Nguyễn Bá Thanh: "Cả đời chưa nhìn thấy Chính phủ bao giờ"
15/02/2015 19:00
Sau ngày nhậm chức chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, biết tin Chính phủ có cuộc làm việc với một số tỉnh trong đó có Quảng Nam - Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh gợi ý xin một suất dự họp.
Anh gợi ý với lãnh đạo tỉnh:
- Các anh xin cho Đà Nẵng một suất dự họp được không?
- Nhưng đây là việc của cấp tỉnh. Bí thư Mai Thúc Lân trả lời.
- Thì anh cứ thử xin để anh em một lần cho biết Chính phủ. Cả đời người chưa nhìn thấy Chính phủ bao giờ.
- Cậu nhiêu khê quá.
Những tưởng gợi ý khó được chấp nhận, nhưng gần đến ngày họp, Nguyễn Bá Thanh có tên trong đoàn của tỉnh, anh được phân công phát biểu mười lăm phút về tình hình Đà Nẵng.
Nói chưa đã thèm
Ra Hà Nội lần này, trong lòng Bá Thanh xốn xang với những trăn trở buồn vui.
Kỷ niệm những năm học tập trên đất Bắc ập đến với anh, nhưng anh không có thời gian để ra Đông Triều thăm lại ngôi trường cũ thời phổ thông cũng như sang Trâu Quỳ - nơi có Trường đại học Nông nghiệp mà anh từng học.
Anh phải tập trung suy nghĩ để trong mười lăm phút ngắn ngủi phải nói ra được những điều cốt lõi nhất, gây được ấn tượng nhất cho cử tọa.Đây là cuộc họp do đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì. Đối với một vị lãnh đạo biết lắng nghe và quyết đoán này, anh không thể bỏ lỡ cơ hội.
Khi được giới thiệu phát biểu, Bá Thanh dù đã chuẩn bị kỹ nhưng cũng bị lố thời gian.
Khi hết mười lăm phút, cán bộ văn phòng Chính phủ nắm áo anh giật mấy lần, nhưng anh vẫn cố trình bày cho hết ý kiến sang đến phút thứ mười tám. Đến giờ giải lao Thủ tướng đến chỗ Bá Thanh:
- Cậu phát biểu thế đã hết ý chưa?
- Thưa anh, mới nói được mấy ý chính thôi, chưa đã thèm tí nào. Nếu Thủ tướng cho một ngày thì nói mới đã.
Thủ tướng vỗ nhẹ vào vai Bá Thanh:
- Cậu về suy nghĩ thật chín đi. Sẽ có lúc để cậu nói cho đã thèm.
Nguyễn Bá Thanh suy nghĩ hướng đột phá của Đà Nẵng là cái gì. Làm việc gì trước, việc gì sau.
Chỉ một việc mở rộng đường Quang Trung mới đụng đến những cây xà cừ, vốn là loại cây không thích hợp trồng trên phố vì rễ nổi, thân to phá vỡ vỉa hè, mùa mưa bão lại dễ đổ vậy mà báo chí đã phản đối “xa rồi, xà cừ ơi...” thống thiết.
Các đoàn thể xã hội, các bậc lão thành đã kiến nghị không được đụng đến hàng cây lâu năm này. Không đụng vào hàng cây xà cừ thì làm sao mở rộng đường? Những bài toán không phải dễ giải.
Và còn cả chục, cả trăm bài toán như vậy nữa.
Bá Thanh vừa suy nghĩ, tính toán chuẩn bị cho buổi gặp Thủ tướng vừa nóng lòng chờ cuộc điện thoại từ văn phòng chính phủ. Mấy tháng trời trôi qua chưa có chuông reo.
Một ngày được nói cho đã, nhưng đó là ngày nào? Hai phần ba đời người là chờ đợi. Bá Thanh cũng không thể nằm ngoài cái hai phần ba ấy.
Người dân Đà Nẵng đau đớn khi đến viếng đám tang ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh: Lê Trung
Rồi cuộc điện thoại từ văn phòng chính phủ đến. Bá Thanh cùng bốn người đứng đầu các thành phố trực thuộc tỉnh được triệu tập vào TP.HCM gặp Thủ tướng.
Đà Nẵng được Thủ tướng cho phép trình bày một ngày. Bá Thanh đã cố gắng để trong quỹ thời gian đó nói lên được hết những suy nghĩ của mình.
Đà Nẵng trình bày sau cùng. Đến lượt, Thủ tướng hỏi anh:
- Bây giờ nói chuyện ngoài lề trước khi vào chuyện chính. “Ông thị trưởng” hãy nói một câu thôi về Đà Nẵng.
Bá Thanh trả lời ngay, tuy anh chưa chuẩn bị cho tình huống này.
- Thưa Thủ tướng, nếu một câu tôi xin nói từ khi có Đà Nẵng cho đến ngày giải phóng chưa bao giờ đô thị này trực thuộc cấp tỉnh.
Thủ tướng bỏ kính ra, thong thả nói:
- Ông có thể nói thêm vài câu nữa chi tiết hơn.
- Thưa, Đà Nẵng từ ngày thành lập là nhượng địa của Pháp, khi Pháp rút đi giao lại cho chính quyền Sài Gòn, lúc nào nó cũng trực thuộc trung ương.
Hiện nay ta đặt cho nó mặc cái áo ngang cấp huyện, không thể nào phát triển được.
Điều này dễ nhận ra, nhưng đã hai mươi năm rồi mà không thay đổi được.
Việc nó bê trệ, ì ạch như vậy tại sao chẳng ai coi là lạ cả.
- Ông có thể nói một câu nữa về tình hình kinh tế xã hội Đà Nẵng bây giờ.
Nguyễn Bá Thanh có chuẩn bị câu này, nhưng anh chưa nói ngay, xin phép Thủ tướng uống hết ly nước.
- Hải Phòng và Đà Nẵng là hai thành phố cảng, có tiềm năng kinh tế gần như nhau.
Nhưng toàn bộ kinh phí của Đà Nẵng chưa bằng kinh phí của công ty vệ sinh Hải Phòng.
Thưa Thủ tướng đó là bức tranh sinh động về thực trạng kinh tế xã hội của Đà Nẵng…
- Đó là một chi tiết có sức sống, sẽ kiểm tra độ chính xác. Bây giờ ông hãy trình bày rõ ràng những điều ông chuẩn bị.
Thời gian là một ngày đó nghe. Ông không cần phải đứng như vậy, cứ ngồi xuống cho thoải mái.
Bá Thanh biết lúc này mình không nên vội vàng.
Anh ngồi lại ngay ngắn rồi theo đề cương đã chuẩn bị mấy tháng nay, thong thả trình bày tất cả những điều về thành phố của anh, những đặc điểm địa lý, lịch sử của nó.
Cái nó đã làm được và đặc biệt cái nó chưa làm được cùng với những giải pháp đưa nó tiến lên rõ ràng, cụ thể.
Nhìn thái độ của những người nghe đặc biệt là sự chú ý lắng nghe của Thủ tướng, Bá Thanh biết phần trình bày của anh suốt trong một ngày có sức thuyết phục.
Bá Thanh hiểu rằng được gặp Thủ tướng lần này là một cơ hội hiếm hoi, anh đã cố gắng để đạt những điều không chỉ riêng anh mà cả những người tâm huyết với thành phố mong muốn.
Nhưng đó cũng chỉ là những đề xuất, trình bày còn nó có được lắng nghe và chấp nhận hay không, có được biến thành các chủ trương, nghị quyết của lãnh đạo hay không là câu chuyện khác, phải kiên trì chờ đợi và tiếp tục thuyết phục.
Dù sao những điều bức xúc của Đà Nẵng đã đến chính phủ…
Bài toán mở rộng đường Quang Trung
Máy bay hạ cánh, lăn chậm trên đường băng sân bay Đà Nẵng do quân đội Mỹ xây dựng.
Là sân bay lớn ở nước ta, máy bay B52 có thể hạ cánh được trong tình trạng khẩn cấp. Hai chục năm qua cảnh trí của nó vẫn vậy, chẳng có thay đổi gì.
Bá Thanh nhìn thấy những đàn bò gặm cỏ ngay sát hàng rào đường băng và tự đặt câu trả hỏi không biết có lúc nào nó nhảy rào vào đường băng không?
Những đàn bò đó góp phần cung cấp thịt cho thành phố, ăn thứ cỏ mà mười năm sau người Mỹ phải bỏ ra hàng chục triệu đôla để khử chất dioxin độc hại trong sân bay.
Bá Thanh cũng không biết rằng người chăn dắt đàn bò đó là nhà thơ Tô Như Châu, người sáng tác bài thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội”, vốn là nhân viên kỹ thuật của sân bay dưới chế độ cũ, người chưa từng ra Hà Nội.
Sau này một nhà thơ có nói cho Bá Thanh biết điều đó, khi hỏi thăm thì Tô Như Châu đã mất vì xơ gan mấy năm trước.
Cảnh xơ xác của sân bay cũng là một biểu tượng cho sự trì trệ của Đà Nẵng.
Chánh văn phòng Ủy ban ra đón anh, vừa ngồi vào ghế anh ta nói:
- Thưa anh về văn phòng em sẽ báo cáo một việc quan trọng.
- Thì cậu cứ báo ngay đi, cần gì phải về đến văn phòng.
Người Chánh văn phòng báo cáo với Bá Thanh việc mở rộng đường Quang Trung, một trong những con đường đẹp của thành phố, có những hàng xà cừ cổ thụ hàng trăm năm. T
heo thiết kế phải chặt bỏ những cây xà cừ cổ thụ mới mở rộng được đường.
Vừa mới thi công thì dư luận đã nhao nhao phản đối. Báo chí có nhiều bài thương khóc những cây xà cừ nghe rất não lòng.
Nhiều người thuộc phái “xà cừ cực đoan” cho việc mở rộng đường Quang Trung là phá mất vẻ cổ kính của thành phố, hạ xà cừ xuống là triệt hạ những ký ức trăm năm.
Vài bài báo giật tít lớn: "Xà cừ ơi xà cừ…" thống thiết. Đã có cả chục kiến nghị của người dân muốn thành phố ngừng thi công mở rộng đường.
Theo Chánh văn phòng mấy ngày nay người ta bàn tán về đường Quang Trung như một sự kiện nổi cộm của thành phố.
Từ sân bay về rồi ngồi ở văn phòng thêm một giờ nữa, Bá Thanh muốn nghe hết câu chuyện con đường. Khi người Chánh văn phòng dừng lại để xin ý kiến, Bá Thanh nói:
- Cậu hỏi xem bên thiết kế giao thông có thể mở rộng thêm mỗi bên hai mét nữa được không?
- Báo cáo anh mới mở từng ấy người ta đã kêu râm trời rồi, mở thêm nữa thì chưa biết còn thế nào nữa.
Bá Thanh đang cầm tập hồ sơ đặt xuống bàn:
- Thì trước sau người ta cũng kêu, nhân đây mình làm luôn một lần để sau này khỏi phải mở rộng lần nữa.
Cậu sang ngay chỗ thiết kế đi. Sáng mai phải báo cáo để tôi biết, không được chậm trễ thêm.
Lúc đó có điện thoại của Bí thư Lân: Cậu đã thấy Chính phủ chưa ? - Dạ thưa anh, thấy rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét