng có biểu hiện tại mọi nơi, mọi phe phái và điều mà mỗi phe hy vọng là hạ bệ một nhân vật và rồi chính phe tưởng là thắng lại có một nạn nhân. Tức là các bên đều có đối tượng để tấn công bên kia với hy vọng phe kia chùn lại.
Theo tôi Việt Nam có hệ thống mà anh không thể đi quá xa về một hướng này hay hướng kia và ông Nguyễn Bá Thanh được đưa vào ngã ba đường và ông trở thành mục tiêu để người ta đưa ra các thông tin chỉ trích sự lãnh đạo của ông.
Sự khác biệt giữa phương Tây và Việt Nam là ở chỗ ở phương Tây anh thích hay không thích ai thì luật pháp vẫn là trên hết. Nhưng ở Việt Nam thì hệ thống luật pháp không có tiếng nói độc lập và sự hạn chế đó tạo bất ổn cho nỗ lực chống tham nhũng.
BBC: Việc ông Bá Thanh không được bầu chọn vào ghế ủy viên Bộ Chính trị rõ ràng là có ảnh hưởng tới uy tín của ông?
Đúng vậy. Nhưng bức tranh lớn hơn là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gây ảnh hưởng khi ông muốn tăng số ủy viên Bộ chính trị lên 17 ghế và muốn bổ nhiệm một số ghế trống cho các ứng viên mà ông muốn nhưng các ứng viên khác lại vào Bộ Chính trị.
Do đó vấn đề là việc ông Nguyễn Bá Thanh không vào được Bộ Chính trị là cá nhân ông hay cán cân quyền lực theo đó một bên là Ban Chấp hành Trung ương đã phủ quyết nỗ lực của Tổng Bí thư Trọng gây ảnh hưởng tới Bộ Chính trị để hướng tới Đại hội Đảng 12.
Tức là bức tranh lớn hơn, theo tôi, là ông Nguyễn Bá Thanh bị kẹt giữa cuộc tranh giành này.
BBC: Rồi sẽ có người khác ngồi ghế trưởng ban nội chính thay ông Nguyễn Bá Thanh. Từ nay tới Đại hội 12 nỗ lực chống tham nhũng sẽ đi về đâu thưa ông?
Trước cả hai đội hội Đảng trước đây thì người ta đều nói là tham nhũng làm nguy hại tới tính chính danh của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Việt Nam không thể chống nổi tham nhũng chừng nào không có một cơ quan độc lập và có quyền lực, độc lập về hành pháp, tòa án, công an, độc lập về báo chí tường thuật về những vụ việc tham nhũng. Vì những yếu tố đó không tồn tại nên chống tham nhũng có quá nhiều động cơ chính trị.
Từ nay tới Đại hội Đảng 12 không có nhiều thời gian để đạt được kết quả đáng kể vì sẽ có những nỗ lực cản trở chiến dịch chống tham nhũng từ bên trong nhằm để đà chống tham nhũng không đi quá xa và lịch sử đã chứng minh rằng không thể đi quá xa [trong nỗ lực chống tham nhũng] đối với các ghế quan trọng nhất mà họ có khả năng đi tiếp.
Cho nên bất kỳ ai ngồi vào vị trí đó [Trưởng ban Nội chính Trung ương] sẽ bị “bẻ nanh” hay kể như bị vô hiệu hóa và sẽ gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ nay tới Đại hội Đảng 12.

 Tân Hiệp Phát: “Chúng tôi bị phá hoại bởi thế lực thù địch”

Người Đô Thị. Hồng Anh. 12-02-2015
H1Ông Phạm Lê Tấn Phong, giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát khẳng định có bàn tay bí ẩn nào đó giật dây dư luận và tạo ra những sự cố liên quan đến chất lượng sản phẩm của công ty này những ngày qua, “chúng tôi dám khẳng định với những sản phẩm có côn trùng lọt vào, đều là do chúng tôi bị phá hoại bởi các đối thủ kinh doanh, các thế lực thù địch”, ông Phong nói.
“Bị phá hoại bởi các đối thủ kinh doanh, các thế lực thù địch”
Thưa ông, ông có bình luận gì về việc liên tiếp nhiều khách hàng trên cả nước đã phản ánh đến báo giới về những sản phẩm có dị vật như đóng cặn, nổi váng hay có ruồi của Tân Hiệp Phát trong những ngày qua?
Trước hết, Tân Hiệp Phát khẳng định sẵn sàng chia sẻ và chịu trách nhiệm, sai phạm đến mức độ nào thì sẽ chịu trách nhiệm đến mức độ đó. Thực tế thì không phải chỉ ở Việt Nam mà quốc tế cũng có những sai sót nhất định của nhà sản xuất.
Sản phẩm hoàn thành chất lượng có thể hoàn hảo, nhưng trong quá trình vận chuyển tới tay người tiêu dùng thì do nhiều lý do khách quan nên bị biến đổi. Ví dụ, việc các đại lý xếp chồng lên quá số thùng quy định, hoặc khi giao hàng công nhân ném từ trên xe xuống đất cũng khiến chai nước bị xì hơi, gây biến đối chất lượng sản phẩm.
Nếu dây chuyền của mình thực sự bao kín tuyệt đối và ngăn chặn triệt để côn trùng như thông cáo báo chí ngày 10.2 có nói, thì nên hiểu như thế nào về những chai nước có ruồi mới đây ở Mỹ Tho – Tiền Giang hay ở Quỳ Hợp – Nghệ An?
Hiện tôi chưa thực mục sở thị những sản phẩm đó, nhưng ngay cả khi cầm trên tay rồi, quan sát bằng mắt thường cũng không thể nói chắc được sản phẩm đã bị can thiệp, tác động từ bên ngoài hay chưa. Nhưng dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát bao kín và vô trùng hoàn toàn, ngăn chặn triệt để sự xâm nhập của côn trùng. Bởi thế, chúng tôi dám khẳng định với những sản phẩm có côn trùng lọt vào, đều là do chúng tôi bị phá hoại bởi các đối thủ kinh doanh, các thế lực thù địch.
Chai nước Dr Thanh chưa khui nắp mà bà Phạm Thị Loan (47 tuổi, ngụ khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) mua chứa “vật thể lạ” bên trong và đã trình báo với cơ quan chức năng ngày 11.2 - Ảnh: Doãn Hoà/ Tuổi Trẻ
Chai nước Dr Thanh chưa khui nắp mà bà Phạm Thị Loan (47 tuổi, ngụ khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) mua chứa “vật thể lạ” bên trong và đã trình báo với cơ quan chức năng ngày 11.2 – Ảnh: Doãn Hoà/ Tuổi Trẻ

Hiện nay cư dân mạng đang có một cơn sốt “săn ruồi” và săn những lỗi lầm của công ty trong quá khứ cũng như hiện tại. Bất cứ một đường link nào dẫn đến những thông tin không hay về công ty cũng được các facebooker chia sẻ nhiệt tình với những lời dẫn dắt rất hào hứng và mỉa mai. Ông nghĩ sao về việc dư luận trở nên gay gắt và phản ứng tiêu cực với Tân Hiệp Phát như thế?
Hiện nay trên mạng có rất nhiều lời đồn đại gây hoang mang liên quan đến chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Tôi muốn nói với cộng đồng mạng rằng, trên mạng ai cũng có thể tạo ra được tin đồn, mình cần phải có một cái đầu tỉnh táo để phân tích.
Để hiểu rằng ở một doanh nghiệp tầm cỡ thương hiệu quốc gia như Tân Hiệp Phát thì cái gì có thể xảy ra, cái gì không bao giờ xảy ra được. Tôi nghĩ trong toàn bộ đợt sự cố xảy ra với Tân Hiệp Phát đến nay, có bàn tay bí mật nào đó đã thao túng mạng xã hội, tung ra những thông tin bất lợi cho công ty và điều hướng dư luận theo hướng không có lợi cho chúng tôi.
Những lời lẽ phản ứng là những giọng điệu bức xúc không mang tính xây dựng nhằm mục đích phá hoại sự phát triển của Tân Hiệp Phát.
Chúng tôi quan sát thấy rằng những fanpage, hội nhóm kêu gọi tẩy chay Tân Hiệp Phát được tổ chức một cách rất bài bản, có sự tính toán từng đường đi nước bước. Một cá nhân không thể làm được mà phải là một nhóm người, một tổ chức đứng sau điều khiển tất cả.

“Không công bằng với chúng tôi”
H1
Anh Nguyễn Xuân Định (26 tuổi, Mỹ Tho) mua chai Number One có dị vật giống con ruồi và mới đây đã gởi đơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Mỹ Tho. Ảnh: Hoài Thương/Tuổi Trẻ
Ông nghĩ sao về việc một số ý kiến cho rằng, lẽ ra Tân Hiệp Phát thay vì nên có một cách xử lý khủng hoảng truyền thông mềm mại hơn thì lại tỏ ra như là giận dỗi, chỉ trích, đôi co để chứng tỏ cho dư luận thấy sức mạnh của mình?
Chúng tôi chỉ muốn giải trình, cái gì mọi người chưa hiểu thì chúng tôi giải trình cho hiểu. Giống như khi ai đó bị đánh thì phải có quyền kêu la chứ? Chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình đang đối đầu với dư luận và người tiêu dùng.
Khi dư luận ác ý thì họ có thể nói đủ thứ mà không cần cơ sở nào, rất nhiều tin tức lan truyền trên mạng là không chính xác, nhưng chúng tôi cũng không muốn kỳ kèo với nhau về từng sự việc cụ thể nữa.
Tôi cũng không thể hiểu được vì sao một số báo lại đưa ra những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, từ những năm 2009, 2012 làm gì. Những việc xảy ra thì đã xảy ra rồi, tại sao lại bới móc lên để làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của chúng tôi, như thế là có ý gì?
Có ba chứng chỉ khó đạt nhất là chứng chỉ công nghệ, chứng chỉ HACCP và chứng chỉ về bảo vệ môi trường chúng tôi cũng có. Ba chứng chỉ khó đạt nhất thì chúng tôi đều được cấp, chứng tỏ sự nghiêm túc trong đầu tư công nghệ của mình. Bởi thế, bất cứ sự quy kết chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát với những hình ảnh tiêu cực như ruồi, gián đều là vô lý, không công bằng đối với chúng tôi.
Một số chuyên gia cho rằng, tổn thất tài chính mà Tân Hiệp Phát gánh chịu lúc này đã vượt qua con số 500 triệu đồng từ lâu. Ông có thể nói gì về điều này thưa ông?
Một biếm họa liên quan đến xìcăngđan chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát đang được nhiều trang facebook chia sẻ. Ảnh: internet
Một biếm họa liên quan đến xìcăngđan chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát đang được nhiều trang facebook chia sẻ.

Thời điểm này vẫn còn quá sớm để chúng tôi có thể đưa ra con số thống kê về thiệt hại tài chính. Quan điểm của Tân Hiệp Phát là chúng tôi không quan tâm đến điều đó, vì việc gì xảy ra cần giải quyết thì chúng tôi giải quyết thôi. Tuy nhiên, không phủ nhận được là sự cố này đã tạo ra sự xáo trộn đến hoạt động của lãnh đạo công ty và đời sống tinh thần của nhân viên. Công nhân thì hoang mang về những tác động của vụ việc, lo lắng cho công ty bị ảnh hưởng. Các cán bộ thì phải chia ra họp hành căng thẳng, tiêu tốn nhiều thời gian vào việc theo dõi báo chí, theo dõi mạng để xem khuynh hướng như thế nào để tham vấn cho lãnh đạo điều chỉnh cách xử lý. Nhất là sự cố xảy ra vào cuối năm, trước mùa mua sắm Tết nên mọi việc càng trở nên phức tạp.
Tên tuổi Tân Hiệp Phát lúc này gần như gắn chặt với cụm từ “nước giải khát có ruồi”, doanh nghiệp đã có động thái gì để khôi phục lại hình ảnh?
Chúng tôi đang phân tích tình hình, chưa đưa ra được phương án cụ thể. Hiện nay việc gì xảy ra trước mắt chúng tôi sẽ tập trung để giải quyết.



*
 14-02-2015 12:44

Biển Đông : Mỹ-Singapore kêu gọi các bên tự kiềm chế

mediaBin Đông : Tàu Trung Quc bo v giàn khoan HD981, còn trong vùng đc quyn kinh tế Vit Nam. nh ngày 15/07/2014Reuters
 Vào hôm qua, 13/02/2015, Hoa Kỳ và Singapore đã mở cuộc Đối thoại Đối tác Chiến lược thường kỳ tại Washington. Trong bản Tuyên bố chung đúc kết cuộc họp, hai bên đã kêu gọi các bên tranh chấp tại Biển Đông tôn trọng đầy đủ luật lệ quốc tế, tự kiềm chế trong các hoạt động của mình và sớm đúc kết một bộ Quy tắc Ứng xử vì hòa bình và ổn định của khu vực.
Cuộc Đối thoại Đối tác Chiến lược Mỹ-Singapore lần thứ ba hôm qua đã diễn ra ở cấp "Thứ trưởng" ngoại giao. Trưởng đoàn Singapore là Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Chee Wee Kiong, trong lúc phái đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel dẫn đầu.
Trong bản tuyên bố chung đúc kết các cuộc thảo luận, ngoài các vấn đề song phương Mỹ-Singapore, hai đồng minh đã nêu bật tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực Châu Á, cũng như sự cần thiết phải bảo đảm an ninh hàng không và hàng hải, quyền lưu thông một cách an toàn trên không và trên biển, cũng như quyền làm thương mại hợp pháp mà không bị cản trở.
Đoạn liên quan đến Biển Đông nhấn mạnh « tầm quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ».
Hai nước Mỹ và Singapore cũng kêu gọi các bên tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, kể cả việc cải tạo đảo đá tại Biển Đông. Đối với Mỹ và Singapore, ASEAN và Trung Quốc nên khẩn trương làm việc để sớm đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Bản Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.
Trên điểm này, Tuyên bố chung Mỹ Singapore nêu bật nhu cầu thực hiện hai điều IV và V trong DOC, theo đó các bên liên quan phải giải quyết các tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình mà không thông qua việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực (điều IV), đồng thời tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc làm cho tranh chấp leo thang (điều V).
Lời kêu gọi của Mỹ và Singapore đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc vẫn bất chấp những gì đã cam kết, và ngày càng đẩy mạnh việc bối đắp, cải tạo, xây dựng cơ sở trên các đảo, đá, rạn san hô mà họ đã dùng võ lực lấn chiếm từ tay Philippines và Việt Nam trong thời gian qua. Sự kiện mới nhất bị Manila tố cáo là kế hoạch xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) mà Trung Quốc chiếm của Philippines từ năm 1995.


12-02-2015 14:59

Miến Điện cho phép trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp

mediaTổng thống Thein Sein sau cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái Miến Điện ngày 31/10/2014 - REUTERS /Aung Myin Yezaw
Theo hãng tin Reuters, vào hôm nay, 12/02/2015, một số nghị sĩ Miến Điện đã cho biết là Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã chấp thuận một đạo luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. Đây là một động thái có thể dẫn đến việc bãi bỏ việc cấm không cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi làm Tổng thống.
Theo giới quan sát, chính quyền Tổng thống Miến Điện bị sức ép trong nước cũng như quốc tế, muốn nước này sửa đổi hệ thống chính trị hiện hành, trước cuộc tổng tuyển cử năm nay.
Lãnh đạo đối lập bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà, đã liên tục thúc đẩy cho việc sửa đổi Hiến pháp vốn dành nhiều quyền lợi cho quân đội Miến Điện, đã cai trị nước này bằng bàn tay sắt từ năm 1962 đến 2011.
Trả lời Reuters, một nghị sĩ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, ông Thein Nyunt, giải thích là với luật đã được ban hành, thì Ủy ban Bầu cử sẽ phải sớm đưa ra một thời điểm thích hợp cho cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Năm năm 2015.
Một thượng nghị sĩ của đảng Arakan National Party, Aye Maung cũng xác nhận việc đạo luật cho phép trưng cầu dân ý đã được thông qua. Tuy nhiên, nếu một số dân biểu muốn thúc đẩy việc tổ chức trưng cầu dân ý trong vài tháng tới đây, một số người khác đánh giá là bản thân đạo luật không chưa thể bảo đảm trưng cầu dân ý sẽ được tiến hành vào năm nay.
Một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, cho biết trong cuộc họp báo là đã được thông báo về nỗ lực của chính quyền Miến Điện tổ chức trưng cầu dân ý, nhưng vẫn chưa rõ là sẽ được tiến hành hay không và trên những chủ đề gì.
Reuters trích dẫn Richard Horsey, một nhà phân tích chính trị tại Rangoon, nhận định là do vấn đề chi tiêu và tổ chức hậu cần cho một sự kiện như thể, cuộc trưng cầu dân ý tại Miến Điện khó thể diễn ra trong vài tháng tới mà có thể là cùng lúc với cuộc tổng tuyển cử. Ngoài ra, chuyên gia này cũng chưa rõ là nội dung trưng cầu dân ý có trên những điều khoản Hiến pháp gây tranh cãi hay không, và điều khoản nào trong Hiến pháp sẽ được đưa ra hỏi ý kiến dân chúng.
Tuy chưa rõ ràng là trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức ra sao và khi nào, nhưng sự kiện này đã gây tranh cãi trong giới dân tộc chủ nghĩa ở Miến Điện, và trong giới nhà sư, đã rất bực tức truớc quyết định của quốc hội vào đầu tháng Hai, đảm bảo cho những người được cấp thẻ căn cước tạm thời - gọi là thẻ trắng- quyền được bỏ phiếu khi trưng cầu dân ý được tổ chức.
Hôm qua 11/02/2015, hơn 300 người đã xuống đường ở Rangoon phản đối quyền được bỏ phiếu của những người mang loại thẻ trên. Hiện nay hàng triệu người được cấp thẻ này và 2/3 là người hồi giáo Rohingya. Ngay sau cuộc biểu tình, chính quyền cho biết sẽ thu hồi loại thẻ này vào ngày 31/05, nhưng không cho biết sẽ giải quyết ra sao đối với những người đã được cấp thẻ.




14-02-2015 20:25

Đan Mạch: Khủng bố tấn công ở Copenhagen, một người thiệt mạng

mediaCnh sát Đan Mch ti hin trường v tn công khng b, Copenhagen, 14/02/2015REUTERS
Hai hung thủ đã bắn súng từ bên ngoài vào một quán cà phê, ở Copenhagen, Đan Mạch, nơi diễn ra một cuộc thảo luận về đạo Hồi và tự do ngôn luận, ngày hôm nay, 14/02/2015. Trong số những người tham dự có Đại sứ Pháp và một họa sĩ thường vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Mahomet.
Theo thông báo sơ bộ của chính quyền, một người bị thiệt mạng và ba cảnh sát bị thương.
Thông tín viên RFI Sung-Shim Courier, tại Copenhagen cho biết, vụ nổ súng diễn ra vào lúc mọi người đang thảo luận về nghệ thuật, tự do ngôn luận và vấn đề báng bổ. Họa sĩ Thụy Điển Lazs Vilks tham dự cuộc thảo luận. Họa sĩ này nổi tiếng vì đã gây ra các cuộc tranh cãi quyết liệt, đặc biệt là vào năm 2007, khi ông vẽ biếmhọa hình nhà tiên tri Mahomet có thân hình con chó. Có thể ông ta là mục tiêu của các hung thủ. Trong số các khách mới, có Đại sứ Pháp François Zimeray. Trên twitter, ông cho biết là bình an vô sự.
Theo các nhân chứng, hai hung thủ đã đột nhập vào phía trước tòa nhà, nhưng không thể vào được phòng bên trong. Do vậy, chúng đã bắn khoảng năm chục viên đạn qua cửa kính. Cảnh sát đã kịp thời can thiệp và nhờ vậy, tránh được thảm họa. Hoạ sĩ Thụy Điển đã được đưa ra ngoài an toàn.
Hai hung thủ trang bị nhiều vũ khí đã dùng xe hơi chạy trốn. Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy chiếc xe hơi này. Cuộc truy lùng hung thủ đang tiếp tục tại Copenhagen.
Pháp lên án « vụ tấn công khủng bố ». Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thông báo ông sẽ tới Copenhagen trong thời gian sớm nhất.

14-02-2015 18:09

Thái Lan : Đối lập bất ngờ biểu tình

nhân ngày Tình Yêu

mediaNgười biu tình giơ ba ngón tay mt cách kín đáo đ th hin s phn đi, ti mt khu ph thương mi Bangkok, tháng 6/2014.REUTERS/Athit Perawongmetha
Tại Thái Lan, trong bối cảnh chính quyền quân sự tiếp tục đàn áp đối lập và thiết quân luật vẫn được duy trì, hôm nay 14/05/2015, hàng chục nhà đối lập đã biểu tình tại trung tâm thủ đô Bangkok, phân phát hoa hồng và những bản sao cuốn sách “1984”, biểu tượng của cuộc chiến chống chế độ độc tài.
Những người biểu tình - thuộc một số nhóm bảo vệ dân chủ - đã thông báo trước đó trên Facebook về cuộc xuống đường nhân ngày Tình Yêu (ngày thánh Valentin). Chính quyền thủ đô đã đặt nhiều hàng rào để ngăn không cho những người phản kháng đến một quảng trường đối diện với Siam, một trung tâm thương mại lớn, nằm ở trung tâm Bangkok.
Trước sự chứng kiến của cảnh sát, người biểu tình – trong đó có nhiều sinh viên – đã tuần hành trên các đường phố xung quanh. Họ đặt những bông hoa hồng bên vệ đường và dựng nhiều thùng phiếu bằng carton cùng các bàn bỏ phiếu mang tính tượng trưng, như một dấu hiệu phản đối chính quyền quân sự.
Một số người tham gia biểu tình bị cảnh sát câu lưu.
Những người biểu tình phân phát nhiều bản sao cuốn tiểu thuyết “1984” của George Orweill và chào với ba ngón tay, động tác lấy từ bộ phim “The Hunger Games”. “Ba ngón tay” đã trở thành một dấu hiệu đoàn kết những người đối lập, kể từ khi giới quân sự lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Nếu chính quyền không cho, bà Yingluck không được đi ăn mỳ
Hồi đầu tuần, người phát ngôn của Viện Công tố Thái Lan thông báo, cựu Thủ tướng bị lật đổ Yingluck sẽ chính thức bị khởi tố trước ngày 21/02. Cựu Thủ tướng Yingluck có thể bị phạt đến 10 năm tù, nếu bà bị kết tội trong vụ án trợ giá mua gạo cho nông dân.
Hôm 12/02, tướng Prayut Chan-O-Cha (được Quốc hội quân sự bầu làm Thủ tướng) – nổi tiếng với các phát ngôn gây sốc – tuyên bố với báo giới, chính quyền kiểm soát chặt mọi di chuyển của bà Yingluck, “kể cả việc đi hiệu ăn mỳ, nếu không được phép, bà ấy cũng không có quyền đi”. 


14-02-2015 15:12

Lãnh đạo Hồi giáo tối cao Iran gửi mật thư cho Tổng thống Mỹ

mediaGiáo ch Khameneï trên truyn hình Iran hôm 21/3/2011.Reuters/Leader.ir/Handout
Lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran là Giáo chủ Ali Khamenei đã viết một bức thư mật gởi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama, để trả lời một mật thư khác của Tổng thống Mỹ gởi đến ông. Theo tiết lộ được trên nhật báo Mỹ Wall Street Journal ngày hôm qua, 13/02/2015, nội dung thư tín liên quan đến việc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Nhật báo Mỹ đã trích dẫn một nhà ngoại giao Iran, cho biết là bức thư rất « trân trọng » của giáo chủ Khamenei đã được gởi đi trong những tuần lễ gần đây.
Còn tổng thống Obama thì đã viết thư cho lãnh đạo Iran vào tháng 10 năm ngoái, để nói về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Irak và Syria. Nội dung chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo được nêu lên vào lúc hai nước đang thương lượng với nhau về một thỏa thuận trên chương trinh hạt nhân Iran.
Theo Wall Street Journal, trong lá thư của mình, ông Barack Obama đã đề xuất khả năng thành lập một liên quân Mỹ - Iran để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nếu đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Teheran. Thư trả lời của Giáo chủ Khamenei tuy nhiên không hứa hẹn gì nhiều.
 Hiện nay cả Nhà Trắng lẫn Iran đều không chính thức xác nhận có thư trao đổi giữa hai lãnh đạo.


RFI. 13-02-2015 12:38

Ukraina cảnh giác sau khi ký thỏa thuận ngưng bắn

mediaQuân đi Ukraina trin khai gn Debaltseve, đông Ukraine, ngày 12/02/2015, nơi giao tranh ác lit tring my ngày qua.REUTERS/Gleb Garanich
8 binh sĩ Ukraina và 3 thường dân tử thương tại đông Ukraina, 24 giờ sau khi thỏa thuận ngưng bắn ký kết tại Minsk ngày 12.02. Vài giờ trước đó, tổng thống Petro Porochenko tuyên bố « tiến trình thực hiện thỏa thuận » không phải dễ dàng. Kiev lo ngại nguy cơ xung đột tiếp diễn như đã xẩy ra sau thỏa thuận đầu tiên cũng tại thủ đô Belarus ngày 05.09.2014.
Từ Kiev, thông tín viên Régis Genté giải thích :
" Nhẹ nhõm nhưng bi quan. Đây có lẽ là tâm trạng chung của người dân Ukraina sau " hiệp ước Minks số 2 ".
Bi quan bởi vì tổng thống Nga không thực sự nhượng bộ. Thỏa thuận ký ngày hôm qua, dựa theo nội dung thỏa thuận đầu tiên tại Minks ngày 05.09.2014 không có điều khoản nào bảo đảm Matxcơva chấm dứt can thiệp gây bất ổn tại Ukraina qua trung gian phiến quân ly khai. Thành phần ly khai thân Nga này sẽ chẳng làm nên tích sự gì được nếu không có vũ khí, tiền bạc và nhân sự của Nga đưa sang giúp.
Nhưng tại Kiev, người dân cũng cảm thấy là vừa tránh được tình trạng xấu nhất. Một lệnh ngưng bắn đã được các bên đồng ý và nhất là tổng thống Putin không ép buộc được Ukraina phải thành lập một chế độ liên bang. Nhà chính trị học Olexyi Haran phân tích : Ý đồ của Vladimir Putin là làm sao chia cắt được lãnh thổ Ukraina thành hai vùng dưới hình thức một liên bang. Kế hoạch của ông ta là thành lập hai nước cộng hòa tự trị tại vùng Donbass, hạ lưu sông Don, và từ đó dùng chính sách chia để trị thao túng. Nói cách khác, Nga muốn biến Ukraina thành một quốc gia suy yếu và bất ổn.
Trước mắt, điều làm người dân Ukraina lo ngại nhất là chuyện gì sẽ xảy ra từ hôm nay cho đến đêm chủ nhật 15.02, thời điểm thỏa thuận ngưng bắn bắt đầu có hiệu lực. Liệu phe ly khai có lợi dụng thời cơ lấn chiếm thêm lãnh thổ tại Donbass ? Trong trường hợp này, máu sẽ tiếp tục đổ trong những giờ phút tới đây. "
Thỏa thuận 13 điểm
Hiệp định Minks « thứ hai », sau 16 giờ thương lượng gai go giữa lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraina và Nga được đại diện chính phủ Kiev, hai phe ly khai Donetsk, Lougansk và tổ chức An Ninh và Hợp tác châu Âu ký vào trưa hôm qua 12.02.2015 gồm 13 điểm.
Nội dung chính vẫn là các phe xung đột phải tôn trọng lệnh « ngưng bắn » kể từ 12 giờ khuya ngày 15.02, triệt thoái vũ khí nặng trong vòng 14 ngày.
Thành lập vùng trái độn có chiều rộng từ 50 km đến 140 km. Phe ly khai rút vũ khí nặng ra khỏi chiến tuyến của tháng 9, còn quân chính phủ tính từ chiến tuyến hiện nay vì từ sau hiệp định 05.09.2014 tình hình chiến trường thay đổi bất lợi cho Kiev. Các vùng lãnh thổ bị phe ly khai lấn chiếm trong 6 tháng qua được tính chung là vùng trái độn.
Tất cả các nhóm võ trang « ngoại nhập », trang thiết bị quân sự và lính đánh thuê phải rút ra khỏi lãnh thổ Ukraina dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hộp tác châu Âu OSCE.
Cũng như thỏa thuận trước, văn bản lần này cũng quy định phát huy đối thoại, tổ chức bầu cử địa phương theo luật định của Ukraina để ấn định quy chế các tỉnh Donetsk và Lougansk, ân xá cho các chiến binh phiến quân, mở lại liên hệ kinh tế, tái lập hệ thống ngân hàng và kiểm soát biên giới. Nhiệm vụ này được giao cho quân đội Ukraina một khi đã bầu cử xong.
Thảo hiệp Minsk số hai cũng quy định Ukraina phải có một Hiến pháp mới vào cuối năm nay và ban hành chế độ « tản quyền » tại hai vùng ly khai hiện nay với sự đồng ý của đại diện của phe này.

Giao tranh din ra ác lit ti Ukraine

          BBC.14.2.2015

Quân nổi dậy đang tiếp tục bao vây thị trấn Debaltseve

Tổng thống Ukraine cảnh báo thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột ở Đông Ukraine đang đối mặt với 'nguy hiểm', trong lúc giao tranh diễn ra ác liệt trước thềm lệnh ngừng bắn.
Ông Petro Poroshenko cáo buộc Nga "đẩy mạnh" các đợt tấn công, bất chấp thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết tại Minsk hôm 12/2.
Hàng chục thường dân đã thiệt mạng trong các đợt pháo kích ngày 13/2.
Quân đội Ukraine và phe nổi dậy thân Nga cáo buộc lẫn nhau đã bắn vào các khu vực dân cư.

'Leo thang'

Các nhà quan sát nói dù lệnh ngừng bắn sắp chính thức có hiệu lực, giao tranh vẫn không có dấu hiệu giảm xuống.
Các vụ đụng độ ác liệt đang tập trung ở quanh Debaltseve, một thị trấn mang tính chiến lược nối giữa hai vùng do quân nổi dậy kiểm soát.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Petro Mekhed nói quân nổi dậy muốn "cắm cờ" tại Debaltseve và thành phố cảng Mariupol trước khi lệnh ngừng bắn chính thức phát huy hiệu lực.
"Ukraine dự đoán xung đột sẽ leo thang và sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để đáp trả," ông Mekhed nói với các phóng viên.
Quân đội chính phủ Ukraine cũng đã chiếm được nhiều làng gần thành phố cảng Mariupol
Các đợt pháo kích của quân nổi dậy vào ngày 13/2 đã giết chết hai người tại thị trấn Schastya, gần Luhansk, và một trẻ nhỏ tại thị trấn Artemivsk, gần Debaltseve, theo chính quyền địa phương.
Trong khi đó, quân nổi dậy cho biết ít nhất sáu người đã thiệt mạng do các đợt pháo kích nhằm vào thành phố Donetsk và thị trấn Horlivka mà họ nói là do quân chính phủ thực hiện.
"Sau những thành quả đạt được tại Minsk thì đây không chỉ là các đợt pháo kích nhằm vào thường dân và các khu vực dân cư của Ukraine - đây còn là đòn tấn công nhằm vào thỏa thuận tại Minsk mà không có bất cứ lời giải thích nào," Tổng thống Poroshenko nói.
"Nga đã đẩy mạnh các chiến dịch tiến công sau đàm phán tại Minsk," ông nói, đồng thời cho biết "chúng tôi tin rằng những thành quả tại Minsk đang đối mặt với nguy hiểm".

'Giao tranh ác liệt'

Các đợt giao tranh mới đang châm ngòi cho lo ngại rằng thảo thuận hòa bình được thống nhất tại thủ đô Belarus có thể đổ vỡ trước khi lệnh ngừng bắn phát huy hiệu lực.
Tuy nhiên, tổ chức chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn nói hy vọng vẫn chưa tắt, bất chấp 'giao tranh ác liệt'.
"Chúng tôi cho rằng thỏa thuận tại Minsk là lộ trình duy nhất nhằm đi đến một lệnh ngừng bắn bền vững," ông Michael Bociurkiw, phát ngôn viên của OSCE, nói với BBC.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo lộ trình hòa bình đang đối mặt với nhiều thách thức, bất chấp thỏa thuận tại Minsk

Phe nổi dậy thân Nga cũng đã ký thỏa thuận hòa bình, nhưng các vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết, trong đó có tình hình tại thị trấn Debaltseve.
Các lãnh đạo châu Âu trước đó đã cảnh báo Nga có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu thỏa thuận tại Minsk không được thực thi trọn vẹn.
Thủ tướng Đức nói thỏa thuận này mang lại "một tia hy vọng", nhưng cũng cảnh báo "lời nói cần đi đôi với hành động".
Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga chi viện khí tài và quân chính quy cho phe nổi dậy.
Hơn 5.400 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra, nhưng Liên Hiệp Quốc ước tính con số này có thể cao hơn.
Số lượng thương vong đã tăng lên đáng kể trong những ngày gần đây, với 263 người thiệt mạng trong các khu vực đông dân từ ngày 31/1 đến 5/2.

Ông Putin tuyên b 'ngưng bn Ukraine'

         BBC.12 tháng 2 2015
Tổng thống Nga vừa tuyên bố sẽ có cuộc ngưng bắn ở Đông Ukraine từ 15/2.

Ông Vladimir Putin nói "chúng tôi đã đạt thỏa thuận về các ý chính" sau cuộc đàm phán kéo dài với Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko và các lãnh đạo Đức và Pháp.
Tổng thống Pháp, Francois Hollande nói đây là "thỏa thuận nghiêm túc" nhưng không phải tất cả đều được đồng ý.
Tin này được đưa ra không lâu sau khi chính Tổng thống Ukraine nói không thể chấp nhận điều kiện mà Nga đưa ra trong cuộc đàm phán kéo dài qua đêm ở Minsk, Belarus.
Cuộc đàm phán do Đức và Pháp làm trung gian nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Ông Petro Poroshenko vừa nói chuyện với các phóng viên trong phiên giải lao giữa cuộc họp có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với sự có mặt của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel và Tổng thống Pháp, Francois Hollande, cuộc họp bắt đầu vào chiều thứ Tư 11/2 và tiếp diễn cho tới sáng thứ Năm vẫn chưa kết thúc.
Hơn 5000 người đã thiệt mạng trong chiến sự ở miền Đông Ukraine.

Bước ngoặt?

Ngay khi bắt đầu cuộc họp, hai ông Putin và Poroshenko bắt tay nhau một cách hờ hững.
Sau 14 tiếng đồng họp hành, ông Poroshenko cho hay "vẫn chưa có gì tốt đẹp".
Ông nói với các nhà báo rằng Nga "đưa ra các điều kiện mà tôi cho là không thể chấp nhận được" và từ chối đưa chi tiết nhưng nói thêm rằng "luôn luôn hy vọng" vì cuộc đàm phán vẫn còn tiếp tục.
Trước đó, báo chí cho hay Nga đòi để cho vùng Đông Ukraine 'tự trị tối đa' nhưng vẫn có bộ máy do chính quyền Kiev nuôi dưỡng.
Các bên có kế hoạch tập trung vào việc tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn, rút hỏa lực hạng nặng và thiết lập khu vực phi quân sự.
Nga đã bị cáo buộc trang bị vũ khí và hỗ trợ phiến quân thân Nga tại miền Đông Ukraine, nhưng luôn bác bỏ cáo buộc này.

CHIẾN THUẬT CẦM QUYỀN CỦA PUTIN


Putin-Chairs-Cabinet-Meet-004
Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “Putin Scare Tactics”, Project Syndicate, 16/01/2015.
Biên dịch: Lưu Tuấn Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

 “Mỗi  quốc gia đều có một chính phủ mà nó đáng phải nhận”, đó là nhận xét của Joseph de Maistre, phái viên ngoại giao của vương quốc Sardinia tại Đế chế Nga cách đây khoảng 200 năm. Lúc đó ông đang nói về sự thờ ơ chính trị ăn sâu trong người Nga, một đặc điểm vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tất nhiên, Nga không còn là một chế độ quân chủ tuyệt đối như trong thời kì của Maistre. Nó cũng không phải là một chế độ độc tài cộng sản, với những người như Joseph Stalin vốn sử dụng việc đe dọa tống vào trại Gulag (trại cải tạo lao động của Liên Xô – ND) để kìm hãm những phát biểu mang tính chính trị. Tuy nhiên, Tổng thống  Vladimir Putin đã học được rất nhiều từ chiến thuật độc đoán của những người tiền nhiệm của mình, trong khi người dân Nga dường như không học được gì.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến vào cuối năm 2014, 68% số người được hỏi cho rằng Putin sẽ là “Người đàn ông của năm”. Việc ông ta chiếm Crimea từ tay Ukraina vào tháng 3, cùng với việc ông từ chối cúi đầu trước các cường quốc phương Tây vốn phản đối hành động của Nga, đã khiến ông trở thành một vị anh hùng trong mắt những người dân Nga bình thường.
Thực tế, những nỗ lực của  Putin để chiếm lại phần lãnh thổ trước đây của Nga đã làm lu mờ việc ông bóp nghẹt các tổ chức phi chính phủ, đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, và bịt mồm bịt miệng phe đối lập. Ngay cả khi nền kinh tế Nga sụp đổ – với việc đồng rúp đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 6, lãi suất tăng đến 17%, và lạm phát ở mức hai con số – thì Putin vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ là 85%.
Người Nga đáng lẽ nên đòi hỏi một giải pháp cho những vấn đề kinh tế của đất nước, chứ không phải ca ngợi vị lãnh đạo đã gây ra những vấn đề đó. Nhưng Putin, vốn là một cựu nhân viên của KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia), đã sở hữu sự khôn ngoan của một nhà độc tài. Ông ta biết rằng nhiều thế kỷ với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đã làm cho người Nga trở nên nhu nhược. Họ có thể sợ chính phủ; nhưng điều họ thậm chí còn sợ hơn là buộc phải tự lo cho bản thân mình.
Vào trung tuần tháng 12 (2014), Putin đã tổ chức bữa ăn tối hàng năm của mình với các đầu sỏ chính trị – có thể nói là một bữa đại tiệc trong một thời điểm “đen tối”. Bốn mươi nhà lãnh đạo công nghiệp và tài chính (hầu hết trong số họ quản lý các công ty liên kết với Điện Kremlin) đã tham dự sự kiện này để nhận – và đưa ra – sự bảo đảm rằng họ sẽ cùng với Chính phủ vượt qua khủng hoảng.
Tại bữa ăn tối, Putin đã nhắc lại lời hứa của mình về việc bảo vệ tài sản của các đầu sỏ chính trị khỏi lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu. Cụ thể, ông cam kết sẽ áp dụng đạo luật gọi là Luật Rotenberg, được đặt theo tên của Arkady Rotenberg, một chuyên gia tài chính đã bị buộc phải nộp 40 triệu đô la tài sản cho Chính phủ Italia vào tháng 9. Điều luật này quy định rằng Kremlin phải đền bù cho các đầu sỏ chính trị bất cứ tài sản nước ngoài nào mà họ bị mất do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt của phương Tây.
Những tuyên bố này dựa theo một lời hứa mà Putin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng trước. Nếu các doanh nhân Nga đưa các tài khoản nước ngoài của họ trở về Nga, các khuất tất tài chính của họ sẽ được tha thứ và bỏ qua.
Dựa vào những lời hứa như vậy chính là tự sát về mặt tài chính. Mới chỉ vài tháng trước đây, Putin đảm bảo với mọi người rằng nền kinh tế Nga sẽ vượt qua những hành động trừng phạt của Châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng.
Tương tự như vậy, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, các nhà tài phiệt Nga bị mất mát rất lớn – và gần như không bao giờ lấy lại được. Rõ ràng, không thể tin cậy vào Chính phủ Nga để bảo vệ tài sản của bất cứ ai, trừ trường hợp ngoại lệ có thể là các thành viên của chính Chính phủ.
Tuy nhiên, từ chối sự bao bọc của Kremlin cũng gây hại không kém. Rốt cuộc, ở nước Nga của Putin, bất đồng quan điểm chính trị mang lại sự hủy hoại về tài chính. Năm 2003, nhà tài phiệt giàu nhất nước Nga là Mikhail Khodorkovsky – một người ủng hộ dân chủ hóa và là người chỉ trích Putin không mệt mỏi – đã bị bỏ tù khống về các tội gian lận và trốn thuế, và Công ty Dầu Yukos của ông bị đẩy tới chỗ phá sản, tan rã, và bị bán cho tay chân của Kremlin.
Mười năm sau, thông điệp vẫn không thay đổi: Nếu bạn tuân theo chính phủ, những hành động dại dột của bạn sẽ được tha thứ (không có bất cứ việc kinh doanh nào tại Nga mà lại không liên quan đến tiền lại quả và hối lộ). Ngược lại, không tuân thủ sẽ dẫn tới sự sụp đổ của bạn– dù là bạn giàu có hay nổi tiếng đến mức nào chăng nữa.
Tất nhiên, những người gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không phải là những ông trùm. Sau tất cả, Putin vẫn cần sự ủng hộ của họ – kể cả ngắn ngủi hay tạm thời – để giữ được quyền lực của ông ta.
Những người Nga bình thường có ít đòn bẩy- và sẽ phải gánh chịu nhiều hơn nhiều. Nhưng có lẽ họ đáng phải gánh chịu những việc đó. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt – cắt giảm lương hưu, tiền lương, và các dịch vụ xã hội (bao gồm một quyết định gần đây đóng cửa hàng trăm bệnh viện và sa thải hàng ngàn nhân viên y tế) – hầu như không gợi lên bất cứ lời chỉ trích nào.
Vào tháng 12, khoảng vài nghìn người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở trung tâm Mát-xcơ-va tại quảng trường Manezh, một phần để ủng hộ cho Alexei Navalny – một luật sư chống tham nhũng, blogger nổi tiếng, và là lãnh đạo của một phong trào đối lập đang suy yếu – và em  trai của ông, Oleg. Anh em nhà Navalny vừa bị kết án 3,5 năm tù vì tội lừa đảo một công ty mỹ phẩm. Alexei, một đối thủ của Putin ngang tầm với Khodorkovsky, nhận án treo; Oleg, một cán bộ quản lý ngành bưu điện vốn không quan tâm tới chính trị, sẽ phải ngồi tù 3,5 năm.
Chiến thuật này- “tha thứ” cho đối thủ trong khi trừng phạt họ thông qua người thân – là một trong những chiến thuật yêu thích của Stalin. “Đối thủ” sẽ nhanh chóng nhận ra “phải trái”, và công chúng, những người không biết tới người bị giam giữ, sẽ sớm mất đi sự quan tâm.
Họ vẫn tiếp tục như thế. Người dân Nga hiện nay vẫn hi vọng rằng Putin, người đã “đánh lén” các đối thủ của mình bằng việc sáp nhập Crimea, có thể sẽ có một chiến lược nào đó để ổn định hóa thị trường tài chính và phục hội giá dầu, thứ mà nền kinh tế Nga đang phụ thuộc vào.
Tất nhiên, người Nga đủ hiểu biết để lo lắng về việc Putin đang cạn ý tưởng. Những sự lo lắng đó không thể so sánh với nỗi sợ của họ về những việc có thể xảy ra nếu họ lật thuyền. Và Putin, về phần mình, cũng thừa hiểu việc này nên ông tra không cần các trại cải tạo Gulag mà chỉ cần sử dụng mánh đe dọa và tha thứ để tiếp tục nắm chặt quyền lực của mình.
Nina L. Khrushcheva là giáo sư giảng dạy Chương trình sau đại học về Quan hệ quốc tế tại New School ở New York, và là một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới, nơi bà phụ trách Dự án nghiên cứu về Nga. Trước đó, bà đã giảng dạy tại Đại học Columbia, và là tác giả cuốn “Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics and The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind ”.

TẠI SAO NGƯỜI NGA NGHIỆN PUTIN


participants-rally-support-vladimir
Tác giả: Maxim Trudolyubov | Biên dịch: Đào Tuấn Ninh
Dõi theo quỹ đạo đáng lo ngại của nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin, nhiều nhà quan sát quốc tế thắc mắc làm thế nào một vị lãnh đạo rõ ràng đang đưa đất nước đến bờ vực thẳm lại vẫn được ái mộ đến vậy. Câu trả lời đơn giản là: những người ủng hộ ông Putin – một lượng đa số người Nga – không thấy được mối nguy trước mắt.
Theo một cuộc điều tra độc lập của Trung tâm Levada, tỉ lệ ủng hộ ông Putin tăng từ 65% vào tháng 1 lên 80% vào tháng 3, ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tỉ lệ này đạt mức cao nhất vào đầu tháng 8, lên tới 87%, khi nhiều người tin rằng Nga và Ukraine đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh tổng lực. Mặc dù tỉ lệ sau đó đã giảm xuống còn 84% vào đầu tháng 9, nhưng sự giảm đi đó vẫn nằm trong phạm vi sai số. Nói cách khác, không hề có cơ sở để nói rằng tỉ lệ ủng hộ ông Putin đang giảm xuống.
Sự ái mộ ông Putin ở mức đáng giật mình như vậy chắc chắc không phải là do cái nhìn tích cực của người dân đối với cơ cấu nhà nước nói chung. Như hầu hết người dân ở các nơi khác, người Nga nhìn chung không tin tưởng bộ máy nhà nước. Họ xếp hạng thấp cho các cơ quan chuyên trách, xem hầu hết các quan chức là có tham nhũng; và nói nhẹ nhàng nhất thì họ cũng đánh giá hoạt động chính phủ ở mức trung bình mà thôi.
Thay vào đó, sự ủng hộ của người Nga dành cho ông Putin bắt nguồn từ thực tế: không còn lựa chọn nào khác. Nền chính trị Nga đã thanh lọc một cách cẩn thận tất cả các phe phái chống đối. Tỉ lệ ủng hộ trong trường hợp này không phải là công cụ để so sánh thành tích của các chính khách và khả năng thành công của họ, điều vốn buộc các chính khách phải làm tốt hơn nữa nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thất cử trong cuộc bầu cử tiếp theo. Thay vào đó, tỉ lệ ủng hộ này thể hiện những hi vọng cũng như nỗi sợ hãi của dân chúng.
Trong suốt hai nhiệm kì đầu tiên của mình, Putin là một nguồn hi vọng mạnh mẽ, chủ yếu là do thu nhập của người Nga tăng lên nhanh chóng. Vào năm 2012, sự tăng trưởng này bắt đầu chậm lại, và sự ái mộ Putin cũng vậy. Tỉ lệ ủng hộ 63-65% trước khi sáp nhập Crimea có vẻ là cao so với các tiêu chuẩn của phương Tây; nhưng là thấp so với kết quả trước đó, và cận kề mức nguy hiểm có thể đe dọa tới vị trí lãnh đạo của Putin. Xét cho cùng, một chế độ độc đoán được thiết lập xoay quanh một vị lãnh đạo thu hút phải giành được sự ủng hộ lớn hơn mức trung bình của công chúng nếu nó muốn tránh được bất ổn và bạo lực.
Trong một nỗ lực nhằm giành lại sự ái mộ trước đây, Putin đã thi hành việc tăng lương cho giáo viên, bác sĩ, cảnh sát, qua đó gây căng thẳng cho ngân sách địa phương. Nhưng thu nhập cao hơn không chuyển ngay thành sự cải thiện trong tiêu chuẩn sống của người dân hay chất lượng dịch vụ công, khiến tỉ lệ ủng hộ Putin dậm chân tại chỗ. Thậm chí, một số đối thủ còn xuống đường phản đối sự lãnh đạo của ông. Thêm nữa, trái với những kì vọng của bộ máy chính quyền, Olympic mùa đông tại Sochi cũng không vực dậy được mức độ ủng hộ dành cho Putin.
Với việc nền kinh tế không cho thấy dấu hiệu phục hồi tăng trưởng mạnh – yếu tố đã từng củng cố lòng tin dành cho Putin trong quá khứ – thì việc giành lại sự ủng hộ đòi hỏi phải thực hiện một công việc khó khăn là đáp ứng các nhu cầu của dân chúng về một nền giáo dục tốt hơn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cải thiện, và nhiều nhà ở giá rẻ hơn nữa. Đối với Putin, thời điểm nổ ra sự kiện ở Ukraine – với việc những người biểu tình gây sức ép buộc vị Tổng thống được Kremlin hậu thuẫn Viktor Yanukivych phải chạy trốn ra nước ngoài – thật sự đáng lo ngại.
Việc dập tắt nhận thức về Putin như một “kẻ thua cuộc” ở Ukraine trở thành ưu tiên hàng đầu của Matxcơva. Chiến lược được đề ra bắt đầu với việc sáp nhập Crimea đã đem lại những kết quả gần như ngay lập tức. Dư luận Nga đã chuyển sang “chế độ tình trạng khẩn cấp” với tỉ lệ ủng hộ Putin tăng vọt lên trên 80%.
Trong một bối cảnh chính trị như thế, nhà xã hội học Boris Dubin đánh giá, những hành động có tính biểu tượng mang tính thuyết phục hơn những cân nhắc kinh tế. Thực tế, những lời phàn nàn về thu nhập giảm sút và dịch vụ công còn kém bị thay thế bởi sự ủng hộ tuyệt đối cho chính phủ, với việc các công dân tuyên bố họ sẵn sàng gánh vác gánh nặng của việc đương đầu với phương Tây.
Tại sao dân chúng Nga lại chấp nhận sự đối đầu một cách dễ dàng như vậy? Luận điệu gây chia rẽ sâu sắc của chính quyền và việc gợi lên hình ảnh chiến tranh bởi truyền thông nhà nước chắc chắn là một lí do. Một yếu tố khác, ít rõ ràng hơn: đó là việc người Nga ít mắc nợ. Thật dễ để bị lôi cuốn đi (đến thế đối đầu) khi bạn không có nhiều sự ràng buộc .
Theo công ty dịch vụ tư vấn Deloitte, mức nợ thế chấp ở Nga đang thấp hơn 20 lần mức trung bình ở Liên minh châu Âu. Và Cơ quan Quốc gia về Nghiên cứu Tài chính thông báo chỉ 2% người Nga sẵn sàng vay thế chấp, chủ yếu vì tình trạng không chắc chắn vốn tràn ngập thị trường.
Với các xã hội phương Tây nơi người dân gánh nhiều khoản nợ, hợp đồng và các nghĩa vụ khác, xung đột là cực kì tốn kém, nên họ có xu hướng phản đối, và thậm chí chống lại nhà lãnh đạo nào muốn gây ra xung đột. Ngược lại, những người dân Nga lại sẵn sàng gắn niềm hi vọng của họ vào một vị lãnh đạo cuốn hút, không chỉ vì họ có ít lựa chọn khả dĩ hơn, mà còn vì họ sẽ đối mặt với ít áp lực hơn khi làm như vậy. Theo nghĩa đó, người Nga đã phụ thuộc vào niềm tin dành cho Putin nhiều như chính Putin phụ thuộc vào sự ủng hộ của họ.
Thay vì đóng vai trò cho sự ổn định đã từng có trước đây, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này (giữa Putin và người dân) lại đang dẫn nước Nga tới chỗ bị cô lập về chính trị và kinh tế, với những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của những người dân Nga. Sớm hay muộn thì tỉ lệ ủng hộ Putin cũng sẽ tụt dốc. Thách thức cho người Nga đó là phải đảm bảo rằng khi điều đó xảy ra, họ phải đã phá bỏ được sự phụ thuộc tiêu cực vào niềm tin dành cho Putin. (Tương tự, các nhà quan sát nước ngoài cũng nên từ bỏ thói quen tập trung tất cả sự chú ý của mình vào chỉ người đứng đầu).
Trong khi chờ đợi, không ai có thể dự đoán được Putin sẽ đi đến những giới hạn nào trong việc chèo chống cho nhiệm kì tổng thống của mình.
Maxim Trudolyubov là biên tập viên tại tờ báo độc lập Vedomosti, và là giám đốc Trung tâm Truyền thông mới và Xã hội tại Trường Kinh tế Mới Matxcơva.
Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate


LIỆU PUTIN CÓ THỂ SỐNG SÓT ?
Poste on 04.08.2014 by The Observer

hi-putin-852-cp-03451715-8col
Tác giả: George Friedman | Biên dịch: Nguyễn Phương Tú

Nhiều người cho rằng Vladimir Putin điều hành nước Nga như một kẻ độc tài, từng uy hiếp và loại trừ những kẻ chống đối, đồng thời tạo ra một mối đe dọa lớn đối với những nước xung quanh. Đó là một quan điểm hợp lý, nhưng có lẽ nó cần được suy xét lại trong hoàn cảnh những sự kiện gần đây.
Ukraine và nỗ lực để đảo ngược sự suy thoái của nước Nga
Trước hết hiển nhiên phải bắt đầu từ Ukraine. Đây là quốc gia có ý nghĩa chiến lược quan trọng, được Nga xem như một nước đệm để chống lại phương Tây, và là con đường vận chuyển năng lượng sang châu Âu – một yếu tố nền tảng của kinh tế Nga. Ngày 1/1, Viktor Yanukovich, một người được xem là có thiên hướng thân Nga, vẫn là Tổng thống Ukraine. Với sự phức tạp của xã hội và chính trị Ukraine thì cũng khó để nói rằng, dưới sự cầm quyền của Yanukovich, Ukraine đơn giản chỉ là một con rối của Nga. Nhưng có thể nói khi Yanukovich và đồng sự còn đương nhiệm thì những lợi ích cơ bản của Nga tại Ukraine đã được bảo đảm.
Điều này cực kỳ quan trọng đối với Putin. Putin thay thế Boris Yeltsin vào năm 2000 một phần là do “thành tích” điều hành của Yeltsin trong chiến tranh Kosovo. Nước Nga lúc ấy đã liên minh với người Serbia và trước đó không muốn NATO khởi động cuộc chiến chống lại nước này. Tuy nhiên những yêu sách của Nga đã bị phương Tây phớt lờ. Mặt khác, khi cuộc không kích không đủ ép Belgrade đầu hàng, Moscow đã thương lượng một thỏa hiệp cho phép Mỹ và quân NATO thâm nhập và quản lý Kosovo. Theo thỏa thuận, quân đội Nga được hứa hẹn sẽ đóng một vai trò chính yếu trong việc gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Tuy nhiên, trên thực tế quân Nga đã không bao giờ được cho phép thực thi vai trò đó. Yeltsin khi ấy đã không thể đáp trả lại sự sỉ nhục này.
Putin lên thay Yeltsin cũng vì tình trạng kinh tế thảm khốc của Nga. Tuy nước này trước nay vẫn nghèo, có một cảm giác rộng khắp là dẫu sao Nga cũng là một lực lượng cần được thừa nhận trên trường quốc tế. Tuy nhiên dưới thời Yeltsin, Nga càng nghèo hơn và bị quốc tế rẻ rúng. Putin phải giải quyết cả hai vấn đề này. Ông ta mất một thời gian dài để khôi phục lại sức mạnh của Nga mặc dù trước đó Putin đã nói sự sụp đổ của Liên Xô là tai họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Điều này không có nghĩa là ông ta muốn gầy dựng lại một Liên Xô đã tan rã, mà muốn sức mạnh của Nga được coi trọng trở lại, và ông muốn bảo vệ và phát huy những lợi ích quốc gia của Nga.
Tình thế thay đổi khi Cách mạng Cam xảy ra tại Ukraine vào năm 2004. Năm đó, Yanukovich được bầu làm tổng thống trong tình trạng đầy uẩn khúc, và những người biểu tình đã buộc ông ta phải chấp nhận cuộc bầu cử lần hai. Kết quả là ông ta thất cử, và chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Khi đó Putin cáo buộc rằng CIA và các tổ chức tình báo phương Tây đã dàn xếp các cuộc biểu tình. Một cách tương đối công khai, Putin cho rằng đây là thời điểm mà phương Tây có ý định phá hủy Liên bang Nga như đã từng làm với Liên bang Xô Viết. Tầm quan trọng của Ukraine đối với Nga là hiển nhiên. Vì thế Putin cho rằng CIA đã đứng sau các cuộc biểu tình ở Ukraine để đẩy Nga vào tình thế nguy hiểm, và điều này chỉ có thể được lý giải bởi mong muốn làm cho nước Nga sụp đổ. Sau sự kiện Kosovo, Putin đã ra mặt chuyển thái độ từ nghi ngờ sang thù địch đối với phương Tây.
Từ 2004 đến 2010, Nga đã nỗ lực để xoay chuyển tình thế của cuộc Cách mạng Cam. Nga đã xây dựng lại quân đội, tập trung vào bộ máy tình báo, và tận dụng mọi ảnh hưởng về kinh tế để cải thiện quan hệ với Ukraine. Giả sử người Nga không thể kiểm soát được Ukraine, họ cũng không muốn để Mỹ và phương Tây làm được điều đó. Đây tất nhiên là lợi ích ngoại giao thiết yếu, tuy không phải là duy nhất của Nga.
Việc Nga xâm lược Grudia có liên quan nhiều đến Ukraine hơn là vùng Caucasus (Cap-ca-dơ). Lúc đó Mỹ vẫn đang lấn sâu vào cuộc chiến ở IraqAfghanistan. Dù Washington không có những ràng buộc chính thức với Grudia, nhưng hai bên có mối quan hệ khá thân thiết và có những đảm bảo ngầm. Nga có hai mục tiêu khi xâm chiếm Grudia. Thứ nhất, Nga muốn cho khu vực thấy rằng quân đội Nga đã phục hồi trở lại sau tình trạng lộn xộn hồi năm 2000, và đến 2008 đã có thể hành động quả quyết. Thứ hai là chứng minh cho khu vực mà đặc biệt là Kiev, rằng những bảo đảm của Hoa Kỳ, dù là công khai hay ẩn ý, cũng không hề có giá trị. Năm 2010, Yanukovich thắng cử trở thành tổng thống Ukraine, lật ngược tình thế thời Cách mạng Cam và từ đó hạn chế ảnh hưởng của phương Tây lên đất nước này.
Khi nhận ra vết nứt ngày càng sâu rộng với Nga và xu hướng lánh xa Hoa Kỳ trong khu vực, chính quyền Obama đã nỗ lực tái tạo lại nhưng mối quan hệ trước đây khi Hillary Clinton đề nghị với Putin một “nút tái khởi động” quan hệ vào năm 2009. Nhưng Washington muốn phục hồi mối quan hệ trở lại thời điểm mà Putin cho là “những ngày xưa tồi tệ”. Theo lẽ tự nhiên, Putin không hề hứng thú với đề nghị này. Thay vào đó, ông ta nhận thấy động thái mang tính phòng thủ từ phía Hoa Kỳ, và dự định sẽ khai thác lợi thế của mình.
Thế là Putin bắt đầu từ châu Âu, sử dụng sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga để thắt chặt quan hệ với khu vực, đặc biệt là Đức. Nhưng thời cơ chỉ đến trong giai đoạn chiến sự ở Syria. Lúc đó chính quyền Obama đe dọa sẽ không kích sau khi Damascus sử dụng vũ khí hóa học, để rồi về sau rút lại lời đe dọa đó. Nga đã phản đối mạnh mẽ động thái của Obama và thay vào đó đề nghị một tiến trình hòa giải. Như vậy, sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, Nga tỏ ra quyết đoán và có khả năng, trong khi Mỹ lại thiếu quyết đoán và vô dụng. Sức mạnh của Nga theo đó mà vươn lên và vị thế của Putin cũng được nâng cao, mặc cho nền kinh tế đang suy yếu.

Gió đổi chiều bất lợi cho Putin
Những diễn biến ở Ukraine năm nay là thảm họa đối với Putin. Hồi tháng 1, Nga vẫn chi phối Ukraine. Đến tháng 2, Yanukovich chạy trốn khỏi Ukraine và chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Putin mong đợi sẽ có một làn sóng nổi dậy chống chính quyền lâm thời từ miền Đông Ukraine sau khi Yanukovich bị lật đổ, nhưng điều này đã không xảy ra. Trong khi đó, chính phủ Kiev đã tự củng cố quyền hành với sự hỗ trợ của nhóm cố vấn phương Tây. Đến tháng 7, Nga chỉ kiểm soát vài khu vực nhỏ của Ukraine. Khu vực này bao gồm Crimea, nơi mà quân đội Nga trước nay vẫn toàn quyền chiếm cứ trên danh nghĩa hiệp ước, và một tam giác trải từ Donetsk đến Luhansk và Severodonetsk, những nơi mà một số nhỏ phiến quân kiểm soát khoảng hơn một chục thị trấn, rõ ràng với sự hỗ trợ từ lực lượng đặc nhiệm của Nga.
Nếu không có cuộc nổi dậy nào xảy ra, chiến thuật của Putin là để mặc cho chính phủ Kiev tự tan rã, đồng thời tách Mỹ ra khỏi châu Âu bằng cách lợi dụng những liên kết chặt chẽ về thương mại và năng lượng của Nga với khu vực. Đến lúc này thì tai nạn máy bay của Malaysia Airlines trở nên then chốt. Nếu quả thực Nga đã cung cấp hệ thống phòng không cho quân ly khai và đưa người vào để điều khiển hệ thống đó (bởi việc điều khiển đòi hỏi quá trình huấn luyện kỹ càng), thì Nga sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc bắn rơi máy bay. Điều đó có nghĩa là chiến thuật tách châu Âu ra khỏi Hoa Kỳ cũng khó mà đạt được. Putin theo đó cũng thay đổi: từ một lãnh đạo có năng lực, sắc sảo, một người sử dụng quyền lực một cách tàn nhẫn, trở thành một kẻ bất lực nguy hiểm, tiếp tay cho một cuộc nổi loạn vô vọng với những vũ khí hoàn toàn bị đặt nhầm chỗ. Và dù một số nước có thể phản đối việc đối đầu với Putin nhưng phương Tây đã phải chấp nhận thực tế về mức độ “hiệu quả” và “lý trí” của ông ta.
Trong khi đó, Putin phải suy ngẫm về kết cục của những người tiền nhiệm. Nikita Khrushchev trở về nước sau kỳ nghỉ năm 1964 chỉ để nhận ra mình đã bị thay thế bởi người mình bảo hộ là Leonid Brezhnev, rồi bị kết tội “tính toán khinh suất” (“harebrained scheming”) bên cạnh những cáo buộc khác. Không lâu trước đó, Khrushchev đã bị mất mặt vì vụ khủng hoảng tên lửa Cuba. Thêm vào đó, thất bại trong việc phát triển kinh tế sau một thập kỷ nắm quyền cũng khiến cho những đồng sự thân cận nhất cho ông ta “về hưu”. Bước trượt dài trong ngoại giao và kinh tế đã khiến cho một nhân vật lừng lẫy như thế cuối cùng bị phế truất.
Kinh tế của Nga nay tuy không thảm hại như thời Khrushchev hay Yeltsin, nhưng gần đây đang lao dốc và quan trọng hơn là không đáp ứng được mong đợi. Sau khi phục hồi từ khủng hoảng năm 2008, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Nga đã giảm đi, và theo dự đoán của ngân hàng trung ương thì năm nay GDP sẽ không tăng. Với những khó khăn và áp lực hiện tại, chúng tôi đoán là kinh tế Nga sẽ sớm rơi vào khủng hoảng trong năm 2014. Mức nợ của chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua, và có vài nơi đang ở gần bờ vực phá sản. Một số hãng khai khoáng và luyện kim cũng tương tự. Khủng hoảng chính trị ở Ukraine càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, dòng vốn chảy ra khỏi Nga đã lên tới 76 tỉ đô la, trong khi con số này ở mức 63 tỉ cho cả năm 2013. Đầu tư nước ngoài giảm 50% trong nửa đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013. Việc giá dầu vẫn đạt mức cao 100 đô la/thùng vẫn không thể cứu vãn được tình hình.
Sự ủng hộ trong nước với Putin đã tăng lên sau thành công của Thế Vận hội mùa đông Sochi, và sau khi báo đài phương Tây khiến Putin trông như một kẻ xâm lược ở Crimea. Dẫu sao thì Putin cũng luôn gây dựng danh tiếng cho mình qua sự cứng rắn và hung hăng. Nhưng khi thực tế ở Ukraine càng rõ ràng hơn, thắng lợi vĩ đại này sẽ được coi như là nhằm che đậy một sự thoái lui trong giai đoạn kinh tế đang nguy khốn.  Đối với nhiều nhà lãnh đạo thì sự kiện ở Ukraine không mang lại một thách thức lớn đến vậy. Nhưng với Putin thì khác, bởi ông ta đã gắn hình ảnh của mình với chính sách ngoại giao cứng rắn, và hơn nữa, tình trạng kinh tế đồng nghĩa với việc tỉ lệ ủng hộ đối với Putin cũng không được cao trước khi khủng hoảng Ukraine xảy ra.

Viễn cảnh nước Nga thời hậu Putin
Dưới thể chế mà Putin đang góp công gầy dựng, quá trình dân chủ dường như không phải là chìa khóa để hiểu được những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Putin đã khôi phục những đặc tính thời Liên Xô trong cơ cấu chính phủ, và dùng cả từ “Bộ Chính trị” (“Politburo”) cho những nhóm nội các bên trong. Tất nhiên đây là nhóm những người được Putin đích thân chọn lựa và được cho là sẽ trung thành với ông ta. Nhưng nếu nhìn lại “Bộ Chính trị” kiểu Liên Xô, những người đồng sự thân cận thường là những kẻ đáng sợ nhất.
Mô hình Bộ Chính trị được thiết lập để giúp nhà lãnh đạo tập hợp đồng minh từ các bè phái. Putin rất giỏi việc này, và cũng rất thành công trong những gì ông đã làm cho đến nay. Tuy nhiên, khả năng gắn kết mọi thứ của Putin sẽ giảm đi khi niềm tin với khả năng đó suy giảm, và khi các phe cánh bắt đầu tìm cách ra tay do lo ngại về việc tiếp tục gắn kết với một lãnh đạo đang thất thế. Giống như Khrushchev, người từng thất bại trong chính sách kinh tế và đối ngoại, Putin cũng có thể bị chính đồng sự của mình phế truất.
Thật khó để biết một cuộc khủng hoảng thừa kế sẽ xảy ra thế nào, khi mà quá trình thừa kế theo hiến pháp tồn tại song song với chính phủ không chính thức của Putin. Xét theo lập trường dân chủ, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Thống đốc Moscow Sergei Sobyanin cũng được lòng dân như Putin, và tôi đoán là họ sẽ sớm được ủng hộ nhiều hơn nữa. Nếu xét theo kiểu tranh giành quyền lực thời Xô Viết, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov và Chủ tịch Hội đồng An ninh Nicolai Patryushev cũng là những đối thủ tiềm năng. Nhưng vẫn còn có những người khác nữa. Rốt cục, có mấy ai dự đoán được sự nổi lên của Mikhail Gorbachev?
Những nhà chính trị gặp sai lầm trong tính toán và điều hành thì cuối cùng khó mà tồn tại được. Putin đã toan tính sai ở Ukraine, khi không dự đoán được sự sụp đổ của một đồng minh, để không phản ứng được một cách hiệu quả rồi sau đó là gặp cú vấp nặng nề khi cố gắng tái diễn cuộc đảo chính. Việc điều hành kinh tế của Putin gần đây cũng không có gì đáng kể. Các đồng sự của ông tin rằng họ có thể làm tốt hơn, và giờ đây có những người quan trọng ở châu Âu sẽ vui mừng nếu ông mất chức. Putin phải nhanh chóng đảo ngược tình hình, nếu không ông có thể bị thay thế.
Putin vẫn còn lâu mới hết thời. Nhưng ông ta đã điều hành trong suốt 14 năm, tính cả lúc Dmitri Medvedev chính thức nắm quyền, và đó là một quãng thời gian dài. Putin có thể khôn khéo phục hồi lại chỗ đứng, nhưng theo tình hình hiện nay, tôi đoán là những suy nghĩ âm thầm đang dấy lên trong đầu những đồng sự của ông ta. Chính Putin mỗi ngày phải cân nhắc lại những lựa chọn của mình. Việc lùi bước trước phương Tây và chấp nhận nguyên trạng ở Ukraine quả là khó khăn, khi xét đến việc Kosovo ngày trước đã tạo bệ phóng quyền lực cho ông cũng như những phát biểu của ông về Ukraine trong nhiều năm qua. Nhưng không có gì chắc chắn về tình hình hiện tại. Nước bài ẩn trong tình huống này là nếu Putin nhận thấy mình đang gặp rắc rối nghiêm trọng, ông ta có thể trở nên càng hung hăng hơn. Tôi không thể chắc chắn liệu Putin có gặp rắc rối thật sự hay không, nhưng đó là một khả năng khi mà gần đây có quá nhiều thứ xảy ra bất lợi với ông ta. Cũng như trong bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào, những lựa chọn ngày càng cực đoan sẽ được xem xét khi tình hình diễn tiến xấu đi.
Những ai từng nghĩ rằng Putin là nhà lãnh đạo Nga áp bức và hung hăng nhất thì nên xem lại vì điều này không đúng. Ví dụ, Lenin rất đáng sợ. Nhưng Stalin càng tệ hơn. Tương tự, rồi đến một lúc nào đó, thế giới sẽ nhìn lại thời Putin như một giai đoạn phóng khoáng tự do. Nếu cuộc tranh đấu giữa một bên là Putin để sống sót và bên kia là những kẻ thách thức để thay thế ông ta trở nên gay gắt hơn thì khả năng là tất cả các bên sẽ càng sẵn lòng trở nên ngày một tàn nhẫn hơn.
Bản gốc tiếng Anh: Geo-Political Weekly (Stratfor)


Mỹ đưa Trung Quốc ra WTO
            Hoa Kỳ cho rằng hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới 'cạnh tranh công bằng' 
Hoa Kỳ thách thức Trung Quốc ở Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) về việc Trung Quốc trợ giá xuất khẩu đối với bảy ngành công nghiệp, AP đưa tin.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói hôm thứ Tư 11/02 cho hay Trung Quốc chọn một số công ty xuất khẩu làm “cơ sở điển hình” và được nhận các dịch vụ miễn phí hoặc được giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp.
Hoa Kỳ nói Trung Quốc mỗi năm trả cho các nhà cung cấp gần một tỉ USD trong ba năm để cung ứng những dịch vụ này.
Các ngành được hỗ trợ là sản xuất dệt may và quần áo, các công ty vật liệu tiên tiến và kim loại, các hãng công nghiệp nhẹ, nhà sản xuất hóa chất đặc biệt, chế biến dược phẩm và các doanh nghiệp nông sản.
Hoa Kỳ cho rằng việc trợ giá vi phạm nguyên tắc của WTO:
“Nếu là một doanh nghiệp dệt may được chỉ định làm cơ sở điển hình, họ có thể được trợ cấp cho dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ thiết kế sản phẩm và trợ giá dịch vụ đào tạo cho nhân viên, hướng dẫn công nghệ quay sợi và công nghệ dệt,” Đại diện phòng Thương mại Hoa Kỳ, ông Micheal Froman được AP dẫn lời nói.
“Tất cả các dịch vụ này, được cung cấp miễn phí hoặc giảm giá, gây ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh công bằng.”
Hoa Kỳ gửi hồ sơ lên WTO sau khi tiến hành điều tra việc Trung Quốc trợ giá cho các nhà xuất khẩu xe hơi và phụ tùng xe hơi.
Tổng thống Obama đang tìm kiếm ủng hộ cho thỏa thuận thương mại TPP, không bao gồm Trung
Trong một thông cáo hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Trung Quốc nói họ “lấy làm tiếc” về quyết định của Hoa Kỳ và sẽ đáp trả theo đúng quy trình giải quyết tranh chấp của nhóm này, theo tin trên Wall Street Journal hôm 12/02.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói sẽ cố gắng giàn xếp được với Trung Quốc ở WTO, và nếu thất bại, Hoa Kỳ có thể yêu cầu WTO phân xử tranh chấp.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, nhấn mạnh thêm căng thẳng giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Wall Street Journal viết, năm 2014, Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ tổng cộng 467 tỷ USD, và Hoa Kỳ gửi 124 tỷ hàng hóa sang Trung Quốc, là khoản thâm hụt kỷ lục, số liệu của U.S. Census Bureau.
Vụ việc xảy ra trong lúc chính phủ của Tổng thống Obama tìm kiếm ủng hộ cho một thỏa thuận mậu dịch đầy tham vọng với 11 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam nhưng không bao gồm Trung Quốc được biết tới như thỏa thuận TPP.
Xét về xuất khẩu dệt may của Việt Nam, một trong các mặt hàng chiến lược, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt gần 24,5 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết năm 2015 được đánh giá là năm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Tp HCM mới đây cho hay khi đàm phát TPP hoàn tất và Việt Nam tham gia ngành dệt may Việt Nam được hưởng lợi nhiều, cụ thể kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020.
Vitas cũng đã có công văn kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Được biết hàng loạt doanh nghiệp từ các nước (đa phần từ Trung Quốc) đã sang Việt Nam đầu tư, đón đầu cơ hội TPP

Ván cờ vây Biển Đông
Thứ năm 12/02/2015 08:57
Hình ảnh vệ tinh được tạp chí tin tức quốc phòng HIS Jane’s phân tích, cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa để xây dựng một sân bay dài 3.000m với cảng có thể neo đậu tàu chở dầu và tàu chiến lớn. Đây không phải là hành động đầu tiên, mà là hành động mới nhất trong chuỗi hành động cải tạo đất mà Trung Quốc đang tiến hành ở cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vậy mục tiêu cuối cùng của các dự án cải tạo này là gì? Phương Tây thường coi cuộc chơi của các quốc gia là một ván cờ vua, nhưng giải mã động thái của Trung Quốc bằng cờ vua sẽ không chính xác, bởi Trung Quốc có trò chơi riêng của họ ở Biển Đông: cờ vây.
Cờ vây được biết đến nhiều hơn ở phương Tây với tên gọi bằng tiếng Nhật là cờ go, là trò chơi cờ bàn cổ nhất của Trung Quốc. Trong cờ vua có chiếu tướng thì cờ vây, như tên gọi của nó, là trò chơi bao vây. Trong cờ vây, không có quân, vua, hậu hay tốt, chỉ có những viên đá giống nhau mà sức mạnh của chúng phụ thuộc vào vị trí được sắp xếp trong nhóm lớn hơn. Nếu cờ vua là một trận chiến của các đội quân, thì cờ vây là một cuộc vật lộn giữa các dạng hình thể. Trong khi kỳ thủ cờ vua xuất sắc tiêu diệt sức mạnh vật chất của kẻ thù, thì kỳ thủ cờ vây lại cố gắng giành quyền kiểm soát các vị trí chiến lược mà từ đó, sức mạnh dựa trên vị trí này sẽ lan tỏa.
Nếu Biển Đông được coi là một bàn cờ vua, thì quân cờ mạnh nhất là căn cứ tàu ngầm tên lửa hạt nhân dưới nước tại Du Lâm ở bờ Nam của đảo Hải Nam. Tuy nhiên, căn cứ này không nằm trong các khu vực tranh chấp. Các lực lượng chính mà Trung Quốc tung ra ở Biển Đông hiếm khi là lực lượng quân đội, mà chủ yếu là các tàu đánh cá và các tàu vũ trang hạng nhẹ. Và đối tượng trọng tâm của cuộc tranh chấp là những bãi đá nhỏ, cằn cỗi và thường chìm dưới mặt nước.
Rõ ràng khi nhìn vào ván bài này từ góc độ cờ vua, thì như một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ đã nói: “các cường quốc không gây chiến vì những hòn đá”, Trung Quốc chỉ đang đi những quân tốt. Nhưng trong mắt của người chơi cờ vây, điều mà Trung Quốc đã làm ở Biển Đông là một ví dụ kinh điển về cách thức làm chủ lối chơi này. Mục tiêu tối thượng là giành được quyền kiểm soát khu vực. Chiến dịch để đạt được mục tiêu phụ thuộc vào sự bành trướng dần dần, chứ không phải là các trận chiến lớn. Sự bành trướng này là công cuộc kéo dài diễn ra trong nhiều thập kỷ. Phù hợp với chiến lược này là các chiến thuật ưa thích như cắt lát salami và ngoại giao cây gậy nhỏ. Logic cơ bản là dịch chuyển dần dần mọi thứ theo hướng có lợi cho sự thống trị của Trung Quốc bằng cách kín đáo điều khiển sự bố trí chiến lược của khu vực.
Chiến lược này cần đến một số yêu cầu, mà mỗi một yêu cầu được xây dựng trên cái còn lại. Yêu cầu đầu tiên là tránh các cuộc tấn công vũ trang công khai càng nhiều càng tốt; có thể khởi xướng xung đột, nhưng chỉ nhằm lợi dụng một tình huống có lợi đang tồn tại. Hai là kiểm soát phần lớn các vị trí chiến lược trên biển: nếu chưa sở hữu được thì phải bí mật chiếm giữ các vị trí này nếu có thể và trong phạm vi một cuộc xung đột có giới hạn nếu cần thiết. Ba là xây dựng các vị trí này thành các điểm kiểm soát mạnh mẽ, các trung tâm hậu cần sôi nổi và các căn cứ triển khai sức mạnh hiệu quả.
Lịch sử can dự của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông đã tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu này. Trong khi sẵn sàng tham gia đối đầu quân sự, Trung Quốc thường tránh sử dụng các trận chiến vũ trang quy mô lớn để mở rộng phạm vi kiểm soát. Suốt 6 thập kỷ qua, trong vô số nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành giật các vùng lãnh thổ mới, chỉ có 2 lần liên quan tới các cuộc xung đột vũ trang. Lần đầu diễn ra vào tháng 1.1974 với Việt Nam Cộng hòa và kết thúc với việc Trung Quốc chiếm giữ nửa phía Tây của Quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Lưỡi Liềm từ tay Việt Nam Cộng hòa. Cuộc xung đột vũ trang thứ hai nhỏ hơn nhưng không kém phần đẫm máu - chống lại nước Việt Nam thống nhất tại bãi đá Gạc Ma vào tháng 3.1988.
Điều đáng nói là hai cuộc đối đầu đều diễn ra vào thời điểm xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khu vực, lần đầu là sự rút lui của Mỹ và lần thứ hai là Nga. Trong cả hai sự kiện, Trung Quốc đều có được tín hiệu đèn xanh từ Mỹ, bên tham gia mạnh mẽ nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Kết quả là các cuộc đụng độ quân sự với Việt Nam hầu như không gây ra những hậu quả về ngoại giao.
Yêu cầu thứ hai được phản ánh rõ nét trong việc lựa chọn địa điểm chiếm đóng của Bắc Kinh tại các khu vực tranh chấp. Khi Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam về chỗ đứng ở quần đảo Trường Sa năm 1988, họ đã đánh đổilượng lấy chất. Trung Quốc chiếm giữ 6 bãi đá so với con số 11 của Việt Nam. Nhưng 5 trong 6 bãi đá đó là những cấu trúc chiến lược nhất của quần đảo này.
Lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là đá Chữ Thập, một trong những bãi đá đẹp nhất của quần đảo Trường Sa xét về mặt vị trí và khả năng cải tạo đất. Bãi đá này chiếm giữ một vị trí lý tưởng ở cửa ngõ phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong số ít đảo ở Trường Sa nằm ở chỗ giao cắt của phần lớn các tuyến đường vận chuyển xuyên đại dương đi qua Biển Đông. Vị trí không quá xa nhưng cũng không quá gần với các nhóm đảo khác khiến cho Đá Chữ Thập giảm bớt được khả năng dễ bị tổn thương và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó. Ngoài những lợi thế này, đá Chữ Thập có diện tích 110km2, một trong những cấu trúc lớn nhất quần đảo Trường Sa.
Bốn trong 5 vị trí còn lại, gồm các bãi đá Xubi (Subi Reef), đá Ga Ven (Gaven Reef), đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và đá Châu Viên (Cuarteron Reef) - nằm ở rìa của 4 nhóm đảo khác nhau, mà từ đây Trung Quốc có thể kiểm soát một khu vực biển rộng lớn cũng như các tuyến đường chủ chốt tiến vào quần đảo Trường Sa. Hai cấu trúc địa hình mà Trung Quốc chiếm giữ sau đó cũng có những giá trị chiến lược to lớn. Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) mà Trung Quốc bí mật chiếm được từ Philippines vào cuối năm 1994 hoặc vào tháng 1.1995, nằm ở trung tâm cách phía đông quần đảo Trường Sa và gần với các tuyến đường biển chạy dọc theo phía đông Biển Đông, bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc chiếm năm 2012 bằng chiến lược ngoại giao cây gậy nhỏ và ngoại giao hai mặt, nằm ở góc đông bắc Biển Đông và là một tiền đồn lý tưởng để giám sát các tuyến đường vận tải chính đi qua khu vực này.
Với quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough và một số vị trí chiến lược tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có lợi thế hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác biệt trong việc kiểm soát cái mà Robert Kaplan mô tả là yết hầu của các tuyến đường biển toàn cầu. Chẳng hạn như đảo Phú Lâm (cấu trúc lớn nhất ở Hoàng Sa), đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn và bãi cạn Scarborough hình thành nên chòm sao 4 điểm mà từ đó, chỉ với bán kính 250 hải lý, có thể giúp kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
Điều này có nghĩa là tất cả những gì Trung Quốc phải làm để trở thành chúa tể của Biển Đông là phát triển các cơ sở này thành những căn cứ vững chắc mà có thể đem lại cả sự hỗ trợ hậu cần cho vô số tàu đánh cá, tàu chính phủ, tàu ngầm và máy bay để thống trị vùng trời và vùng biển khu vực này, lẫn một số vị trí để thiết lập các khu vực lớn về an ninh và kinh tế.
Đây chính xác là những gì mà Bắc Kinh đang thực hiện. Từ một bãi cát không người ở cách đây 60 năm, đảo Phú Lâm hiện có 1.000 cư dân, cả quân sự lẫn dân sự. Các cơ sở phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự gồm có một sân bay dài 2.700m với một đường băng và một đường bộ song song, có khả năng chứa được 8 máy bay thế hệ thứ 4 hoặc nhiều hơn thế, chẳng hạn như máy bay chiến đấu Su-30 MKK, máy bay ném bom JH-7 và một cảng nước sâu 1.000m có thể cho tàu 5.000 tấn hoặc hơn neo đậu.
Xuôi xuống phía nam quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc đã và đang tiến hành ồ ạt các dự án xây dựng để biến các bãi đá mà nước này chiếm đóng thành các hòn đảo. Theo quan chức tình báo hàng đầu của Đài Loan Lee Hsiang-chou, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phê chuẩn các kế hoạch cải tạo đất để xây dựng các căn cứ quân sự trên 5 hòn đảo nhỏ này, gồm đá Châu Viên, đá Gạc Ma, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) và đá Chữ Thập.
Dự án có sức ảnh hưởng lớn nhất trong số những dự án xây dựng này là ở đá Chữ Thập. Từ một bãi đá chìm tự nhiên, đá Chữ Thập sẽ sớm trở thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Sau dự án cải tạo đất hiện nay, với diện tích đất dự kiến là 2km2, nó sẽ lớn gấp 4 lần đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, đảo Ba Đình, do Đài Loan nắm giữ. Diện tích được mở rộng này sẽ cho phép xây dựng trên đá Chữ Thập một sân bay dài 3.000m, một cảng biển nước sâu, các trạm radar, cũng như chứa một số tên lửa tầm trung đến tầm xa, nhà kho và cơ sở hạ tầng dịch vụ khác có khả năng hỗ trợ hàng trăm tàu đánh cá, tàu tuần tra, tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Với các hòn đảo có vị trí chiến lược và đang được mở rộng, Trung Quốc có tiềm năng hơn bất kỳ một cường quốc nào trong việc giành ưu thế không quân và hải quân tại Biển Đông. Dù vẫn còn một chặng đường dài phải đi, nhưng cũng không khó tưởng tượng ra trong hai thập kỷ tới Bắc Kinh sẽ “rải đầy” các căn cứ hùng mạnh trên Biển Đông, kéo dài từ quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây Bắc cho đến bãi Vành Khăn ở phía Đông Nam, và từ bãi cạn Scarborough ở Đông Bắc cho tới đá Chữ Thập ở phía Tây Nam.
Phải chăng chiến lược bành trướng dần dần này của Trung Quốc là không thể chặn đứng? Mặc dù tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) đã được ký kết giữa Trung Quốc và các nhà nước ASEAN vào năm 2002, hầu như không đem lại lý lẽ gì để phong tỏa các địa điểm xây dựng, nhưng những nhà nước muốn duy trì nguyên trạng vẫn có thể cử các quan sát viên quốc tế tới thẩm tra việc xây dựng và gia tăng sức ép ngoại giao nhằm thuyết phục Trung Quốc ngừng thi công.
Một cách khác có thể thách thức chiến lược cờ vây của Trung Quốc là bắt chặt các bước đi Trung Quốc. Cụ thể, bước đầu tiên, Việt Nam có thể hợp tác với Ấn Độ tiếp cận các cơ sở hải quân ở vịnh Cam Ranh, và Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân tại Đà Nẵng - hai trong số những vị trí chiến lược nhất của Việt Nam dọc bờ Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn không lưu ý đến thông điệp này, thì biện pháp đối phó ban đầu này có thể được tăng cường gấp đôi bằng cách đề xuất cho quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ và Nhật Bản tiếp cận cảng Cam Ranh và Đà Nẵng, mà từ đây họ có thể tuần tra Biển Đông. Cuối cùng, nếu Trung Quốc vẫn quyết tâm biến Biển Đông thành ao nhà, thì một liên minh mạnh mẽ giữa Việt Nam, Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ là cần thiết để điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực.
Đại chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là một chiến lược thông minh lợi dụng điểm yếu của các chiến lược dựa trên các trận chiến lớn, hai ví dụ trong số đó bao gồm cả khái niệm tác chiến trên không - trên biển, khái niệm tác chiến hàng đầu của Mỹ nhằm loại bỏ các khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc, và lựa chọn thay thế chủ yếu của nó, khái niệm Kiểm soát ngoài khơi. Nhưng chiến lược bành trướng dần dần này còn lâu mới hoàn hảo. Nó có thể bị phá hỏng nếu Mỹ, Việt Nam và một số cường quốc khu vực khác cũng thạo thuật cờ vây như Trung Quốc.

Theo daibieunhandan.vn/National Interest

 

Chào Năm Mới 2015, Triển Vọng và Tiễn Đưa Năm Cũ

Tác giả: Nguỵ Kinh Sinh. Người dịch: Lê Minh Nguyên
31-1-2015
H1
Mọi người đều ưa thích tiên đoán những sự việc sẽ xảy ra, nhưng tôi không có tài năng đó. Tôi không có khả năng tiên đoán về một tuơng lai xa, vì vậy tôi sẽ chỉ nói về những triển vọng mà tôi nghĩ cho năm tới. Nhìn chung, tiên đoán đòi hỏi rất nhiều thông tin và dữ liệu, đó là phạm vi của các chuyên gia và học giả. Tương tự, đó cũng là nhu cầu cho các công việc của những nhà sử học, nhưng theo cái hướng ngược lại.
Các nhà sử học nói về những gì đã xảy ra; nhưng thường thiếu các sự kiện và phải dựa trên số liệu giai thoại mà nó đòi hỏi rất nhiều ở sự suy đoán và luận cứ. Vì vậy, điều tự nhiên là, ít đáng tin cậy để tiên đoán tương lai dựa trên những sự kiện quá khứ và các dữ liệu mà chất lượng chưa được xác nhận.
Vì vậy, tôi thường không tin những người tiên đoán dựa theo sự kiện và dữ liệu viện dẫn, nhưng nghiêng nhiều hơn về phía những người đưa ra triển vọng (thay vì tiên đoán) dựa trên kinh nghiệm và trực giác. Ngoại suy/extrapolate các xu thế lớn mà nó có thể xảy ra, có lẽ sẽ may mắn cho ra kết quả trúng.
Trong những năm gần đây của các vấn đề Trung Quốc, những sự kiện ý nghĩa nhất bao gồm các phong trào dân chủ ở cả Đài Loan và Hồng Kông. Một số người sẽ không đồng ý. Họ sẽ nói động thái lớn nhất là Tập Cận Bình đang tiến tới việc cũng cố chế độ độc tài vững chắc hơn. Nhưng đó là sự thay đổi chính trị trên một đường ray bình thường, vì vậy không nên được coi là một sự kiện lớn. Sở dĩ như vậy vì động thái này không đáp ứng được những tiên đoán mà vài nhóm ưu tú/elites mơ ước, và tổn thuơng niềm tự hào của họ. Cho nên, đối với các nhóm ưu tú này, họ xem đó như là điều lớn nhất thì không đáng ngạc nhiên.
Những người khác vẫn sẽ từ chối để chấp nhận những điều tôi nêu ra. Họ sẽ nói rằng Đài Loan đã là một nền dân chủ, vì vậy không còn có phong trào tranh đấu cho dân chủ. Bình luận như thế tạo ra một sai lầm to lớn. Dân chủ là hệ thống cách mạng liên tục và phong trào liên tục, được định chế hoá cho công việc đổi mới và hoàn thiện. Sau khi Hoa Kỳ trở nên độc lập và thiết lập một hệ thống dân chủ hơn hai trăm năm trước đây, nó đã có đổ máu và thậm chí cách mạng cùng nội chiến. Cho nên, chúng ta thấy thực tế của sự tiến bộ, điều này làm cho nó trở nên một mô hình tốt của thế giới.
Mặc dù Đài Loan được biết đến như là một chế độ dân chủ ổn định, tổng thống đầu tiên của chính quyền dân chủ này bị vào tù, theo sau là một tổng thống mới, không chỉ di chuyển gần hơn về phía Trung Quốc đại lục độc tài, mà còn liên tục cho ra các loại vũ khí kiểu ám sát, làm cho mọi người nghi ngờ ông có ý định đi về hướng toàn trị. Mặc dù so với Tập Cận Bình ông không thành công, nhưng những động thái của ông thì đủ để làm cho mọi người sợ hãi và lo ngại rằng tương lai dân chủ đang bị đe dọa ở Đài Loan.
H1May mắn thay, hệ thống dân chủ ổn định có chức năng tự làm mới. Phong Trào Sinh Viên Hoa Hướng Dương (The Sunflower Student Movement) huy động sự phấn khích của toàn xã hội do bất mãn. Không chỉ nó ngăn cản Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-Jeou) trong việc tiếp tục di chuyển gần với chế độ độc tài ở đại lục, mà còn làm cho Quốc Dân Đảng thua trong cuộc bầu cử rất quan trọng giữa nhiệm kỳ, do đó buộc ông Mã phải thả cựu tổng thống Trần Thuỷ Biển (Chen Shuibian) để thích ứng với thông lệ quốc tế và khôi phục lại niềm tin của quần chúng.
Tình hình của Hồng Kông thì khó khăn hơn. Nó không có dân chủ, nhưng chỉ có hệ thống pháp luật và hệ thống bán-dân chủ do người Anh để lại. Sau nhiều năm bị thiệt hại và bị làm suy yếu bởi Đảng Cộng sản, hệ thống pháp luật ở Hồng Kông đã xuống cấp đến mức gần giống với hệ thống của Trung Quốc đại lục dưới chế độ Cộng sản. Hệ thống chính trị Hồng Kông là hệ thống bán-độc tài mà người Anh đã để lại cho chế độ Cộng sản. Dưới sự lãnh đạo của cánh tả ái quốc, người dân Hồng Kông âm thầm chấp nhận kết quả này.
Từ lịch sử như vậy, người ta có thể nhìn thấy sự phức tạp của nó như thế nào, trong những nguời gọi là dân chủ ở Hồng Kông. Nó không đủ để chỉ dựa vào những người này để chiến đấu chống lại Đảng Cộng sản. May mắn thay, thế hệ trẻ ở Hồng Kông có được một nền giáo dục cởi mở hơn, với những thông tin cũng đủ cởi mở. Những người trẻ này ít bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng truyền thống Trung Quốc như trung thành, ái quốc, thực dụng và ít bị Cộng sản tẩy não, do đó họ có khả năng lãnh đạo ngọn thủy triều đang dâng cao.
Có những người khá thiển cận và các agents Cộng Sản, sẽ nói rằng Cách Mạng Dù ở Hồng Kông đã thất bại. Đây là một sai lầm to lớn. Trong thực tế, giống như những cuộc cách mạng dân chủ ôn hòa ở hầu hết các nước, cuộc cách mạng này đã tạo được ảnh hưởng trong khi không bị đàn áp bởi lực lượng vũ trang. Nó đã tạo ra được các điều kiện cho việc liên tục của phong trào, duy trì được áp lực cho các chiến dịch tiếp theo.
Quan trọng nhất là những người tham gia đã không rút lui. Họ đã giữ chặc được lý tưởng và duy trì được niềm tin của những người ủng hộ. Niềm tin này không chỉ là niềm tin của người dân Hồng Kông tự phát phấn đấu để có phổ thông đầu phiếu thực sự, mà còn là niềm tin của nguời dân Trung Quốc đại lục chống chế độ độc tài của Đảng Cộng sản. Người dân ở Trung Quốc đại lục không chỉ được thấy các cuộc đấu tranh điển hình, mà cũng còn thấy sự yếu kém của Đảng Cộng sản và do đó làm gia tăng sự tự tin của họ.
Những yếu kém này của ĐCS là gì? Đó là những đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo Cộng sản. Không thể có chuyện một chế độ tham nhũng và độc tài mà không có đấu đá nội bộ. Khi tham nhũng đã đạt đến một bước ngoặt, chống tham nhũng đã trở thành điều không thể được. Đó là vì hầu hết giai cấp quan liêu đều đã vượt quá mức án tử hình ở Trung Quốc; chống tham nhũng tới giai cấp này thì chỉ có thể chống tham nhũng một cách có chọn lựa.
Nếu có một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng thực sự, thì tình trạng sẽ là quan chức nổi loạn chống các quan chức. Cả giai cấp quan chức sẽ ngừng đấu đá nội bộ và đoàn kết lại để nổi loạn, tương đương với một cuộc nội chiến. Có thể nó sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến thực sự, trái ngược với các dạng đảo chánh khác nhau mà thuờng cho ra các kết quả tương đối khiêm tốn. Vì vậy, Tập Cận Bình thực ra không dám có một chiến dịch chống tham nhũng thực sự.
Đa số các nhà quan sát đã không thức tỉnh từ mơ uớc hảo huyền của mình, và do đó đã không để ý đến hai hành động chính mà Tập Cận Bình đã thực hiện. Một là để lấy lòng những nguời cánh tả bằng cách tấn công những nguời cấp tiến; thứ hai, hình thành chính sách tối ư quan trọng của ông là chống lại việc thành lập các phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản.
Như một quy tắc chung, khi Đảng Cộng sản vận động chống lại sự hình thành các phe phái, thì đó chính là lúc các phe phái đã được nhanh chóng hình thành, với sự đe dọa đến các đỉnh cao của quyền lực. Điều gì có thể làm cho các quan chức, tuy ăn chia không đồng đều các mối lợi tham nhũng, bây giờ lại có thể cùng nhau đoàn kết để chống lại một kẻ thù chung? Đó chắc chắn không phải cái gọi là thế lực thù địch của những nhà dân chủ; cũng không phải cái được gọi là liên minh quốc tế chống Trung Quốc; cũng không phải là các nhóm tôn giáo như Pháp Luân Công, Thiên chúa giáo, hay tương tự.
Những mối đe dọa này thì vẫn còn quá xa. Cái mối đe dọa gần nhất là Vuơng Kỳ Sơn (Wang Qishan), kẻ muốn đưa các quan chức tham nhũng vào tù, và Tập Cận Bình, nguời ủng hộ ông Vuơng. Cả hai ông Tập và Vuơng sẽ không bị lừa vì bản thân họ là những bậc thầy về mặt lừa đảo người khác. Những gì Đảng Cộng sản tuyên bố là kẻ thù chỉ là những mục tiêu giả. Các mục tiêu thực là những quan chức tham nhũng. Hơn nữa, không ai biết mình không có tên trong danh sách đen của chống tham nhũng có chọn lọc này.
Tập Cận Bình hiện đang ở vào một tình thế khó xử tương tự như cưỡi trên lưng một con hổ. Ông ta sẽ mất sự hỗ trợ lớn, thậm chí còn nhanh hơn, nếu ông không thực hiện chiến dịch chống tham nhũng. Kết quả sẽ là tất cả mọi người trở thành kẻ nổi loạn tựa như Trần Thắng (Chen Sheng) và Ngô Quảng (Wu Guang) – những nông dân nổi dậy thời Trung Quốc cổ đại. Nguợc lại, Tập sẽ mất sự ủng hộ của các quan chức nếu ông thực hiện chiến dịch chống tham nhũng. Sẽ có cán bộ dũng cảm hơn Bạc Hy Lai (Bo Xilai) và Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua) để khởi xướng một cuộc đảo chính trong chính phủ và thậm chí nổi loạn một cách bất ngờ với những binh sĩ. Trung Quốc thực sự là một con bệnh nan y.
Có những kẻ nịnh bợ luôn nói rằng Tập đang chơi cờ trên một quy mô lớn. Hai trụ cột chính chống đỡ Tập là thế hệ thứ hai của cộng sản đỏ và những nguời thờ Mao bên cánh tả. Nó thực sự như vậy, đây là thực tế mà các nhà quan sát đã thấy. Thế hệ thứ hai của Cộng Sản đỏ có mối quan hệ lịch sử với Tập, trong khi những nguời thờ Mao bên cánh tả có một khối lớn cảm tình viên trong giới quần chúng kém may mắn. Chiến lược của Tập Cận Bình là dựa vào hai nhóm này để tranh đấu chống các quan chức tham nhũng cứu Đảng Cộng sản.
Các sự kiện lớn sẽ nổ ra năm nay có lẽ sẽ xuất phát từ đây. Có rất nhiều nguời cộng sản của thế hệ thứ hai. Tuy nhiên, những người có quyền lực và tiền bạc là các quan chức tham nhũng và trục lợi cho mình. Liệu họ sẽ ủng hộ một chiến dịch chống tham nhũng và trở lại những lý tưởng cộng sản? Ở trụ cột kia, những nguời thờ Mao bên cánh tả thì thực sự hết sức chống đối những kẻ tư bản đang nắm quyền. Cho nên, tôi không lạc quan về ván cờ tuớng mà Tập Cận Bình đang chơi. Hãy để cho ông ta chơi cho đến khi sụp đổ chế độ độc tài này. Đây là những gì chúng ta thực tình hy vọng. Cảm ơn ông Tập.

 

 

Trung Quốc và nguy cơ kinh mạch nghịch hành trong năm con Dê

Published on February 9, 2015   ·   No Comments
“Đóng cửa hậu, mở cửa trước” đang là khẩu hiệu được giới chức Trung Quốc sử dụng chính thức cho chiến dịch cải cách tài chính, ước tính sẽ kéo dài trong hai thập kỷ tới, để giải quyết tình trạng nợ công và lành mạnh hóa hệ thống tài chính của nước này.

Trung Quốc và nguy cơ kinh mạch nghịch hành trong năm con Dê
Thế giới đang trải qua những ngày giông tố khi cuộc chiến tiền tệ toàn cầu ngày càng leo thang với một tốc độ chóng mặt, kéo theo hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn lao vào một cuộc chạy đua chính sách tỉ giá.
Nhưng, vẫn còn một cuộc chiến tiền tệ khác, cũng phức tạp không kém và thậm chí có thể đánh sập một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đó là cuộc chiến tiền tệ của Trung Quốc trong lĩnh vực nợ công.
Nếu như cả thế giới đang lao theo chính sách tỷ giá như những con bạc, thì Trung Quốc lại đang phải đối mặt với những hệ lụy tài chính từ canh bạc phát triển kéo dài 3 thập kỷ vừa qua của mình, những hệ lụy đang được ví với một đỉnh Everest mới.
Cuối cùng, sau rất nhiều lời cảnh báo từ các học giả trong nước và các chuyên gia quốc tế về nguy cơ của khối nợ công khổng lồ có thể nổ tung bất cứ lúc nào, Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình để giải quyết cục máu đông khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc này.
“Đóng cửa hậu, mở cửa trước” đang là khẩu hiệu được giới chức Trung Quốc sử dụng chính thức cho chiến dịch cải cách tài chính, ước tính sẽ kéo dài trong 2 thập kỷ tới, để giải quyết tình trạng nợ công và lành mạnh hóa hệ thống tài chính của nước này.
Một kế hoạch đầy tham vọng nhưng được dự báo sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Nội dung chủ đạo của chiến dịch cải cách tài chính này sẽ theo đúng nội dung câu Slogan đầy khoa trương mà Bắc Kinh đưa ra, theo đó chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức thắt chặt và đi đến đóng cửa khả năng tiếp cận các nguồn tài chính “ngoài luồng” của chính quyền các địa phương ở nước này, vốn được gọi bằng cái tên “cửa hậu” và nắn luồng tài chính được chính phủ kiểm soát đến rót trực tiếp cho các địa phương, vốn được Bắc Kinh gọi là “cửa trước”.
Mục đích chủ đạo của động thái này, được giới phân tích gọi vui, là cai sữa cho các địa phương của Trung Quốc, thay vì để các địa phương tự do tiếp cận các nguồn vốn tài chính vốn là nguyên nhân chủ đạo gây ra khoản nợ công đồ sộ hiện nay của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nếu như trước đây hàng chục ngàn các thành phố, quận huyện và thị trấn Trung Quốc được tự do đi tìm bầu sữa tài chính để phát triển kinh tế ở địa phương thì giờ đây họ sẽ chỉ được phép bú từ bầu sữa do Bắc Kinh chỉ định mà thôi.
Điều này bắt nguồn từ cuộc cải cách tài chính lớn nhất ở Trung Quốc diễn ra vào giữa những năm 90, khi đó đồng thời với quá trình mở cửa, thủ tướng Trung Quốc khi ấy là Chu Dung Cơ đã khôi phục quyền kiểm soát tài chính công cho chính phủ trung ương.
Theo đó, các địa phương không được giữ lại một phần ngân sách để phát triển, mà phải nộp toàn bộ cho Bắc Kinh, sẽ được nhận lại một phần tùy theo tính toán của nhà nước.
Điều này dẫn đến một sự bất mãn lớn, khi mà các địa phương phải chi trả đến 80% tất cả các chi phí của chính phủ, như trường học, bệnh viện và hệ thống giao thông trong khi chỉ nhận được khoảng 50% chi phí cần thiết. Gọng kìm càng được xiết chặt hơn khi Bắc Kinh cấm các địa phương vay tiền từ các ngân hàng hoặc tự phát hành trái phiếu để trang trải cho khoản thiếu hụt.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách kiểm soát tài chính công của thủ tướng Chu Dung Cơ bề ngoài là thiết lập trật tự và sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc, nhưng thực chất lại là nguyên nhân chủ yếu trực tiếp phát sinh đủ mọi tệ nạn của hệ thống tài chính nước này.
Bị cấm vay tiền từ ngân hàng và phát hành trái phiếu, chính quyền các địa phương tìm cách lách luật bằng cách thỏa thuận ngầm với các công ty tài chính đang mọc lên như nấm ở Trung Quốc trong giai đoạn đó để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Theo đó, các công ty cung cấp tài chính cho chính quyền địa phương, đổi lại sẽ được nhận những ưu đãi lớn từ phía chính quyền như đất đai hay các cơ hội đầu tư. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng, rửa tiền và hàng loạt các hoạt động tài chính mờ ám khác ở các địa phương của Trung Quốc.
Không một ai kiểm soát các hoạt động phần lớn là không công khai này trong suốt gần ba mươi năm Trung Quốc mở cửa, và khi Bắc Kinh nhận ra vấn đề để bắt đầu thống kê tổng số nợ mà các địa phương đã vay thì mọi chuyện đã quá trễ.
Theo ước tính của văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc, tổng số nợ của Trung Quốc tính đến giữa năm 2013 là 17900 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 2.800 tỉ USD, tăng 63% kể từ năm 2010 trong khi mức mở rộng kinh tế trong khoảng thời gian này chỉ đạt 40%. Thâm hụt ngân sách của Trung Quốc cũng đạt mức kỷ lục là 5% GDP.
Giới phân tích đánh giá mức nợ công thực của Trung Quốc cao hơn nhiều con số mà Bắc Kinh công bố, ít nhất là gần gấp đôi. Chỉ khi nợ công của nền kinh tế thứ hai thế giới sắp chạm mốc 60% thì Bắc Kinh mới vội vã kiểm kê và đưa ra các chính sách kiểm soát chặt chẽ như vậy.
Phần lớn các học giả trong nước và chuyên gia quốc tế đều tỏ ra nghi ngờ về triển vọng của chương trình cải cách tài chính mà Bắc Kinh vừa đưa ra. Kiểm soát chặt chẽ luồng vốn luân chuyển ở các địa phương Trung Quốc giờ đây còn khó hơn lên trời.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống tín dụng ngầm đã có ba mươi năm tồn tại và đóng vai trò là kênh tín dụng chính thức để phát triển kinh tế ở các địa phương. Dù Bắc Kinh không công khai thừa nhận nhưng ai cũng hiểu việc chính quyền các địa phương tự huy động vốn chính là chìa khóa cho sự phát triển cao độ của kinh tế Trung Quốc, với nền tảng là tăng trưởng kinh tế ở các vùng miền của nước này, chứ không phải là do khả năng điều hành của chính phủ.
Bắc Kinh đã để mặc cho hệ thống tín dụng ngầm đó hoạt động và thu lợi từ nó, và giờ đây khi thấy nó vượt khỏi tầm kiểm soát thì mới vội vã tìm cách kiểm soát. Giới phân tích cảnh báo, một sự xiết chặt hệ thống tài chính một cách thiếu cân nhắc có thể sẽ khiến các địa phương của Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do luồng luân chuyển tài chính bị đứt gãy. Nói theo cách của những tác giả tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc là dễ có nguy cơ rơi vào cảnh “kinh mạch nghịch hành”.
Theo Một Thế Giới

09-02-2015 15:39

Trung Quốc xử bắn anh em đại gia quặng mỏ

media
Lưu Hán (Liu Han) cựu chủ tịch Tập đoàn khai thác quặng mỏ Hán Long.REUTERS/Stringer/Files

Bị xem là có quan hệ với Chu Vĩnh Khang, nhà tỷ phú Lưu Hán cùng em trai Lưu Vĩ và ba thuộc hạ đã bị hành hình ngày hôm nay 09/02/2015. Đại gia Trung Quốc, một thời được ô dù của đảng Cộng sản Trung Quốc bao che bị quy tội « sát nhân »  « cầm đầu một băng đảng xã hội đen ».
Theo Tân Hoa xã, Lưu Hán (Liu Han), em trai Lưu Vĩ (Liu Wu) và ba tòng phạm đã bị hành hình tại Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc. Tòa án Hàm Ninh (Xianning) cho biết cả năm tử tù đã bị xử bắn cùng một lúc sau khi đơn chống án đã được xem xét và bị bác bỏ.
32 tòng phạm khác lãnh án tù
Là một đại gia giàu có và nhiều thế lực, Lưu Hán thành lập tập đoàn Hán Long bao trùm nhiều lãnh vực từ du lịch cho đến khai thác quặng mỏ. Năm 201, tập đoàn Hán Long vươn ra quốc tế với kế hoạch mua lại đại công ty tài nguyên thiên nhiên của Úc Sundance Resources với giá 1 tỷ đôla nhưng vào giờ chót Lưu Hán không huy động được tiền. Năm 2013, Lưu Hán bị bắt. Theo báo chí Trung Quốc nhà tỷ phú bị nghi ngờ rửa tiền bất chính ở các sòng bạc Macau và có liên hệ với nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền cụ thể là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang thời bấy giờ.
Cũng theo báo chí nhà nước Trung Quốc, em trai của Lưu Hán là Lưu Vĩ cầm đầu một băng xã hội đen, đã nhận lệnh của người anh hạ sát ít nhất 8 đối thủ ở tỉnh Tứ Xuyên, thành trì của Chu Vĩnh Khang, bí thư tỉnh ủy, trước khi lên nắm ngành công an. Chu Vĩnh Khang, đối thủ chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình, hiện nay đang bị quản thúc và bị điều tra tội tham nhũng.

Trên 20 “quan bà” xài một phi công!

Ngày 9.2, theo thông tin từ tờ Đa Chiều (TQ), dư luận từ lâu đã đồn thổi đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) trở thành “hậu cung” của các dâm quan, tham quan Trung Quốc. Nhiều biên tập viên, phóng viên ngoại hình ưa nhìn của đài này đã bị ép quan hệ với các dâm quan để đổi lấy tiền đồ chính trị tại đài truyền hình quốc gia. Tuy nhiên gần đây truyền thông lại đổ dồn sự chú ý vào một biên tập viên nam điển trai, tên là Nhuế Thành Cương.
nhue_thanh_cuong_2
Đa Chiều cho hay, Nhuế Thành Cương đang bị dư luận gán cho biệt danh “phi công công cộng”, bởi anh được cho là đã phục vụ hơn 20 quan bà với vai trò người tình của họ.
Trong thời gian đỉnh cao của sự nghiệp biên tập viên, Cương đã được phỏng vấn nhiều chính khách và người nổi tiếng, trong đó có Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Có nguồn tin cho biết, khi Nhuế Thành Cương bị điều tra đã khóc lóc sụt sùi khai rằng, bà Cốc Lệ Bình, phu nhân của ông Lệnh Kế Hoạch khi còn là Chánh văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng ép Cương “quan hệ”, trong chuyện này Nhuế Thành Cương là người bị hại.

coc_le_binh
Tin đồn bà Bình (ảnh) cặp bồ với Cương đã lan truyền rộng rãi từ trước khi chồng bà, ông Lệnh Kế Hoạch bị bắt để điều tra tham nhũng, mặc dù Cương kém bà Bình gần 20 tuổi, bình thường ra ngoài họ vẫn gọi nhau là chị – em. Ngày nay, những câu chuyện đồn thổi về mối tình “chị – em” này vẫn có thể tìm thấy trên các trang mạng ở Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh kiểm soát internet rất kỹ.
Nhưng khi bị thẩm vấn, Nhuế Thành Cương đã khai mình “phục vụ” trên 20 mệnh phụ phu nhân và cho biết còn giữ cả những đoạn video, hình ảnh mây mưa của mình với vợ các quan chức. Sau khi Cương bị bắt, đã có 28 mệnh phụ phu nhân gọi điện sang Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương can thiệp giúp đỡ.
Tuy nhiên theo Đa Chiều, những ông chồng quan chức bị cắm sừng đã kiên quyết trừng trị Nhuế Thành Cương bằng cách khép cho anh tội làm gián điệp, bán bí mật quốc gia nhằm “giết người diệt khẩu” chứ không chấp nhận chuyện mình bị cắm sừng.
Vì vậy số phận của anh chàng MC đẹp trai này coi như đã bị định đoạt.
VK


Đập Tam Hiệp thách thức sự tồn vong của nước Tàu
To: 



Đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) hay còn gọi là Đập Tam Vực, là đập lớn nhất thế giới được Trung Quốc xây cất hoàn thành vào năm 2009. Đây là một công trình kỷ thuật cao độ có sự cọng tác của nhiều chuyên gia trên thế giới và là một kiến trúc khổng lồ chưa từng thấy, đã gây tranh cãi nhiều nhất thời hiện đại, đã di dời hơn 1,000,000 dân Trung Quốc vùng này, và nhận chìm nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Quốc, cũng như nhiều di tích lịch sử trong biển nước mênh mông đập nầy tạo ra. 


  Nhưng Đập Tam Hiệp vĩ đại này cuối cùng có thể trở thành một Sai Lầm vĩ đại.
  Theo bản tường trình của phóng viên Sanya Khetani trên tờ Business Insider thì khi Đập Tam Hiệp được hoàn thành vào vào năm 2006, hầu hết mọi người dân TQ tin rằng nó sẽ đền bù lại xứng đáng cho sự tổn thất mà nó đã gây ra khiến cho 1.4 triệu dân phải bỏ làng bỏ thành thị để di cư nhường chỗ cho cái đập này, rằng nó sẽ đáp ứng được cơn đói năng lượng ngày càng gia tăng tại TQ. Nhưng những cầu mong của họ đã không được hồi đáp.

Sáu năm sau ngày hoàn thành thì chính quyền lại tuyên bố rằng thêm 100 ngàn dân nữa phải di dời chỗ ở vào những năm tới, kể cả 20 ngàn phải di tản ngay trong năm 2012 vì nạn đất chuồi gia tăng quanh vùng của đập nước (theo báo cáo của Reuters.)

Đập Tam Hiệp được xây cất tại vùng Tam Đẩu Bình, của lưu vục Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc là một trong ba nhánh của sông Dương Tử (tức Trường Giang, sông dài thứ 3 trên thế giới) .

  
Flickr/Pedro Vásquez Colmenares (Source: ctg.com.cn)
Đó là một nhà máy thủy điện lớn nhất trên thế giới


Wikimedia Commons/Le Grand Portage/Rehman

Đập cao đến 600 bộ, dài 1.4 dặm có 286 cổng thoát nước và lưu giữ một hồ nươc lớn và dài 400 dặm, có một hệ thống 25 turbines phát . (Nguồn: The New York Times)

Trong khi con số kinh phí công bố chính thức là $23 tỷ, nhưng các chuyên gia quốc tế tin rằng con số đó phải cao gấp 2 lần.

AP (Source: The New York Times).
Công trình phải mất hơn 10 để hoàn thành.


Getty Images/China Photos
Kế hoạch này đã được khởi xướng bởi ông Tôn Dật Tiên, nhưng chỉ đến năm 1994 mới khởi công và được hoán tất vào năm 2008. (Source: the BBC)

Nó nhắm vào tiêu chuẩn là phải sản xuất trên 18,000 MW điện lực mỗi năm . 


Getty Images/China Photos
Đó la lượng điện năng lớn hơn gấp 8 lần năng xuất của Đập Hoover của Hoa Kỳ nhưng chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu điện năng của TA. (Source: Scientific American). Đống thời nó cũng nhắm vào mục đích ngăn chặn nạn lụt thường xuyên xảy ra trong vùng. 


Getty Images/ChinaFotoPress (Source: PBS)
Công trình này cũng giúp gia tăng số lượng hàng hóa vận chuyển trên sông lên thấu 50 triệu tấn mỗi năm, tức gấp 3 lần trước khi có đập. 
Getty Images/China Photos (Source: China Daily)
                 Nhưng hệ thống đập thủy điện này đã có những vấn đề lớn ngay từ khi khởi công.



Getty Images/China Photos
Khoảng 1.4 triệu người đã bi đẩy ra khỏi chốn cư trú của họ khi việc xây dựng đập băt đầu, gồm 13 thành phố, 140 thị trấn và 1,350 làng xã đã bị nước phủ chìm khi lượng nước trong hồ dâng cao với sức chứa là 40 tỷ mét khối. (Source: The New York Times)
 Và trong vòng 3 đến 5 năm tới, thêm 100 ngàn dân sẽ bị đẩy đi nơi khác vì nạn đất chuồi và lở bờ.


AP (Source: the BBC)
Nạn đất chuồi và những thiên tai khác đã gia tăng lên 70% kể từ khi hố chứa tích đầy nước kể từ năm 2010. 


Getty Images/China Photos
Sức nặng khủng khiếp của lượng nước trong hồ cọng thêm với mức nước lên xuống theo mùa đã khiến cho bờ sông hết vững chắc theo thông tin của đài BBC. (Source: AP)
 Nhiều người cho rằng đập thủy điện này đã tạo ảnh hưởng trong cuộc động đất ở Tứ Xuyên trong năm 2008 khiến 87,000 người chết dù rằng chính quyền bác bỏ nguồn tin này..
AP (Source: AP)
Có 1,300 địa điểm khảo cổ đã bị chìm khuất dưới nước..
Getty Images/China Photos
trong số đó có các di tích cỗ còn sót lại của giống người “Ba” đã từng cư ngụ trong vùng này 4,000 năm trước, theo tin của CNN. (Source: PBS)
Đập thủy điện này càng làm cho nạn hạn hán tại TQ vào năm 2011 thêm trầm trọng.

Flickr/Euclid vanderKroew

Theo tờ The New York Times cho biết thì dù chưa có bằng chứng cụ thể nhưng những chỉ trích đều cho rằng đập thủy điện đã khiến cho mức phân phối nước bị giảm đi ở các vùng hạ lưu khiến người dân trong những vùng đó không kiếm ra nước uống trong thời gian hạn hán kể từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2011 uary-April 2011,. Thông tấn xã tỉnh Tứ Xuyên cho biết số người bị ảnh hưởng hạn hán lên tới 10 triệu người. Nạn hạn hán này được cho là tệ nhất trong vòng 50 năm qua. (Source: Nature)
 Nạn hạn hán đã làm tắt nghẻn thủy lộ ở hầu hết những điểm được cho là thuận lợi của Đập: Các tàu thuyền bị mắc cạn và miền trung và miến đông của TQ bị thiếu hụt điện.
Getty Images/Andrew Wong (Source: Nature)
 Các chuyên gia về môi trường nói rằng hồ chứa của đập đã tích lủy rác rến của các thành phố và các nhà máy.
Getty Images/China Photos

Trên 265 tỷ gallons nước cống được thải vào sông Dương Tử hàng năm và giờ đâu chúng lại tập trung vào hồ chứa thay vì trôi xuống vùng hạ lưu và ra biển. Tuy nhiên theo tin của NPR thì chính quyền xác định rằng các nhà máy xử lý nước cống đã kiểm soát được nạn ô nhiểm này. (Source: PBS)
 Nhưng cuối cùng thì chính quyền phải thừa nhận rằng có nhiều vấn để phát sinh trong năm 2011,tức 5 năm sau khi đập thủy điện được xây dựng.

 Quốc vụ Viện của Trung Quốc nói rằng họ đã biết về một số vấn đề đó ngay trước khi xây đập cách đây 17 năm, trong khi một số vấn đề khác đã được phát sinh kể từ đó bởi vì “tình hình kinh tế và xã hội đã tạo ra những đòi hỏi mới”. Nhưng, tuy với những thừa nhận chậm trể này, đập thủy điện vẫn luôn tạo vấn đề tranh cải. Một phần ba tổng số các nghị viên đã bỏ phiếu phản đối đập thủy điện này hoặc tránh né bàn cải đến. (Source: the BBC). Nhưng Trung Quốc vẫn muốn xây dựng thêm nhiều đập thủy điện nữa.
Getty Images/China Photos

Có nhiều dự án xây một loạt đập thủy điện trên một đoạn sông trong vùng thượng lưu sông Dương Tử mà nếu cọng lại thì lượng nước tích trử sẽ lớn gấp hai hồ chứa nước của Đập Tam Hiệp. Nhưng theo tin của AP, không những vùng này thường bị địa chấn, mà dự án này còn khiến cho Đập Tam HIệp bị thiếu hụt nước..

Những dự án khác gồm cả xây dựng nhiều đập dọc dòng sông Nu (tức sông Salween chảy xuyên từ Tây Tạng qua Trung Quốc, Miến Điện và Thái Lan)và ở thượng nguồn sông Mekong, nhưng theo tin của Foreign Policy thì đó là những dự án tai hại cho môi trường và sinh vật hiếm ở dọc các sông nầy (Source: Nature)

Ở trong thời bình thì Đập Tam Hiệp đóng góp rất tích cực cho sự phồn thịnh của nhân loại, nhưng ở trong thời chiến tranh với nhiều va chạm quyền lợi thì nó trở nên một mối đe dọa cho nước TQ vì nếu địch quân nhắm vào việc phá hủy chiếc đập này ắt sẽ gây tai họa khủng khiếp cho TQ.


Vì sao ? Dưới đây là những lý do:

 
- Trong khi tsunami (sóng thần) do thiên nhiên tạo ra, phát xuất từ đại dương tràn vào lục địa gây ra sự tàn phá và chết chóc kinh hoàng cho một vùng dân cư rộng lớn (như đã xảy ra ở Nam Duơng, Thái Lan, Nhật Bản trong quá khứ gần đây) .. thì ngược lại, ở Đập Tam Hiệp có thể tạo ra hiện tượng tsunami do con người gây nên khi phá hủy đập này.
Vì tham vọng mà mù quáng mà người Tàu đã tạo thù oán với thế gìới và chỉ cần một hành động nhỏ của kẻ địch là khối tsunami ở đập Tam Hiệp sẽ ào ra.
Hiện tượng nầy sẽ tàn phá và chết chóc cho TC trong khoảnh khắc từ 5,10 giây cho đến 30 phút là xong tất cả !!
Sẽ không có một sức lực nào trên thế gian có thể cưỡng lại hay ngăn chận được cơn sóng thần do đập vỡ tạo ra.
- Hằng trăm triệu dân Tàu sẽ bị cuốn ra biển Đông theo con sông Dương Tử rộng lớn.
- 1/3 nước Tàu – vùng thịnh vượng nhất – mà dân cư sinh sống sẽ bị chôn vùi trong nước lụt... Các di tích lịch sử mà TC thường hãnh diện với thế giới hằng ngàn năm qua, sẽ tan biến trong nước lũ.
- Hằng ngàn thành phố lớn nhõ sẽ bị ngập lụt..- Hằng chục ngàn nhà máy kỹ nghệ, xưỡng, hãng sản xuất hàng để xuất cảng sẽ bị tàn phá, ngập nước và sẽ bị trôi di mất tang mất tích.
- Hằng trăm ngàn làng mạc, lớn nhỏ sẽ bị nước từ hồ chứa của Đập Tam đổ xuống làm ngập lụt.- Hàng chục ngàn tàu bè thương mãi, kỹ nghệ, du lịch sẽ bị tan tành vì hằng triệu tấn nước đỗ xuống hằng giây .. nhận chìm chúng trước khi tống chúng ra Biển Đông ..
- Nền kinh tế của TQ.. bỗng dưng khựng lại .. hệ thống xuất cảng trong bao năm qua ..mặc nhiên trở thành hệ thống nhập cảng mọi mặt để cho dân chúng xử dụng. Nạn đói sẽ hoành hành trong quốc gia mang mộng xâm lược này..- Trung cọng sẽ không còn ngóc đầu lên nỗi.
Từ trước đến nay, TC cứ tưởng là công trình xây cất Đập Tam Hiệp là khôn ngoan, là nguồn cung cấp điện năng lớn lao nhất thế giới của TC, cực kỳ rẽ tiền, tiện lợi cho kỹ nghệ sản xuất, nhưng với sự tính toán của các chiến lược gia HK cũng như Á châu thi Đập Tam Hiệp có thể trở thành của nợ ..duy trì nó thì lợi bất cập hại mà tháo gỡ nó là không thể được ..
Nếu tình hình thế giới căng thẳng do mộng xâm lăng của Trung Cọng tạo nên thì Đập Tam Hiệp (Trung cọng) sẽ trở thành mục tiêu – con tin vĩnh viễn -- cho Hoa Kỳ.
Nếu Hoa Kỳ không lợi dụng quan điểm chiến lược nầy thì sẽ trở nên chàng khỗng lồ khờ khạo nhất thế giới. Nhưng liệu nếu có chiến tranh thực sự thì Hoa Kỳ có đánh sập Đập Tam Hiệp không ?
Thiết nghĩ chiến tranh của thế kỷ 21 sẽ không nhằm gây tai họa cho dân lành cho nên các nhà chiến lược chỉ để Đập Tam Hiệp trong tầm nhìn chiến lược dự phòng thôi chứ không mang ra thực hiện, cũng giống như kho vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ có thừa sức để hủy diệt bất cứ quốc gia nào nhưng họ sẽ không bao giờ đem ra xữ dụng mà chỉ để trưng bày như thánh vật nhằm răn đe.
Thiết nghĩ chiến lược hiện nay, khi nhắm triệt hạ chính quyền của một nước là … thay vì giết dân của nước đó làm cho chính quyền mất đi nhân lực thì trái lại, các chiến lược gia chỉ nhắm vào kinh tế và tâm lý của người dân, họ sẽ cấm vận đối với chính quyền đó, sẽ khiến cho tâm lý của người dân ghét bỏ chính quyền của họ và tự động đứng lên tố cáo và đạp đổ nó mà thôi. Theo chiến lược này, thế giới tự do không muốn trở thành kẻ thù của nhân dân một nước nào cả, mà là trở thành bạn hữu, nếu nhân dân của một nước muốn triệt hạ chính quyền của họ thì thế giới tự do sẽ đóng vai một người bạn của dân tộc đó (chứ không phải thù gây chiến tranh và chết chóc) đứng ở ngoài giúp đỡ dân tộc này chống lại chính quyền thù địch của họ, giúp họ hiểu rằng đó là một chính quyền đáng ghét và bất tài, gây nghèo đói cho dân và đang tạo nhiều thiệt thòi cho dân. Chỉ bao giờ người dân trong một nước hoàn toàn ngu muội theo phe của chính quyền để chống lại thế giới tự do thì lúc đó mới là trường hợp cần phải xử dụng đòn phép cuối cùng là tàn phá đất nước của họ vì … cả chính quyền lẫn nhân dân của nước đó đều xứng đáng bị trừng phạt bởi họ luôn nuôi dưởng cơn mộng xâm lăng làm bá chủ thiên hạ và ức hiếp và nô lệ hóa các nước lân bang .
Chính quyền Trung Quốc biết rõ sự mong manh của họ đối với nhân dân, nếu họ càng ra tay đàn áp thì họ càng dễ bị lật đổ, vì thế họ phải hết sức lấy lòng dân, họ vuốt ve dân bằng “chủ nghĩa Đại Hán”, xúi dân tộc Tàu kiêu ngạo và hãnh diện với sức mạnh của Trung Quốc hiện tại, và khi dân Đại Hán đã kiêu ngạo rồi thì thế giới khó lòng mở trí cho họ biết được sự sai trái của họ. Và dân tộc Hán cùng với chính quyền Cọng Sản TQ sẽ cùng nhau gánh vác tội lỗi xâm lăng của họ và chịu sự trừng phạt xứng đáng của thế giới tự do.
Với chiến lược khôn ngoan của thế giới tự do (đặc biệt là Hoa Kỳ) muốn trở thành bạn của các dân tộc và luôn đứng cạnh những dân tộc bị đàn áp để giúp đỡ chống lại cường quyền thì… những chính quyền đàn áp dân (như chính quyền Việt Cọng hiện nay) sẽ mặc nhiên trở nên một chướng ngại đầy ngu dốt trước mắt người dân, vì càng đàn áp nhân dân của mình, thì dân mình càng ghét bỏ mình và tiếp đó là sẽ người dân sẽ ngãnh mặt để hoan nghênh tiếp đón bàn tay giúp đỡ của thế giới để đánh lại họ.
Việt Nam tuy không có chiếc đập thủy điện nào tích chứa lượng nước lớn đáng để đánh phá, nhưng chính sự đàn áp của chính quyền đối với dân Việt đã là một chiếc đập khổng lồ tích lũy sự căm hờn của dân tộc, và chắc chắn chiếc đập chứa căm hờn này sẽ vỡ ra trong những ngày sắp tới để quét sạch bọn chính quyền khốn nạn ra ngoài biển Đông để chúng bơi lội vẫy vùng với bọn cá mập ngoài đó.

Điền Phong

Dấu ấn Việt Nam

qua những con đường ở Pháp

Tường An, thông tín viên RFA, Paris
2015-02-08
Quyển sách «  Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp »Quyển sách Dấu ấn Việt Nam 

Gần 100 năm đô hộ, dấu tích của người Pháp đã ghi lại ở Việt Nam là tên những con đường, địa danh mà giờ đây hầu như không còn nữa. Và ngược lại, nhiều tên đường ở Pháp cũng gợi lên những  hoài niệm về một nước thuộc địa bên kia bờ Thái Bình Dương. Nhà văn Trần Thu Dung đã thu thập gần như đầy đủ những dấu tích đó qua quyển sách «  Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp ».  Thông tín Viên Tường An có cuộc phỏng vấn với nhà văn Trần Thu Dung về quyển sách này.
Sinh ra tại Hà nội, nhưng hơn nửa cuộc đời đã đi du học và làm việc tại Roumanie, Bỉ, Pháp... Chọn nước Pháp làm nơi định cư từ năm 1987. Bà Trần Thu Dung là tác giả của nhiều quyển sách khảo cứu như « Chữ viết ở Việt Nam , Đạo Cao đài và Victor Hugo, Hội Tam điểm…v.v… « Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp là cuốn sách song ngữ  mới nhất mà bà Trần Thu Dung  nguyên giáo sư trường sư phạm Hà nội, trường văn Nguyễn du vừa mới xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây
Quyển sách này là tập hợp của nhiều kiên trì, công phu và một phương pháp làm việc khoa học ; .
Bà phải mất 3 năm để tích luỹ tư liệu và kiểm chứng thông tin, mất 6 tháng để hoàn thành.
Quyển sách xuất bản cuối năm 2014 như một món quà tình cờ cho 40 năm quan hệ Pháp Việt. « Một sáng kiến tuyệt vời làm nhịp cầu thân ái nối kết hai dân tộc Việt- Pháp » như Giáo sư Nguyễn Thái Sơn ghi nhận.
Ngoài những hoài niệm về một thời huy hoàng của giấc mơ thuộc địa qua 71 tên con đường, địa danh có chữ  Indochine ( Đông dương) và 65 con đường mang tên Tonkin (Bắc kỳ), cũng có những dấu ấn mang đậm chất Việt Nam như rue Viêt (phố Việt) , place Cho Lon (quảng trường Chợ Lớn) , rond point Saigon (bùng binh Sài gòn)…v.v…
Bên cạnh những trình bày rất khoa học như chụp hình bản đồ những con đường, kèm theo những đường link dẫn chứng, phân loại  danh mục những con đường..v.v.. hơi hướm Hà Nội trong tác giả Trần Thu Dung vẫn thoảng qua trong cách gọi « đường » bằng « phố » như đường Việt ( rue Việt), đường Tonkin ( rue Tonkin) được gọi là phố Việt, phố Bắc kỳ..v.v…
Tường An : Thưa bà Trần Thu Dung, bắt đầu câu chuyện, xin bà có thể cho biết từ đâu mà bà có ý tưởng thực hiện cuốn sách này ?

Trần Thu Dung: Cái ý tưởng này nảy sinh cách đây 3 năm khi tôi nhận được bạn bè gửi 1 cái đường link về Đỗ hữu Vị. Rồi cứ tình cờ thấy đâu, đi chơi tôi bắt gặp những cái tên Annam, Tonkin, Tôi nảy ra ý định ghi chép toàn bộ tên đường thành một tư liệu.  Hơn nữa tôi từng sống ở VN, chứng kiến những tên phố thay đổi nhiều, như trường tiểu học tôi học nằm  ở đường Huyền Trân Công Chúa, sau vài năm đổi thành Bùi Thị Xuân, Ga hàng cỏ thành ga Hà nội, phố hàng cỏ, thành đường Nam Bộ, bây giờ là Đường Lê Duẩn, Hàng Bột thành đường Tôn Đức Thắng…. Sài pgòn sau 1975 một loạt tên phố cũng rất có ý nghĩa như Tự do, Công Lý cũng đổi tên. Ở Pháp sau cách mạng cũng một số đường đổi tên như đường thầy tu, thầy dòng bị đổi tên thành đường Voltaire, JJ Rousseau. Tên đường phố có gắn liền đến lịch sử chính trị của từng giai đoạn của mỗi nước. Vì thế nếu không ghi chép lại có thể cũng bị mất khi có sự kiện lớn khác xảy ra. Nên tôi nghĩ phải ghi chép lại để có một bằng chứng về một thời kỳ lịch sử nhất định. »
Tên đường phố có gắn liền đến lịch sử chính trị của từng giai đoạn của mỗi nước. Vì thế nếu không ghi chép lại có thể cũng bị mất khi có sự kiện lớn khác xảy ra. Nên tôi nghĩ phải ghi chép lại để có một bằng chứng về một thời kỳ lịch sử nhất định
Trần Thu Dung
Tường An : Được biết bà đã tích luỹ tài liệu từ rất nhiều năm về trước, Để có được gần 200 tên đường thì khó khăn lớn nhất của bà khi thực hiện quyển sách này là gì ?

Trần Thu Dung : Khó khăn thực hiện cuốn sách này :
- Không phải tên đường nào cũng cập nhật trên mạng.
- Tên riêng  VN cũng như chữ quốc ngữ có dấu : như Son Tây, Hai phong : - Cách viết rất khác nhau : không có đánh dấu, khi thì viết dính liền, khi thì viết rời, khi thì gạch ngang, khi có dấu, chưa kể lúc có lúc Haiphong (d’ và de), chữ đ, d tiếng Pháp viết đều là d : dang (đặng, có khi là dang N) Đó là cái khó khăn về ngôn ngữ , đó cũng là lý do vì sao tôi để tiếng Pháp nguyên vẹn và dùng 2 ngôn ngữ để người Pháp cũng tra cứu được.
- Kiểm chứng thông tin : Định vị chính xác ở đâu. Có nhiều đường không có trên bản đồ. Tôi phải mất khá nhiều thời gian : gọi điện cho tòa thị chính, hãng bất động sản, phòng mạch, tra tên trên nhiều site khác nhau vì một số hẻm, bùng binh quá nhỏ, hay mới có.
Ví dụ phố Đỗ Hữu Vị, tôi phải gọi điện đến tòa thị chính để kiểm chứng. Hoặc tôi tìm trên mạng bằng cách đánh tất cả tên các tỉnh lớn ở VN hay nhắc trong lịch sử xem có hiện ra không, nhưng có khi hiện ra là quảng cáo bán nhà của hãng bất động sản, tôi loay hoay tìm trên mạng không có thế là đành gọi điện hỏi hãng bất động sản. Nhiều khi thông tin cho cũng sai, và không có trên mạng như Hua bổn Hòa, người ta khẳng định 100% đã đến phố đó, ở nơi đó nhưng họ lại cho nhầm là bùi văn hòa, tôi loay hoay 3 ngày, và sau tôi tra danh sách phố của cả tỉnh đó….
- Cái khó khăn nữa là : Tìm nguyên nhân vì sao đặt tên người đó cho con đường : như hứa bổn hòa, Đặng N … là ai ( phố đặng (phố nha đặng)
Nói chung phải kiên nhẫn, nhưng rất lý thú khi tìm được những tên phố bất ngờ như Cao Bằng, Lạng sơn….là một sự bất ngờ đối với tôi.
Tường An : Xin bà cho biết  chính quyền Pháp căn cứ vào tiêu chuẩn hay phương pháp nào để chọn một sự kiện, một nhân vật, một địa danh Việt Nam để đặt tên cho một con đường ?
Trần Thu Dung : Tiêu chí chọn tên con đường ở Pháp chủ yếu là vinh danh những con người, cho một xã hội tự do, dân chủ và bác ái, ca ngợi nghệ thuật và khẳng định giá trị của nền Cộng hoà. Có những kỷ niệm gắn liền với lịch sử nước Pháp , thí dụ như Tonkin, Indochine (Đông Dương) thí dụ như đường Đống đa, kỷ niệm sự kết nghĩa giữa Choisy le roi và quận Đống Đa Hà nội từ 1974. Những trận chiến thắng lớn, kỷ niệm thời hoàng kim thuộc địa : Son Tây, Bac ninh..v.v..
Điều tôi khâm phục là người thua cũng dám nhận mình thua, thí dụ: Cao Bằng, Điện Biên Phủ … Cái đó đau đớn của người Pháp, nhưng họ vẫn đặt tên
Trần Thu Dung
Có rất nhiều tiêu chí, nhưng chủ yếu là vinh danh và cảm ơn những người có công đối với thành phố và nhân loại : Hua Bổn Hòa, Maximilien Phung. Tên phố như 1 tượng đài kỷ niệm những đồng đội ngã xuống trong chiến tranh.
Nhưng mà dù sao, người ta cũng đặt tên chung chung thôi, như là An nam, Tonkin, Hà Nội, có cả đường Sài gòn nữa.
Bao giờ người ta cũng ca ngợi chiến thắng, không bao giờ người ta ca ngợi sự thất bại cả, thành ra Điện Biên Phủ chí có một đường duy nhất thôi, mà ở rất xa, một nơi hẻo lánh.
Tường An : Như bà vừa nói :  Tiêu chí chọn tên con đường ở Pháp chủ yếu là vinh danh những con người, cho xã hội, vinh danh cho giá trị nền cộng hòa : tự do dân chủ bác ái…. » tuy nhiên, ở nước Pháp có những con đường mang tên Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trổi là những nhân vật mà đối với một số người có thể là người có công, những với một số người thì lại có tội, tại sao có những con đường mang tên Hồ Chí Minh, Nguyễn văn Trổi  mà không là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh hay một nhân vật lịch sử nào khác ?

Trần Thu Dung : Để trả lời câu hỏi này là một đề tài nghiên cứu dài. Tôi nghĩ trong một cuộc chiến tranh nào thì dù thắng hay thua hai bên đều có nỗi đau, đều mất mát, hy sinh hết và tất nhiên bên thua thì đau đớn hơn nhiều. Và tên đường thể hiện sự bao dung, nhân đạo và khát vọng hoà bình. Điều tôi khâm phục là người thua cũng dám nhận mình thua, thí dụ : Cao Bằng, Điện Biên Phủ … Cái đó đau đớn của người Pháp, nhưng họ vẫn đặt tên. Thì tại sao có những tên đường mang tên Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trỗi mà không có Phạm Quỳnh hay Bảo Đại hay Phan Bội Châu ? Tôi nghĩ tên danh nhân nào thì  bao giờ cũng có một Hội đồng bình chọn. Nước Pháp đặt tên đường bằng tên Việt Nam chỉ có sau 1954, trước đó không có. Người Pháp chỉ đặt tên cho những người có công cho nhân loại hoặc có công đóng góp cho thành phố như Hứa Bổn Hoà hay Đỗ Hữu Vị. Thế nhưng tại sao đặt tên đường cho Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trỗi ? Hồ Chí Minh thì đã rõ, bởi vì đây là một nhân vật lịch sử. Điều tôi khám phá ra là chỉ các đảo thuộc Pháp mới đặt tên đường Nguyễn văn Trỗi, Việt Nam anh hùng, theo tôi đó là ẩn chứa một khát vọng giành độc lập nhưng không thực hiện được như VN, nên họ khâm phục VN.
Ở nước Pháp, đảng Cộng sản khá mạnh, hầu như một số thì trưởng là người của đảng Cộng sản. Vành đai đỏ chung quanh Paris mang rất nhiều tên của người Cộng sản thí dụ như Lenine, Karl Marx…v.v… thì chuyện đặt tên Hồ Chí Minh hay Nguyễn văn Trỗi nó cũng nằm trong ý nghĩa đó.
Thú thực trước 1981 tôi không hề biết được làn sóng di tản lớn 1975 và 1979, vì thông tin bưng bít, chưa có internet, báo chí VIỆT NAM không đăng. Tôi đi du học trước 75. Tôi trở về và tham gia giảng dạy đại học. Nhưng báo chí không hề nhắc đến những cuộc di tản và những trại học tập
Trần Thu Dung
Tường An : Năm nay, kỷ niệm 40 năm chiến tranh chấm dứt. Ở Pháp có tên những con đường, những địa danh mà những người đã từng là thuyền nhân tị nạn không tránh khỏi khó khăn để chấp nhận. Riêng bà, khi đứng trước một con đường mang dấu ấn Việt Nam, cảm giác của bà ra sao ?

Trần Thu Dung : Khi đứng trước những con đường mang tên VN, đầu tiên là tôi ngạc nhiên, dù sao VN từng là nước bị Pháp đô hộ, mà Pháp lại lấy tên Việt Nam đặt cho tên đường, thì tôi thấy đây là tinh thần bao dung và nhân đạo, tự do dân chủ của người Pháp. Người ta muốn quên đi một cuộc chiến tranh và vinh danh một cái gì đó , có khoảng 60 đường mang tên Đông Dương, khi đó thì tôi cảm thấy vinh dự, cảm thấy khâm phục. Có quyền tự hào về điều đó chứ !
Nhưng thú thực, tôi lại rất buồn. Tại sao tôi buồn khi chị hỏi tôi là « cảm giác gì ? » Bởi vì tôi nghĩ rằng : Dân tộc chúng ta anh hùng như thế, tự hào như thế, tại sao lại có làn sóng di tản lớn như thế ?
Thú thực trước 1981 tôi không hề biết được làn sóng di tản lớn 1975 và 1979, vì thông tin bưng bít, chưa có internet, báo chí VIỆT NAM không đăng. Tôi đi du học trước 75. Tôi trở về và tham gia giảng dạy đại học. Nhưng báo chí không hề nhắc đến những cuộc di tản và những trại học tập và tôi cũng không biết trại học tập đó là ở đâu nữa. Kể cả bố mẹ tôi cũng giấu tôi về mối quan hệ gia đình vì tôi sinh sau 1954. Cả hai cụ thân sinh tôi đều có anh chị em ruột trong Sài Gòn, và có con cháu vượt biên và nằm trong trại học tập ở ngay ngoài Bắc. Những cuộc đi thăm của vợ con, gia đình những người ở trại học tập khi đến nhờ gia đình tôi giúp đỡ, cũng được giấu kín vì sợ ảnh hưởng đến lý lịch và sự nghiệp của tôi chính vì thế tôi cũng chưa vào Sài Gòn. Chỉ có năm 1990 tôi mới được biết Sài Gòn là gì .
Tôi nói dài ra một chút để chị hiểu thêm tôi có cảm giác gì khi mà nhìn tên những con đường đó, cái đó là cái đau buồn.
Còn vấn đề 40 năm, 40 năm rồi mà chúng ta chưa có một đội ngũ giảng dạy thật giỏi, con đại gia thì gửi ra nước ngoài học và không muốn về, kể cả những ông đại sứ Việt Nam sau khi hết nhiệm kỳ cũng ở lại nước ngoài mà có ông đại sứ nào ở nước muốn ở lại Việt Nam đâu ?
Tại sao Việt Nam anh hùng như thế mà tại sao chúng ta lại phải ra đi ? Nhân cuốn sách này, tôi cũng muốn nói ngầm là không có một chính quyền, một chính sách nào hoàn hảo cả. Vấn đề là mình có thừa nhận những sai lầm của mình để vươn lên hay không ?  Dám đứng lên xin lỗi, nhận cái sai lầm của một giai đoạn nhất định.
Cám ơn bà Trần Thu Dung đã trả lời phỏng vấn cho đài Á Châu Tự Do.
Kính thưa quý vị,
Không phải đắn đo khi nhận định đây là một công trình nghiên cứu công phu và có giá trị về mặt tư liệu mà Patrice Jorland, chủ tịch Hội Ái Hữu Pháp-Việt gọi đó là « công việc quý của một thầy dòng chép sách »
Đóng quyển sách lại, người đọc cảm thấy khoảng cách hơn 10 ngàn cây số giữa hai nước Pháp và Việt như gần lại. Đã có 199 con đường ở Pháp mang tên Việt Nam, và con đường thứ 200 sẽ mang tên một địa danh nào hoặc sẽ vinh danh ai ?

Tổng Thống Barack Obama

 trồng cây Bồ Đề, chắp tay niệm Phật

 image010
Tổng Thống Barack Obama trong 3 ngày đi thăm viếng Ấn Độ, Chính phủ Ấn đã mời Tổng Thống Barack Obama trồng cây Bồ Đề tại vườn Lâm Tỳ Ni. Nghi thức trồng cây Bồ Đề là một hoạt động văn hóa truyền thống của Ấn Độ dành cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, hoặc cho những nhân vật hoạt động vì cộng đồng nhân loại. Việt Nam đã có hai nhân vật được Ấn Độ mời trồng cây Bồ Đề là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
image011
TT Obama đang tưới nước vào gốc cây Bồ Đề chính tay ông trồng.
image014 
image016
Sau đó, TT Obama chắp tay theo nghi lễ Phật giáo trước cây Bồ Đề dường như tưởng nhớ cách đây 2639 năm lúc Thái Tử Tất Đạt Đa đến Giác Thành, ngồi dưới gốc một cây Bồ-đề  Bồ Đề Đạo Tràng và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Sau 49 ngày đêm thiền định, mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu, Thái Tử Tất-Đạt-Đa đạt giác ngộ thành Phật ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch ở tuổi 35. Ngài quyết định chuyển Pháp luân. Phật giờ đây mang danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Hào quang tỏa ra từ thân Phật.


*


MÁT XA KỲ QUÁI

Thay vì sử dụng đôi bàn tay mềm mại và khéo léo của con người, người ta còn nghĩ ra nhiều liệu pháp mát-xa kỳ quái hơn với trăn, voi hay dao phay để phục vụ mục đích chữa bệnh cho các khách hàng ưa mạo hiểm


.

1. Mát-xa trăn ở Philippines

Nữ khách hàng gan dạ thử mát-xa bằng trăn Miến Điện khổng lồ.

Với ưu điểm có thể tác động sâu vào những mảng cơ nhức mỏi nhưng mát-xa trăn lại được coi là liệu pháp khá kinh dị, thử thách sự gan dạ của khách hàng. Mỗi khách hàng sẽ được trải nghiệm cảm giác để cho 4 con trăn Miến Điện khổng lồ dài 5m, với tổng trọng lượng lên tới 250kg trườn bò lên khắp cơ thể. Theo hướng dẫn của nhân viên, khách hàng không được hà hơi hay hét toáng lên vì các con trăn sẽ tưởng nhầm đó là con mồi mà tấn công.

Tuy nhiên, những con trăn được "tuyển dụng" thành "nhân viên mát-xa" đều là những con lành tính, không gây hại cho con người. Ban đầu, khách hàng thường có xu hướng sợ sệt chung nhưng chỉ một lần được trải nghiệm, họ đều cảm thấy hài lòng và thích thú.

Có nguồn gốc xuất xứ từ Philippinesmát-xa trăn đã chính thực được ra mắt tại Vườn thú Cebu thuộc thành phố Cebu của quốc gia này từ tháng 5/2014. Cho tới tháng 1/2015 vừa qua, dịch vụ mát-xa trăn mới chính thức trở thành dịch vụ đem lại doanh thu cho vườn thú.

2. Mát-xa dao phay ở Đài Loan

Nhân viên dùng dao băm nhẹ lên cơ thể khách hàng

Mát-xa bằng dao phay chặt thịt trên đầu và mặt khách hàng.

Đối với người dân thành phố Tân Trúc, phía Bắc Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), mát-xa dao phay là một hình thức trị liệu cổ truyền đã có lịch sử hơn 2.000 năm. Tuy nhiên, cho tới ngày nay, khách hàng vẫn có thể tìm tới phương pháp mát-xa dao tại thành phố lớn như Đài Bắc.
Dao phay bản to sau khi được mài sẽ được sử dụng làm công cụ để mát-xa trên cơ thể khách hàng. Động tác vỗ nhẹ hay miết cán dao có tác dụng lưu thông máu và thải độc tố đồng thời làm giảm cơn đau. Ngoài ra, người ta tin phương pháp trị liệu này còn có tác dụng chữa các bệnh mãn tính như khớp, cột sống, mất ngủ hay tiêu hóa...
Mặc dù trông có vẻ nguy hiểm nhưng mát-xa dao được đảm bảo là không để lại chấn thương trong quá trình trị liệu. Để quá trình diễn ra như mong đợi, khách hàng phải nằm bất động hoàn toàn theo chỉ dẫn của nhân viên mát-xa.

3. Mát-xa voi ở Thái Lan

Một du khách được trải nghiệm cảm giác mát-xa bằng vòi và chân voi.

Chỉ một bước hụt của "nhân viên mát-xa" khổng lồ thôi cũng có thể gây ra thương vong.

Để cho con voi nặng vài tấn "giày xéo" lên cơ thể quả là điều ít ai dám nghĩ tới nhưng thực chất, đó lại là một liệu pháp mát-xa giảm đau hữu hiệu tại một số thành phố lớn ở Thái Lan.
Trong đó, mỗi con voi có trọng lượng dao động từ 2 tới 5 tấn sẽ đảm nhiệm công việc mát-xa cho khách hàng. Qua quá trình huấn luyện, voi sẽ dùng vòi và chân để day lên từng phần trên cơ thể khách hàng.
Tuy nhiên, dù chỉ là một sơ suất nhỏ thôi, khách hàng cũng có thể bị chấn thương nghiêm trọng, dẫn tới tử vong. Vì vậy, mát-xa voi hiện vẫn đang được xem là một hình thức trị liệu trái phép tại quốc gia này.

4. Mát-xa tát ở Mỹ
Chuyên gia làm đẹp Tata Sombutham đang mát-xa tát cho một nữ khách hàng.

Thay vì dùng đôi tay mềm mại để xoa bóp, bà lang người Thái Lan Tata Sombutham lại sử dụng cách "vả bôm bốp" vào mặt khách hàng với lời đảm bảo có tác dụng làm săn chắc cơ mặt, thu nhỏ lỗ chân lông và xóa nếp nhăn. Salon làm đẹp của cô tại San Francisco đã thu hút được rất nhiều khách hàng ưa cảm giác mạnh ghé thăm.
Sombutham cho biết, cô từng được đào tạo tại Thái Lan. Bằng cách tát, nắn bóp và xoa vào các vùng da điều trị, cô khẳng định rằng, khách hàng sẽ có được làn da khỏe mạnh ngay lập tức.
Hiện nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh phương pháp trị liệu của Sombutham là có cơ sở nhưng y học vẫn thừa nhận, tát vào vùng da mặt có thể cải thiện lưu thông máu và làm da khỏe mạnh.

5. Mát-xa ốc sên

Một "nhân viên" ốc sên năng nổ đang mát-xa da cho khách hàng.
Cảm giác để cho một con vật mềm nhũn như ốc sên trườn bò trên mặt có lẽ sẽ khiến những người yếu tim như muốn ngất xỉu ngay tại chỗ. Thế nhưng, tại các spa làm đẹp trên thế giới, đây lại được coi là một phương pháp massage độc đáo có tác dụng làm giảm quá trình lão hóa da.
Chất nhầy sau khi được chiết xuất sẽ được làm sạch qua màng lọc rồi đem bảo quản lạnh. Khi ốc sên trườn bò trên mặt khách hàng, nhân viên của spa sẽ bỏ thêm chút muối vào dịch nhầy để làm tăng tính hiệu quả. Tuy nhiên, lượng muối này rất ít và không có khả năng gây hại cho ốc sên.
Theo các nhà nghiên cứu, dịch nhầy của ốc sên có chứa nhiều collagen, axit glycolic, kháng sinh và các hợp chất khác có tác dụng tái tạo tế bào da đồng thời làm lành vết thương. Với những ưu điểm vượt trội này, mát-xa ốc sên có thể coi là "Cuộc Cách mạng" lớn của ngành công nghiệp thẩm mỹ - làm đẹp.

(Nguồn: Tổng hợp)
 Theo Chi Mai / Trí Thức Trẻ


Sức hút khó cưỡng ở thành phố không ai mặc quần áo

Riêng ở thành phố Cap D’Agde (thuộc thị trấn Adge, Pháp) 99% mọi người đều... khỏa thân.

Nếu như chủ nghĩa khỏa thân ở Mỹ chỉ dành cho người lớn và chủ yếu là nam giới, thì riêng ở thành phố Cap D’Agde (thuộc thị trấn Adge, Pháp) 99% mọi người đều... khỏa thân. Bạn có thể mình trần thoải mái, tự nhiên đến bất cứ nơi nào muốn: đi ăn, đi siêu thị, thậm chí tới cả ngân hàng, văn phòng cảnh sát...
99% nude
Nằm trên phía Tây Nam của Pháp, thành phố Cap D’Agde (thuộc thị trấn Adge) chỉ cách sân bay quốc tế Montpellier, ga Agde khoảng 5 km.
Ngoài ra, cũng có nhiều chuyến bay thẳng nối Paris, Copenhagen với sân bay gần nhất của thị trấn Agde là Béziers-Cap d’Agde, cách trung tâm thị trấn 15km… Hiện, Cap D’Agde có dân số là 40.000 người.Giống như bất kỳ một khu du lịch biển cao cấp nào, khu nghỉ mát Cap D’Adge cũng có một bãi biển rộng, ngập tràn ánh nắng, biển xanh với bãi cát phẳng dài cùng nhiều hoạt động thể thao vui nhộn (như: bóng chuyền, lướt ván hay các cuộc thi xây lâu đài cát), và chuỗi các cửa hàng, nhà hàng với quy mô rộng, đa dạng.
Điều khác biệt duy nhất và cũng là độc đáo nhất là ở Cap D’Agde, 99% mọi người đều... khỏa thân. 1% còn mặc quần áo là một số cầu thủ trẻ và thanh thiếu niên. Vì chiếm phần trăm quá ít nên những người mặc quần áo lại có cảm giác thấy mình lạc lõng, trở thành “của hiếm” ở đây. Đặc biệt hơn cả, đây là một địa điểm lý tưởng cho những cặp đôi mới cưới đi hưởng tuần trăng mặt ngọt ngào hay với những đôi thích cảm giác… ân ái nơi công cộng.
Các cặp tình nhân thoải mái tận hưởng cảm xúc yêu đương, xây những lâu đài cát… giữa thanh thiên bạch nhật, giữa biển trời bao la. Khi trời chập tối cũng là lúc Cap D’Agde trở nên nhộn nhịp hơn với các buổi hòa nhạc, những điệu nhảy disco, lễ hội tưng bừng. Đến khoảng 8 giờ tối, những cơn gió biển thổi lành lạnh mới khiến nhiều người phải mặc quần áo, nhưng họ thường diện những bộ đồ thiếu vải, rất gợi cảm.
Sức hút khó cưỡng
Với phương châm “Nhìn và được nhìn” cùng nguyên tắc ứng xử hòa nhã, lịch thiệp đã làm nên thương hiệu Cap D’Agde - một bãi tắm khỏa thân rộng 30m, dài 2km dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Ngay khi đặt chân đến khu vực khỏa thân ở thị trấn Agde, bất kể là ai (người địa phương hay khách du lịch) cũng bắt buộc tuân thủ hai quy định nghiêm ngặt: không mặc quần áo, phải trần như nhộng và cấm quay phim, chụp ảnh. Mại dâm là điều tuyệt đối nghiêm cấm ở đây dưới bất kì hình thức nào và được sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên an ninh.
 Dọc bãi biển/khu nghỉ mát luôn có một đội an ninh túc trực làm nhiệm vụ nhắc nhở những người lớn bắt buộc phải khỏa thân, nếu người đó… quên. Quy định là không mặc quần áo, tuy nhiên, theo phép lịch sự, bạn nên cầm theo một chiếc khăn tắm riêng. Hãy để nó lên ghế ngồi trong quán ăn hay bất kì chỗ nào vừa để giữ vệ sinh cho bạn và cho người ngồi sau.Đứng xếp hàng trước máy ATM - cạnh quảng trường Place de la Marine, nhưng những người đi rút tiền mình trần như nhộng. Họ thoải mái, không chút thẹn thùng, điềm nhiên đứng chờ đến lượt mình. Tại các cửa hàng bán quần áo, người ta thử đồ, mua đồ và bỏ vào giỏ rồi lại thản nhiên trần truồng đi ra. Tại bưu điện, trạm xăng, nhà hàng, bể bơi, câu lạc bộ đêm, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí cả ở ngân hàng, đồn cảnh sát... ai ai cũng không tấm áo manh quần che thân. Những cô gái hồn nhiên thả dáng bên đường, vui vẻ tán gẫu. Tất cả không có gì là lạ. Không chút ngượng ngùng hay xấu hổ dù da của bạn có nhiều vết rạn, nếp nhăn, ngực chảy xệ, hay “cái ấy” kích thước ra sao..
.Thành phố khỏa thân duy nhất thế giới
Theo các nguồn tư liệu, Cap D’Agde được hình thành từ những năm 1970. Trước đó, phần đất tiếp giáp với bãi biển Cap D‘Agde trong nhiều năm thuộc quyền sở hữu của gia đình nhà Oltra. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2, anh em nhà Oltra nhận thấy, ngày càng có nhiều người đến cắm trại trên đất của họ, và hầu hết trong số này thích tắm biển và tắm nắng khỏa thân. Sau đó, anh em nhà Oltra bắt đầu lập ra một khu cắm trại di động cho khách du lịch thuê. Hình thức cắm trại nghỉ dưỡng trên biển ngày càng phổ biến, đặc biệt thu hút các gia đình trẻ đến từ Đức và Hà Lan. Trong thập niên 1970, chính phủ Georges Pompidou đã lập kế hoạch phát triển vùng bờ biển Languedoc-Roussillon.
 Lúc đầu, Cap D‘Agde không nằm trong những đề xuất này, nhưng Rene Oltra đã thuyết phục các cơ quan chức năng có kế hoạch mở một khu nghỉ mát khỏa thân ở Cap D‘Agde. Năm 1973, bãi biển khỏa thân Cap D‘Agde chính thức đi vào hoạt động. Tại thành phố này có 4 loại hình nhà ở: khu căn hộ, biệt thự ngoại ô, một khu cắm trại và chỉ có duy nhất một khách sạn có tên Hotel Eve. Riêng khu cắm trại ở Cap D’Agde có 2.500 mảnh đất nhỏ, nơi bạn có thể tự dựng lều hoặc thuê những căn nhà di động để tận hưởng kỳ nghỉ “khỏa thân” ngay trong thành phố. Tại đây, người có nhu cầu có thể thuê phòng theo tháng với giá từ 2.000 - 2.500 USD. Ngoài việc được sở hữu không gian thư giãn, bạn có thể được tận hưởng nhiều dịch vụ tuyệt vời.
Các nhân viên phục vụ ở đây cũng xuất hiện thú vị trong tình trạng khỏa thân và phần lớn là nói tiếng Anh. Nơi đây đã được xếp vị trí đầu trong danh sách các khu nghỉ mát được ưa chuộng nhất ở Pháp, thu hút khoảng 50.000 khách mỗi kỳ nghỉ hè. Sức hấp dẫn của “Thành phố khỏa thân Cap D’Agde” khiến hầu hết những ai từng đến đây đều muốn quay trở lại nhiều lần hơn thế nữa.
Theo An Ninh Thủ Đô


ĂN CƠM MỚI, NÓI CHUYỆN CŨ (MỚI)
Có gì mới trong vấn đề ăn uống sao cho lành mạnh? Trong vòng một vài chục năm trở lại đây, có nhiều điều mới không giống những kiến thức ta có từ trước.
Sau đây là những tóm lược của khoa dinh dưỡng thuộc Viện Đại Học Berkeley.
Bơ và margarine
Chuyện cũ: Có một thời người ta ca tụng margarine, vì margarine có nguồn gốc thực vật nên không có cholesterol và ít chất béo bão hòa hơn là bơ. Sau đó lại thấy là cũng phải coi chừng margarine vì chất dầu trong margarine có nhiều thứ chất béo gọi là “trans” (transfat), cũng có hại cho tim mạch như chất béo bão hòa.
Chuyện mới: Có một số margarine mới được tung ra thị trường gần đây, không có chất béo trans. Thí dụ như margarine làm bằng dầu canola. Hoặc là những thứ margarine lỏng, margarine “diet” trong đó chất béo trans được giảm đi nhiều. Ngoài ra cũng có những margarine mới, như Benecol, Take Control ăn vào có thể giảm cholesterol phần nào. Nếu chỉ lâu lâu dùng chút đỉnh, thì thật ra cũng không cần chọn lựa gì nhiều, bơ hay margarine đều được cả.
Vấn đề muối
Chuyện cũ: Ăn mặn thì sẽ bị cao huyết áp.
Chuyện mới: Không phải cứ ăn mặn thì huyết áp bị cao. Chỉ có những người do yếu tố di truyền hay nguyên do nào khác mà nhạy cảm với muối, thì mới cần kiêng mặn.
Tuy nhiên, về thực tế, không biết được ai là người nhạy cảm, ai không, và huyết áp có cao lên thì cũng bị từ từ không thấy được ngay, cho nên tốt hơn hết là đừng nên ăn mặn quá. Ngoài những món mặn, như đồ ăn kho, những thực phẩm bán sẵn như đồ hộp, xúc xích, chips... thường có rất nhiều muối. Ngoài ra, ăn nhiều muối cũng có thể làm cho xương bị xốp.
Đậu nành
Chuyện cũ: Đậu nành là một thứ ngũ cốc không có gì đặc sắc.
Chuyện mới: Đậu nành và những chế phẩm làm từ đậu nành như tàu hũ, sữa đậu nành không những làm cho cholesterol giảm bớt, mà còn có thể làm đỡ bị ung thư. Nếu bạn ăn uống theo chế độ, ít cholesterol, ít chất béọ lại thêm chừng 25 grams chất đạm từ đậu nành thì sẽ giảm thiểu được rủi ro bị bệnh nghẹt động mạch vành sinh, đứng tim.
Tuy nhiên, đậu nành, cũng như những rau cỏ khác (và tất cả thực phẩm khác), là một hợp thể phức tạp của nhiều chất. Cho nên ăn có chừng mực vẫn là điều quan trọng.
Ăn bắp
Chuyện cũ: Ăn bắp không tốt bằng ăn cơm hay bánh mì.
Chuyện mới: Bắp là một thứ ngũ cốc cũng tốt không kém gì các loại gọi là “whole grain” khác. Bắp vàng có chứa nhiều chất tiền phẩm của sinh tố A, nhóm carotenoid, làm cho “sáng mắt.” Tuy nhiên cũng nên nhớ là sinh tố A nhiều quá mức lại có hại. Bắp màu trắng thì không được tốt như bắp vàng.
Cà chua
Chuyện cũ: Cà chua có nhiều sinh tố C, nhưng phải là cà chua tươi mới được.
Chuyện mới: Đúng là cà chua có nhiều sinh tố C, và càng tươi thì sinh tố càng nhiều. Nhưng ngoài sinh tố C, cà chua còn có một chất gọi là lycopene. Chất này có thể phòng ngừa bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Có điều đặc biệt là cà chua đã chế biến (như xốt cà) thì chất lycopene lại dễ hấp thụ vào cơ thể hơn.
Tôm, cua, mực...
Chuyện cũ: Tôm có nhiều cholesterol, không nên ăn.
Chuyện mới: Đúng là tôm và mực có nhiều cholesterol nhất so với nghêu, sò, hến. Một nửa pound tôm có khoảng 300 mg cholesterol, là mức tối đa cho một ngày. Nhưng tôm lại rất ít chất béo bão hòa, là thứ làm hại tim nhiều hơn là cholesterol. Ngoài ra, tôm cũng có chất béo omega-3 là thứ chất béo giúp cho đỡ bị nghẹt tim. Như vậy thì ăn vừa phải là tốt hơn cả.
Cũng nên ghi thêm là tôm, cua (kể cả tôm hùm), scallop, nghêu, sò, chem chép... có ít cholesterol hơn là thịt bò.
Cà phê và trà
Chuyện cũ: Uống cà phê có hại. Có người nói uống trà bị xốp xương.
Chuyện mới: Cà phê là thứ đồ uống được nghiên cứu kỹ càng nhất trên thế giới. Các kết quả cho thấy là cà phê, cũng như chất caffeine trong các thực phẩm khác, không làm hại tim, không sinh ung thư, không làm loét bao tử.
Có một số người uống nhiều quá thì cảm thấy bứt rứt, nhưng nói chung thì uống vừa phải không có hại gì nếu không sẵn có bệnh như bệnh loạn nhịp tim. Nếu đang uống cà phê nhiều đều đều mà muốn thôi, thì đừng ngưng ngang, mà phải bớt từ từ trong nhiều ngày để tránh khỏi bị nhức đầu.
Trà có chất “kháng oxyt hóa” (antioxidant), nên có thể giảm thiểu rủi ro bị ung thư. Ngoài ra, trà cũng làm cho đỡ nghẹt mạch máu vì cholesterol. Trà không làm xốp xương. Dĩ nhiên là những thứ lá lẻo linh tinh gọi là “herb tea” vì không phải là trà, nên không kể .
Tin vui cho người mê sô cô la
Chuyện cũ: Sô cô la có hại, nhiều ca lo ri lắm, đừng ăn.
Chuyện mới: Đúng là sô cô la có nhiều ca lo ri. Nhưng sô cô la cũng như trà, có nhiều chất kháng oxyt hóa.
Ngoài ra có một cuộc khảo sát đại quy mô, cho thấy là trong số những người bình thường có hoạt động thể dục thể thao, thì nhóm người có ăn mỗi tháng vài phong sô cô la sống lâu hơn nhóm người không ăn sô cô la. Lý do thì không hiểu tại sao. Cuộc khảo sát chưa kết thúc.
Cam, chanh, bưởi
Chuyện cũ: Các trái cây này có nhiều sinh tố C.
Chuyện mới: Vẫn đúng vậy. Nhưng ngoài ra, cam, chanh, bưởi còn có nhiều chất giúp cho đỡ bị ung thư và trúng gió.
Màu sắc của rau quả
Chuyện cũ: Không để ý đến màu sắc.
Chuyện mới: Những loại rau và trái cây đậm màu, thường có nhiều sinh tố và chất khoáng hơn. Thí dụ như nho đỏ, dâu, mận “Đà Lạt,” cam, cà rốt, rau dền, rau cải xanh, củ cải đỏ, v.v. Ngoài ra, chất màu của thực vật còn có thể phòng ngừa nhiều bệnh kinh niên, kể cả ung thư, vì có nhiều chất kháng oxyt hóa.
Trái Bơ
Chuyện cũ: Ngày xưa người ta, cả giới y khoa, cũng cho là trái bơ nó nhiều chất béo lắm, nên nó còn có nickname là "butter pear" nữa. Một trái trung bình có 30 grs chất béo, tương đương với một cái hambuger to), và vì thế các vị "chuyên môn" thường khuyên mình nên hạn chế ăn uống thứ trái cây này.
Chuyện mới: Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, hầu hết chất béo từ trái bơ thuộc loại "monounsaturated", lại là tốt cho mình. Tốt vì nó có thể làm giảm mức độ cholesterol. Vì thế nên chính phủ Mỹ đã sửa "guidelines" và khuyên dân chúng nên ăn thêm trái này. Em mừng hết lớn. Cụ thể hơn, trong một cuộc thử nghiệm năm 1996, 45 người đã ăn trái bơ mỗi ngày trong một tuần. Kết quả là họ đã thấy cholesterol ở những người này giảm trung bình khoảng 17%. Tưởng cũng nên nói thêm một tí rằng cholesterol của mình nó gồm :
- LDL (low density lipoprotein, hoặc "bad fat") và triglycerides, có thể gây hoặc làm trầm trọng hơn những chứng bịnh tim
- HDL (high density lipoprotein, hay "good fat" levels), có thể làm giảm bớt nguy cơ bệnh tim.Số 45 người kia thì sau một tuần "thí nghiệm", số LDL của họ xuống và HDL lên.
Họ tìm thấy trái bơ có nhiều beta-sitosterol, một chất natural có thể làm giảm nhiều số lượng cholesterol trong máu.
Nói vậy, nhưng người ta cũng khuyên mình nên ăn có chừng mực, vì nó nhiều calories hơn nhiều trái cây khác.
Tóm lại:
Về vấn đề dinh dưỡng, nếu đọc càng nhiều càng thấy mù mờ hơn, hoặc là không thể nào nhớ nổi các chi tiết lẻ tẻ, thì có lẽ nên theo nguyên tắc là ăn uống gì cũng chừng mực, trừ phi là mình có bệnh thì phải theo chế độ của bác sĩ chỉ dẫn.

Đạt Ma Dịch Cân Kinh
                          (Nguyên bản Việt ngữ của Bác sĩ Lê Quốc Khánh)

  
Lời thưa:
Sau khi đọc lần đầu tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh, tôi chỉ mỉm cười, không mấy tin tưởng vì thấy phương pháp chữa trị những bịnh nan y một cách dễ dàng và quá đơn giản.
Tôi cũng xin tự giới thiệu để quý vị thấy rằng tôi đã được đào tạo và phục vụ Tây y qua nhiều thời kỳ. Đến nay tôi đã có bốn mươi chín năm y nghiệp, đã từng làm việc trong các bịnh viện Quân và Dân Y lớn nhất nhì trong nước ... Cũng vì vậy mà tôi gần như có thái độ thờ ơ khi tiếp nhận Đạt Ma Dịch Cân Kinh.
Thế rồi một hôm, có người bạn cùng tuổi với tôi (sanh năm 1932) đi xe đạp ghé thăm. Tôi được nghe anh kể là anh đã khám bịnh ở Bịnh viện Chợ Rẫy, qua các xét nghiệm y khoa tối tân và các bác sĩ đã định bịnh cho anh: Ung thư gan, Lao thận.
Anh thấy hoàn toàn thất vọng. Vì nếu vấp phải một trong hai chứng bịnh ấy cũng đủ chết rồi, huống chi mắc cả hai chứng bịnh nan y cùng một lúc. Cuối cùng anh có được tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh. “Cái phao mà anh đã níu được khi đang chới với giữa biển khơi” . Anh cố gắng tập, kiên trì thực hiện theo đúng tài liệu, và kết quả là anh đã thắng bịnh tật. Hiện nay anh sống khỏe mạnh bình thường, làm việc hớt tóc, có khi anh phải đứng hàng giờ để làm công việc, thế mà anh vẫn bình thường như bao người khác.  Từ đó đến nay, đã bốn năm, anh vẫn tập đều đặn. Nhìn tư thế và sắc diện, không ai nghĩ là anh đã mắc phải bịnh nan y. Thỉnh thoảng anh đi xe đạp đến thăm tôi. Cũng từ đó, tôi chú tâm nghiên cứu Dịch Cân Kinh.
 Đầu năm 1986, tôi đã truyền đạt tài liệu này cho một người bạn trẻ bị bịnh lao phổi, không được điều trị đúng cách vì hoàn cảnh bản thân cũng như xã hội vào thập niên 80. Cuối cùng anh đã gầy guộc chỉ còn có 32kg trong cơ thể suy nhược, đã mấy lần cứ tưởng là không qua khỏi. Và anh đã vớt vát chút hy vọng còn lại, anh đã tập Yoga. Kết quả cơ thể có phần nào phục hồi nhưng vẫn yếu đuối. Suốt mùa Đông, anh vẫn không ra khỏi nhà, nhìn sắc diện, vẫn lộ những nét bịnh hoạn.
Sau khi nhận được tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh , anh đã cố gắng kiên trì luyện tập, thời gian đầu bạn tôi cũng gặp những phản ứng như ghi trong tài liệu. Dần dần anh qua được bước đầu vất vả, và gần cuối năm 1986, sau bốn tháng luyện tập, anh đã ho tống ra một khối huyết cứng to bằng trứng chim cút, và sau đó anh từ từ hồi phục sức khỏe, da dẻ hồng hào, vẻ mặt vui tươi, và mãi đến nay anh vẫn giữ được sắc thái của người bình thường không bịnh hoạn.
 Một trường hợp khác, bạn tôi, sinh năm 1931, bị bịnh Parkinson đã bốn năm nay, đã chữa trị Đông, Tây y, thuốc gia truyền và nhân điện...Lẽ dĩ nhiên là bịnh không khỏi. Vì bịnh Parkinson cho đến nay, loài người vẫn bó tay.
Sau khi nghiên cứu và luyện tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh, bạn tôi cũng gặp phản ứng như ghi trong tài liệu. Tuy vậy, anh vẫn kiên trì tập đều đặn. Tuy hiện nay bịnh Parkinson không lành hẳn, song bịnh được ngăn chận giới hạn ở mức chỉ rung có hai bàn tay. Còn các khớp, nhất là khớp tay và chân, vẫn cử động bình thường, không gặp một khó khăn trở ngại nào mà lẽ ra, đúng theo các triệu chứng điển hình, thì bịnh càng lâu, các khớp bị cứng và hạn chế cử động cho đến một lúc nào đó sẽ bị cứng khớp, không cử động được nữa. Bịnh kéo dài bốn năm nay nhưng anh vẫn sinh hoạt bình thường, có nghĩa là bịnh bị ngăn chận ở một mức độ có thể chấp nhận được.
Một trường hợp nữa là một anh bạn sinh năm 1930 bị béo phì, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa kinh niên. Từ hơn ba mươi năm nay, anh đã dùng vô số thuốc Đông, Tây y và châm cứu nhưng vẫn quanh quẩn hết chứng này đến tật khác, không ngày nào vắng thuốc. Anh đã tiếp nhận Dịch Cân Kinh, và sau thời gian tập luyện cũng có những phản ứng như đã ghi trong tài liệu, và sau đó, anh phục hồi sức khỏe, nhất là rối loạn tiêu hóa không còn nữa, ít khi phải dùng thuốc trị cao huyết áp. Anh ca ngợi Dịch Cân Kinh là môn thuốc trị bá bịnh.

Qua bốn trường hợp mà tôi đã theo dõi hai năm nay, chưa phải là nhiều, tôi đã phải công nhận Đạt Ma Dịch Cân Kinh là một phương pháp chữa được nhiều bịnh hiểm nghèo mà hiện nay Tây y nhiều khi phải bó tay....thầy tôi, Bác sĩ Bùi Thiện Sự đã nói: “Nghề nghiệp của chúng ta có nhiệm vụ cao cả là phụng sự và làm vơi đi những đau khổ của nhân loại”. Để ghi nhớ lời dạy ấy của Thầy, tôi nguyện truyền đạt cho bất cứ ai, những gì mà tôi nghĩ sẽ giúp ích được cho mọi người.
Bây giờ tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh đối với tôi là một phương thuốc quý giá giúp cho đời. Tôi đã hối hận về nỗi thờ ơ của mình buổi ban đầu, khi mới tiếp nhận tài liệu này.
Bác sĩ Lê Quốc Khánh


SỰ TÍCH ĐẠT MA DịCH CÂN KINH


Năm 917 (sau Tây lịch), Đạt Ma Tổ Sư từ Ấn Độ sang Trung Quốc thuyết pháp và truyền giáo, sau ở lại Trung Sơn, Hà Nam, xây dựng chùa Thiếu Lâm, đã có nhiều đệ tử nhập môn học Phật để mai sau đi truyền giáo. Ông nhận thấy nay đem một tín ngưỡng đi truyền tụng có khi trái với tín ngưỡng của dân bản xứ, dễ xảy ra xung đột. Do vậy các đệ tử của ông vừa lo học lý thuyết Phật Pháp vừa phải luyện võ để tự vệ (Môn phái Thiếu Lâm xuất hiện và tồn tại đến ngày nay).
 Nhiều người xin nhập môn nhưng thể lực kém, không thể luyện võ được, Tổ Sư bèn truyền đạt một phương pháp luyện tập được gọi là Đạt Ma Dịch Cân Kinh để chuyển biến thể lực yếu kém thành mạnh khỏe. Cách tập đơn giản nhưng hiệu quả to lớn vì tiêu trừ được các bịnh tật hiểm nghèo.
 Ngày nay người ta nghiên cứu là phương pháp này chữa được rất nhiều bịnh, ngay cả bịnh ung thư cũng khỏi và bây giờ người ta áp dụng lý thuyết khí huyết của Đông y để chứng minh. Sức khỏe của con người liên quan chặt chẽ với khí huyết, về điều này thì ta thấy rõ ràng.
 Trong Đông y, cái gọi là huyết thì không thể hạn chế và tách ra từng mặt như máu loãng hay đặc, hồng cầu nhiều hay ít, sắc tố như thế nào...mà nghiên cứu, mà dùng cách nhìn nhận toàn diện của quá trình sinh lý và quá trình tuần hoàn của huyết mà xem xét. Theo Đông y, một khi khí huyết không thông là tắt kinh lạc, do vậy các phế vật trong cơ thể cần thải mà không thải ra được. Vì máu lưu thông chậm, nên các chất keo, dịch, gân và các chất khô... không đủ nhiệt năng nên công năng của máu giảm sút không thể thải được những chất cần thiết trong cơ thể ra ngoài.
 Luyện Dịch Cân Kinh, tay vẫy đúng phép, miệng, dạ dày mở, máu mới sinh ra nhiệt năng đầy đủ, làm các vật chèn ép mất thăng bằng trong cơ thể bị xóa bỏ thì mới khỏi bịnh.
 Vậy theo Dịch Cân Kinh, cơ hoành lên xuống dễ dàng, ruột, dạ dày, thận tiếp được khí nên gây được tác dụng hưng phấn. Khi chức năng của máu tăng, thì giúp được việc tống cựu nghinh tân tốt, khí huyết thăng bằng là khỏi bịnh. Một số người sau đây đã luyện tập Dịch Cân Kinh có hiệu quả:

 Cụ Quách Chu, 78 tuổi, phát hiện u ở não và ở phổi, luyện tập ngày ba buổi. Mỗi buổi 1800 lần. Tập đều sau ba tháng thì tan khối u và khỏi bịnh.

 Ông Trương Công Phát, 43 tuổi, phát giác ung thư máu, luyện tập Dịch Cân Kinh ngày 3 buổi, mỗi buổi 4800 lần (có dùng dưỡng tâm can), sau ba tháng khỏi bịnh. Đã ba năm nay vẫn khỏe mạnh.
Cụ Từ Mạc Đính, 60 tuổi, ung thư phổi, và bán thân bất toại, luyện tập sau 3 tháng thì hết bán thân bất toại, kiểm tra khối u cũng tan mất.
Nguyên nhân bịnh ung thư trên thế giới đang bàn cãi, ngay thuốc dưỡng tâm can cũng không phải là thuốc đặc hiệu chữa trị mà là giúp tim hoạt động tốt để thải chất độc.
Vì quá trình sinh lý cơ thể của con người là một quá trình phát triển, nó mang một nội dung đấu tranh rất phức tạp giữa cái sống và sự chết. giữa lành mạnh và bịnh tật, giữa già háp và trẻ dai. Nhưng kết quả cuộc đấu tranh là các nhân tố nội tại quyết định chớ không phải do hoàn cảnh bên ngoài.
Vậy cơ thể con người là một chỉnh thể hoạt động. Trong vận động các lục phủ ngũ tạng đều dựa vào nhau tức là tương sinh, ức chế lẫn nhau tức là tương khắc. Nhưng khí huyết có tác dụng đến khắp tất cả các lục phủ ngũ tạng, cho nên việc phát sinh bịnh ung thư cũng do khí huyết lưu thông không chu đáo mà ra. Đông y đã xác định là cuộc đấu tranh của cơ thể với bịnh ung thư là một cuộc đấu tranh nội bộ ở trong cơ thể con người. Từ đó mà xây dựng quan điểm cho rằng bịnh ung thư là bịnh chữa được.
Đương nhiên bịnh tật là do sự trì trệ khí huyết mà nó làm cho hao tổn thêm khí huyết. Vậy công việc luyện tập cho khí huyết thay đổi là tự chữa được bịnh. Từ đó mà tạo được lòng tin vững chắc của người bịnh đối với việc tự chữa được bịnh ung thư, để tập trung tinh thần và ý chí đầy đủ để luyện tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh, vì phương pháp này thay đổi và tăng cường khí huyết. Nó cũng chữa được bịnh trĩ nội và trĩ ngoại. Ông Hà Thúc Nguyên bị trĩ nội và chứng đầy bụng, chỉ tập một tháng là khỏi. Luyện tập Dịch Cân Kinh thấy ăn tốt ngủ ngon là việc phổ biến tốt, đã làm tăng sức khỏe các bịnh nhân nói chung và chữa được nhiều chứng bịnh như : suy nhược thần kinh, cao huyết áp, bịnh tim các loại, bán thân bất toại, bịnh thận, hen suyễn, lao phổi, trúng gió méo mồm và lệch mắt.

Đông y cho rằng vấn đề cơ bản của bịnh tật là do khí huyết (âm, dương) mất thăng bằng mà sanh ra. Luyện Dịch Cân Kinh là giải quyết vấn đề này. Nên đối với đa số các loại bịnh, nhất là bịnh mãn tính đều có thể chữa được cả.

Phương Pháp Luyện Tập Dịch Cân Kinh


Đầu tiên là nói về tư tưởng:
Phải có hào khí, nghĩa là có quyết tâm luyện tập cho đến nơi đến chốn, vững vàng, tin tưởng, không vì lời bàn ra tán vào mà chán nản bỏ dở.
Phải lạc quan, không lo sợ đang mang bịnh mà mọi người gọi là hiểm nghèo, phải tin tưởng rằng mình sẽ thắng bịnh do việc luyện tập Dịch Cân Kinh.

TƯ THẾ LUYỆN TẬP:

1.  Lên không xuống có: Trên phải không, dưới nên có.   
·                     Đầu treo lơ lửng, miệng không hoạt động, bụng phải mềm, lưng thẳng, thắt lưng mềm dẻo, hai cánh tay phải vẫy, cùi chỏ thẳng và mềm, cổ tay mềm, hai bàn tay ngửa ra phía sau xòe ra như cái quạt.
·                     Trong khi vẫy, hậu môn phải thót, gót chân lỏng, hậu môn phải chắc, bàn chân phải cứng, các ngón chân bám chặt như bám trên đất trơn. Đây là những quy định cụ thể của các yêu cầu cơ bản khi tập luyện Dịch Cân Kinh.

2. Dựa theo yêu cầu này,
·                     khi tập vẫy tay thì từ cơ hoành trở lên phải giữ cho được trống không, buông lỏng, thảnh thơi, đầu không nghĩ ngợi lung tung, chỉ chú ý vào việc luyện tập. Xương cổ buông lỏng để có cảm giác như đầu treo lơ lửng, mồm giữ tự nhiên, không mím môi, ngực trên buông lỏng để phổi tự nhiên. Hai cánh tay để tự nhiên giống như hai mái chèo gắn vào vai.
·                     Từ cơ hoành trở xuống phải giữ cho chắc đủ sức căng, bụng dưới thót vào, hậu môn nhích lên, mười ngón chân bám sát mặt đất, gót chân để phẳng lên mặt đất. Bắp chân trong trạng thái căng thẳng, xương sống thẳng như cây gỗ.
·                     Khi vẫy tay nhớ nhẫm câu: “Lên có xuống không”. Nghĩa là lấy sức vẫy tay về phía sau (lên), khi tay trả lại phía trước là do quán tính, không dùng sức đưa tay ra phía trước (xuống).

3. Trên ba dưới bảy : Là phần trên để lỏng độ ba phần khí lực, phần dưới lấy gân sức độ bảy phần khí lực. Vấn đề này quán triệt đầy đủ thì hiệu quả sẽ tốt.

4. Mắt nhìn thẳng : không nghĩ ngợi gì cả, miệng nhẫm đếm số lần vẫy.

CÁC BƯỚC TẬP CỤ THỂ NHƯ SAU :

a)     Đứng hai bàn chân bằng khoảng cách hai vai.
b)     Hai cánh tay duỗi thẳng theo vai, các ngón tay xòe thẳng, lòng bàn tay quay ra phía sau.
c)      Bụng dưới thót lại, lưng thẳng. Bụng trên co lại, cổ để lỏng, đầu và miệng bình thường. 
d)     Các đầu ngón chân bám trên mặt đất, gót sát đất, bắp chân và đùi chân căng thẳng. 
e)     Hai mắt chọn một điểm ở đàng xa làm mục tiêu để nhìn, không nghĩ ngợi lung tung, luôn chú ý vào các ngón chân đang bám đất. Đùi và bắp chân cứng. Thót hậu môn thật chặt và nhẩm đếm. 
f)        Dùng sức vẫy hai tay về phía sau, khi trả hai bàn tay về phía trước, chú ý để nó buông theo quán tính, tuyệt đối không dùng sức. Tuy nhiên chân vẫn lấy gân cứng lên, hậu môn vẫn thót và co lại không lơi lả.
g)      Vẫy tay từ 200, 300, 400, 500, 600, 700 lần, dần dần tăng lên đến 1800 lần vẫy (tương đương với 30 phút).
h)      Phải có quyết tâm đều đặn tập trung vào sự luyện tập, không nên nóng, tập nhanh, tập nhiều vì dục tốc bất đạt. Nhưng cũng không nên tùy tiện, bữa tập nhiều, bữa tập ít hoặc nghỉ tập, vì như vậy sẽ làm mất lòng tin trong sự luyện tập, khó có hiệu quả.

*LƯU  Ý:
1.      Bắt đầu tập luyện, không nên làm tổn thương các ngón chân (Sau mỗi buổi tập, vuốt ve các ngón chân mỗi ngón chín lần). Nôn nóng muốn khỏi bịnh này mà dùng nhiều sức sẽ không đem lại kết quả. Có quyết tâm nhưng phải từ từ tiến dần mới đúng cách và kết quả tốt. Nếu tinh thần không tập trung, tư tưởng phân tán thì khí huyết loạn xạ, và không chú ý đến “trên nặng dưới nhẹ” là sai hỏng. 
2.      Khi đã vẫy tay đến 600 lần trở lên thì thường hay có trung tiện, hắt hơi và hai chân nhức mỏi, toát mồ hôi, mặt nóng bừng..... chỉ là hiện tượng bình thường, đừng lo ngại. Trung tiện và hắt hơi là do nhu động của đường ruột tăng lên đẩy mạnh cơ năng tiêu hóa. Chân mỏi là do khí huyết dồn xuống cho hợp với vũ trụ là “Thiên khinh Địa trọng” (Trên nhẹ dưới nặng), đấy là quy luật sinh hợp với vũ trụ: Thiên khinh Địa trọng. 
3.      Sở dĩ bịnh gan là do khí huyết của tạng gan không tốt gây nên khi bị tích lũy làm cho gan khó bài tiết. Do đó ảnh hưởng đến ống mật và cả tỳ vị. Luyện Dịch Cân Kinh có thể giải quyết được vấn đề này, nếu sớm có trung tiện là kết quả tốt. 
4.      Về bịnh mắt, luyện Dịch cân kinh là có thể khỏi chứng đau mắt đỏ với các chứng đau mắt thông thường, cận thị, thậm chí chữa được cả chứng đục thủy tinh thể. Trong nội kinh có nói mắt nhờ huyết mà nhìn được. Khi khí huyết không dẫn đến được các bộ phận của mắt thì thường sinh ra các bệnh tật của mắt.
5.      Đôi mắt là bộ phận của thị giác và cũng là bộ phận quan trọng của cơ thể.

NHỮNG PHẢN ỨNG KHI LUYỆN TẬP DịCH CÂN KINH

Khi luyện tập, cơ thể có những phản ứng nhưng tất cả đều là hiện tượng thải bịnh, không nên lo nghĩ.
Sau đây là 34 phản ứng thông thường và còn nhiều phản ứng khác không kể ra hết được.

1. Đau buốt, 2. Tê dại, 3. Lạnh, 4. Nóng, 5. Đầy Hơi, 6. Sưng
7. Ngứa, 8. Ứa nước giải, 9. Ra mồ hôi, 10. Cảm giác như kiến bò
11. Giật gân, giật thịt, 12. Đầu khớp xương có tiếng kêu lụp cụp
13. Cảm giác máu chảy dồn dập, 14. Lông tóc dựng đứng
15. Âm nang to lên, 16. Lưng đau, 17. Máy mắt mi giật
18. Đầu nặng, 19. Hơi thở nhiều, 20. Nấc, 21. Trung tiện
22. Gót chân nhức như mưng mủ, 23. Cáu trắng dưới lưỡi
24. Đau mỏi toàn thân, 25. Da cứng, da chân chai rụng đi,
26. Sắc mặt biến đi,27. Huyết áp biến đổi, 28. Đại tiện ra máu,
29. Tiểu tiện nhiều, 30. Nôn mửa, ho,  31. Bịnh từ trong da thịt bài tiết ra,
32. Trên đỉnh đầu mọc mụt, 33. Ngứa từng chỗ hay toàn thân,
34. Chảy máu cam.

Các phản ứng trên đây là do trọc khí bài tiết ra ngoài cơ thể, loại trừ các thứ ứ đọng gọi là bịnh tật. Khi có sự phản ứng là có sự xung đột giữa chánh khí và tà khí, nếu ta vẫn tập luyện sẽ sản sinh ra các chất bồi bổ có lợi cho chánh khí. Ta tập đúng cách và làm tăng sức đề kháng, nó đẩy cặn bã trong cơ, gan, thần kinh và các tế bào khác mà mạch máu lưu thông bình thường không thải nổi.
Nhờ luyện tập Dịch Cân Kinh mà khí huyết lưu thông mới đưa nổi cặn bã ra ngoài nên mới sinh ra phản ứng. Vậy không nên lo sợ, cứ tiếp tục tập như thường. Có một phản ứng hiển nhiên là đã khỏi một căn bịnh. Cứ tập luyện đều đặn sẽ đạt hiệu quả tốt.
Luyện tập dịch cân kinh đạt được 4 tiêu chuẩn sau:

1.  Nội trung: Tức là nâng cao can khí lên, then chốt là điều chỉnh tạng phủ, lưu thông khí huyết. Thông khí sẽ thông suốt lên đến đỉnh đầu.

2.  Tứ trưởng tố:  Tức là tứ chi phối hợp với các động tác theo đúng nguyên tắc luyện tập. Tứ trung tố song song với nội trung sẽ làm cho tà khí bài tiết ra ngoài, trung khí dồn xuống, cơ năng sinh sản ngày càng mạnh.

3.  Ngũ tam phát:
Nghĩa là 5 trung tâm của nhiệt dưới đây hoạt động mạnh hơn lúc bình thường. Đó là :
Bách Hội: Một huyệt trên đỉnh đầu,
Gio cung: huyệt ở hai bàn tay,
Dũng tuyền: huyệt ở hai gan bàn chân.
Khi luyện tập thì 5 huyệt này đều có phản ứng và hoàn toàn thông suốt . Nhâm đốc  12 kinh mạch đều đạt tới hiệu quả, nó làm tăng cường thân thể, tiêu trừ các bịnh nan y mà ta không ngờ.

4.  Lục phủ minh:
Đó là ruột non. ruột già, mắt, dạ dày, bong bóng tam tiêu sẽ thông suốt, nghĩa là không trì trệ. Lục phủ có nhiệm vụ thâu nạp thức ăn, tiêu hóa, bài tiết được thuận lợi nên không trì trệ, ứ đọng, cơ năng sinh sản có sức tiếp, giữ vững trạng thái bình thường của cơ thể tức là Âm Dương thăng bằng, cơ thể thịnh vượng.

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI LUYỆN TẬP


1. Số lần vẫy tay:
·                     không dưới 800 lần, từ 800 lần trở lên dần dần đến 1800 lần (khoảng 30 phút) mới tới ngưỡng cửa của điều trị.
·                     Người bịnh nặng có thể ngồi mà vẫy tay, tuy nhiên phải nhớ thót hậu môn và bấm 10 đầu ngón chân.

2. Số buổi tập:
·                     Sáng thành tâm tập mạnh,
·                     Trưa trước khi ăn tập vừa.
·                     Tối trước khi ngủ tập nhẹ.

3. Có thể tập nhiều tùy theo bịnh trạng:
·                     Có những bịnh nhân nâng số lần vẫy tay lên đến 5 hay 6 ngàn lần trong mỗi buổi tập.
·                     Nếu sau khi tập thấy ăn ngon ngủ tốt, tiểu và đại tiện thấy điều hòa, tinh thần tỉnh táo, thì chứng tỏ số lần vẫy tay khi luyện tập là thích hợp.

4. Tốc độ vẫy tay: Theo nguyên tắc thì nên chậm. Bình thường thì vẫy 1800 lần là hết 
     30 phút.
·                     Vẫy lúc sau hơi nhanh hơn lúc đầu một chút. Khi đã thuần thì vẫy hẹp vòng.
·                     Bịnh nhẹ thì nên vẫy nhanh và dùng sức nhiều hơn. Bịnh nặng thì nên vẫy hẹp vòng và chậm, bớt dùng sức.
·                     Vẫy tay nhanh quá làm cho tim đập nhanh, mau mệt, mà chậm quá thì không đạt tới mục đích. Vì luyện tập là cần có mạch máu lưu thông.

5.  Khi vẫy tay dùng sức nhiều hay ít, nặng hay nhẹ?:
·                     Vẫy tay là môn thể dục chữa bịnh chớ không phải là một môn thể thao khác biệt. Đây là môn thể dục mềm dẻo, đặc điểm của nó là dụng ý không dùng sức, nhưng nếu vẫy tay nhẹ quá cũng không tốt, bởi vì bắp vai không lắc mạnh thì lưng và ngực không chuyển động nhiều, tác dụng sẽ giảm đi.
·                     Vẫy tay không chỉ có chuyển động cánh tay mà chính yếu là chuyển động hai bắp vai.
·                     Bịnh phong thấp thì nên dùng sức ở mức nặng một chút. Bịnh huyết áp thì nên dùng sức ở mức nhẹ và vẫy tay chậm.

Nói tóm lại phần lớn tự mình nắm vững tình trạng, phân tích các triệu chứng sau khi nghe sự nhận xét của mọi người, tự mình cảm nhận sự biến chuyển trong cơ thể: nhanh nhẹn, hồng hào, tươi tỉnh hay là xấu hơn trước. Tự mình suy nghĩ rồi quyết định cách tập trên nguyên tắc là tập thế nào cho cảm thấy thoải mái, dễ chịu là đúng, là tốt nhất. Đông y cho rằng động tác nhẹ là bổ ích (ích lợi cho cơ thể), còn động tác mạnh là loại bỏ các chất cặn bã có hại cho cơ thể (bệnh tật). Lý luận này đang được nghiên cứu.
 Khi vẫy tay về phía sau dùng sức bảy phần. Khi vẫy tay về phía trước thuộc về quán tính, còn chừng 5 phần.
 Đếm số lần vẫy tay, đếm không phải để nhớ mà có tác dụng làm cho đầu óc bình tỉnh, có tác dụng tốt cho não được căng thẳng và không nghĩ ngợi lung tung. Chân âm được bồi dưỡng.
 Hoàn cảnh khi luyện tập (nơi chốn): Không có khác biệt, ở nơi đâu cũng tập được. Dĩ nhiên nơi nào không khí trong lành và yên tĩnh vẫn tốt hơn.
 Trước và sau khi tập: Trước khi tập, đứng bình tỉnh cho tim được thoải mái, đầu óc được yên tĩnh để chuyển hóa về tâm lý và sinh lý. Ta có thể làm những động tác nhẹ nhàng, thoải mái như trong môn khí công. Sau khi tập cũng phải bình tĩnh vê 10 đầu ngón tay và 10 đầu ngón chân đủ 9 lần. Người không đủ bình tĩnh, nên cần chú ý đến điểm này,
 Luyện tập Dịch Cân Kinh đúng phép: Sau khi tập thấy ngứa và bụng nhẹ nhàng, hơi thở điều hòa, mắt sáng, nước giải ứa ra nhiều, đại tiện dễ dàng, ăn ngon ngủ tốt, tinh thần tỉnh táo, bệnh tật bớt dần, thì đó là đã luyện tập Dịch Cân Kinh đúng phép. Sau khi luyện tập, đa số thấy có phản ứng, nhưng về hiệu quả thì rất khác nhau. Nguyên nhân chính là khi tập, tư thế có thích hợp với người tập hay không.

Khi tập cần chú ý các điểm sau đây:
1.      Nửa thân trên buông lỏng (thượng hư).
2.      Nửa thân dưới giữ chắc, căng mạnh (hạ thực),
3.      Khi tay trả về phía trước, không dùng sức (nhẹ),
4.      Tay vẫy về phía sau, dùng sức (nặng, mạnh),
5.      Mỗi lần tập tăng dần số lần vẫy tay.

Tập ngày 3 buổi, kiên quyết tự chữa bịnh cho mình.
1.      Sự liên quan giữa tinh thần và hiệu quả khi tập luyện: Hết lòng tin tưởng, kiên quyết tới cùng. Tập đủ số lần nhứt định, tập thường xuyên thì hiệu quả rất tốt. Nếu khi tập khi nghỉ, không đủ số lần tập nhất định, trong lòng còn nghi hoặc, bị động theo dư luận, thấy phản ứng lo sợ vội bỏ tập thì nhất định không hiệu quả.
2.      Vẫy tay có sinh ra bệnh gì không ? Có thể sinh bịnh do tư thế không đúng, làm sai nguyên tắc. Nhưng trong trường hợp này cũng hãn hữu, không tới 1%.
3.      Khi tập nên tránh đứng đầu ngọn gió cả mùa hè lẫn mùa đông.
4.      Tóm lại cần lưu tâm những điểm sau:

·        Khi tập luôn bám chặt các ngón chân vào mặt đất.
·        Thót hoặc co hậu môn thật mạnh để giữ thế “thượng hư hạ thật”.
·        Vẫy tay từ ít tới nhiều và phải đạt 1800 trở lên mới có hiệu quả.
·        Khi gặp phản ứng đừng ngại, đó là diễn biến tốt, cứ tập số lần như cũ. Khi hết phản ứng sẽ tăng số lần vẫy tay lên.
·        Giữ vững lòng tin, kiên trì quyết tâm tin tưởng, tập luyện tới cùng, chắc chắn sẽ đẩy lùi các bịnh tật ta đang mắc phải.
·        Luyện tập Dịch Cân Kinh không chỉ chữa khỏi bịnh mà còn là một phương pháp phòng bịnh rất hữu hiệu. 



























TU LIEU
THAM KHAO


Alexander Solzhenitsyn -
Đừng sống bằng dối trá
Sau đây là toàn văn của bài tiểu luận của Alexander Solzhenitsyn “Đừng Sống bằng dối trá” có lẽ là cái cuối cùng ông viết trên đất quê hương mình – trước khi Liên Xô sụp đổ – đã và lưu hành trong giới trí thức của Moscow tại thời điểm đó. Bài tiểu luận ghi ngày 12 Tháng Hai, cái ngày mà mật vụ đột nhập vào căn hộ để bắt ông. Ngày hôm sau, ông bị lưu đày sang Tây Đức.
Solzhenitsyn - 1974
“Đã có thời thậm chí rỉ tai nhau chúng ta cũng không dám! Bây giờ thì chúng ta viết và đọc sách báo chui, và thỉnh thoảng có tới Viện Khoa Học hút thuốc gặp nhau thì cũng thành thật mà phàn nàn với nhau rằng: Chúng đang giở trò gì đây? Chúng còn xỏ mũi ta tới đâu nữa? Quê hương vừa nghèo vừa điêu tàn mà chúng cứ huyênh hoang khoe nhau những thành tựu trên vũ trụ. Chúng ôm mấy cái chế độ cai trị lạc hậu và dã man, rồi thổi cho lửa nội chiến bùng lên. Chúng rút ruột để nuôi Mao Trạch Đông một cách vô tội vạ – rồi tống cổ chúng ta ra chiến trường đánh nhau với hắn, mà chúng ta phải đi. Trốn sao cho thoát? Chúng thích đưa ai ra tòa thì đưa, chúng nhốt người tỉnh táo vào nhà thương điên – chúng nó luôn giở những trò đó, còn chúng ta thì bất lực.
Mọi thứ sắp rớt xuống đáy cùng. Tinh thần chúng ta đã chết hết, còn thân xác chúng ta và cả con cái chúng ta nữa, cũng sắp bị ném vào lửa cháy rụi. Thế mà chúng ta vẫn bình chân như vại, cứ nhếch mép cười một cách tiểu nhân, và lưỡi không bị ngọng mà vẫn lúng búng trong miệng. Nhưng chúng ta biết làm gì mà ngăn nó cho được? Hay là chúng ta không đủ sức?
Chúng ta bị tước đoạt nhân tính một cách tàn bạo tới mức chỉ vì miếng cơm manh áo qua ngày thôi mà chúng ta sẵn sàng vứt bỏ mọi nguyên tắc và linh hồn của mình, mọi nỗ lực của tiền nhân và mọi cơ hội của hậu thế – miễn sao đừng đụng tới sự tồn tại mong manh của mình là được. Chúng ta không có khí phách, không có tự trọng, không có nhiệt tình. Vũ khí hạch tâm, thế chiến thứ ba chúng ta không sợ. Chúng ta đã nấp kĩ trong hang rồi. Chúng ta chỉ sợ làm người công dân có dũng khí.
Chúng ta chỉ sợ tụt lại phía sau đàn và phải bước đi một mình và đột nhiên thấy mình không có bánh mì ăn, không có lò sưởi ấm và không có một đăng ký hộ khẩu Moscow. Chúng ta đã được tuyên truyền trong các khóa học chính trị, và theo cùng một cách giống hệt nhau, đã được bồi dưỡng các ý tưởng sống yên thân, và mọi thứ sẽ tốt đẹp trong phần còn lại của cuộc đời. Bạn không thể thoát khỏi môi trường và điều kiện xã hội. Cuộc sống hàng ngày định hình ý thức. Cái đó có liên quan gì với chúng ta? Chúng ta có thể làm gì với nó?
Được chứ, được tất cả là đằng khác. Nhưng chúng ta dối lòng mình để an thân. Đừng trách bọn chúng, có trách thì trách chúng ta đi. Có người vặn hỏi: thì ông muốn nghĩ gì mà chẳng được. Chúng đã dém miệng chúng ta. Có ai chịu nghe chúng ta, có ai thèm đoái hoài chúng ta. Làm sao mà bắt chúng nghe chúng ta nói được? Không thể nào thay đổi được não trạng của chúng.
Tất nhiên là có thể đầu phiếu để loại bọn chúng, nhưng mà đất nước này làm gì có tuyển cử. Ở phương Tây người ta có bãi công và biểu tình phản đối, còn chúng ta thì bị đàn áp thẳng tay, có những cảnh mới nghĩ tới đã thấy rùng mình: ai dám thình lình bỏ việc mà xuống đường? Song le, những con đường chết chóc mà dân tộc Nga đã mò mẫm trong đau khổ suốt thế kỉ qua không phải dành cho chúng ta, mà quả thật chúng ta không cần đi lại những con đường như vậy.
Bây giờ cái rìu đã làm xong việc, hạt giống gieo xuống đã nảy mầm, chúng ta có thể thấy là những kẻ còn trẻ tuổi mà cuồng vọng, cho là có thể dùng khủng bố, cách mạng đẫm máu và nội chiến để mang lại bình đẳng và hạnh phúc cho đất nước chúng ta, chính họ là những kẻ lạc lối. Thế đủ rồi, xin cảm ơn các vị giác ngộ cách mạng tiên phong! Bây giờ chúng ta mới biết phương pháp xú uế tất sinh kết quả xú uế. Hãy để cho tay của chúng tôi trong sạch.
Cái vòng trói buộc này đã đóng chặt rồi sao? Không còn lối thoát? Và chúng ta chỉ còn một đường duy nhất thôi, là khoanh tay đợi? Đợi cho tới khi có biến? Chừng nào mỗi ngày chúng ta đều thừa nhận, ca ngợi, và nuôi dưỡng – chứ không tự mình chém phăng đi một điều không ai không thấy, là sự dối trá – thì đừng mong có chuyện gì xảy ra.
Bạo động len lỏi vào cuộc sống an bình, cái mặt nó toát ra vẻ ngạo mạn, y như đang khoác một ngọn cờ và hô to: “Bạo động đây. Tránh ra, nhường đường cho tao, không tao nghiến nát tụi bay.” Nhưng mà bạo động mau già. Rồi nó mất hết tự tín, và để giữ cho cái mặt ra vẻ khả kính nó rước thằng dối tra về làm đồng minh – vì không phải ngày nào nó cũng thò bàn tay thô bạo của nó ra được, mà thò ra được cũng bất tất chụp hết mọi người. Nó chỉ cần chúng ta ngoan ngoãn phục tùng dối trá và hàng ngày thực hành dối trá – đây chính là yếu huyệt của mọi sự trung thành.
Cái chìa khóa đơn giản nhất và dễ làm nhất mở ra cánh cửa tự do, tự do mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên, là: mỗi người cùng tẩy chay dối trá. Mặc dù dối trá che giấu tất cả, mặc dù dối trá phủ lấy tất cả, nhưng tôi tuyệt không nhúng tay.
Làm vậy tức là mở một lối thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hoang tưởng do chúng ta khoanh tay đứng nhìn mà ra. Cách đó vừa dễ làm nhất vừa tiêu diệt dối trá mau nhất. Vì rũ bỏ dối trá, tức là cắt đứt đường sống của nó. Dối trá giống như bệnh dịch, chỉ có thể sống bám vào một sinh vật.
Chúng ta không cần phải ám thị mình. Chúng ta chưa đủ già dặn để tiến vào các quảng trường mà gào lên sự thật hay biểu hiện tư tưởng của mình. Chưa tới lúc phải làm thế. Nguy hiểm nữa. Chỉ cần điều gì mình không nghĩ thì chúng ta từ chối đừng nói là được.
Đó là con đường của chúng ta, con đường dễ nhất ai cũng làm được, con đường đã chiếu cố sự hèn nhát thâm căn cố đế của chúng ta. Nó dễ hơn phương pháp công dân bất phục tùng của Gandhi xiển dương – dễ tới mức viết những lời này còn nguy hiểm hơn.
Con đường của chúng ta là tránh xa chỗ thối nát. Nếu chúng ta đừng ghép đống xương tàn và lớp vảy khô của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng ta đừng mất công vá lại mớ giẻ rách, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy là sự dối trá sẽ hóa ra bất lực và tiêu ma nhanh chóng. Lúc đó, cái gì cần lột trần mới thực phơi ra trước cả và thiên hạ.
Vì thế, dù có dè dặt, mỗi chúng ta hãy lựa cho mình: hoặc là, cam tâm làm nô lệ cho hư ngụy – tất nhiên chúng ta nuôi dưỡng con cái mình trong tinh thần dối trá không phải vì đó là bản tính của chúng ta, mà chẳng qua là để kiếm ăn nuôi gia đình – hoặc là rũ sạch mọi sự dối trá làm một người lương thiện xứng đáng được con cái và người đồng thời kính trọng.
Con đường của chúng ta là không tự nguyện ủng hộ bất kì sự dối trá nào. Khi chúng ta đã biết bản chất của hư ngụy ở đâu, thì chúng ta mỗi người sẽ biết cách nhìn ra đâu là dối, đâu là thật.
Và từ đó trở đi chúng ta sẽ:
·              bằng mọi cách không viết, kí, hay in một lời nào chúng ta cho là bóp méo sự thật;
·              không nói những lời như thế, dù là nói chuyện riêng hay nói trước đông người, tự ý mình hay theo ý người khác, dù làm công tác cỗ vũ, dạy học, giáo dục hay đóng trò trên sân khấu;
·              không mô tả, cổ vũ, hay truyền đi một ý tưởng nào chúng ta thấy rõ ràng là sai hay bóp méo sự thật, dù bằng hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc;
·              không trích lời người khác nói hoặc viết mà không đặt lời trích vào ngữ cảnh, để lấy lòng ai đó, hay để lót đường cho mình, hay để thành công trong công việc nếu mình không hoàn toàn đồng ý với ý tưởng trích dẫn, hoặc nếu ý trích dẫn đó không phản ánh chân thực bản chất vấn đề;
·              không để cho mình bị ép phải dự những cuộc biểu dương hay hội họp nào trái với sở thích hay ý nguyện mình, không cầm hoặc giương lên những tiêu ngữ hay biểu ngữ nào mình không hoàn toàn chấp nhận;
·              không giơ tay biểu đồng tình cho một đề xuất mà ta không thành thật tán đồng, không bầu cho người mình cho không xứng đáng hay đáng ngờ về tài năng, dù bầu công khai hay bí mật;
·              không để cho mình bị lôi tới những cuộc họp mà mình đoán người ta sẽ bức mình thảo luận hoặc bóp méo một vấn đề;
·              lập tức bước ra khỏi những cuộc họp, hội nghị, thuyết trình, biểu diễn, chiếu phim nếu nghe thấy diễn giả nói láo, rêu rao những rác rưởi ý thức hệ, hoặc những lời tuyên truyền lố bịch;
·              không đóng góp hoặc mua những báo chí bóp méo thông tin hoặc giấu giếm những sự thật hiển nhiên.
Tất nhiên là chúng ta chưa liệt kê hết mọi biến thái hư ngụy cần phải liệt kê. Nhưng người nào thanh luyện mình sẽ nhờ lương tâm trong sạch mà phân biệt được chân ngụy.
Những người chọn con đường này ban đầu cuộc sống sẽ rất thay đổi. Có người bị mất việc. Những người trẻ muốn sống chân thật, thì những việc như thế này sẽ làm cho đời thanh xuân của họ ra phức tạp, vì khóa học bắt buộc nào cũng nhét toàn dối trá, không thể không chọn lọc.
Nhưng không có lối đi nào dễ dãi hơn cho người muốn làm người lương thiện. Ngày nào chúng ta cũng có người phải đối diện ít nhất là một trong những tình huống trên, cho dù là trong những ngành khoa học kĩ thuật vô thưởng vô phạt dễ tìm được chỗ nương náu nhất. Hoặc là chân thật, hoặc là hư ngụy: một đường đi tới tự do tinh thần, một đường đi tới nô lệ tinh thần.
Còn những kẻ không đủ dũng khí bảo vệ linh hồn mình– các người chớ vin vào mấy quan điểm ‘tiến bộ’ của mình mà kiêu ngạo, chớ huyênh hoang mình là hàn lâm học sĩ, là nghệ sĩ nhân dân, là yếu nhân có nhiều công trạng, hay là đại tướng – các người hãy tự nói với mình: Mình thà ở lại đàn làm một thằng hèn. Sao cũng được, miễn no bụng ấm lưng thì thôi.
Lối phản kháng này tuy nhu nhược nhất trong mọi lối phản kháng cũng không phải là dễ. Tất nhiên là dễ hơn tự thiêu hay tuyệt thực: lửa sẽ không dìm thân anh, mắt anh không bị nung cho nổ ra, và gia đình anh sẽ không lúc nào thiếu cơm ăn nước uống.
Một dân tộc vĩ đại ở châu Âu, dân Tiệp Khắc, họ bị chúng ta phản bội và lừa dối, chẳng là họ đã cho chúng ta thấy nếu trong lồng ngực có một trái tim cao thượng thì tấm ngực mỏng manh kia có thể đứng lên chống lại xe thiết giáp đấy sao?
Anh bảo làm thế không dễ? Nhưng trong mọi cách thì cách đó là dễ nhất. Cách đó có thể nguy tới tánh mạng, nhưng muốn cứu linh hồn thì không còn cách nào khác. Phải, con đường đó không phải là con đường dễ đi. Nhưng mà có nhiều người, rất nhiều nữa là khác, năm này qua năm nọ đã theo đuổi lí tưởng ấy, chỉ vì họ lấy chân thật làm lẽ sống.
Cho nên anh không phải là người đầu tiên chọn đi đường này, anh chỉ gia nhập dòng người đã dấn thân vào đó. Nếu chúng ta nâng đỡ nhau và sát cánh nhau thì con đường này sẽ dễ đi và ngắn bớt lại. Nếu chúng ta đông tới hàng ngàn người thì bọn chúng sẽ không làm gì được chúng ta. Nếu chúng ta lên tới hàng vạn người thì đất nước này sẽ khoác bộ mặt mới đến mức chúng ta không còn nhận ra nữa. Nếu chúng ta khiếp nhược quá, thì đừng trách người ta đàn áp mình mãi.
Chính chúng ta đang tự mình đàn áp mình đấy. Lúc đó thì hãy khom lưng xuống nữa, hãy rên xiết nữa, và đợi tới ngày những người anh em của chúng ta, các nhà sinh học, tìm ra cách đọc được tư tưởng của chúng ta, một thứ tư tưởng vô giá trị và tuyệt vọng.
Và nếu thậm chí đã chọn con đường yên thân mà chúng ta vẫn rơi vào chỗ cùng khốn, thì chúng ta đúng là đồ bỏ đi, không còn cách gì cứu vớt được. Lúc đó, chúng ta đáng dành cho những lời khinh bỉ này của Pushkin:
“Đồ súc sinh thì làm gì có tự do. Muôn đời di sản của nó chỉ là ách nặng và roi vọt.”
--------
Alexander Solzhenitsyn, 18/2/1974


Phân tích tâm lý các nhân vật quyền lực từ Castro tới Sadam.
Tác giả: Dave Gilson
Người dịch: Trần Văn Minh
11-2-2015
H1
Họ đang nghĩ gì?
Tuần trước, báo Politico và USA Today cho biết về một nghiên cứu bí mật năm 2008 của Ngũ Giác Đài kết luận rằng, cá tính định hình của Tổng thống Nga Vladimir Putin là … tự kỷ. Dự án của The Office of Net Assessment’s Body Leads (xem xét cử chỉ của Phòng Thẩm định Giá trị – một bộ phận nghiên cứu giữ vai trò cố vấn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) khẳng định rằng, sau nhiều giờ xem xét kỹ lưỡng hình ảnh của ông Putin, tiết lộ “Tổng thống Nga mang một trạng thái thần kinh bất thường… được các nhà thần kinh học xác định là hội chứng Asperger, một loại rối loạn tự kỷ, điều đã ảnh hưởng đến tất cả các quyết định của ông ta”.
Phát ngôn viên của Putin đã bác bỏ thông tin đó, cho là “ngu dốt không đáng để bình luận”. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng tình báo cố gắng để phân tích từ xa các nhà lãnh đạo nước ngoài cho các chính trị gia và các nhà ngoại giao Mỹ. CIA đã có một lịch sử lâu dài tạo dựng hồ sơ tâm lý và chính trị của các khuôn mặt quốc tế, với mức độ chi tiết và chính xác khác nhau. Sau đây là một ví dụ của những nỗ lực để đọc suy nghĩ của những người đứng đầu nhà nước:
Adolf Hitler
H1Adolf Hitler (hình trên, ở giữa), là một thương binh trong Đệ Nhất Thế chiến (Hình: OSS/Coenell)
Năm 1943, Cục Tình báo Chiến lược, tiền thân của CIA thời kỳ Đệ Nhị Thế chiến, đã chỉ thị hạ sĩ Henry A. Murray, thuộc bệnh viện Tâm lý Harvard, thẩm định cá tính của Hitler dựa trên những quan sát từ xa.
Kết quả: Trong một bản thẩm định không kiêng nể, dài 240 trang, Murray và đồng nghiệp kết luận rằng Hitler là một người thiếu tự tin, suy nhược, bạo dâm và tự kiêu, thần kinh nguy hiểm, người tự xem mình như “kẻ hủy diệt lương tâm Do Thái giáo cổ”. Ngoài ra:
Có chút bất đồng giữa các nhà chuyên môn, hoặc thậm chí trong số các nhà tâm lý nghiệp dư rằng cá tính của Hitler là một ví dụ của hình loại đối nghịch, một loại được đánh dấu bởi những cố gắng cật lực và bướng bỉnh (i) để khắc phục các khuyết tật, sự yếu kém và bị nhục mạ (tổn thương đến lòng tự trọng) từ thời trẻ, và đôi khi cũng bởi những cố gắng (ii) để trả thù sự tổn thương và xúc phạm đến niềm tự hào.
Bản nhận định nói rằng Hitler bị chứng “hysterical blindness” (rối loạn thần kinhh gây ra mất thị giác, xúc giác hay lê liệt trong khoảng thời gian ngắn) khi ông là một người lính trong Đệ Nhất Thế chiến. “Bệnh tâm thần này liên quan tới sự thất bại cuối cùng của Mẫu Quốc Đức, và chính ngay sau khi nghe tin về sự đầu hàng của Đức, ông đã có viễn kiến về phận sự làm vị cứu tinh. Đột nhiên thị giác của ông được phục hồi” (Xem hình ở trên). Bản nhận định tiếp tục:
Về vấn đề tình dục, ông là một người mắc chứng tình dục bạo lực cực điểm… Ảo giác tình dục bí mật được che giấu lâu dài của Hitler đã bị phơi bày từ các phân tích có hệ thống và mối tương quan của khoảng ba ngàn ẩn dụ ông dùng trong Mein Kampf [Sự phấn đấu của tôi] …  như thế - Chính là Hitler bất lực. [nhấn mạnh từ nguyên bản của Dr. Henry Murray] Ông chưa lập gia đình và các người quen cũ của ông nói rằng ông không có khả năng thực hiện các hành vi tình dục một cách bình thường.
Hồ sơ cá nhân dự đoán tám kết cuộc có thể xảy ra cho Hitler, bao gồm bị điên loạn, hy sinh thân mình trong trận chiến, trù liệu để bị giết bởi một sát thủ người Do Thái và tự tử: “Hitler đã thề rằng ông sẽ tự tử nếu kế hoạch của ông bị thất bại, nhưng nếu ông chọn giải pháp này, ông sẽ làm điều đó vào phút chót và theo một cách gây xúc động nhất có thể … Đối với chúng tôi điều này sẽ là một kết quả ngoài mong muốn”.
Hồ Chí Minh
Stralsund, Ho Chi Minh mit Matrosen der NVAHồ Chí Minh cùng với các thủy thủ Đông Đức (Bundesarchiv/Wikimedia Commons)
CIA đã nghiên cứu nhà lãnh đạo Việt Nam và cách mạng trong thập niên 1950.
Kết quả: Báo cáo vẫn thuộc diện tài liệu mật, nhưng một bài viết năm 1994 của Thomas Omestad trên tạp chí Forein Policy (không có trên mạng internet) trích dẫn lời một thủy quân lục chiến về hưu, là người đã nhìn thấy báo cáo này trong khi làm việc cho cơ quan tình báo. Nguồn tin này nói với Omestad rằng, CIA hiểu sai động cơ chính trị và mục tiêu của ông Hồ. Một sản phẩm của Chiến tranh lạnh, hồ sơ “phóng đại chủ nghĩa Mác của ông Hồ và đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc hăng say của ông”.
Nikita Khrushchev
Õðóùåâ Í.Ñ. è Êåííåäè Ä.Ô. â Àâñòðèè (1962 ã.)Nikita Khrushchev và John F. Kennedy tại Vienna, 1961 TASS/ZUMA
CIA thu thập hồ sơ về Thủ tướng Liên Xô trước cuộc họp của ông năm 1961 với Tổng thống John F. Kennedy ở Vienna. Đọc kỹ về đối thủ của ông, làm JFK chú tâm đến hồ sơ điều tra cá nhân của CIA, nhất là “bí mật dâm ô của các nhà lãnh đạo ngoại quốc”, theo nhà sử học Michael Beschloss. Liên Xô cũng điều tra Kennedy cho Khrushchev, mô tả ông là một người “thực dụng điển hình”, có “‘chủ nghĩa tự do’ khá tương đối”.
Kết quả: CIA miêu tả Khrushchev như là “một nông dân thô lỗ, kẻ thích là người khó đoán và hai mặt”, Gunter Bischof và Martin Kofler đã viết trong một cuốn sách về hội nghị thượng đỉnh. Hồ sơ mô tả ông như sau:
Một người đóng kịch thái quá, ông đôi khi minh họa quan điểm với cách thức thô thiển nhất của sự hài hước quê mùa, Khrushchev thỉnh thoảng được khen là người có phẩm giá đáng kể. Ông có một khả năng thực sự khác thường để phô diễn quyền lực từ cá tính mạnh mẽ của riêng ông…
Ông ta nhạy cảm một cách bất thường về sự bất kính, thật hay tưởng tượng, trực tiếp hoặc suy ra – đối với ông, niềm tin chính trị, hay quốc gia của ông, tất cả những điều đó ông coi như nhiều hoặc ít thay thế cho nhau được…
Có khả năng về sự thẳng thắn bất thường, và trong đôi mắt của ông, không thể nghi ngờ một sự trung thực bất thường, Khrushchev cũng có thể thỉnh thoảng là một tay bài bạc và một chuyên gia giả dối trong việc suy đoán sự lừa gạt. Thường khó có thể phân biệt được khi nào Khruschev, trong đôi mắt của chính ông, bày tỏ niềm tin thực sự và khi nào ông giả dối…
Cũng là điều khó khăn với Khrushchev để phân biệt sự giận dữ của ông là thật hay giả vờ … Ông ít có khả năng che giấu sự nóng giận khủng khiếp của mình khi mệt mỏi …
Fidel Castro
President of Cuba Fidel Castro 1926 -Fidel Castro, tìm kiếm sự “tung hô của quần chúng”, ảnh Ketstone USA/Zuma
Kết quả: Fidel Castro không “điên rồ”, nhưng ông ta có một tâm lý mất ổn định và thần kinh nhạy cảm nên dễ bị tổn thương đối với một số loại áp lực tâm lý. Các yếu tố thần kinh nổi bật trong tâm lý của ông là cơn khát quyền lực và sự cần thiết có được quần chúng công nhận và tung hô…
Castro có một nhu cầu thường xuyên về nổi loạn, tìm kiếm một kẻ thù, và để mở rộng quyền lực cá nhân của mình bằng cách lật đổ chính quyền hiện tại. Bất cứ khi nào quan điểm riêng của ông bị phá rối bởi những lời chỉ trích, ông trở nên mất cân bằng về cảm xúc đến mức mất đi phần nào sự tiếp cận với thực tế…
Sự ích kỷ của Castro là gót chân Asin của ông.
Menachem Begin và Anwar Sadat
H1Menachem Begin, Jimmy Carter và Anwar Sadat tại Camp David, 1978 / CIA
Trước cuộc hội đàm tại Camp David năm 1978, Tổng thống Jimmy Carter yêu cầu CIA giúp ông chuẩn bị hồ sơ tâm lý của Thủ tướng Israel Begin và Tổng thống Ai Cập Sadat. Sau hội nghị thượng đỉnh, Carter đã khen ngợi cơ quan gián điệp về hồ sơ này: “Sau khi trải qua 13 ngày với hai ông thủ trưởng, tôi không thay đổi một chữ”.
Kết quả: Sadat là một anh chàng có cái nhìn tổng quát và Begin để ý đến chi tiết, nhưng cả hai đều sẵn sàng đàm phán. CIA tường trình rằng:
Sự tự tin và đánh giá đặc biệt về mình của Sadat đã góp phần trong việc phát triển chính sách đối ngoại sáng tạo của ông, như ông có sự linh hoạt và khả năng để bước ra khỏi văn hóa đóng kín của thế giới Ả Rập. Ông tự coi mình là một nhà chiến lược vĩ đại và sẽ nhượng bộ chiến thuật nếu ông được thuyết phục rằng các mục tiêu tổng thể của mình sẽ được đạt tới… Sự tự tin của ông đã cho phép ông thực hiện các sáng kiến táo bạo, [ông] thường bỏ ngoài tai các phản đối của cố vấn.
Hồ sơ mô tả sự thèm muốn của Sadat trước ánh đèn sân khấu như là “hội chứng Barbara Walters” của ông và “mặc cảm Giải thưởng Nobel Hòa bình”. Mặt khác, theo lời kể của Jerrold M. Post, là bác sĩ tâm thần đã thành lập bộ phận điều tra cá nhân của CIA, Begin được đánh dấu bởi sự thiên vị của ông về “tính chính xác và hợp pháp”. Hồ sơ CIA của ông lưu ý rằng “Begin tin rằng các cuộc họp mặt-đối-mặt giữa các nhà lãnh đạo thế giới có thể mang lại những thay đổi trong cách tiếp cận đối với các vấn đề quốc tế phức tạp và như thể khó lường”.
Moammar Qaddafi
Muammar Gaddafi 1942 – 2011 Libyan LeaderMoammar Qaddafi Donatella Giagnori/Eidon Press/ZUMA
Vào đầu thập niên 1980, CIA đã cố gắng tìm hiểu về người hùng Libya, là người có các hành động bất thường làm cho chính quyền Reagan lo lắng.
Kết quả: Bob Woodward trích dẫn nghiên cứu trong Veil, cuốn sách của ông về CIA, rằng:
Trái với ý nghĩ thông thường, Qaddafi không bị bệnh tâm thần, và đa phần gần gũi với thực tế… Qaddafi được đánh giá là bị tác động từ sự xáo trộn tâm lý nghiêm trọng – một “rối loạn tâm lý gần mức trầm trọng”… Trong trường hợp căng thẳng nặng, ông ta có hành vi kỳ quái do sự phán đoán của ông bị lầm lạc.
Một hồ sơ CIA tiếp theo về nhà lãnh đạo Libya, Woodward viết, nối kết hành vi của ông với “thời kỳ đang hoặc sắp hồi xuân”.
(Thông tin thú vị: Sau khi nhận ra rằng Tổng thống Ronald Reagan không phải là một người thích đọc sách, CIA trình lên cho ông hồ sơ các lãnh đạo bằng video với thuyết minh và âm nhạc).
Saddam Hussein
Iraqi Dictator Saddam Hussein 1937 - 2006Saddam Hussein ảnh KEYSTONE USA/ZUMA
Năm 1990, Jerrold Post, người sáng lập của Trung tâm hiện nay không còn tồn tại của CIA cho các phân tích về cá tính và hành vi chính trị, đã đưa “một hồ sơ tâm lý chính trị toàn diện” của Saddam cho Ủy ban Quân vụ Hạ viện.
Kết quả:
Nhãn hiệu “người điên của Trung Đông” và “kẻ hoang tưởng” thường gắn liền với Saddam, nhưng trong thực tế không có bằng chứng rằng ông đang bị chứng rối loạn tâm thần.
Sự theo đuổi quyền lực của Saddam cho bản thân ông ta và Iraq là vô hạn. Thực ra, trong tâm trí của ông, số phận của Saddam và Iraq là một và không thể phân biệt… Trong việc theo đuổi giấc mơ thiên sứ, không thấy có bằng chứng ông bị lương tâm kềm chế; lòng trung thành duy nhất của ông là dành cho Saddam Hussein. Trong khi theo đuổi mục tiêu của mình, Saddam sử dụng sự xâm lăng như phương tiện. Ông dùng bất cứ quyền lực cần thiết nào, và sẽ, nếu xét thấy thuận tiện, đi đến cực điểm của bạo lực, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt…
Trong khi Hussein không bị bệnh tâm thần, ông có khuynh định hướng hoang tưởng mạnh mẽ…
Saddam không có mong muốn trở thành một người tử đạo và sống còn là ưu tiên số một của ông. Một người thực tiễn cách mạng tự xưng, ông không muốn một cuộc xung đột để Iraq bị tàn phá nặng nề và hình ảnh lãnh đạo của ông bị hủy diệt… Saddam sẽ không đi xuống hầm lửa cuối cùng nếu ông có một lối thoát, nhưng ông ta có thể cực kỳ nguy hiểm và sẽ không dừng lại trước bất cứ sự gì nếu ông bị dồn vào đường cùng.
Jean-Bertrand Aristide
Exiled Aristide in the United StatesJean-Bertrand Aristide Peggy Peattie/ZUMA
Năm 1991, CIA đã lập một hồ sơ tâm lý bí mật của Tổng thống Haiti, người vừa bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Khi chính quyền Clinton chuẩn bị khôi phục chức vụ cho ông vào năm 1994, cơ quan [CIA] trình hồ sơ này lên các thành viên của Quốc hội, gây ra một chiến dịch rút lại sự hỗ trợ của Mỹ cho nhà lãnh đạo lưu vong.
Kết quả: Theo hồ sơ, Aristide bị chứng trầm cảm vui buồn bất thường, đã tìm cách điều trị tại một bệnh viện ở Montreal đầu thập niên 80, và đang uống một loại thuốc mạnh chống loạn thần kinh. CIA cũng khẳng định Aristide dễ đi đến bạo lực và có thể tìm cách tiêu diệt đối thủ chính trị khi ông trở lại nắm quyền.
Dựa trên tuyên bố của CIA, Thượng nghị sĩ Jesse Helms (Cộng Hòa-bang North Carolina) công khai tấn công Aristide như một “kẻ tâm thần” và “một kẻ giết người chính hiệu”. Tuy nhiên, bệnh viện được đề cập cho biết ông chưa bao giờ là một bệnh nhân, và Aristide phủ nhận việc ông đang dùng thuốc thần kinh. “Họ nói những điều tồi tệ hơn về Martin Luther King”, ông lưu ý. “Là một nhà tâm lý học, tôi biết về sự ám sát nhân cách và về chiến tranh tâm lý.”
Duyệt xét các chương trong tạp chí Foreign Policy, Thomas Omestad kết luận rằng đó là một vết đen đối với uy tín của cơ quan [CIA] trong việc điều tra cá nhân từ xa: “Nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục đòi hỏi hồ sơ điều tra cá nhân, họ cũng phải yêu cầu CIA làm cho đúng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét